Home > Contend > Phê bình lý luận > Báo chí- Soi lại mình từ góc nhìn đương đại

Báo chí- Soi lại mình từ góc nhìn đương đại

 

Chưa bao giờ báo chí lại phát triển rầm rộ như hiện nay cả về báo giấy và báo mạng. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển ấy là những bất cập mà khi “soi” kĩ, chúng ta phải giật mình kinh ngạc.

1. Lỗi chính tả – Có phải là sản phẩm của sự chộp giật làm lấy xong ?
Năm năm trước đọc báo, tôi hiếm khi gặp phải lỗi chính tả. Nhưng bây giờ thì nhan nhản trên mặt báo. Sai không chỉ trong nội dung mà sai ngay cả tiêu đề.

Một tờ báo được coi là bộ mặt của nền văn học Việt Nam, được coi là người gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng sai một cách rất “ngây ngô”. Khi số 20 báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vừa in ra ngày 14-5- 2011, các bạn văn đã lên mạng kêu trời vì một lỗi morasse vô tiền khoáng hậu: ngay trên trang 1, tên truyện ngắn của nhà văn Ngô Phan Lưu được in là “Làng quê thì mênh mônh” (đúng ra là Làng quê thì mênh mông). Không những thế, trên trang 20 nơi in phần tiếp theo, tên truyện vẫn sai y như vậy. “Mênh mônh” là gì? Đố ai đánh vần được từ “mônh” và đố ai tìm ở trong từ điển tiếng Việt lại có chỗ nào giải nghĩa được từ đó. Một cái tiêu đề với cỡ chữ to như thế, “đập” ngay vào mắt, mà bộ phận morasse không nhận ra để rồi tạo thành một “vết hằn” trên dung nhan của làng văn học.
Đó là báo giấy, còn báo mạng thì… ôi thôi sai một cách vô tội vạ, sai tưởng như “nhắm mắt cho qua” nhưng cũng không thể nào “làm ngơ” được. Một tờ báo mạng khi viết về giáo sư Đặng Hùng Võ và cuộc trao đổi của ông về cuộc sống, khoa học, chuyện kiếm tiền và sử dụng đồng tiền. Nhưng khi đưa lên báo, không biết phóng viên, biên tập viên vô tình hay “cố ý xỏ xiên” mà viết thành “những trao đổi của ông về cuộc sống, khoa học, về việc làm tiền và sử dụng đồng tiền”…? Giáo sư Đặng Hùng Võ sẽ phản ứng thế nào khi đọc được câu đó đây?
Hay như chuyện một tờ báo điện tử ở địa phương. Không hiểu bộ phận biên tập đã đọc nội dung chưa mà tiêu đề thì viết: “Bình Thuận: Lật xe ôtô khách, 4 người thiệt mạng” nhưng khi vào bài thì tai nạn đó lại xảy ra ở… Ninh Thuận.
Bài sai một lỗi thì thôi ậm ừ cho qua. Nhưng sai đến cả chục lỗi thì độc giả phải “tức xéo ngang hông” mà quăng tờ báo sang bên cạnh. Nguyên cụm từ “một đàn người ông” thay vì “một người đàn ông” không hiểu sao biên tập vẫn cứ chễm chệ để ra lò được. Thậm chí có phóng viên hiện nay còn không phân biệt được x/s; ch/tr; n/l; ng/ngh, dấu hỏi/dấu ngã… Liệu đó có phải là sự cẩu thả, chộp giật làm lấy xong, hay do nghiệp vụ báo chí của những người làm báo còn quá yếu?
Đành rằng cuộc sống không thể lúc nào cũng hoàn hảo hết được. Nhưng một bài báo trước khi lên khuôn đã phải trải qua rất nhiều khâu xử lí. Bản thân tác giả cũng phải rà soát, chỉnh sửa, thêm bớt rồi mới gửi đến ban biên tập. Đội ngũ biên tập cũng phải ngồi đọc và soát lại một lần nữa rồi mới đi đến quyết định bài có sử dụng hay không. Vậy mà khi bài in ra, độc giả phải ngồi nhằn từng hạt sạn.
Lời ăn, tiếng nói hàng ngày, sai chính tả có thể châm chước, cảm thông. Nhưng đây là một bài viết đã qua chỉnh sửa, xử lí để tới tay hàng ngàn, hàng triệu độc giả thì không thể dễ dãi, làm lấy xong được.
Xin đừng bắt độc giả phải ăn cơm hẩm có lẫn sạn trong đó.

2. Tít giật gân nhưng đọc tin xong người đọc phải giật mình.
Người làm báo được ví như các “thư kí của thời đại” nên họ phải có nghĩa vụ trung thực với thông tin, trung thực với độc giả. Nhưng giờ đây, tiêu chí ấy còn được các phóng viên tuân thủ nghiêm ngặt? Nhiều phóng viên vì muốn thu hút bạn đọc nên sẵn sàng từ bỏ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, miễn làm sao thu hút được công chúng. Kể cả bằng chiêu thức giật một cái tít thật ấn tượng, để rồi công chúng sau đó phải chưng hửng thậm chí là bực mình vì phóng viên ấy đã “treo đầu dê bán thịt chó”.
Gần đây, tôi đọc một bài báo trên báo điện tử viết về vụ án My “sói” bị đưa ra xét xử với một cái tít: “Mẹ My “sói” thoắt ẩn thoắt hiện tại tòa”. Khi đọc vào nội dung bên trong, duy nhất một dòng nói về người giám hộ của My: “Bà Hoàng Thị Thu, người giám hộ cho My sói luôn dùng chiếc khăn che đi gương mặt của mình, tránh ống kính của PV”. Còn cả nội dung sau đó là cuộc đối thoại của My và đồng bọn với tòa án.

Thậm chí là Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc, cũng “bị” các phóng viên giật một cái tít…rất độc: “Những bức hình “độc và đẹp” về cuộc đời Bác Hồ”…! Một báo đưa tin, là một loạt trang báo khác cũng “a dua” theo. Với tiêu đề như vậy, liệu có sự tôn kính với Bác nữa hay không? Vậy mà không hiểu sao, những người được coi là học rộng, hiểu nhiều, ngồi ở vị trí biên tập, tổng biên tập vẫn cứ “trơ trơ” để những cái tít như thế?

Trong mảng văn hóa, giải trí thì điều đó còn nhiều vô kể. Tiêu đề nói về hiện tượng, sự việc A. Nội dung bên trong thì huyên thuyên đủ thứ chuyện của sự việc X. Một người dù thông thái đến mấy cũng không thể nào liên hệ được mối quan hệ giữa A và X, chứ đừng nói đến những độc giả bình thường như chúng tôi. Và tôi tự hỏi, mấy báo điện tử làm như vậy để làm gì? Lợi ích của việc thu hút người đọc trong một bài ở một khoảng thời gian liệu có lớn hơn chuyện người đọc quay lưng lại với cả trang báo trong cả một thời gian dài sau đó?

Tiêu đề bài viết giống như cửa ngõ dẫn dắt người đọc đi vào nội dung bên trong. Nghĩ ra một tiêu đề hấp dẫn đôi khi còn khó hơn cả chuyện viết nội dung của nó. Tiêu đề không những phải ngắn gọn, khái quát mà còn phải sáng tạo và hấp dẫn. Có hàng trăm cách đặt tên cho bài viết nhưng mục đích cuối cùng là phải thu hút được người xem. Nhưng với những cách giật tít như thế, phóng viên đã chứng minh điều ngược lại: tiêu đề có thể không cần có gì gặp gỡ với nội dung trọng tâm của bài viết. Tiêu đề sống – độc – lập như một tác phẩm(?). Điều đó khiến không ít độc giả đọc xong thấy bất bình vì cảm giác bị nhà báo… lừa!
“Đừng phóng đại sự hấp dẫn để lôi kéo mọi người nhấn chuột nhằm tìm hiểu nội dung bài viết. Người sử dụng quá ngấy với cái trò đánh lừa này và rất khó chịu khi mất thời gian chờ download một trang web để rồi nhận ra đó không phải cái mà họ muốn. Trên báo in, sự tò mò có thể khiến người ta lật trang hoặc bắt đầu đọc một bài báo. Trên báo điện tử, nó sẽ làm người ta… phát điên” (Theo Vietnamjournalism).

3. Tin văn hóa –  một số báo đang tự biến mình thành mớ giẻ rách.
Văn hóa là gì? Các phóng viên thuộc mảng văn hóa lẽ ra phải nắm quá rõ về điều này. Nhưng một số dường như đang “lù mù” về khái niệm văn hóa. Họ viết ra những bài viết tưởng là hay, tưởng được công chúng đón nhận. Nhưng chính bài đó, quay ngược lại tát thẳng vào mặt họ một cái tát theo đúng cách gọi là có văn hóa.
Đi tác nghiệp mà như đi rình mò. Phải xem nghệ sĩ hôm nay mặc gì, đi xe gì, ngực có bơm, mông có độn hay không? Thậm chí một trang điện tử gần đây còn mổ xẻ cả chuyện lông tay, lông chân sao nào rậm…! Các nghệ sĩ hãy cẩn thận, có ngày con chí trên đầu của các bạn, cũng được mấy bạn phóng viên mang ra bàn tán !

Phóng viên cố đứng ở vị trí tịt dưới sân khấu giơ ống kính lên chộp giây phút nghệ sĩ đang cao hứng với bài hát rồi hôm sau lên báo giật tít lộ hàng; cố ra vẻ là bạn tâm tình để nghệ sĩ chia sẻ chuyện buồn vui trong nghề, để hôm sau chơi ngược lại, viết một bài đánh giá đời sống nghệ sĩ sao phức tạp đến thế…


Nghệ sĩ là người của công chúng. Công chúng được quyền biết cuộc sống của nghệ sĩ như thế nào. Các phóng viên là cầu nối để công chúng hiểu điều đó và để nghệ sĩ gần với người hâm mộ hơn. Nhưng đưa tin ở mức độ vừa phải, công chúng còn chấp nhận. Đi quá sâu vào đời tư, chuyện cá nhân của người khác thì không chỉ nghệ sĩ mà công chúng cũng phải bực mình. “Bất cứ ai, từ người lao động bình thường cho đến người có địa vị xã hội hay nghệ sĩ… cũng đều có những mảng sáng-tối, những điều hay và chưa hay, và ai cũng có quá khứ. Mình càng không thể so sánh hay buộc hiện tại phải như quá khứ hay ngược lại. Nghệ sĩ cũng là một công dân, sau những giờ biểu diễn hay hoạt động nghề nghiệp, họ trở về với cuộc sống bình thường. Nên khi công việc hay đời sống họ bị dư luận đàm tiếu, bêu xấu…, họ cũng đau nỗi đau của người bình thường, và càng bất lợi cho họ hơn vì những luồng thông tin ấy không ít thì nhiều đều gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của họ, vì họ là người của công chúng”. (ca sĩ Quang Dũng – 24h)

Phóng viên hãy đặt bản thân mình vào vị trí của nghệ sĩ để viết. Đừng cố vì một cái tin mà đánh mất đi giá trị, nhân cách của một người làm báo. Viết để sau đó đọc lại còn không thấy hổ thẹn với chính lương tâm của mình.
Trước khi nói người khác có văn hóa hay không, các bạn hãy xem lại bản thân liệu đã là người văn hóa. Nên chăng mỗi phóng viên mảng văn hóa, cần được học thế nào là văn hóa…?
Xin đừng cố tự làm xấu đi hình ảnh của bản thân trong con mắt độc giả, các bạn làm báo nhé !

Phạm Tử Văn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *