Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (tên thánh là Pierre Francois) sinh ngày 22/09/1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới) con của ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy.
Gia đình Trí có 6 anh chị em (4 trai 2 gái) và đều được học hành tử tế cho đến trước lúc thân phụ mất sớm tại Huế vào năm 1926.
Anh cả là Nguyễn Bá Nhân, 2 chị gái là Như Lễ, Như Nghĩa, Trí là con thứ 4 và sau là 2 em trai Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu.
Sau khi cha mất, gánh nặng gia đình đặt cả lên đôi vai người mẹ hiền thục, đảm đang và dồn hết yêu thương cho các con. Bà đem theo gia đình vào Quy Nhơn ở với người con trai cả để các con được tiếp tục theo học. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1930 Trí phải thôi học về Quy Nhơn giúp đỡ mẹ và các em. Trong thời gian chưa tìm được việc Trí tạm ở nhà đọc sách, làm thơ.
Tài thơ ở Trí xuất hiện từ khá sớm và người anh cả Bá Nhân có lẽ là người đã dìu dắt tận tình cho Trí cả trong đời và trong thơ.
Vốn người gầy yếu, hiền lành như con gái, Trí vẫn bị các bạn gọi là “thằng nghiện sách”. Điều tôi muốn nói trong bài này là cuộc đời của con người “tài hoa mệnh bạc” này là một chuỗi ngày đau buồn mong manh và vật vã. Cơn bạo bệnh đến với Trí khi trái tim người thanh niên nho nhã này mới bắt đầu chớm yêu. 28 năm trên dương thế Trí buồn vì hoàn cảnh gia đình, đau đớn vì bệnh tật và tuyệt vọng vì tình yêu.
Mối tình đầu lãng mạn của Trí là với cô hàng xóm đài các Hoàng Thị Kim Cúc (cùng ở phố Khải Định – Quy Nhơn). Là con gái Huế, Hoàng Cúc theo cha vào Quy Nhơn từ nhỏ, nàng giữ được vẽ dịu dàng, kín đáo rất kiêu sa. Vốn ở gần nhà nhau nhưng hai người vẫn cách xa nhau như 2 thế giới hoàn toàn cách biệt bởi “Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng” (Thư của Hoàng Cúc gửi cho Quách Tấn ngày 15/04/1971). Giai nhân đầu tiên này thoáng qua cuộc đời thi nhân đủ làm cho chàng ngẩn ngơ, mơ tưởng nhưng tiếc thay đó chỉ là một tình yêu âm thầm, lặng lẽ dường như đơn phương.
Mối tình vô vọng đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Mặc Tử bỏ Sở đạc điền Quy Nhơn vào Sài Gòn làm báo. Sau gần 1 năm chàng trở lại Quy Nhơn, mối tình với Hoàng Cúc lại nồng nàn hơn nhưng cũng vẫn chỉ là một thứ tình cảm chôn chặt trong đáy tâm hồn. Thế rồi Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử coi như nàng đi lấy chồng. Thi sĩ đau khổ vì mối tình tuyệt vọng và vẫn hy vọng có ngày gặp lại Hoàng Cúc ở Huế. Sau đó Hàn mang tập Gái quê ra Huế nhưng chỉ đứng trước cổng nhà Hoàng Cúc hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi. Mùa hè năm 1939, Hoàng Tùng Ngâm viết thư về Huế cho Hoàng Cúc biết Tử mắc bệnh nan y, khuyên Cúc viết thư an ủi 1 tâm hồn trong trắng nhưng bất hạnh. Thay vì viết thư thăm hỏi, Cúc đã gửi cho Tử một bức ảnh phong cảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Phía sau tấm ảnh là lời hỏi thăm sức khoẻ. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ra đời từ xuất xứ đó. Đây là lần đầu tiên Hàn Mặc Tử được trực tiếp thổ lộ mối tình với Hoàng Cúc – một tình cảm đẹp, trong sáng nhưng buồn và thoáng chút hoài nghi.
Giai nhân thứ hai và là mối tình da diết nhất trong cuộc đời tình ái của Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm và chính mối tình này sau đó đã để lại một nỗi đau khôn nguôi trong tâm hồn thi sĩ.
Mộng Cầm tên thật là Nghệ, là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu ruột. Mộng Cầm làm thơ khá sớm, năm 17 tuổi lúc đang học trường Nam Phan Thiết đã có thơ đăng trên báo Công luận. Hai người đã có thư từ trao đổi với nhau về chuyện văn thơ suốt 5, 6 tháng khi Hàn Mặc Tử đang làm ở Sở đạc điền Quy Nhơn. Khi đã vào Sài Gòn làm báo, Hàn Mặc Tử vẫn tìm địa chỉ của Mộng Cầm. Hàn nhiều lần đi xe lửa đến Phan Thiết tìm gặp Mộng Cầm và mối tình đẹp đẽ ấy kéo dài được gần 2 năm trời. Hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp đẽ thơ mộng ở Mũi Né nơi Mộng Cầm đang học nghề thuốc, ở Lầu Ông Hoàng những đêm trăng huyền ảo. Mối tình ngọt ngào được thi sĩ ghi lại trong nhiều bài thơ. Và chính Mộng Cầm cũng có nhiều vần thơ đẹp về cuộc tình này. Hạnh phúc ngập tràn khi chính Tử nghe Mộng Cầm thổ lộ tình cảm nồng nàn với mình khi nàng viết thư chia buồn với Tử về cái chết của anh trai Bá Nhân, chính Mộng Cầm đã nói nàng sẽ là “em dâu” của người đã mất. Mộng Cầm đã cho Tử những tháng ngày hạnh phúc, những đêm ngày hy vọng, nhưng cũng chính Mộng Cầm đã gây cho Tử một nỗi tuyệt vọng đến bầm gan. Nàng đã quên lời thề dưới trăng. Nàng sang ngang khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh chưa đầy 1 năm. Việc Mộng Cầm đi lấy chồng chưa trách vội, nhưng điều đáng trách là nàng đã “từ chối một sự thật của lòng mình” và tuyệt giao hẳn với Hàn Mặc Tử khi chàng lâm vào cảnh bất hạnh. Cái tin Mộng Cầm đột ngột vu quy đã làm cho Hàn Mặc tử đau đớn, tê dại. Kẻ dứt áo ra đi không biết có đau khổ nhưng chàng thi sĩ bất hạnh thì như chết nữa con người. Chàng vật vã trước nổi mất mát không gì bù đắp được:
Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ.
Bệnh tật hành hạ, người tình phụ bạc ra đi, Tử như điên như dại quay cuồng trong nổi nhớ, hình bóng người xưa như luôn luôn ở đâu đây bên chàng trong gió trong trăng. Một ánh mắt, một nụ cười tất cả là một hình bóng mơ hồ hư ảo. Tử đã viết Khúc ly tan để thể hiện tình yêu chung thuỷ của mình. Mọi thứ đã lùi xa vào dĩ vãng, người tình đã quay gót, thi sĩ này ngày càng cảm nhận nổi xót xa, cô đơn hiu quạnh của mình giữa thế gian này. Nổi đau đớn tuyệt vọng có lúc như phẫn uất, điên cuồng: “Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phủ phàng.”, có lúc chợt vỡ oà thành tiếng khóc não nùng, thê thiết:
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng.
Trong đau khổ, trong tuyệt vọng Tử như nhận diện được cái chết đang đến dần từng ngày, trong lẻ loi, cô đơn chàng vẽ ra hình ảnh của ngày vĩnh biệt. Những câu thơ tình của Tử trong những ngày này là những vần thơ dính máu, dính hồn và nước mắt của thi nhân.
Nhiều bạn bè của Hàn Mặc Tử tỏ ra rất đau buồn trước sự bội tình của Mộng Cầm. Chế Lan Viên đã tỏ sự bất bình khi người ta gọi con đường lên Gành Ráng – Quy Hoà – nơi có mộ của Hàn Mặc Tử – là dốc Mộng Cầm. Chế nói “Đáng lẽ phải gọi là dốc Mai Đình mới phải”.
Mai Đình là người thứ ba trong bước đường tình ái gian truân của Tử. Người con gái ấy, vóc nhỏ mình gầy, không thuộc lớp người nhan sắc, nhưng Đình có một tâm hồn rất đẹp. Mai Đình là con gái một tuỳ viên người Thanh Hoá, vì yêu thơ Hàn nên đã trốn nhà tìm gặp bằng được người trong mộng. Từ Phan Thiết chị ra Quy Nhơn nhờ một người quen là Trần Kiên Mỹ – bạn văn của Hàn Mặc Tử đưa tới giới thiệu. Mai Đình yêu thơ Tử một cách kỳ lạ và hình như chị cũng đã khá rõ mối tình đau khổ của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm. Trong hoàn cảnh buồn đau cô đơn, Hàn Mặc Tử hết sức cảm kích trước mối tình của chị nhưng lúc đầu anh nghỉ rằng đó cũng chỉ là một mối tình vô vọng. Về sau, trước tấm lòng vị tha gần như hy sinh của Mai Đình, anh đã đáp lại mối tình ấy. Lúc đó bệnh phong đã và đang từng ngày hành hạ Tử, những mảng ửng đỏ trên gò má, lông mi rụng hết trên đôi mắt đã không làm cho Mai Đình xa lánh. Kể cả những lúc bị Hàn hắt hủi do tâm lý của người mắc bạo bệnh, Đình vẫn một lòng an ủi và gần gủi anh. Không nên thần thánh hoá tình yêu của Mai Đình nhưng phải thừa nhận rằng chị có một tấm lòng thật cao quý. Thời gian gần gủi chưa bao lâu thì Mai Đình phải từ giã người mình yêu do một lý do phía gia đình. Sau này Mai Đình đã phải trải qua những tháng ngày gian nan trong cuộc sống, chị đã có một gia đình và công tác ở ngành ngân hàng. Năm 1955 chị là “chiến sĩ thi đua toàn quốc của ngành ngân hàng”.
Trong những ngày đau khổ còn có 2 bóng hồng nữa đi qua cuộc đời thi sĩ nhưng tất cả chỉ thoáng qua một cách hư ảo.
Ngọc Sương là chị ruột của Bích Khê, là dì ruột của Mộng Cầm. Có lẽ Ngọc Sương xuất hiện là do bạn bè muốn an ủi Tử trong giờ phút tuyệt vọng của người bị tình phụ. Cô cháu gái đã làm tâm hồn người bạn chân tình tan nát, liệu người chị gái có bù đắp nổi từng mảng đau vẫn đang ngày đêm rơi rụng. Dẫu sao đó cũng là tấm thịnh tình của bạn văn Hàn Mặc Tử.
Riêng người đẹp cuối cùng với cái tên rất dễ mến Thương Thương dường như chỉ là một giấc mộng tình êm ái.
Một ngày nằm trong túp lều bên bờ biển Tử nhận được một phong thư đề tên người gửi là Thương Thương và nội dung thư là bày tỏ tấm lòng của một nữ sinh xứ Huế với thơ, và với số phận bất hạnh của thi sĩ. Có người nói rằng: một người bạn của Hàn vì thấy bạn quá đau đớn trước chuyện tình dang dỡ với Mộng Cầm và trước bệnh tật đã lấy tên của cô cháu gái nhỏ mới 12 tuổi gửi cho Tử mong giúp Tử ấm lòng trong những giây phút đơn côi. Tử đã say đắm Thương Thương trong mộng và đã để lại cho chúng ta những vỡ kịch thơ ngọt ngào, trong sáng (Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội). Mối tình đẹp đẽ giữa thi nhân và giai nhân trên cõi siêu trần rồi đến lúc cũng phải dừng lại. Hàn Mặc Tử thêm một lần đau đớn, vỡ kịch thơ Quần tiên hội bị ngắt dỡ dang cho đến khi nhà thơ qua đời.
Năm 1940 là năm cuối của cuộc đời Hàn Mặc Tử, định mệnh tàn bạo đã dẫm nát hình hài nhà thơ vắn số (28 tuổi). Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn xê – một người đồng bệnh và sống ở trại phong Quy Hòa thì Tử vào nhà thương Nam ở Quy Hòa mùa thu ngày 20/9/1940 khi bệnh đã quá nặng. Bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí lưu lại điều trị ở nhà thương Quy Hòa vẻn vẹn có 51 ngày kể từ ngày 20/9/1940 đến ngày 11/11/1940. Khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán: bệnh cùi nhiều vi trùng và trong bệnh án ghi thêm: nhưng chết không phải vì hủi mà bị bệnh kiết lị trực trùng. Sau khi được chích thuốc tinh chế từ hạt đại phong tử do bác sĩ Gour vil – Giám đốc bệnh viện Quy Nhơn sáng chế, bệnh tình của trí không thuyên giảm, cơ thể Trí suy sụp nhanh chóng. Anh chuẩn bị cho mình một cái chết thanh thản, sau khi được cho tuyên uý xức dầu và rước lễ (10/11/1940), Trí tỉnh táo đọc cho Nguyễn Văn Xê 2 địa chỉ cần báo tin sau khi Trí chết:
Trần Thanh Mại – Huế
Quách Tấn – Nha trang.
Riêng về gia đình thì Trí nói : “Rồi anh Hành (người mang cơm và thức ăn cho Trí) sẽ vào dĩ nhiên là mẹ và gia đình tôi tất biết.”
Gần sáng ngày 11/11/1940 Tử vĩnh viễn từ giã cõi đời ở tuổi 28. Tài sản để lại tại nhà thương gồm: 1 bộ bà ba trắng củ, 1 bộ veston cũ, 1 đôi giày bata sắp hư, 1 gối nhỏ, 1 cuốn sách dày 200 trang và 1 bài văn tiếng pháp viết bằng bút chì. Tuyệt nhiên Trí không có một xu nào từ khi vào cho đến chết.
Sau khi Trí chết 3 ngày, anh Hành mang thịt heo nạc kho tiêu vào mới biết Trí không còn nữa. Ngày hôm sau mẹ và chị Lễ mới vội vã vào Quy Hoà. Một buổi chiều mùa đông se lạnh, bên nấm mồ còn mới, một người mẹ lã đi vì khóc con, một người chị xót thương đứa em trai xấu số tài hoa.
Tử yên nghỉ trên đỉnh cao Gành Ráng gần thành phố Quy Nhơn, bên những dãy núi điệp trùng và biển đông xanh ngắt – xanh như tâm hồn man mác của thi sĩ họ Hàn bất hạnh.
Lương Thị Tố Uyên – Khoa Xã hội