Nói như lời của trưởng bản Bản Ngò trong đêm liên hoan chia tay thì: “Cái thằng In-tờ-nét thế mà hay. Bụng nó cũng tốt như hạt muối, hạt gạo vậy đấy chúng mày à”.
Tháng 9 năm 2009, tôi cùng một số anh em trong nhóm viết văn tổ chức chuyến đi lên các xã Thèn Phàng, Xín Mần, Bản Ngò thuộc huyện Xín Mần (nằm cách thị xã Hà Giang khoảng 150km về phía Tây) để thực tế và sáng tác. Chuyến đi hơn mười ngày đã giúp chúng tôi khám phá thêm được những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên rừng núi cùng những câu chuyện chân tình như cây ngô trên nương, hòn đá bên suối của đồng bào vùng cao.
Và cũng nhờ chuyến đi này mà lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận hết được vai trò của internet đối với cuộc sống. Nó không chỉ đem thông tin tới cho từng người, mà internet còn giúp thay đổi được suy nghĩ cố hữu đã ăn sâu bao đời với những hủ tục lạc hậu của một bộ phận đồng bào. Nói như lời của trưởng bản Bản Ngò trong đêm liên hoan chia tay thì: “Cái thằng In-tờ-nét thế mà hay. Bụng nó cũng tốt như hạt muối, hạt gạo vậy đấy chúng mày à”.
Trong thời gian ở xã Bản Ngò, chúng tôi gặp được em Chu Thị Khao 15 tuổi đang bị gia đình bắt bỏ học sớm để ở nhà cho con trai trong bản tới bắt về làm vợ. Khao không muốn nghỉ học nên khóc ròng đòi bố cho trở lại trường. Ông Chu Pá Dình- bố của Khao- thì không chịu, vẫn một hai bắt em ở nhà. Biết chuyện, tôi cùng ba người trong đoàn đi theo trưởng bản và cán bộ dân số tới thuyết phục Pá Dình, nhưng ông từ đầu tới cuối chỉ lặp lại mấy câu: “Học nhiều, cái chữ có giúp con Khao đẻ nhiều con, có giúp tao có nhiều cháu được không? Cái chữ có giúp nương nhà tao có nhiều ngô, nhiều sắn được không? Tao quyết rồi, phải để nó ở nhà cho con trai bản tới bắt nó về làm vợ. Không làm vậy sẽ bị thần linh bắt vạ, con ma núi, ma rừng nó bắt mất hồn phách. Cán bộ mày đừng khuyên tao nữa, tao không ưng cái bụng đâu”.
Cả đêm đó, tôi cùng một số anh em đã rất trằn trọc suy nghĩ. Rằng làm thế nào để đồng bào nơi đây thực sự hiểu được việc bắt con cái lấy chồng lấy vợ sớm là không tốt, là đi ngược với chủ trương của Nhà nước. Đặc biệt là khi tương lai các em đang rộng mở phía trước, chỉ vì củ sắn, bắp ngô mà cha mẹ bắt chúng nghỉ học thì sao đành. Như trường hợp của Khao, suốt 9 năm qua, hàng ngày em lội bộ hơn 5km đường để đến lớp, giờ bắt em nghỉ học giữa chừng để lấy chồng thì tội cho Khao lắm lắm. Năm sáu anh em chúng tôi mỗi người ngồi đưa ra một phương án để thuyết phục Pá Dình. Mọi người còn đang suy tính thì chú Huy Trần- phó nháy của đoàn- lẩm nhẩm nói: “Phải chi ở đây có tivi hay mạng internet thì hay biết mấy”. Chúng tôi quay sang đề nghị chú nói cụ thể phương pháp của mình. Chú bảo cách tuyên truyền bằng hình ảnh động trên tivi hoặc máy tính là tốt nhất. Vì bản thân đồng bào nơi đây suy nghĩ rất đơn giản như chính hạt lúa trong bồ, bắp ngô trên bếp. Nếu chỉ nói không thôi mà không có hình ảnh thực tế thì không thể thuyết phục. Nhưng vì ở đây chưa có điện nên không thể kiếm ở đâu ra tivi và càng không thể có mạng internet để tải các phóng sự hay phim tài liệu trên mạng về được. Sau hồi suy tính, mấy anh em quyết định phân công tôi và phóng viên Du Nam mang 4 cái laptop xuống thị trấn Cốc Pài sạc pin cho đầy và nhờ mạng internet dưới đó tải phim về chiếu cho bà con xem. Nếu phương pháp này thành công thì không chỉ riêng Khao mà sẽ có rất nhiều em khác sẽ không bị gia đình bắt bỏ học đi lấy chồng, lấy vợ. Các em sẽ có một tương lai tươi sáng, Bản Ngò cũng như Xín Mần cũng sẽ thực sự thay đổi.
Sáng hôm sau, tôi và Du Nam dậy từ sớm hăm hở quải ba lô mang theo bốn cái máy tính xách tay đi bộ xuống thị trấn. Đường đi không xa nhưng vì mấy ngày trước có mưa to nên đất lầy lên tạo thành các rãnh lớn, vừa đi lại vừa giúp bà con đẩy xe lên dốc nên gần 3 tiếng sau hai anh em mới có mặt ở thị trấn Cốc Pài. Nếu như ở thành phố, chúng tôi đảo mắt một cái là thấy tiệm Internet hoặc một hàng quán bất kì có nối mạng. Nhưng vì là miền núi nên hai anh em hỏi hết người này người kia cũng không ai biết chỗ nào có cửa hàng như vậy. Đánh liều vào bưu điện để nhờ thì cô nhân viên trong đó nói dây cáp bị đứt chưa nối lại được nên hai tuần nay bưu điện không vào được mạng. Cô ấy nhiệt tình giới thiệu sang bên chi nhánh của ngân hàng X kế bên. Sau ba phút trao đổi, mọi người trong ngân hàng đều đồng ý cho tôi và Du Nam nhờ dây cáp mạng và nhiệt tình giúp hai anh em copy tài liệu về. Bên cạnh các phim, phóng sự nói về nạn tảo hôn, tôi còn bảo Du Nam tìm và tải thêm thông tin tuyên truyền về việc có bệnh thì tới trạm y tế chữa trị chứ không nên tin theo thần linh. Sau 3 tiếng vừa tải vừa sạc đầy pin, hai anh em định trở về bản luôn thì trời ập mưa nên phải ngồi lại ngân hàng đợi mưa ngớt chúng tôi mới quải ba lô về. Lúc xuống đã khó, lúc về đường đi còn khó hơn bội lần. Du Nam trong lúc nghỉ chân, vừa thở hổn hển vừa nói vui: “Sự nghiệp cõng thông tin về bản xem ra cũng vất vả anh nhỉ”. Hai anh em nhìn nhau cười rồi lại hì hục lội bùn đất, leo dốc đi lên.
Chiều tối, hai anh em cũng “bò” lên được tới bản. Quá đỗi vui mừng, cả hai để nguyên quần áo còn lấm lem bùn đất đi cùng trưởng bản và mọi người sang nhà Pá Dình để tiếp tục làm công tác tư tưởng. Khi mở máy ra, cả nhà Pá Dình đã háo hức ngồi xem. Ngoại trừ Khao đã biết đó là cái gì, còn lại gần 10 người trong gia đình nhà Pá Dình đều há miệng ngạc nhiên, ai nấy đều tò mò: “Cái gì mà lạ thế? Nó chứa cả thằng người trong đó mà vẫn vừa. Nó còn biết nói, biết cười nữa. Thằng người trong đó là ma hay là người vậy?” Sau hồi giải thích, Pá Dình và mọi người hiểu ra mới chịu ngồi theo dõi các đoạn phóng sự giới thiệu về chủ trương của Nhà nước; về tác hại của việc tảo hôn; về lợi ích của việc được học hành đàng hoàng; các tấm gương của người dân tộc vươn lên làm giàu khi được học tới nơi tới chốn… Bên cạnh đó, trưởng bản cũng lấy ví dụ trực tiếp về các trường hợp tảo hôn của A Chu, Sính Dí, Ma Liêng… trong bản đã gặp khó khăn như thế nào trong cuộc sống. Trong suốt 2 giờ mở phim, Pá Dình nhận thức được việc làm sai trái của mình nên đã quay sang nói với Khao: “Tao cho mày đi học tiếp, không bắt mày lấy chồng, sau này mày làm ra nhiều ngô, nhiều gạo thật chứ? Mày có xây được cái nhà xanh xanh như con bé trong cái máy kia không?”. Khao gật gật đầu: “Con làm được mà bố. Bố cứ cho con học nữa đi. Sau này, con cũng sẽ mua cho bố cái máy như thế này để bố xem”. Pá Dình phá lên cười thích thú rồi đồng ý để cho Khao học tiếp, không bắt em phải ở nhà cho trai bản tới bắt về làm vợ nữa.
Lúc này, tôi, Du Nam cùng mọi người rưng rưng nhìn nhau. Niềm vui vỡ òa trong từng ánh mắt. Thông tin cõng qua đoạn đường trật trầy bùn đất cuối cũng cũng có tác dụng. Tôi thầm nghĩ, giá như đường dây điện được kéo về, internet theo đó cũng lên bản, bà con tiếp cận với thông tin sớm thì đâu có những vợ chồng A Chu mới 16 tuổi đã nheo nhóc 2 con, vợ chồng Ma Liêng 19 tuổi đã bốn con nhưng không được chăm sóc chu đáo nên một con đã chết khi được hơn 2 tuổi.
Ba ngày còn lại ở bản Ngò, tôi cùng anh em trong đoàn tiếp tục chiếu cho bà con xem các Clip nói về nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết và hậu quả đau lòng của việc chữa bệnh bằng cúng bái. Khi máy hết pin, Clip chiếu hết, chúng tôi lại thay nhau xuống thị trấn “cõng” từng giờ pin, từng phút thông tin về. Xem xong, nhiều người đã sụt sùi khóc trách bản thân không hiểu biết, trước đây không chịu nghe theo lời trưởng bản, cán bộ y tế đưa người thân tới trạm y tế khám, chỉ nghe lời thầy cúng bắt ma nên người nhà mới chết tức tưởi. Thấy bà con rỉ tai bảo nhau phải nghe theo lời hay của Bác, làm theo việc tốt như của cái thằng người trong cái máy nhỏ nhỏ, lòng chúng tôi ai nấy đều mừng vui, hạnh phúc. Lúc anh em tôi chia tay Bản Ngò để sang bản khác trong huyện Xín Mần, Khao cứ rấm rứt cầm tay chúng tôi cảm ơn và hứa sẽ học tốt để mai này cũng “cõng” được thông tin từ “in-tờ-nét” về bản. Còn Pá Dình thì vỗ vai: “Năm sau chúng mày lại lên, kéo cho tao cái thằng in-tờ-nét đó nhé. Nó như con ma, cũng không thấy hình, thấy bóng nhưng cái bụng nó lại tốt hơn con ma nhiều đấy”.
***
Đã hơn ba năm kể từ ngày đó, giờ đây xã Bản Ngò cũng như các xã khác trong huyện Xín Mần đã thay đổi toàn diện cả về cơ sở vật chất lẫn đời sống tinh thần. Ở nơi ấy, điện đã sáng bừng trên khắp bản làng, sóng điện thoại, sóng Internet cũng đã phủ khắp. Nhờ vậy mà người dân tiếp cận với thông tin cũng nhanh chóng và chính xác. Nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết đã hạn chế rất nhiều. Đáng mừng nhất là mấy năm nay tại bản Ngò không có trường hợp nào tử vong do chữa trị bằng cúng bái gây ra.
Còn anh em chúng tôi khi trở về thành phố, mỗi người lại theo đuổi một đam mê trong công việc của riêng mình. Nhưng mỗi khi gặp lại và nhắc về kỉ niệm “cõng từng giờ thông tin” về bản, lòng ai cũng mừng vui khôn xiết. Nếu như năm đó, thị trấn Cốc Pài cũng không có mạng Internet, tôi và Du Nam phải lặn lội 150km về tận thị xã Hà Giang để tải thông tin rồi trở lên Bản Ngò chắc Khao đã bị ai đó bắt về làm vợ thật rồi. Như thế, có lẽ giờ Khao đang tay bế tay bồng con nhỏ trên tay chứ đâu thể trở thành cô sinh viên của trường sư phạm dưới Thủ đô. Nghĩ lại chuyện cũ, mấy anh em lại cười vui: “Thằng in-tờ-nét không hình, không bóng thế mà lại hay”.
Phạm Tử Văn