Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Nhà thơ Thủy Hướng Dương: Viết để quên bệnh tật

Nhà thơ Thủy Hướng Dương: Viết để quên bệnh tật

(TT&VH) – Viết văn nhiều khi là một loại lao động cực kỳ nặng nhọc, đòi hỏi ở người viết bao nhiêu sức lực và tâm trí. Nhưng khi người ta phải sống chung với một căn bệnh nan y, viết có thể là một nguồn tiếp sức lớn lao đến không ngờ. Thủy Hướng Dương là một trường hợp như vậy. Cây bút nữ vừa ra mắt cùng lúc 2 cuốn sách, một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết về trẻ em đường phố. Bị bệnh tim khá nặng, trong những năm qua chị vẫn vừa chống chọi với căn bệnh vừa viết.

Văn chương là nguồn sức mạnh

Có những căn bệnh như bệnh tim không bao giờ khỏi hẳn được, đã mắc phải coi như chấp nhận “gắn bó” với nó dài lâu.

Nhưng đó không phải là một lý do đủ thuyết phục để ngăn người ta làm việc, sáng tạo.

Thủy Hướng Dương chia sẻ: “Cứ cầm bút viết là thấy mình khỏe”. Văn chương là một nguồn sức mạnh của chị, hiểu theo nghĩa mộc mạc nhất của cách nói này.

Buổi ra mắt tác phẩm mới của hai tác giả nữ Thủy Hướng Dương và Đặng Hà My được tổ chức vào tối 17/7 ở Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Ai là ai là tên tập truyện ngắn chung của cả hai, riêng Thủy Hướng Dương giới thiệu tiểu thuyết Cát bụi nơi thành phố còn Đặng Hà My trình làng tập thơ Nhiên sơ. Trong khi Đặng Hà My là cái tên mới, sống ở nước ngoài và được bạn văn biết đến qua các tác phẩm trên các trang văn hải ngoại, thì Thủy Hướng Dương, sống tại Hà Nội, quen thuộc hơn với vai trò người viết văn, làm thơ và còn là Chủ tịch Câu lạc bộ Blogger yêu Hà Nội.

Thủy Hướng Dương tên thật là Vũ Thanh Thủy, còn có bút danh khác là Hoa Hướng Dương. Cây cỏ thì rất ít loài không hướng về phía mặt trời, trong số đó, chỉ mỗi loài hoa cánh vàng rực rỡ, mọc vươn thẳng đó mới được mang cái tên “hướng dương”, chứng tỏ nó cũng đặc biệt lắm. Chị bộc bạch, loài hoa đó cũng giống như con người chị.

“Bê” Hà Nội vào trang văn

Thủy Hướng Dương (sinh năm 1972) có cách viết thấy nhiều ở những tác giả cùng lứa với chị hoặc trẻ hơn, kiểu mô tả hiện thực đơn giản, đi thẳng vào cuộc sống với những chi tiết rất đời thường, ngay từ tên những địa danh: vườn hoa Con Cóc, nhà khách Chính phủ, ga Hàng Cỏ, phố Đường Thành, xóm liều Thanh Nhàn… Hầu hết đều thuộc về Hà Nội. Cách viết này có cả ưu điểm và nhược điểm, giúp tác phẩm tạo cảm giác thân thuộc với những người sống ở Hà Nội, nhưng không có ảnh hưởng tương tự đối với những người sống ở địa phương khác.

Tiểu thuyết ngắn Cát bụi nơi thành phố (dày khoảng 120 trang) là tác phẩm mới nhất của Thủy Hướng Dương. Với tiểu thuyết này, tác giả hướng đến một góc khuất đời thường: cuộc đời của trẻ em đường phố. Đề tài không mới, câu chuyện được dựng nên chủ yếu bằng văn kể và rất nhiều thoại.

Cuốn tiểu thuyết không tránh khỏi những đoạn để lại cho người đọc cảm giác người viết non tay. Thỉnh thoảng, theo nhà văn Hữu Hiếu, tác giả lồng cách nghĩ của mình – một nhà thơ nữ – vào cách nghĩ của những đứa trẻ đường phố, chẳng hạn đoạn mô tả Hồ Gươm quá đầy chất thơ, khiến người đọc không tinh ý lắm cũng có thể nhận ra. Hay cách thoại của nhân vật cũng chưa logic lắm khi một đứa trẻ từ vùng quê xuống Hà Nội đã rất nhanh chóng thành thạo lối nói đường phố mà không trải qua quá trình hòa nhập.

Tác phẩm của Thủy Hướng Dương mang một đặc điểm điển hình khác của người viết văn thế hệ chị: chất tự truyện, theo nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Chất tự truyện xuất hiện hoặc phảng phất hoặc đậm đặc, không chỉ trong văn Thủy Hướng Dương mà cả văn Đặng Hà My, người bạn cùng ra sách với chị tối 17/7. Hai cây bút nữ này, dù không phải 8X hay 9X, nhưng đều có lối viết trẻ hơn tuổi (thậm chí hơi trẻ con). Truyện ngắn Ai là ai của Thủy Hướng Dương viết tặng người bạn đã qua đời Nguyễn Hồng Công (cô gái bị bệnh thận, từng viết sách Khát vọng sống để yêu) kể về một cô gái đi xe ôm, như thể ghi chép một chuyện trên đường.

Tương tự là Đặng Hà My, với lối viết đàn bà hơn, quyến rũ hơn, thuật lại những câu chuyện tình (hoặc không tình) rõ nét từng tình tiết, cảm xúc, gợi cảm giác câu chuyện hoàn toàn có thật hoặc phần lớn là có thật. So với Thủy Hướng Dương, truyện và thơ Đặng Hà My có những chi tiết đắt hơn, hình ảnh sắc hơn. Lượng tác phẩm ra mắt lần này của chị không nhiều, nhưng rất hứa hẹn.

Cách viết lồng chất tự truyện không mới, nhưng có một ưu điểm là thể hiện cuộc sống của chính người viết và thế hệ của họ. Cuộc đời của họ ở đó, trên trang giấy, mở ra là gặp ngay, nhưng độ sâu ẩn đằng sau câu chữ thì còn phải bàn

My Li

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *