Home > Contend > Phê bình lý luận > Mật mã Tây tạng: cuốn sách phá kỉ lục bị in lậu nhanh nhất

Mật mã Tây tạng: cuốn sách phá kỉ lục bị in lậu nhanh nhất

Tập cuối của xê-ri lừng danh Mật mã Tây Tạng – đại kết cục được mong chờ suốt 3 năm đã bị in lậu trong vòng 2 ngày. Theo lời ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Nhã Nam – đơn vị xuất bản cuốn sách – đây có thể coi là một kỷ lục đáng buồn.

Câu chuyện về sự hoành hành của sách lậu và sự phẫn nộ của các đơn vị xuất bản không còn là chủ đề xa lạ trên các mặt báo. Điều đáng buồn là ở chỗ, ngay sau hội thảo “Chống in lậu và sách giả” do Chi cục quản lý thị trường Hà Nội tổ chức sáng ngày 13/11 vừa qua, những bản sách lậu của Mật mã Tây Tạng – một trong số những tác phẩm thu hút sự chú ý nhất hiện nay đã ngang nhiên được bày bán trên các lề đường, vỉa hè.

 

Thông thường, thời gian để một cuốn sách thuộc dạng best-seller bị in lậu sau khi phát hành rộng rãi trên thị trường là một tuần. Trường hợp Mật mã Tây Tạng có thể coi là sách lậu gần như ngay lập tức “bắt kịp” sách thật – một “kỷ lục” đáng buồn. Chính thức phát hành trên toàn quốc ngày 10/11, chỉ đến trưa 12/11,sách giả của tập 10 Mật mã Tây Tạng đã xuất hiện. Trong khi quá trình dịch, xin giấy phép, biên tập, in ấn của tập sách này kéo dài hơn nửa năm, thì bản in lậu ra đời trong vòng có 2 ngày.

Mật mã Tây Tạng 10 chia làm 2 tập. Bìa sách giả (bên trái) dễ bị cong, giấy mỏng, không có tay gấp, in sai màu. Sách thật (bên phải) bìa cứng cáp, phẳng, có tay gấp. Đặc biệt, ở bản lậu, tập 10.2 chữ Mật mã Tây Tạng in màu đỏ, còn chữ Mật mã Tây Tạng sách thật in màu trắng.

Điều này cũng không khó giải thích, bởi Mật mã Tây Tạng có thể coi là bộ sách ăn khách nhất hiện nay. Sau sự thành công của 9 tập trước, tập 10 đã được ngóng đợi trên thị trường từ rất lâu. Chính sức nóng của tác phẩm này đã khiến những cơ sở in lậu coi thường pháp luật, bỏ qua chất lượng và nội dung sách để chạy theo tốc độ hòng kiếm lợi nhuận.

Không chỉ được thực hiện một cách hết sức sơ sài về hình thức: in trên giấy chất lượng kém, dễ nhàu nát và không có tay gấp, sách giả còn ghi giá bìa cao hơn thực tế (100.000 trong khi giá bìa sách thật là 90.000). Như vậy, độc giả mua sách lậu cũng không hề rẻ hơn sách thật.

Sách lậu đội giá cao hơn hẳn sách thật. Sách giả ghi giá bìa 100.000, trong khi sách thật chỉ có 90.000.

Dịch giả Lục Hương, người chuyển ngữ bộ sách Mật mã Tây Tạng – đồng thời là dịch giả của bộ tiểu thuyết lừng danh 1Q84 (Haruki Murakami) – chia sẻ: “Có lần một độc giả từ Bắc Ninh sang, cầm theo 7 tập để tôi ký tặng, thì hóa ra cả 7 tập đều là sách giả, anh ta nói ở quê nhà anh ta chỉ toàn sách này thôi. Hy vọng các cơ quan chức năng hỗ trợ cho các đơn vị làm sách trong việc kiểm soát sách giả”. Anh bày tỏ sự bức xúc khi thấy thành quả lao động của mình xuất hiện dưới dạng những bản in lậu kém chất lượng. Chưa kể đến ebook lậu, nhất là khi số thành viên tự nguyện tham gia gõ vi tính đưa lên mạng ngày càng đông.

Sáng ngày 13/11 vừa qua, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã mở cuộc hội thảo “Chống in lậu và sách giả” nhằm đưa ra những biện pháp ngăn chặn, giảm bớt thực trạng in lậu sách đang nhức nhối hiện nay. In lậu sách, không chỉ làm thiệt hại doanh thu của đơn vị phát hành mà còn là hành động vi phạm pháp luật và quyền sở hữu trí tuệ; nguy hiểm hơn nữa, sách lậu còn ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa đọc của cả một thế hệ độc giả.

Chuyện Văn Chương

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *