Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Xuân nơi đỉnh trời Lũng Cú

Xuân nơi đỉnh trời Lũng Cú

 

 Đường lên Lũng Cú mùa này chẳng còn những mảng trời cháy đỏ hoa gạo hay phủ một màu xanh ngút mắt khi Hà Giang không vào mùa khát cháy như lời bạn kể. Lúc này, dọc các khe núi, những thân ngô khô dần trong các hốc đất chèn đá. Những thửa ruộng bậc thang xám bạc phơi mình. Riêng dòng Nho Quế vẫn dài tít tắp như một sợi chỉ xanh, lơ là uốn lượn theo những dãy núi thâm u và bạt ngàn hoa bạc hà tím mơ màng theo gió.

Những gì hiển hiện đều vượt quá sức tưởng tượng. Kỳ vĩ hơn cả trong tiềm thức. Con đường vẫn khúc khuỷu, cua gấp liên tục, chạy men theo các triền núi đá sừng sững, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, càng đi, càng trở nên diệu kỳ bởi thiên nhiên hùng vĩ đến mê hồn. Xe mỗi lúc một lên cao, để lại mênh mông là mây ảo huyền phía dưới,

đưa tôi qua những địa danh đã ghi dấu trong đầu, dù đây là lần đầu tiên tôi được đến mảnh đất này. Vị Xuyên, Yên Minh, qua dốc Chín Khoanh, Pắc Sum, Na Khê, Lao Và Chải những cái tên chỉ nghe cũng đủ để hình dung. Cheo leo! Chập trùng! Mênh mông trắng một màu đá xám! Đá gối đá! Núi ken núi! Ngút tầm mắt xuống sâu là thung lũng chập chờn! Huyền bí đến hút hồn! Vượt Cổng trời Quản Bạ, nhìn lại con đường ngoằn ngoèo, nằm vắt vẻo trên dãy núi chất ngất lưng trời, bên dưới là mây bồng bềnh, tôi không dám tin mình vừa đi qua cung đường ấy. Bức hoạ thiên nhiên hùng vĩ được tô điểm bởi những căn nhà xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen, chênh vênh trên các sườn núi đá. Cả cao nguyên đá trầm tư, cứ im lìm như ngủ, mặc mê trận tưởng tượng của con người về nó! Quá gập ghềnh và vô cùng khúc khuỷu nhưng với chúng tôi, đường lên địa đầu Tổ quốc vẫn chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Đồn biên phòng Lũng Cú đây rồi! Vậy là chúng tôi đã đặt chân đến vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. 

 

          Vẫn phải qua chặng đường 12 km nữa mới tới điểm cần đến. Cột cờ Lũng Cú!

 

Mưa lạnh đang giăng kín núi rừng cao nguyên đá bỗng ngừng rơi. Chút nắng vàng nhẹ cuối chỉu rọi trên những cây đào, cây mai trước cửa trạm biên phòng Lũng Cú đem đến cho chúng tôi sự ấm áp miền biên ải. Những cành đào khẳng khiu đã kịp đơm líu tíu đám nụ hoa đầu mùa. Xuân đã chạm ngõ đất trời Lũng Cú – chạm ngõ vùng đất 3/4 là đá. Chợt thấy xốn sang khi nhớ tới truyền thuyết, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống lớn, lập trạm gác vùng biên ải tại địa điểm trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú này. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vọng xa mấy dặm. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua. Dẫu biết chỉ là truyền thuyết nhưng đó là gì nếu không là sự khẳng định chủ quyền đất nước của cha ông ta từ thuở ấy.

Con đường dẫn lên núi Rồng như tấm khăn lụa trắng choàng qua bờ vai dãy núi kỳ vĩ, khiến lòng người như choáng ngợp. Thung lũng Lô Lô bất ngờ hiện ra, thấp thoáng mái nhà tường trình lợp ngói âm dương ẩn hiện sau những bờ rào đá. Nhìn xuống, dòng Nho Quế phân chia ranh giới Việt Trung như sợi chỉ mong manh. Vượt 286 bậc đá, chúng tôi chạm tay vào cột cờ Lũng Cú. Địa đầu Tổ quốc là đây! Biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước; biểu tượng của sức mạnh, lòng tự hào, tự tôn, tinh thần kiêu hãnh, ý chí quật cường của cả dân tộc là đây! Có lẽ, chỉ khi đứng ở chính vùng đất địa đầu của Tổ quốc này, người ta mới hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của những cụm từ ấy. Hình dáng giống cột cờ Hà Nội, cột cờ Lũng Cú dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) ở độ cao gần 1.700m, được xây mới và hoàn thành ngày 1/12/2002. Cột cờ cao gần 20m, chân bệ có 6 mặt khắc phù điêu hoa văn trống đồng ông Sơn, cán cờ dài 9m; Lá cờ rộng 54 m2 , tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn sừng sững giữa gió núi mây ngàn. Đứng dưới chân cột cờ, că thể thu vào tầm mắt cả một vùng rộng lớn của cao nguyên Đồng Văn, M̀o Vạc hay đỉnh Mã Pì L̀ng că độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển thấp thoáng phía xa kia. 

                    Đứng trên vùng đất thiêng, nơi được xem là đỉnh nóc nhà Tổ quốc, dõi mắt ra xa, nơi có bản Séo Lủng thuộc xã Lũng Cú- khu dân cư nằm trên phần đất xa nhất của cực Bắc Tổ quốc, nơi đang có những đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống dọc theo đường biên giới quốc gia, tôi như chìm theo dòng sông truyền thuyết. Từ bản Séo Lủng đi bộ 15 phút sẽ tới cột mốc 17- cột mốc nhà văn Nguyễn Tuần tài hoa gọi là “mõm” cực Bắc của Tổ quốc, nơi thượng nguồn dòng Nho Quế huyền thoại. Ngập mắt vào rừng núi chập trùng, mây trời mù mịt trong khoảnh khắc cuối đông đầu xuân bên cột cờ Tổ quốc, thêm thấm thía giá trị những gì Lũng Cú đã làm để giữ gìn toàn vẹn 16km đường biên giới ta giáp với đất nước Trung Hoa. Mảnh đất này đã thấm bao nhiêu xương máu của ông cha, để hôm nay, chúng tôi có được niềm hạnh phúc thật bình yên khi đặt chân đến. 

          Chiều đang trôi dần xuống theo những đụn mây. Rời chân cột cờ trên đỉnh núi Rồng, chúng tôi vào trạm biên phòng Lũng Cú. Câu nói “Quân với dân như cá với nước” thật thấm thía ở nơi này. Trong tiết trời giá buốt của cao nguyên đá khắc nghiệt, bên sân trạm biên phòng, bà con dân tộc Mông, Lô Lô đang lúi húi lấy nước, trò chuyện với các chiến sĩ thân mật như ruột thịt. Tình người đang sưởi ấm, xua đi sự giá lạnh trên mảnh đất này. Bên tách trà nóng, câu chuyện về lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng vẫn níu mọi người. Đồng chí Vàng Thống Mìn, người dân tộc Pú Y, cán bộ biên phòng Lũng Cú tâm sự: hầu hết các vị nguyên thủ của nước ta đều đã đặt chân lên đỉnh núi Rồng. Đó là lời khẳng định chủ quyền bất di bất dịch của Tổ quốc. Câu chuyện với người chiến sĩ biên phòng này còn đem đến cho chúng tôi thông tin nữa: ngoài việc bảo vệ an ninh quốc phòng vùng viễn biên, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đồn Biên phòng Lũng Cú là đảm bảo cho sắc cờ trên đỉnh núi Rồng lúc nào cũng đỏ tươi, bởi đó là hồn thiêng sông núi của Tổ quốc. Đồn Biên phòng Lũng Cú có hẳn một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ cột cờ này. Phải giữ gìn lá cờ luôn lành lặn. Nắng và gió biên ải khiến cứ một tuần đƠn mười ngày, các anh phải thay lá cờ mới một lần. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng ở nơi địa đầu chỉ có bạt ngàn đá và hun hút gió này cũng khó tưởng tượng biết bao. 

 

Xuân đang về dần, đang cựa mình trên từng nhánh cây, ngọn lá, len vào từng bếp lửa nhà sàn thấp thoáng sau những bờ rào đá. Tôi tò mò về “tết ở Lũng Cú”, đồng chí Nguyễn Vũ Quỳnh, quê  Thái  Bình – Cán  bộ  trạm biên phòng Lũng Cú cười: “Không buồn đâu. Cả nước hướng về Lũng Cú thì buồn sao được. Ngoài rau trong vườn, chó, gà tự nuôi được, chúng tôi và bà con trên này được quan tâm rất nhiều. Ngay cả lúc giao thừa, Lũng Cú vẫn không “cô đơn”. Nhiều năm gần đây đã có nhiều nhóm bạn trẻ lên đón giao thừa ở đỉnh núi Rồng trên Lũng Cú”. 

          Một mùa xuân mới đang về. Chia tay Lũng Cú khi trời đã chìm hẳn vào chiều. Cả miền biên ải dần đi vào tĩnh lặng. Chỉ còn tiếng mõ trâu thi thoảng vảng vất xa xa. Rời Lũng Cú – rời địa danh thiêng liêng mà người Việt Nam chân chính  nào cũng ghi nhớ ngay từ khi bắt đầu bài học địa lý đầu tiên về đất nước mình, cái đỉnh chóp nón đầy kiêu hãnh của cực Bắc trên bản đồ Tổ quốc, vùng đất huyền thoại mà người Việt yêu nước nào cũng mơ ước được một lần đặt chân đến, chúng tôi thấy mình là người hạnh phúc. 

 Ký của Trương Thị Thương Huyền

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *