Home > Contend > Trang văn > Di sản văn học > Thạch Lam – Nhà văn của 36 phố phường

Thạch Lam – Nhà văn của 36 phố phường

Thạch Lam là một trong những nhà văn chiếm được nhiều cảm tình của người đọc. Các tác phẩm văn chương của ông tuy ít nhưng có giá trị nghệ thuật cao nên ông vẫn đứng vào hàng ngũ các nhà văn lớn của nền văn chương cận đại Việt Nam.

 
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, ông sinh ngày 7/7/1910, tại Hà Nội, trong một gia đình công chức, gốc quan lại.
 
Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại, sau đó theo cha chuyển sang Thái Bình

và tiếp tục học tiểu học.
Lớn lên, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội. 
 
Sau khi đỗ bằng Thành chung năm 1927 và học một năm ở Trường Canh nông, Thạch Lam xin vào học ở Trường Albert Saraut – trường dành riêng cho con em Tây và các gia đình quan lại, giàu có. Năm 1931, Thạch Lam đỗ bằng Tú tài phần thứ nhất. Sau đó ông theo anh trai là Hoàng Đạo vào Sài Gòn và bắt đầu viết văn, làm báo.
 
Năm 1933, Thạch Lam lập gia đình và về ở trong một căn nhà đơn sơ nhưng ấm cúng tại làng Yên Phụ.
 
Cũng trong năm này, anh trai Thạch Lam là Nhất Linh thành lập nhóm “Tự lực văn đoàn.” Thạch Lam cùng Hoàng Đạo tham gia nhóm này. Tự lực văn đoàn là một nhóm thanh niên trí thức gồm bảy người: Nhất Linh (tức Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (là Trần Khánh Dư), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu).
 
Tham gia Tự lực văn đoàn, nhưng khác với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Khái Hưng, Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với hiện thực và tình cảm nghiêng về người nghèo. Trong bài giới thiệu tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” được xuất bản trước Cách mạng tháng Tám, Thạch Lam viết:
 
“Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.” Đó có thể coi là Tuyên ngôn văn học của Thạch Lam. Quả thật, trong toàn bộ gia tài sáng tạo của ông, hầu như không một trang viết nào lại không thắm đượm tinh thần đó. 
 
Được coi là một trong những cây bút chính của nhóm Tự Lực văn đoàn, song trước sau văn phong Thạch Lam vẫn chảy riêng biệt một dòng. Đề tài quen thuộc của nhóm Tự Lực văn đoàn là những cảnh sống được thi vị hóa, những mơ ước thoát ly mang mầu sắc cải lương, là những phản kháng yếu ớt trước sự trói buộc của đạo đức phong kiến diễn ra trong các gia đình quyền quý. 
 
Thạch Lam, trái lại, đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Khung cảnh thường thấy trong truyện ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với một bầu trời ảm đạm, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng … 
 
Trong khung cảnh ấy, các nhân vật cũng hiện lên với cái vẻ heo hút, ảm đạm của số kiếp lầm than – đó là mẹ Lê, người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ Đoàn Thôn; là bác Dư phu xe ở phố Hàng Bột; là Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng ngoại ô; là cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn.
 
Tất cả những cảnh, những người ấy đều được mô tả bằng một số đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực. Tác phẩm của Thạch Lam vì thế có nhiều yếu tố hiện thực, tuy nhân vật không dữ dội như Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao, hay bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố… Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam chính là ở lòng nhân ái và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông. 
 
Nhân vật của Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam. Thạch Lam đôi khi còn đặt nhân vật của mình vào vùng ranh giới tranh chấp giữa cái thiện và cái ác, để rồi tự bản thân con người bằng việc thức tỉnh của lương tri, của phẩm giá, xác lập chỗ đứng tốt đẹp cho mình trong cuộc sống đầy bùn nhơ của xã hội cũ. Đó là trường hợp của nhân vật Thanh trong truyện ngắn “Một cơn giận” hoặc Thành trong truyện ngắn “Sợi tóc.”
 
Sáng tác của Thạch Lam rất gần với văn học hiện thực phê phán và phản ánh sự phân hóa theo hướng tiến bộ của văn xuôi lãng mạn thời kỳ Mặt trận dân chủ. Tuy nhiên, do chưa thật hiểu biết sâu sắc về đời sống nhân dân lao động, tình cảm trong tác phẩm của ông chân thành song còn trừu tượng.
 
Thạch Lam có sở trường viết truyện ngắn. Văn phong của ông giản dị, trong sáng, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm trầm. Nhiều người cho rằng ông là người đầu tiên biết khai thác chất thơ trong đời sống hàng ngày. Truyện của Thạch Lam xa lạ với mọi thứ hấp dẫn bề ngoài, nhiều truyện dường như không có cốt truyện song vẫn có sức lôi cuốn riêng. Ông là cây bút có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể loại văn xuôi trong văn học Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Các tác phẩm chính của Thạch Lam như tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” được xuất bản vào năm 1937; “Nắng trong vườn”, xuất bản vào năm 1938; “Sợi tóc”, 1942; truyện dài “Ngày mới”, xuất bản vào năm 1939; bình luận văn học “Theo giòng”, 1941; bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường”, 1943… Hầu hết sáng tác của ông được đăng báo trước khi in thành sách.
 
Thạch Lam mất ngày 27/6/1942 vì căn bệnh lao phổi, năm ông 32 tuổi./.
 
 
 
(TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *