– Người ta cứ bảo, năm mới phải nói chuyện mới; nhưng khi nhìn đất trời gọi xuân về trong không khí lễ hội xôn xao, là trong tôi lại khắc khoải những miền nhớ. Hình như, dẫu thời gian có qua đi, và ngay cả khi con người đã vượt qua được nỗi đau, thì vẫn còn một khoảng trống lặng im…cho nhớ thương quá khứ!
Tôi nhớ quá mùa xuân năm ấy, ngày tôi nhìn thấy dáng mẹ khuất vào nẻo xuân…
“…nơi đó
là kho đồng nát
một đống Tết xa nhà
đã han rỉ lên..”. (*)
Tôi xa quê hương đã bao mùa tết cũ nhưng tôi vẫn nhớ hoài những ngày mình sắp xa quê, năm đó tết cũng về sớm như năm nay, chỉ khoảng trung tuần tháng giêng. Không khí xuân đã len lỏi vào muôn nẻo, trời Đà Lạt se lạnh hanh hao trong sắc vàng rực của dã quỳ. Nhưng tâm trạng người sắp đi như tôi thì nôn nao biết bao nỗi niềm, vừa chạnh nhớ mùa tết cuối cùng, vừa ray rứt bởi tình cảm thân thương của gia đình mà mình sắp phải xa.
Ảnh tư liệu
Biết tôi đi làm xa nên mẹ tranh thủ biên thơ, nhắc tôi về quê ăn tết sớm để còn kịp tiễn tôi đi. Năm đó, nhà tôi là nhà nấu bánh tét sớm nhất, mới hai tám, khi tôi bước vào gian bếp nhỏ,đã thấy trên đống củi có phơi tàu lá chuối, đậu xanh, nếp ngon đã được chuẩn bị sẵn sàng dưới nền đất. Thấy niềm ngạc nhiên trong mắt tôi, mẹ bảo tranh thủ nấu bánh xong trước đêm nay, trời phố núi càng về đêm càng lạnh, mẹ sợ con cháu vào ngủ hết không thức được canh nồi bánh. Bởi mẹ muốn xuân này nhà mình ăn một cái tết thật trọn vẹn, thật ấm áp, không để người đi khuyết mất kỉ niệm.
Bao năm rồi, từ khi còn thơ ấu, mỗi khi nhìn mẹ nhóm bếp, tôi vẫn luôn ngồi đằng sau, phần vì sợ khói, phần vì dường như, tôi thích nhìn tấm lưng mẹ lui cui trong bếp, nó có sức lay động, da diết buồn không thể tả. Củi ướt giăng khói quăng quật làm cay xè đôi mắt, cả gian bếp nhỏ thăm thẳm mùi khói nồng nàn. Tôi xua tay hất những lọn khói về phía mẹ, không thể nhìn ra đâu là màu khói, đâu là màu tóc mẹ. Năm đó mẹ đón mùa xuân thứ bảy mươi tám.
Chợt nhớ ra hình như mình quên gì đó, mẹ bảo tôi ngồi canh nồi bánh, mẹ chạy ra chợ mua ít đồ. Chờ mãi không thấy mẹ về, tôi giao nồi bánh lại cho cô út, chạy ra chợ kiếm mẹ. Cái chợ nhỏ bé với những gian hàng “chồm hổm” chiều nay cũng chói lói tiếng mặc cả kẻ bán người mua, vỏ trái cây rải rác đầy con đường đất. Chợ chiều tỏa hương đất, hương quê man mác trong tôi cho đến bây giờ.
Và kia rồi, tôi nhận ra mẹ đang đi ở phía trước. Từ xa, cái dáng gầy gò của mẹ như lọt thỏm trong bộ bà ba màu nâu đất, tay xách chiếc giỏ cói còm nhom hiu hắt giữa bao người. Phố chợ xôn xao, bao người chen lấn mà mẹ tôi thì nhỏ bé quá, đơn côi quá, nặng nề quá. Rồi mẹ khuất khỏi tầm mắt tôi, chìm vào nẻo đường rợp đầy hoa đào, hoa mai sặc sỡ.
Tôi chạy theo mẹ, khi ôm lấy được đôi vai nhỏ nhắn, nước mắt tôi chỉ trực trào ra: ”sao mẹ đi lâu quá, con chờ…”, lúc này, tôi chẳng còn thấy mai đào mận lê, những nẻo đường xuân chảy vào miên viễn, chỉ còn thấy mẹ tôi móm mém nụ cười già nua…
Người ta thường nghĩ nếp nhăn thời gian của người già hay gợi niềm xúc động, nhưng ngày hôm đó đối với tôi, tấm lưng hao gầy của mẹ đã mãi mãi ngưng đọng một mùa xuân quê hương. Bảy mươi tám mùa xuân mẹ lặn chìm trong gian nan khói lửa chiến tranh, trong cơ cực để thắp tuổi xuân cho con cháu, vậy mà giờ đây khi chỉ còn chờ những mùa xuân du mục cuối đời, mẹ lại phải thui thủi trong đơn côi thương nhớ. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi!
Rồi ngày mẹ khuất vào miền khói mãi mãi cũng đã trôi qua hơn hai mươi mấy năm. Tuổi đời níu chân nhau, mái tóc tôi giờ cũng phủ nhiều lọn khói. Nhưng mỗi lần về quê, tôi ít khi bước ra ngôi chợ chồm hổm ngày xưa, bởi tôi sợ mình lại nói chuyện cũ trong năm mới với con, với cháu. Tôi đành giữ mãi trong tim một mùa xuân của riêng mình…
NGUYỄN KIỀU OANH