Vùng mắt bão
Nguyễn Đình Vinh và Thương Huyền
Chương XV
Sau ngày ta đánh Camp Phương Điếm, quân Pháp cho thành lập quận lỵ hành chính Tam Lâm – Gia Lộc với mục đích quản lý hành chính khu vực các làng tề thuộc huyện Gia Lộc, một phần huyện Tứ Kỳ, quản lý đường giao thông từ Tam Lâm lên Phương Điếm, liên lạc chặt chẽ với đồn Cầu Bía, đồn Ngái Mạc. Lỵ sở của quận nằm về phía đông đường 17 tại xã Hoàng Diệu gần chợ Trắm. Và kẻ được lựa chọn làm quận trưởng của quận Tam Lâm này là Bùi Quý Chước.
Thông tin về việc Pháp thành lập quận lỵ Tam Lâm đặt ra cho chi uỷ Nghĩa Hưng, đặc biệt là tổ đảng Đức Đại nhiều công việc cần giải quyết trước mắt. Cuộc họp tổ đảng phân tích tình hình trước mắt được triệu tập tức thì. Lân với vai trò là chi uỷ viên, tổ trưởng tổ đảng trưởng ban địch vận đã phân tích rất kỹ từng chi tiết. Những thông tin về tên quận trưởng được các thành viên trong tổ đảng đưa ra để lập phương án đánh địch:
– Nhất định phải đánh. Đánh phủ đầu lúc nó còn non sẽ khiến chúng choáng váng… Ông Tuyển vung tay.
– Đúng là phải đánh. Nhưng đánh thế nào cần phải bàn thật kỹ – Anh Tuỳ, xã đội trưởng gật đầu – Chúng ta phải đánh là lẽ đương nhiên. Đánh để chúng phân tâm, để chúng phải căng tách lực lượng ra đối phó với mình, từ đó chúng thế nào cũng để lộ những chỗ sơ hở, không còn dồn quân ra đánh đuổi dân mình được nữa.
Nghe những ý kiến phân tích của đồng đội, Lân chốt lại:
– Đánh địch là cách duy nhất đúng để chúng ta chia sẻ những khó khăn với người dân lúc này. ý kiến của các đồng chí hoàn toàn chính xác. Nếu chúng ta để chúng yên, chúng sẽ càng nghĩ kế hạch sách dân mình. Chỉ khi chúng bị căng ra trên nhiều mặt trận, chúng mới rối trí. Phải khiến chúng rối tinh như canh hẹ, chúng ta mới gỡ cho dân được. Nhất định phen này, mình phải khiến chúng phải lùi bước. Âm mưu của chúng rất rõ ràng. Đuổi được dân làng Giỗ rồi, chúng sẽ không để yên cho Đức Đại. Địch đang gắng sức tát nước bắt cá kia mà. Nhất định chúng ta phải đánh. Đó cũng là chỉ thị của chi uỷ Nghĩa Hưng và huyện uỷ Gia Lộc trong thời điểm này.
Tổ đảng Đức Đại quyết định giao nhiệm vụ đánh phủ đầu tên quận trưởng Tam Lâm cho đội du kích Đức Đại.
Bùi Quý Chước là con trai đầu của Bùi Quý Liễu (chánh Liễu), đại địa chủ ở Gia Lộc, nghị viện hàng tỉnh thời Pháp thuộc. Bùi Quý Chước cũng bỏ tiền ra mua chức nghị viên hàng tỉnh nên nhân dân cả vùng Gia Lộc gọi hắn là nghị Chước (tên tục của hắn là nghị Chắt). Gia đình nghị Liễu có khoảng ba nghìn mẫu (Bắc Bộ) ruộng thượng đẳng điền tập trung tại bốn ấp: ấp Anh Chuối tại xã Lê Lợi, ấp Ty trên địa phận xã Thống Nhất, ấp Cầu Binh ở xã Thống Nhất và ấp Gia Lộc thuộc các làng Hội Xuyên, Phương Điếm, Đức Đại, Tiên Nha… Để duy trì sản xuất tại các trang ấp này, nghị Liễu cho nông dân bản địa cấy rẽ ruộng rồi tiến hành thu tô. Nông dân trong vùng đều cấy rẽ ruộng rồi nộp tô cho gia đình nghị Liễu. Cách mạng tháng Tám nổ ra, trong số mấy anh em nghị Chắt có một vài người tham gia ở mặt trận Liên Việt huyện, cũng theo cơ quan tản cư khi kháng chiến bùng nổ. Năm 1949, Pháp đánh mạnh ra vùng tự do của Hải Dương, lúc đó gia đình anh em nghị Chắt kéo nhau chạy cả vào thành.
Để thực hiện bằng được kế hoạch bình định đồng bằng, quân Pháp bằng mọi cách quyết đưa nghị Chắt về làm quận trưởng quận Tam Lâm. Chọn nghị Chắt vì bọn Pháp cho rằng uy thế của gia đình hắn vẫn còn ở vùng này. Những tên kỳ hào, bá lý, chánh tổng ở các làng xã đã về lập tề vẫn còn chịu ơn nhà nghị Chắt. Chính từ những lý do đó, quân Pháp tin chắc, nghị Chắt vẫn có thể gây thanh thế và tạo dựng được lực lượng tay sai chống lại Việt Minh.
Riêng với nghị Chắt, chấp nhận và vận động để được về làm quận trưởng Tam Lâm cũng với những mưu đồ hết sức riêng tư. Gần ba nghìn mẫu ruộng bờ xôi ruộng mật có trong tay, từ khi cách mạng về, gia đình hắn bỗng chốc không còn lại gì nhiều. Bao nhiêu bổng lộc, bao nhiêu tiền bạc… Hắn không có ý đồ vơ vét lại mới là chuyện lạ. Chính vì âm mưu đó, nghị Chắt quyết tâm phải làm bằng được quận trưởng Tam Lâm. Chỉ có làm quận trưởng Tam Lâm hắn mới có thể lập lại các trang ấp cũ, tiếp tục thu tô, tiếp tục làm giàu, vơ vét tiền bạc trên mồ hôi, nước mắt của người dân nghèo.
Về giữ chức quận trưởng được vài hôm, nghị Chắt cho tổ chức một loạt những cuộc họp với các kỳ hào, lý trưởng, chánh tổng cũ cùng các hương chủ, hương quản ở những làng tề. Ngoài những làng tề xanh vỏ đỏ lòng, hương chủ, hương quản là người của ta cài vào, vẫn còn rất nhiều những làng tề mà đám chức dịch trong làng thực sự làm tay sai cho địch. Từ những cuộc họp do nghị Chắt tổ chức, chúng đã đề ra rất nhiều phương án chống phá lại cuộc kháng chiến của ta, nhằm mục đích phục dựng lại những quyền lợi kinh tế của chúng. Dưới trướng nghị Chắt, đám tay sai, phòng nhì hoạt động khá mạnh; lính nguỵ bên bốt Phương Điếm liên tục vây ráp, càn quét. Chỉ tính riêng làng Đức Đại, trong vòng một tuần, bốt Phương Điếm xua quân càn tới mười lần, vừa lùng sục vừa bắt bớ. Chính từ những tội ác ấy, huyện uỷ và huyện đội Gia Lộc chủ trương phải diệt Bùi Quý Chước, vừa để tiêu diệt tên ác ôn, tay sai, vừa để cảnh cáo những tên khác đang chực ngo ngoe ngóc đầu dậy; ý Đảng hợp với lòng dân, du kích Đức Đại đã đề nghị lên xã, xã đề nghị lên huyện. Và kế hoạch tiêu diệt nghị Chắt tức quận trưởng Tam Lâm Bùi Quý Chước được vạch ra.
Nắm được quy luật đi lại của tên nghị Chắt, tổ đảng thống nhất để du kích Đức Đại đánh hắn ngay trên con đường 17, nơi hàng ngày hắn vẫn lại qua. Nhận kế hoạch, đồng chí Tuyển – thôn đội trưởng bố trí đồng chí Tuỳ, xã đội trưởng, đồng chí Bịch xã đội phó cùng năm anh em du kích Đức Đại quyết tâm mật phục đánh nghị Chắt. Trước khi đi, mấy anh em kiểm tra lại vũ khí. Tất cả chỉ có hai khẩu tiểu liên, một số mã tấu và mấy quả lựu đạn. Ông Tuyển kéo anh Tuỳ, Bịch lại:
– Tối qua thống nhất trong tổ đảng và đội du kích rồi. Chúng tôi nắm vùng này khá rõ. Dựa vào địa hình mà choảng nó thôi.
– Nấp dưới ruộng lúa, chắc ăn được nó không? Anh Bịch hỏi lại…
– Lúa cao ngang đầu người thế kia (lúa ngày ấy toàn giống dài ngày, thân cao, cây rạ rất cứng), mìn ép sát người xuống mà phục, bố nó cũng chả nhòm thấy…
– Được rồi – Anh Tuỳ gật đầu – Chắc ăn thì đánh. Xem nó còn lượn qua lượn lại như đèn cù mãi được không?
Giữa tháng ba. Lúa đương lúc làm đòng, xanh miên man hai bên đường. Tổ chiến đấu chọn địa điểm bên cạnh cây cột điện đôi, nằm cách mép đường 17 vài trăm mét, cách quận lỵ Tam Lâm chừng hơn một cây số. Trận địa mật phục bố trí xong xuôi, trời bỗng ầm ầm đổ mưa. Chớp loé sáng, rạch nát bầu trời. Mưa như vãi nước xuống mặt đất. Mấy anh em nằm giữa ruộng lúa, ướt lướt thướt. Hợp đồng đánh tín hiệu báo xe nghị Chắt đi qua không thực hiện được, đến khi xe hắn chạy qua rồi vẫn không nổ được súng.
– Nó chạy bố nó mất rồi. Trời thật là… đang yên đang lành thì mưa…Tuyển làu nhàu…
– Làu bầu gì nữa. Rút ngay khi nó chưa phát hiện, về tính cách khác. Nhất định phải diệt được thằng này, nếu không ê mặt du kích Đức Đại. Rút! – Anh Tuỳ vác tiểu liên lom khom chạy trước. Tuyển còn cố nghển đầu, nhìn hút theo cái bóng xe của tên nghị Chắt đang lù đù bò trong màn mưa dầy đặc, miệng lẩm bẩm chửi theo.
**
*
Tổ Đảng Đức Đại họp rút kinh nghiệm trận phục kích đánh nghị Chắt không thành. Tuyển vẫn chưa hết ấm ức, cứ nhìn như xoáy vào màn đêm. Rồi anh bật đứng lên:
– Mình phải chủ động, không chờ đợi, phụ thuộc vào nó được. Phải bố trí thế nào đó để nó đi đến đâu, mình biết đến đấy, mới thắng…
– Tính thì phải tính hẳn rồi. Chỉ có cách giả làm hương dũng gác ở ngay chỗ cột điện đôi ấy… Việc này, Lân phải địch vận xem thế nào…
– Được rồi cháu sẽ nhiên cứu… Lân trầm ngâm.
Cả tổ ngồi xổm trên nền nhà đất. Khúc cành dâm bụt nhịp nhịp trên tay anh Tuỳ.
– Đây là đường 17 – cái que vạch một nét – ngay chỗ này là khu vực cột điện đôi. Bọn quân lỵ Tam Lâm cho lập một trạm gác lấy hương dũng các làng ra gác ở chính chỗ này. Quy luật như sau: Ngày hai lần thay ca, mỗi kíp hai người gác. Đánh thằng nghị Chắt tốt nhất ở chỗ này. Chúng ta sẽ cho người giả làm hương dũng đứng gác… Xe nó đến, hai “hương dũng” này sẽ ra chào, cản xe nó lại, một người ném lựu đạn vào xe, người kia dùng tiểu liên, tiêu diệt những thằng còn sống sót. Lân xem công tác địch vận thế nào…Phải vận động thay bằng được 2 hương dũng thật bằng hai “hương dũng du kích”.
– Công tác địch vận tôi sẽ hoàn thành, nhất định sẽ bố trí cho hai hương dũng thật ở ngoài… Lân trầm ngâm – Mình cũng nên bố trí thêm lực lượng phục kích vòng ngoài để đánh nó khi cần và yểm trợ cho quân ta nữa…
Tuyển và Thắc được chọn vào vai hai hương dũng. Cùng lúc đó, xã đội bố trí hai chốt phục kích hai đầu. Chốt trên phía phải đường từ huyện xuống do anh Bịch với một khẩu tiểu liên nấp kín trong ruộng lúa. Chốt dưới bên trái đường do anh Tuỳ cũng một tiểu liên. lại bố trí thêm một nhóm phụ nữ giả làm người đi thăm đồng gần cây bồ kết cạnh đường 17 ngay lối rẽ vào lỵ sở quận Tam Lâm. Nhóm phụ nữ này có nhiệm vụ vẫy nón báo hiệu khi xe của quận Chắt đi ra.
Quy luật đi lại của nghị Chắt cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi sáng, sau khi bọn lính đi tuần từ quận Tam Lâm lên Phương Điếm quay trở về quận, cứ tầm khoảng chín giờ sáng, xe của nghị Chắt sẽ tự lỵ sở quận chạy ra đường 17 hướng lên Hải Dương.
Trận đánh được định ngày sau lần đánh hụt ba hôm. Buổi sáng! Ông Tuyển và Thắc trong vai hai hương dũng bắt đầu nhận gác. Cũng quần áo hương dũng, cũng thắt lưng to bản, mũ rộng vành. Mỗi người giấu hai quả lựu đạn trong túi áo, họ đĩnh đạc đứng gác ở trạm cạnh cột điện đôi. Nhận ca gác từ hai hương dũng trước, Tuyển nhìn Thắc, hai người bỗng thấy ngùi ngùi. Chưa bao giờ, họ lại thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh giáp mặt quân thù gần đến như vậy.
Gần chín giờ sáng. Tốp phụ nữ đi thăm đồng đang nghỉ chân tại cây bồ kết lối rẽ vào quận Tam Lâm bỗng giơ nón lên vẫy như người nóng quá giơ tay quạt. Nhận được tín hiệu, Tuyển bỗng thấy tim mình đập rộn ràng. Ông nhìn sang Thắc, cũng thấy mồ hôi đang rịn ra trên vầng trán kiên nghị của người đồng đội. Họ nhìn nhau, cùng gật đầu. Vậy là họ đã hiểu. Họ sẽ bước vào cuộc chiến đấu mà nếu có hy sinh cũng cần phải tiêu diệt được địch. Chiếc xe chở tên quận Chắt gần dần. Hai trăm mét. Một trăm mét. Năm mươi mét! Bánh xe đã chạm điểm cần dừng. Hai hương dũng Tuyển và Thắc đứng hàng đôi, giơ tay chào ngài quận trưởng. Thắc đứng cao hơn Tuyển một chút, anh cố tình để Tuyển chỉ nhô phần mặt lên để tiện cho việc rút lựu đạn. Xe dừng hẳn. Nghị Chắt mở cửa xe định bước ra. Nhanh như cắt, Tuyển lia ngay quả lựu đạn đã bật chốt vào buồng lái. Đoàng! Tiếng nổ đanh. Tên lái xe gục xuống vô lăng, chết tại chỗ. Tên cai da đen bị mảnh lựu đạn phập vào chân, máu tứa ra, giầy văng ra ngoài. Viên thư ký luống cuống bị Thắc lao tới đâm một nhát dao, thấu tim. Nghị Chắt bàng hoàng. Mảnh lựu đạn găm vào mông hắn đau điếng. Nhưng tên lái xe chưa kịp tắt máy. Cuống cuồng, nghị Chắt nhoài người vồ lấy tay lái. Chiếc xe lao bắn đi. Bên kia đường, anh Bịch xông tới, chỉ kịp lia theo một băng tiểu liên nhưng không trúng nghị Chắt. Chiếc xe xa dần. Bốn anh em vội rút ngay vào làng. Tiếng đại bác từ đồn Bía bắn lên, từ bốt Giỗ bắn xuống. Chắc tiếng lựu đạn nổ đã khiến chúng kinh hoàng.
Nghị Chắt không chết. Hắn chỉ bị thương vào mông nhưng những gì hắn đã trải qua tại vị trí trạm gác hương dũng ngay tại cột điện đôi hôm ấy đã khiến hắn hồn xiêu phách lạc. Không thể coi thường, không thể đùa cợt với những người dân tưởng hiền lành, nhu mì của cái làng Đức Đại này. Một tuần sau, nghị Chắt bỏ chức quận trưởng Tam Lâm, lẩn mất vào thành phố.
**
*
Sau trận du kích Đức Đại phục kích đánh nghị Chắt, địch tăng cường hành quân lùng sục ráo riết hơn. tiếg lựu đạn của Tuyển quăng vào xe nghị Chắt hôm ấy là câu trả lời cho ý chí kiên cường của những người dân trên mảnh đất này. Mặc chúng liên tục điên cuồng tổ chức các cuộc hành quân, mặc cho bị chúng đuổi khỏi làng, vẫn đi ở nhờ tại Đức Đại và các làng khác, một số vẫn sống trong lều tạm trên cánh đồng giáp xã Gia Hoà, dân làng Giỗ vẫn ngày ngày về làm lụng, cày cấy trên thửa ruộng của mình ở những cánh đồng bên cạnh bốt Giỗ. Hành động ấy như một lời thách thức với kẻ thù…
Xác định con đường 17 là con đường huyết mạch, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ hành quân của chúng mà cũng là con đường qua lại để tổ chức chiến đấu, để hoạt động của rất nhiều cán bộ của ta, địch tổ chức canh phòng dọc tuyến đường này rất cẩn mật. Qua đường 17, các tỉnh uỷ viên, huyện uỷ viên của Việt Minh nằm vùng sang được Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành… chỉ huy phong trào cách mạng. Ngày nào địch cũng cho quân lùng sục. Dọc hai bên đường, chúng phát quang những bụi cây rậm. Mỗi lần đi tuần, cảm thấy chỗ nào có dấu hiệu khả nghi, quân địch dừng lại, không tiếc rẻ quăng vào đó vài quả lựu đạn, nã mấy băng tiểu liên. Suốt dọc đường, một bên là con sông nhỏ nối với sông cầu Bía, một bên là đồng ruộng, nhưng địch đã cấm không cho dân cày cấy nên ruộng bị bỏ hoang, cỗi cằn, không còn sự sống. Đất dọc đường 17 liên tục giật mình. Cảm giác đến cỏ hai ven đường cũng nghẹn thở.
Để khai thông đường 17 và làm nhụt nhuệ khí quân địch, huyện đội Gia Lộc chủ trương phải đánh và tiêu diệt đơn vị tuần tra từ Tam Lâm lên Phương Điếm của địch. Chi bộ Nghĩa Hưng và tổ đảng Đức Đại đã nhận được kế hoạch này, chuẩn bị phối hợp chiến đấu. Kế hoạch đánh địch không thể xây dựng cụ thể nếu không nắm kỹ thực địa. Huyện đội cử đồng chí Nguyễn Thế Phôi, một tiểu đội trưởng của đại đội Tây Sơn, đại đội quân chủ lực của huyện đội Gia Lộc, khá thông thạo địa hình khu vực này xuống nằm vùng, phối hợp với du kích Nghĩa Hưng, đặc biệt là du kích Đức Đại, điều tra, trinh sát tình hình, quy luật tuần tiễu của tiểu đội lính nguỵ từ Tam Lâm lên Phương Điếm. Do có sự phối hợp chặt chẽ với du kích địa phương lại khá thông thạo địa bàn nên chỉ mấy ngày sau, huyện uỷ đã nhận được bản báo cáo khá chi tiết của đồng chí Phôi về tình hình địch.
Hàng ngày từ 6h30 phút, một tiểu đội lính nguỵ mười hai tên do cai Bàng chỉ huy sẽ đi tuần từ Tam Lâm dọc theo đường 17 lên Phương Điếm. Chúng sẽ đi muộn hơn thời điểm này nếu hôm đó tên quận trưởng không lên tỉnh. Khi đi tuần, chúng đem theo một trung liên, còn lại toàn súng trường. Trước khi xuất phát từ Tam Lâm tiểu đội địch sẽ cho bắn ba phát súng trường làm hiệu lệnh xuất quânảtút kinh nghiệm từ cái chết hụt của nghị Chắt, chỉ khi nào toán địch đi tuần lên tới Phương Điếm quay trở lại, lúc đó xe của tên quận trưởng mới xuất phát. Hơn nữa, sau trận phục kích của du kích Đức Đại đánh quận Chắt tại cây cột điện đôi, tên quận trưởng về thay cáo già hơn, Hắn cũng đi lên tỉnh bằng ô tô nhưng đi về rất thất thường, không theo một quy luật nào hết. Chỉ có tiểu đội cai Bàng vẫn đi tuần đều đặn như cơm bữa mỗi ngày. Mỗi lần đến cây cột điện đôi, cai Bàng lại vung tay vẩy vào đó vài băng đạn. cò toán lính đi tuần thì mắt trước, mắt sau, dáo dác ngửa nghiêng như gà phải cáo.
Đại đội Tây Sơn giao nhiệm vụ cho chính trị viên trung đội Đoàn Văn Lưu tổ chức trận đánh này. Tiểu đội đồng chí Nguyễn Thế Phôi, do đích thân đồng chí Lưu phụ trách được giao nhiệm vụ chính. Đơn vị chiến đấu được phân tán nhỏ về ẩn náu trong nhà dân tại các thôn.
Tháng năm ta! Nhân dân chuẩn bị gặt lúa chiêm. Màu lúa chín vàng hây xô từng đợt như rỡn sóng ngoài đồng nhưng ven hai bên cách đường 17 hai chục mét, đất vẫn chết một màu xám xịt. Không một cây lúa nào được cấy tại đây. Địch kiên quyết bắt dân bỏ hoang hoá phần ruộng đất chúng cho là nguy hiểm ấy. Nằm dưới mặt đất lấp sấp bùn, đồg chí Lưu dõi mắt ra xung quanh. Bên cạnh anh, Phôi đang thở rất nhẹ. Đêm tối như bưng lấy mắt. hi thoảng vài phát pháo sáng vọt lên từ phia Phương Điếm, hướng sang Tam Lâm.
– Nó bắt dân mình bỏ hoang ruộng đất thế này, nhất định nó định biến vùng này thành vùng trắng… Lưu nói nhỏ… – Không có lúa, mình không thể núp vào ruộng lúa như những trận phục kích trước đó được đâu. Trận này, muốn thắng, phải tuyệt đối đảm bảo bí mật. Muốn thế, chỉ có cách bộ đội ta phải độn thổ sát vào tận mép đường…
– Anh định chọn chỗ nào để phục? Phôi thì thầm
– Chỗ nào… chỗ nào thì chỗ nhưng phải cách cây cột điện đôi, nơi du kích Đức Đại – Nghĩa Hưng mới tiến hành trận tập kích tên quận Chắt mấy tháng trước đó vì bọn chúng đã đề phòng địa điểm này rồi… Lưu băn khoăn.
– Em tính, hay mình cứ đánh ngay chỗ ấy. Có khi nó cũng nghĩ mình không bao giờ phục lại chỗ đã phục thì sao anh? Phôi đề nghị
– Không được. Không thể chọn lại địa điểm cây cột điện đôi. Địch đã quá đề phòng vị trí này. Cũng không thể lùi quá sâu, vì lại gần quận lỵ Tam Lâm, đánh xong mình rút khó, chúng đổ quân ra, tổn thất lại thuộc về mình. Thôi được, ta cứ lùi xa lên kia một chút…
Sau chuyến thực địa, bộ đội Tây Sơn quyết định chuyển vị trí đánh địch lên phía Bắc, cách cây cột điện đôi hơn một cây số. Vị trí này có thuận lợi là cánh đồng bên Đức Đại có một cái ao rộng, bèo tây mọc đầy. Bờ ao lại có nhiều bụi cây hoang cao lúp xúp giúp cho việc đổ đất lúc đào hầm phục kích rất kín đáo và thuận tiện. Một tiểu đội bí mật đào một hầm khoét vào bờ rồi nguỵ trang thật kỹ. Đây là vị trí đồng chí Lưu ẩn nấp, cầm hiệu làm lệnh phát hoả khi địch đã đi vào giữa trận địa phục kích. Mười một đồng chí khác đào hố nguỵ trang sát ngay mép đường 17. So với mặt ruộng, mặt đường chỉ cao hơn khoảng chục phân, vì vậy việc đào hầm náu quân phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Nhập nhoạng tối, tiểu đội xuất phát từ xã Quốc Tuấn cùng với mười đồng chí du kích do đồng chí Nguyễn Văn Đố, xã đội trưởng cùng vào làm nhiệm vụ chuẩn bị trận địa. Tốp du kích này làm nhiệm vụ canh gác hai đầu. Riêng chuyện đào đất cũng phải làm rất cẩn thận. Để giữ bí mật, đơn vị đã phải trải vải nhựa để đi lại đổ đất sau đó lại nguỵ trang lại thật cẩn thận. Địch không thể nào phát hiện ra. Đang đào đất, đồng chí Cao quê xã Liên Hồng bị thuổng đâm vào chân nên không thể tham dự trận đánh được. Tổ chiến đấu còn lại mười người. Ba giờ đêm, trận địa chuẩn bị xong. Cả tổ độn thổ, ém mình dưới lòng đất, chuẩn bị chờ hiệu lệnh xung trận.
Mặt trời đã lên gần một con sào. Không khí dưới những căn hầm trở nên ngột ngạt. Đã quá con số 6h30 phút rất lâu rồi. Bóng dáng những tên trong tiểu đội lính nguỵ đi tuần vẫn biệt vô âm tín. Cũng chẳng thấy chúng bắn súng báo hiệu như mọi ngày. Không lẽ chúng phát hiện ra trận địa phục kích của quân ta? Hay trận địa bị lộ? Hay chúng đang chờ để lừa úp lại quân ta ngay tại chính trận địa phục kích này? Rất nhiều câu hỏi ập đến trong đầu các chiến sỹ trong tổ chiến đấu…Cả tổ như ngồi trên chảo lửa…
Quá 8 giờ sáng. Ba tiếng súng báo hiệu thường ngày gây bao khó chịu trong đầu người nghe mà sáng nay các chiến sỹ trong tổ chiến đấu nghe vui như tiếng pháo mừng. Có súng hiệu bắn chỉ thiên, có nghĩa là quân địch đang chuẩn bị đi tuần, có nghĩa là trận địa của ta vẫn giữ được bí mật và nhất định sẽ rơi vào trận địa phục kích của quân ta. Thời gian trôi qua như rùa bò. Mãi mới thấy anh Lưu phất cờ hiệu. Mười đồng chí bộ đội Tây Sơn bật nắp hầm xông lên. Họ như những thổ thần chui ra từ lòng đất mẹ. Những đường mã tấu sáng loáng vung lên. Những nhát mã tấu chém xuống như chém chuối. Tên cai Bàng chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra đã gục xuống bởi lưỡi mã tấu của đồng chí Phôi. Bốn tên khác bị anh em chém chết tại chỗ. Số còn lại đứa chạy lên Cuối, đứa chạy giật lùi trở lại. Trận đánh diễn ra không đầy năm phút. Quân ta thắng lợi hoàn toàn, thu được 1 tiểu liên, bốn súng trường. Giấu niềm vui chiến thắng, anh em vác chiến lợi phẩm chạy qua cánh đồng Gia Khánh về Tân Tiến mà vẫn không thấy quân địch kịp phản ứng lại.
Những trận đánh dồn dập của quân ta dọc đường 17 nhất là trên địa bàn Nghĩa Hưng khiến quân giặc điên đầu. Chúng nhận định rất rõ, du kích, bộ đội dám tổ chức và đánh được những trận đánh ấy một phần lớn là dựa rất nhiều vào nhữg cơ sở của nhân dân. Bằng chứng chúng có thể thấy rất rõ, đánh Camp Phương Điếm, bộ đội, du kích phải dựa vào dân làng Giỗ. Đuổi dân làng Giỗ đi, hết chỗ cho bộ đội bám vào. Nay, để giữ được an toàn cho con đường 17, cách ly bộ đội, du kích khỏi dân chỉ có cách đuổi dân hai thôn Đức Phong và Đại Liêu đi. Thực hiện âm mưu ấy, Pháp cho gọi hương chủ Nguyễn Hữu Hoàn và hương quản Nguyễn Công Tùng của Đức Đại lên:
– Lôi cổ hương chủ, hương quản của Đức Đại lên. Đọc lệnh tống cổ, đuổi hết dân làng ấy đi. Chúng nó chứa chấp Việt Minh, dám ngang nhiên đánh lính quốc gia giữa ban ngày… Không thể tha cho chúng nó được… Tên sếp bốt gầm rít.
Hương chủ thôn Đức Đại bấm hương quản. Họ làm vẻ khúm núm, dắt nhau lên đồn. Cả hai người đều là người của ta cài vào nắm giữ ban tề nên nắm khá chắc phương pháp đấu tranh của ta. Với giọng mềm dẻo, hai vị đại diện ban tề nhũn nhw con chi chi. Hương chủ Hoàn nhã nhặn:
– Bẩm sếp đồn. Mong sếp nghĩ lại. Từ ngày quay trở lại làng lập ban tề, dân Đức Đại đã thuộc quốc gia rồi, có bao giờ dân chúng tôi dám làm trái ý của quan đồn đâu.
– Chúng mày bảo không làm trái ý quan đồn, tại sao chúng mày lại chứa chấp để bộ đội Tây Sơn về phục kích đánh lính quốc gia? Chúng mày chứa chấp Việt Minh, suốt ngày rình chộp các quan qua lại trên đường, để chúng mày ở đây làm gì? Tên sếp đồn trợn mắt nhìn hương chủ, hương quản…
– Bẩm quan sếp, dân Đức Đại thuộc quốc gia rồi, xin quốc gia bảo vệ cho dân. Việc Việt Minh phục kích đánh quân quốc gia là trên đường 17, mãi tít ngoài đường cái quan, chứ có liên quan gì dân Đức Đại chúng con đâu. Vả lại, xin quan đồn thương dân, chứ sắp đến mùa thu hoạch rồi thì làm sao dân chúng con lại bỏ nhà bỏ cửa lúc này mà đi được? Đi thì rồi trông ngòng vào đâu mà sống? Mong quan đồn thương tình…
Nhịp nhịp cái roi cá đuối trong lòng bàn tay, viên sếp đồn gật gù cái đầu. Thấy hắn có vẻ nhũn nhặn, hương chủ, hương quản lân la:
– Bẩm sếp, mong sếp thương, sếp thương phần nào, dân chúng con được nhờ phần ấy. Từ ngày sếp về làm sếp đồn ở đây, dân chúng con được nhờ bóng nhiều… Mong quan lớn thương cho…
Nghe hương chủ, hương quản trình bày, bọn quan đồn nghe cũng có lý. Chúng nhìn chăm chăm vào hai vị đại diện ban tề của Đức Đại, rồi vênh vang:
– Kể ra cái miệng chúng bay cũng dẻo lắm đấy, tao nghe cũng suýt mủi lòng. Nhưng không được, làng mày chứa chấp Việt Minh mấy lần đánh các quan trên đường nên tao gia hạn cho năm ngày. Thế là tao nhân nhượng lắm rồi đấy, sau hạn làng mày không đi lúc đó tao cho xan phẳng đừng trách. Thôi xéo về ngay…