Lê Minh Sơn: Dân gian đương đại cần khát vọng thể hiện
cái tôi Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố là nhạc sĩ Lê Minh Châu. Mới 5 tuổi, Lê Minh Sơn đã say mê cây đàn guitar, đến năm 8 tuổi thì chính thức vào Nhạc viện Hà Nội. Trước khi nổi tiếng với những ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca, người yêu nhạc đã biết đến một solist guitar Lê Minh Sơn với khả năng diễn tấu suất xắc nhiều thể loại, từ classic đến pop, jazz, đặc biệt là âm nhạc dân gian các nước theo phong cách flamenco.
Năm 2003 đánh dấu bước ngặt quan trọng trong sự nghiệp của Lê Minh Sơn khi hàng loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian của anh được Tùng Dương và Ngọc Khuê thể hiện hết sức thành công trong chương trình “Sao Mai Điểm Hẹn” tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc dân gian đương đại.
Khác với các nhạc sĩ đi trước, Lê Minh Sơn khai thác chất liệu dân gian theo phong cách mới bằng sự pha trộn khéo léo giữa những tiết tấu đặc trưng của latin, flamenco vào sắc thái của dân ca đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là những nét mềm mại, lả lơi, trữ tình của chèo.
Người ta yêu mến gọi Lê Minh Sơn là “gã quê mùa viết nhạc” bởi đến với âm nhạc của anh, người nghe như được trở về với những kí ức ngọt ngào, bình dị chốn thôn quê. Nơi đó là giếng nước, bờ ao (bên bờ ao nhà mình), là đêm hội sân đình, là lưng còng dáng mẹ, nơi đó có những xao xuyến của mối tình đầu thơ dại, của những buổi chiều đi bên em bắt chim sâu (Ôi quê tôi).
Vẫn là chất dân gian đương đại nhưng đâu đó trong những sáng tác của anh người ta bắt gặp nỗi cô đơn khắc khoải (Gió mùa về), niềm trăn trở trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường lên đời sống thôn quê (À í a)
Cuộc hội ngộ của Lê Minh Sơn với nữ hoàng nhạc nhẹ Thanh Lam đã đánh dấu một chặng đường mới trong sự nghiệp của cả hai người. Một Thanh Lam luôn tràn đầy năng lượng kết hợp với một Lê Minh Sơn đang ở vào độ “chín” của tài năng.
Âm nhạc của Lê Minh Sơn thời kỳ này vẫn giữ được sự tinh tế và khéo léo trong việc sử dụng những chất liệu dân gian nhưng cảm xúc đã có sự tiết chế, không tung tăng bay bổng mà sâu lắng hơn, tinh tế hơn. Đó chính là chất xúc tác mạnh mẽ làm bùng lên nguồn năng lượng của Thanh Lam sau một khoảng lặng dài.
35 tuổi đời, hơn 25 năm gắn bó với âm nhạc, vẫn được coi là một nhạc sĩ trẻ nhưng Lê Minh Sơn đã kịp xây dựng cho mình một hành trang âm nhạc dày dặn gồm 11 album, 7 liveshow cùng nhiều ca khúc được khán giả cả nước yêu mến. Chừng đó đủ để “gã quê mùa tài hoa” tự tin bước trên con đường âm nhạc của riêng mình.
Con Đường Âm Nhạc tháng 7 với sự phối hợp tổ chức của ban văn nghệ đài truyền hình Việt Nam, Eurowindow và Melinh Plaza cùng những ca sĩ đã từng góp mặt trên mỗi chặng đường âm nhạc của Lê Minh Sơn như NSƯT Thanh Lam, Trọng Tấn, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Khánh Linh… 120 phút chương trình sẽ đưa người yêu nhạc đến gần hơn với nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng những câu chuyện về cuộc đời và những cuộc hành trình trên chặng đường âm nhạc của anh.
Là một trong những tác giả nổi bật với những ca khúc dân gian đương đại được nhiều khán giả yêu mến, Lê Minh Sơn chính là cái tên được nhiều người nghĩ tới đầu tiên khi nhắc tới dòng nhạc này trên sân khấu BHV.
Chia sẻ về việc “thưa” về số lượng cũng như “vắng” những ca khúc dân gian đương đại nổi bật trên sân khấu Bài hát Việt hai năm qua, Lê Minh Sơn cho rằng: “Rất khó để có thể tìm ra một ca khúc hay. Điều này đồng nghĩa với việc tìm ra một bài hát đi vào lòng người là chuyện không hề dễ dàng. Các tác phẩm vẫn có, vẫn xuất hiện nhưng không nhiều tác phẩm gây được tiếng vang, chưa đủ độ thuyết phục với người nghe.Hơn nữa để có một tác giả theo một dòng nhạc nào đó, vấn đề không phải là nằm ở một bài, hai bài hát. Nó phải là sự xâu chuỗi của hàng chục ca khúc, xoay quanh một chủ đề, một phong cách. Chính vì thế, việc kiên nhẫn chờ đợi là điều cần thiết”
– Vậy theo anh đâu là lý do cho sự thưa vắng này?
– Tôi nghĩ vấn đề là nằm ở tài năng mà thôi. Người viết dân gian đương đại cần có tư duy thẩm mỹ và cái vốn trời cho. Hơn nữa, đó cũng phải là người có khát vọng thể hiện cái tôi Việt Nam và thoát khỏi sự ảnh hưởng quá lớn của nhạc nước ngoài.
NS Lê Minh Sơn và ca sỹ Trọng Tấn trên sân khấu BHV với ca khúc À í a
– Bản thân anh, anh đã thấy mình thoát khỏi sự ảnh hưởng đó chưa?
– Nếu tôi không thoát khỏi những ảnh hưởng đó thì làm sao có một cái tên Lê Minh Sơn như bây giờ, với hàng chục bài hát như Chuồn chuồn ớt, Bên bờ anh nhà mình, Cặp ba lá…
– Theo quan điểm của anh, một người viết dân gian đương đại cần những gì?
– Bạn phải là người đương đại, tâm hồn phải đương đại thì mới có thể khai thác dân gian được. Đi theo dòng nhạc này, nếu không đủ sức mạnh thì rất dễ dàng bị dân gian nhấn mình hay dễ dàng lạc lối, mất phương hướng. Nếu anh viết không thuyết phục, thì người ta bật tuồng, chèo, cải lương lên nghe, việc gì phải nghe bản “nhái” làm gì?
– Đúng là phải có sức mạnh nhưng anh lấy sức mạnh đó ở đâu ra?
– Đó là sức mạnh của nội lực. Nó thuộc về 99% rèn luyện và 1% của vốn trời cho. Nhưng tôi nhấn mạnh là nếu có 99% rèn luyện mà không có 1% nhỏ bé ấy thì cũng bỏ đi. Tất nhiên, không thể có điều gì mà không rèn luyện cả.
Hơn nữa, điều tôi muốn nhắc lại là để có một tác giả không chỉ cần một ca khúc hay một phút lóe sáng. Nó phải là một quá trình với nhiều ca khúc có chủ đề, phong cách và tư duy thẩm mỹ riêng.
21h ngày 19/7, Gala Bài hát Việt số 2 sẽ diễn ra tại nhà hát Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh – một gala đặc biệt với sự hội tụ của 16 ca khúc thuộc thể loại Pop và Dân gian đương đại. 16 ca khúc này đều là những ca khúc đã tạo được những dấu ấn nhất định sau khi xuất hiện trên sân khấu Bài hát Việt trong những năm qua.