Nợ đời

Mưa xuân nhè nhẹ, những hạt mưa li ti như những hạt bụi đan cài vào nhau. sáng nay bà Thao dậy sớm, cả đêm bà thao thức không sao ngủ được, hết trằn mình quay trái, rồi quay phải, chiếc giường mọt cũng chẳng còn kêu kẽo kẹt nhiều vì cái tấm thân nhỏ thó của bà lão chín mươi toàn da bọc xương. Đêm cô tịch chỉ có tiếng muỗi vo ve và những con chuột đói đuổi nhau kêu lích chích, bà thở dài thườn thượt. đúng tại cái số kiếp cả đời đầu tắt mặt tối một thân một mình ngược xuôi nuôi con khôn lớn vậy mà… ?

Bà sinh được năm đứa con cả thảy, trai có gái có nhưng đến già chúng bỏ mặc,

quanh năm cũng không mấy khi về với mẹ, để thân già gần đất xa trời ngày lại ngày lủi thủi sờ cóc móc ngóe một thân một mình. 

Ngoài hội trường, tiếng hát tiếng cười véo von, tiếng gọi nhau ý ới, chẳng là hôm nay làng tổ chức chúc thọ, bà cũng là một trong số ấy. Ngày tết nhà nhà con cháu dù đi làm ăn xa mấy cũng tranh thủ ngày xum họp đoàn viên, bà vô phúc chẳng có đứa nào về, mà chúng có ở đâu xa, chỉ quanh quanh cái bẹn tre làng. Bà tủi thân rấm rứt, tiếng khóc không bật được ra, chỉ còn ư ứ trong cổ như tiếng mèo hen, nước mắt cũng chẳng còn để lách qua kẽ, cái mắt tèm nhèm mờ mờ xa xăm. Run run mặc chiếc áo dài còn mới nếp dù đã dùng tới vài chục năm. Mấy nhánh cau mời làng bà nhờ lũ trẻ  hàng xóm tẽ ở ngoài vườn hôm trước tết cùng mấy lá trầu mới hái đêm qua được xếp ngay ngắn trong cơi đồng  có lẽ nó là thứ chung thủy nhất của bà từ xưa đến nay. 

Gần tám giờ sáng con Mậu lấy chồng làng bên chợt nhớ tất tưởi chạy về, từ xa tiếng nó oang oang.

– Ơ u đã chuẩn bị cái gì ra làng chưa 

– Tao thì có gì ngoài cái khung xương không ai thèm nhặt

 – U toàn nói tiêu cực nào, u còn sống lâu

– Sống để chịu trời đày hở 

– U nói gì vậy, ai đày u, người ngoài nghe thấy họ cười cho

– Ôi dào tao nghe cười quen rồi

Bà im lặng, con Mậu đỡ tay mẹ đưa ra hội trường. Mưa lây phây, những hạt mưa nhỏ nhoi tưởng chẳng làm gì được ai  vậy mà với bà sao nó trĩu nặng đến thế, những hạt mưa rơi lên tấm lưng già càng làm cho cái lưng vốn dĩ thường nhật gẫy gục nay càng gục thêm. Bà lẩm nhẩm đúng là số kiếp … 

Bà Thao không phải gái làng, quê đẻ cách một cánh đồng, ngày trẻ cô Thao được mệnh danh là xinh xắn hoạt bát nhất làng, cũng có không ít chàng trai phải ngơ ngẩn ngó dòm, nhưng mà cái duyên cái số thế nào bà lại chẳng lấy ai, rồi bà gặp ông trong những ngày chạy chợ kiếm ăn xa. họ lấy nhau trong sự chứng kiến của bạn bè hàng chợ.

Ngày vui chưa tày gang tấc bà tùn tũn sinh con. Phải cái bà mắn đẻ nên cứ sòn đô sòn, Nhưng trời không chiều lòng, cái này dễ thì cái khác phải mất, Ông Si chồng bà tự dưng đổ bệnh lúc tỉnh lúc mê, điên điên khùng khùng thế là vừa đầu tắt mặt tối chạy chợ nuôi con vừa kiếm thuốc thang chăm chồng. 

Một buổi đang bán hàng cùng chị em bạn, người nhà nhắn sang ông Si trong lúc lên cơn đã cầm dao chém chết thằng Tám em ruột bà. Bà như trời chồng sét nổ ngang tai. Quăng hết quang gánh hàng họ, vượt qua vùng tề bà như điên như dại chạy mấy chục cây số về làng, nhìn xác đứa em trai yêu quý sõng sượt mềm oặt bà chết giấc không còn biết gì, khi tỉnh lại thì làng đã làm ma đưa nó ra đồng. Bà như người mộng du bỏ bữa tới vài ngày. Được cái làng nước bạn bè cũng thương nên mọi người xúm vào động viên bà hãy vì đàn con trứng gà trứng vịt mà cố. Số tiền hôm bà vất lại để về làng được chị em bạn chợ kiểm lại rồi gửi cho bà không thiếu một chinh. Thôi cũng chẳng còn biết phải làm thế nào đành cắn chặt răng, thít lại cái dây đũi để tiếp tục sống…

Đúng rõ là 

Gánh buồn mà quẩy lên non

Buồn chồng buồn chất vẫn còn đuổi theo

Những ngày buồn cứ thế đeo đẳng mãi cuộc đời. thôi thì khoai sắn nuôi con, được cái con bà cũng dễ nuôi chẳng có gì nhưng cũng lăn lóc lớn, thôi kệ biết làm sao bây giờ. đôi khi bà cũng chỉ biết ngẩng mặt lên trời mà thở dài đánh thượt.

Năm đứa con dù nghèo khó nhưng chẳng đứa nào bà Thao để cho thất học, đời mình đã khốn nạn các con phải khấm khá hơn. Năm thằng Chung con trai lớn học hết lớp mười cũng là năm Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt nhất, cả nước tổng động viên thanh niên lên đường tòng quân.Thẳng Chung cũng tham gia khám nghĩa vụ và trúng tuyển, bà buồn khóc mất mấy ngày. Sáng hôm nó tập trung bà tùm đúm cho con mấy bộ quần áo để khi nào rét mướt nó có cái để thay. Cả đêm bà thức nắm cho con mấy nắm cơm gạo ngon bọc vào chiếc mo cau để nó ăn đường. Khi chia tay thằng Chung ôm chầm lấy mẹ mà khóc, bà gạt nước mắt động viên con ráng làm tốt nghĩa vụ rồi sớm về với u và các em. Hết thằng lớn lại thằng Li thứ hai cũng lên đường nhập ngũ. trái tim vốn dĩ đã nhiều đau khổ nay lại càng chất chồng thêm. không biết ngoài chiến trường bom đạn thằng Mỹ nó có mắt mà tránh các con bà không? Bà chỉ còn biết đêm ngày lầm rầm cầu trời khấn Phật phù hộ độ trì cho các con mạnh chân khỏe tay bình an trở về.

Năm tháng chờ đợi cứ dài đằng đẵng, một ngày ngỡ tưởng mấy năm, đêm đêm bà nằm nhìn lên trần nhà mà đếm thời khắc. thi thoảng tiếng máy bay gầm rú chói ráy bà lại vội vàng lôi ba đứa con xuống hầm. ôi giời đất ơi, không biết đến khi nào thì chiến tranh mới kết thúc chứ cứ thế này thì sống sao được. Quê đẻ bà bị đánh bom nặng nhất, Có đơn vị bộ đội cao xạ về đóng quân, khi họ rút đi thế là máy bay Mỹ ào ạt trải thảm, cả làng bị san phẳng người chết ngổn ngang. đang làm đồng nghe tin quê đẻ bị đánh bom nặng bà chạy, chạy như có ma đuổi. về đến nơi thì chỉ còn một đống đổ nát, mè dui nhà cửa cháy nham nhở, người chết nằm ngổn ngang, có người chẳng còn hình thù gì nữa, lòng mề phèo phổi bắn tứ tung, có đoạn còn vắt vẻo trên tận ngọn tre. Bà khóc, những người còn sống khóc. khóc chán rồi chửi rủa. Bố tổ cái lũ giã man, ai làm gì mà sao chúng nó lại ác đến vậy. thôi thì có những từ gì ác nhất, bậy nhất được mọi người dốc hết ra để chửi, tiếng người khóc người chửi chu chéo cứ ầm ỹ lên, mà thằng Mỹ đâu có nghe thấy, kệ thây cha chúng nó, nghe hay không cũng mặc, cứ chửi cho đã mồm, biết đâu mấy thằng chết băm chết vằm ấy lại bị đâm vào núi hay xuống biển thì sao. Khóc mãi cũng mệt, chửi mãi cũng chán. Bà con cô bác còn lại của làng và các làng lân cận lại xúm tay vào lo chôn cất ma chay. Mọi người nhắc nhau ghi nhớ cái ngày giõ trận của làng. Đã thế động viên hết lũ thanh niên đi tòng quân, nhơ nhỡ chưa đủ tuổi cũng đi, đánh cho lũ khốn phải cút về nước mới thôi.

Thằng Tý út nhà bà năm ấy học lớp sáu cũng tấp tểnh đòi đi bộ đội theo chân các anh nó ra chiến trường giết giặc, ngày nào nó cũng sang nhà ông Chinh chủ tịch xã sờ mó một nửa quả bom tấn chiến lợi phẩm ông khênh về làm máng tát nước, nó ngắm nghía nửa quả bom bằng sắt như muốn ăn sống nuốt tươi, rồi tý tởn chạy về nhà vừa rúc vào sờ tí u vừa nói: 

– U mai u cho con đi bộ đội nhé.

– Gớm mày bé như cái kẹo đi bộ đội để ngáng cẳng người ta ra à.

– U chỉ coi thường, con lớn rồi, cũng ăn hết hai bát cơm lại còn mấy củ khoai sao mà không đi được. 

– Người ta không lấy trẻ con

– kệ, anh Tuấn con bà Chè đã đến tuổi đâu vậy mà trích máu tay viết đơn cũng được đi đấy thi 

– Họ khác, hai thằng anh mày ra chiến trường cấm có tin tức gì, chẳng biết sống chết ra sao, bi giờ mày đi nốt u biết dựa vào ai, hai chị mày chúng lớn cũng phải đi lấy chồng. Mày định bỏ u ở lại một mình à. thôi cứ nhớn rồi tính sau.

Thằng Tý có vẻ không hài lòng, nhưng u nó bảo vậy nó còn biết nói gì. mà kể ra cũng đúng, nó còn bé qúa. Hôm rồi đi trăn Trâu, gặp tiếng máy bay gầm rú con trâu nhà nó sợ quá chạy lồng lên, thằng Tý gò lưng kéo ai dè con trâu khỏe quá lôi nó xềnh xệch, lăm tùm xuống sông làm nó uống nước lo.

Ngày thằng Tý học hết lớp mười cũng là ngày kết thúc chiến tranh, cả làng cả nước vui mừng vì từ nay đêm ngủ không còn giật mình chui hầm nữa, thanh niên cũng không phải tổng động viên nhiều đi đánh nhau nữa. Lục tục bộ đội được về thăm nhà,vợ đón chồng, bố mẹ đón con, mừng mừng tủi tủi. Bà Thao cũng thấp thỏm mong ngóng. Đã mây tháng mà vẫn không thấy tin tức gì bà đứng ngồi không yên, trong bụng lúc nào cũng như có kiến bò. Ruột gan bà sôi sùng sục. Không hiểu sao mọi người đều về cả, người nào không về thì cũng có tin, mà ai hi sinh thì cũng có giấy báo tử. đằng này cứ lắt lẻo chờ mong càng chờ càng hun hút, càng chờ càng bặt tin. Bà đi hết những nhà có con ra quân để hỏi thăm nhưng họ đều không đóng quân cùng chỗ con bà. Đêm đêm bà lại thắp hương khấn ông bà ông vải có khôn thiêng thì về phù hộ độ trì cho hai đứa được bình yên trở về. Khi trái tim bà đã héo quắt, mắt khóc mãi cũng khô thì cả hai thằng không ai bảo ai đều lù lù xuất hiện. Tiếng thằng Tý reo lên từ xa như tiếng tù và, U ơi các anh về các anh về. Bà sững người không biết tin vào tai nào. Bà cứ ngẩn ra mất mấy phút chưa kịp đinh thần thì cả hai thằng đã vào đến sân, chúng ùa vào ôm chầm lấy mẹ khóc huhu. Bà thao khóc rống lên, tiếng khóc bật khỏi cổ kêu ồ ồ. ối giời ơi hai thằng quỷ sứ chúng mày làm u mong đến chết đi được. Mà sao không nhắn tin gì cho u và các em để cả nhà mừng, những câu hỏi dồn dập làm hai đứa không sao trả lời kịp:

– Chúng con sau khi giải phóng xuân lộc cả hai đơn vị nhập vào làm một tiến vào giải phóng Sài Gòn. Cũng định nhắn tin về cho u,nhưng đơn vị phải ở lại tiếp quản thành phố, công việc lu bu nên không còn thời gian để nhắn tin. với lại cũng muốn để u và cả nhà bất ngờ.

 – Tiên nhân các anh, chúng mày muốn u chết hay sao. 

– Chết là chết thế nào, u còn lâu mới chết. chuyến này chúng con xin ra quân về lấy vợ. U bận chăm cháu có mà chết vì bận đấy. 

– Xem nào để u ngắm kĩ hai thằng xem có làm sao không?

Bà Thao ngắm nghía hai đứa con trai từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đến đầu. Ui chao đen như củ tam thất, nhưng được cái chững chạc, đúng là bộ đội cụ Hồ có khác, rèn đâu ra đấy, rắn rỏi chứ không như cái ngày mới nhập ngũ mặt còn lông tơ. Ngắm chán thì bà sờ nắn xem chúng có làm sao ko. Sờ đến thằng Li bà giật mình đụng phải mấy vết sẹo lồi rõ to. Trời ơi con bà bị thương đầy mình thế này. Thấy mẹ xót xa cả hai thằng bật cười.

– Không sao đâu u, mấy cái vết ấy đem về làm kỷ niệm của thời chiến tranh ấy mà 

– U chúng mày, vết thương đầy người mà chúng mày nói cứ ngon ơ như ăn óc chó ấy. Tổ cha cái thằng Mỹ – Ngụy đúng thua là đáng đời, xuýt nữa thì làm con bà mất mạng. 

Bà cứ chu chéo lên chửi. thằng Chung vỗ vai mẹ an ủi 

– Thôi u ơi nhà mình về được cả hai thế là phúc lớn lắm rồi, còn khối người bỏ xác nơi chiến trường kia kìa. chúng con đi nốt vài năm nữa rồi về hẳn lúc ấy u hết lo.

 – U xin anh em mày. còn đi gì nữa. lần này tao rứt khoát không cho đứa nào đi nữa, chiến tranh hết rồi còn đánh nhau với ai, về lấy vợ rồi đánh nhau với mấy mẫu ruộng khoán ấy.

– Hihi chúng con đùa u thôi. chúng con không xin đơn vị cũng cho ra quân rồi. 

Bà Thao bật khóc, bà khóc như mưa như gió. khóc vì mừng vui, khóc vì các con bà từ nay không phải xông pha nơi hòm tên mũi đạn nữa. 

Bà sai thằng Tý, con Mận, con Mão đuổi gà bắt thịt, tiếng hô hoán vang động khắp xóm, bà con nghe tin cũng lục tục kéo sang chật kín nhà. mừng mừng tủi tủi, người hỏi người chào cứ ầm ỹ cả lên. Cuối cùng mâm cơm cũng được bưng lên đặt ngay ngắn trên bàn thờ. bà run run thắp mấy nén hương rồi xuýt xoa kính cáo tổ tiên rằng hai thằng cu nhớn cu bé nhà bà đã về các cụ linh thiêng thì về nhìn mặt hai cháu. Khấn song bà mời mọi người ở lại vui với mẹ con bà. Mấy mâm cơm toàn rau ấy vậy mà vui đáo để đánh vèo một cái đã hết trơn, cơm song chuyện râm ran đến khuya rồi ai về nhà nấy.

 

Cuộc sống bình thường cứ nhẹ nhàng trôi đi bà Thao cảm thấy mình thật hạnh phúc. Năm 79 bà gả vợ cho thằng Chung, rồi hơn năm sau đến thằng Li, con Mão, con Mận cũng lấy vợ lấy chồng hết, chỉ còn thằng út là tham gia nghĩa vụ đóng quân ở biên giới phía Bắc, năm thằng Tàu tràn quân sang đánh may mắn nó vẫn nguyên vẹn. Té ra nhà bà phúc cũng đâu mỏng. Có lẽ mả các cụ táng vào chỗ được đất hay sao ấy, nên bao lần sóng gió rồi lại bình yên. Bà vô cùng mãn nguyện. thôi thế là ăn nhau ở hậu vận, bà cứ lẩm bẩm tự an ủi mình cố gắng ăn ở cho phải đạo thì cũng lại gặp may mắn mà thôi.

 

Nhưng thói đời đâu có chiều theo lòng người, các con bà bây giờ cũng đã đủ cơ ngũ, mỗi đứa đều có gia đình, đều mải làm ăn vun vén cho hạnh phúc của riêng mình, bà lẩm nhẩm mừng thầm cho các con.. Thời gian thấm thoắt, ngoắt cái bà đã bước qua cái tuổi thất , rồi bát thập cổ lai hi, cái tuổi xế chiều gần đất xa trời. Ở gần bà có vợ chồng thằng Ly, chúng nó ở riêng tại ngôi nhà của tổ tiên để lại, Bà thao ở trái nhà ngang. Càng về già bà càng không hợp với các con có lẽ do những năm tháng khốn khó làm con người bà cũng kỹ tính hơn nhiều nên thi thoảng nghe vợ nó chửi mắng con nó bà lại cảm thấy lộn tiết cứ như nó đang réo chửi mình. Sao mà nó lai hay chửi con và chửi tục thế cơ chứ, bà cứ nghĩ cái thời bà lạc hậu ít học thì đi một nhẽ, đằng này nó có ăn có học mà cứ lúc nào tức lên là nó réo “ tiên sư chúng mày, lũ mất dạy”, mà nó chửi đâu có ít. Đã mấy lần bà gọi sang góp ý thì nó bặm trợn kêu đó là việc riêng nhà nó, bà đừng can thiệp không chúng nó mất dạy hết. bà bảo:

 

-ngày xưa u đâu có dạy chồng chúng mày mà chúng nó cũng có sao đâu

 

– thế nên bây giờ mới không ra cái gì, nghề nghệp thì không có, đi bộ đội song về phục viên vì ít học nên đành hít đít con trâu, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tay với cẳng cứ trái giớ trở trời thì lại rên la ầm lên sốt hết cả ruột.

 

Bà biết có nói cũng phí nhời lên mặc thây cha chúng nó. Con vợ thằng Li cũng đáo để nó biết bà còn ít vốn riêng khi đi chợ liền dỗ ngon dỗ ngọt:

 

– Thôi u ạ, u già rồi nghỉ chợ đi, gớm mấy cái quạt bán được đáng bao lãi. cứ đi qua đường rồi xe ô tô nó xô phải thì khổ. U để đấy con gom bán nốt rồi sang ăn với nhà con và các cháu. Già rồi mà cứ vậy hàng xóm họ cười cho.

 

Bà nghe bùi tai, còn bao nhiêu vốn liếng bà dồn hết đưa cho nó. Một thời gian sau bà hỏi xem hàng họ thế nào nó kêu:

 

– Gớm ba cái quạt rách của bà ai thèm mua, con cho hết rồi

 

– Ơ hay sao chị lại nói vậy. năm sáu triệu bạc của tôi chứ đâu có ít mà chị kêu là không đáng là bao

 

– U buồn cười, u già rồi nên lẫn hay sao mà kêu là năm sáu triệu, chẳng lẽ con dựng chuyện lên hay sao. Bà nói vậy đổ tiếng ác cho con cháu bà không sợ quả báo à.

 

– Con nhà mất dạy, mày phá vốn của bà bây giờ lại bảo bà quả báo. Chúng mày cuốn xéo khỏi nhà bà ngay.

 

Con vợ nó trừng mắt:

 

– Bà không phải đuổi, nhà này là của cha ông tổ nghiệp để lại cho con cháu bà là đàn bà làm gì có quyền.

 

-Lời qua tiếng lại bà tức quá về nhà nằm vật ra giường bỏ ăn vì tiếc của. đã thế chúng còn bảo nhau cấm vận cho bà ấy biết tay. Thằng Li nghe vợ cắt hết điện không cho bà dùng, một ngày, rồi bốn năm ngày chúng cắt điện giữa mùa hè. Bà tức mà không làm gì được đành vậy thôi chứ biết kêu ai. Bạn của bà biết chuyện đi chợ gặp con vợ thằng Li bèn gọi ra bảo:

 

– Các cháu làm vậy là không được, bà ấy già rồi, ai lại cắt điện của mẹ giữa trưa hè phải tội chết đấy

 

– Nhưng u cháu lắm điều lại còn hay dựng chuyện

 

– Thôi cháu ạ, nghe thím đừng làm thế, mẹ già thường lẩm cẩm, cháu về bảo chồng đóng điện cho mẹ cháu không làng nước biết họ chê cười chết.

 

– Vâng, cháu sẽ bảo chồng cháu.

 

Thế rồi chúng bảo nhau giập điện. Bà Thao ức lắm liền gánh gồng ra nhà thằng con trai trưởng, Bà mẹ vợ nó bị gẫy chân nên chúng đem về chăm ở nhà trên, con vợ nó bảo con

 

Chúng mày dọn cái trái nhà ngang cho bà xuống ở tạm, khi nào bà ngoại về thì bà lên nhà trên.

 

Ơ hay nhà nó làm gì có nhà ngang, có chưng thì ngày xưa nó xây chuồng để nhốt mấy con trâu, sao bây giờ nó lại sai con nó dọn cho bà ở, thế ra nó cho bà ở chuồng trâu nhà nó à. Khốn nạn cái thân bà, đẻ con ra biết bao vất vả, một thân một mình lăn lộn nuôi con khôn lớn, Trẻ cậy cha, già cậy con vậy mà… bà thở dài đánh thượt rồi tong tẩy quang gánh về nhà. Vợ chồng thằng Chung chèo kéo thế nào bà cũng không ở lại.

 

Bà thao lại về cái chỗ mà vốn dĩ biết rằng ở đó bà còn có một cái gì đó tự do, cuộc sống tuy tằn tiện nhưng cũng không đứa nào khinh bà được. thật khốn nạn đêm nằm bắt tay lên chán mà không sao ngủ được, không biết kiếp trước bà làm gì nên tội mà kiếp này bà phải gánh chịu quả báo. Vợ chồng thằng Tý thương mẹ cũng mời bà ra mấy lần, nhưng con vợ nó tính nóng cứ dạy con không được là chu chéo ầm ỹ lên. Bà chạnh lòng nên cũng không thể ở được. Hai cô con gái lấy chồng làng bên thì bận tối tăm mắt mũi năm thì mười họa mới về thăm mẹ. Bà đành làm bạn với cái đài orionton cổ lỗ xĩ, mất mấy ngàn tiền pin là nghe cả ngày cả đêm. Năm bà vào tuổi tám nhăm thằng Li gọi người cắt bán mảnh đất ngay đầu ngõ, bà không đồng ý dù sao cũng là đất ông cha tổ nghiệp để lại sao có thể cắt bán dễ dàng được, nó chẳng nói chẳng rằng lấy mực ấn tay bà vào rồi dí vào tờ giấy, bà vùng vằng giẫy ra, nhưng bà lão tám nhăm sao có thể cưỡng lai đôi tay lực lưỡng của đứa con mất dạy kia cơ chứ, nước mắt bà tứa ra, bà khóc khóc như mưa, khóc cho cái thân khốn nạn của bà. khóc cho sự uất ức. Giá mà có thể chết ngay bà cũng sẽ chết. thằng Li bán đất được mấy chục triệu không biết anh em nó chia nhau thế nào chỉ biết nó cho bà được năm triệu để gửi tiết kiệm. Bà chẳng thiết gì cả. Mấy lần bà thao cũng có ý định tự tử. bà mua sẵn cái dây thừng lúc nào thuận tiện ra bờ sông buộc cục đá vào chân rồi nhày xuống cho hết kiếp khổ. Biết tâm sự của bà như vậy bà bạn thời hoa niên khuyên bà không nên nghĩ quẩn . Các con bà dù sao cũng do bà đẻ ra, có thế nào chúng cũng là giọt máu của bà, bà làm vậy thì xong đời bà nhưng chẳng lẽ đẩy tiếng ác cho con cho cháu hay sao, rồi bia miệng tiếng đời biết bao giờ chúng gột sạch. Mình làm mẹ sinh ra con kể cả chúng điên dại cũng còn phải nuôi huống hồ đằng này chúng cũng chưa bị như vậy. rồi chúng sẽ nghĩ được ra thôi.

 

Nghe lời bạn bà Thao đành mặc kệ đời muốn đến đâu thì đến. Ngày ngày bà vẫn lọ mọ trồng mấy cây rau để thêm phần cho bữa ăn hàng ngày. Tuổi mỗi ngày một cao cái lưng mỗi ngày thêm đổ gục xuống, có lần bà đi cầu tiêu sơ ý trượt chân ngã nằm bất tình tới vài tiếng, lúc lâu mới hồi lại cố lết mãi cũng lần được vào nhà, căn nhà bé tý mà sao bà cảm thấy nó mênh mông là vậy. với tay mãi mới được lọ cao xoa vào chỗ đau. Bà nằm mất mấy ngày chẳng dậy nấu được cái gì ăn. đành nhịn đói. Mà sao không để bà chết đi cho xong, lại cứ bắt bà thọ mãi như vậy làm gì. Có phải trời muốn đầy bà hay không? Hay bà còn mắc nợ gì kiếp trước, bà ngồi ôm gối nhìn chân chân vào khoảng không vô định chẳng biết đến khi nào thì được giải thoát và trả hết nợ đời.

 

Nguyễn Đình Vinh

 

Hết 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *