“Art nude không phải là phong trào như nuôi cá, đầm tôm… mà là một thể loại khá kén tác giả, nhân vật lẫn khán giả”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên tâm sự về nude và cái công việc nhiều khi cứ phải “lén lút, úp úp mở mở với người mẫu”.
– Theo anh, ranh giới giữa ảnh nude và ảnh sex là ở đâu?
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên sinh năm 1960 tại Huế. Kỹ sư lâm nghiệp, cử nhân quản trị kinh doanh, hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế, từng được Hiệp hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ PSA xếp hạng “Who’s Who”. Thái Phiên đã đoạt 46 giải thưởng trong nước và quốc tế, ngoài ra còn có trên 300 tác phẩm khác được chọn triển lãm tại hơn 60 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Hai tác phẩm “Xuân thì” và “Lối về” được trưng bày tại Viện bảo tàng nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế Tây Ban Nha – MIF. Thái Phiên là chủ biên bộ sách “Những tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng quốc tế”, được Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế chọn đưa vào thư viện của FIAP. |
– Đó là đường ranh rất mong manh,
mà người nghệ sĩ giống như diễn viên xiếc đi trên dây vậy,
nếu chụp không khéo thì dễ gây phản cảm. Hơn nữa ảnh khỏa thân cũng ít nhiều phụ thuộc vào con mắt và cái đầu của người thưởng ngoạn. Đứng trước một tác phẩm art nude (khỏa thân nghệ thuật), người ta sẽ rung động với nhiều cảm xúc nghệ thuật, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, hướng thiện, hướng mỹ… khác xa với những khao khát dục tính khi xem ảnh sex.
– Hiện tượng các cô gái đua nhau chụp nude, theo anh, có thể coi là biểu hiện sự tự do trong tư tưởng hay gì khác?
– Art nude không phải là phong trào như nuôi cá, đầm tôm… mà là một thể loại khá kén tác giả, nhân vật lẫn khán giả, gần như là nhạc giao hưởng vậy! Các cô đua đòi là một vấn đề khác (lưu niệm), không phải cứ chụp không mặc áo quần là gọi art nude được (cho dù không phải sex). Mặt khác, nếu được các nhà quản lý văn hóa chính thức công nhận là một thể loại nghệ thuật thì cũng không phải nhà nhiếp ảnh nào cũng trở thành nghệ sĩ art nude! Nếu art nude được công bố rộng rãi, công chúng sẽ đến được với cái đẹp, tránh xa cái xấu, cũng giống như muốn diệt bớt cỏ dại thì phải trồng thật nhiều hoa vậy. Cụ thể, trong nhà tôi treo khá nhiều ảnh nude, bà xã tôi nói rằng: “Con còn nhỏ, e rằng chưa hiểu nghệ thuật”. Tôi trả lời: “Vì con còn nhỏ, nên mình cần phải treo nhiều ảnh khỏa thân nghệ thuật hơn nữa, để các con hiểu thể nào là nghệ thuật, tự nhiên chúng sẽ tránh xa những trang web xấu”.
– Nhà có con nhỏ mà anh vẫn treo ảnh nude, vậy vợ và các con anh nghĩ sao khi anh chụp nude?
– Trên đời này chắc không có bà vợ nào thích chồng mình chụp nude cả! Chẳng qua là vì thấy tôi quá đam mê và chẳng làm điều gì xấu xa nên chấp nhận thôi. Tôi treo tác phẩm của mình ở nhà, như ngầm hướng dẫn cho các con hiểu rằng đây là nghệ thuật, không có gì xấu xa. Tóm lại là tôi cứ làm việc (xử lý ảnh) một cách công khai, và các con quen dần trong môi trường nghệ thuật của ba nó. Hơn nữa, việc tôi chụp nude thì ai mà chả biết, cả gia đình vợ, bạn bè vợ, cô giáo của con tôi… cũng đều biết, nên riết rồi cũng quen.
– Sáng tác ảnh nude với tư cách là một nghệ sĩ đường hoàng, tại sao anh lại phải than thở: “Nhiều khi cảm thấy như mình là một thằng ăn trộm, chụp lén lút, úp úp mở mở với người mẫu”?
– Vâng, xã hội chưa hiểu hết công việc của người làm nghệ thuật như chúng tôi. Vả lại có quá nhiều tay lợi dụng bức rèm “ảnh nghệ thuật” để làm những việc phi nghệ thuật, trắng đen chưa phân biệt rõ, nên câu nói này là phản ánh đúng sự thật, có pha thêm chút đắng cay, cũng có thể đó là bức tranh toàn cảnh cho những nghệ sĩ đang theo đuổi thể loại ảnh nude: vừa bi thán, vừa trớ trêu, vừa bức xúc, vừa ngậm ngùi…
– Anh chọn mẫu nude như thế nào?
– Người nào yêu nghệ thuật, vượt qua được chính mình và thành trì định kiến của xã hội thì người đấy có thể làm mẫu nude. Đối tượng của tôi rất đa dạng, gồm sinh viên, họa sĩ, bàn giấy… hầu hết họ là giới trí thức, am hiểu ít nhiều về nghệ thuật và cũng có thể họ nhìn những ảnh tôi chụp trên website rồi thích chụp, thế thôi! Trước đây, tôi thường nhờ bạn bè, người quen… nhưng những năm gần đây thì các cô tự nguyện xin được làm mẫu. Giờ tôi không thiếu mẫu, chỉ sợ thiếu ý tưởng thôi. Có nhiều cô nhờ chụp rồi còn muốn trả tiền cho tôi nữa, nhưng tôi chưa lấy tiền ai bao giờ…
– Anh nhận xét ảnh của anh so với những đồng nghiệp khác thế nào?
– Ngoại trừ nghệ sĩ Trọng Thanh đã mất, và còn nhiều người khác mà tôi chưa biết thì có thể kể 4 người chụp nude thành danh, đó là nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan, Lê Quang Châu, Dương Quốc Định và tôi. Mỗi người có một góc nhìn riêng, mỗi phong cách thể hiện khác nhau. Bản thân tôi cũng không biết mình thích nhạc Trịnh hơn hay Phạm Duy, Ngô Thụy Miên hơn… Mỗi dòng nhạc đều có cái hay riêng, mọi so sánh đều khập khiễng!
– Hiện gia tài của anh có khoảng bao nhiêu tác phẩm nude và bao nhiêu cô gái từng tham gia làm mẫu cho anh?
– Tôi có khoảng 120 bức ưng ý, và đang lọc lại khoảng 70 tấm để in một cuốn sách với tựa “Xuân thì”, nếu được cấp phép thì hai tháng nữa sẽ hoàn thành. 15 năm qua, tôi đã chụp khoảng chừng 70 người mẫu. Người mẫu nhiều tuổi nhất là 45, trẻ nhất là 19.
– Hiện nay có nhiều trường hợp tung ảnh lên các diễn đàn trên Internet, gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người mẫu. Làm thế nào để họ tin tưởng độ an toàn với các tay máy chụp cho mình?
– Trước khi chụp, các cô đã nghiên cứu về tôi khá kỹ (tôi biết thế). Và tôi cũng nói trước: “Chụp là để công bố”. Đã bước vào lĩnh vực nghệ thuật này rồi, nên tôi cũng rất “giữ mình”, chứ đừng nói gì đến chuyện post ảnh bậy bạ lên mạng để hại những người đã hợp tác với mình, nên người mẫu rất tin tưởng tôi. Vả lại người làm nghệ thuật cũng rất cần có cái tâm trong sáng thì ảnh mới đẹp được. Thêm nữa, tôi cũng biết cách bảo vệ họ để cho người quen không nhận ra họ trong ảnh. Người mẫu của tôi thường không thích xuất hiện, họ (và tôi) vẫn thích có “huyền thoại” bí mật bao trùm lên tác phẩm hơn. Cũng có thể họ muốn ẩn mình đằng sau tác phẩm để lắng nghe công chúng nhận xét về họ qua bức ảnh.
– Nhiều người nói nhiếp ảnh gia chuyên chụp nude thì… “sướng” lắm. Anh nghĩ sao?
– Có bao giờ bạn ngồi trước bàn tiệc đầy sơn hào hải vị mà không được phép cầm đũa chưa? Khi sáng tác, người nghệ sĩ luôn tập trung vào ánh sáng, bố cục, khẩu độ… để thể hiện ý tưởng cho tác phẩm, còn tâm trí nào mà nghĩ đến chuyện khác? Chẳng lẽ ông bác sĩ phụ khoa cũng sướng thế sao? Những người nói với bạn như thế là vì họ chưa từng làm nghệ thuật. Trước đây, lúc tôi chưa bước vào con đường nghệ thuật thì tôi cũng nghĩ như họ vậy.
– Thế còn chuyện các ông chụp nude mà “dụ” phụ nữ thì ngọt phải biết?
– Tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, có lý luận trong sáng, tôi phải luôn minh chứng bằng những tác phẩm chứ không hẳn là chỉ dụ suông là các cô nghe theo đâu. Tác phẩm của tôi đã nói thay cho tôi điều ấy.
– Nghĩa là thay bằng dụ các cô bằng những lời dễ nghe, thì anh nói chuyện lý luận?
– Không! Tôi chỉ phân tích những điểm đẹp và chưa đẹp trong từng bức ảnh của tôi. Qua câu chuyện, họ hiểu được phần nào ý tưởng thể hiện trong tác phẩm của tôi và khi họ hiểu thì họ đồng ý… cởi!
– Với những người mẫu đẹp như thế, đã bao giờ anh bị “đốn ngã” chưa hoặc ngược lại?
– Tôi không phải gỗ đá, nhưng làm việc là làm việc, không thể nhập nhằng được. Cái nghiệp này nó thế đấy. Tôi không sợ công chúng hiểu sai, tôi chỉ ngại là vợ và các con tôi suy nghĩ mông lung thôi… Thực ra, cái tâm mà không tĩnh thì cái hồn sẽ không mỹ. Còn sở hữu ư? Có chứ! Tôi luôn muốn được sở hữu họ, muốn họ sẽ không bao giờ làm mẫu cho bất kỳ ai ngoài tôi! Cũng giống như huấn luyện viên muốn sở hữu cầu thủ chơi hay vậy.
– Nghe nói anh thường phải đi tìm phòng ở… hotel để chụp. Thực hư ra sao?
– Tôi không có phòng chụp riêng, nên nhiều khi chúng tôi cũng phải mang đồ nghề lỉnh kỉnh vào khách sạn để kết hợp với ánh sáng cửa sổ và ánh sáng đèn, chứ biết đi đâu bây giờ? Nếu đi chụp ngoại cảnh thì khó hơn vì phải tìm nơi chụp phù hợp và an toàn, ví như không thể đưa người mẫu ra ngoài chợ Bến Thành mà chụp được. Hơn nữa còn phải lệ thuộc vào bối cảnh, thời tiết, ánh sáng (mây che, nắng gắt). Chúng tôi phải làm việc vất vả hơn, nguy hiểm hơn, bù lại được những bức ảnh ưng ý và thăng hoa hơn.
– Một sự thực là photoshop có thể làm ảnh xấu thành đẹp. Theo anh, photoshop quyết định khoảng bao nhiêu phần trăm thành công của ảnh?
– Rất nhiều người cho việc sử dụng photoshop là không nghệ thuật. Điều đó không đúng. Photoshop chỉ là công cụ, người sử dụng công cụ ấy mới đáng để nói. Ngày xưa các cụ vào phòng tối để xử lý ảnh, ngày nay chúng ta cũng xử lý ảnh với phòng sáng (computer). Đó là công việc hậu kỳ của tất cả các nhà nhiếp ảnh. Tóm lại dù cày bằng trâu hay máy cày thì sản phẩm vẫn là lúa gạo, không nên hiểu sai về photoshop. Tôi thường chỉnh sửa khoảng 10% qua photoshop. Tất nhiên có những bức ảnh với những ý tưởng siêu thực thì phải nhờ photoshop mới thể hiện được ý tưởng bay bổng của nhà nhiếp ảnh (đó là một thể loại riêng nữa), nhưng nhà nhiếp ảnh phải luôn làm chủ ý tưởng, làm chủ… photoshop, chứ không nên lạm dụng, lệ thuộc nó để rồi cho ra đời những bức ảnh… quái thai!
(Theo Tin tức Online)