Đêm tháng tám đến nhẹ nhàng. Trời không trăng. Đôi vì sao vừa hiện ra lấp lánh. Chúng tôi nằm thẳng chân giữa đồng cỏ, hai cánh tay chặp lại gối dưới để cho nhau nghe những chuyện tâm tình cách mười mấy năm về trước. Khí trời mát lạnh. Bên kia dòng sông nhỏ, hai quả đồi con chắc nịch nhú cao lên. Từ trên núm quả đồi, hơi sương trắng đục chảy tràn xuống đầm đìa trên cây cỏ lan dài đến tận dòng sông.
Anh Sáu Hải ngồi nhổm dậy chỉ vào hai chiếc bầu nhỏ bảo tôi:
– Uống nữa đi chú! Bây giờ bảnh rồi!
Tôi mỉm cười vâng theo, nhìn hôm nay mà nghĩ tới chuyện trước kia. Trước kia anh nghèo lắm, nghèo đến mức “không có một đồng xu nhổ râu” như lời anh vừa nói đùa với tôi để kết thúc quãng đời thơ ấu của anh. Anh đưa tay vuốt hai bên ria mép cười hà hà:
“Nói vậy chớ lúc ấy tôi mới có hăm mốt tuổi, râu chỉ lưa thưa ba sợi thôi. Hồi sửa soạn cách mạng đó, mấy thằng trạc chúng tôi đi theo các anh lớn, vô Dân quân cứu quốc. Dân quân cứu quốc, chú biết không, là “bộ đội” của mình trước ngày Tổng khởi nghĩa ở Nam bộ đó. Rồi cách mạng thành công. Bọn này chuyển sang Cộng hòa vệ binh, thành dân “chủ lực”, sau lấy tên chung là Vệ quốc đoàn. Hăng lắm, chú à! Nhưng hồi ấy tôi chưa hiểu bằng bây giờ, chỉ nghĩ gọn hễ có độc lập thì chắc mẫm là sướng đời hơn trước, cho nên phải ráng giữ nó.
Thế rồi ba giờ sáng một đêm cuối năm bốn lăm, tôi đang đứng gác thì tàu Tây dưới sông nổ súng bắn lên bờ. Lửa trong họng súng phà ra đỏ lóe. Tiếp đó nghe nổ một tiếng “hùm”! Bọn này nói: “Rồi, nó tấn công mình rồi!” Thế là phải đánh.
Sau đó ít lâu, trong một trận giữ cầu, tôi bị thương. Trận đó mình rút lui theo cách đánh lúc ban đầu. Tôi cố gắng chạy theo anh em ra đến cuối xóm thì đau nhói ở bụng nên quợ xuống bên một gốc trâm bầu cạnh bờ đìa ngất đi.
Qua một đêm. Hôm sau, những giọt sương ướt lạnh trên lá cây rơi xuống má làm tôi tỉnh lại. Tôi mở mắt ra. Cuối cánh đồng tít tắp, ánh sáng đang ưng ửng trên đọt hàng dừa. Bỗng tôi nghe có tiếng chân ai xa xa lội trên ruộng nước. Tiếng nước lõm bõm mỗi lúc một rõ dần. Tôi ôm gốc trâm bầu nổi đầy u gai cố gượng dậy, đưa mắt tìm. Ngoài kia, cách tôi chừng vài ba công đất, có một người đang lom khom nhìn xuống ruộng, thỉnh thoảng lại cúi nhặt một vật gì bỏ vào trong cái rổ bưng ở bên hông, chắc là đang bắt ốc. Trong buổi sớm lờ mờ, tôi nhìn kỹ một lúc mới biết đó là một người phụ nữ. Cả người chị ấy chỉ có một chiếc quần đùi. Mái tóc dài để xõa tung trên bộ ngực trần trơ trụi. Gặp được người tôi mừng quá, quên để ý, cứ cố sức gọi lên một tiếng to. Chị quay người lại bước về phía tôi, ngơ ngác tìm. Nhưng khi biết tôi là đàn ông, chị bỗng giật thót mình, ngồi thụp ngay xuống ruộng. Chị kêu lên một tiếng nhỏ, đưa hai cánh tay gầy gò lên che lấy ngực rồi bỏ chạy. Hai chân chị quấn lấy nhau, đá tung lên từng đám nước sáng. Chẳng bao lâu bóng chị lẫn mất vào bãi năn vàng giữa mấy đám ruộng hoang. Tôi muốn chạy theo nhưng đau quá, đứng lên còn không được nữa là. Tôi đành thở ra nằm phục xuống bờ đìa vừa giận, vừa đau lại vừa lo sợ.
Cũng nói cho chú biết là hồi đó mình đánh Tây theo cách “vườn không nhà trống”, vì vậy muốn gặp được đồng bào chẳng phải chuyện dễ. Chắc chị đó nghèo quá, ở sâu trong hậu cho nên không tản cư. Nhưng chẳng lẽ chị ở lại có một mình? May ra còn người khác. Nghĩ thế mà tôi lặng đi, chịu đau rán nằm đợi.
Quả vậy, khi trời sáng thiệt mặt thì từ phía bãi năn có một người xăm xăm đi ra. Đó là một ông già. Ông cầm cái gậy nặng vừa đi vừa quất tung lên những bông cỏ. Thỉnh thoảng ông dừng bước, lấy tay che mắt ngó. Tôi mừng quá, gọi ông đến và nói rõ cảnh ngộ của tôi. Lúc đầu ông nhìn tôi như thăm dò trong giây lát. Rồi ông ngồi chồm hỗm, đưa bàn tay còn trơ những đốt chai ra vén nhè nhẹ vạt áo tôi lên, cái vạt áo bà ba đen cũ mèm, lấm bê bết đất và thấm đầy máu khô cứng lại. Ông cúi đầu ghé mắt nhìn vết thương. Đôi mắt ông từ nghi ngờ, lạnh nhạt bỗng sáng lên, ấm lại dường như nãy giờ ông đang nghiệm xem tôi bị giặc bắn trong khi mặt đối mặt với chúng nó hay là trong khi tôi đang sợ hãi bỏ chạy. Ông hỏi một câu rắn rỏi:
– Đằng mình hả?
– Dạ phải, đằng mình, bác à!
Ông gật đầu nói nhỏ:
– Vậy mà con Năm tưởng tụi nó chớ!
Hả? Chú thấy sao? Chắc chú đoán “con Năm” có lẽ là người phụ nữ lúc đầu chứ gì? Và việc ông lão ra đây cũng như tất cả thái độ nghi ngờ của ông nãy giờ cũng đều do chị ta mà có, phải không?
ừ! Lúc ấy tôi cũng đoán như chú. Tôi định hỏi nhưng ông già đã nắm lấy hai tay tôi quàng lên cổ ông và kề lưng vào cõng tôi đứng dậy. Đau quá, tôi kêu lên một tiếng. Và từ đó, tôi cứ cắn răng lại mà chịu, quên cả hỏi han.
Băng qua mấy bãi cỏ mồm sắc như dao, băng qua con lung ngập nước mà rong già từng đám quấn chặt lấy chân, chật vật lắm ông lão mới đưa tôi đến một cái nhà. Nói là nhà thì cũng tội. Trên nền đất nhỏ giữa ruộng nước, mấy hàng cột cháy đen đứng chơ vơ. Những chiếc rui mè đã thành than, những tấm lá mái nhà cháy dở, những mảnh chiếu rách nằm ngổn ngang. Giữa nền nhà, một đống tro cao còn ngún khói. Chung quanh là một hàng cây sua đũa lơ thơ, lá úa một màu vàng. Chú à, tôi đã từng biết nhiều cảnh khổ, ngay cả bản thân cũng đã nếm mùi khổ khi trong nhà không còn một cái bát ăn cơm. Nhưng trước cảnh tan hoang này, tôi thấy trong ngực mình có cái gì cũng vỡ ra. Giống như khi thấy có ai đập chiếc nồi đất cuối cùng của nhà mình rồi đem từng mảnh vỡ ấy mà quăng vương vãi ra ngoài nắng mưa kia vậy.
Chúng tôi đến gần nhà thì ông lão đứng lại, gọi lên một tiếng qua hơi thở hổn hển:
– Con Năm đâu?
Một lúc, từ trong chái lá lụp sụp vừa dựng lại phía sau nền nhà, có người phụ nữ bước ra. Chị mặc một cái quần đùi bằng bao tải màu cỏ mục đã ải và một chiếc áo cộc cũng bằng bao tải nhưng sợi còn bền và trắng hơn. Tay chị đang cài lại hai vạt áo. Thấy tôi, chị đứng chựng lại, những nét da trên mặt nhăn lên, trông già như người ngoài ba mươi tuổi. Chú à, chắc chú cũng chưa quên được cái cảnh rách rưới như vậy của bà con mình trước ngày cách mạng. Nhưng khi chú thấy những nếp đau khổ kia đang cố phủ lên cái dáng dịu dàng và có duyên của người đàn bà trẻ ấy thì chú mới hiểu được nỗi giận hờn và đau xót trong lòng tôi.
Lúc ấy, ông lão đã cõng tôi bước tới. Ông ngước nhìn người phụ nữ:
– Giúp tía một tay, con!
Chị Năm đưa tay tới, song trong đôi mắt chị lại thoáng qua một ý gì nên chị e dè, thu hai tay vào giữa ngực. Ông lão nhắc lại một lần nữa, giọng hơi cao.
Tôi cố nhịn đau xin ông lão đặt tôi xuống đất. Nhưng chị Năm đã bỏ tay ra khỏi ngực. Chị bước tới một bước nhỏ và vòng lại phía sau giữ lấy người tôi cho khỏi đổ. Hai cha con ông lão nhè nhẹ khiêng tôi vào chái nhà con. Tôi được đặt nằm nghiêng trên một tấm phản gỗ hẹp mà lửa đã gậm nhấm cả một bên rìa.
Xong xuôi, ông lão cố đứng thẳng người, nắm tay lại, đấm nhẹ phía sau lưng. Rồi một tay giơ ra sau chỉ vào tôi, ông cúi tới trước dặn chị con gái:
– Bây coi chừng nó cho kỹ lưỡng, tía đi qua bên nhà một chút, nghe.
Chị Năm “dạ” một tiếng yếu ớt. Chị ngồi xuống khúc đòn tay nửa trắng nửa đen, nhìn tôi như dò xét.
Ông lão hiểu ý, gục gật đầu:
– Không sao! Nó là người của mình đó!
Chị Năm khẽ xoay đầu, thoáng nhìn về phía tôi:
– Đằng mình sao không đánh Tây để nó tới đây.
Giọng chị chẳng biết nghi ngờ hay hờn giận. Ông lão xòe bàn tay đầy xương ra, gõ gõ vào ngực mình như cắt nghĩa cho chị Năm hiểu:
– Nó mạnh, nó mới đánh được. Bây giờ bị thương thì còn đánh làm sao? Thôi, tao đi đây.
Ông lão bước ra, vòng qua hàng cây, lội xuống ruộng nước, đi về phía đám vườn lơ thơ bên kia xa. ánh mặt trời đang lên chiếu trên lưng trần rám nắng của ông bóng loáng.
Mấy câu qua lại ngắn ngủi giữa ông già với người con gái làm tôi suy nghĩ rất lung. Tôi liếc nhìn chị Năm muốn nói rằng chị đừng giận tôi mà tội nghiệp. Tây tới đây được thiệt tình không phải tại tôi ngồi khoanh tay mà ngó. Còn chú, nếu chú có thương chị Năm thì cũng đừng trách móc tôi làm gì. Mấy năm nay chú đều được xem duyệt binh ở Hà Nội. Bộ đội mình từng bước lớn như thế nào, chú cũng thấy đó. Và mấy tháng trước, trong diễn tập, pháo chúng tôi bắn xe tăng làm sao chú cũng rõ rồi.
Nhưng lúc ban đầu đánh giặc ấy, mình chỉ có tầm vông, dao găm, súng lửa thôi. Vậy mà đánh hăng lắm. Tôi còn nhớ cái trận giữ cầu trước khi bị thương mà gặp chị Năm này. Trận đó đánh cũng dữ. Tây nó lấn dần tràn qua. Bên mình hô “xung phong” một tiếng thật lớn, phất cờ, ào ra đánh giáp lá cà. Tụi nó hoảng tháo lui. Tôi rượt theo một thằng. Nó sợ quá chạy quíu cả đít lại. Nhưng phải công nhận là cái nghề chạy của nó cũng đã ra chạy cho nên tôi đành chịu tốn đạn giương súng lên bóp cò. Cò mổ nghe cắc cắc mà đạn lép không chịu nổ. Giật cu-lát cũng chẳng ra, phải lấy đũa sắt mà thụt. Thằng Tây tỉnh hồn, nó quay lại. Tôi rút boa nha ra. Nhưng nó đã đưa súng lên. Súng nổ ngay một cái đùng. Boa nha mình ngắn cự không lại. Tôi né sang một bên định nhào tới. Kế đó súng máy nó bắn lia lịa rồi có lệnh rút lui.
Chú thấy đó! Lúc ấy tôi không có đạn tốt, không có súng máy, không biết bắn một phát trúng giữa trán thằng Tây. Tôi vừa gỡ cái ách trâu ở ngoài ruộng về, cơm có khi chẳng có mà ăn nữa, chứ có phải tôi ở trong trường tập lính, vác mút Anh, mút Mỹ mà ra như chúng đâu? Nhưng hồi đó tôi không biết nói cách nào cho chị Năm hiểu tôi được. Tôi đành nằm như vậy, tay cứ mày mò tấm phản cháy, gỡ từng cục than nhỏ đen cứng ra. Thỉnh thoảng, tôi lại liếc nhìn chị Năm một cái.
Chị Năm cũng nhìn tôi. Có lẽ chị bối rối không biết nên giúp tôi cách nào. Chị đi lại phía tôi rồi lại quay ra, có đến mấy lần như vậy. Tôi phải nói là tôi nằm êm lắm rồi, không làm sao cả, để chị yên tâm. Tôi giả vờ nhắm mắt lại, cố chịu đau mà ngủ.
Khi tôi hé mắt ra thì thấy chị Năm đang ngồi bó gối ngó mông ra cánh đồng, lắng nghe tiếng gió xạc xào trong bãi cỏ mồm trước mặt. Lâu lâu chị lại đưa mắt thờ thẫn tìm khắp nơi trên nền nhà bừa bộn như muốn lần kiếm lại một cái gì thân yêu nhất trong cuộc đời tan vỡ. Bỗng mắt chị lóe sáng. Hai bàn tay gầy của chị bới nhanh trong đống tro còn nóng bỏng. Chị lôi ra một vật trăng trắng và ôm chặt nó vào giữa ngực. Đôi vai chị run nhè nhẹ. Một lát, chị đưa vật ấy ra lấy vạt áo thô lau cho sạch bụi tro rồi tỉ mỉ ngồi săm soi ngắm nghía. Tôi nhìn kỹ thì thấy đó là một cái chén ngày xưa các cụ thường dùng để uống trà đêm khuya, mỗi khi thức sớm chờ buổi mai lên. Tôi lấy làm lạ không biết tại sao chị Năm lại quý cái chén ấy làm vậy. Chú à, ở đời này cơm gạo bạc tiền thì cũng quí: không có cơm, không thể mở mắt nhìn cánh cò bay bổng giữa đồng đâu. Nhưng có nhiều thứ còn quý hơn cơm gạo nữa. Hồi đó tôi chưa hiểu lắm, song nhìn chị Năm lúc ấy, tôi nhớ lại mọi việc từ lúc tôi gặp chị đến giờ và đoán chắc chị còn có những sự tình gì khúc mắc lắm đây.
Tôi đang nghĩ miên man thì ông lão lúc nãy băng ruộng trở về. Ông bước lên thềm đất, giơ tay quệt mấy giọt mồ hôi đọng trên trán. Thấy chị Năm ngồi thẫn thờ, ông nói lầm bầm trong miệng những câu gì tôi nghe không rõ. Nhưng nhìn sắc mặt ông, tôi đoán ông đang thương hại và lo lắng cho chị. Ông bỏ nắm lá đã giã nhỏ trong tay ra, đem rịt vào vết thương của tôi. Ông cởi chiếc khăn đỏ độc nhất trên đầu, trở qua trở lại nhìn một lát, rồi mạnh tay xé ra, nối lại, luồn qua lưng tôi buộc chặt vết thương.
Buộc xong, ông quay sang hỏi chị Năm:
– Sớm giờ bây có ăn gì chưa?
Bỗng ông kêu lên một tiếng, xòe tay ra chụp mạnh lên cái đầu tóc trăng trắng búi củ hành sau gáy:
– Mẹt ơi! Lật đật quá tao quên đem gạo cho mày. Thôi đi đi con, còn lon gạo, qua bển lấy về mà nấu cái gì ăn chớ.
Chị Năm ngoảnh lại. Chị ngước mắt nhìn ông, ánh mắt lộ lên một ý biết ơn và cảm động. Mấy ngón tay chị để trước ngực động đậy một chút rồi lại nằm yên. Chị trả lời gọn:
– Con không ăn đâu. Để con ra ruộng kiếm rổ ốc cho tía.
Ông già lắc đầu thở ra:
– Có ít thì ăn ít. Cũng phải ráng ăn một chút gì chớ con!
Ông bước đến gần chị Năm, chắc là định rầy qua một câu gì đó. Nhưng ông vừa nhếch mép thì bỗng nhiên chựng lại. Ông nghiêng đầu nheo mắt nhìn và vội cầm lấy cái chén sứ trong tay chị Năm lên. Chòm râu ông lơ thơ, rung động. Đôi mắt già chớp nhanh rồi râm rấp ướt. Ông nhìn cái chén trân trân đến nỗi chị Năm đứng dậy chào ông một tiếng để đi ra ruộng bắt ốc, ông cũng không biết. Đến lúc nhớ trực lại, ông giơ tay về phía chị định gọi. Nhưng rồi ông buông thõng tay xuống, nặng nề bước lại phía tôi. Ông ngồi bệt trên nền đất, xoay xoay cái chén trong tay bắt đầu thổ lộ. Giọng ông vắn tắt mà xót xa, như đặt hết bụng dạ mình trong hai bàn tay, đưa ra, vạch cho tôi xem từng chỗ một:
“Em đừng giận con Năm làm gì. Nó làm dâu của qua sáu bảy năm nay rồi. Người ta nói dâu hiền như con gái. Qua thương nó như vậy đó. Cháu là đàng mình nên qua nói thiệt. Thằng chồng nó là một thằng có đầu óc. Nó biết đánh Tây. Hồi còn trai, qua cũng có theo các ông đàng cựu đi đánh Tây nhưng mà đánh chưa nổi. Nay nhờ anh em bày vẽ nên thằng con qua nó khá hơn. Cực lắm em à. Hồi chúng nó mới lấy nhau được hơn năm, con nhỏ có mang vài tháng thì mình thất bại cái vụ năm bốn mươi đó. Đêm thằng Năm tạm lánh ra đi, trời mưa rúc rắc, trước mặt sao mà thiệt tối đen mù mịt. Nó ra ngoài hè dặn vợ ở lại rán nuôi con khôn lớn, mai sau dạy cho con đánh Tây cho khỏi phải sống cực khổ như bây giờ. Rồi nó đưa cho vợ nó cái chén này. Cái này là của qua, hồi đi theo anh em lấy được của một thằng nhà giàu nào đó. Rồi thất bại, giữ lấy chén uống nước làm khuây. Hồi thằng Năm cưới vợ, qua cho nó. Lúc đi, nó trao lại vợ, dặn giữ cho con. Nhưng mà trời không cho nuôi nên thằng nhỏ đẻ ra không đủ tháng, mấy hôm sau thì bỏ.
Thằng Năm đi rồi cha con qua phiêu bạt sang cái đất này. Cách đây hơn năm, nó tìm về được. Thiệt qua mừng hết sức. Mới cất thêm cái nhà này sâu trong hậu cho nó đi về, tránh tai mắt kẻ ngoài. Con vợ nó vô đây, còn qua vẫn ở ngoài xóm. Cách nay năm sáu tháng, vợ nó sanh được thằng con. ờ, đúng cái ngày mình cắm cờ độc lập ở thị xã đó. Thằng Năm đâu cũng làm lớn trên huyện. Có hôm nó về cầm cái chén này đây mới nhắc lại chuyện cũ. Rồi nó ra múc một chén nước mưa thiệt trong. Vô nhà, thằng chồng ngồi một bên cầm chén, vợ nó bồng thằng nhỏ để nằm trong lòng, tay cầm một cái muổng nhỏ xíu múc nước mưa cho con uống. Thằng chồng nói: “Uống nước con, uống nước cho mau lớn!” Rồi nó ôm vợ con nó mà cười. Qua không hiểu nhiều song thấy nó vui như vậy qua cũng mừng.
Nhưng chụp một cái, Tây nó quay lại. Rồi thằng chồng con Năm giữ mặt trận lớn trúng đạn của Tây, mới chết cách đây hơn nửa tháng.?
Môi ông già mấp máy rồi ngừng lại. Mắt ông đỏ hoe nhìn cái chén sững sờ hồi lâu như ôn lại những chuyện cũ đã trôi qua kể từ ngày ông còn trai tráng. Ông nói tiếp:
– Vậy mà cũng chưa hết em à. Hôm qua đây khi mình bể mặt trận, có một thằng Việt gian dẫn một lính Tây vô tới chỗ này. Nó nói nhà này của Việt Minh. Thằng Tây hô đốt. Tụi lính châm lửa cháy rần rần. Con Năm bồng thằng nhỏ chạy ra khóc lên. Thằng Tây nói giết cho hết giống cộng sản. Nó giật lấy đứa nhỏ, chụp súng lắp lưỡi lê. Nó đâm một cái, vít thằng cháu nội của qua vô trong bồ lúa giữa nhà đây đốt luôn. Con Năm ngã ngửa ra chết giả luôn cho tới tối.
Ông già nấc lên một tiếng khô khan, nói nhanh những câu cuối cùng rồi nghẹn lại. Ông ngồi nhìn trân trối đám tro tàn còn ngún khói xông thẳng lên một ngọn xám rồi quằn quại không tan được giữa trời xanh. Hàng cây sua đũa đứng lặng ngắt giữa đồng. Trên cây, một cánh hoa cuối cùng, trắng phau, rơi khỏi chiếc cành khô trơ trụi. Ông lão nặng nhọc đứng lên, đặt một bàn tay an ủi vào vai tôi, căn dặn:
– Em nằm đây. Rán chịu đau một chút rồi sẽ mạnh giỏi đi đánh Tây. Qua trở về bển một lát lấy gạo cho con Năm. Nó buồn nhớ con, nên không chăm sóc được nhiều cho em. Em đừng bắt lỗi nó làm chi.
Ông bước đi còn quay lại hỏi:
– Bớt đau chưa?
Tôi vội trả lời ông lão là tôi thấy dễ chịu rồi.
Chú à, chú cũng biết hễ đạn bắn vào người thì đau nhức lắm: nó làm rách da thịt người ta. Nhưng tôi còn biết có những cái rách khác đau nhức hơn nhiều. Vì vậy nãy giờ tôi nói chuyện chị Năm mà không nói với chú về cái đau của tôi. Còn nhiều việc nhỏ khác có thể tôi quên lửng đi. Nhưng chắc là chú cũng không trách cứ gì tôi chuyện ấy.
*
* *
Khi những tiếng nói làm tôi mở mắt ra thì trời đã ngả chiều. ánh nắng rải vàng khắp nơi trên mặt ruộng. Chị Năm ngồi lặng lẽ, tay chống cằm nhìn lên hàng sua đũa lơ thơ. Ông lão đứng một bên rứt rứt mấy sợi râu trắng bạc. Ông chỉ một cái nồi đất nhỏ:
– Bây đi nấu cháo đi mà ăn. Con cái gì biểu không được.
Chị Năm nói nho nhỏ.
– Con không đói. Để con nấu cho tía ăn.
Ông già nhíu đôi lông mày bạc, giọng hơi cao:
– Muốn ăn thì tao cũng biết nấu, biết ăn được. Tao già rồi, bụng tao trống như bụng con ve. Tao ăn sương của cái đất này cũng sống được!
Ông ngừng lại thở. Và như nghĩ ra một điều gì, ông nói chậm rãi:
– Thì cứ nấu đi, cho thằng em kia nó ăn nữa. Sáng tới giờ.
Tôi nằm nghe mà trong bụng rất bồi hồi: ông lão chẳng bao giờ quên tôi. Nhưng tôi sực nhớ tới một chuyện: cách đây hơn tháng, trong đơn vị tôi có một anh bị đạn. Cũng trúng vào bụng. Vừa ăn cháo xong thì anh ấy chết ngay. Người ta bảo ăn cháo có cái xác gạo. Phải uống sữa thì không hề gì. Tôi nói vậy chú đừng cười. Hồi đó tôi có biết ất giáp chi đâu về cái nghề thầy thuốc. Tôi muốn ngăn ông lão lại, nhưng chú đừng vội cho tôi là sợ chết. Nếu sợ, tôi đã chẳng đi đánh Tây. Tôi muốn sống chớ! Sống mà thấy cờ treo ngày độc lập, thấy cảnh vợ chồng chị Năm cho con uống nước chẳng mê hơn chết sao? Tôi thương hai cha con chị Năm lắm, thương ra làm sao bây giờ tôi cũng chưa biết nói cách nào với chú cho được. Tôi muốn làm cái gì để người đàn bà trẻ tuổi kia bớt khổ đau hơn một chút. Tôi giận sao tôi không đứng dậy được mà xách súng chạy theo anh em. Nhưng giờ tôi nằm không cựa quậy, và chẳng còn cách nào khác hơn là giúp ông lão an ủi chị Năm. Tôi gượng đau ngẩng đầu lên gọi:
– Bác ơi! Để cho chị Năm ăn. Cháu không ăn cháo được đâu.
Và muốn cho ông lão tin hơn, tôi nói lại câu chuyện anh bạn bị thương tháng trước.
Nghe xong, ông lão đứng lặng yên. Hồi lâu ông thở ra một cái, nặng nề cúi đầu xuống, hai mắt đăm đăm nhìn mảnh bát vỡ trên nền nhà như đang nghiền ngẫm một điều gì lâu lắm vậy. Bỗng ông nói với chị Năm:
– Tao đi đây.
Chị Năm mở to cặp mắt tròn đen ngơ ngác hỏi:
– Tía đi đâu?
– Tao đi kiếm hộp sữa cho thằng em!
Nghe câu nói của ông lão, chị Năm đứng lên. Chị ngước mắt nhìn đám mây ráng đỏ trôi trên đồng hoang mà tay người không thể nào bắt được. Chị muốn ngăn ông lão, khuyên ông đừng làm chuyện ấy, nhưng chị lại bước đến nhấc chiếc nồi đất nhỏ lên, theo thói quen của một người con dâu hiền hậu:
– Tía ăn cháo rồi hãy đi.
Đôi mắt già của ông lão bỗng quắc sáng lên. Ông đập tay vào ngực như người ta đóng một chiếc đinh và nói với một giọng giận dữ mà tôi chưa hề nghe thấy:
– Ăn! Bây giờ tao chưa ăn được. Tao già rồi, sống nay chết mai. Cả đời tao đánh Tây chưa nổi. Thằng chồng bây cũng đánh Tây cho đến khi chết, công cực biết bao nhiêu. Cái đêm hồi nẵm ra đi, thằng Năm đã nói với bây những gì, bây có nhớ không?
Ông lão vung tay một cái thật mạnh làm tàn tro xám trên chiếc cột nhà bay thẳng lên cao, nhuộm ánh hồng của mặt trời sắp lặn. Rồi ông quày quà bỏ đi. Chị Năm đứng chết trân nhìn theo bóng ông lão xa dần.
Chị đứng như vậy lâu lắm mới thong thả đi nhặt ba hòn gạch nát ám khói đen để chụm lại trên một góc nền nhà. Chị đến bên mảnh vại vỡ còn đọng lại một chút nước trong, bưng lên, rót từ từ vào nồi đất. Nước chảy xuống nhúm gạo giữa lòng nồi reo lên những tiếng quen thuộc êm đềm. Chị nhặt lại những mảnh rui mè cháy dở, những tấm lá mái nhà vương vãi đầy sân, nhặt lại những hòn than nám đen trên thân cột. Rồi nhón từng thứ một, chị cẩn thận xếp lên nhau. Chị lại gần đám tro tàn ở giữa nhà, cời sâu, sâu tận bên trong. Bụi tro xám trắng tơi tả bay lên làm chị nheo mắt lại. Chị xì mũi mấy lần và ôm ngực ho, tiếng ho như tiếng khóc. Cời đến giữa đống tro, một tàn lửa nhỏ đỏ hồng bay lên làm sáng ngời đôi mắt chị. Chị đưa mấy cái lá khô đến, khom người tới trước, thổi nhè nhẹ vào những đốm than âm ỉ cháy trong lòng. Một tia lửa nhỏ bén lên cháy lan rất nhanh, liếm trên tấm lá vàng khô kêu lép bép. Chị cầm đốm lửa, một tay che gió, đem châm vào chiếc bếp con. Lửa bốc cháy sang mấy thanh gỗ nhỏ. Và từ trong những mẩu nát tan còn sót lại của cuộc sống đói nghèo, một ngọn lửa đỏ quằn quại vươn lên, bùng cháy sáng. Chị Năm nhẹ nhàng bưng nồi gạo đặt lên trên. Lửa tỏa ra, ôm quanh chiếc nồi con nhỏ xíu.
Một lúc lâu cháo chín. Chị nhấc nồi xuống. Từng bước chân nhẹ, chị đi đến chỗ tôi nằm, với tay vào góc chái lấy cái chén sứ xinh xinh. Xong rồi chị bưng nồi cháo đi lại manh chiếu rách. Đầu chị nghiêng về một bên, những giọt nước nóng nhỏ li ti mang đủ năm sắc bay lên vờn quanh chiếc má rám hồng của chị. Chị kéo chiếu ngồi xuống. Ba ngón tay gầy gò của chị cầm chén sứ khéo léo múc cháo ra. Đôi môi khô héo rung rung đặt vào miệng chén thổi lên cháo màu sữa trắng, chị húp từng hơi nhỏ một. Chị ngả đầu về sau, đôi mắt đen he hé mở, một tay đè lên ngực, như đang nghe dòng cháo nóng thấm vào khắp trong máu thịt của mình.
Chiều xuống chầm chậm. Xa tận đằng kia, mặt trời đã khuất dưới rặng cây xanh, hắt ánh sáng lên biển mây rực đỏ. Chị Năm vẫn ngồi lặng im giữa nền nhà đổ nát, bên hàng cột cháy chơ vơ. Bỗng chị đưa bàn tay nhỏ nhắn cởi áo lần lần. Chị kéo vạt áo hở ra, nâng lên hai bầu vú cạn khô qua bao ngày nghèo đói. Chị vắt nhè nhẹ và lấy tay vuốt vuốt trên những mạch máu xanh. Từ đôi núm vú đang ửng hồng lên trong buổi chiều tà, một giọt sữa trắng rơi ra trên bàn tay chị. Chị đưa lên ngơ ngẩn nhìn xem.
Bỗng mắt chị vụt sáng lên trong ánh lửa. Chị run run cầm cái chén sứ xinh xinh có vẽ hình bà tiên mang một quả bầu đưa lên. Tay kia chị vắt mạnh. Từng giọt sữa trắng rơi ra, chảy dài trên miệng chén rồi đọng lại, phảng phất ánh hồng của mây lửa trên cao. Môi chị mím chặt, ngực phập phồng theo hơi thở dốc, chị mạnh tay ngồi chắt bóp từng giọt sữa của mình. Cả người chị, đến những sợi tóc vàng xõa trên vai, đều run lên, như xót xa, đau tận trong lòng sâu kín nhất.
Chiều tà đỏ một màu rực rỡ, từ xa hắt sáng lại trên đôi vai gầy của chị, tạc lên một pho tượng bằng đồng đỏ giữa nền trời.
Chị Năm bưng chén sữa đến nói với tôi một câu đầu tiên từ khi tôi gặp chị:
– Uống đi chú! Uống cho mau mạnh rồi đi đánh Tây.
*
* *
Từ lâu anh Sáu Hải vẫn nằm bên tôi, nín lặng. Trời cao tím thẫm, sao nhấp nháy chi chít khắp nơi. Dòng sông Ngân chảy một vệt sữa dài trên khoảng không xa tít mà chưa một ai đi đến bao giờ họa chăng chỉ có Héc-quyn ngày xưa mới nếm được. Tôi mỉm cười, nghĩ đến những thần thoại ước mơ.
Ngày trước, lúc tôi còn bé, những đêm sao sáng như vầy, tôi cùng bọn trẻ con trong xóm ngồi dưới gốc cây vú sữa chơi trò đếm sao. Mỗi đứa đến lượt mình đều thi nhau nói:
“Trên trời có mấy cái sao?
Đố ai đếm được
Một sao, hai sao, ba sao, bốn sao.”
Đứa nào dài hơi nhất cũng chỉ đếm được đến cái sao thứ mười lăm. Chẳng biết sau này có ai đó đếm đủ hết các vì sao họp nên dòng sông sữa này không?
Tôi vụt nhỏm người dậy, chống khuỷu tay trên cỏ đồng thơm ngái mà nâng chiếc bầu nhỏ ngửa cổ uống một hơi dài. Còn anh Sáu Hải thì cứ nằm lặng im, anh mở mắt nhìn dòng sông Ngân trên xa kia đang chảy.
Tác giả: Trần Thanh Giao