Vùng mắt bão
Nguyễn Đình Vinh và thương Huyền
Chương XIX
Tiếng con gà trống gáy từng hồi. Tên lính gác bên đồn Phương Điếm đã bắn ba phát tắc … bọp báo đổi phiên. Đằng đông, một tảng mây như hình chiếc bừa nổi lên cuồn cuộn. Xung quanh cái bừa mây ấy, mây trắng ngập tràn như nước ngập mênh mang khắp cánh đồng đang mùa đổ ải. Vòm trời về sáng se se lạnh và quang đãng. Có tiếng điếu cày rít lên nghe khô như rang. Lân lách người chui vào căn hầm hàm ếch khoét ngay bên bờ con ngòi nhỏ ngoài rìa làng:
– Mấy bố du kích liều thật. Ngồi ngay đây mà bắn Bazôka cứ giòn như không. Nó mà biết, nện mấy tràng 75 li xuống thì hết hơi.
– Ối dào. Việc nó nó làm, việc mình mình chiến. Sợ nó thì có mà… Một gương mặt trẻ măng đang gà gật ngủ phía trong, nghe tiếng Lân vùng dậy. Thu hai chân lại, anh ta dụi mắt, nhòm ra:
– Tưởng ai, hoá ra anh Lân. Kệ cha chúng nó anh ạ. Anh thấy đấy. Dân mình vẫn việc nào việc ấy đấy thôi. Ban ngày nó đốt. Ban đêm ta lại dựng. Anh có nhìn thấy mấy ngôi nhà ngoài rìa đường không? Chúng em vừa dựng lại đêm qua cùng những người dân các thôn khác xúm vào đấy.
– Cậu này, hỏi gì lạ – Ông Tuyển nghếch cái điếu cày vào vách hầm – Chính tay Lân này cũng tham gia trong đám người dựng lại nhà cho dân hàng đêm đấy chứ đâu mà còn phải hỏi. Rõ là…
– Hì hì… Lân cười
– Thằng này nó đang lú tình, anh ạ – Một cậu mặt còn non choẹt ngồi khuất trong bóng tối ở góc hầm, nói với ra…
– Sao lại lú tình? Lân ngạc nhiên
– Thì vợ mới. Say quá hoá lú chứ sao nữa hả anh?
– À, ý cậu bảo cậu Tí mới cưới vợ chứ gì… Chuyện ấy thì tôi biết rồi. Thế hôm cưới cậu Tí, cậu có đi không? Lân háy mắt hỏi.
– Sao lại không? Em cứ gọi là… chứng kiến từ đầu đến đuôi.
– Lại sắp, lại sắp đấy… Ông Tuyển giật giọng… Mày mà nghe chúng nó tán phét thì có mà… đổ thóc giống trong lu ra mà xay.
– Bố thì… Tí nhoài người – Nó không đùa đâu. Hôm cưới em, nó lại còn có quà mừng cho cô dâu hẳn hoi cơ đấy. Mà anh biết quà mừng của nó cho cô vợ mới tỉnh tình tinh của em là cái gì không?
– Cái gì thế? Lân cười
– Một quả lựu đạn! Tí bất ngờ giơ quả thụi, giúi một nhát vào vai cậu bạn bên cạnh.
Cả Lân và ông Tuyển cùng bật cười. Tiếng cười sảng khoái bật lên từ trong lòng đất nghe vang dữ dội. Chờ cho hai người dứt cơn cười, cậu bạn cậu Tí mới nhấm nhẳng:
– Nó thì biết cái cóc khô gì. Phải con vợ nó toét mắt mới chịu lấy nó chứ vào em á… Cứ gọi là đợi sang mùa quýt.
– Ai bảo mày thế? Tí lại giơ nắm đấm. Vợ tao đẹp gái nhất làng Cốc, có mày ấy… Sau này thế nào cũng vớ được con vợ có đôi mắt bồ câu trâu con đậu con bay, chỉ có mày mới lấy vợ mắt toét chứ tao mà lại thèm…
– Không thèm… Ai chả biết – Cậu bạn kia dài giọng – mà anh Lân biết không, ai đời, đi gác du kích mà chúng nó lại tranh thủ đổi cho mọi người để gác cùng một cặp. Gác sách gì mà lại chụm đầu vào, hấm hứ ới a: nếu còn giặc Tây thì nhất định chưa đẻ con vội. Sau này, thắng Tây rồi anh sẽ đẻ một đứa con trai, còn em sẽ đẻ một đứa con gái… Đấy, anh thấy tình yêu của thằng Tí khoai thế đấy. Anh đẻ một đứa con trai, mày thì có mà đẻ gì… Đái được thôi. Mà con vợ mày cũng … lạ, Tí nhỉ…
– Mày chỉ phét lác … Tí túm chặt cậu bạn, quay qua Lân, van vỉ – Anh đừng tin nó… Thằng này…
– Sao lại không tin, hai đứa chúng mày gác hết cả phiên mà không gọi tao ra đổi, tự tao phải mò ra, đứng ngay đằng sau cũng chả biết gì. Tự mày gà đẻ gà cục tác thì tao mới biết chứ? – Cậu bạn cậu Tí không vừa.
Không thể nào nhịn được, Lân cười chảy cả nước mắt. Ai ngờ được, giữa những ngày bom đạn mù trời này vẫn nảy nở những mối tình đẹp đến thế. Hoá ra bom đạn của địch cũng không thể ngăn nổi cuộc sống đang đâm chồi, nảy lộc trên mảnh đất này. Đêm ấy, kéo đầu vợ gối lên cánh tay mình, Lân bỗng bật cười. Rồi không nhịn được, anh cười như nắc nẻ khiến Khứu hoảng quá, bật dậy, nhìn anh chăm chắm, mắt đầy hoảng hốt. Cô thấy nước mắt cứ nhoèn ra trên mắt chồng mình. Mãi Lân mới kể lại được câu chuyện của hai người du kích trẻ ban sáng với vợ. Hai vợ chồng rúc rích mãi.
**
*
Mọi chuyện kéo dài trong rất nhiều ngày. Địch vẫn mỗi sáng lại dàn quân kéo nhau sang dỡ nhà của người Đức Đại. Gương mặt của mỗi người dân Đức Đại sạm lại nhưng ý chí sắt đá cũng thêm hiện hữu trên mỗi gương mặt ấy. Họ sẽ chiến đấu đến cùng. Bên cạnh họ, tấm lòng của những người dân các làng, các xã xung quanh tiếp thêm sức mạnh cho họ trong trận chiến đấu không hề cân sức với quân thù này.
Trăng ngày giáp rằm chưa tròn nhưng sáng vằng vặc. Chính luồng ánh sáng của trăng khiến cho bầu trời đêm trở nên rạng rỡ. ánh trăng chảy tràn qua những kẽ lá trên rặng tre đầu làng, rung rinh chảy xuống mặt đất. Từ xa, những đoàn người vẫn cắm cúi bước. Trên vai họ, nào tre nào gỗ… củi gạo. Những bà, những chị gánh những gánh rơm lặc lè, nhìn từ xa trông không khác gì đoàn nấm di động.
– Dân các làng quanh vùng vẫn tiếp tế vật liệu để mình dựng lại nhà đấy Lân ạ – Ông Tỳ nhìn những bóng người đang rõ dần trên con đường mòn, quay lại bảo Lân.
– Vâng. Đức Đại không cô độc trong chiến đấu này đâu ạ. Bà con xung quanh vẫn nhường cơm, sẻ áo với mình. Mà ông thấy đấy, đã bao tháng nay, bọn bốt Giỗ cũng có phá dỡ được nhiều đâu.
– Ừ, thì nó cũng chỉ mới chỉ phá được mấy chỗ toen hoẻn này thôi. mà phá làm sao được. Phá ít, đêm mình lại dựng lên nhiều. Ngày hôm trước phá, hôm sau đến vẫn lại như cũ… Ông Bạ trầm tư – Dân mình cũng kiên cường đấy chứ…
– Không kiên cường đâu có phải người làng mình, đấy các ông xem, đồng lòng thế này, giặc nào phá nổi… Này, đây cơ mà. lân cất tiếng gọi khẽ một người đang vác bó tre loay hoay nhìn xung quanh như tìm chỗ dựng… Anh em vất vả với Đức Đại chúng tôi quá…
– Có gì đâu. Cũng là bà con mình cả. Đức Đại thay chúng tôi chường mặt chiến đấu với chúng nó, chúng tôi ở phía sau chả lẽ không góp được cành tre, cọng rạ hay sao… Nào, các bác gọi mọi người ra, chỉ xem hôm nay dựng chỗ nào, anh em chúng tôi xúm vào mỗi người một chân một tay… ù lên không có lại sáng bảnh mắt bây giờ…
– Vâng, vâng… Đây đây, bác ạ. Lân cuống quýt chỉ đỡ bó tre trên vai người đàn ông, đưa vào một nền nhà còn đang ngổn ngang que, rơm bọn địch kéo đổ ban ngày – Biết là có bà con phía sau nên Đức Đại chúng tôi vững tâm lắm. Trận chiến này cũng còn gay đấy, bác ạ.
– Gay cũng chiến. Còn một người cũng chiến. Mẹ cha chúng nó, cái thứ sói lang đến cướp nhà người, xem chúng nó to gan hay mình lớn mật hơn.
**
*
Không thể khuất phục được nhân dân, giữa tháng mười năm 1952, bọn địch bên bốt Giỗ ắng đi vài ngày không thấy thúc quân càn sang Đức Đại. Sáng ấy, Lân đang lúi húi đánh giậm ngoài con sông nhỏ. Nước theo dòng rút xuống khiến bãi đất hai bên bờ phơi dần. Soải tay úp chiếc dậm xuống nước, chân lựa cho chiếc mõ đúng tầm, Lân nhún chân dận đều. Nước theo mõ dậm sủi kêu lên những tiếng ùng ục thật vui tai. Hai chiếc giỏ hai bên, một chiếc đựng cua, một chiếc đựng tất tật các loại cá, tôm tép… Bỗng anh dừng lại, nghe có tiếng gì ì ầm. Tiếng ì ầm vọng về từ phía Hải Dương. Rồi tiếng vọng gần thêm. Thôi chết! Tiếng xích xe bọc thép. Không thể dừng lại. Quăng cả giậm, cả mõ, anh hộc tốc chạy về làng.
Bốn chiếc xe bọc thép, xe ủi lừ lừ tiến tới cả từ hai hướng. Từ Hải Dương về, từ Ninh Giang theo đường 17 bò lên. Chúng giơ những cái mồm đầy răng như mõm con quái vật khổng lồ hung hăng nghiến bánh xích xuống mặt đất. Con đường đá oằn mình khi chiếc bánh xích lăn qua, để lại trên những phiến đá xanh rất nhiều đường rãnh hằn như vết sẹo trên một khuôn ặt vốn đang rất mịn màng.
Theo sau những chiếc xe bọc thép, hàng đại đội lính Âu Phi từ bốt Phương Điếm, từ Ninh Giang trèn theo. Súng tiểu liên lăm lăm trong tay. Chắc hôm nay, chúng định san phẳng làng. Dân đã được tổ đảng thông báo. Ban tranh đấu đã tập hợp. Tiếng xe bọc thép gầm rú như lời tuyên chiến của địch với quân dân Đức Đại. Không cần leo lên mái nhà, chẳng cần buộc dây kéo, những tên lái xe ngang nhiên cho xe ủi đất lao vào giữa làng. Cái tháp pháo nghênh ngang gạt tung hai cây cột ngoài cổng đình, xồng xộc xông vào khoảng sân rộng rênh của đình làng Đại Phong. Xích xe nghiến trên sân lát gạch nghiêng xào xạo.
Đình làng Đại Phong toạ lạc trên một khoảng đất rộng, là nơi thờ Thành hoàng làng theo đúng phong tục tín ngưỡng của người Việt cổ. Theo các cụ cao niên kể lại, Cách đây vài trăm năm cụ tổ phái nhà Lân năm 38 tuổi từ quan, về đã cùng các cụ cao niên trong làng lên tận Tuyên Quang mua hàng trăm cây gỗ lim hàng người ôm về dựng đình, qua thời gian, những thân gỗ ngày nào giờ trở nên nhẵn bóng. Đình Đức Phong là trung tâm hành chính. phục vụ cho mọi hoạt động công cộng của cộng đồng làng xã, là nơi làm việc của Hội đồng kỳ mục trong thời phong kiến và là nơi dân làng tụ họp trong những ngày gần đây. Đình Đại Phong kết cấu năm gian theo kiểu chữ Nhất, bốn mái với đủ cả hậu cung, ống muỗng, tiền tế, các dãy tả vu, hữu vu, tam quan trụ biểu, thuỷ đình… với những hàng cột bằng gỗ lim sừng sững, có thớ xoắn rất chắc chắn. Loại gỗ này hàng vài trăm năm vẫn không bị rỗng lõi, có cột cái đường kính cột lên tới năm bảy chục phân. Đẹp nhất vẫn là toà đại bái, toà nhà lớn nhất có sàn lát ván, cao khoảng trên 60 phân, chia làm ba bậc xứng với vai vế những người được ngồi ở đình mỗi khi làng có việc phải bàn. Không gian của đình thoáng đãng, tràn đầy ánh sáng với rất nhiều những hoa văn độc đáo. Các đầu đao đều uốn cong, gắn long, ly, quy, phượng. Xà đấu, kèo, cốn, đầu bẩy, đầu dư, đố, ván gió, ván nong… đều có chạm khắc rồng, phượng xoè cánh tung bay và các khung cảnh, sinh hoạt của con người nơi thôn dã như bơi thuyền, đốn củi, múa hát… Hậu cung của đình là nơi đặt bàn thờ Thành hoàng, cùng bài vị, sắc phong. Hậu cung của đình thường được ít khi được mở, bao trùm bởi một bầu không khí linh thiêng, huyền bí. Xung quanh đình, những tán lá cây xoè rợp bóng, trùm lên mái đình vốn đã thấm đẫm rêu phong của thời gian. Hàng mấy trăm năm nay, đình Đại Phong là nơi dân làng gửi gắm tất cả tấm lòng của con dân với ngôi làng mình đang sống.
Nhưng… bánh xích của cái xe xích nhích dần. Nó gầm gừ, rú lên điên dại rồi chồm lên. Hai cây cột ngoài cổng đình đổ ụp. Rồi đến tam quan, tả vu, hữu vu… đến trước toà đại bái, chiếc xe ủi ngần ngờ một lát rồi chồm lên. Những hàng cột lim vẫn đứng trơ trơ như thi gan cùng quân kẻ cướp. Tên lính lái xe mở nắp, nhảy xuống.
– Này chú lính. Đình làng là nơi thờ tự, phá đình chùa liệu có yên ổn cới các Ngài không? Mấy cụ già trong ban tranh đấu dàn hàng ngang trước mặt tên lính lái xe.
– Không biết. Tao chỉ làm theo lệnh cấp trên – Thằng lính mặt đỏ vung. Nó lại gần toà đại bái nghiêng ngó rồi nhảy lên buồng lái. Khẩu đại bác trên tháp xe xoay tròn, nhằm đình làng, nhả khói. Tăng…xình. Tăng…xình! Hàng rào sống của dân đức Đại trước cửa toàn đại bái giạt ra. Lửa bắt đầu bốc lên. Mái ngói rêu phong ghi dấu ấn mấy trăm năm với bao kiếp người của Đại Phong từ từ sụp xuống. Lửa bén vào những đầu đao, xà đấu, kèo, cốn… Chiếc xe ủi phía sau chồm lên. Ngôi đình cổ kính một thời trong thoáng chốc chỉ còn là đống gạch vụn.
Nhà cửa, tài sản của nhân dân bị tàn phá rất nặng nề. Người dân Đức đại dưới sự lãnh đạo của tổ đảng, của các thành viên trong ban tranh đấu đã ra làm hàng rào cản giữ làng. Cuộc chiến đấu của họ lại thành công. Ủi đổ đình làng nhưng địch không thể chà qua những thân hình đang tạo nên một hàng rào sống giữ đất, giữ làng của người dân Đức Đại. Quá trưa, quân địch lại phải rút về đồn.
**
*
Nhận thấy tình hình đấu tranh giữa ta và địch ngày càng trở nên căng thẳng, nhất là không thể đem tính mạng của dân ra thí mạng với quân địch. Hình ảnh những người dân làm thành hàng rào sống cản xe bọc thép và xe ủi của địch không cho chúng phá đình làng đã găm vào đầu Lân rất nhiều. Với bọn địch không tim chuyên lấy đốt phá, giết chóc làm trò tiêu khiển ai dám chắc chúng sẽ lại chùn tay trước tính mạng của dân một lần nữa. Không thể để điều ấy xảy ra. Nhất định sẽ phải tìm một phương thức đấu tranh khác.
Cuộc họp tổ đảng cùng với chi uỷ xã mở rộng tới ban đấu tranh thôn tổ chức ngay trong đêm. Tất cả mấy chục con người ngồi im lìm. Họ như đang chìm đắm trong cái yên tĩnh đến rợn ngợp của đêm khi những gì thiêng liêng nhất của họ vừa bị kẻ thù tàn phá. Ngoài xa, vẫn tiếng côn trùng rả rích, tiếng mưa đọng trên tán xoan gầy rơi xuống tàu chuối lộp độp. Thi thoảng, tiếng chó cắn ma nhấm nhẳng vọng từ xa lại. Trong ánh đèn leo lét, giọng Lân như nghẹn lại khi nhắc đến tội ác của quân địch và những nỗi đau, sự mất mát người Đức Đại đã phải chịu đựng thời gian qua. Tiếng anh nặng dần:
– Các đồng chí ạ. Chúng ta phải thay đổi hình thức đấu tranh. Ngoài đấu tranh quần chúng trực diện, phải nhanh chóng đấu tranh chính trị, nhất là đấu tranh bằng hình thức khác, hình thức tạo sức ép của dư luận, phải để dư luận biết mà ủng hộ cuộc đấu tranh chống dồn dân đuổi làng của Đức Đại buộc địch phải lùi bước.
– Đúng rồi – Cụ Đẩu đứng lên. Gương mặt của vị lão làng mếu xệch khi cụ khắc khoải – Đình làng Đại Phong đã bị chúng phá tan hoang rồi. Thành hoàng làng của chúng ta nó cũng không để yên. Vậy thử hỏi còn điều gì chúng không dám làm nữa đâu? Một mình làng mình không thể đánh chúng đứt đuôi tiệt nọc. Mà muốn chúng bỏ hẳn dã tâm, muốn chúng không được chạm đến mồ mả cha ông mình, thì chỉ có làm theo cách của thằng cháu Lân vừa nói. Các ông, các bà cứ ngẫm mà xem, chả có còn cách nào khác nữa đâu…
– Muốn làm được điều đó, việc cần kíp nhất là phải nhanh chóng cử một đoàn đấu tranh lên tận Hà Nội đưa đơn kiến nghị lên cấp cao nhất là quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại và phủ Thủ hiến Bắc Việt. Mình cứ lên đó, gọi là xin sự che chở, nhưng cái chính là ta lên để tố cáo tội ác của địch. Phải đưa bằng được những sự việc đốt phá nhà cửa, hãm hiếp giết hại dân lành vô tội lên công luận. Phải để khắp nơi biết tội ác tày trời của chúng.
Đêm đã về khuya. Trăng hạ tuần phủ màu bàng bạc khắp mặt đất, lọt qua khuôn cửa sổ, len vào chỗ những người Đức Đại đang ngồi họp. Chập chờn phía xa là tiếng gà eo óc gáy. Chi uỷ Nghĩa Hưng, tổ đảng Đức Đại và cả những người trong ban tranh đấu thôn đều nhất trí với phương án đấu tranh mới Lân vừa đề ra. Đơn từ được thảo sẵn với hàng ngàn chữ ký, dấu điểm chỉ tay của dân làng.
**
*
Ngày 21 tháng 10 năm 1952, đoàn đại biểu của ban tranh đấu thôn Đức Đại gồm năm người do cụ Bùi Quang Đẩu, cụ hội Níp, cụ khán Môn, bà Nguyễn Thị Thuận (mẹ Lân) và bà thủ Phiên cấp tốc đi Hà Nội.
Suốt mấy ngày, những người qua lại trước dinh thủ hiến Bắc Việt gần bờ hồ Hoàn Kiếm luôn thấy một tốp người đứng chờ ở phía ngoài cổng dinh. Ấy là năm người trong ban tranh đấu đại diện cho người dân Đức Đại lên xin gặp ngài thủ hiến Bắc Việt. Nhưng trời như thử thách lòng người, suốt mấy ngày, cả khoảng sân rộng của dinh thủ hiến cứ lặng như tờ. Không biết ngài thủ hiến Bắc Việt đi đằng nào.
Gần một tuần sau! Tiếng máy ô tô êm ái rù rù vọng ra từ sân dinh thủ hiến. Chiếc xe con màu đen bóng nhoáng từ từ lăn bánh hướng ra phía ngoài, trên đầu xe phất phơ một lá cờ nhỏ. Hai cánh cổng dinh từ từ mở ra. Cụ Bùi Quang Đẩu đứng phắt dậy:
– Xe thủ hiến Bắc Việt kia rồi!
Không chờ cho xe ra hết cổng, đoàn năm người áp sát thành xe. Mấy tên lính hộ vệ đẩy cửa xe, bước xuống, mặt đằng đằng sát khí:
– Có chuyện gì vậy?
– Các ông làm ơn cho chúng tôi gặp ngài thủ hiến…
– Ngài thủ hiến đang có công việc phải đi gấp. Có việc gì cứ vào gặp bộ phận canh phòng…
– Chúng tôi là dân quê, nhà cháy sạch, người chết gần hết… Cả làng chỉ còn có vài người, mong gặp ngài thủ hiến… Giời ơi! Oan khuất lắm!
– Không được! Một tên hộ vệ xoay ngang khẩu súng, định gạt cụ Đẩu và bà giáo Thuận lùi ra xa để lấy chỗ cho xe đi. Nhưng dường như những tiếng van vỉ của họ đã lọt qua tấm kính xe, lọt vào tai viên thủ hiến Bắc Việt. Ông ta hạ thấp kính xe, hỏi với ra:
– Dân ở đâu lên, có chuyện gì vậy?
Không bỏ lỡ cơ hội, bà giáo Thuận nhào tới:
– Bẩm ngài thủ hiến, chúng tôi là dân ở làng Đức Đại, xã Nghĩa Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Cùng bất đắc dĩ mới phải xin gặp ngài thế này. Chúng tôi cùng đường rồi, bẩm ngài, thương dân với ạ.
– Có chuyện gì thế? Thủ hiến hạ hẳn kính xe – Có chuyện gì, bà lão từ từ nói…
– Chúng tôi thuộc khu vực đất của chính phủ quốc gia, không làm gì phương hại đến quốc gia, vậy mà gần năm trời nay, đồn Phương Điếm luôn cho quân xuống càn làng, đốt nhà, giết người, bắt bớ, hãm hiếp vô tội vạ. Bẩm ngài thủ hiến, có an cư mới lập nghiệp mà. Vậy mà lính đồn liên tục càn xuống bắt chúng tôi dỡ nhà, đuổi dân đi chỗ khác. Ngài xét cho chúng tôi với, mồ mả cha ông, quê hương bản quán bao đời, giờ chúng tôi biết dọn đi đâu?
– Mà không dọn đi thì lính đồn bắn đại bác, ô bi xuống. Người chết vô thiên lủng thủ hiến ơi! Dân làng tôi thuộc đất quốc gia mà còn bị thế này, những chỗ khác nhìn cảnh ấy, làm sao họ về với quốc gia được? Cụ Đẩu tiếp lời – rất mong ngài soi xét, thương cho dân chúng tôi với! Dân chúng tôi thấp cổ, bé họng chẳng biết kêu ai, chỉ biết cậy nhờ ngài.
Như đã lờ mờ hiểu điều những người dân đang nói, thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí gật đầu:
– Được rồi. Tôi sẽ truy xét việc này. Bà con cứ hồi hương đi.
– Để ngài truy xét thật kỹ, chúng tôi xin gửi ngài tâm nguyện của bà con Đức Đại. Mong ngài soi xét – Cụ đẩu vừa nói vừa trịng trọng dâng lá đơn tới trước mặt thủ hiến Bắc Việt. Không thể chối từ, hắn nhận lá đơn rồi nâng kính xe. Chiếc xe từ từ trôi đi. Ngoài đường, những chiếc lá vàng trên vòm cây cao rời cành, chao mình xuống mặt đất nhẹ bẫng rồi đuổi nhau lăn xào xạc trên mặt đường nhựa.
**
*
Đưa được đơn cho thủ hiến Bắc Việt, đoàn đi tiếp sang báo Tia sáng, một trong những tờ báo theo khuynh hướng tiến bộ. Nói bã bọt mép, tên gác cổng mới cho mọi người vào gặp chủ bút. Nghe cụ trình bày nguyện vọng của dân làng Đức Đại, đọc hết lá đơn vừa nhận từ tay những người dân chân chất, chủ bút báo Tia sáng chậm rãi:
– Việc của dân làng, nếu đúng sự thực như các cụ đã trình bày, nhất định chúng tôi sẽ đưa tin… Chỉ e một nỗi…
Như đoán được tâm sự của chủ bút, bà giáo Thuận vội đỡ lời:
– Mong ngài đừng ngại. Chuyện của làng của nước, chúng tôi dân quê mùa, có sao nói vậy, không có thêm bớt một cắc, một xèng. Ngài cứ cho người viết về tận nơi, mọi phí tổn dân chúng tôi xin chu cấp chu đáo.
– Thôi được, các cụ cứ về, tôi sẽ liệu bề thu xếp thấu đáo việc này.
Chuyến xe cuối cùng cũng dừng lại bên đường, nơi họ định đến. Năm người trong ban tranh đấu của Đức Đại trở về. Gần một tuần lễ ăn chực nằm chờ, khó khăn vất vả khiến gương mặt ai trong đoàn cũng trở nên hốc hác. Mệt mỏi nhưng mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Gặp được thủ hiến Bắc Việt và chủ bút báo Tia sáng, chắc chắc những gì họ kiến nghị lên sẽ được soi tới.
Bước chân chưa chạm tới con đường đá xanh quen thuộc của làng, tiếng ríu rít của những người thân ùa ra từ các con ngõ khiến nỗi mệt nhọc của mọi người như tan biến đâu mất. Thì ra, tổ thiếu niên quân báo đang chăn trâu trên cánh đồng đầu làng đã nhận ra những người trong ban tranh đấu trở về. và không gì nhanh bằng thông tin của những thiếu niên quân báo. Khứu chạy sát vào bên bà giáo Thuận, tay cô nắn nắn mãi cánh tay của người mẹ:
– U! Chúng con lo quá. Chả ai biết đằng nào mà lần. Cứ ở nhà đoán già đoán non rồi ngóng tin thôi. U mệt lắm không?
– Mệt nhưng vui. Mọi việc đều thuận theo ý mình cả mà. Mà ở nhà thế nào rồi?
– Từ hôm nghe tin mình có đoàn lên gặp thủ hiến, bọn bên bốt Giỗ cũng không thấy bắn đại bác vào làng nữa u ạ.
– Ừ, chắc nó cũng sợ. Mà anh ấy đâu? Bà giáo Thuận hỏi con dâu rồi hướng mắt tìm kiếm.
– Nhà con kia mà u!
Theo tay con dâu chỉ, bà giáo Thuận đã nhận ra Lân giữa đám đông những người bà con đang vây quanh họ. Con trai bà đang cười. Nụ cười tan nắng
**
*
Tháng 12 năm 1952, ngay trên đầu trang nhất báo Tia sáng – Hà Nội đăng tin: “Dân làng Đức Đại huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương thuộc khu vực chính phủ quốc gia mà vẫn bị quân quốc gia đến đốt nhà, phá đình chùa, hãm hiếp đàn bà, con gái… không cho dân lành yên ổn làm ăn…” Bài báo đã gióng lên tiếng chuông vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của đội quân vẫn được mệnh danh là chính phủ quốc gia ấy.
Sau những sự kiện liên tiếp xảy đến, sau khi công luận lên tiếng, đầu năm 1953, quận lỵ Tam Lâm – Hoàng Diệu và chi khu quân sự Phương Điếm cùng thông báo đồng ý cho dân làng Đức Đại ở lại, nhưng vẫn với một yêu sách phải chuyển những ngôi nhà gần đường lùi vào trong làng cách đường cái quan ba trăm mét. Nhân dân lại lên đồn. Lần đấu tranh này không gay gắt như trước nhưng cũng chẳng kém phần quyết liệt. Bà con xin lùi lại một thời gian để thu hoạch nốt hoa màu và xin chuyển nhà nhưng không chặt phá những cây ăn quả lâu niên.
Nhân dân quanh vùng vẫn không bỏ rơi Đức Đại trong cuộc đấu tranh này. Bà con lại tiếp tục đem tre, gỗ, rơm rạ đến giúp nhân dân Đức Đại dựng lại nhà. So với những gì bọn địch đã đề ra, dân Đức Đại chỉ lùi vào cách đường cái quan chưa đầy một trăm mét. Bọn Pháp trên đồn, bọn trên quận và phòng nhì đều biết song chúng đã quá ngán ngẩm với lòng kiên cường của người dân nơi này. Chúng quá bất lực nếu lại phải đấu tranh, lại giằng co với những con người gan dạ . Ngậm bồ hòn làm ngọt, quan quân Pháp nguỵ đành làm ngơ.
Ở vùng quê này, mùa xuân đến sớm nhất trên những cành xoan. Những cây xoan đã trút hết lá trong mùa đông giá rét, vươn lên trời những cành khẳng khiu như ống chân người già, lọng khọng, quăn queo. Thế mà chỉ qua một đêm, từ những cành khẳng khiu, buồn thỉu buồn thiu ấy, nhú lên mấy lộc non. Những mầm chồi bé tí hé mắt nhìn đất trời như tự hỏi tại sao mình có thể sinh ra từ cái cành xù xì, cỗi cằn kia. Để rồi, chỉ qua một đêm nữa, những chiếc lá non cựa mình, bung ra… Rồi hoa xoan nở. Tím bâng khuâng…
Cuộc đấu tranh chống dồn dân đuổi làng của nhân dân Đức Đại kéo dài gần một năm trời cuối cùng đã thắng lợi. Vậy là Đức Đại vẫn giữ được làng, bà con vẫn bảo bọc được cho cán bộ dân quân du kích đi về. Vành đai trắng mà địch định lập nên ở đây không bao giờ có. Nó vẫn mãi là một vành đai xanh, vành đai được trồng cấy và nuôi dưỡng từ chính tấm lòng của người dân Đức Đại với cách mạng mà một trong những mầm sống ấy có Lân.