Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Chuyện của lính tây nam – Thủy Hướng Dương

Chuyện của lính tây nam – Thủy Hướng Dương

Chuyện của lính Tây Nam của tác giả Thủy Hướng Dương xuất bản đúng dịp nước bạn Campuchia kỷ niệm 32 năm ngày nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng PolPot. Tác giả thông qua nhân vật Tuấn “tròn” mà ban đầu anh là tiểu đội trưởng với nhiệm vụ tải thương để viết về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu anh dũng và hi sinh cao cả trên đất bạn Campuchia.Đây là đề tài không dễ viết nhưng với niềm tự hào, sự rung động từ sâu thẳm trái tim mình, tác giả đã trải trên từng trang sách là những ký ức về một thời chiến tranh khói lửa đầy oanh liệt và hào hùng.Độc giả đối với Chuyện của lính Tây Nam không chỉ là những cựu chiến binh, những chiến sĩ năm xưa mà còn hấp dẫn đối với hế hệ trẻ – những người được sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

Bởi qua tác phẩm, chúng ta hiểu được cái giá của sự chiến thắng. Và điều đó là bài học quý báu về lòng bao dung, sự cống hiến hết mình và sẵn sàng hi sinh vì đại nghĩa.

Về tác giả
Thuỷ Hướng Dương còn có bút danh khác là Hoa Hướng Dương, Thuỷ Tâm…
Tên thật là Vũ Thị Thanh Thuỷ, sinh ngày 1.10.1972, lớn lên tại thành phố Nam Định. Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Nghề nghiệp: Viết sách, viết báo, vẽ và dạy học.
Có nhiều bài phóng sự, ký sự, truyện ngắn, thơ, văn đã đăng trên các báo và tạp chí.

Tác phẩm đã xuất bản:
– Chúng tôi và Mig17 (truyện ký, NXB Công An Nhân Dân- 2009)
– Hãy yêu đi khi ta còn có thể (thơ, NXB Công An Nhân Dân- 2009)
– Ở trọ trần gian (in chung với Nguyễn Hồng Công- 2009)
– Chuyện của lính Tây Nam (NXB Hội Nhà Văn- 2010 & NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh- 2011)
Đánh giá
Có lẽ Thủy Hướng Dương là một người phụ nữ đã dành một tình yêu với lính rất đặc biệt tới mức hòa nhập được cảm xúc thực của người lính trong chiến tranh. Chuyện viết rất thực, nêu bật được tình hình cam go và khốc liệt của chiến trường Campuchia lúc đó. Điều mà chỉ có người lính tham chiến thật mới hiểu và viết lên những sự thật mà sách báo không dám nói như thế.

Cảm ơn Thủy Hướng Dương đã chịu khó nghe kể chuyện lính, hỏi kỹ tình tiết và viết nên được câu chuyện rất thật, rất bi hùng này của những người lính tình nguyện Campuchia một thuở.

– Vũ Chiến ( Lính tình nguyện Campuchia )

Có cảm giác chị Thủy Hướng Dương viết truyện này cứ như đã trực tiếp tham gia trong chiến tranh, từ cách thể hiện diễn biến tâm lý, tình cảm của nhân vật đến diễn biến của các trận chiến, thật khốc liệt với những mất mát đau thương. Có những đoạn khiến người đọc như đang ở trong hoàn cảnh đó, hồi hộp đến nghẹt thở rồi phải trào nước mắt vì xúc động. Chiến tranh được mô tả trần trụi khốc liệt đầy sinh động về người lính qua ngòi bút của cây viết nữ thật đáng khâm phục.

– Cung Diễm

Thủy Hướng Dương có lối viết dung dị – dung dị như đời lính. Có lẽ vì bản thân hiện thực khốc liệt cả máu, nước mắt, nụ cười, vừa mang đậm chất hùng ca vừa mang chất bi kịch đã tự thân toát lên sức hấp dẫn của nó mà không cần pha thêm một chút mắm muối, hay màu mè.

Qua câu chuyện của Tuấn “tròn”- một anh lính vận tải (rồi “có chức”) vui tính, thông minh, mê văn chương có khả năng quan sát tốt, một góc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã hiển hiện sống động. Tính khốc liệt của cuộc chiến, tình đồng đội, những chi tiết thú vị của đời lính, sự hài hước vui đùa, những trò nghịch ngợm để quên đi lằn ranh mong manh giữa sống và chết…

Đặc biệt nhiều trang viết đậm đặc những chi tiết đắt giá, xúc động của người lính, khi trung đội của Tuấn nỗ lực đánh đổi cả mạng sống của mình để đưa tử sĩ về chôn, khi Ấn sa chân vào hố chôn người của bọn Pôn Pốt hay khi 6 người bạn của Tuấn cùng hy sinh một thời điểm khi xe bò của họ trúng mìn…

… Thủy Hướng Dương đã lựa chọn một đề tài “độc”. Chủ đề quân đội không “độc”, nhưng mảng đề tài chuyên biệt trong chủ đề lớn quân đội mà chị chọn là “độc”.

– Nhà báo Việt Văn Báo Lao động)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *