Home > Uncategorized > Vùng mắt bão Chương XII

Vùng mắt bão Chương XII

Vùng mắt bão

 

 

 

Nguyễn Đình Vinh và Thương Huyền

 

 

 

Chương XII

 

 

 

 

 

 

 

Chi bộ Nghĩa Hưng họp trong gian nhà nhỏ dưới gốc cây muỗm đại của gia đình ông Bòng. Cũng như bao gia đình nông dân  khác, ông bà sống chủ yếu bằng nghề nông thêm buôn bán vặt. Giữa cảnh bom đạn, chiến tranh, khi không một gia đình nào còn nguyên lành thì nhà ông Bòng cũng trong cảnh ấy. Hai người con trai của ông bà, một thoát ly đi bộ đội Tây Sơn, một bị quân địch bắt lính. Người con cả của ông Bòng bị bắt vào lính nguỵ đóng bên căng Phương Điếm đã trở thành nhân mối của ta. Chuyện xanh vỏ, đỏ lòng, bề ngoài lính nguỵ bên trong quân mình cũng không còn là chuyện hiếm trong những ngày nước sôi lửa bỏng này. Và cũng chính nhờ cái vỏ bọc là anh mà ngôi nhà dưới gốc cây muỗm cổ thụ của gia đình ông Bòng còn nguyên vẹn, trở thành cơ sở chính của chi bộ Nghĩa Hưng trong những ngày địch liên tục càn quét, vây ráp.

 

Đây đã là những tháng cuối năm của năm 1951. Suốt mấy tháng qua, quân dân Gia Lộc đã cùng với các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện gồng mình lên đối phó với hàng loạt cuộc hành quân lớn của quân Pháp nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta trong vùng căn cứ. Hết cuộc hành quân mang tên  Mi – ra- ban với gần mười nghìn tên địch đánh phá vùng tiếp giáp Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, địch lại mở tiếp cuộc hành quân Va –ti – ráp – bờ – lơ (Vatirable), đánh phá khu tiếp giáp Bình giang, Thanh Miện, Gia Lộc và vừa rồi lại đến chiến dịch “Trái chanh”, thọc sâu vào các xã An Đức, Hồng Đức thuộc địa phận huyện Ninh Giang, Đức Xương (Gia Lộc)… Vậy là bất kỳ cuộc hành quân nào, bất kỳ chiến dịch nào mở tại khu vực này, địch cũng không bỏ qua Gia Lộc. Vùng quê của Lân nằm sát bốt Phương Điếm, nơi mở đầu triển khai quân cho các cuộc càn quét, bình định của địch nên không thể ngồi yên. 

 

Nắm bắt được tình hình địch đang tích cực đánh nống ra vùng căn cứ, Tỉnh uỷ Hải Dương đã có chỉ thị mới trong thời điểm hiện tại. từ chỉ thị ấy, Huyện uỷ Gia Lộc cũng đã có những kế hoạch  cụ thể triển khai tới từng Chi uỷ xã. 

 

Những bóng người im lìm in trên vách đất. Cả chi bộ im lặng. Những thông tin đồng chí bí thư chi bộ xã đang thông báo cứ như mũi khoan xoáy vào gan ruột mỗi người. Từng dòng, từng dòng tội ác của quân địch đối với đồng bào khiến những đảng viên trong chi bộ càng chất chồng:

 

– Các đồng chí chú ý, Huyện uỷ chỉ đạo chúng ta cần nắm chắc tình hình hiện tại, nhất là những diễn biến của quân địch để có cách đối phó kịp thời. Chúng ta cần lưu ý, hai tháng gần đây, địch mở chiến dịch “trái chanh”, đây là chiến dịch lớn trên địa bàn các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc và một số huyện thuộc tỉnh Hưng Yên tiếp giáp với Hải Dương. Chiến dịch này chúng huy động ba binh đoàn cơ động, một số lực lượng phối thuộc, tổng cộng gồm 11 tiểu đoàn với hơn mười nghìn quân và bốn cụm pháo binh lớn. Mục đích của chiến dịch này là truy quét, diệt bộ đội chủ lực ta, triệt phá khu du kích, cơ sở hạ tầng, bắt lính, lập lại tề, củng cố thế chiếm đóng trong vùng địch hậu.

 

– Chúng nó muốn làm việc ấy đâu phải chuyện dễ, mình đã nắm được thế thì chuẩn bị dàn quân ra mà tẩn nó chứ nghĩ ngẫm làm gì cho nhức đầu… Anh Tuyển – Đội trưởng du kích xã cắt ngang lời bí thư chi bộ…

 

– Tất nhiên là nó làm việc ấy không dễ, vì thế, chúng mới dùng lực lượng cơ động cộng với hoả lực. Khi  phát hiện lực lượng ta, chúng sẽ triển khai hợp vây, dùng phi pháo đánh phá, rồi xung phong đánh chiếm từng khu vực nhỏ. Cùng với truy kích bộ đội ta, địch còn triệt để phá ta về mọi mặt. Đây, các đồng chí nghe nhé, đoạn này, tôi đọc cụ thể từng con số cho các đồng chí nắm rõ, nhất là mảng địch vận do đồng chí Lân phụ trách. Đây sẽ là những con số mà các đồng chí có thể sử dụng cho công tác địch vận. Những anh em lính nguỵ sẽ nghĩ gì khi chính bố mẹ, gia đình, vợ con họ đang bị những kẻ bị coi là đồng đội của họ đánh phá, chém giết và cướp bóc…

 

– Đề nghị bí thư nói cụ thể từng con số đi ạ…

 

– Đây nhé: Trong chiến dịch này, chúng đã đốt phá xã Tân Quang, san bằng thôn Hoà Loan (Bình Giang); tại Gia Lộc chúng ta, chúng đã san phẳng Thọ My… Chúng còn đốt cháy hàng trăm hécta lúa ở các xã Chi Lăng, Cao Thắng (Thanh Miện); Chúng dàn quân cướp hàng chục tấn thóc của dân An Đức (Ninh Giang), Minh Đức (Tứ Kỳ), Phạm Lý (Thanh Miện) để lấp đường cho xe chạy. Địch còn cho xe lội nước càn xuống ruộng phá lúa của dân, cho đại bác bắn vào dân khi họ đang gặt lúa. Tất cả những việc làm tàn ác này chúng đều ngang nhiên hoành hành ngay trên đất mình, ngay trước mắt mình… 

 

Những bàn tay nắm lại. Những chiếc quai hàm bạnh ra. Nỗi đau, lòng căm hận quân xâm lược dồn lên từg đường gân, thớ máu. Anh Bạ đứng phắt dậy, cánh tay anh vung lên khiến bóng đèn hạt đỗ bên cạnh chung chiêng như muốn tắt. 

 

– Thưa các đồng chí… Tôi đã định không nói. Nhưng để bụng thì ấm ức không chịu được. Anh em bên Yết Kiêu cho biết, chúng còn bắt đồng bào nộp tiền nuôi lính (riêng xã Yết Kiêu phải nộp tới hơn hai vạn đồng Đông Dương)… Nhiều nơi bên kia sông, địch bắt dân quây trâu lại. Chúng dùng trung liên bắn vào đầu từng con, xả bụng lấy gan, còn lại thịt để cho thối chứ nhất quyết không cho dân làng mang về ăn… càng ngày chúng càng tàn ác. Càng ngày chúng càng ngông cuồng… Xin Chi uỷ cho chúng tôi chuẩn bị đánh!

 

– Tất nhiên chúng ta đều biết những tội ác man rợ của chúng. Chúng thực hiện tất cả những việc ấy với mục đích “Dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, chứng tỏ một điều, quân Pháp không thể đủ sức để cứ kéo dằng dai cuộc chiến tranh này mãi.  Nhưng trên vẫn chưa cho ta chỉ thị đánh. Bởi đã đánh thì phải thắng, đánh mà không thắng càng khiến địch có cớ khủng bố dân ta. Còn một vấn đề nữa, chúng ta cũng cần quan tâm: Đó chính là hoạt động do thám, chỉ điểm của địch. Chúng thường tổ chức những tốp từ ba đến năm tên, giả dạng buôn bán, trà trộn vào dân, hoạt động đêm ngày, nếu phát hiện nơi nào có bộ đội, du kích ta thì chúng đến khủng bố dân… Nếu ta không tuyên truyền người dân tăng cường cảnh giác, đề phòng sẽ rất dễ mắc mưu quân địch, để lộ cơ sở, rơi vào âm mưu chia rẽ tôn giáo của chúng… 

 

– Nhiều việc quá nhỉ… Ông Tỳ lúc lắc đầu. Khó khăn lại chồng chất khó khăn,..

 

– Đúng đấy. Khó khăn chồng chất khó khăn. Quân địch lại quá nham hiểm. Nếu chúng ta không gần dân, không nắm được dân lúc này là chúng ta thất bại. Vì vậy, Tỉnh uỷ, huyện uỷ chỉ đạo: Tất cả đảng viên cần tăng cường nhận thức tình hình, lấy tuyên truyền, xây dựng cơ sở là chính, tác chiến là phụ. Cần tập trung gây dựng, phục hồi lại cơ sở, bảo vệ cơ sở cách mạng. Bám đất, sát dân, khắc phục tư tưởng muốn “đánh cho hả” “muốn về gia đình”, “sợ không có đất đứng”. Các đồng chí cần lưu ý, cần linh hoạt trong hoạt động, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chủ yếu chống địch càn quét…

 

– Nhưng nếu trên cho chỉ thị chống địch càn quét, nó càn vào làng, mình có được đánh không? – Ông Tuyển vẫn chưa buông?

 

– Đánh chứ. Nó càn vào thôn vào, du kích thôn ấy cùng với du kích xã được quyền đánh trả. Thực hiện liên hoàn tác chiến cơ mà… 

 

– Thế thì được rồi. Cứ được đánh thì liên hoàn kiểu gì chúng tôi cũng chơi. Mà nói trước nhé, bọn địch nghênh ngang thế thôi chứ là loại già dái non hột. Chúng tôi cứ choảng cho vài trận là khiếp vía, đố có dám càn vào làng ngông nghênh như vào chỗ không người nữa đấy… Ông Tuyển nói rồi quay sang Lân và mấy người bên cạnh. Họ nháy mắt nhìn nhau, cười hỉ hả. Ông Tỳ còn giơ tay vỗ bồm bộp vào cây tiểu liên mới cướp được của địch.

 

– Này, Lân! Cháu (Về mặt họ hàng Lân gọi Tỳ là cậu họ gần) có biết bên Thanh Hà họ hướng dẫn dân chống càn thế nào không? 

 

– Biết chứ cậu! Lân gật đầu – Họ đã huấn luyện được trâu, bò, lợn xuống hầm khi có báo động địch đến. Còn cái khoản thóc lúa nhá, bà con có nhiều cách cất giấu lắm. Cho xuống hầm thì sợ ẩm mốc, có nơi bà con đắp ụ đất bên ngoài, bên trong một lớp rào, rồi đến lớp rơm trộn bùn, trong cùng mới để thóc…

 

– Dân ta đến là mưu mẹo. Làm mấy lần rào thế khéo chắc hơn quân Pháp xây hàng rào bảo vệ bốt Giỗ ấy nhỉ. Ba lớp mới vào đến hạt thóc, đốt thì không cháy được, phá thì mất công lâu… Quan quân nhà nó chỉ có mà đứng nhìn… Dân mình thế mà giỏi thật!

 

– Chuyện! Đất mình xưa nay hiền thì hiền thật nhưng không phải dân đần đâu nhá… Chỉ sợ nó điên lên cho quả bọc phá thì hết sạch…

 

– Nó cho bộc phá thì nó cũng chả thu được gì… chúng mình cứ hướng dẫn cho bà con làm theo cách ấy cho chắc ăn…

 

– Nhất định rồi. Mà này, có về với bu em tí không? ông Tuyển vỗ vai Lân – Cậu làm ăn thế quái nào mà cô ấy vẫn lép kẹp như con rô đực thế hử?

 

– Thì… Lân ngập ngừng…

 

– Ông bảo nó làm ăn thế nào? Đêm thì đi suốt, mò về vợ đi chợ từ đời tám hoánh, chắc gì làm ăn gì được mà chả lép… Ông đi địch vận thay nó, cho nó ở nhà với vợ hẳn một tháng xem bụng có phổng như cái rá con ngay không? Cứ là… Anh Bạ kéo tay Lân – Chú mày ra đây, nghe làm gì cái lão sòn sòn như gà ấy. Vừa giật mìn ngoài đườg 17, nhoáy cái chạy về… tháng sau đã thấy bụng vợ lão lùm lùm. Bố ai mà theo được…

 

– Tao mà địch vận giỏi như thằng Lân, tao làm thay nó ngay. Khốn nỗi, tao đếch ăn nói được. Nhìn mấy thằng lính nguỵ, lính Tây tao chỉ muốn bọp cho mỗi thằng một phát… Hì hì… Ông Tuyển cười, hai vai rung tít. 

 

– Thế mới gọi là phân công nhiệm vụ chứ. Cứ ai cũng bọp bọp như ông thì nói làm gì. Làm thằng gánh trên vai nhiệm vụ địch vận là vừa phải khôn, vừa phải ngoan… tay Lân làm được vì nó điềm tĩnh, chắc chắn lại mưu lược, gan dạ, ông ạ. Chứ như mình thì chỉ có mà “đoàng”. Thế là chúng nó nghẻo củ tỏi, chả việc gì  phải vận viếc gì nữa…

 

– Thì thế, tôi với ông mới độn thổ, mới phục kích đánh xe. Không thì đã… Mà có thế, thằng Lân mới được phân công trưởng Ban địch vận kiêm xã đội phó… Này, về bảo u mày làm rá cốm mới, khao quân đấy… 

 

Câu chuyện dóc của mấy anh em chú cháu không biết còn kéo dài đến khi nào nếu bí thư chi bộ không quay lại, trên tay cầm một tờ giấy đã nhàu, chắc công văn chạy hoả tốc vừa đến.

 

– Huyện uỷ vừa chỉ đạo chi uỷ, phân công các đồng chí cán bộ chủ chốt của liên xã Nghĩa Hưng về trực tiếp nằm vùng bám đất để gây dựng, phục hồi cơ sở, chỉ đạo nhân dân đấu tranh với địch, bảo vệ bằng được những cơ sở cách mạng để làm bàn đạp đấu tranh lâu dài với chúng. Chúng tôi sẽ có sự phân công cụ thể. Riêng đồng chí Lân, chi uỷ phân công về hoạt động tại thôn Đức Đại. Đồng chí là trưởng ban địch vận liên xã Nghĩa Hưng, kiêm chính trị viên phó xã đội. Chi uỷ phân công đồng chí về Đức Đại không phải vì đồng chí là người làng mà vì Đức Đại là khu vực trọng điểm địch đang muốn tập trung xoá bỏ. Vì vậy, khi về lại khu vực này, nhiệm vụ của đồng chí là bám đất, bám dân, lãnh đạo nhân dân phá tề, trừ gian, chống đi phu, chống phạt vạ… Làm thế nào gây dựng được càng nhiều nhân mối trong lòng địch càng tốt, chuẩn bị cho công tác lớn của Đảng sau này… Thôi, khuya rồi, có đồng chí nào có ý kiến gì thêm không? Nếu không, chúng ta giải tán. Các đồng chí giữ vững chế độ liên lạc, báo cáo tình hình. 

 

**

 

*

 

Địch lại càn đến Đức Đại. Lân lập sẵn kế hoạch phân công các thành viên của thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên… bám sát cuộc chống càn của dân làng. Du kích thôn cũng chuẩn bị sẵn phương án tác chiến. Nhưng vẫn phải xác định đấu tranh trên mặt trận chính trị là chính. Tác chiến vũ trang chỉ là phụ. Vì vậy, các thành viên trong các tổ chức vẫn phải bám sát, trà trộn vào dân để trực tiếp tham gia đấu tranh. 

 

Đây không biết đã là trận càn thứ bao nhiêu của quân địch vào Đức Đại rồi, Lân cũng không còn nhớ rõ nữa. Từ khi anh về nằm vùng, trực tiếp phụ trách, phong trào của Đức Đại phát triển rất mạnh. Lân đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, xây dựng Đức Đại thực sự trở thành một làng kháng chiến đoàn kết. Các phong trào đấu tranh rộng khắp như chống bắt bớ, càn quét, chốn phạt vạ, chống bắt lính, bắt phu, phá tề, trừ gian được nhân dân Đức Đại tham gia rất tích cực. Trước đây, Đức Đại đã nhiều phen khiến quân địch mất ăn, mất ngủ. Giờ đây lại càng trở thành cái gai nhất định phải nhổ trong mắt chúng. Chính vì lí do đó, quân địch liên tục tổ chức càn làng. Có ngày chúng càn hai lần, sáng càn, chiều lại càn lại. Có tuần, chúng càn đến mười mấy lần. Lá cây, ngọn cỏ trên đường làng cũng trở nên nhàu nát bởi gót giầy quân địch. Mỗi lần càn vào làng, địch vẫn dồn hết dân làng ra sân đình. Những lần đầu còn bắt hương chủ, hương quản điểm mục rồi kiếm cớ bắt người này, bắn người kia, nhưng mấy trận càn gần đây, chẳng cần điểm mục, chúng thích bắt người nào là chúng chỉ mặt lôi đi. Nhiều thanh niên bị chúng bắt ép đi lính cũng trong hoàn cảnh ấy. Mỗi lần chúng bắt người, dân làng lại cồn lên. Người túm lính, người túm súng. Trẻ con, người già kêu khóc ầm ĩ. Ban đầu, những tên lính còn sững lại, thả người. Từ hôm thằng đội Gầy bắn chết bà Gia khi bà đang túm một thằng lính đòi thả người thì quân địch không dừng lại nữa. Chúng quay súng, sẵn sàng nhả đạn vào dân làng. Điều này khiến nhiều người dân hoang mang. Lân cùng anh em trong ban địch vận lại lăn lộn thuyết phục dân làng và chuẩn bị phương án đấu tranh mới.

 

Địch lại càn Đức Đại. Tổ thiếu niên quân báo đang chăn trâu trên cánh đồng ngoài làng đã chạy về báo. Đội du kích thôn lập tức chuẩn bị chiến đấu. Mặc dù vũ khí còn mỏng, nhưng anh em du kích đã tích cực chuẩn bị đánh nếu địch tàn sát dân làng. Lân chạy qua nhà ông Tuyển, lại nhảo qua nhà ông Giống thống nhất lại phương án đấu tranh. Địch tiến đến gần cây cầu đá, vẫn thấy bóng anh thấp thoáng chỉ một lát sau, khi địch ập vào nhà, đã không thấy anh đâu nữa. Trong nhà chỉ còn bà giáo và Tằm đang lúi húi dọn dẹp. 

 

– A lê! Bà già! Ra đình điểm mục mau!

 

Một tên lính xốc tới, dí họng súng vào lưng bà giáo – cả con nhỏ này nữa… 

 

– Giời cao đất dày ơi! Bà giáo giơ hai tay lên trời, than thở – Ngày nào các ông cũng càn, cũng lùng sục… Việt Minh đâu chả thấy, chỉ thấy chết dân thôi. Các ông lùng mãi đấy mà có bắt được Việt Minh, du kích gì đâu, chỉ bắt toàn dân lành… Sao các ông lại làm thế, ở quê các ông, gia đình các ông có phải chịu cảnh như chúng tôi thế này không?

 

– A, con mẹ già này, dám lợi dụng tuyên truyền cho Việt Minh hử? Ông thì nổ cho một băng bây giờ? Một tên nguỵ khác xông đến, gạt thằng đang dí súng vào lưng bà giáo, xăm xăm xông lên.

 

– ối giời ơi! Tôi già cả, nghĩ sao nói vậy, biết gì mà tuyên tuyền với không tuyên truyền… Nhưng các ông thấy đấy. Ngày hai lần điểm mục, dân còn làm ăn, sinh sống làm sao?

 

– Ai bảo dân làng này chứa chấp Việt Minh chuyên lẻn về đánh đồn, phục lính. Lại còn dẻo lưỡi kêu ca… Quan đồn chưa san phẳng làng này đi là phúc đức lắm rồi đấy… 

 

Rồi nó bỏ bà giáo ngoài sân, xông vào trong nhà. Trên cây cột cái, toòng teng cái áo cánh nâu. Tên địch giơ tay với cái áo. Nó lật qua, lật lại rồi huỳnh huỵch bước ra sân:

 

–  áo của ai đây?

 

Bà giáo chột dạ. áo của vợ Lân, nó vừa đi đâu đó về, không biết trong túi có gì không. Nhưng bà lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Tên lính bắt đầu lục soát hai bên túi áo

 

– Bẩm quan lớn, tôi không biết áo của ai đâu. Vừa rồi, có việc, tôi với con bé cháu ra đồng lúi húi mấy việc, không biết ở nhà có ai vào chơi mà treo áo ở đấy rồi quên mất không?

 

– Mày! Lần này thì chạy đằng trời! Tên lính rú lên man dại. Mặt nó thoắt trắng bệch lại đỏ bầm màu máu. Nó nhảy ba bước đến bên bà giáo, dí tờ giấy vừa lôi được trong túi áo Khứu ra:

 

– Mụ già! Đừng có cứng lưỡi. áo này là áo đàn bà. Không có con đàn bà nào đến nhà khác chơi lại cởi áo treo lên cột rồi quên mà ở trần đi về bao giờ. Nhất định là áo của người nhà mụ. Mụ có khai không? Giấy má gì còn có cả dấu son đỏ đây này… Đích thị là giấy tờ của Việt Minh rồi…

 

Thằng lính nguỵ không biết chữ, nó chỉ nhìn thấy cái dấu son đỏ trong tờ giấy. Bà giáo đang nghĩ cách lừa nó lấy lại tờ giấy thì tên đội Gầy  đã huỳnh huỵch từ ngoài bước vào. Tên lính nguỵ vội chạy lại, xun xoe:

 

– Bẩm quan lớn, có tài liệu của Việt Minh trong nhà mụ già này. Thế mà nhất định nó cứ chối leo lẻo…

 

Thằng đội Gầy không đọc được tiếng Việt. Nó đưa mảnh giấy qua tên thông ngôn. Tên thông ngôn bước đến, ghé sát vào mặt bà giáo. Mùi hôi từ cái miệng cá ngão của nó bốc lên nồng nặng. Bà giáo nghiêng đầu tránh. 

 

– Giấy triệu tập họp của ban chấp hành phụ nữ liên xã Nghĩa Hưng… Nguyễn Thị Khứu là đứa nào? 

 

– Tôi già cả, khốn khổ, nào tôi có biết chấp hành chấp tỏi là gì đâu. Mà ai là Khứu tôi cũng đâu có biết. Các ông đừng lục vấn già này nữa… tôi chỉ biết làm ăn, nuôi con, chẳng liên quan gì đến ai cả. Nhà có thằng con trai, các ông bắt đi mất rồi. Giờ chỉ còn có mình tôi với con bé con. Mẹ goá, con côi, vặt mũi chả đủ đút miệng, hơi đâu mà chấp hành với chấp tỏi. Chắc đứa nào có thù oán gì với tôi ở ngoài chợ nên nó cố tình treo cái áo vào đấy để hại tôi thôi. 

 

– Chẳng đứa nào điên dại mà thù oán với mụ già như mụ. Không nhận, không khai thì lôi cổ mụ về đồn. 

 

– Bẩm quan lớn, oan cho tôi quá! Oan cho tôi quá, quan lớn ơi! 

 

Bà giáo vẫn một mực kêu oan. Bọn lính trói giật cánh khuỷu bà giáo lại. Tằm thấy mẹ bị địch bắt, quăng rổ bèo tung toé, túm chặt áo mẹ ghì lại, kêu khóc ầm ĩ. Mấy tên lính nguỵ ngó cảnh ấy, đưa mắt nhìn nhau. Chúng sững lại. Bọn lính Pháp thấy vậy xông đến. Một thằng giờ chân đạp Tằm một phát. Con bé bị bắn ra ngoài. Tiện đà, nó vung cánh tay đầy lông lá, bạt tiếp mấy cái nữa. Thân hình còm nhom của Tằm nảy lên. Nó  nằm im, không còn khóc được nữa. Đến  khi  tỉnh lại mẹ nó đã bị chúng lôi về đồn rồi. 

 

Cùng bị bắt ngày hôm ấy với bà giáo còn có nhiều người khác trong làng nữa. Không cần có tội, chẳng cần chứng cứ. Chúng thích bắt ai là bắt. Chúng đưa tất cả về nhốt trong hầm xà lim bốt Giỗ. Cứ hai người một hầm, không cần phân biệt già trẻ.

 

Lân biết mẹ mình bị bắt vì cái giấy triệu tập trong áo của Khứu treo trên cột. Mẹ anh già rồi. Không biết có qua được đận này không. Những ngón đòn tra tấn của quân địch tàn khốc lắm. Đang ngồi trầm ngâm trong nhà, Khứu từ ngoài lao vào. Nhìn thấy Lân, cô bật khóc nức nở:

 

– U bị chúng bắt, lỗi là tại em, lỗi là tại em. Em vừa đi công tác về, quên mất có giấy triệu tập trong túi nên cứ thế cởi áo treo lên cột. Vừa xong thì nhận được tin địch càn. Không có thẻ căn cước, em phải xuống hầm. Không ngờ, nó làm liên luỵ đến u. Mình ơi! Nếu u có mệnh hệ nào thì em ân hận lắm. Cả đời này em mắc nợ u rồi…

 

Nhìn vợ khóc không thành tiếng, nỗi ân hận giày vò gương mặt Khứu, Lân se lòng. Mẹ anh có mệnh hệ nào, chắc cô ấy khốn khổ lắm. Nhưng giờ không phải là lúc trách móc nhau. Anh chỉ nhẹ nhàng, nhưng giọng gằn xuống, trầm đục:

 

– Đằng nào thì mọi chuyện cũng xảy đến rồi. Nhưng sao mình lại sơ suất đến thế. Anh đã dặn kỹ rồi, công văn giấy tờ xong việc là phải đốt ngay. Tất cả chỉ có chôn vào đầu, vào ruột mình mới hy vọng giữ bí mật được. Lần này sơ suất,  chúng bắt mất u. Nhưng nếu mất mát lớn hơn thì sao? Mất mát cả phong trào với hàng trăm, hàng nghìn người thì sao? 

 

Khứu im lặng. Nước mắt vẫn chảy dài trên má. Rồi cô đứng lên:

 

– Em qua bên ngoại, tranh thủ hỏi nhân mối xem tình hình u thế nào? Lựa xem có thể nhờ người đó nhận u là người nhà mà xin chúng thả u được không, u già rồi…

 

Những tiếng sau, Khứu nói không thành tiếng. Cô vừa đi vừa chạy. Bóng tối bên ngoài đang sập xuống.

 

Trong hầm xà lim bốt Giỗ. Một cái hầm nhỏ tí, cả bề ngang, bề dài chỉ đủ một người ngồi. Trần xà lim thấp đến nỗi, chỉ cần nhô cao là đụng đầu phải trần. Vậy mà chúng nhốt vào căn hầm bé tí ấy hai người khiến không sao xoay sở được. Bà giáo ngồi bó gối một góc xà lim. Cả khoảng không gian trước mắt cứ tối nhờ nhờ khiến đôi mắt vốn đã bị quặm không sao nhìn thấy gì, nước mắt cứ tràn ra, nhoè nhoẹt. Chúng đóng nắp xà lim lại. Đã bé tí, lại không có lỗ thông hơi nên càng ngày càng bị ngạt. Người bị nhốt chung với bà giáo cũng im thít. Đến  khi ngạt không thể thở được, bà giáo đánh với qua người bị nhốt cùng mình:

 

– Chú gì ơi! Bà giáo lên tiếng – Chú đổi cho tôi ra ngoài được không? Chắc chú con ít tuổi, tôi già rồi, ngột thở quá…

 

– Cô Thuận phải không? Đúng tiếng cô Thuận rồi. Từ lúc bị đẩy vào hầm, cháu đã ngờ ngợ…

 

– Cháu là… Bà giáo nghi ngờ. Bà sợ quân địch xảo trá, cho người vào nhốt chung rồi nhận là người nhà để moi tin.

 

– Cháu là Hịch, người bên Đại Liêu, cháu gọi cô bằng cô thúc bá đây mà. Cô không nhận ra cháu sao?

 

– Hịch hả! Giời ạ. Thế mà cô cứ tưởng… Cháu đổi cho cô ra ngoài một lúc, cô ngộp thở quá 

 

Hai cô cháu lách người đổi chỗ cho nhau. Bà giáo phải ghé sát mũi qua những lỗ nhỏ li ti trên trần hầm xà lim để thở. Suốt một ngày, chúng không ỏ ê gì đến. Một giọt nước cũng không có. Khát quá, khô cả cổ, hai cô cháu phải ngửa mặt lên trầm lè lưỡi liếm những giọt nước nhỏ do hơi thở thở ra đọng lại trên mái hầm. Bị bỏ đói, khát đến vài hôm, chúng lôi cô cháu bà giáo lên phòng tra tấn.

 

Qua anh thắc nhân mối  trong đồn, vợ chồng Lân biết hết những gì mẹ anh đang phải trải qua trong tù. Nhưng cũng không có cách nào giải thoát cho cụ được. 

 

Cái xà lim bé tý, xoay ngang xoay dọc đều khó khăn, ma đã hai ngày chúng cũng không hỏi han gì, hai cô cháu khát khô cả cổ, chẳng còn cách gì đành phải tiểu ra cái áo để dùng. Sáng ngày thứ ba, cánh cửa xịch mở, ánh sáng chói loà làm cả hai cô cháu phải nheo mắt mãi mới nhìn thấy bóng thằng cai ngục đen thùi lũi đứng trước cửa. Nó cất tiếng ồ ồ như giọng con chó tru. Thằng thông ngôn dịch lại tiếng nó. 

 

-Hầy dà, bị bỏ đói vậy chúng bay đã suy nghĩ kỹ chưa? Lên ngay quan đồn hỏi

 

Vừa nói nó vừa lôi xềnh xệch bà giáo lên phòng hỏi cung. Trong phòng bày la liệt cơ man là dụng cụ tra tấn, thằng đội gầy ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế gỗ, tay bập bập xuống bàn, nó hất hàm hỏi:

 

-Tờ giấy trong nhà mụ là của ai, mụ chứa chấp bao nhiêu Việt Minh từ trước đến nay.

 

-Dạ bẩm quan lớn, tôi mẹ goá con côi, nhà có ba mẹ con, thằng lớn bị các quan bắt đi xây đồn, còn tôi với con bé cháu, chỉ mải làm kiếm miếng  ăn sao mà dám chứa chấp Việt Minh

 

-Mụ già mồm hả, thế tờ giấy là thế nào?

 

-Bẩm quan lớn chắc đứa nào nó thù mẹ con tôi nên nó cố vất vào?

 

-Mụ làm gì mà nó thù?

 

-Bẩm cái này tôi cũng không biết, hay tại họ thấy con tôi đi xây bốt cho Tây nên họ thù chăng, mà ngài biết đấy, nhà tôi ngay đình làng, ngày nào đi càn các ngài cũng đều ghé qua lục soát thì tôi làm sao dám chứa chấp Việt Minh. Mà nếu có chứa cũng chẳng có ai dại gì lại chọn nhà tôi. Lạy quan lớn đèn giời soi sét.

 

Thằng thông ngôn dịch lại, thằng đội gày gật gật kể ra nó cũng chẳng lạ gì nhà bà, có ngày nào mà nó không đứng trên cái cầu đá đầu nhà bà để chỉ đạo lùng sục, bao năm nay có thấy gì đâu, mà mụ này già cả sức trói gà không trặt thì làm được gì, nó hất hàm bảo thằng cai ngục, cho nhốt lại mai hỏi tiếp. Cứ như vậy trong vài ngày bà giáo vẫn một mực kêu oan ức…

 

Sau hơn một tuần không tra hỏi được gì, bà giáo ngày một yếu, quân Pháp đành phải thả bà ra.

 

Lần bà giáo bị bắt thành bài học Khứu nhớ mãi trong cuộc đời hoạt động và công tác sau này. Cô luôn cảm ơn trời Phật đã cứu mạng bà cụ, bởi nếu bà cụ có mệnh hệ nào, chắc cô ân hận suốt đời.

 

**

 

*

 

Phong trào của Đức Đại ngày một vững vàng. Đội du kích của làng hoạt động mạnh. Ban địch vận đã xây dựng vận động được nhiều nhân mối cắm rễ sâu trong lòng địch. Cả Đức Đại trở thành một đám mây lớn, tích điện trước cơn mưa, chỉ chờ sấm lệnh trút sét vào đầu giặc. Nhưng bốt Giỗ đóng cách đấy chỉ vài trăm mét, địch làm sao có thể ngồi yên. Không nhổ được cái gai Đức Đại, chúng cũng quyết không để dân làng coi thường chúng. Càn! Càn! Và càn! Chúng quyết làm Đức Đại thành vùng trắng, quyết làm lòng người Đức Đại tê liệt. Không khuất phục được dân làng bằng những thủ đoạn dụ dỗ, không khuất phục được lòng người bằg những thủ đoạn mua chuộc đê hèn, chúng quyết dùng súng đạn, dùng những đòn thù dã man khuất phục lòng người Đức Đại. Nhưng chúng nhầm. Dù chúng có càn ngày một lần, ngày hai lần hoặc giả chúng có càn ngày này tiếp ngày khác, trận càn này chưa qua, trận càn khác đã đổ đến, chúng cũng không đời nào khuất phục nổi người dân Đức Đại. Càng càn, chúng càng khiến dân Đức Đại trở nên sắt đá, càng khiến ý chí quyết tâm, chống lại quân thù trong lòng người Đức Đại được hun đúc thành một khối thép mà không ngọn lửa nào có thể nung chảy nổi.  

 

Giữa tháng tư năm 51. Khi những bông hoa gạo cuối mùa rùng mình rời cành đáp xuống mặt đất, khi những bông hoa bèo tây nở tím biếc biến những ao, những đầm thành một tấm thảm hoa, quân Pháp lại đem bàn chân bẩn thỉu của mình chà lại làng Đức Đại. 

 

Quả mìn du kích thôn chôn ngầm, nổ ngay lối vào đầu làng khiến hai thằng Pháp tung thây lên trời càng khiến những thằng còn lại ồ ồ xông vào làng như bầy thú đói. Chúng lùa dân làng ra đình, lôi bà Muộm ra khỏi đám người, túm tóc giật ngược lôi đi. Không biết bao nhiêu roi gân bò, báng súng đám lính trút xuống người bà. Có thằng còn dúi đầu bà xuống, lật ngửa mặt bà lên rồi lấy chính đôi giầy đinh của nó đạp, chà lên mặt bà. Không chịu nổi, bà Muộm bật khai trong làng có Việt Minh về nằm vùng. Lúc này, Lân, Tuyển, Bạ, Tỳ … và tất cả những anh em du kích khác đã xuống hầm trú ẩn. 

 

Túm được lời khai của bà Muộm, ngày hôm ấy, chúng chà đi chà lại, càn làng Đức Đại đến bốn lần. “Phải tát cạn nước, bắt bằng được cá”. Thằng đội Gầy nghiến hai hàm răng lại. Quân nguỵ đi trước vây chặt bốn bề, quyết không cho một ai lọt ra khỏi làng. Số lính còn lại, chúng chia làm ba mũi theo các con đường nhỏ tấn công vào làng. Quân Pháp lùa đám lính nguỵ đi trước, hòng đẩy họ thành bia đỡ đạn và dò đường tránh mìn cho chúng. Những người lính nguỵ súng lăm lăm trong tay nhưng mắt nháo nhác như quạ vào chuồng lợn tháng ba. Bọn Pháp đi sau thét lác. Thi thoảng chúng lại xổ một băng tiểu liên lên trời để thị uy. Lọt vào làng, địch xộc vào từng nhà. Không một góc nhà, một đống rơm nào chúng để thoát. Những cái thuốn dài chọc xuống tìm hầm bí mật. Cả đến góc chuồng trâu, chuồng lợn chúng cũng xăm hầm. Lửa cháy rần rật giữa tiếng súng nổ, tiếng trâu bò rống thảm thiết, tiếng người kêu khóc… Cả làng chìm trong khói lửa bọn địch đốt nhà và khói thuốc súng. Mù mịt! Khét lẹt! 

 

Quân địch ập vào quá nhanh. Khứu và Yển, thành viên ban chấp hành phụ nữ liên xã không kịp xuống hầm bí mật để trốn. Hai người nhìn nhau. Khứu kéo chị Yển:

 

– Chị có thẻ căn cước không? 

 

– Làm gì có – Yển lắc đầu! 

 

– Thế thì không ở lại đây được. Tôi cũng không có thẻ căn cước. Nó mà hỏi đến là lộ, không thoát được đâu – Khứu nhìn nhanh ra ngoài cánh đồng. Lúa ngoài đồng đang thì con gái, đúng vào dịp làm cỏ, cô kéo Yển:

 

– Một liều ba bẩy cũng liều. May ra thoát. Giờ mà chạy là nó phát hiện ra ngay. Chị theo tôi. Hai chị em mình giả làm người đi làm cỏ. Nước đến đâu, bắc cầu đến đấy, đi.

 

Họ vo quần lên quá gối, kéo khăn bịt mặt như người làm đồng rồi chạy ra cánh đồng Mả Liêu. Vừa bước xuống ruộng, cúi người định làm cỏ, hai chị em giật mình bởi tiếng quát nhỏ nhưng rất đanh:

 

– Giơ tay lên!

 

– Ơ… Khứu liếc nhanh. Hai tên lính nguỵ đã phục nấp dưới bờ thửa. Tại mải, cô không phát hiện ra. Nhìn khuôn mặt rám nắng rất nông dân của hai tên nguỵ, cô cứng cỏi:

 

– Chào hai chú. Gớm, hai chú sao không vào làng như những anh em khác mà lại nằm bờ nằm bụi ở đây làm gì cho khổ tấm thân…

 

– Không lôi thôi. Định đánh trống lảng hẳn. Tối qua quan đồn bắt được người làng này, đã khai trong làng có Việt Minh nằm vùng. Hai người thấy quan vào, không ở trong làng lại chạy ra đây vờ làm cỏ, chắc chắn là Việt Minh nằm vùng rồi. 

 

– Nói hai chú thông cảm. Chúng tôi đàn bà con gái. Một ngày các quan càn những bốn năm bận, chúng tôi cứ ngồi nhà thì các cháu ai nuôi. Thầy chúng nó thì quan Tây cũng tóm đi lính như các chú rồi, giờ cũng chả biết sống chết thế nào. Con cái nheo nhóc, làm chẳng đủ vun miệng, chúng tôi dại gì đi làm Việt Minh. Giờ các chú cứ nhất mực bắt chúng tôi về nộp quan đồn thì các cháu ở nhà ai nuôi? Khứu nhỏ nhẹ

 

– Mà tôi thưa thật với hai chú chứ: Bà già ấy, tại các quan đánh nhiều quá nên bà ấy khai bừa, chứ chúng tôi có nom nhòm thấy Việt Minh nằm vùng ở đâu đâu – Chị Yển nói thêm vào.

 

Hai tên lính nguỵ chùng xuống. Phần thấy có hai người đàn bà, trong tay không một tấc sắt, có cho cũng chả dám chạy, phần lại thấy họ nói cũng có ý đúng nên chúng ngồi bệt xuống bờ thửa, tay dứt một đọt lòng phình sớm, đưa lên miệng nhấm nhấm. Thấy hai tên nguỵ không có vẻ căng lắm, Khứu nắm ngay cơ hội làm công tác địch vận. Cô lân la:

 

– Thế gia đình hai chú quê đâu ta?

 

Tên trẻ hơn, khoảng gần ba mươi tuổi nói nhỏ:

 

– Tôi quê Đại Trì. 

 

– Đại  Trì cũng cách đây không bao xa. Chắc chú thi thoảng cũng nhảo được về thăm nhà chứ? 

 

– Tôi có cha mẹ già, vợ và hai đứa con nhỏ. Nói thật với chị, tôi cũng bị càn làng rồi bị ép đi lính. Chẳng ai muốn lâm vào cảnh này. Nhiều khi nhớ nhà, muốn về thăm vợ con mà khó quá, lần khân mãi rồi chả dám về. Sợ mấy ông Việt Minh biết, không hiểu cho mình lại trả thù thì rồi vợ con cũng khốn nạn. 

 

– Gớm, chú cứ lo xa. Việt Minh chúng tôi chưa gặp nhưng họ cũng là người mình. Họ có làm gì tàn ác đâu. Những gì họ làm chắc các chú cũng nghe nhiều rồi. ở làng tôi cũng có mấy người bị ép đi lính, họ vẫn trốn quan sếp về thăm nhà, ở với vợ con mà chẳng ai bị làm sao cả. Việt Minh họ biết đâu là lính bị ép, đâu là ác ôn chứ. Thế lương lậu các chú có khá không? Chắc cũng gửi về được cho các cụ với các cháu ở nhà được chút ít chứ? Dân mình giờ khắp nơi đói khổ quá. Làm được hạt thóc thì quan thu. Nhìn con mình đói chảy dãi mà thóc thì lính đem lấp làm đường cho xe chạy. Lúa thì quan quân đem đốt đồng, cháy thui, cháy rụi…

 

– Chúng tôi cũng khốn khổ lắm. Mỗi tháng được gần bốn chục đồng thôi. Ăn uống dè sẻn thì cũng để ra được một tí. Nhưng có dám về nhà đâu mà bảo mang về. Ngày thì đi càn, làm bia đỡ đạn, đêm về buồn quá, lại rủ nhau đánh bạc. Lương cũng còn thiếu chứ nói gì đến để ra. Mà nói thật với các bà, thân phận thằng lính đánh thuê như chúng tôi, biết có sống được đến mai không mà để dành củ khoai đến sáng. Thế nên tặc lưỡi cho quên đời. Chắc ở quê, nhà tôi cũng sống khốn khổ lắm… 

 

Giọng người lính nguỵ ngày một xa xăm, nghe não nề cứ như lọt về từ một chốn vô thuỷ, vô chung nào đó. Khứu nghe cũng thấy ngùi ngùi. Cô lắc đầu:

 

– Chúng tôi ở đây cũng chả sung sướng gì. Các chú thấy đấy, suốt ngày làng bị càn. làm ăn thì khó khăn. buôn bán thì lính ra chợ cướp hàng, mua quịt. Nhiều khi giáp hạt cũng chả còn cái mà ăn, lại rau má, củ chuối qua lần. Cơ cực lắm. Các chú có đi càn thì hãy thương dân lành với. Họ chẳng có tội gì đâu. Họ cũng khổ sở như cha mẹ, vợ con các chú thôi, toàn là bị đánh đến hộc máu mồm, dồn máu mũi để ép nhận tội, phải khai láo kiếm cớ cho quan đồn càn phá làng. Chắc hai cụ với các thím, các cháu nhà hai chú ở nhà cũng cảnh này như chúng tôi thôi. Mình là người Việt nam cả. Nếu có bị bắt đi càn, các chú nên bảo những anh em khác nhẹ tay cho dân nhờ. Chúng tôi chỉ dám nói điều này với các chú, chứ với đám mũi lõ, nó khác giống mình, tàn ác lắm…

 

Người lính lớn tuổi hơn ngồi im, mắt nhìn ra xa. Chắc anh ta cũng đang nhớ nhà lắm. Khứu lại quay qua:

 

– Còn chú, quê gần đây không?

 

– Tôi quê làng Lúa bên Bình Giang kia kìa. Nhà cũng một mẹ già, vợ với hai con. Lâu lắm rồi cũng không dám về nhà vì sợ Việt Minh trả thù. Cũng chả biết nhà tôi dạo này sống chết thế nào nữa…

 

– Chú ở Bình Giang à? Khứu gần như reo – Nhà tôi có bà bác dâu người Bình Giang đấy. Bà ấy lấy ông bác tôi là ông Tuần Tương, hai chú có nghe tên ông tuần này bao giờ chưa? Nhân đây, mời hai chú vào nhà bác tôi chơi. 

 

– Thôi, xin phép bà, bây giờ chúng tôi đang thực thi nhiệm vụ mà vào đó, ngộ nhỡ các quan phát hiện ra lại cho rằng chúng tôi thông đồng với Việt Minh thì khó cho chúng tôi mà lại liên luỵ đến gia chủ thì khổ. Xin được khất hai bà. Hai bà về làng ngay đi. Nhớ cẩn thận đấy, lính phục ở khắp nơi. Gặp chúng tôi thì không sao nhưng nếu gặp toán lính khác thì phiền phức lắm đấy. Từ đây vào đến đầu làng, nếu gặp toán lính nào thì cứ bảo chúng tôi ở ngoài này đã lục soát rồi, nhá!

 

– Xin cảm ơn chú đã có thịnh tình nhắc nhở chúng tôi. Xin phép hai chú, hẹn khi nào rỗi rãi, mời hai chú về nhà chúng tôi chơi.

 

Hai người lính lại tiếp tục ngồi thụp xuống, phục tại chỗ cũ. Khứu vơ vội một mớ cỏ to, ôm khư khư bên sườn. Cô te tái đi trước. Chị Yển bước theo sau. Họ theo lối mòn lẩn vào làng. Chân họ lấm lem bùn đất. Đến đầu chùa Đại, lại một toán lính có đến năm, sáu tên xộc ra. Chúng giơ súng chắn ngang:

 

– Đứng lại! Đi đâu về mà lấc láo thế kia. Thẻ căn cước đâu?

 

– Chúng tôi đã lên quận chụp ảnh và làm thủ tục rồi nhưng đã lấy được căn cước đâu, xin khất các ông vậy. 

 

– Sao lại không có căn cước? Thế mò ở đâu về đây?

 

– Chị em tôi làm cỏ ở cánh đồng Mả Liêu về. Ngoài ấy có mấy ông đã xác minh rồi, chúng tôi làm cỏ ngoài đồng về làng chứ có chạy từ trong làng ra ngoài đâu mà các ông nghi.

 

– Được rồi. Vào làng đi. Nhanh nhanh mà lấy căn cước về. Nếu lần sau mà bắt được hai người còn không có thẻ căn cước thì buộc chúng tôi phải bắt hai người đưa về đồn giam lại đấy. 

 

Khứu nháy chị Yển, hai người vâng dạ rối rít rồi nhanh chóng lủi vào làng, ai về nhà nấy. 

 

**

 

*

 

Khứu theo lối tắt về nhà. Cô vẫn vừa đi vừa tránh những chỗ có lính phục. Cô biết, ngay trong hàng ngũ quân nguỵ cũng có những tên ác ôn, bán nước cầu vinh, làm chó săn khét tiếng cho quan thầy. Không may gặp những tên ấy, đừng hy vọng mở miệng, nói gì đến địch vận để chúng nhận ra đường đi, nước bước, quay súng về với nhân dân. Không thẻ căn cước trong tay, tốt nhất là tìm một căn hầm bí mật, tránh tạm xuống đó, chờ địch rút hãy lên. Đến khu hầm bí mật của ông Tuyển, ngay trước vườn nhà cô, Khứu thấy ông Tuyển đội nắp hầm nhô lên, miệng thở phì phì:

 

– Ngạt quá, ngạt không thở được. Tao chạy vào trong dân đây. Nói rồi, ông phóng nhanh vào ngôi nhà đối diện. 

 

Ông Tuyển vừa kíp vào ngôi nhà, tiếng quân địch đã léo nhéo vọng lại. Nhìn quanh, không thể chạy về nhà lúc này. Thấp thoáng, thấy ông Giống đang đi lại, Khứu vội vàng:

 

– Ông Giống ơi! Nguỵ trang nắp hầm giúp tôi tí nhá.

 

Cô nhảy xuống hầm. Ông Giống đậy nắp hầm lại, nguỵ trang trên mặt rồi bước đi. Khứu không ngờ căn hầm lại ngạt khí đến thế. Không khí trong hầm cạn dần. Cô ngồi một lúc không sao thở được nữa. Sức nguột dần, cũng chẳng đẩy được nắp hầm mà lao lên như ông Tuyển lúc trước. Khứu lả dần đi.

 

Địch rút! Mọi người bắt đầu mở nắp hầm cho những người hoạt động bí mật. Ông Giống chợt nhớ đến Khứu. Nắp hầm bật mở. Khứu ngồi lả người, mặt bắt đầu tím lại. ông Giống kêu ầm ĩ:

 

– Vợ Lân ngất rồi. Vợ Lân  ngạt hầm ngất rồi. 

 

Ông Tuyển lao đến:

 

– Mả  mẹ cái hầm này, ngạt cứ như cái hũ nút. Tao không chịu được đã phải đội nắp hầm lao lên. Nhưng vợ Lân không chạy được, lại nhảy xuống. Cấp cứu ngay đi, may ra còn cứu được. Khổ thân. Thằng Lân mà biết chuyện này là lại sốt vó lên.

 

Mọi người tập trung cấp cứu. Một lúc lâu sau, Khứu mới tỉnh lại. Đêm ấy, cô bảo chồng:

 

– Thật hú vía. Gặp địch thì còn có cơ may thoát chết. Chứ chui hầm mà không đủ lỗ thông khí thì có ngày chết oan!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *