Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Ngòi bút bẻ cong, nhà báo tự sinh ra nhân vật

Ngòi bút bẻ cong, nhà báo tự sinh ra nhân vật

 Thời gian vừa qua, độc giả cả nước được phen “mắt chữ a mồm chữ o” khi đọc các bài viết trên báo mạng. Ban đầu là cảm động, xót thương nhưng ngay sau đó là “phát điên” khi bị một số trang báo “dắt mũi”. Và người ta tự hỏi nhau: “Không biết những nhà báo ấy đã đặt lương tâm và trách nhiệm ở đâu khi có thể “ung dung” ngồi phóng tác ra những tác phẩm với những nhân vật mà bản thân họ đọc lại cũng phải bịt mũi”? 

 

 “Ngày nay, nhà văn hoạt động báo chí nhiều quá, nên chuyện sáng tác là… tất yếu”. Đó là câu nói tôi xin mượn lại của một bạn phóng viên, đồng thời cũng là một bloger khá nổi tiếng trên Yume. Và cũng đâu chỉ riêng gì một số nhà văn có trí tưởng tượng “giời ơi” đó, mà còn có cả một số người có đam mê viết một chút, có khả năng “múa may” ngòi bút một chút cũng “học đòi” làm nhà văn hoặc nhà báo để ngồi tổng hợp những chi tiết góp nhặt trong cuộc sống thành một bài báo dài cả ngàn từ. 

Phải chăng bởi cái sự tổng hợp và phóng tác ấy, mà độc giả được phen hoảng hốt khi đọc tin “bố chồng dính chặt với nàng dâu” “xuất xưởng” trên trang VOV. Thực sự khi đọc tin ấy, phần đa độc giả đều căm phẫn, nhục mạ ông bố và nàng dâu “mất nết” kia. Nhưng hỡi ôi, khi một số ban ngành bắt tay vào điều tra thì thực sự cái tay phóng viên a-b-c viết bài đó cũng không kém phần “mất nết” vì đã “hư cấu” một câu chuyện hoàn toàn không có thực xảy ra tại địa phương nọ. Hay nói trắng ra là “gắp lửa bỏ tay người”. Và cuối cùng thì VOV cũng phải lên tiếng xin lỗi và đưa ra quyết định kỉ luật với những cá nhân có liên quan. 

 Hoặc như câu chuyện một “bà lão 83 tuổi bán nước mong con cái chết hết để vào chùa” đăng trên VnExpress cũng khiến người đọc sửng sốt giật mình. Độc giả xót thương cho phận “cá chuối đắm đuối vì con” phải ngậm đắng nuốt cay mong “con chết hết”, đã tìm tới giúp đỡ bà. Nhưng lúc này sự thật một lần nữa được phơi bày trên mặt báo khiến độc giả lại được phen hỡi ôi kinh ngạc. Bà đã qua mặt những người viết được cho là “học rộng hiểu sâu”, qua được cả những khuôn phép của cái gọi là “nghiệp vụ báo chí” để lấy nước mắt của cả ngàn độc giả. Nhiều người còn ví von so sánh, bà bịa chuyện còn giỏi hơn cả phóng viên C.T của VOV. Và tất nhiên VnExpress cũng phải tháo vội bài này xuống để tránh bị “ăn đá”. 

Rồi câu chuyện “chàng thạc sĩ khiến người tình phát điên sau 11 năm yêu nhau” “ra lò” từ một trang báo lá cải cũng khiến độc giả hồ nghi về tính chân thực của nó. Sự hồ nghi và gắn mác “tin vịt” càng tăng lên khi trang này đăng thêm lên cái gọi là “tâm thư” của chàng trai nhận mình “là thạc sĩ chứ không phải thằng đểu”. Nhưng rất may, bài viết về hai nhân vật này không có tên tuổi địa chỉ cụ thể nên bạn đọc không thể kiểm chứng tính chân thực nên đến giờ, những bài này vẫn còn tồn tại và vẫn “hot”. Có chăng là một vài người tinh ý thì nhìn ra được những điều vô lí trong một số dữ kiện “dấu đầu lòi đuôi cáo” của tay phóng viên kia. 

 Và tất nhiên, không chỉ có ba tin bài đó mà hàng ngày, hàng giờ độc giả còn được các các trang báo “phục vụ nhiệt tình” những “nồi lẩu” với thành phần trong đó là vô vàn những “tin vịt, tin gà, tin cáo, tin ma”.  Tất cả chúng đều được ngụy biện dưới một lớp vỏ là những “cái nồi và mùi thơm” hấp dẫn, nên dù cho tinh mắt đến mấy độc giả cũng vẫn bị “click chuột” vào. 

  Có thể không cần nói thì nhiều người cũng đã biết điều này. Thậm chí có người con nhếch mép: “Chuyện xưa như Trái Đất thì phải có cây”. Nhưng thực sự thì chuyện này chỉ nở rộ trong những năm gần đây. Khá nhiều bài viết hiện nay trên các trang tin “lá cải” được thực hiện sau khi tác nghiệp từ Google hoặc bàn nhậu và quán café. Thậm chí, có phóng viên đi ngang qua chợ thấy ba bà bán vịt xích mích chỗ ngồi cũng có thể  đứng lại “hóng hớt” và hôm sau một cái tin rất “hot” đã xuất hiện trên báo- “Án mạng xảy ra ở chợ chỉ vì chỗ ngồi bán vịt”. Và kèm theo đó là hình ảnh mang tính chất minh họa, cộng với tên tuổi, địa chỉ rất chung chung ở tỉnh A, quận B chứ không phải hình thật hay địa chỉ với phạm vi nhỏ hơn ở cấp xã, phường. Và tôi dám cá rằng, phóng viên C.T khi đưa tin vụ bố chồng nàng dâu cũng ngồi đâu đó và “hóng hớt” được câu chuyện của ông Tạ Văn Trầm (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang) trao đổi với bạn bè của mình một số ví dụ về những vấn đề liên quan đến đời sống sức khỏe tình dục. Phóng viên ấy đã “đớp” cơ hội viết thành tác phẩm “để đời” cho nghiệp “cầm bút gẩy chữ” của mình. Giờ đây thì cái tên của anh ta (chị ta) cùng cái án “treo bút vĩnh viễn” sẽ mãi tồn tại trên… Google. 

 Chính kiểu làm chụp giật như vậy mới khiến cho tình trạng các phóng viên thiếu trung thực xuất hiện ngày càng nhiều. Dường như người viết quá “đói khát” thông tin, hoặc bị thúc ép từ người phía trên nên họ phải “chắp bút ngọ nguậy” để “sinh sản” những “con sâu hư cấu” không có thực. Và cũng chính phóng viên ấy đã gián tiếp giúp cho một số nhân vật “ba xào, ba xực” có thể “vô tư” giả nghèo, kể khổ trên mặt báo. Hay nói đúng hơn là họ “mua nước mắt độc giả” bằng ngòi bút “thiếu lương tâm, vô trách nhiệm” của mình. Nếu người viết thực sự công tâm, thực sự bỏ thời gian để tìm hiểu từ nhiều phía thì đâu có chuyện như của bà lão bán nước lừa đảo xảy ra. Lòng tốt của con người cũng đâu dễ bị đánh cắp bởi những nhân vật như thế. 

 Nói tới vấn đề này, thực sự tôi rất khâm phục những nhà báo lăn xả tới các điểm nóng, tới những nơi khó khăn hoặc phải cải trang, nằm vùng, đi tới những nơi xa xôi, nguy hiểm để viết những tin bài chân thực gửi tới độc giả cả nước. Họ là những nhà báo chân chính, có lương tâm, có trách nhiệm với những gì mình viết ra. Họ có thể ngẩng cao đầu tự hào với cái nghề mình chọn. Nhưng tiếc rằng số lượng những nhà báo chân chính ấy lại không nhiều. Nếu không có những chế tài xử phạt nghiêm khắc thì bản thân những nhà báo chân chính ấy cũng chưa chắc có đủ sức để đánh bật những phóng viên làm việc cẩu thả, chụp giật ra khỏi làng báo. Vậy nên những tác phẩm ra đời từ sự cóp nhặt trên Google vẫn xuất hiện tràn lan. 

Nếu như pháp luật chế định công dân bởi các từ ngắn gọn giữa “được làm” và “không được làm” thì đạo đức và chuẩn mực của người làm báo đòi hỏi phải sáng suốt cân nhắc giữa “nên làm” và “không nên làm”, phải hành nghề một cách có lương tâm để giữ gìn danh dự bản thân. Có như vậy thì nhà báo mới được mọi người trong xã hội vị nể thực sự. Nói như lời phát biểu của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, TBT Tạp chí Nghề báo: “Người viết phải biết hổ thẹn khi mình không có nguồn tin gốc, không có kiểm chứng mà lại thêu dệt y như thật, như vậy anh đã vi phạm đạo đức báo chí quá nhiều, quá nghiêm trọng và cần phải phê phán”- (Báo GDVN). 

 Nhưng thực sự thì có bao nhiêu người viết bài không có nguồn gốc đã hổ thẹn, đã cắn rứt lương tâm? Họ vẫn hơ hớ cầm trên tay tiền nhuận bút, vẫn vỗ ngực dương oai với bè bạn theo kiểu “bài đó tao viết đấy, mày thấy hay không”… Thậm chí cả những người chịu trách nhiệm kiểm duyệt tin bài khi đăng lên, có mấy ai thực sự quan tâm sâu sát tin ấy từ đâu ra, bài ấy từ đâu có? Hay là họ chỉ cần có bài lấp đầy trang báo mình, chuyên mục của mình là được 

Những con sâu, hàng ngày, hàng giờ vẫn làm rầu những nồi canh. Những tin vịt vẫn cứ “ra lò” dưới bàn tay “nhào nặn” của những “nhà láo tài ba”. Ở một thời điểm nhất định, “tin vịt”  nhưng có “sức nóng” có thể giúp lượng độc giả tăng lên. Nhưng liệu về lâu dài, báo đó, trang tin đó còn đủ sức níu chân được độc giả. 

Đã đành người làm báo đôi khi thật quá cũng không được mà phóng tác quá cũng không được. Thật giả thế nào đi chăng nữa thì báo chí nói người đọc vẫn phải tin, độc giả chỉ có thể tỉnh táo để chắt lọc thông tin ấy để không cảm thấy bị tổn thương. Nhưng dần dần người ta cũng vẫn sẽ “chẳng tin một kẻ nói dối khi chính họ đang nói thật”. Và vô hình chung, nhà báo đã khiến độc giả mất dần đi niềm tin vào những bài viết có tính lay động lòng người.  

Vậy nên chỉ xin các nhà báo của chúng ta hãy gắng giữ cho được “mắt sáng, lòng trong và bút sắc”, đừng cố tự bẻ cong câu chữ của mình để “nhắm mắt, nhắm mũi” sản sinh ra những nhân vật “ma”… 

 

 Phạm Tử Văn

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *