Nhà thơ: Nguyễn Đình Vinh
Phó chủ tịch CLB thơ liên tỉnh Song Hà
Như một món quà kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tuyển tập thơ ” Song Hà” – Tập I – NXB lao động ấn hành năm 2010 là tiếng nói chung của rất nhiều người con yêu thơ từ những mảnh đất hiền hòa, nơi vốn là xứ Đoài, xứ Đông của kinh thành nghìn năm đô hội, nay quy tụ lại mừng thủ đô thân yêu tròn nghìn năm tuổi. Với gần 300 bài thơ (273) bài của 76 Tác giả ở nhiều lứa tuổi, hầu hết đã ngoại lục tuần thì đây là một con số không phải giản đơn để có được. Nó là những gì chắt lọc trong vô vàn cảm xúc, suy tư của người viết là sự cân nhắc, xếp đặt ngôn từ để làm nên tập thơ này.
Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Chính vì điều đó nên đánh giá một tác phẩm thơ không phải là điều đơn giản. Trong sự chân thành của người đọc hôm nay, cho phép được đón nhận tập thơ dưới góc độ một người đọc với tất cả những người cầm bút, nhất là đối với các tác giả thơ, một trong những loại hình tinh túy nhất trong vô vàn những thể loại của nghệ thuật ngôn từ.
Đúng như tên tập thơ đã thể hiện, “Song Hà” Tuyển thơ nhiều tác giả, là tiếng nói, là cung bậc, là lời tri ân của tất cả các tác giả góp mặt trong tập thơ này đối với mảnh đất quê hương với kinh thành cổ kính xưa và thủ đô hiện đại bây giờ. Xuất phát điểm nhìn ấy, có thể thấy rất rõ trong tập thơ là dù viết dưới dạng thức nào thì điều cơ bản nhất đề tài tập trung xuyên suốt tập thơ chính là tấm lòng của các tác giả đối với nơi mình sinh ra và họ đã chọn để gắn bó suốt cuộc đời. Người đọc có thể nhận ra, chất chứa trong từng câu chữ là sự gắn bó da diết với quê hương( Hà Tây, Hà Đông, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, những cái tên thân thuộc nằm trong vòng ôm của những con sông tạo nên một điểm nhấn chung hội tụ lại ở Song Hà. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho hơn hai trăm bảy mươi bài có rất nhiều bài viết về quê về tình cảm với người thân yêu, ruột thịt, những cái tên thật dễ nhớ : “Tình mẹ” ” Quê hương” “Quê tôi” “Hội làng” ” Xuân quê”, ” Gái xứ Đoài”… Các tác giả mang đến một liên khúc về những gì thân thuộc nhất, tất cả đọng lại trong hai chữ “Quê hương” Những mảnh đất gắn trong hai từ dung dị ấy đi vào thơ trở thành dấu ấn dẫu những gì đọng lại hôm nay với những gì gắn với xa xưa không còn nhiều, nhưng nó trở thành cái nôi dung dưỡng tâm hồn của các tác giả trong tập thơ này.
Đọc thơ Song Hà chúng ta bắt gặp rất nhiều thế hệ người viết có những người đã trở nên nhớ mặt quen tên với bạn đọc như Hoài Nguyên, Nguyễn Đình Vinh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Hữu Xim, Nguyễn Đình Quỳnh… Cũng có những người mới bước chân vào thi đàn, có người sinh ra trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, cũng có những người mảnh đất này chẳng sinh ra ta, nhưng tất cả họ Thăng Long – Hà Nội trở thành mảnh đất có mối ràng buộc da diết và chính những bài thơ viết về mảnh đất hào hoa này đã đem đến nhiều điểm nhấn nhất, đem đến nét chạm khắc ám ảnh với người đọc thơ Song Hà hôm nay. Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay dần hiện lên trong tập thơ với tứ mùa; Trong sắc xanh của mùa xuân, nét rực rỡ lúc vào hạ, vẻ dịu dàng man mác của buổi vào thu và cả cái ủ ê trĩu nặng khi đông tới, có sắc màu có hình hài, có hương vị có địa danh cụ thể và có cả những gì vu vơ trừu tượng, nhưng thật dễ nhớ khó quên, chính điều này đã khẳng định dẫu những vần thơ viết chưa thật nhuần nhuyễn, dẫu còn đôi câu khiến người đọc kỹ tính còn chưa dễ chấp nhận thì những gì xuất phát từ tấm lòng, từ tình cảm của người yêu thơ Song Hà, cũng dễ khiến nhận ra cái chất riêng trong những bài thơ ấy. Đọc tập thơ ta thấy hai phần ba số tác giả góp mặt trong tập thơ viết về Thủ đô yêu dấu. Qua những câu thơ mộc mạc chúng ta có thể nhận ra bóng dáng của mảnh đất rồng thiêng với những địa danh như hồ Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Tây Hồ, Phúc Xá, những con phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đào… lô xô mái ngói cổ kính rêu phong với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa uy nghi lịch sử, Hà Nội ngày nay cũng hiện ra cụ thể với những con đường tấp nập rộn rã người xe, bao công trình vươn cao ngang tầm thời đại, cùng những hình ảnh nắng lên chiều xuống bên dòng sông Hồng Hà cuộn đỏ, những sự tích và những chiến công hiển hách đã trải qua… Tất cả hiện ra trước mắt chúng ta một không gian vừa cụ thể vừa huyền ảo hiện về những dấu mốc, những tháng năm và cả sự hiện hữu của bao kiếp người gắn bó với mảnh đất linh thiêng này.
Cũng xuất phát từ những không gian ấy, thơ Song Hà trong tuyển tập đã giúp người đọc có điều kiện phát hiện thêm nhiều góc độ, ý nghĩa của hiện thực cuộc sống và sự hiện hữu của chính mình ở nhiều cấp độ với vô vàn tâm thế khác nhau.
Thơ bao giờ cũng phải dựa vào nội tâm cảm xúc. Dù viết ở kiểu cách gì, cách tân ra sao thì khi rời xa cảm xúc thơ chỉ còn cái xác không hồn. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhắc nhở những nhà thơ trẻ ” Quy luật lớn của nhà thơ là nội tâm” Dù xuất phát từ thời gian không gian gì, thơ cũng phải dựa vào hiện thực cuộc sống của những vùng quê tề tựu dưới cái tên chung ” Song Hà” trước đây và ngày nay ngấm vào giác quan của từng tác giả, chất chứa qua từng con chữ, hiện ra trong tập thơ khắc sâu trong tâm thức người đọc. Điều đó bộc lộ trong bề sâu nội tâm của từng tác giả cộng hưởng suy ngẫm cá nhân nên càng trở nên sâu sắc.
Bên cạnh chủ đề về Thăng Long – Hà Nội về Đảng, Bác kính yêu về quê hương yêu quý về những gì thân thương da diết, người đọc còn nhận ra trong tập rất nhiều bài thơ ẩn chứa chất chữ tình thế sự, từ những nỗi niềm trăn trở của đời tư, từ dòng chảy với bao hồi ức về mẹ, về quê, về những gì thân thương nhất với mình và còn vô vàn những bài thơ khác. Đó cũng là mảng thể hiện rõ nỗi niềm của người viết với cuộc sống để làm nên nét trữ tình của tác phẩm chung này. Đây cũng là mảng thơ trĩu nặng tâm tư của các tác giả khi hầu hết họ đều đã đi qua cái tuổi không còn trẻ nữa, bao thăng biến dâu bể cuộc đời đã cho họ rất nhiều trải nghiệm để như con tằm rút ruột nhả tơ tiếp tục dâng hiến cho đời.
Cùng những cảm xúc trước hiện thực, yếu tố văn hóa và triết lý cùng với cách tư duy và cách thưởng thức, cảm nhận thực tại làm hiện lên trong mỗi người viết những khát vọng sống với bao giá trị mới. Cuộc sống với lẽ công bằng, lòng thủy chung, ân nghĩa được chắt chiu hòa vào yếu tố văn hóa làm cái gốc nâng con người lên, làm cho họ tốt hơn, biết hy sinh cho lẽ phải, đồng thời biết phẫn lộ trước những cái xấu, bằng cách của riêng mình mỗi tác giả đều thể hiện những tâm tư cháy bỏng của mình.
Sẽ là thiếu sót nếu giới thiệu tập thơ Song Hà lại không điểm đến một mảng thơ không kém phần đặc sắc của các tác giả đó là thơ tình, Dẫu vẫn biết không còn trẻ, vậy mà đọc thơ tình của họ người đọc vẫn xốn sang, không dữ dội như lứa tuổi mười tám đôi mươi, thơ tình trong tập là những trải nghiệm, những vầng than ngun ngút cháy của những gốc cổ thụ vẫn tràn trề ăm ắp cac cung bậc của tình yêu, vẫn đấy những nhớ cùng mong, những thương mến, giận hờn, những khắc khoải mà vẫn ngọt ngào, thủ thỉ. Tất cả những nội dung ấy được gửi gắm trong rất nhiều những biện pháp tu từ, có nhạc điệu và vần nhịp. Trong tập thơ người đọc dễ nhận ra nhiều tác giả trung thành trong các thể thơ lục bát, năm chữ, tám chữ, cũng có những tác giả tự làm mới mình bằng thể thơ tự do, nhưng phần nhiều chưa có gì đáng kể trong hình thức sáng tạo.
Với khoảng thời gian có hạn xin không có ý định ngợi ca mà chỉ đón nhận tập thơ với tâm thế của một người đọc với những gì gắn bó với vùng đất nơi tôi và các bạn đang sống với bao bộn bề của thực tại đang từng ngày diễn ra trước mắt mình, dẫu không nêu hết tên các tác giả góp mặt trong tập thơ này thì trăn trở, da diết, nồng nàn, đau đáu… là những từ có thể dùng để chỉ tâm trạng chung của các tác giả trong tuyển tập thơ Song Hà trước thế sự cuộc đời gửi gắm qua từng con chữ.
Dẫu chưa được những gì như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một cuộc trò chuyện về thơ đã từng ao ước ” Thơ phải lấp lánh trong suốt như thủy tinh, rắn chắc và dễ vỡ như thủy tinh, mịn màng và buốt sắc như thủy tinh để qua đó, người ta có thể nhìn tận đáy nội tâm phong phú và khát vọng vô cùng của con người” thì vẫn có thể khẳng định tất cả những nét riêng của từng tác giả trong tập thơ đã hòa tấu bổ xung cho nhau, tạo nên nét đẹp, ghi dấu ấn vào lòng bạn đọc, chỉ tiếc giá như thao tác kỹ thuật khi xuất bản được kỹ càng, giá như những lỗi morat đáng tiếc không đáng có, đôi chỗ chỉ vì lỗi kỹ thuật mà có thể khiến người đọc hiểu sai cả ý tứ của câu thơ thì tuyển tập thơ Song Hà sẽ tròn trịa hơn rất nhiều
Thơ ca vốn ý tại ngôn ngoại, nay không mạn đàm đánh giá tập thơ hay hay không hay, điều đó dành riêng cho mỗi người đọc cảm nhận bởi với cái không cùng của ý, cái vô tận của tứ, gói trong cái hữu hạn của lời, riêng với thơ thật khó xác định bài thơ, câu thơ, tập thơ ấy là hay hay dở. Với người này là hay nhưng với người khác điều đó cần phải bàn lại. Thơ là sản phẩm của cảm xúc cá nhân. Thiển nghĩ chỉ cần tìm thấy một chút mình trong mênh mông cái ta của mỗi câu mỗi bài mỗi tập, điều đó là quá thành công.
Raxum Gan Zatop đã từng nói ” Các vị tướng lĩnh, nhà thơ và nghệ sĩ là tấm hộ chiếu của mỗi dân tộc” riêng với những mảnh đất tề tựu trong vòng ôm của Song Hà thì tuyển tập hôm nay cũng là thành tố làm nên tấm hộ chiếu ấy, Xin trân trọng giới thiệu.
Hải Dương 18/12/2010