Home > Uncategorized > Vùng mắt bão Chương VII

Vùng mắt bão Chương VII

Vùng mắt bão

Nguyễn Đình Vinh và Thương Huyền

Chương V

Cái chiến dịch Điabôlô chết tiệt của quân Pháp với hàng loạt trận càn quy mô lớn đã biến vùng căn cứ kháng chiến của Hải Dương ở khu nam Gia Lộc, đông Thanh Miện, Ninh Giang thành khu vực chiếm đóng của địch. Một loạt đồn bốt: Tràng Thưa, Triệu, Bái, Bùi Hoà… được chúng xây thêm phục vụ việc chiếm đóng và cai trị lâu dài. 

 Lực lượng, vũ khí mỏng, dù tinh thần chiến đấu của quân ta rất cao cũng không tránh khỏi tổn thất. Trước tình hình ấy, phương châm lùi một bước tiến ba bước đã được triệt để vận dụng. Để bảo toàn lực lượng, củng cố tinh thần cán bộ chiến sĩ, chuẩn bị điều kiện cầm cự tiến tới phản công lại địch, tỉnh uỷ Hải Dương chỉ thị: Uỷ ban kháng chiến của ta sơ tán lên vùng căn cứ chiến khu ở đèo Voi – Đông Triều.  

Thêm một lần, quân dân ta lại lên đường.  

Tờ mờ sáng, khi tiếng gáy èo uột, khàn khàn, đùng đục của những con gà may mắn thoát chết sau các trận càn cố lách màn sương mỏng đánh thức mọi người, Chắt con cùng các đồng chí trong ban chấp hành phụ nữ Nghĩa Hưng lên đường. Bên cô, chị Sự, chị Chua, chị Xoan, cùng với đồng chí Bảng – Bí thư huyện uỷ Bình Giang, đồng chí Sinh –  bí thư huyện uỷ Gia Lộc cũng lên đường. Họ lặng lẽ bước. Tâm trạng bới bời như mớ bòng bong quẩn giữa dòng nước xiết. 

 

Con đường trước mặt lại vời vợi trôi trong bụi đất. Quê hương, làng xóm dần lùi lại phía sau. Những mái nhà tranh che tạm cho bao cuộc đời bỗng chốc thành xa vắng. Những ruộng lúa, ao bèo, bụi tre khuất dần. Trước mắt, chỉ còn thấy đồi núi nhấp nhô, đất đỏ chen đá sỏi, lạo xạo dưới chân nghe nhức nhối. Không còn nhớ nổi, đã bao lần, quân dân ta phải rời nhà đi kháng chiến. Chưa biết đến khi nào, ta lại được trở về mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của ta? Đôi chân ngập ngừng. Qua xóm, qua làng. Qua cả những con sông lớn. Thái Bình rồi Kinh Thầy vẫn cuồn cuộn trôi mà không sao dậy sóng cuốn phăng quân xâm lược ra biển? Đất nơi nào nghe cũng thổn thức đau!

Dòng người sơ tán vẫn lầm lũi đi. Những thúng, quang, chăn chiếu, nồi niêu xoong chảo. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người gọi nhau. Í ới. Những người đàn bà lầm lũi vừa cõng con, vừa tay xách, nách mang đủ thứ có thể mang theo. Vài người đàn ông dáng thô ráp cõng trên lưng cả cái bao tải tướng. Chắc gia tài của cả gia đình họ. Lẫn trong dòng người tản cư thi thoảng lại gặp một đơn vị bộ đội. Họ mang vác súng ống, đạn dược…. Họ mệt mỏi vì vừa rút ra từ những trận đánh lớn với địch. Thấp thoáng, còn có cả những đồng chí quấn băng trên đầu, nhưng vẻ mặt họ chẳng có gì là nghiêm trọng cả. 

Con đường đèo ngoằn ngoèo như sợi dây thừng vấn vít từ sườn đồi này vắt sang lưng đồi bên kia. Hai bên đường, sim, mua buông từng chùm hoa tím thẫm. Đường xá dọc ngang như ma trận, chỗ nào cũng giống chỗ nào, quay qua quay lại, Chắt con lạc mất mọi người. Tất tả, cô chạy lên trước, tụt lại sau vẫn không thấy bóng dáng chị Chua, chị Sự, chị Xoan đâu cả. Loay hoay mãi, trước mặt lại là ngã ba đường, một thân tre chắn ngang, mấy đồng chí bộ đội đứng gác. Dò hỏi bà con tản cư, cô biết đây là Bến Tắm. 

Dòng người sơ tán ùn lại cho hai đồng chí bộ đội xem giấy tờ. Đến Chắt. Nhìn cái áo cánh màu nâu non cô mặc, đồng chí bộ đội trẻ hỏi nhỏ:

 – Tay nải chị đựng gì vậy?

 – Chỉ có bộ quần áo, ít gạo với mấy thứ đồ dùng thôi – Chắt cố lấy giọng cứng cỏi đáp lại, mặt bắt đầu đỏ lên. 

 – Chị mở tay nải cho chúng tôi kiểm tra – Đồng chí bộ đội nghiêm giọng.

 – Thưa… Trong tay nải không có gì thật… Tôi từ Gia Lộc sơ tán lên đây.

– Không có gì chúng tôi cũng phải kiểm tra. Chị đi có một mình? 

 Vừa nói, đồng chí bộ đội vừa cởi nút buộc chiếc khăn vuông đen Chắt túm lại thành tay nải đeo bên mình. Không có gì thật. Hai bộ quần áo, một nửa ruột tượng gạo, đùm muối… Đã định gói lại, ngẫm nghĩ thế nào, anh bộ đội lật lật, lôi ra một cái áo, giơ lên: 

– Áo này không phải của chị… vì nó là áo đàn ông. Của ai vậy? Chồng chị à? 

– Thì của… Chắt con ngập ngừng – Đây là áo của Lân, nhưng không lẽ lại bảo là áo của người yêu. Khó thật!

– Chắc là áo của chồng cô ấy rồi! Mấy người đứng xung quanh bàn tán – Gớm! Bện hơi nhau nhỉ, đi sơ tán còn cố vớt vát mang áo của chồng theo, chắc để thi thoảng bỏ ra cho đỡ nhớ đấy. Vợ người ta thế mới là vợ chứ – Ông nào đó làm trò – Chứ như mẹ đĩ nhà tôi, nó chỉ cốt nhanh nhanh cho xong là nó tống mình ra ổ ngoài, cứ làm như mình là cái của nợ nhà nó không bằng. 

Đám người đứng ngoài cười hể hả. Giữa buổi loạn lạc, tiếng cười của họ cũng làm không khí dịu lại đôi chút. Chắt con càng đỏ mặt, anh bộ đội đứng gác càng trêu già. Cô bặm môi, túm cái áo của Lân nhét vội vào tay nải, thoăn thoắt buộc lại. Đồng chí bộ đội ngừng đùa:

– Chị ở Gia Lộc lên à?

 – Vâng. Tôi đi cùng mấy người nữa nhưng đang lạc nhau, chưa tìm thấy họ.

 – Vậy chị cứ đi theo đoàn bộ đội kia kìa. Họ là bộ đội 126, tỉnh đội Hải Dương cũng đang rút về chiến khu đấy. Cứ theo họ, thế nào cũng tìm thấy người chị cần tìm… Mà này, nhớ giữ cái áo của ông chồng cẩn thận, không có mất lại khóc mủi khóc dải nhé!

 Đang xoay người nhìn quanh, Chắt con giật mình bởi ai đó réo tên cô thất thanh. Cô giật mình. Rõ là tiếng chị Chua. Rồi thấy cả năm người trong đoàn. Họ như vừa từ cánh rừng nào chui ra khi lá mục, tơ nhện vẫn vương đầy trên tóc, vai áo.

– Mày đi thế nào mà chúng tao không sao đuổi kịp nữa – Chị Chua trách nhẹ.

 – Em tưởng mọi người vượt lên trước rồi nên cứ đuổi theo thục mạng. Tưởng đứt hơi vẫn không thấy các anh các chị đâu. Đang không biết tính thế nào… 

 – Thôi, thấy đây là may rồi. Ta vào trong kia xem thế nào… Anh Bảng nói nhỏ – Tỉnh uỷ đang họp trong đèo Voi đấy, thế nào cũng có chỉ thị mới, chúng ta vào càng gần, nắm được chỉ thị càng nhanh càng tốt. Đi nào. 

Hội nghị cán bộ toàn tỉnh  tổ chức tại đèo Voi. Vừa họp được một ngày thì quân Pháp mở trận càn tổng lực vào hòng giăng lưới bắt cá. Các loại súng lớn nhỏ đủ cỡ nổ như vãi trấu. Tiếng súng vọng vào vách đá, vọng lại âm âm càng khiến không khí sôi lên sùng sục. Địch đang tiến hành bình định Bắc Bộ lần thứ ba. Chúng triển khai chiến dịch Pác – panh đánh sâu vào vùng Mai Xiu – Vị Loại. Nghe tiếng súng dồn, bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Năng Hách dừng lời, hướng ra cửa. Cậu liên lạc từ ngoài chạy vào, mồ hôi xối xả trên mặt, báo cáo trong nhịp thở dốc.

 – Báo …cáo. Quân Pháp đang tấn công rất mạnh. Chúng đánh trên cả ba mũi… Súng đã nổ rất gần..

Thường vụ Tỉnh uỷ hội ý nhanh. Hội nghị phải dừng lại. Các đại biểu lánh tạm vào rừng, nếu cần có thể sơ tán lên tận Vây Rồng, dãy núi cao nhất thuộc Đông Triều. 

 Đường rừng càng vào sâu càng khó đi. Không thể tiến lên quá cao, các đại biểu dự hội nghị lại phải xuống núi. 

 – Chuẩn bị dời ra đèo Trê, dốc Chối, vượt đường sang Bắc Giang! – Chỉ thị mới đưa ra. Liên lạc báo về: con đường này địch đã vây chặt. 

 Phương án cuối, hội nghị lại chuyển đến đèo Mận (Chí Linh) họp tiếp. 

Cũng chính tại hội nghị này, những vấn đề then chốt như: “Không thể lập căn cứ địa chơi vơi, xa dân, xa đất. Căn cứ địa tốt nhất, an toàn nhất chính là lòng dân. Nếu biết dựa vào dân, bám dân, bám đất để tiến hành kháng chiến thì nhất định ta sẽ bảo toàn được lực lượng, tiến tới đánh bại được kẻ thù. Muốn vậy, các đơn vị, cơ quan, địa phương và cán bộ phải quán triệt quan điểm “trường kỳ kháng chiến”, bám sát cơ sở lãnh đạo phong trào và quyết định mở đợt hoạt động mới, đánh mạnh, theo chủ trương chung của Liên khu”.  

Sau khi địch chiếm đóng rộng ra toàn tỉnh, Tỉnh uỷ quyết định lấy năm xã khu Hà Đông – Thanh Hà làm căn cứ chỉ đạo kháng chiến. 

Dừng chân tại chiến khu đèo Voi, đoàn của Chắt gặp đúng lúc địch đổ quân, quyết tiêu diệt toàn cơ quan đầu não của Hải Dương, cô cùng mọi người  một mặt lánh địch, một mặt chờ chỉ thị mới. Vừa cùng các đơn vị tập trung chống càn, cô cùng các đơn vị rút về Nam Can – Thanh Hà, ở nhờ nhà dân.  

Tơm tởm sáng, Chắt con dậy nấu cơm cho cả đoàn. Bếp lửa bập bùng, soi mặt cô khi mờ, khi tỏ. Bóng cô chênh chao, chập chờn trên vách rạ. Nồi cơm lúc búc trên khuôn bếp nhỏ. Nhìn ba ông đầu rau can trường dầm chân trong lửa đỏ,  Chắt con suy nghĩ rất nhiều. Không lẽ cứ bỏ quê chạy mãi. Chỉ thị mới của tỉnh uỷ trong thời kỳ mới cô đã nghe. 

 Vần nồi cơm giữa đống tro hừng hực, chiếc que cời trong tay cô gạt đám than đỏ lửa gọn gàng ủ lên chiếc vung xoong. Chắt bước ra ngoài. Chân trời đằng đông, màu hồng cánh sen hiện ra rực rỡ. Cô bồn chồn nhớ những buổi chợ tất tả cùng bà con, nhớ tiếng mời chào đon đả của bà cụ bán hàng bên cạnh, nhớ cả giọng cãi nhau ỏm tỏi của những bà hàng tôm, hàng cá. Nhớ tiếng lợn kêu, tiếng gà gáy… Những âm thanh ấy gợi lên cuộc sống bình dị, thanh bần nơi quê nhỏ. Không biết thầy u cô có còn ở bên Thái Bình hay đã về quê? Lần này, cô không lo cho Lân nhiều như trước bởi cô đã hiểu anh là người đàn ông can trường. Công việc sẽ cuốn anh đi. Anh sẽ biết lo toan vừa để sống và công tác. Chiếc áo anh gửi cô hôm chia tay chẳng đã là vật tín ước rồi sao?

 Múc gáo nước trong chiếc chum nhỏ vã lên, dòng nước lạnh buổi sáng chảy tràn trên mặt, rỉ vào kẽ miệng khiến hai mắt Chắt bớt cay. Đã mấy đêm rồi cô không ngủ.  

Mặt trời lệnh khệnh chui qua đám mây mỏng, lừ đừ nhòm xuống mặt đất như ánh nhìn ngập ngừng của người vừa ngủ dậy. Mùi cơm bốc lên sực nức. Gạo cũng chẳng còn nhiều. Số tiền ít ỏi mang theo sắp cạn. Rũ mạnh chiếc khăn vuông cho tro bếp bay ra, Chắt chao tay qua gáy, đội lên đầu. Chỉ hai lượt gập, buộc, cái khăn mềm mại ôm trùm mái tóc dài của Chắt. Cô vội vã bới cơm ra chiếc rá nhỏ. Chờ cho cơm bớt nóng, cô nắm thành năm nắm. Đây sẽ là lương thực ăn đường nếu phải chạy giặc càn. Chỗ cơm còn lại, năm anh em mỗi người làm một bụng. Họ chuẩn bị cho công việc một ngày mới. Cũng chẳng có gì to tát, chủ yếu là nghe ngóng tình hình địch, nắm nội dung những chỉ thị mới của cấp trên, bàn cách thực hiện chính sách xây dựng căn cứ lòng dân, trường kỳ kháng chiến ngay tại quê nhà. 

Tiếng gà báo canh năm đã qua rất lâu. Trên cây xoan đầu hồi nhà, đàn liếu điếu kéo về cãi nhau ỏm tỏi. Chúng mổ những quả xoan chín rụng lộp bộp xuống tàu chuối phía dưới. 

Chắt nhổm người. Đầu cô đau như có người cầm búa gõ vào hai bên thái dương. “Không khéo mình ốm mất. Ốm bây giờ thì chết. Không! Không thể gục lúc này”. Cô tự lẩm nhẩm. Nhưng đầu vẫn không thể ngúc ngắc được. Cô nằm im. Không trở dậy nấu cơm cho cả đoàn như mọi ngày, Chắt quờ chân sang chị Xoan. Chị vẫn ngủ, giấc ngủ mệt mỏi. Đêm qua, thấy chị trằn trọc mãi. Con người chứ gỗ đá đâu mà ngon giấc lúc này được.

 Định nằm nướng một lúc rồi gắng dậy, vừa lúc những tràng tiểu liên nổ sát sạt bên tai.

 – Tây càn!  Bà hàng xóm thét lên.

 Thoáng chốc, tiếng súng ngập xóm nhỏ.

 

**

 

*

 

Cơn sốt biến đâu mất. Mọi người túa ra. Ngôi nhà Chắt ở nhờ nằm rất gần cánh đồng. Cả năm người lẩn ngay xuống ruộng, tìm chỗ núp. Chắt cùng ông Bảng, ông giáo Thập, chị Xoan vừa bò, vừa lết luổn được ra con mương nhỏ, nước ngập đến cổ. Chị Chua, chị Sự kéo nhau lăn ào xuống khoảnh lúa bên cạnh. 

 

Không biết địch tiến thế nào mà cả xóm không ai hay biết. Khi nghe súng nổ, chúng đã ở sát nách. Dọc con ngõ nhỏ và lối ra đồng, cứ cách sải tay lại có một thằng Pháp hoặc tên lính nguỵ súng lăm lăm trong tay. Chúng hò nhau sục xuống cả ruộng lúa. Nhưng địch không dám lội ra xa sợ dẫm phải bàn chông du kích cài lại. Chúng đứng quanh thửa ruộng gần, bắn vãi đạn ra xa. 

 

Một tràng tiểu liên nổ giòn. Chỉ nghe tiếng chị Chua kêu “ối” rất khẽ. Chắt vùng người quay trở lại. Ông giáo Thập túm vai áo cô, gắt lên:

 

– Không được. Mày quay lại bây giờ chẳng cứu được nó mà còn chết theo. Bọn Pháp không dám lội ra mãi chỗ hai đứa nó đâu. Cứ để yên yên, ta quay lại tìm. Giờ nằm im. Lôi thôi, nó biết, táng cho một băng, nát nhừ bây giờ. 

 

Bốn người lội men theo con mương, men theo đường bờ vùng, lần ra bãi bồi ven sông. Ông giáo Thập đi trước. Cái đầu nhấp nhô vượt lên khỏi mặt bờ vùng. Chắt con lom khom phía sau, thấp thỏm:

 

– Ông giáo ơi, thấp thấp cái đầu xuống đi. Đầu ông nhô cao thế kia, nó nhòm thấy bây giờ thì chết. 

 

Ông giáo Thập vội thụp thấp xuống. Chợt ông dừng lại, đẩy cô lên phía trước:

 

– Đấy, mày lần giỏi thì đi trước đi. Đang lần mò, cứ ở đằng sau nhắc oai oái thế, bố ai còn lòng dạ nào mà đi được…

 

Chắt con lần lên trước. Được một đoạn, lại thấy tiếng ông giáo thì thào đằng sau:

 

– Giời ạ, Chắt ơi, mày có thâm thấp cái lưng xuống không… Cứ nhô cao thế kia, lưng thì như lưng voi, nó táng moócchê ra, chết sạch bây giờ…

 

**

 

*

 

 

 

 Thanh Hà nằm giữa bốn bề sông nước. Lợi thế này khiến Tỉnh ủy chọn huyện này làm căn cứ chỉ đạo kháng chiến. Và chính vì thế, quân Pháp mới mở trận càn vào Thanh Hà hôm nay. 

 

Bao bọc bởi dòng chảy của sông Gùa, Kinh Thầy, Thái Bình… Thanh Hà thành vùng cửa sông nước lợ, mênh mang. Những thân cói cao quá đầu người liu riu rạp vào nhau như tấm khăn xanh bạc khổng lồ choàng cho đoàn người chạy loạn. 

 

Chắt con, chị Xoan, anh Bảng, ông giáo Thập men theo con mương dẫn nước bò ra bờ sông Thái Bình, lẩn vào một vùng cói um tùm, xanh ngút. Không còn ai thấy đói, thấy mệt. Không một ai lên tiếng. Chỉ có tiếng nước róc rách tràn vào bãi bồi khi thuỷ triều lên. Những con cáy ngo nghoe tám cẳng chân lêu nghêu bò ra, nghiêng đôi mắt trố lồi, thô lố nhìn, không hiểu đám sinh vật lạ hoắc đang tụ lại kia từ đâu ra rồi vội vàng thụt vào những cái hang nhỏ nằm ven bờ cát. Quần áo mọi người bê bết bùn đất. Cái đói, cái lạnh không khiến họ quan tâm lúc này. Trong họ bây giờ, chỉ còn nỗi thắc thỏm cho hai người bạn đang mắc lại trong kia. 

 

Chiều tà. Khi thuỷ triều đã ngập hết cả bãi bồi, tiếng súng trong làng yên hẳn. Từ xa nhìn vào ngôi làng nhỏ, chỉ còn thấy những đụn khói đục như nước gạo đặc ngoằn ngoèo bay lên. Khói địch đốt nhà dân. 

 

Anh Bảng bò lên trước. Khi không còn thấy động tĩnh gì của địch ở trong làng, anh giả tiếng cú, rúc lên ba hồi làm ám hiệu báo yên cho mọi người. Chắt con cùng mấy người lóp ngóp bò lên, lần vào ngôi chùa nhỏ bỏ hoang giữa cánh đồng Nam Can. Bàn bạc nhanh, để mấy người ngồi lại chùa, cô cùng anh Bảng lần vào làng. 

 

Cái làng nhỏ vẫn bình yên khi bình minh đến, vậy mà chỉ qua một ngày bị giặc càn, nó tiêu điều xơ xác như vừa qua trận bão. Những tiếng khóc ai oán, thê lương. Mùi máu bốc lên tanh lợm. Đàn quạ à à trên ngọn tre. Loài chim này chuyên đánh mùi xác chết. Dân bị giết nhiều vô kể. Có chị bị quân Pháp hiếp tới phát điên, không áo quần, nồng nỗng, thoắt khóc, thoắt cười, chạy dọc đường làng. Đám trẻ con chưa hết kinh hoàng, mắt lơ láo, thất thần, không biết tại sao cha mẹ chúng bị giết, tại sao chúng vừa có gia đình thoắt thành trẻ mồ côi? Không khí tang tóc bao phủ ngôi làng đặc như màn sương mù một chạp. Những người sống sót đang gạt nỗi đau, lo hậu sự cho người đã chết. Họ hạ tấm cánh cửa còn sót, tìm manh chiếu lành nhất cho người xấu số. 

 

Đi mãi trong làng, Chắt con và anh Bảng mới gặp được một ông già đang vội vã bước như chạy. Nhìn kỹ mới nhận ra ông già hàng xóm. Dường như ông cụ cũng đã nhận ra hai người. Vẫn dáng thất thểu, ông dừng lại:

 

– Sao hai người còn ở đây? Thế có ai bị không?

 

– Làng bị nhiều không cụ? Anh Bảng níu tay cụ già 

 

– Nhiều lắm. Quân dã man. Nó bắt chỉ hầm bí mật. Mẹ cha nó, bí mật bí đường không thấy, nó quay súng nổ đòm đòm. Mấy chục mạng người chết bởi tay chúng. Uất mà không sao được mới hận.

 

– Cụ có thấy mấy người trong đoàn chúng cháu đâu không? Chắt sốt ruột cắt ngang lời ông cụ

 

–  Thấy hai người thôi, một cô cao gầy, một cô nhỏ người… Cô cao gầy bị thương vào đùi nặng lắm, vừa khênh vào chùa làng rồi. Cô nhỏ người không sao đâu. Cứ vào chùa sẽ tìm thấy họ đấy, chắc chưa đi đâu xa được đâu… 

 

Ông cụ phẩy tay, thất thểu rẽ vào con ngõ nhỏ. Cái đầu húi cua ngúc ngắc khuất dần sau bụi tre gai.

 

Hai anh em vào chùa. Chị Chua bị thương vào đùi. Viên đạn nổ, phá một lỗ toang hoác trên đùi chị. Cái quần thâm rách tơi tả, chỗ đạn bắn vào toạc từng mảnh. Mấy chị em ở lại trông nom chị Chua. Vết thương nặng, không thuốc men gì, sưng tấy lên. Chị Chua sốt quá đâm mê sảng. Xoan loay hoay thay cái quần chị Chua đang mặc, đưa Chắt con đem giặt. Máu lẫn thịt vụn bê bết dính chặt vào ống quần. Chắt con ngồi bên bờ sông, bàn tay ra sức chà, xát mà những mẩu thịt vụn vẫn không sao tuột ra khỏi cái ống quần rách te tua, lùng nhùng, nhẫy nhầy nhờn. Không thể rũ sạch, cô nhìn chị Sự. Hai chị em chẳng ai nói lời nào, nước mắt ứa ra. Chị Sự loay hoay tìm được viên gạch, quay qua quay lại gói cái quần vào, tung ra giữa dòng nước đang cuộn chảy. Chưa chạm mặt sóng, viên gạch đã rời ra, rơi tũm xuống nước, bỏ mặc chiếc quần nổi lập lờ giữa dòng sông thênh thang.

 

**

 

*

 

– U ơi! Hai mắt vẫn nhắm nghiền, khuôn mặt chị Chua bừng bừng như da gấc chín. Nhìn chị, Chắt con cứ nghĩ nếu chạm nhẹ vào má chị lúc này, cả bàn tay sẽ phỏng rộp rất nhanh. Chị Chua vẫn ú ớ mê. Chị chỉ nuốt được chút cháo loãng. Nắm lá nhọ nồi, rau má chị Xoan vặt bên bờ mương, nhai nát đắp vào  không sao cầm máu cho vết thương được. Chị vẫn sốt đùng đùng. 

 

Trời tối dần. Muỗi bay à à từ ngoài đồng cói vào ngôi chùa nhỏ thành từng vệt đen kịt, tụ lại rồi loang ra. Chỉ cần giơ tay ra vợt cũng được hàng vốc muỗi dại. Chúng bu lại, đậu kín chỗ có ánh đèn le lói. Chẫu chuộc, cóc, nhái, giun dế bắt đầu tỉ tê. Cứ ia iê, chuộc chuộc rồi lại chẳng chuộc như người nghiến răng, kéo dài không dứt. Tiếng côn trùng rỉ rả từ ngoài đồng vọng vào càng làm ruột gan mấy anh chị em như nhũn ra, đứt từng khúc một. Nhìn chị Chua vẫn thiêm thiếp trên manh chiếu góc chùa, Chắt con không đành lòng. Cô đứng dậy, dợm chân bước ra, vừa lúc anh Sinh từ ngoài vào, mặt âu lo:

 

– Để cô ấy thế này không được. Vết thương nặng lắm, giờ phải làm sao lấy được viên đạn ra, không có nhiễm trùng thì khốn… Chỗ bị đạn sưng to lắm rồi, mà máu thì không cầm được. Mấy cô có cách gì không?

 

– Hay đi sâu vào làng xem có nhờ được ai giúp không – Chị Sự rụt rè

 

– Nhờ ai được lúc này. Giặc vừa càn, khủng bố trắng. Dân chết không biết bao nhiêu. Họ lo cho họ chưa xong… Mình phải tự lo thôi – Giọng anh Sinh đăm chiêu như anh chỉ nói cho riêng mình nghe – Tỉnh uỷ cũng vừa có chỉ thị chính thức rồi, phải bám dân, đưa dân trở về. Bây giờ thế này, chúng ta phải cắt cử người trông nom cô Chua, xúm cả lại thế này không được, còn lo việc khác. Cũng phải cử một người về làng báo cho gia đình cô Chua biết. Cụ thân sinh ra cô ấy cũng là người có nghề, quen biết nhiều, gia đình sẽ lo chạy chữa, chứ giằng dai thế này, nguy hiểm lắm… Đường từ đây về quê rất xa, lại phải qua nhiều bốt địch, ai về nào?

 

– Để em về. Em thuộc đường rồi, với lại, nhà em cũng gần nhà chị Chua, em về, lỡ bọn bốt có biết, chúng nó cũng không nghi nhiều. Thầy u chị Chua ra đón chị ấy thì các anh chị về cùng họ, coi như ta chỉ chạy tản cư về thôi… Chắt con quả quyết. 

 

Chị Xoan, chị Sự không nói gì. Anh Bảng quê tận Bình Giang cũng không thông thuộc đường về Gia Lộc. Suy đi tính lại, mọi người đồng ý để Chắt con về.

 

Sáu giờ sáng, cô lần đường ra bãi bồi, bí mật vượt sông Thái Bình.

 

**

 

 

Con đường mòn ngang qua huyện Tứ Kỳ gập ghềnh, thồi thụt vết chân trâu. Khăn vuông che kín mặt, quần vo quá gói, cô như người đi bắt cua, lẫn vào những người đi làm đồng, lần vượt từng đoạn đường, hướng về mạn Gia Lộc.  Mãi xẩm tối, con ngõ quen thuộc của quê hương mới hiện ra. Bóng tối đã nhoà mặt người. Cuối làng chỉ còn lại vài gia đình. Cả làng lèo tèo, lạnh vắng. Chắt đi như chạy vào cổng nhà cụ thủ Chanh. Tiếng được, tiếng mất, cô kể cho cụ nghe về vết thương của chị Chua. Cụ thủ Chanh biết chuyện, thừ người. Những vết nhăn trên khuôn mặt vốn đã khắc khổ càng xô lại như vô vàn rãnh cày trên cánh đồng đang lật ải. Gió lật quật vặn mình ngoài vườn chuối. Im lặng một lúc lâu, cụ thủ Chanh hắng giọng:

 

– Thế chúng mày định cứ đi mãi thế à? Còn bà con, xóm giềng…

 

– Chúng cháu sẽ về, bác ạ… 

 

– Đất mình mình cứ về, còn mồ mả cha ông mình nữa, bỏ đi mãi sao được. Nó đến thì tìm cách mà đánh, chạy trời sao cho khỏi nắng đây…

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *