Vùng mắt bão
Nguyễn Đình Vinh và thương Huyền
Chương VIII
Tình hình ngày một khó khăn, giặc Pháp điên cuồng quyết tát nước bắt cá. Chúng nhất định dồn lực lượng cách mạng non trẻ của ta vào bước đường cùng. Bộ đội 126, đại đội chủ lực của Gia Lộc đã phải rút về làng Rồng – Nhật Tân để củng cố lực lượng. Đơn vị về đêm trước, ngay sáng hôm sau, Pháp đã cho lính từ Phương Điếm mò xuống, bao vây làng nhằm tiêu diệt toàn bộ đại đội. Cuộc chiến đấu không cân sức đã nổ ra. Kiên quyết không để quân địch xem thường, các chiến sĩ của đại đội 126 dũng cảm chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch giữ được vị trí.
Chỉ thị của Tỉnh uỷ tại hội nghị đèo Voi đã về tới cơ sở. Chủ trương “Không thể lập căn cứ địa chơi vơi, xa dân, xa đất, căn cứ địa tốt nhất, an toàn nhất chính là lòng dân. Nếu biết dựa vào dân, bám dân, bám đất để tiến hành kháng chiến thì nhất định bảo toàn được lực lượng, tiến tới đánh bại được kẻ thù. Muốn vậy, các đơn vị, cơ quan địa phương và cán bộ phải quán triệt quan điểm “trường kỳ kháng chiến”, bám sát cơ sở lãnh đạo phong trào được chi bộ liên xã Nghĩa Hưng triệt để thực hiện.
**
*
Nhà ông Dậu – Chủ tịch liên xã Nghĩa Hưng nằm trong vòng ôm của dải tre dây ngay giữa làng Tó. Không giầu có để có nhà ngói năm gian, sân gạch, cây mít, nhà ông nhỏ thó, sân đất nện, bàn chân người đi lại lâu ngày thành nhẵn thín. Chỗ góc sân, rêu mọc ranh rì lẫn cỏ ấu phất phơ.
Ban chấp hành phụ nữ cũng như những tổ chức khác của xã đang tập trung tại ngôi nhà này. Sau khi đưa người nhà cụ thủ Chanh sang ngôi chùa hoang trên cánh đồng Nam Can – Thanh Hà đón chị Chua, Chắt con cùng các đồng chí quay lại làng Tó. Chị Chua bị vết thương hành hạ, về nhà được hai ngày, gia đình phải nhờ người quen đưa chị vào thành để chạy chữa. Hội phụ nữ Nghĩa Hưng vắng cái dáng cao gầy của chị Chua.
Các đảng viên trong chi bộ họp chuẩn bị vào chiến dịch mới, chiến dịch vận động dân hồi cư về lại quê hương, bám sau lưng địch, giữ đất để đấu tranh hợp pháp với chúng. Ban thông tin tuyên truyền của Lân lại như con thoi chạy đi chạy về giữa vùng tề với vùng căn cứ của ta, vận động dân hồi cư. Công việc không dễ dàng gì. Khi vận động nhân dân thực hiện chiến dịch “vườn không nhà trống, tản cư tiêu thổ kháng chiến” còn dễ nói. Chẳng gì đó cũng là vận động bà con chạy ra khỏi vùng địch càn, ra khỏi vùng chiến sự tới vùng đất bình yên hơn sẽ dễ khiến người ta xiêu lòng. Hơn nữa, khi đi tản cư, người dân chỉ để lại những gì không thể mang theo, còn lại tài sản họ đem đi hết. Mạng sống được bảo toàn, của cải được giữ chặt, có khi không cần vận động, dân cũng kéo nhau tản cư. Đằng này, vận động bà con từ vùng căn cứ quay trở lại nơi địch đang ngày đêm hoành hành không phải chuyện của một sớm một chiều. Người dân đã từng chứng kiến tội ác man rợ của quân địch, họ đâu dễ quên. Giờ bảo họ phải về sống ngay bên nách chúng… Ngay trong hàng ngũ đảng viên, đã có nhiều người nảy sinh tư tưởng cầu an, nằm im nghe ngóng, thậm chí quay lưng lại với chính sách mới này. Địch cũng ra sức dụ dỗ mua chuộc. Đau đớn hơn khi đã có một vài đảng viên của ta lợi dụng danh nghĩa hồi cư cùng dân, nhảy tề, làm tay sai cho giặc… Những điều ấy được các đảng viên trong chi bộ liên xã Nghĩa Hưng nhìn nhận thấu đáo tại cuộc họp trong gian nhà nhỏ của chủ tịch Dậu giữa cái làng Tó nghèo khó. Không thể bỏ dân, không thể xa dân. Địch muốn tách Đảng khỏi dân, muốn tát nước bắt cá, ta càng phải dựa vào dân, càng phải xây dựng thế trận lòng dân, càng phải làm cho mỗi xóm, mỗi làng, mỗi gia đình trở thành pháo đài giữ lửa cách mạng. Địch muốn dân trở về lập tề, trở thành tay sai cho chúng, ta phải lợi dụng danh nghĩa ấy, phải lập tề giả. Đó là công việc sống còn của mọi đảng viên lúc này.
Đầu năm năm mươi, các cơ quan chủ chốt của Nghĩa Hưng đã cùng hồi cư với dân để chỉ đạo phong trào, lãnh đạo nhân dân đấu tranh lâu dài với địch. Căn cứ kháng chiến của liên xã Nghĩa Hưng đặt tại làng Dôi, làng Già xã Lê Lợi, sau đó là làng Tó, làng Chằm Bùi… Mấy ai biết trong tro còn lửa.. Những đốm lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy giữa bộn bề ngặt nghèo gian khó của cuộc chiến trong lòng địch. Quân địch càng không thể biết chính những vùng tề do chúng lập nên đang như vùng mắt bão, vỏ ngoài tưởng bình yên nhưng bên trong ẩn chứa đầy giông tố.
**
*
Thằng đội gầy cao lênh khênh, mũi khoằm như mỏ quạ, súng trễ bên hông nghênh ngang trên con đường nhỏ dẫn vào bốt Giỗ (Dân các làng quanh vùng chẳng mấy ai gọi bốt Phương Điếm, người ta cứ réo cái tên tục của làng Giỗ ra mà gọi). Phía trước, đằng sau nó là cả một đội quân hùng hùng hổ hổ, mắt lấc láo như quạ tháng ba vào chuồng lợn rình bắt trộm mồi. Chúng đang hò hét đám lính nguỵ bên căng Phương Điếm xốc vào các làng bắt phu. Dân quanh vùng bên bốt Giỗ không lạ gì cảnh này. Người dân vừa hồi cư, chưa kịp ổn định cuộc sống đã bị quân Pháp bắt đi phu, đi lính phục dịch chúng.
Dân đang lần lượt hồi cư. Lúc này, địch gộp Đại Liêu, Đức Phong lại thành Đức Đại, lập làng tề cho dễ bề cai quản. Mỗi làng tề, địch dựng hương chủ, hương quản đứng đầu để quản lý, giao dịch với chúng.
Các thành viên trong ban thông tin tuyên truyền cũng đã hồi cư cùng gia đình. Ban ngày, họ ở nhà dọn dẹp vườn tược, vỡ hoang ruộng đất trồng cấy làm ăn, đêm đến, họ tập trung đào, sửa hầm bí mật. Nắm chủ trương chỉ thị của Đảng, các anh đang vận động dân tự bầu hương chủ hương quản, không để địch chỉ định, cài người của chúng vào.
Vừa buông bát đứng dậy, Lân chạm ngay anh Thoại, anh Thịnh bổ vào nhà. Nét mặt hai người căng thẳng:
– Gay. Làm ăn thế này gay quá!
– Chuyện gì thế hai bác? Lân với tích nước vối, trán anh nhăn lại.
– Mấy cậu bên làng Giỗ vừa báo về, tay lý Lột có nhiều biểu hiện không tuân thủ theo sự chỉ đạo của ta…
– Thằng này vốn là lý mua, nó tham như gấu… Tôi đã nói ngay rồi. Nó lại được đích thân bọn Pháp, nguỵ chỉ định làm hương chủ, đời nào nó chịu theo ta…
– Thì mấy ngày đầu thấy nó vào ra bốt chẳng theo đúng lịch trình của ta là gì? Anh Thoại vò mái tóc đã cứng lại như rễ tre – Giờ nó lại giở quẻ, điên thế cơ chứ!
– Có thể lúc đầu, nó rắn giả lươn, nhũn ra để nghe ngóng thôi. Giờ nó thế nào? Lân nhíu mày
– Thế nào nữa, nó thậm thụt vào ra bốt Giỗ chẳng theo lịch ta đã đặt gì nữa, thái độ thì lấc láo. Xem ra nó không còn coi ai ra gì… Cứ đà này, vài ngày nữa nó dẫn lính về, xăm hầm bí mật của ta chứ chả bỡn – Anh Thịnh chen ngang.
– Hầm hố thì không lo, vì mình cũng đã đề phòng có cho nó biết gì đâu. Chỉ có điều, nó mà phá quấy thì cũng nhọc cho mình – Lân trầm ngâm
– Sao lại không lo. Bên Giỗ có mấy anh em bị bắt vô cớ rồi đấy. Không nó thì thào với lính bốt lính căng thì thằng nào vào đây… Không có nhẽ cho nó một phát – Mắt anh Thoại vằn lên.
– Không nóng vội được – Lân xoa xoa tay vào vai anh. Chuyện này phải xem xét, bàn soạn kỹ đã. Nhưng nếu đã đồng ý lập tề mà để hương chủ, hương quản thả lỏng do địch chỉ định thì không thể ổn rồi. Đương nhiên nó sẽ phải tìm những thằng tay chân có lợi cho nó. Bây giờ thế này… Ta sẽ vận động những quần chúng tốt, gia đình cơ bản không có người theo Việt Minh để địch đỡ nghi, vận động họ đứng ra nhận làm hương chủ, hương quản. Chỉ làm được thế mới có lợi cho đằng mình.
– Biết là biết vậy nhưng mình vẫn phải báo cáo lãnh đạo xử lý xem… Giờ tớ sang Tó, chú Lân với Thịnh qua chỗ mấy cụ cao niên trong làng tí đi. Việc này, tối qua anh em mình đã bàn rồi, chú Lân giỏi thuyết phục, chắc các cụ nghe thôi.
Đêm ấy, hai anh em rì rầm với mấy cụ cao niên trong làng mãi. Đúng là không gì ấm áp, vững chãi bằng lòng dân.
Tìm được phương án hoạt động mới, hai anh em khấp khởi quay về. Sương đầm trên rặng tre, rụng lộp độp, chạm vai áo mỏng, lạnh thấu. Chưa chạm đầu ngõ, đã thấy anh Thoại sấp ngửa chạy sang, câu trước lẫn câu sau, không biết đằng mò nào mà lần. Lân và anh Thịnh đưa mắt nhìn nhau, không hiểu. Phải mất vài phút, định thần lại, anh Thoại hỉ hả:
– Ra cuối phố mà ngó đi… Thằng lý Lột… Ối giời đúng là như thần. Người mình đúng là như thần. Tối qua, mấy anh em mình căm thằng lý Lột tưởng hộc cơm, giờ, mấy chú nhảo ra cuối phố mà xem… Ối chao, thằng ấy cứ phải chết thế mới đáng kiếp.
Lân kéo tay anh Thịnh. Từng tốp người không biết nghe tin ở đâu mà nhao về cuối phố đông như đi hội. Vòng người thít chặt rồi lại giãn ra như vòng dây chun giãn nở trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Mấy người vòng trong chui ra ngoài, mặt tái đi, tay run rẩy chỉ vào.
– Bụng bị phanh toang hoác, lòng mề phèo phổi cứ gọi là xổ ra hàng rổ… Những cái lắc đầu rùng mình. Nhiều người nhổ nước bọt phì phì.
– Đấy, cứ tưởng bám gót lũ cướp nước thì không ai làm gì được hẳn. Đừng đùa, người mình có mặt ở khắp nơi. Chết phanh thây, đền tội như bỡn.
– Kể mổ phanh ra thế cũng hơi mạnh tay. Nhưng với lũ bán nước hại dân cứ phải thế chúng nó mới tởm. Thằng này còn thằng khác, phải dằn mặt chúng chứ… Ai đó hả hê – Cứ nghĩ voi đú, chó đú chuột chù cũng nhảy là phải diệt…
Lý Lột nằm phơi mặt bên đường. Bụng hắn bị mổ phanh, bên trên gắn bản án tử hình. Anh Thịnh níu tay Lân. Cả hai anh em không nghĩ, lý Lột bị xử nhanh đến vậy. Âu cũng là bài học cho những kẻ rắp tâm bán rẻ anh em đồng đội mình cho địch.
– Thằng lý Lột chết, quân Pháp chẳng để mình yên đâu. Thế nào nó cũng càn để trả thù. Anh em chuẩn bị vận động đồng bào đi là vừa. Mấy làng bên kia, nó thúc lính, thúc phu khiếp lắm rồi đấy. Làng mình ngay cạnh làng Giỗ, bốt, Camp án ngữ thế này, nhất định nó không tha đâu…
Lân rủ rỉ nói. Dáng cao gầy của anh Thịnh trầm ngâm bên cái bóng thấp đậm của Lân. Mây trên đầu vẫn vùn vụt trôi. Mất thằng này, địch sẽ đẻ, sẽ lại nảy nòi ra một thằng Việt gian khác. Không biết đến bao giờ mới hết lũ hại dân?
Lý Lột chết, Phả được cử làm hương quản. Anh em bên làng Giỗ ai cũng nhẹ người. Phả là người của mình, gọi hương chủ Giỗ bằng cậu họ. Tổ chức giao nhiệm vụ cho Phả: bằng mọi cách phải tuyên truyền, vận động tư tưởng để hương chủ Giỗ đứng ra làm việc cho ta.
Chẳng biết khi nhận chân hương quản, Phả nghĩ gì, có tơ hào gì tới trách nhiệm tổ chức giao và bà con trông đợi hay không nhưng chỉ được mấy ngày đầu hắn còn báo cáo với bên ta đều đặn, sau thưa dần, cuối cùng mất hút không thấy Phả trở ra nữa.
Anh em cốt cán của tổ chức lại bị địch bắt. Lại những trận càn của địch lấn sâu vào vùng căn cứ cách mạng. Phả đã phản bội! Chi bộ bàn chuyện thay thế Phả.
**
*
Ban chấp hành phụ nữ Nghĩa Hưng chuẩn bị tổ chức một đợt tuyên truyền mới. Chắt con cùng chị Sự được cử về thôn Giỗ chuẩn bị.
Con đường đất từ làng Già, làng Dôi qua làng Anh Chuối sang Chằm Tó lượn giữa hai cánh đồng rộng như một dải lụa nâu. Hai cánh đồng màu mỡ đã thành cánh đồng hoang sau lúc dân tản cư. Giờ dân hồi cư lại, họ bắt đầu vỡ đất, trồng cấy. Sắc xanh bắt đầu phủ dần trên những vạt đất hoang. Con ngòi nhỏ mềm mại lượn theo vệt đường đất, xấp xoã giữa hai hàng phi lao. Hoàng hôn lan dần xuống mặt ngòi, lấp loá dưới tán phi lao, trùm xuống cánh đồng làng Chằm Tó một màu cỏ úa. Hai chị em men theo con đường nhỏ, chầm chậm về làng Giỗ. Cả hai bước những bước ngắn, chờ cho trời mau tối. Chỉ bằng cách ấy, hai chị em mới có thể về tới làng Giỗ an toàn. Thầy u Chắt con đã hồi cư. Nhà cô nằm ngay cạnh bốt Giỗ. Một người anh họ xa của cô đang làm phiên dịch trong đồn thuộc diện cảm tình với ta. Có chuyến về làng này là nhờ người ấy. Chắt đang hy vọng sẽ vận động anh ta trở thành nhân mối của ta.
Trời vẫn chưa tối hẳn. Gió dùng dằng quấn hoàng hôn trong màu lam rờn rợn. Cuối chân trời, những tia sáng hình dẻ quạt vẩn lên không trung vài quầng sáng chập chờn như ánh ma trơi nơi nghĩa địa. Một tốp người từ làng Giỗ tiến ra phía cầu Ngà ngược vào con đường hai chị em đang đi khiến họ chột dạ. Không lẽ bọn địch trong bốt biết việc hai chị em về làng đêm nay? Chị Sự đưa mắt nhìn Chắt con. Tốp người vẫn tiến dần lại. Họ rẽ vào con đường đất. Chắt kéo chị Sự nhảy xuống ruộng ngô bên đường, ngồi thụp xuống, đầu cúi thấp như đang bận việc riêng của đàn bà. Toán người ngang qua. Chắt liếc mắt qua vành nón. Một người bị trói giật cánh khuỷu, đi giữa ba người đàn ông khác. Phả! Chắt con giật mình. Thằng Phả. Tin thằng này phản bội đã được chi uỷ thông báo. Nhưng mấy người đàn ông im lặng đi quanh Phả kia là ai? Nhất định không phải địch. Thằng Phả bị chúng mua chuộc không lẽ lại để đem đi thủ tiêu. Vậy chỉ có người mình. Chắc chắn là người mình rồi. Tội ác của thằng Phả đã bị phanh phui, và đêm nay là đêm cuối cùng của đời nó.
Thằng Phả cũng đã nhận ra hai người nhưng đang bị trói giật cánh khuỷu nên nó cứ gằm mặt xuống, bước thất thểu theo mấy người đàn ông áp cạnh. Thi thoảng, một người lại lấy cùi tay thúc vào lưng nó.
Trời tối hẳn, đen sánh như bưng lấy mắt. Chắt con kéo chị Sự băng qua cầu Ngà. Dòng nước miên man phía dưới như lững lờ, lặng lẽ hơn. Bỗng chị Sự giật mình, khựng lại. Trên cầu Ngà, một thân người sõng xoài, mùi máu bốc lên tanh lợm. Ba bóng đen lố nhố trên đường. Họ chưa phát hiện ra hai chị em. Chỉ nghe tiếng thì thầm vọng lại:
– Chắc nó chết chưa?
– Chắc. Sống sao được. Em lựa một nhát, chắc chắn đi cái cuống họng. Mẹ cha nó, xem còn bẩm báo với lũ Tây thối thây ấy được nữa không.
– Thôi, mày cứ xuống để tay ngang mũi, kiểm tra lần nữa xem nào.
Bóng người men xuống. Không thấy họ nói gì thêm. Chỉ một cái khoát tay. Cả ba lặng lẽ rút vào bóng đêm. Không gian tĩnh lặng đến trong suốt như pha lê của đêm tối. Dưới cầu, dòng sông lạnh lẽ chảy. Tiếng cú rúc từng hồi thảm thiết giữa nhập nhoà hơi sương.
**
*
Áp người vào tấm dại che nắng bên thềm, Chắt con khẽ cất tiếng:
– U ơi!
Không chờ đến tiếng thứ hai, cánh cửa hé mở. Chắt con lẩn nhanh vào nhà. Cu Đôn – đứa con chị Chắt lớn đang ngủ, nghe tiếng cô, nó vùng dậy:
– Dì! Sao mãi dì không về?
Từ ngày mẹ mất, bố vào du kích đi cả ngày, cu Đôn quấn Chắt như bện thừng. Đưa hai tay nựng đôi má xương xương của đứa cháu mồ côi, Chắt à ơi:
– Ừ, cu Đôn ngoan, ngủ đi, tí nữa dì vào… Ngoan, ngủ đi, nhớ.
– Chết thật – Thầy cô giẫy lên như dẫm đinh nhọn – Nhà sát nách bốt, sao mày không đi luôn lại còn mò về làm gì. Gan mày to bằng ngần nào hở con? Mai, thằng đội gầy nó mà biết thì trốn đâu cho thoát…
– Cơm cháo gì chưa, để u lấy cho bát cơm nguội… Đẻ cô hỉ mũi sột soạt. Trong bóng tối, Chắt biết là đẻ cô đang khóc.
– Con ăn rồi. Thầy u đừng lo. Không sao đâu. Cứ coi như không chạy kịp thì con đi chợ xa về, có gì phải sợ. Với lại, anh… đang làm phiên dịch trong ấy, anh lấy lòng chúng nó được. Thì chính anh dẫn con vào làng chứ ai, không thì mò mẫm còn khuya chắc gì đã về được…
– Thôi, vào nằm với cu Đôn. Mai, nước đến đâu cầu đến đấy…
Đẻ cô giục. Chắt nằm im, nghe mùi hương thân thuộc ngấm dần vào da thịt. Mùi đất, mùi bùn, cây cỏ trong vườn nhà; Hương vị cay nồng từ quết trầu của đẻ, mùi khói thuốc lào nửa thơm, nửa hắc, bốc cao phơ phất từ cái điếu bát giòn giã của thầy, mùi tóc cháy nắng khét lẹt của cu Đôn… Tất cả trở thành hương vị riêng đọng lại trong gan ruột cô, thành nỗi ám ảnh, nhớ thương về ngôi nhà nhỏ đang ép mình giữa vòng quây quân thù… Cu Đôn cựa quậy, ú ớ nói mê rồi lại khìn khịt ngủ ngon lành. Đẻ cô lục sục trở mình. Tiếng giát tre nghiến kèn kẹt trong đêm.
Trời chưa banh mắt, bóng tối vẫn nhập nhoà vờn gió giữa những khu vườn. Tiếng súng hiệu gọi nhau giữa bốt Giỗ với căng Phương Điếm làm cu Đôn giật mình, ôm choàng lấy Chắt. Cô co cháu vào lòng, rỉ rả:
– Ở nhà, đừng chạy rông xa biết chưa…Nghe tiếng nổ thì phải chạy về nhà, nhìn thấy lính thì phải tránh… Nhớ chưa nào?
Cu Đôn khẽ ngúc ngắc cái đầu trong lòng dì, dáng chừng đã tỉnh hẳn. Chắt lại thủ thỉ:
– Chốc lính đồn có hỏi thì phải ôm thật chặt dì, khóc gọi mẹ ầm lên, nhớ chưa? Không là lính nó lôi dì đi đấy… Cu Đôn lại gật gật.
Mặt trời lên chưa vượt con sào, đám lính bên đồn đã láo nháo kéo nhau đi càn. Chắt con lùi vào gian buồng nhỏ, cu Đôn vẩn vơ ngoài thềm, chắc nó chưa quên điều dì nó dặn sớm nay. Đám lính khua rầm rĩ một hồi rồi kéo nhau xéo xuống đầu phố Giỗ. Hôm nay, chẳng biết nó càn những đâu.
Lại phải đợi trời xuống tối, hai chị em mới đến nhà những người dân tích cực để vận động họ làm nhân mối cho ta. Cả ngày quanh quẩn trong nhà, đến gần trưa, không biết thầy cô chạy từ đâu về, nét mặt hốt hoảng, thì thầm vào tai con gái:
– Này, mày chỉ cho đội Việt Hùng xử thằng Phả phải không?
– Ai nói với thầy thế? Chắt tròn mắt. Sao lại có cái tin ghê gớm ấy loang ra nhỉ?
– Bố vợ nó vừa nói với tao. Thằng Phả đêm qua không chết. Lúc bị cắt cổ, nhưng cuống họng chưa đứt, nó nín thở, làm những người cắt tiết nó tưởng nó chết rồi. Chờ họ đi khuất, thằng Phả cố lê về nhà bố vợ nó gần đấy. Nó bảo nhìn thấy mày với cái Sự thấp thoáng đằng xa. Thế có phải mày báo để xử nó không?
– Con không làm việc ấy. Xảy ra cơ đận ấy là tại nó, còn trách gì ai. Bán rẻ đồng đội, làm tay sai cho địch, không bị xử chết mới là chuyện lạ, là may cho nó đấy. Không biết điều còn đổ vấy đổ vá cho ai. Ông ấy có hỏi, thầy cứ nói thế cho con.
– Thì tao cũng nói vậy rồi. Ông ấy cũng chả tin mồm thằng Phả. Nhưng mày cứ phải cẩn thận con ạ. Thằng này đã dám phản bội đằng mình thì chả việc gì mà nó không dám làm đâu.
– Nó giờ có khi phải tìm cách bán xới đi nơi khác thôi, lệ làng, mặt ấy sống được với ai nữa.
Thầy cô im lặng, nhưng cô biết trong lòng ông, nỗi lo lắng cho con gái chẳng vơi đi chút nào.
**
*
Liên xã Nghĩa Hưng gấp rút họp các tổ chức để rút kinh nghiệm việc vận động dân hồi cư, lập tề giả tạo điều kiện cho quân ta bám đất, bám dân đấu tranh lâu dài với địch. Chắt ngồi bên cạnh chị Sự trên một đoạn tre dài thay ghế. Quay qua quay lại, cô đã thầy Lân ngồi bên cạnh từ lúc nào. Mắt họ gặp nhau. Chỉ cần vậy, họ đã hiểu những gì cần nói.
*
Rút kinh nghiệm từ việc lập hương chủ, hương quản ở làng Giỗ, do ta chủ quan, để địch chỉ định dẫn tới nhiều thiệt hại cho cách mạng. Chi bộ Nghĩa Hưng nhấn mạnh việc đưa dân hồi cư chính là “trở về nội địa”, cần phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Trong thời gian ngắn nhất, tại tất cả các thôn, ta cần phải nắm được dân, nắm được đất, nắm được tình hình địch trên địa bàn thôn mình. Cần xác định rõ, việc lập tề tại các thôn chỉ là lập tề giả, dạng “xanh vỏ đỏ lòng”, ngày là tề địch nhưng đêm thuộc ta. Muốn vậy cần móc nối, gây dựng cơ sở, đẩy mạnh công tác binh vận, địch vận: gài cán bộ vào các ban tề, đưa du kích tin cậy vào nắm hương dũng, vận động binh lính địch làm nhân mối cho ta để chuẩn bị kế hoạch dài lâu, đặc biệt là việc vận động lãnh đạo dân chống bắt phu, bắt lính, chống tạp dịch tại các làng. Thôn Đức Đại phải đi tiên phong trong công tác này.
Từ chuyện hương chủ, hương quản làng Giỗ, tại Đức Đại, ta chủ động cài cắm người của mình vào làm. Lân bí mật lui tới nhà các cụ cao niên. Các cụ trong làng đã bày giúp anh và các đảng viên rất nhiều kế sách cho công việc.
Để tránh nguy cơ bị lộ hoặc bị địch mua chuộc lợi dung, ta không để ai làm hương chủ, hương quản quá ba tháng. Đầu tiên, đồng chí Nguyễn Đình Ngạch – Đảng viên được chi bộ ém vào làm hương chủ làng.
Hương chủ Ngạch của Đức Đại nhận chức đã được gần ba tháng.
Ánh trăng suông tãi lênh láng xuống làng. Bỗng tiếng mõ, tiếng phèng la rộ lên từ phía đầu thôn rồi như đám cháy, lan nhanh đến cuối thôn. Bọn ngụy bên Camp Phương Điếm, lũ Tây bên bốt Giỗ không dám lao đến, chỉ ở trong đồn bắn chỉ thiên đùng đoàng. Tiếng mõ, tiếng phèng la, tiếng hét, tiếng chó sủa rộ lên một lúc rồi lắng xuống.
Rõ mặt người, bọn lính bốt Giỗ phát hoảng khi dân Đức Đại ầm ầm kéo lên đồn. Đi đầu là một cụ ông áo dài, khăn xếp dẫn đầu. Thằng đội Gầy khệnh khạng bước ra.
– Bẩm quan lớn, tối qua, Việt Minh tấn công vào thôn chúng tôi, bắt mất hương chủ Ngạch đi rồi. Làng không thể một ngày không có người đứng đầu. Chúng tôi sang bẩm với quan đồn, cho chúng tôi cử hương chủ mới.
– Bọn mày sao lại để Việt Minh tấn công bắt mất cả hương chủ thế… Ông thì giết sạch!
– Bẩm quan lớn, Việt Minh ẩn hiện ghê lắm, dân chúng tôi đã về đây là để dựa vào chính phủ bảo hộ thôi, chứ dân thì làm gì được họ… Mong quan lớn đèn giời soi xét!
– Cứ về, lát quan đồn sẽ xuống xét… Đừng có làm loạn mà thiệt thân đấy!
– Đa tạ quan lớn.
Giữa buổi, thằng đội Gầy lệnh khệnh xuống làng. Quanh quẩn mãi, chẳng dò được manh mối gì, nó đồng ý cho làng tìm hương chủ mới. Lý Khoả thay đồng chí Ngạch làm hương chủ. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, để tránh địch phát hiện ra hương chủ làm nhân mối của ta, vài tháng dân lại gõ mõ, lại đánh phèng la, ầm ĩ cả đêm để rạng ngày lại lên trình đồn kêu mất hương chủ, lập cài người mới. Sau Đức Đại, nhiều làng “tề giả” khác làm theo, khiến quân Pháp điên đầu. Những làng tề “xanh vỏ, đỏ lòng” cứ hàng ngày, hàng giờ chĩa mũi nhọn vào mạng sườn quân xâm lược.