Nguyễn Đình Vinh và Thương Huyền
Chương III
Nắng quái chiều gắng gượng, len lỏi, trùm những vạt cuối cùng lên mái nhà tranh thấp thô dưới lùm cây. Đám cành tre khẳng khiu xơ xác, cuối thu đầu đông trút hết manh lá mỏng, giơ lên trời như hoạ sĩ già giơ tay vạch vài nét chán chường. Thực dân Pháp đã chiếm đóng Hải Dương. Sau thời gian ngắn củng cố lực lượng, chúng chuẩn bị đánh nống ra khu xung quanh. Huyện uỷ Gia Lộc nhận định tình hình và khẳng định, Gia Lộc không nằm ngoài mục tiêu chiếm đóng của quân Pháp. Làm thế nào để củng cố nhanh lực lượng, tích luỹ vũ khí đủ sức đánh lại chúng. Nghị quyết của Huyện uỷ lập tức được triển khai tới đảng viên. Cả làng Bung như ngồi trên chảo lửa.
Đêm. Một đêm cuối tháng mười hai năm bốn sáu. Cuộc họp của đảng viên tại đình Đức Phong vẫn chưa kết thúc. Thi thoảng tiếng chó cắn ma từ rìa làng eo óc vọng vào. Ánh đèn vàng nhờ càng khiến những gương mặt cương nghị đanh lại. Nghị quyết của huyện uỷ chỉ đạo đã rất rõ ràng. Âm mưu của Pháp đã phần nào lộ rõ. Khuôn mặt đồng chí bí thư chi bộ cương nghị, giọng ông trầm ấm:
– Các đồng chí. Thời gian qua, tự vệ ta đã ép địch mạnh tại vùng ven thị xã. Mấy ngày gần đây, quân Pháp đã đánh nống trận đầu tiên xuống đường mười bẩy. Cuộc tấn công này vừa để thăm dò lực lượng vừa chặn sức ép của quân ta vào phía Nam thành phố Hải Dương. Sau trận đánh thăm dò hôm trước, ngay hôm sau một đại đội lính nguỵ của Pháp đã giả làm người tản cư trà trộn vào dân, lợi dụng đường mười bẩy, thọc sâu xuống Thạch Khôi. Đại đội cảnh vệ chống càn ở Thạch Khôi chiến đấu căng, diệt tại chỗ mười tên. Nhưng do ta bị bất ngờ, chúng vào gần trận địa mình mới phát hiện ra nên quân ta chống trả rất khó khăn. Một đồng chí đại trưởng và mười hai chiến sĩ ta hy sinh. Tổn thất ấy không hề nhỏ. Hiện nay địch đã chiếm được Thạch Khôi. Đức Đại – Nghĩa Hưng ta nằm trên vị trí chiến lược này, nhất định chúng không bỏ qua. Ta cần chuẩn bị thật chu đáo, nện một đòn phủ đầu cho chúng choáng váng. Và, để tránh những tổn thất mà đại đội cảnh vệ ở Thạch Khôi đã vấp phải, ta cần chủ động lập vành đai chiến đấu. Nhất định phải giành thế chủ động ngay từ trận đầu.
Quay sang đội trưởng du kích, bí thư chi bộ nghiêng đầu:
– Vũ khí trong tay ta hiện thế nào?
– Báo cáo, cơ số súng đạn ta có quá ít. Ngoài mấy khẩu tiểu liên, có thêm hơn chục lựu đạn. Còn lại chỉ có mã tấu, mác búp đa tự tạo…
– Vũ khí ta có trong tay mỏng quá… Bí thư chi bộ trầm ngâm. Thế này thì ta khó có thể đánh vỗ mặt chúng được.
– Không đánh vỗ mặt thì ta chơi kiểu của ta. Cứ cò con tắc bọp… Nổ phát nào chắc phát ấy…Diệt dần…
– Đành thế, nhưng có lúc mình không thể tắc bọp được chứ. Nó đâu lúc nào cũng phơi thây cho mình tắc bọp đâu. Gì thì gì, ta vẫn phải sẵn sàng. Súng đạn ta ít… Ta có sức mạnh lòng dân. Đồng chí Lân – Ánh mắt bí thư hướng về phía Lân đang ngồi bên cửa – Là trưởng ban Thông tin tuyên truyền của xã, đồng chí cần có kế hoạch thật cụ thể, tuyên truyền cho dân rõ tình hình hiện nay. Chỉ khi nào tường tận mọi việc, bà con mới chủ động cùng các lực lượng chuẩn bị đánh Pháp. Công việc kíp lắm rồi, các đồng chí chuẩn bị, chủ động tác chiến.
Tiết đầu xuân, khi cơn mưa phùn ẩm ướt còn giăng mắc, dùng dằng như cô gái nán hội thì khắp mặt trận Bắc Bộ, thực dân Pháp đã hối hả triển khai kế hoạch đánh chiếm. Người dân dọc đường Năm, bên những sông lớn ngày càng gặp nhiều toán lính Âu – Phi qua lại. Chẳng mấy lúc, mảnh đất hiền hoà được mệnh danh là “phên dậu phía đông” kinh thành Thăng Long tràn ngập các sắc lính đánh thuê cho quân đội Pháp. Nước da đen cháy, bộ dạng nghều ngào, hàm răng trắng ởn của bầy lính là nỗi thấp thỏm, lo lắng kinh hoàng của người dân.
Tháng hai năm bốn bẩy, cậy có quân tăng viện, địch ráo riết phản công trên khắp mặt trận Bắc Bộ. Một trong những mục tiêu chính của chúng lúc này là kiểm soát các tuyến giao thông huyết mạch, nhất là tuyến Hà Nội – Hải Phòng và các tuyến vành đai. Khống chế được các tuyến đường, chúng sẽ thực hiện bằng được chiến dịch vận tải chiến lược trên bộ, tập trung đè bẹp sự kháng cự của quân ta.
Cũng thời gian này, quân Pháp từ thị xã Hải Dương tiến đánh bắc Gia Lộc. Tình hình ngày một nguy cấp. Tỉnh đội Hải Dương được thành lập nhằm củng cố và phát triển lực lượng vũ trang. Các huyện đội nhanh chóng ra đời. Tại thôn, xã, tự vệ chiến đấu chuyển thành đội du kích. Nam nữ công dân tuổi từ mười tám đến bốn mươi lăm được xét vào dân quân
Hoạt động của ban Thông tin tuyên truyền bước vào giai đoạn mới. Mớ công việc cần làm ngay dồn lên lút cổ khiến Lân và các đồng chí trong ban không còn thời gian riêng cho mình. Tình hình chiến sự căng thẳng, vũ khí được trang bị quá mỏng, ta chủ yếu đánh địch bằng hình thức vũ trang tuyên truyền. Bao việc bầy ra trước mắt: Nào soạn lời tuyên truyền chế độ, chính sách mới của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ; Kẻ vẽ khẩu hiệu; Nào chuẩn bị nội dung cho các cuộc mít tinh của bà con, rồi tham gia tiêu thổ kháng chiến… Tất cả nhằm tập trung chống lại âm mưu thâm hiểm của địch bởi khi chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh thất bại, địch trở mặt xúc tiến chiến tranh với thủ đoạn mới: “chia rẽ quốc gia”, “chia rẽ dân tộc”. Chúng lập “chính quyền bù nhìn tay sai phản động ở địa phương”, điên cuồng đánh phá cơ sở kháng chiến, triệt để khai thác “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đáp trả thủ đoạn đê hèn ấy của quân Pháp, ban Thông tin tập trung mọi phương tiện đưa đường lối “Chiến tranh nhân dân, phương châm đánh lâu dài, tự lực cánh sinh, vừa chiến đấu vừa bảo toàn, xây dựng lực lượng vũ trang nhất là dân quân du kích, chủ động chống càn, tập trung vào công tác địch vận, bảo vệ vùng tự do, đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ lực lượng kháng chiến…” đến với nhân dân. Chỉ với những chiếc loa tay tự tạo, Lân cùng đồng đội đã lăn mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đang lụi cụi chuẩn bị nội dung thông tin cần tuyên truyền cho bà con trong buổi chiều, Lân giật mình khi bóng anh Bạ thoáng qua cây cầu đá ngoài con ngõ nhỏ. Vừa bước vào cổng, nhảy ba nhảy tới góc sân Lân đang ngồi, anh Bạ rút vội mảnh giấy nhỏ:
– Tớ sợ về muộn, không kịp cho chú mày làm bản tin chiều nay. Tin nóng nhất đây. Liên lạc vừa chuyển trong kia về đấy…
Lân dán mắt vào mảnh giấy. Những dòng chữ nhảy nhót trước mắt anh. Điều anh và đồng đội bán tín bán nghi những ngày qua đã xảy ra. “Chúng quyết diệt mình đây” – ý nghĩ ấy ập đến, anh mím môi. Lân đọc lại mảnh giấy lần nữa. Chỉ thị của huyện uỷ đã rất rõ ràng. Quay sang, anh Bạ đang nhìn chăm chắm vào Lân, nửa như chờ đợi, nửa như mừng rỡ:
– Chỉ thị mới toanh, phải không chú mày? Anh em ta phải làm gì bây giờ?
– Mình có việc rồi. Anh tập hợp anh em đi, chúng ta hội ý, chuẩn bị ngay mới kịp. Mẹ cha chúng nó, chưa qua cái “Tầm thực”, giờ lại tới “Vết dầu loang”. Lũ khốn kiếp sắp mò đến rồi đấy.
– “Loang” à? Loang đến đâu, chúng ông lau khô đến đấy, để xem chúng mày loang cách nào – Anh Bạ nghiến răng, cứ như thầy tớ quân Pháp đang đứng trước mặt…
– Không đánh nhanh được mình thì nó giở trò đánh lấn, định lây lan cái thối tha giòi bọ của chúng sang mình. Gói gọn lại, mục tiêu của cái “Vết dầu loang” này là nó tập trung chiếm dần vùng tự do của ta, mở rộng địa bàn hoạt động của nó thôi. Anh đi gọi anh em đi. Mình phải tổ chức tuyên truyền ngay sáng mai, tại chợ Cuối, để bà con biết mà chuẩn bị đối phó – Lân đứng dậy, với cái khăn mặt vắt vai, cầm loa tay, bước ra ngõ cùng Bạ.
Sau nhiều cuộc hành quân càn quét dã man có tính thăm dò của Pháp, huyện uỷ Gia Lộc được lưu ý, chuẩn bị tất cả chống địch càn rộng, khả năng chúng sẽ chiếm đóng lâu dài nhất là các vị trí chiến lược của Gia Lộc. Mọi điều kiện có thể đều được dành tất cho chống giặc chiếm đóng. Bộ phận thông tin tuyên truyền chạy như con thoi. Vừa thoáng thấy bóng các anh ở làng Bung, chỉ một loáng đã thấy tiếng loa tuyên truyền bên làng Giỗ. Nhân dân bắt đầu đóng gói đồ đạc, chuẩn bị tản cư kháng chiến, thực hiện “vườn không nhà trống” tận gốc. Những gì mang đi được thì mang, không mang được, dân tháo dỡ, chôn xuống đất. “Tiên sư mày, cha con thằng Pháp, đồ của tao, tao cứ chôn xuống đây, khi nào mày rũ xương, tao quay về sẽ lại có cái dùng. Còn giờ, tao nhất quyết không để lại dù cuống rau thừa xem cha con nhà mày lấy gì sống mà đi ăn cướp?”. Lân đã phì cười khi nghe một cụ ông vừa dìm mớ chum, vại, bình, nậm, cột nhà xuống góc ao, vừa hỉ hả nói với vợ con mà cũng là nói với chính mình. Thật là những câu gan ruột.
Tờ mờ sáng. Lớp sương sữa còn phủ dầy mặt đất. Tiếng súng, tiếng xe xích chạy từ phía Bắc ầm ì vọng lại. Phía trung tâm Gia Lộc, tất cả vẫn im ắng như thường. Đứng trong căn nhà tuềnh toàng, Lân nhận rõ sự tĩnh lặng giữa khung cảnh làng quê. Nó không khác vẻ tĩnh lặng trước cơn giông lớn. Cũng cái ngột ngạt oi nồng, cũng những âm thanh ầm ì từ xa đưa lại. Có chăng, nét khác biệt chỉ là trước cơn giông, khi bầu trời vần vũ những mây đen thì lúc này, bình minh lại đang ló rạng. Trên đường chân trời phía đông, những tia dẻ quạt từ màu cam chuyển dần sang màu hồng phấn, lách mình qua đám sương sữa, ngập ngừng rót xuống cánh đồng. Vậy mà… Chỉ chút nữa thôi, bàn tay bẩn thỉu của bọn xâm lược Pháp sẽ xé tan tất cả.
Tiếng xe xích ngày một gần. Đội du kích của làng sát cánh bên cạnh bộ đội tỉnh, huyện. Họ đã sẵn sàng đập trả lại đội quân ăn cướp.
Bánh xe xích đã nghiến trên mặt đường ầm ầm. Ken két, hừng hực rồ lên rồi thở hồng hộc. Âm thanh ấy dễ khiến người ta nghĩ tới thân hình phì nộn của con quái vật đang trườn qua mảnh vườn mỡ màu. Tất cả những gì non mởn phía dưới khi tấm thân ghê tởm của nó đi qua đều trở nên nhàu nát, tan tành.
Sau trận moocchê bắn phủ đầu dọn đường từ chiều hôm trước, khắp đường làng, những hố đất mới bị đại bác vật lên, lớp đất màu trên mặt bắn tung toé, chỉ còn mẻ đất gan gà bị cày lật sấp từ dưới, nằm trơ trên miệng hố. Nhiều thân cây bị đạn tiện, ngọn cây gục xuống như người bị chặt đầu. Hai bên đường, trog các mảnh vườn, chuối đổ ngổn ngang như vừa qua trận bão lớn. Thân chuối bị đốn ngang, chỗ vết chém, nhựa ứa ra, thâm xỉn lại. Suốt từ chiều qua, dân các làng quanh thị trấn Gia Lộc ùn ùn sơ tán xuống khu dưới. Moóc chê thổi tốc rạ trên mái nhà, quăng bừa bãi xuống ao bèo. Tường nhà sụt lở nham nhở. Vài cánh cổng khép hờ, chiếu lệ. Mặt đất im lìm. Một con chó gầy nhẳng, lạc chủ, lơ láo nhìn quanh rồi ệp người lủi vào bụi duối dại, đuôi cúp chặt giữa hai chân sau.
Chiếc xe xích đi đầu như con bọ hung khổng lồ lừ lừ bò trên đường mười bẩy tiến vào thị trấn. Tiểu liên dải từng băng. Súng trường nổ phát một, đĩnh đạc. Chạm vào vành đai chiến đấu đầu tiên của bộ đội tỉnh, chiếc xe sững lại. Sau vài giây nghiêng ngó nghe ngóng, từ cái họng đen ngòm của nó, lửa khạc ra, đỏ như thép nung trong bễ lò rèn. Phía sau, bọn lính Pháp tiểu liên lăm lăm, nhả từng băng dài vào những điểm chúng nghi vấn.
Bộ đội, dân quân của ta vẫn kiên trì bám trụ. Đạn cối của địch tuôn như mưa. Vũ khí quân ta quá mỏng. Tiếng súng trường ta nổ dẫu có chắc nịch cũng không át được súng cối, súng tiểu liên địch quét như vãi đạn. Không dễ gì tiếp cận để đánh gần, ta không thể sử dụng mã tấu, mác búp đa chiến đấu với chúng. Các cánh quân ta được lệnh rút lui. Trận này địch cũng chỉ càn thăm dò. Bộ phận thông tin tuyên truyền được triệu tập chuẩn bị triển khai nhiệm vụ mới.
Quanh ngọn đèn dầu lạc, những gương mặt sạm lại sau bao ngày bám trụ chiến đấu với giặc. Bạ đang thiu thiu ngủ, đầu gục trên hai đầu gối kê lại. Tỳ đang ngửa cổ vê vê cái cằm đã mấy ngày không nhổ, râu đâm tua tủa. Chờ anh Thoại, Thịnh với ba bốn anh em khác đến, ban thông tin tuyên truyền sẽ họp.
– Ghê thật. Đánh nhau với bọn nhà giàu tức như bò đá. Mình thì tiết kiệm từng viên đạn một, nó thì chỉ cần thấy một cọng cỏ động đậy là vãi hàng băng. Phải nghĩ cách khác mới choảng nhau với chúng lâu dài được. Đánh kiểu này, nó nghiền mình ra cám như bỡn… Thoại vừa rũ rũ hai ống quần nâu sũng nước, vừa bước vào, nói oang oang. Bạ giật mình, ngẩng lên, hai mắt đỏ sọng:
– Bố cu đi đâu mà giờ mới mò về? Chờ sốt cả ruột.
– Thì ông cũng ngáy như kéo gỗ còn gì… Tôi tranh thủ đảo qua nhà xem mẹ con nhà hĩm còn để sót gì lại thì cất nốt đi. Mình phải thực hiện đường lối trước đã chứ, không thì tuyên truyền vận động được ai, phải không Lân?
– Ngáy ngó gì đâu. Tranh thủ gà gật tí thôi. Mấy ngày rồi, chúng đánh rát rạt, ngủ được cũng khó. Với bọn này á, mình cứ phải chơi cái kiểu cò con, giết ngấm từng thằng một mới chắc, chứ dàn quân thế này, không được…
– Thôi, không tán nữa mấy bố… Ta bắt đầu nào… Lân đứng dậy – Theo chỉ thị của huyện uỷ, bằng giá nào thằng Pháp nó cũng chiếm và đóng quân tại Gia Lộc, vì có chiếm được Gia Lộc nó mới bảo vệ được căn cứ ở phía nam Hải Dương và mở rộng xuống xung quanh. Lực lượng của ta quá mỏng, vũ khí thô sơ, trên đã chỉ thị rút các đơn vị chiến đấu về khu căn cứ kháng chiến nhằm bảo toàn lực lượng, thực hiện chủ trương trường kỳ kháng chiến của Đảng… Nghe Lân triển khai chỉ thị của cấp trên, gương mặt của anh em ngồi quanh dãn ra. Đảng chỉ thị đúng bụng họ quá. Chỉ có trường kỳ kháng chiến, đánh lâu dài mới thắng được đội quân xâm lược này. Tiếng Lân vẫn điềm đạm
– Công việc cụ thể của chúng ta như sau…
Hơn chục mái đầu chụm bên ngọn đèn. Bàn tay Lân xoay đều bản kế hoạch đã vạch sẵn. Những ánh mắt nheo lại. Tập vết nhăn trên trán mọi người co vào, dãn ra như quạt giấy xếp nếp. Rồi tất cả à lên, gật gù tán thưởng. Không ai có ý kiến gì thêm. Gấp tờ giấy làm tư, Lân cả đội một lượt
– Nếu mọi người không ý kiến gì thêm, các đồng chí lưu ý phần việc của từng người, trong lúc thực hiện, nhất nhất phải có sự thống nhất trong tập thể… Nếu địch chiếm và đóng quân tại đây, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch mới vừa để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vừa quấy rối địch, góp phần làm nhụt ý chí của hàng ngũ binh lính địch…
– Ý kiến của đồng chí Lân rất hay – ông Tỳ đứng dậy – Nhất định ta sẽ tương kế, tựu kế với địch. Nhưng còn ý kiến riêng này nữa… Bên làng Giỗ có cô gái tên ở nhà là Chắt con. Dáng dong dỏng, da trắng, mặt tròn, hoạt động rất hăng trong phụ nữ cứu quốc… Không biết liệu đồng chí Lân có cần anh em chúng tôi tuyên truyền cho nữ đồng chí này về với trưởng ban thông tin hay không đây?
Nghe ông Tỳ nói (Về mặt họ hàng Lân phải gọi ông Tỳ là cậu họ gần), Lân bất ngờ. Chuyện anh có ý riêng với Chắt con không dè mọi người biết cả. Mặt Lân đỏ dần lên. Dưới ánh đèn nhập nhoà, chẳng biết anh em có thấy hay chỉ đoán già đoán non mà tất cả đều phá lên cười:
– Thôi, không đùa nữa, kẻo lại cháy áo người khác bây giờ. Xấu hổ, đỏ đến tận chân tóc mai rồi. Diễn thuyết trước hàng trăm bà con dân làng thì cứ trơn như cháo chảy, sao nói đến chuyện kỉa kìa kia lại ấp úng thế hả Lân? Ông Tỳ vẫn chưa tha – Nếu không nói được, để chúng tao sang nói đỡ… Nhưng… ối… ông Tỳ nghiêng người, né cái véo của Lân… Hì hì, con bé ấy được đấy, gia đình rất cơ bản, lại hăng hái hoạt động với phong trào. Được cả nết lẫn người như thế, hơi bị khó kiếm… Quả là tinh mắt… thôi, anh em mình rút, để trưởng ban Lân còn lơ mơ tới … người trong mộng một tí…
Ngọn đèn bỗng nhảy nhót như đùa nghịch. Khuôn mặt Chắt con lại trở về, rõ ràng như đang đứng trước Lân. Chưa ai nói với ai lời nào, mới chỉ ánh mắt gặp ánh mắt trong những buổi diễn thuyết và hội họp đoàn thể. Không biết cô ấy có hiểu cho lòng mình. Lân tự nói rồi thở dài. Chiến tranh, đạn bom mù trời, không biết nếu nghĩ tới hạnh phúc riêng lúc này có phải là ích kỷ. Nhưng anh tin, với người con gái đã dám gạt bỏ khó khăn gian khổ đi theo cách mạng như Chắt, với những gì cô ấy đã lăn lộn, đóng góp cho phong trào, họ sẽ tìm thấy hạnh phúc riêng trong cuộc kháng chiến chung. Nhất định hạnh phúc của họ sẽ đơm hoa kết trái trong ngày vui chiến thắng. Ngày mai, Lân sẽ gặp được Chắt con. Anh tin thế. Trong trái tim của chàng trai làng Bung lúc này, có con chim xanh đang hát. Nó hát khúc tình ca về tình yêu lứa đôi, về quê hương đất nước, về niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến mà anh và bao người thân yêu đang hiến mình.
Ngoài thềm, ánh trăng suông lênh láng tãi xuống. Đêm yên tĩnh, rộng rênh tưởng chừng vô tận. Nghe thấy cả tiếng hạt cỏ trồi mầm giữa lớp đất vườn trong đêm khuya. Giá cuộc sống cứ bình yên thế này! Niềm ao ước từ đâu bỗng vụt về.
Oàng, ùng, oàng… Tăng… Xình! Tiếng moocchê từ phía Hải Dương bất ngờ vọng đến. Tiếng moocchê như bàn tay đồ tể xé toạc tấm màn nhung tĩnh lặng, mát rượi của đêm. Tiếng moocchê phũ phàng của địch nhắc Lân về công việc cho một ngày mới, về cuộc chiến đấu không cân sức của anh và đồng đội với kẻ thù
Sau nhiều trận điên cuồng càn quét, tấn công thăm dò, trung tuần tháng mười năm bốn bẩy, Pháp lập chi khu quân sự Phương Điếm. Đình làng Phương Điếm uy nghi với những hàng cột lim loáng màu thời gian, những bức chạm trổ tinh xảo bởi bàn tay người thợ xứ Đông tài hoa, chăm chỉ. Mái ngói mũi hài đẫm màu rêu phong, thấp thô như chạm dấu ấn bao đời người nơi này. Vậy mà chỉ trong buổi sáng, quân Pháp dùng xe ủi san phẳng. Nước mắt người Phương Điếm chảy ngược vào trong. Nhiều đôi mắt trân trối nhìn hàng cột lim đổ gục, những xà ngang, đòn tay, vì kèo ụp rầm rầm trên mặt đất. Xích xe nghiến tre gỗ, gạch ngói vụn như xương gẫy. Người Phương Điếm nghiến răng, chất chứa thù hận. Nhất định quân Pháp sẽ phải trả giá cho những gì chúng đang gây ra trên mảnh đất này. Chúng dám động tới cả nơi tôn nghiêm của các bậc thánh thần, nhất định chúng sẽ phải đền tội. Cháu con các ngài sẽ đòi chúng món nợ truyền kiếp ấy .
San phẳng đình Phương Điếm, quân Pháp lập boong ke, đồn bốt. Như đàn bọ hung lúc nhúc, hàng ngày chúng xua lính lôi gạch, đá, xi măng, sắt thép đến vứt ngổn ngang. Hệ thống boong ke, hầm ngầm như con rết hiện dần trên nền đình Phương Điếm – tên tục là làng Giỗ nên dân quanh vùng quen gọi bốt Giỗ. (Xem thêm tài liệu về các boong ke thời Pháp). Một loạt hầm ngầm hai nấc, tầng thứ nhất thiết kế bởi một boongke hình bát giác, rộng vài chục mét vuông, chìm dưới lòng đất. Tầng thứ hai vẫn bố trí một hình bát giác con, nhỏ hơn, các cạnh lệch với cạnh hình bát giác mẹ một góc khoảng sáu mươi độ. Cái bát giác con này nhô cao, tám mặt đều có những ô cửa vuông thông ra bên ngoài, vừa làm lỗ thông khí, vừa là nơi quan sát. Trên cùng, lính Pháp đặt những ụ súng máy, đại bác các cỡ, có tầm bắn và khả năng sát thương khác nhau. Chẳng biết những boong ke này được chúng xây kiểu gì, chỉ thấy vỏ ngoài của bốt Phương Điếm như bộ da của con rắn khổng lồ chuyên nuốt người trong các câu chuyện cổ. Nó sần sùi, nửa đen thô tháp, nửa xám xịt. Chính cái vẻ sần sùi, thô ráp kinh khủng ấy luôn khiến người ta có cảm giác đầy len trong cổ họng khi không may vô tình chạm bàn tay lên bộ da gớm ghiếc của hệ thống lô cốt này. Bên ngoài lô cốt, chúng cho rào dầy bằng hàng rào, dây thép gai chống đột nhập. Đây là nơi lính Pháp cố thủ, nơi sinh hoạt, tích trữ lương thực, vũ khí phục vụ mọi hoạt động của chúng. Khoảnh đất rộng mấy nghìn mét vuông đất đình làng được dựng một loạt lô cốt nối tiếp nhau. Chiếc thứ nhất nằm phía Tây khu đất, án ngữ con đường 192 từ Hải Dương đi về các khu Thanh Miện, Hưng Yên. Phía Nam nền đình cũ, Pháp dựng một boong ke nữa, chốt giữ đường mười bẩy đi Ninh Giang. Nối hai boong ke chính này là hệ thống hào ngầm, như đoạn ruột non móc xích hai phần của bộ máy tiêu hoá. Và cái dạ dầy với những ruột non, ruột già khốn kiếp này của quân Pháp đã “nuốt” vào nó không biết cơ man nào sinh mạng, bất biết họ là chiến sĩ cách mạng hay người dân vô tội.
Bốt Phương Điếm được dựng chỉ cách Hải Dương hơn chục cây số. Nó không chỉ trở thành tiểu khu bảo vệ phía nam thị xã Hải Dương, mà còn là đầu não chỉ huy các vị trí liên hiệp Pháp tại Tam Lâm, An Nghiệp, Quảng Bì. Lực lượng địch đóng quân ở tiểu khu này thường xuyên có từ hai đại đội đến một tiểu đoàn, được trang bị hoả lực mạnh. Mặc cho nó có là “pháo đài thép” hay thứ gì đi nữa, thì trong mắt người dân làng Giỗ, Đức Phong, Đại Liêu và các làng khác ở xung quanh, bốt Phương Điếm chẳng khác gì một cái ung nhọt. Mỗi ngày nhìn thấy nó, người ta lại thấy khối u ấy ngày một phình to. Nhân dân quanh vùng luôn cảm thấy nhức nhối, chỉ chờ dịp là họ vùng lên, cắt phăng cái ung nhọt kinh hoàng ấy.
Bốt Giỗ như một con mẹ sề chềnh ềnh án ngữ, quanh nó, ở phía nam, cạnh đường lớn vào thị trấn Gia Lộc, Pháp lập Camp lính nguỵ. Camp này do một đại đội lính canh giữ, như một con chó trung thành nằm gác cổng cho ông chủ khó tính vừa để bảo vệ bốt chính, vừa làm nhiệm vụ quản lý hành chính giải quyết những thắc mắc đối với người dân quanh vùng. Lập xong Camp lính nguỵ, Pháp chọn tên Mạc Đăng Dung làm đồn trưởng. Camp lính nguỵ và những lô cốt nhỏ rải rác trong các làng quanh bốt như một đàn ỉn con lúc nhúc nằm dọc bên đường mười bẩy và đường một chín hai. Tất cả lũ ỉn con này bảo vệ cho bốt Giỗ mà quân Pháp gọi một cách mĩ miều là “chi khu quân sự Phương Điếm”.
Lúc này, vùng hậu phương của tỉnh còn rộng, trải dài suốt khu Nam Gia Lộc, bắc Thanh Miện, Ninh Giang. Sau khi phân tích tình hình, ta quyết định chỉ để lực lượng du kích ở lại đánh địch còn nhân dân Đức Phong, Đại Liêu, Mỹ Long, Vĩnh Dụ, Tiên Nha… triệt để tản cư kháng chiến. Vốn là dân trong khu vực có truyền thống buôn bán, giao thương, phải đi tản cư, họ vẫn chọn những vùng gần chợ. Chợ Bóng, chợ Bùi Hoà, chợ Rồng là nơi có nhiều người làng Bung, làng Giỗ, làng Cuối, làng Trắm… của Gia Lộc tản cư về. Bản tính hay lam hay làm, chạy chợ kiếm sống khiến họ hoà nhập rất nhanh vào đời sống vùng mới đến. Trong thời gian ngắn, nhiều người đã mở xưởng sản xuất hàng thủ công như rèn dao, búa, cuốc thuổng, và buôn bán nhỏ. Cuộc sống ổn định dần.
Dựng xong chi khu quân sự Phương Điếm, quân Pháp rơi vào tình thế khốn đốn. Chính sách “tiêu thổ kháng chiến” vườn không nhà trống của ta đưa dân tản cư, khiến quân Pháp lâm vào cảnh lần chẳng ra miếng ăn. Không cướp bóc được gì, hàng tiếp tế không có, chúng thúc đại đội lính nguỵ bên Camp đi càn. Quân ngụy hầu hết đều bị ép vào lính nên cũng chẳng mấy mặn mà với việc cướp bóc của đồng bào.
Mặt trời lên gần con sào, đám lính nguỵ xách súng bên tay, lệch thệch bước. Tên đi đầu cầm một cây gậy như cây sào chăn vịt, thi thoảng chọc vào bụi cây hoang, vẻ chán chường
– Khốn nạn, dân thì tản cư mẹ nó hết, ruộng đất bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn cả đầu thế này thì có cứt chó gì mà càn với quét.
– Chúng nó xua đi thì cứ đi, đi chán lại về, đến đất cũng khô khốc, nứt nẻ, có muốn cũng chẳng còn gì để cướp.
Càng đi sâu vào làng, toán lính càng chán chường. Những ngôi nhà vắng chủ, hai cánh cổng tre khép hờ hững, có nhà chỉ rấp tạm bằng bó rào gai tre đực. Nền sân mọc đầy rêu xanh. Rồi rau dại, cỏ dại thi nhau bò vào, lan kín những chỗ đất trống. Đàn chuột thấy vắng người, bò ra, rúc rích cắn đuôi nhau vẫy râu giữa khoảng sân rộng. Một con chó lạc chủ gầy tong teo, thũng thẵng chạy trên đường. Cái cổ dài nghêu thi thoảng ngoái lại phía sau, mắt đùn cục dử to tướng. Tên lính đi đầu suỵt suỵt, giương súng. Thằng đi sau chắt lưỡi, xì một tiếng:
– Con chó ghẻ, chả bõ dính răng
Con chó dừng lại, ghếch chân tè vào gốc cây khô, lẩn vào ngôi nhà bìm bìm đã trùm kín cả mái rạ ải.
Lúa mùa chớm vào vụ gặt. Những thửa ruộng người dân đã gieo cấy trước khi Pháp về chiếm đóng Phương Điếm bắt đầu đỏ đuôi. Mồ hôi đổ xuống suốt mấy tháng trời không lẽ để chim chuột phá sạch? Ý nghĩ ấy trở đi trở lại cùng hình ảnh những người chết đói năm bốn lăm đêm đêm hiện về, ám ảnh Lân. Những hạt thóc như hạt vàng nhảy nhót trong đầu anh. Lúa chín rã rời, rụng chạt mặt ruộng. Không thể bỏ lúa. Nhất định phải giành lại mồ hôi, nước mắt của mình.
Ánh đèn bảo vệ quét ngang, quét dọc, soi lồ lộ từng ngọn cỏ. Lân cùng mấy anh em trong Ban chia tốp, men ra những thửa ruộng cách bốt Giỗ vài trăm mét. Ba anh em luồn mình, vừa bò, vừa trườn, ép người sát gốc lúa. Nếu tối nay, mấy anh em và du kích luồn vào những thửa ruộng gần mà không bị quân Pháp phát hiện, đêm mai, dân có thể thu hoạch ở những thửa ruộng ngoài xa. Đội du kích của làng đã chuẩn bị kế hoạch bảo vệ cho dân tranh thủ gặt mùa. Ban tuyên truyền của Lân cũng đã bắt đầu chiến dịch địch vận, tập trung vào camp lính nguỵ, vận động binh lính không bắn vào dân gặt lúa.
Gần nửa ngày đường đi bộ về Bùi Hoà, Lân đã tìm gặp được những người làng Bung đang tản cư, vận động bà con trở về thu hoạch mùa. Nhiều tiếng thở dài ngao ngán:
– Ruộng ngay cạnh bốt, cạnh Camp. Súng nổ ùng oàng suốt ngày. Không biết liệu có giữ được mạng để mà ăn hạt gạo từ đám ruộng ấy không? Thôi, cứ ở đây, lần hồi mà sống có khi còn giữ được xác…
Không phải chỉ có một người có ý ấy. Mấy bà, mấy cô đang bán hàng trong chợ cũng lao xao:
– Thôi, bớt bát mát mặt… Giờ về gặt gặt cắt cắt… Nói vô phúc, nó đoàng cho một phát thì chồng con bỏ cho ai? Vài hạt thóc liệu có sánh được mạng người?
Lân nhẹ nhàng:
– Mình về gặt lúa của mình chứ có đánh đấm gì nó đâu. Nó cũng đang cần lấy lòng dân, chắc không vô cớ bắn giết dân làng đâu. Với lại, mình tranh thủ gặt đêm, chịu khó gặt mò vậy. Đã có đội du kích canh chừng, nếu cần sẽ nổ súng hút chúng nó để bà con an toàn. Lúa chín vàng rục, rũ xuống rồi. Bà con không thấy tiếc mồ hôi, công sức của mình hay sao?
– Thế về cả thì không làm ăn buôn bán gì ở đây nữa à? Lại bỏ à?
– Chỉ người khoẻ về thôi. Người già, yếu, trẻ nhỏ ở lại. Gặt xong, mình lại mang lúa về đây chứ để đấy để nuôi cha con quân ăn cướp hay sao?
Tiếng cười rộ lên một góc chợ. Thế là bà con đã thấu. Mà lòng dân đã thấu thì chẳng việc gì không xong. Bằng cách thuyết phục nhẹ nhàng, vận động người nhà mình trước, Lân cùng anh em trong Ban, đội du kích đã vận động được bà con vững bụng trở về.
Dân đi tản cư bắt đầu lục tục quay về để thu hoạch lúa mùa. Họ không đi thành đoàn, chỉ đi từng tốp lẻ như những người đi làm thuê trở về. Bà giáo Thuận cũng hoà trong dòng người ấy. Đám ruộng nhà bà giáo vỡ được, cấy mấy ống giống, nghe nói cũng đã chín. Lân đã hẹn, chiều xong việc sẽ về gặt giúp mẹ mà giờ vẫn bặt vô âm tín.
Những con chim đuôi cá xập xoè đáp xuống các thửa ruộng. Dân mải chống giặc rồi lại tản cư, không chăm bón cẩn thận, lúa mùa chẳng mấy chắc hạt. Nhiều bông, hạt lép dầy hơn hạt mẩy, bắt lên tay nhẹ bỗng. Ối bông cờ hết, trắng xốp, đứng lơ ngơ giữa ruộng như người mất trí trôn chân giữa lúc chợ đông. Màu vàng vốn óng ả của lúa vào vụ gặt dường như nhạt hơn, nhưng vẫn đấy những đợt sóng vàng nối nhau chạy tới chân trời. Đám cỏ ba cạnh sắc dài, màu xám bạc, uốn quanh ruộng, vật vờ vọt lên cao hơn hẳn đám lúa vàng đang liu riu ngả vào nhau.
Đêm sập xuống. Màn sương mỏng tang vừa chập chờn giữa thắt lưng giời, làm dáng bên chùm nắng cuối ngày giờ đã quấn quanh làng như chiếc khăn voan mỏng. Cămp Phương Điếm chìm dần trong bóng ngày nhập nhoạng. Chỉ còn mấy lô cốt của bốt Giỗ đen trũi, vẫn lừng lững khắc chạm dáng hình nhem nhuốc vào đêm. Thi thoảng, một phát pháo hiệu vọt lên, nhập nhoà như ma trơi treo lơ lửng trên khoảnh trời đóng bốt.
Đoàn người vẫn lầm lũi đi. Họ vừa từ khu tản cư trở về. Đòn sóc, liềm hái nằm chặt trong tay họ. Vài tiếng thì thào vọng ra:
– Gặt chỗ nào trước?
– Cứ gặt từ vành ngoài vào. Chỉ lo quân Pháp trong bốt thôi, đám lính nguỵ ở Camp mình đã binh vận rồi. Còn mấy thằng hung hăng tâng công với quan thầy, ta đã có lời cảnh cáo. Khu ruộng này chắc chỉ gặt vài đêm là hết. Các bà, các chị trong phụ nữ cứu quốc cũng chuẩn bị rồi, cùng lắm ta lại tổ chức đấu tranh…
– Cứ để bà con gặt. Được đến đâu, đám thanh niên sẽ gánh ngay đến đấy. Du kích cũng vừa gác, vừa gặt…
– Phải chuẩn bị mà choảng lại nó chứ? Không có vũ khí gì à?
– Có chứ. Súng trường, tiểu liên huy động hết. Lựu đạn cũng có đây. Cứ gặt đi, đã cử hai người gác hai đầu đường rồi. Một bên căng, một đằng bốt. Động là ta kéo quân sang phía kia đánh trả, hút súng chúng nó về bên ấy. Các cậu ở bên này hướng dẫn bà con vừa tránh, vừa chạy. Anh Bạ ơi, anh Bạ đâu rồi… – Giờ thì đã nghe rõ tiếng Lân – Anh về đằng này đi…
– Đây rồi – Tiếng Bạ từ góc ruộng phía trước mặt – Cậu cứ về gặt giúp bà giáo đi. Tớ thấy u cậu cũng đang ra đồng đấy. Này, vụ sau, xem cô Chắt thế nào, cưới đi chứ. Vừa có người chăm mình, vừa có người đỡ đần u. Tớ thấy dạo này u cậu cũng yếu nhiều rồi.
– Đang súng đạn mù giời thế này, anh lại còn trêu em được!
– Trêu gì mà trêu. Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha… Mà này, có khi cô ấy cũng đang gặt ở bên cánh đồng làng Giỗ kia chưa biết chừng… Chiều nay, tớ thấy cô nàng nhấp nhô bên ấy đấy…
Đêm tối mù, không biết gương mặt vốn tinh nghịch của Bạ lúc ấy thế nào, chỉ thấy tiếng cười khùng khục vang lên thật giòn. Bao mệt nhọc trong người bỗng loãng đâu mất. Làn gió heo may bất chợt ùa về khiến dòng mồ hôi đang bết chân tóc mai Lân khô như có bàn tay lau qua. Anh ngoảnh nhìn về đồng làng Giỗ. Bên ấy, không biết Chắt có cảm thấy được ánh mắt khắc khoải mong ngóng của anh. Tối qua, gặp ở cây cầu đá đầu làng, lúc chạm mắt nhau, Lân thoáng thấy má Chắt ửng đỏ.
Tiếng liềm cắt lúa vang lên. Xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt. Thanh âm của mùa màng. Thanh âm báo hiệu sự no ấm. Mùi thơm ngọt thoát từ những thân lúa bị cắt ngang, lan xa. Hương vị đặc trưng của mùa màng trong vụ gặt dồn về, ùa vào khí quản Lân khiến anh ngây ngất. Ước gì, không có cái bốt Giỗ khốn kiếp lừng lững, đen trũi như cái nhọt bọc tàn độc đang khảm vào bầu trời đêm kia. Khi ấy, tất cả những người đang lom khom lầm lũi cắt lúa trong bóng đêm này sẽ vừa gặt vừa cười vang trong ánh nắng thu vàng rực rỡ. Lúc ấy, màu vàng mỡ của nắng thu sẽ tan trong sắc vàng lịm của lúa mùa. Và mắt Chắt chắc long lanh lắm…
Bà giáo vẫn cặm cụi cắt lúa bên con trai. Bàn tay cần mẫn của con người vừa nâng đỡ, vừa nâng niu từng bông lúa chín. Thân lúa ngả xuống, gom dần lại. Những gồi lúa vật lên bờ cao dần. Tiếng đòn sóc xiên ngang vào gồi lúa loạt xoạt. Bước chân thậm thịch chạy lên đường. Không ai ngờ, cái làng như làng hoang kia đang nảy mầm sự sống.
Một phát pháo hiệu bất ngờ từ bốt Giỗ vọt lên. Ánh sáng nhoè nhoẹt, trắng xanh của nó rọi xuống. Những dáng người đang lom khom bỗng thụp xuống. Tiếng chửi bất ngờ văng ra:
– Mẹ cha chúng mày. Các ông gieo trồng, mồ hôi trên dồn mồ hôi dưới mới được hạt thóc, vậy mà cứ phải gặt chui, gặt lủi như phường trộm cắp thế này. Cứ bùng xoè đi, có ngày biết tay ông. Tiên sư cha chúng mày
Bà nào đó gay gắt:
– Mấy bố du kích du kiếc thế nào chứ thế này là không xong rồi. Giã cho lũ thối thây ấy một trận cho nó trắng mắt ra chứ.
– Nhỏ tiếng thôi. Ai chẳng muốn giã cho ra trò. Nhưng sức ta chưa mạnh, chuẩn bị đã…
– Đúng rồi. Cái trước mắt bây giờ là đưa hết lúa ngoài đồng về giấu đi. Thế đã là thắng đấy. Rồi ngày mai, ngày mốt mạnh dần, mình giã giò nó cũng chưa muộn
– Đã tẩn là tẩn cho nó không mở được mắt ra, không ngẩng được đầu lên ấy chứ…
Từ phía bốt Giỗ, tiếng súng bất ngờ vang lên. Lân ngẩng nhìn. Chân trời đằng đông, màu vàng cam ánh hồng bắt đầu lồ lộ. Ba phát súng hiệu từ bốt Giỗ như lời chào tàn ác xoè ra các bốt xung quanh và quân nguỵ bên Camp Phương Điếm. Lọp bọp súng trả lời. Hai du kích gác đầu đường phất phất tín hiệu. Lân kéo mẹ, vẫy tay sang xung quanh
– Rút thôi. Đêm mai gặt tiếp, kẻo tí nữa chúng kéo ra tuần thì nguy.
Lúa kĩu kịt trên vai theo chân đoàn người trở ra vùng tản cư. Chưa một ai trong đoàn người lầm lũi gánh lúa kia tưởng tượng ra, có một ngày, hạt thóc, bông lúa cũng phải tản cư. Một hạt thóc đổi ba bốn bát mồ hôi là thế. Bước chân gấp gáp hơn. Họ tránh đi các con đường lớn. Men theo những bờ vùng, bờ thửa dọc ngang chạy tiếp nối giữa các cánh đồng. Sương trắng tan dần. Bóng người nhoà lại hiện. Vùng căn cứ trước mặt. Hạt thóc ngấm mồ hôi bao ngày đã về với người làng.
Đám trẻ con bu lại quanh những gánh lúa. Chúng nghiêng ngó một hồi rồi tản ra. Gương mặt buồn thiu. Không có muồm muỗm, chẳng có cà cuống giắt lưng mẹ mỗi khi gặt về như bao mùa trước. Nhưng cũng chỉ một lát, tiếng kèn toe toe bọn trẻ lọc từ những ống rơm rỗng đã vang xa. Thanh âm mùa màng dẫu không rộn ràng như vô vàn vụ trước vẫn khiến lòng người náo nức. Người lớn xúm lại. Người trục, người đập, người vò. Những bàn chân trần miết xuống từng gồi lúa lớn. Hạt thóc rơi ra. Đám rơm nhàu dần. Đám trẻ tung những búi rơm lên cao. Rơm trùm lên đầu, chui vào cổ, quấn vào người. Tiếng cười con trẻ loang ra. Dẫu không nhiều cũng khiến một vùng nhỏ rộn lên chốc lát. Dù giữa thời chiến thì làng vẫn đang được gọi là vào giữa vụ gặt. Bước đi trên đường làng, bàn chân Lân sục trong cái màu vàng mềm mại, thơm ngát của rơm. Mong manh thế mà vẫn nằng nặng quấn quýt bước chân, mang đến cho anh cảm giác thật dễ chịu. Lân yêu màu của rơm rạ. Những thân rơm mỏng mảnh trên con đường làng tản cư đưa anh trở về thuở nhỏ, những ngày được vô tư nhào lộn trong rơm khi mùa về và lòng anh chợt rung lên khi nhận ra bóng mẹ đang lụi cụi phơi rơm để dành. Mỗi sợi rơm cứ nhắc nhở Lân sự cần cù, tảo tần của những người dân quê, của bà, của mẹ anh. Nó nhắc anh về một thuở vui buồn trong ký ức.
Thu hoạch xong vụ mùa, người dân quay trở lại vùng tản cư tiếp tục buôn bán, tham gia kháng chiến. Người các làng Phương Điếm, Hội Xuyên, Đức Phong, Đại Liêu, Tiên Nha, Vĩnh Dụ tập trung tản cư tại khu vực chợ Bùi Hoà, Xuân Trì – Hoàng Hanh rất đông. Nơi này trở thành điểm giao thương, buôn bán khá tấp nập.
Năm một chín bốn tám!
Trăng tháng Tám, nhẹ nhàng tãi trên thảm lá dầy, lọt xuống nền sân đất lỗ rỗ như tấm chăn hoa dẻ phơi thấp thoáng ngoài giậu cúc tần. Cuộc họp huyện uỷ Gia Lộc sắp bắt đầu. Sau những tháng ngày bám đất, bám dân chống địch đánh phá, khuôn mặt các đồng chí lãnh đạo sạm lại. Lưỡng quyền nhô ra, kéo gò má hóp lại. Chỉ ánh nhìn vẫn tinh anh, sáng niềm tin vào tiền đồ cách mạng. Những khó khăn trong ngày đầu kháng chiến hút sức các anh, các chị vào cuộc đấu tranh không cân sức với kẻ thù. Giờ đây, trong tình hình mới, để nắm dân, huyện uỷ Gia Lộc quyết định thành lập liên xã Nghĩa Hưng trong vùng kháng chiến tại vùng căn cứ thuộc hai xã Đức Xương, Quang Minh. Từ vùng căn cứ này, phạm vi hoạt động sẽ vươn tới các làng Bùi, Cụ Trì, Mơ Trì, Lang Ngoại và cả làng Triệu, Nuồi của huyện Thanh Miện, nơi có nhiều dân Gia Lộc đang tản cư làm ăn, sinh sống. Suốt cuộc họp, điểm mạnh, yếu trong cuộc chiến với địch được đưa ra phân tích tỉ mỉ. Muốn thắng lợi, chỉ có dựa vào dân. Muốn dựa vào dân phải nắm được dân mình. Quân tách khỏi dân như cá tách khỏi nước. Điều ấy, bất cứ chiến sĩ cộng sản nào cũng hiểu và nằm lòng.
Đêm đã về khuya. Sắc vàng của ánh trăng chuyển dần sang màu trắng nhạt. Cuộc họp kết thúc. Ngoài kia, tiếng dế vẫn i i gáy trong đám cỏ hoang. Không nghe thấy tiếng gà, chỉ thấy súng bắn cầm canh của quân giặc như xoáy vào tim mỗi người.
Thành lập liên xã Nghĩa Hưng, Huyện uỷ trông chờ rất nhiều vào những đồng chí cốt cán sẽ bám trụ cùng nhân dân. Chỉ có cùng sống, cùng chết với đồng bào mới có thể hiểu thấu nỗi lòng người dân đang vì công cuộc kháng chiến của cách mạng mà phải rời bỏ nơi mình đã chôn nhau cắt rốn.
Tang tảng sáng! Mọi người lục tục đứng lên. Họ rút ra từng người một, lẩn nhanh vào cái lễnh loãng của bóng tối đang nhường chỗ cho ánh sáng. Liên xã Nghĩa Hưng đã thành lập. Đồng chí Nguyễn Công Tân làm Bí thư chi bộ liên xã, đồng chí Phạm Quang Nùng làm Chủ tịch uỷ ban hành chính, đồng chí Nguyễn Văn Uyển làm Phó Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Đình Lân làm Trưởng ban thông tin tuyên truyền.
Dẫu vẫn bộn bề, người làng Bung, làng Giỗ hàng ngày vẫn hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vùng mắt bão Chương IV