Vùng mắt bão
Nguyễn Đình Vinh và thương Huyền
Chương X
Tại căn cứ du kích, chi uỷ Nghĩa Hưng họp chuẩn bị kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8 – 3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Gió bấc cuối mùa thổi rát rạt. Lân vẫn ngồi bên cạnh Chắt con. Giờ đây, hai người đã công khai mối quan hệ của mình. Họ đã báo cáo với chi uỷ. Anh em đều vun vén cho tình yêu của họ. Sau phần nội dung chương trình cần tuyên truyền tại buổi mít tinh, bí thư chi bộ hắng giọng:
– Các đồng chí lưu ý, đây là cuộc mít tinh lớn, chi uỷ cử các đồng chí xuống cơ sở, tổ chức mít tinh. Một mặt cho dân thấy, Đảng vẫn bám sát, vẫn chỉ đạo phong trào không phải như quân địch tuyên truyền là đã đào tận gốc, trốc tận rễ Việt Minh. Mặt khác, cũng là đòn đánh vào mặt quân thù. Bởi vậy, các đồng chí tập trung chỉ đạo triệt để.
– Đề nghị chi uỷ phân công cụ thể để chúng tôi còn lên đường. Sáng rõ mặt người là không về các thôn được đâu.
– Nhất trí, thay mặt chi uỷ, tôi phân công thế này: Hai đồng chí Khiếu (tên thật của Chắt con), Sự đại diện cho hội phụ nữ sang chỉ đạo mít tinh ở thôn Chằm. Hai đồng chí Thịnh, Thoại về Đức Đại, đồng chí Lân về Cuối.. Các đồng chí rõ cả chưa?
– Tôi có ý kiến… – Anh Thịnh lên tiếng.
– Tôi có ý kiến… Cũng là về chỉ đạo mít tinh… Đề nghị cho tôi và đồng chí Thoại về Cuối, đổi cho đồng chí Lân về Đức Đại. Ngoài việc chung, chúng tôi cũng có chút việc riêng.
Bí thư chi bộ suy nghĩ rồi gật đầu:
– Thôi cũng được. Hai đồng chí quê ở Cuối, đồng chí Lân ở Đức Đại, một công đôi việc, các đồng chí tranh thủ về qua nhà một lát cũng được… Nhớ phải bí mật, dạo này địch lùng rát lắm.
– Khoái nhá! – Anh Thịnh vỗ vai Lân – Chúng tớ đào giếng cho cậu uống nước còn quái gì. Lần này về, báo cáo hai họ, cưới đi thôi! Cứ để mọi người mài răng, rửa ruột chờ mãi…
– Chẳng qua anh cũng muốn tranh thủ tạt về với mẹ đĩ tí còn gì… Lòng vả cũng như lòng sung cả thôi… Lân đùa lại.
– Chỉ được cái nói phải… – Anh Thoại hích cùi chỏ vào sườn Lân đau điếng.
**
*
Bà con Đức Đại tập trung tại đình làng rất đông. Lân thay mặt chi uỷ xã đang phát biểu ý kiến chỉ đạo phong trào thì một du kích bước lên, ghé tai anh:
– Tin vừa báo về. Hai anh Thoại, Thịnh đã bị địch bắt trên đường về làng Cuối.
– Bị ở đoạn nào? Lân hốt hoảng – Đoạn đường về Cuối có bao giờ chúng phục đâu… Hay nhân mối của mình nhầm?
– Không nhầm đâu. Hai người bị bắt ngay chỗ gốc duối cổ thụ, bên cầu đá trước cửa chùa Bung lối sang đầu làng Cuối ấy. Chúng nó phục ở đấy. Cả hai bất ngờ nên không kịp chạy. Nó bắt sống rồi. Giờ nó chuẩn bị càn vào Đức Đại.
– Được rồi. Cậu báo cho anh em rút trước đi. Tôi cho bà con rút xong sẽ tính sau. Phải thật bình tĩnh, không được làm bà con hoảng loạn – Lân dặn cậu du kích rồi quay lại phía bà con đang chờ.
– Thưa bà con, chúng tôi còn ở đây là Đảng còn, bà con đừng tin những điều bọn địch xuyên tạc, bịa đặt. Chúng như bầy chó đói, chỉ nhăm nhe cướp miếng ăn. Bây giờ chúng chuẩn bị càn vào, bà con hãy bình tĩnh, ai về nhà nấy… Đảng luôn bên cạnh bà con.
Dân làng tản ra. Một thoáng sau, cả khu đình chỉ còn trơ lại nền sân vắng lặng. Bên làng Chằm, nhận được mật báo, Chắt con cũng cho dừng cuộc mít tinh.
**
*
Lân ngồi bó gối trong căn hầm hẹp. Gương mặt anh Thoại, Thịnh cứ trở đi, trở lại day dứt trong anh. Lúc chúng giải hai người về bốt Giỗ, Lân lẫn vào đám người đi theo họ. Mặt anh Thoại tím bầm. Một bên đuôi mắt giập, chảy máu. Cái áo anh Thịnh mặc rách toạc, lưng lằn ngang lằn dọc vết roi gân bò, máu bắt đầu bầm lại. Môi anh tều lên, mắt sưng húp híp. Khuôn ngực rộng của Thoại cũng bầm giập, máu rỉ ra. Không một tiếng kêu than. Hai anh bước trên đường làng, khuôn mặt sưng húp ngẩng cao, nhìn trời thanh thản.
**
*
– Việt Minh trong làng này là những thằng nào? Du kích bọn mày thường phục ở đâu? Nếu mày chỉ hầm bí mật, chúng tao sẽ thả ngay, lại trình quan đồn, chúng mày tha hồ ăn sung mặc sướng, vợ đẹp con khôn…
ở hai buồng giam tách biệt, Thoại, Thịnh vẫn im lặng. Chỉ thấy tiếng giầy đinh siết trên nền xi măng, xoáy vào lọng óc. Tiếng roi gân bò vun vút quay trong không trung. Tiếng nước dội ào ào. Hai thằng Ma Rốc như hai con hùm quần đảo, lồng lộn. Thân hình hai anh đã mềm oặt như tàu chuối tươi hơ lửa. Không thiếu ngón đòn nào chúng chưa đưa ra. Vẫn câm lặng. Thịnh, Thoại một mực lắc đầu:
– Tôi không phải Việt Minh, chỉ là người đi dạy bình dân học vụ… Không biết chi ủy là gì… Không biết hầm bí mật ở đâu. Không biết du kích là ai, không nhìn thấy ai giấu súng đạn.
Bên kia buồng giam, thằng đội Gầy lồng lên. Nó nghiến răng. Bộ mặt đang đỏ ửng thoắt thành trắng bệch:
– Vặn răng chúng nó cho tao, xem bọn nó có há miệng ra không?
Trận đòn thù vẫn xối xả trút xuống. Vẫn không một lời cung khai. Đánh chán, dỗ mãi, không moi được gì, chúng cho quân giong hai anh ra chùa Dừa, cạnh bốt Giỗ.
Trời trên đầu vẫn xanh vời vợi. Thoảng đâu đây tiếng nghé ọ gọi mẹ lúc chiều tà. Bọn địch chôn cây cọc gỗ xuống đất. Tiếng đóng cọc chí chát xoáy vào tâm can người dân đang đứng quanh hai anh. Họ không làm gì được. Trong tay họ không có bất kỳ thứ vũ khí nào khi quanh họ, quân địch chi chít súng, lê. Thằng đội Gầy thét lên. Tên nguỵ đứng gần đấy chạy tới. Nó rút từ thắt lưng ra sợi dây thừng, xoay lưng hai anh lại, trói giật cánh khuỷu. Gió vẫn cuồn cuộn thổi, cuốn hương đất, hương đồng nồng nàn, quấn quýt. Thoại, Thịnh ngẩng mặt nhìn trời. Những vần mây vồng lên như muôn vàn nhát cuốc lật ải trên cánh đồng đương vụ. Quê hương thân thiết, yêu thương. Dẫu hôm nay còn vẩn đục bởi gót giầy quân xâm lược nhưng nhất định tương lai, trời quê các anh sẽ lại xanh vời vợi giữa vi vút sáo diều khi cuộc kháng chiến các anh dẫn thân giành thắng lợi.
– Đoàng! Đoàng! Đoàng! Khẩu súng ngắn trong tay thằng đội Gầy khạc lửa, nổ ba phát chỉ thiên, xé toang không gian đồng chiều êm như lụa. Bầy chim sẻ chập chờn giữa những tán cây, nháo nhác lao mình vút lên.
– Giết! Hai mắt đội Gầy long lên. Thân hình cây sậy của nó đảo điên theo tiếng thét. Những viên đạn đỏ như sắt nung, phụt ra khỏi họng súng của quân thù nhằm vào thân hình hai đồng chí trung kiên. Anh Thoại, anh Thịnh đã ngã xuống giữa chiều quê. Hương đất, hương đồng nồng nàn như chiếc kén tằm nâng linh hồn hai anh về với đất mẹ.
**
*
Lân ngồi lặng bên bờ cỏ. Dưới chân anh, cách một khoảng không xa chưa đủ để nhoà mặt người, dòng sông đò Đáy mải miết trôi. Chập choạng chiều đã chẳng mấy khi còn tiếng gọi đò. Bến sông cô tịch. Con đò ghếch đầu lên bãi phù sa nâu mịn, buông xuôi.
Chắt con im lìm bên anh. Họ ngồi như thế rất lâu rồi. Không ai lên tiếng cả. Mỗi người đuổi theo một dòng suy nghĩ riêng, nhưng Chắt con biết, trong lòng Lân đang rất đau khổ. Cô biết, cái chết của hai đồng chí trung kiên chiều nay khiến Lân suy nghĩ rất nhiều. Gặp nhau từ chiều, vậy mà mãi đến lúc này, Lân chỉ nói duy nhất một câu: “Anh Thoại, anh Thịnh đã chết thay anh!”.
Ngay lúc này, Chắt con biết Lân đang quá day dứt nên nói vậy. Không thể để anh cứ đắm trong dòng suy nghĩ ấy. Cô xích lại gần, đặt tay lên bàn tay thô ráp, chai sần của anh:
– Em biết, anh đang rất buồn! Sự hy sinh của bất kỳ ai trong số các đồng chí của chúng ta cũng khiến mình đau khổ. Nhưng đâu phải lỗi tại anh…
– Nhưng nếu anh không đồng ý đổi địa bàn cho hai anh ấy thì người bị chúng bắt được, bị bắn chết chiều nay là anh chứ không phải họ – Lân vò đầu. Tóc anh xù lên như một mớ bùi nhùi. Mặt anh rúm lại.
– Không phải! Chắt con quả quyết – Đâu phải anh tự ý gạ các anh ấy đổi đâu. Đấy là ý của các anh ấy đấy chứ. Vả lại, khi anh Thoại, anh Thịnh có ý kiến, chi uỷ cũng đồng ý phân công lại như thế còn gì… Ai trong số chúng ta hy sinh cũng là mất mát… Người này hy sinh, người còn lại phải gánh vác thêm cả phần việc của người đã chết để lại… Đừng nghĩ quẩn nữa anh. Thương hai anh ấy, mình càng phải công tác tốt nữa chứ… Có vậy, ở trên kia, các đồng chí đã hy sinh của mình mới cảm thấy không uổng phí… – Cô nâng gương mặt Lân lên. Dưới gò má anh, hai giọt nước mắt sánh như keo, rỉ ra nơi khoé mắt, lăn xuống gò má đen sạm. Trên cao, ngàn vì sao chi chít. Nếu mỗi vì sao là linh hồn của một con người thì giờ đây chắc anh Thoại, anh Thịnh đang từ trên cao nhìn xuống. “Nhất định em sẽ làm tiếp những gì các anh còn đang làm dang dở” . Lân thì thầm. Anh vịn vào vai Chắt con, đứng dậy. Ngoài sông, những con sóng nhỏ ì oạp xô bờ. Và từ bên kia sông, tiếng gọi “ Đò ơi” da diết vọng sang.
Dòng sông vẫn trôi. Tiếng guốc chèo đã kẽo kẹt, nhịp nhàng khảm vào đêm. Con đò hếch mũi, từ từ rẽ nước sang ngang. Tiếng gọi đò từ bên kia sông vẫn nương vào gió, lan dài theo mặt sóng đang duềnh lên từng lọn nhỏ. Đây là vùng căn cứ của liên xã Nghĩa Hưng, nơi Lân và Chắt con đang hoà mình vào cuộc cách mạng. Cuộc sống vẫn chảy trôi. Nhiều cái chết trong đó có sự hy sinh của hai đồng chí trung kiên chiều nay cho cách mạng đang khiến sự sống nảy mầm. Tiếng gọi đò nới bến sống vắng như dấu hiệu của sự sống đang hồi sinh nơi vùng đất cỗi.