Tác giả: Trương Thị Thương Huyền
“Dì mệt”. Bức điện Thư gửi cho tôi chỉ có thế. Nó gọn gàng, tiết kiệm tới mức khó chịu y như bản tính chủ nhân. Nhưng có lẽ cũng chẳng cần nhiều hơn thế những con chữ xưa cũ làm gì. Hai tiếng, năm kí tự, đủ thông báo tình hình của một người mà tất cả đám con cháu là chúng tôi đều quan tâm – Dì Nguyên.
Dì Nguyên tôi chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Trong gia đình bà ngoại, dì là con gái út. Ngày còn ở nhà, lũ con gái lau nhau chúng tôi đứa nào cũng ao ước được giống dì. Nếu một đứa nào đó được ai khen “giống dì Nguyên” thế nào cũng phổng mũi hàng tuần liền. Khổ nỗi, chúng tôi đứa nào cũng lộc ngộc như ngỗng lai Bắc Kinh, còn dì Nguyên lại nhỏ nhắn như một thiên thần.
Hai mươi tuổi, dì Nguyên tốt nghiệp trường Sư phạm tỉnh. Tôi chưa gặp một cô giáo nào trẻ hơn dì tôi được nữa. Vừa ra trường, chân ướt chân ráo, dì được điều tuốt về dạy học ở một xã vùng sâu của huyện vùng núi. Tôi lúc ấy lên mười, được bố mẹ cho theo ở với dì. Tay nải khoác vai, tôi lếch thếch, vắt vẻo phía sau như cái đuôi của con gà trống hoa theo về nơi dì dạy học.
Một vùng đồi hoang vắng… Lúp xúp mấy ngôi nhà lá chênh vênh bên sườn đồi… Những đám sim mua cằn cỗi. Những vạt sắn lưa thưa, vàng ệch. Mấy đứa trẻ áo quần nhếch nhác, mặt lem luốc, mũi thò lò xanh ngoi dài tận miệng đứng trố mắt nhìn dì. Suốt mấy tiếng đồng hồ đi bộ, leo dốc, mồ hôi túa ra khắp người, mặt đỏ tía tai, mũi miệng tôi thi nhau thở. Nhìn thấy cảnh hoang tàn của ngôi trường phải đến, bao nhiêu hăm hở lúc theo dì đến chỗ ở mới với những điều ảo tưởng bỗng tan biến. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng khi lần đầu tiên đến chỗ xa lạ khiến tôi oà khóc. Tay nải quần áo rơi khỏi tay tự lúc nào. Tôi khóc như người bị đòn, nức nở oan ức lắm. Dì Nguyên dắt tay tôi về phía ngôi nhà lá đằng trước… Mấy mái đầu thấp thoáng nhô ra từ những mái nhà thấp lè tè… Những ngày đầu theo dì tới nơi công tác đã hằn vào kí ức tôi như thế.
Hết lên lớp, dựng trường rồi cắm bản… Nước da trắng hồng của dì sạm lại. Đôi bàn tay mềm mại dầy thêm những vết chai. Nhưng tiếng nói, nụ cười của dì vẫn thế. Nhỏ nhẹ, dịu dàng, đằm lạ. Đấy cũng là điều mà sau này lớn lên đám cháu gái dì vẫn hằng ao ước. Lũ chúng tôi, lộc ngộc, ăn sóng nói gió, cười lanh lảnh, nói oang oang. Tôi chưa bao giờ thấy dì Nguyên to tiếng. Giận ai lắm, dì cũng chỉ buồn buồn rồi lẳng lặng bỏ đi chỗ khác.
Dì Nguyên hai mươi hai, hai mươi ba rồi hai mươi lăm tuổi. Dì đẹp như bông hoa hàm tiếu. Vẻ đẹp thuỳ mị, đằm thắm của người con gái tuổi hai lăm. Dì Nguyên vẫn chưa lấy chồng. Nơi cái xóm núi heo hút ấy, khi người ta lấy vợ lấy chồng từ lúc chưa kịp làm người lớn thì chuyện cô giáo Nguyên hai lăm tuổi mà vẫn chưa về ở cùng ai là chuyện thật khó có thể tưởng tượng. Nhiều thầy giáo dạy cùng trường với dì ngỏ ý nhưng dì Nguyên chỉ cười trừ. Trái tim dì đã dành cho người ấy. Chưa bao giờ dì hé chuyện duyên phận với ai…Thói tò mò đã khiến tôi biết được điều ấy khi đọc trộm nhật kí của dì. Không như cơn mưa rào ào đến rồi tạnh ngay, tình yêu của dì với người ấy cứ như những cơn mưa phùn lấm tấm rơi, thì thầm, nhẹ nhàng mà ngấm nước… ướt lúc nào không hay.
Nhà chú Thoa sát cạnh nhà bà ngoại tôi. Ranh giới giữa hai nhà ngăn cách bởi một hàng rào dâm bụt. Hàng dâm bụt quanh năm xanh mướt, đơm hoa đỏ xoè như những chiếc kèn đồng. Dưới ánh trăng, bóng hai người dập dìu, thấp thoáng. Chú Thoa cao to, vạm vỡ, đôi mắt sáng, hàm răng khểnh tinh nghịch. Nụ cười của chú hút hồn không ít những cô gái trong làng. Học dở năm thứ hai đại học Kinh tế, chú Thoa lên đường nhập vào đoàn quân Nam tiến. Dì Nguyên sống và yêu qua những lá thư.
Dì Nguyên hai bảy tuổi. Chú Thoa xuất ngũ học nốt hai năm đại học còn dang dở. Hai bảy tuổi, dì vẫn dạy học ở xóm núi nghèo. Chú Thoa về công tác tại cục thuế một thành phố lớn. Những lá thư về xóm núi thưa dần. Dưới ánh đèn dầu đỏ quạch, dì Nguyên lặng lẽ cùng cây bút và tập bài làm văn của đám học sinh. Mặt dì phảng phất buồn. Đôi mắt hay đắm vào màn sương chiều bảng lảng dưới chân dốc, nơi có con đường mòn quanh co như sợ dây thừng lượn theo những thửa ruộng bậc thang.
Hoạ hoằn lắm mới thấy dì xuống núi. Căn nhà lá bên sườn đồi lích chích tiếng gà gọi mẹ, xanh mướt những loại rau và ríu rít tiếng học trò. Tôi lớn dần. Năm vào cấp ba, tôi về quê theo học, chỉ còn lại mình dì trên xóm núi. Những căn nhà của giáo viên cùng trường đã chuyển xuống chân đồi. Một thị trấn nhỏ mới hình thành dưới ấy. Dì Nguyên được phân đất. Dì nhường nó lại cho người khác, còn mình ở lại trên đồi.
Đầu hè, bà ngoại ốm. Bố mẹ chúng tôi đều công tác xa, dì là út lại chưa lập gia đình. Không có cớ gì để dì ở lại trường như những năm học trước. Suốt ba tháng hè, dì Nguyên không hề ra khu vườn sau, nơi có hàng rào dâm bụt chung với nhà hàng xóm. Hàng rào dâm bụt không được cắt tỉa, um tùm, cành lá loè xoè che hết cả đám thuốc nam bà ngoại trồng phía dưới. Bà ngoại giục, dì Nguyên lần lữa mãi… Một buổi chiều, chẳng thèm ra tận nơi nhìn, dì lẳng lặng gọi người chặt hết hàng rào dâm bụt xuống, xếp gọn ở góc vườn. Đốn xong hàng rào dâm bụt, dì thuê người xây lên đó một bức tường gạch cao quá đầu người. Đứng ở vườn bên này, không thể nhìn thấy người qua lại ở sân nhà bên kia. Lúc ấy, tôi chưa hiểu tại sao dì ghét hoa dâm bụt đến thế. Nhưng tôi đã nhầm, mấy năm sau, về lại xóm núi chỗ dì dạy học, tôi ngỡ ngàng khi thấy trước cửa nhà một hàng rào dâm bụt xanh mỡ màng.
Tháng tám, thu. Những quả bưởi trong vườn bắt đầu ngả màu vàng mọng, lúc lỉu đung đưa trong cái nắng thu vàng lịm như rót mật. Bà ngoại khoẻ dần, dì Nguyên lúi húi chuẩn bị lên trường. Hình như chưa bao giờ, dì có ý định chuyển công tác xa cái xóm núi heo hút ấy.
Trăng đầu tháng chênh chếch ngoài thềm. Tiếng ếch nhái từ ao bèo vọng lên râm ran. Đã lâu lắm rồi, gian nhà gỗ năm gian của bà ngoại tôi mới lại đông người đến thế. Người đến mừng bà ngoại tôi khoẻ lại, người lại sang chỉ để nói nốt một câu chuyện dông dài đang nói dở dang từ lúc bà ngoại tôi chưa ốm, người đến nhận tiền bà ngoại tôi nhờ chuẩn bị làm lễ cúng ngoài chùa làng rằm tới… Có người chỉ tình cờ đi qua ngõ, thấy trong nhà đông người, cười nói râm ran cũng ghé lại chơi… ấm nước chè tươi hãm ban chiều đã cạn. Dì Nguyên sách siêu vào bếp nhóm lửa. Mùi khói rơm thơm thơm, nồng nồng bay ra. ánh lửa bập bùng soi bóng dì chập chờn trên vách. Ngoài sân, ai đó chợt ngước mắt nhìn vào. Thấy bóng dì Nguyên thấp thoáng bên bếp lửa bèn hỏi vọng xuống:
– Cô Nguyên. Năm nay có cho chúng tôi ăn cỗ không đây? Đợi mãi, rụng hết cả răng rồi. Gớm, người đâu mà kén thế…
Dì Nguyên quay ra “dạ” một tiếng rồi gượng cười. Đầu dì cúi thấp hơn. Tấm lưng ong của dì đằm hẳn xuống. Dì xoay người quay hẳn mặt vào phía trong.
– Lại nói đến cỗ… Tiếng một cụ ông tiếp lời – Mồng sáu này, tôi đi cỗ bên bà Thoa đây. Ở đây, có ai cùng đi không nhỉ? (ở quê tôi, người ta vẫn gọi tên bố mẹ theo tên con trai trưởng như thế)
– Cỗ bên bà Thoa à? Lo việc gì thế?
– Cưới anh con trai làm thuế má gì đó mãi trên thành phố. Nghe nói lấy cô vợ trẻ lắm, xinh như tài tử xi nê, lại con nhà giầu…
– ấy ngày xưa cứ nghĩ anh cu Thoa với chị Nguyên nhà mình cơ đấy, bà nhỉ? – Một cụ bà hướng về bà ngoại tôi gật gù.
– Chuyện trẻ con ấy mà… Con bé nhà tôi thì làm gì…
Tiếng người nói chuyện râm ran nhà trên. Mọi người ở quê thật lạ. Họ nói chuyện nhà bà Thoa lo đám cưới cho anh con trai độc nhất cứ tường tận như kể chuyện nhà mình. Mãi chẳng thấy dì Nguyên mang nước lên, câu chuyện cũng đã tàn, các cụ lục tục ra về. Tôi lom khom bước vào. Trên bếp, siêu nước sôi tự bao giờ, nước đã cạn gần đến đáy. Đôi tay dì Nguyên vẫn vun mãi rơm vào bếp, lửa vẫn cháy bùng bùng. Đôi mắt dì Nguyên đăm đắm vào quầng lửa rừng rực ấy…
Sáng hôm sau, tôi thấy dì Nguyên bỏ quần áo trong túi du lịch ra phơi lại. Hỏi dì, dì chỉ thì thầm: “Dì ở nhà qua mồng mười”.
Bên kia bờ tường xây, tiếng người nói, cười ồn ào, nhốn nháo. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà quang quác, tiếng dao chặt đôm đốp. Đám đàn bà nhặt rau ngay dưới chân tường rào thì thào nói chuyện rồi rinh rích cười. Đâu đó, tiếng đàn ông văng tục… Bát đĩa, xoong nồi loảng xoảng. Bàn ghế, phông rạp, người ra kẻ vào rầm rập. Giàn loa máy mở hết công suất, phát ra những bản nhạc đinh tai. Gọi là báo hỉ nhưng ở quê không có tục ấy. Cưới ở đâu thì cưới, về quê vẫn phải tổ chức bình thường. Còn ông bà, cô dì chú bác, hàng xóm làng giềng…Cái không khí tấp nập phía bên kia chính là đám cưới chú Thoa… Ngồi co chân như cò đỗ trên chiếc sập gụ, tự nhiên tôi bực mình vô cùng. Giá như không có hè. Giá như dì Nguyên lên trường sớm hơn từ mấy hôm trước…
Mặc tiếng ồn ào vọng sang từ đám cưới bên nhà hàng xóm, dì Nguyên vẫn bình thản ngồi nhặt tóc sâu cho bà ngoại. Nhìn dì, tôi có cảm giác dường như tất cả những âm thanh náo động của cuộc vui bên kia không vượt qua được bức tường xây để lọt vào tâm trí dì. Mắt dì cắm cúi vào mái tóc bạc phơ của bà ngoại. Bàn tay dì lần giở đều đều những lọn tóc con. Từng sợi, từng sợi tóc trắng trên tay dì bay lả tả. Chỉ đến khi bà ngoại kêu: “Nhổ thế này thì hết tóc mẹ à” dì mời chợt giật mình, ngượng nghịu cười – nụ cười méo mó trên khuôn mặt thất thần…
Tiếng pháo từ bên bức tường xây vọng sang giòn giã. Khói pháo bay mù trời. Những đám khói xanh xám, khét lẹt mùi diêm sinh vượt qua bức tường rào, bay quẩn sang cái sân rộng lát gạch Bát Tràng của bà ngoại tôi. Khói pháo xộc vào nhà, chui cả vào căn buồng dì Nguyên vẫn ngủ.
Tôi lao vào buồng. ánh sáng nhập nhoạng khiến mắt tôi tối sầm lại. Mất một lúc nhắm chặt mắt, định hình lại, tôi mới nhìn rõ mọi vật trong phòng. Tất cả vẫn gọn gàng, ngăn nắp. Trên chiếc bàn làm việc của dì, một bình đầy hoa huệ cắm trong chiếc bình hoa cắt tỉa từ một quả đạn pháo – thứ quà chỉ những người đã từng là lính mới có. Chiếc bình hoa ấy, dì Nguyên luôn chăm chút, nâng niu… Mùi huệ nhè nhẹ lan toả, lẫn vào mùi thuốc pháo tạo thành một thứ mùi khó gọi tên. Dì Nguyên không ở trong buồng. Tiếng chén bát từ nhà bên vọng sang ồn ã… Tiếng nói cười rổn rảng. Không hiểu dì Nguyên tôi đi đâu? Một chút gì như nỗi căm hận dang lên trong trái tim non nớt của tôi. Bất giác, quay ra, bà ngoại tôi ngồi bất động trên chiếc sập gụ kê giữa nhà. Tháy tôi từ buồng bước ra, bà ngoại lẩm bẩm:
– Ra bến sông tìm dì … Khổ… Đành đoạn quá…
Cái bến sông làng tôi thật lạ. Con sông Cái chảy đến đây bỗng lượn vòng, vặn mình một cái, khoét một đường như vành trăng khuyết vào làng. Theo lời của người già làng tôi thì bên cạnh bến sông chính là cái vực sâu nhất con sông này. Rất nhiều người đã bỏ xác nơi ngầm vực ấy. Nếu không may rơi xuống đấy, ít có người thoát chết bởi đáy vực không hề bằng phẳng.
Trống ngực tôi đập thình thịch. Dì Nguyên ngồi như pho tượng đá ở bến sông.
Trưa. Những tia nắng chiếu xuống mặt nước lăn tăn toé thành muôn vì sao lấp lánh. Không ai ra bến sông lúc này. Cây đa cổ thụ trên bến im lìm, trầm mặc, nghiêng đầu soi bóng xuống bến nước. Những chùm rễ loà xoà từ trên cao rủ xuống như mái tóc của người con gái đẹp đã chết trên bến nước hay hiện về đùa cợt những người yếu bóng vía trong làng. Tôi không biết câu chuyện về người con gái ấy thực hay hư nhưng lúc này tôi cứ cảm giác như cô ấy đang lẩn quất đâu đây. Trên phiến đá xanh nhô ra ở bến sông, nơi người ta đã đặt cô gái lúc vớt từ sông lên, dì Nguyên ngồi đó, mặt hướng ra sông. Tôi cảm giác, chỉ cần một cơn gió nhẹ, cũng có thể thổi dì bay xuống làn nước chập chờn, sóng sánh phía dưới. Bên cạnh dì, những chùm hoa dâm bụt rơi lả tả, cánh nát bầm. Và không biết cơ man nào là hoa dâm bụt đang trôi nổi bập bềnh trên mặt nước.
Mải nhìn dì, chân tôi vấp phải cành củi khô. Tiếng cành cây gẫy vang lên khô khốc. Dì Nguyên từ từ quay lại. Không như tôi nghĩ, dì Nguyên không hề khóc, dì cười. Nụ cười mơ hồ, mong manh, xệch xạc… Gió thổi nhẹ… Mặt nước lao xao hắt bóng lên khuôn mặt dì Nguyên. Mặt dì chập chờn, sương khói như khuôn mặt của người trong tấm ảnh đang ngâm nước trong chiếc thau đồng.
Dì Nguyên vẫy tôi lại. Nắm chặt tay tôi, dì lội dần xuóng bến sông. Nước ngập ngang bắp chân, đến đùi, đến thắt lưng, đến ngực rồi đến cổ. Nước mát lạnh, tê tái… Chợt dì Nguyên buông tay tôi, ngụp xuống. Mặt nước chao nhẹ, dì Nguyên mất hút. Tôi hốt hoảng hét lên, quay bốn phía tìm gọi. Nước mắt tôi trào ra. Tôi nháo nhào lên bờ, cuống cuồng gọi người. Không có ai lên tiếng… Không một ai ra bến sông lúc giữa trưa này… Dì Nguyên ơi… Dì Nguyên ơi…Tôi muốn chạy về làng mà đôi chân không sao nhấc lên được… Tôi khóc nức nở, vừa khóc vừa chửi rủa một điều gì đó hết sức vu vơ…
Dì Nguyên bất ngờ từ dưới nước nhô lên. Mái tóc ướt nước bết chặt vào eo lưng mềm mại. Nước hồ tràn trề trên khuôn mặt dì Nguyên. Chậm chạp như người dò đường, dì Nguyên lê từng bước lên bờ. Như con chim nhỏ, tôi giang hai tay như sải cánh, lao xuống sát mép nước, ghì chặt thắt lưng dì. Tôi chỉ sợ, lỡ không kịp, dì Nguyên sẽ vuột ra khỏi tay tôi, rồi lại biến mất dưới làn nước thăm thẳm của bến làng. Trong suy nghĩ non nớt của con bé mới lớn như tôi, một nỗi sợ mơ hồ cứ hiện hình.
Lau nước mắt trên mặt tôi, dì Nguyên nhẹ nhàng:
– Về thôi cháu
Rồi dì ngân nga như những giáo dân hát Thánh ca ngày chủ nhật:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu…
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa…”
Dì Nguyên bỏ lửng câu thơ đang đọc, thong thả đi về nhà. Những cánh dâm bụt vẫn dập dềnh, nổi nênh ngoài bến nước.
Dì Nguyên lại lên trường. Dì lại về với căn nhà lá mong manh trên những sườn đồi lúp xúp như bát úp, nơi có những đứa trẻ thạo đi nương trồng sắn hơn học chữ…
Dì Nguyên ba mươi lăm, rồi bốn mươi tuổi. Bà ngoại tôi già lắm rồi. Cả nhà động viên mãi, cha tôi phải tự mình đứng ra lo liệu, dì Nguyên mới chịu rời xóm núi heo hút ấy. Không thể xin theo nghề cũ, dì Nguyên đành chuyển ngành. Ngày dì rời xóm núi, bọn trẻ con khóc như chim vỡ tổ. Chúng xách đến nào măng, nào sắn… Dì Nguyên lên đường. Một chiếc hòm gỗ đựng sách, một túi du lịch nhỏ xếp vài bộ quần áo. Dì về quê, lặng lẽ như lúc ra đi. Mọi thứ còn lại, dì cho cô giáo trẻ mới chuyển về…
Chú Thoa lấy vợ trên thành phố, đẻ liền hai đứa con gái. Dạo này hay thấy chú về quê. Bờ tường gạch xây sụt móng, đổ một mảng rộng. Mỗi lần về, chú Thoa lại nhảy qua chỗ tường đổ sang nhà bà ngoại tôi. Khi thì chú xin lá thuốc, lúc xin trầu cho mẹ. Những lúc có nhà, dì Nguyên ngồi lặng trong buồng, chẳng bao giờ đáp lại lời chào của chú Thoa.
Bà ngoại tôi bỏm bẻm nhai trầu, đỡ chén nước chè tươi từ tay dì Nguyên, thủng thẳng:
– Hôm qua, thằng Thoa lại về. Nó sang chơi biếu mẹ miếng vải lụa… Chả biết vợ con ra sao mà cứ thấy than buồn…
Dì Nguyên lặng thinh, làm như câu chuyện không liên quan gì đến mình. Bàn tay dì miết đi miết lại miếng giẻ ướt trên mặt chiếc sập gụ. Thấy dì không bỏ ra ngoài như những lần trước, bà ngoại tôi chép miệng:
– Mẹ mấy hôm nay thấy yếu nhiều. Chẳng biết thế nào. Giá mày có tí cháu cũng được, sau này có chỗ dựa. Xã hội bây giờ, người ta cho phụ nữ quyền làm mẹ… Hay là…
– Mẹ… Dì Nguyên đang cắm cúi lau bàn ngẩng phắt lên:
– Nếu có xin, con cũng không cần dòng bội bạc… Bát nước hắt đi rồi…
Không nói hết câu, dì Nguyên vứt chiếc giẻ lau vào gầm bàn, bỏ vào buồng. đôi vai nhỏ rung lên. Bà ngoại tôi ngồi im nhìn ra cửa. Đôi mắt đục màu cùi nhãn nhoèn nước…
Dì Nguyên đi thăm quan miền Trung. Bà ngoại ở nhà cho gọi tất cả các con về, chẳng nói rõ lí do. Trai gái, dâu rể tập trung đông đủ, ánh mắt mọi người nhìn nhau, dò hỏi. Bà ngoại thong thả thắp hương lên bàn thờ, lầm rầm khấn vái. Khói hương nghi ngút. Không khí trầm mặc, linh thiêng khiến những người có mặt chẳng ai dám đùa cợt như mọi ngày kể cả chú Ba – người tếu táo nhất nhà.
Bà ngoại ngồi giữa chiếc sập gụ, tấm lưng còng trĩu xuống. Đưa mắt nhìn khắp lượt các con, bà chậm rãi:
– U cho gọi chúng mày về vì việc em Nguyên. Nó cũng chẳng còn trẻ trung gì. U đã gần đất xa trời. Anh em, đứa nào phận đứa ấy. Có anh Tú, người làng bên, nay đã nghỉ công tác trên tỉnh mấy tháng nay cứ đi lại… U cũng đã ưng rồi. Nay gọi anh em chúng mày về để các con biết. U nói trước, cấm đứa nào được câu ra câu vào… Em Nguyên khó tính, nếu có chuyện gì để nó đổi ý thì … Đầu tháng sau làm mâm cơm báo cáo với thầy chúng mày… Các con liệu thu xếp mà về…
Thế là dì Nguyên lấy chồng. Chú Tú nhiều tuổi hơn cả bác Cả tôi. Ngày cưới, mặc mọi người hồ hởi, dì Nguyên ngồi lặng trong buồng, tay ôm khư khư chiếc bình hoa cắt từ quả đạn pháo. Mắt dì nhìn vô định ra khu vườn phía sau nhà, nơi có bờ tường xây bị vỡ một mảng lớn, toang hoác như miệng vực.
Chú Tú hơn dì Nguyên gần hai mươi tuổi. Cả thời trai trẻ, chú theo đường binh nghiệp. Mải chinh chiến trong Nam, ngoài Bắc, đến lúc về hưu bà vợ lớn hơn chú ba tuổi vội vàng ra đi. Con cái đã yên bề, chú một thân trơ trọi.
Nhà ngoại tôi không ai chê chú Tú điểm gì. Hồ hởi, vồn vã, đường hoàng, chững chạc… Mọi người mừng cho dì Nguyên. Năm ấy, dì Nguyên bốn mươi lăm. Cả nhà thấp thỏm hy vọng. Có lẽ chưa bao giờ bên ngoại tôi lại mong được nghe tiếng trẻ con khóc như lúc ấy. Dường như niềm hy vọng bao giờ cũng mong manh Thi thoảng đã thấy dì Nguyên tủm tỉm cười.
Chú Tú ốm. Người chú gầy rộc. Hai mắt lờ đờ mất hết sinh khí. Tóc chú rụng như lá trút, chỉ mấy hôm mà gần hết cả đầu. Mấy người con riêng của chú lảng ra. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Chúng con trông cậy cả vào mẹ…” – chúng thẽ thọt bảo dì Nguyên như thế. Bao nhiêu vốn liếng tích luỹ gần suốt cuộc đời, dì Nguyên dốc ra chữa bệnh cho chồng. Xuôi ngược khắp các bệnh viện, da dì tái xanh như tàu lá, người mỏng manh như con ve vừa lọt xác. Chú Tú thương vợ một mực đòi về nhà. Dì giấu chú nhưng chú đã biết. Căn bệnh ung thư ấy y học còn bó tay. Chú đã ở những ngày cuối cùng…
Chú Tú nằm thoi thóp trên giường. Hơi thở phập phù… Năm người con riêng của chú đang xúm lại đòi chia tài sản. Nhoài người ra đầu giường với với… Tay chú cầm chiếc gậy giơ lên… đến lưng chừng lại tuột mất. Chiếc gậy rơi xuống nền nhà, lăn lông lốc… Chú thương dì nhưng không còn đủ sức nữa rồi. Nước mắt chú ứa ra, quai hàm bạnh, hai hàm răng nghiến chặt. Từ miệng chú, những tiếng ken két ghê người vang lên. Một cơn đau nữa lại ập đến. Chú Tú oằn người… Dì Nguyên luồn tay xuống gáy, đỡ chồng ngồi dựa vào vai mình. Bàn tay mảnh mai của dì vuốt đều trên ngực chú. Năm người con của chú lảng ra ngoài. Chúng xúm lại bên tờ giấy chi chít những con số vô tình. Trong nhà, tiếng thở của chú đều dần, người không còn co quắp nữa. Một lúc lâu sau, thuốc ngấm, chú Tú thiếp đi. Dì Nguyên bước ra ngoài, hai tay quoài ra sau gáy búi lại tóc:
– Các anh, các chị không phải rối lên như thế. Tất cả còn nguyên đấy. Hãy để ông ấy được yên trong những ngày cuối cùng này… Tôi hứa, xong việc cần làm, tôi sẽ ra đi không cần ai phải nhắc…
– Thật khó tin … Cô nói thế, anh em tôi biết thế. Ai biết trước đây bố tôi có những gì? – Người con trai cả của chú Tú vừa nói vừa nhếch mép.
– Bố các người có những gì, các người biết hơn tôi.
– Có khi bà ấy đã ngọt nhạt để bố di chúc lại cho bà ấy hết rồi… Cô con gái út đỏng đảnh.
– Cứ phải mang bản di chúc chúng ta lập này vào cho bố kí. Cầm tay bố kí vào cũng được… Nhỡ đâu mai ông ấy chết, chúng ta trắng tay…
Thằng con trai thứ ba nói vậy rồi xăm xăm lao vào phòng bệnh. Dì Nguyên đứng chắn cửa, đôi mắt thâm quầng mở to:
– Bố các người, các người còn đối xử thế, huống hồ tôi, không đẻ, không nuôi… Của nả nhà các người… Dì Nguyên lao vào, cầm cây gậy – Cút, cút hết cả đi…
Chú Tú mất rồi. Dì Nguyên lay lắt như chiếc lá cuối thu, chòng chành trước gió. Qua trăm ngày chú, dì lẳng lặng khoá cửa, về lại nhà bà ngoại. Đồ đạc mang theo, ngoài chiếc túi du lịch có thêm bức ảnh và bát hương người chồng… Dì đã ngoài năm mươi…
“Dì mệt”. Bức điện Thư gửi cho tôi chỉ có thế. Người dì khốn khổ của tôi đang nằm nhà một mình. Bỏ tất cả lại phía sau, tôi lên xe… Mưa giăng màn như vãi nước.
Bốn phía ù ù gió.
Bốn phía tả tơi mưa…