Home > Âm nhạc & Hội họa > Nhiếp ảnh & Hội họa > Khám phá nét riêng trên cao nguyên Đà Lạt

Khám phá nét riêng trên cao nguyên Đà Lạt

Từ TP.HCM, sau 8 tiếng ngồi xe ô tô thì Đà Lạt cũng hiện ra trước mắt chúng tôi với dáng vẻ của một thành phố cao nguyên bình yên và xinh đẹp. Lúc bước chân xuống xe, cái giá lạnh của buổi sớm tiết cuối Hè ập tới khiến cho một vài người cùng đi trên xe phải khum người lại. Một vài tiếng ta thán ở đâu đó vang lên nhưng sau một vài phút thích ứng, mọi chuyện cũng trở lại bình thường.

Theo lịch trình của nhà xe, từ bến xe liên tỉnh Đà Lạt, chúng tôi sẽ được xe trung chuyển đưa về khách sạn hoặc một địa điểm nào đó cần tới.

Nhưng vì 14h mới được nhận phòng, trong khi thời gian tới lúc đó còn 8 tiếng nữa nên chúng tôi quyết định không đợi xe trung chuyển mà tự cuốc bộ hơn 3km đi về trung tâm thành phố. Có lẽ đó là một quyết định đúng đắn, vì nhờ vậy mà chúng tôi đã được ngắm ánh bình minh ló dạng trong màn sương mờ ảo trên cao nguyên. Và từ trên đồi cao, toàn thành phố được thu gọn vào trong tầm mắt. Những đỏ, những xanh, những vàng, những trắng của nhà cửa, cây cối cứ từng lớp, từng tầng khoe mình theo độ thoai thoải cao thấp của sườn đồi.

Bình minh rực sáng phía chân trời

Những gam màu đan xen của thành phố cao nguyên

 

Một ngôi biệt thự cổ tại Đà Lạt

Một điều khá đặc biệt khi đến với Đà Lạt, ngay từ ban đầu chúng tôi đã cảm thấy dịu lòng với những màu xanh ngút ngàn của thông. Rừng tiếp rừng, cây nối cây, thông hiện diện trên khắp các triền đồi, góc phố. Chúng ôm ấp quanh những nếp nhà, biệt thự. Thông trở thành một biểu tượng khá đặc trưng của Đà Lạt. Có lẽ vì vậy mà ở các khách sạn hay trên một số sản phẩm du lịch, người ta thường in hình họa tiết của cây thông.

 

Được biết đến như một thành phố ngàn thông nên màu xanh của nó luôn ngút vào trong tầm mắt

 Đường phố Đà Lạt vào 6 giờ sáng vẫn còn khá vắng người. Xe ô tô hay xe máy chạy trên đường có thể đếm được từng cái. Còn cửa hàng café hay hàng ăn thì cũng chỉ lác đác một vài tiệm đang sửa soạn bày đồ hàng ra bán. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại được mấy bác xe ôm chạy qua mời gọi lên xe để họ chở. Nhưng có điều khá đặc biệt mà chỉ Đà Lạt tôi mới gặp, xe ôm ở đây người ta gọi là xe thồ, mời ai đi xe là người ta nói: “Đi xe thồ không em ơi”. Lúc đầu mọi người còn ngơ ngác nhìn nhau vì “xe thồ” ở ngoài quê tôi là một loại xe gần như xe đạp, có khung cứng ở giữa được thiết kế thêm một vài phụ kiện từ tre, gỗ để chở lúa, chở gạo hay gia súc, gia cầm chứ không ai dùng xe honda để “thồ người” cả. Nhưng sau thấy bác xe ôm nào cũng mời chào bằng từ đó nên không ai còn ngơ ngác nữa. Còn một điều cũng rất đặc biệt về xe ôm ở trên này mà chúng tôi rất ấn tượng. Nếu không biết đường, bạn cứ lại hỏi xe ôm. Ngay khi nhác thấy bạn có ý trờ tới để hỏi đường, các bác ấy đã chủ động lại gần rồi thay vì vùng vằng, nặng nhẹ trong cách trả lời như một số bác xe ôm ở nơi khác thì bạn sẽ nhận được nụ cười niềm nở, cách chỉ dẫn chi tiết và tận tình đến cảm động.

Đường phố Đà Lạt uốn lượn và vắng vẻ lúc sáng sớm

 Sau gần 1 tiếng vừa lẩn thẩn bước đi vừa hí húi chụp hình, chúng tôi cũng tới được nơi được mệnh danh là viên ngọc bích của Đà Lạt- hồ Xuân Hương. Ngày mới nắng lên, mặt hồ trong xanh cùng làn nước yên bình khiến cho Đà Lạt càng trở nên kiều diễm, mơ màng. Theo những gì tôi được biết thì hồ nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua. Sau này dưới tác động của bàn tay con người, một hồ Xuân Hương có hình dáng như mảnh trăng lưỡi liềm cùng cây cối xung quanh và công trình kiến trúc Thủy Tạ đã tạo nên những nét rất riêng cho thành phố.

 Một sáng bình yên bên hồ Xuân Hương

 

Phút tinh nghịch của tác giả

Và đó cũng là điểm đến đầu tiên trong chuỗi hành trình khám phá Đà Lạt. Nhưng để khám phá hết tiểu Paris trên cao nguyên Lâm Viên này thì bạn nên tìm thuê cho mình một chiếc xe honda để làm phương tiện đi lại. Chúng tôi cũng làm như vậy sau khi vòng từ bờ hồ lên chợ lót bụng một tô bún riêu no nê và uống một ly café thơm lừng chất núi. Giá thuê xe rất rẻ, chỉ 70-80 ngàn/ngày đêm với xe số và 100ngàn/ngày đêm với xe tay ga. Nếu như thuê nhiều ngày, bạn có thể khéo léo trả giá với chủ xe. Người ta không hẹp hòi hay khó khăn trong chuyện mặc cả. Nhưng trước khi nhận xe, bạn nhớ kiểm tra máy móc cho cẩn thận. Vì Đà Lạt là đường đèo nếu như máy móc không chạy tốt thì khi lên một số dốc cao, bạn có vào số 1, xe cũng không leo lên được; hoặc xuống dốc dù bạn có ra sức bóp phanh tay, phanh chân thì xe vẫn cứ vù vù chạy xuống.

Với những cung đường dốc và nằm trên cao như vầy, nhiều người ví von: đôi khi đi xe trên nóc nhà.

 Khi đã chọn được cho mình một chú ngựa sắt ưng ý, do chưa tới giờ nhận phòng nên chúng tôi đi lòng vòng một số nơi rồi mới về khách sạn. Sau 30 phút tắm rửa nghỉ ngơi, mấy anh em lại háo hức rủ nhau đi vườn hoa thành phố. Tại đây, chúng tôi đã vô cùng choáng ngợp và thích thú khi được nhìn ngắm hàng trăm, hàng ngàn những loại hoa đua nhau khoe sắc. Thật không hổ danh là thành phố của ngàn hoa

Phía xa là cổng vào của vườn hoa được chụp từ bên trong hướng ra.

 

Hoa Thiên Lý hay còn gọi là hoa Rạng Đông, hoa xác pháo bắt gặp khá nhiều không chỉ ở vườn hoa mà ở cả bờ dậu ngoài nhà dân. Hoa chỉ sống ở những vùng có khí hậu ôn hòa. Cây của nó rất dễ trồng.

 Sắc tím của hoa Oải Hương

Hoa Lan

Hoa dạ yến thảo

Hoa sắc cẩm tú cầu

 

 

Đi tới nơi đâu của thành phố từ công viên, tới ven đường, cổng nhà dân hay trên lối đi… chúng tôi cũng bắt gặp những sắc hoa rực rỡ, nhiều màu như thế. Tiếc là có rất nhiều loại hoa tôi không biết tên nên chỉ dùng một từ chung để gọi chúng: hoa Đà Lạt.

Từ vườn hoa thành phố, chúng tôi theo đường Phù Đổng Thiên Vương đi tới thiền viện Vạn Hạnh. Đến Đà Lạt, bên cạnh thiền viện Trúc Lâm thì thiền viên Vạn Hạnh cũng rất thu hút du khách tới viếng thăm. Tại đây có bức tượng Phật Thích Ca màu vàng đặt ở ngoài trời, cao 24m và có hướng nhìn về trung tâm thành phố. Ngoài ra, những công trình kiến trúc xung quanh và bên trong chùa cũng tạo nên những nét hấp dẫn rất riêng cho thiền viện.

 Phật Thích ca Niêm Hoa Vi Tiếu với đóa sen cầm trên tay, mắt hướng nhìn về thành phố

 

Bức tượng Đức Phật nhập niết bàn được làm bằng gỗ quý, đặt bên trong khuôn viên chùa.

 Tới Đà Lạt, có một địa điểm mà rất ít người có thể bỏ qua khi lần đầu đặt chân tới, đó là đồi thông hai mộ. Hình ảnh này đã đi vào thơ ca, rất đỗi quen thuộc với mọi người nên ai cũng muốn tới để rõ thực hư về tình yêu của đôi trai gái. Câu chuyện về lòng thủy chung của hai người thì vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian nhưng tiếc rằng hai nấm mồ năm xưa giờ chỉ còn một người nằm lại. Vì phần cốt của anh Tâm đã được gia đình đưa về Vĩnh Long. Khi đặt chân tới, ai cũng phải ngậm ngùi xót thương cho cô Thảo: “Sống không được bên nhau, chết đi rồi vẫn bị chia lìa hai ngả”. Có lẽ, hồ Than Thở cạnh đó sẽ vẫn mãi thở than cùng thời gian, năm tháng…

 Đồi thông hai mộ truyền thuyết hay hiện thực

 

Tấm bảng ghi chuyện tình yêu của hai người

Kề bên là hồ than thở

Qua ngày mới, Đà Lạt rả rích những hạt mưa. Có lẽ chúng tôi đã không may mắn vì liên tiếp gặp mưa trong hai ngày qua. Mặc dù mưa không lớn nhưng cũng đủ làm cho tiết trời Đà Lạt thêm lạnh giá. Sáng cuộn tròn trong chăn, nghe hơi lạnh từ ngoài lùa vào khiến con người trở nên lười biếng thức dậy.

Vì không muốn bỏ qua một vài điểm vui chơi hấp dẫn khác của thành phố, chúng tôi vẫn đội mưa lái xe đi. Dường như mưa khiến cho Đà Lạt mướt xanh, bình yên, trong trẻo và kiều diễm hơn thì phải. Từ dinh Bảo Đại đến thác Cam Ly hay thung lũng tình yêu đều khiến lòng người phấn chấn, rộn ràng. Có lẽ vì giá lạnh chưa đủ sức để thắp lên mùa Đông giữa thành phố này.

 

 Hàng thông này nằm phía trước dinh Bảo Đại. Nếu từ lầu vọng nguyệt trong phòng nghỉ của Bảo Đại nhìn ra, cảnh sắc sẽ rất đẹp. Nhưng do trời mưa nên chúng tôi không được đi ra bên ngoài. Và cũng vị vậy mà con dấu ở dưới vườn hoa, chúng tôi cũng không chụp từ trên lầu đó xuống được mà phải xuống dưới sân, trèo lên bồn cây, giơ máy lên cao và chĩa xuống để lấy được góc máy như hình dưới này.

 Dinh Bảo Đại hay còn gọi là dinh 3 hoặc biệt điện mùa Hè được thiết kế theo phong cách châu Âu. Tại đây còn lưu giữ rất nhiều hiện vật của Bảo Đại, từ quần áo, mùng mền, cốc, chén… Các phòng khác của Nam Phương hoàng hậu, hoàng tử Bảo Long, phòng thêu… cũng được giữ nguyên hiện trạng. Đặc biệt, bạn muốn thử một lần làm vua hay công chúa thì có nguyên một phòng khánh tiết cho thuê trang phục để bạn ngồi lên ngai vàng. Giá là 20000/lần thuê và nếu không thuê trang phục thì bạn đừng mong là chụp được hình ở trong đó. Chúng tôi không muốn “lộng quyền” thử làm vua hay hoàng hậu nên chỉ đáo qua một vòng trong phòng này rồi ra ngoài.

 

Đây là tấm bản đồ được làm rất tỉ mỉ bằng bạc được các sinh viên Việt Nam học tại Pháp dâng tặng Bảo Đại nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 của ông

 

Hình vua Bảo Đại khi còn đương tại vị

Nam Phương Hoàng Hậu 

Rời dinh, chúng tôi qua thác Cam Ly. Nếu bạn nào tới đây muốn chụp hình để có một tấm hình ưng ý thì nên sang phía bên kia thác để chụp. Góc máy rất đẹp, thác khi đó hiện ra cũng có phần hùng vĩ và hoang sơ hơn góc máy tôi chụp dưới đây. Do chăm chú chụp phía bên này, khi sang bên kia máy đã hết pin nên chỉ còn biết ngẩn ngơ đứng nhìn

 Say sưa chụp góc máy này mà máy hết pin, khi xuống dưới chân thác và sang bờ bên kia thì tôi chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn dòng chảy của nó.

Còn dưới đây là thung lũng tình yêu – nằm bên cạnh đồi Mộng Mơ – một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Đà Lạt

 Toàn cảnh thung lũng tình yêu

Sau khi được bác sĩ Yersin phát hiện và đưa lên bản đồ năm 1893 thì Đà Lạt phát triển và dần trở thành một nơi nghỉ dưỡng khá lí tưởng cho giới quan lại và doanh nhân ngày trước. Đến những năm 1930, một vùng thung lũng xanh tươi được các đôi tình nhân hay lui tới tham quan, nghỉ dưỡng nên cái tên thũng lũng Tình Yêu dần hình thành. Qua một lần đổi tên thành thung lũng Hòa Bình vào thời vua Bảo Đại thì đến năm 1953, nó trở về với tên sơ khai ban đầu và giữ nguyên cho đến nay. Để tạo điểm nhấn cũng như làm tăng vẻ đẹp cho thung lũng thì năm 1972, người ta cho xây dựng một con đập ngăn nước để tạo nên hồ Đa Thiện.

  Vườn hoa trên đồi

 

 Đồi thông tại thung lũng

 

Nhẫn lồng tay bức tượng khá độc đáo

 

Con đập ngăn nước tạo lên hồ Đa Thiện

 

Ngựa là một trong những sản phẩm du lịch của Đà Lạt. Muốn chụp với ngựa, bạn phải chi ít nhất 20000 thì chủ ngựa mới đồng ý cho bạn ngồi lên yên ngựa tạo dáng. Nhưng cũng có thể bạn vẫn chụp được với ngựa mà không mất một đồng nào nếu như bạn… đứng vị trí nào đó để con ngựa lọt vào trong khuôn hình.

 Tôi cùng chú ngựa non và một cái giá rất hời… Free.

Đây là trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Vì cái chóp kia mà tôi đã nhầm tưởng đây là nhà thờ con Gà khi nhìn từ xa lại. Nhưng lúc hỏi thăm đường tới thì người dân cười xòa nói đó không phải nhà thờ. Người ta đã tận tình chỉ dẫn ngược ra hướng đường Trần Phú.

 Và đây mới đúng là nhà thờ con Gà thực sự. Tôi đã cố đứng hình dung xem hình dáng nó có giống con Gà không mà người ta gọi như vậy. Nhưng có lẽ do đứng quan sát không đúng vị trí nên gần 20 phút mỏi mắt nhìn, tôi cũng không nhìn ra được. Đến khi về khách sạn đọc tài liệu mới biết, trên đỉnh tháp chuông có hình dáng con gà lớn. Và xem kĩ tấm hình trên đây, tháp chuông lớn có vẻ giống đầu gà thật.

 Đêm Đà Lạt vắng vẻ và yên bình

Về đêm, Đà Lạt nhiệt độ xuống thấp hơn ban ngày nên đường phố không còn nhộn nhịp. Quanh bờ hồ Xuân Hương cũng chỉ có một vài đôi nắm tay nhau đi dạo hoặc hứng khởi đạp xe đi lòng vòng. Với tôi, cảm giác khi đứng ở bờ hồ, thả lỏng người để hơi lạnh từ ngoài táp vào mặt đã cho tôi nhiều cảm nhận rất thi vị về Đà Lạt.

Điểm đến thu hút đông lượng người đổ về lúc này chính là chợ trung tâm. Sau 19h của các ngày cuối tuần, các tuyến đường xung quanh chợ sẽ trở thành phố đi bộ. Khi đó các xe máy hay ô tô đề bị cấm đi vào. Được biết tuyến phố đi bộ này hình thành đầu tiên ở Việt Nam, có từ năm 2003 và được sách kỉ lục Việt Nam ghi nhận.

Nếu khách sạn bạn ở xa so với chợ, bạn muốn đi xe tới đây rồi tìm chỗ gửi thì nên đến trước 7h rồi vào gửi ở nhà xe bên cạnh khách sạn Golf 3. Khi về, hoặc là về sau 22h, bạn lấy xe và đi ra vô tư; hoặc về trước 22h thì có một lối bên hông nhà xe và nằm ngay trước các tiệm rửa ảnh, theo lối đó bạn đi ra phía dốc chỗ đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai. Giá vé giữ xe rất rẻ, chỉ 2000 hoặc 3000 cho một lượt gửi. Nếu là các thành phố du lịch khác, giá này có thể đội lên 10.000 thậm chí là 20.000 rồi.

 Dòng người đổ về phố đi bộ để mua sắm

Tại đây, bạn tha hồ mua sắm quần áo, đồ lưu niệm hay lê la ở các hàng ăn vặt. Tại chợ đồ cũ trên đường Hòa Bình, quần áo phần lớn là các gian hàng chúng ta quen gọi là “siđa”, bày trên các tấm bạt ở vỉa hè nên giá rất rẻ. Với 35000 bạn cũng có thể mua được một chiếc áo khoác khá model và ấm áp hoặc 130000 cho một chiếc áo len được đan bằng tay. Người bán thì luôn miệng: “zô, 50 ngàn 3 áo khoác”, “75 ngàn một cái, mời zô”“20 ngàn 3 đôi tất, rẻ bèo luôn”… Còn người mua thì luôn miệng trả giá hoặc rảo bước đi xem các hàng khác. Sau một hồi đảo qua đảo lại như cá cảnh, tôi cũng chọn được cho mình một cái áo khoác ưng ý, giá chỉ 75.000 đồng (chiếc áo mà tôi mặc trong tấm hình chụp với chú ngựa non bên trên).

Hoặc bạn cũng có thể xuống khu chợ nằm dọc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Quần áo ở đây bán hơi mắc một chút nhưng chất lượng thì khá khẩm hơn trên đường Hòa Bình. Mặc dù vậy, những gian hàng này lại thu hút người xem nhiều hơn là người mua.

 

Một góc khu chợ đồ cũ

 

Dãy hàng bán trên đường Nguyễn Thị Minh Khai

Và trên đường, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều hình ảnh những cậu bé ngồi bán hàng như thế này

Trên đây là bánh mứt, nước cốt dâu, chanh dây, trà atiso… Đây là những đặc sản gắn liền với Đà Lạt trong mấy chục năm qua. Chúng được bán với giá rất rẻ. Người bán thì luôn vui vẻ, kể cả bạn không mua thì người ta vẫn nhiệt tình mời bạn ăn một miếng mứt và uống 1 ngụm trà Atiso

 Chợ Đà Lạt

Rau quả bán ở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai

Tại khu chợ Đà Lạt, ngoài thú vui mua sắm bạn cũng sẽ được thưởng thức những phong vị ẩm thực của thành phố cao nguyên. Bên cạnh bánh ống, bánh tráng nướng, hải sản nướng hoặc phở gà, cháo cật thì điều làm nên sức hút và nét riêng cho vùng đất này là những ly sữa đậu nành thơm ngon, nóng hổi. Đây là thứ nước uống bình dị mà bạn có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam. Nhưng người ta nói, với riêng Đà Lạt, bên cạnh Atiso thì nếu không có sữa đậu nành thì Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa. Tiết trời se lạnh, cầm ly sữa đậu nành nóng hổi trên tay bạn khó lòng mà bỏ xuống được. Mùi thơm và vị béo quyện trong tiết giá cộng thêm cách phục vụ ân cần của người bán đã làm nên một nét văn hóa rất Đà Lạt.

 

Một hàng sữa đậu nành được bán ở bậc cầu thang lên xuống chợ Đà Lạt

Mặc dù sữa đậu nành được bày bán ở khắp nơi của thành phố nhưng không phải hàng nào nấu cũng thơm ngon. Nếu chịu khó đi xa một chút, bạn có thể được thưởng thức đậu nành đúng chất của người Đà Lạt. Một số quán chất lượng có thể kể đến quán nằm gần bùng binh 3/2 và Hải Thượng Lãn Ông, hoặc trên đường Tăng Bạt Hổ. Giá dao động từ 6 đến 10 ngàn/ly. Tại đó không chỉ có sữa đậu nành mà còn có cả đậu xanh, đậu phộng, mè đen…

 Bánh ống Đà Lạt khiến cho các vị khách phương Tây cũng phải trầm trồ tán thưởng

 

 

Bò lá lốt và phao câu gà đang nướng trên bếp than rực đỏ, chỉ 5000/xiên nhưng rất ngon

Miến gà chỉ 25000/tô, sợi miến rất dai và thịt gà ta rất thơm ngon. Hàng của bác này có món nước mắm gừng ăn rất ghiền.

 Bánh tráng nướng và khoai nướng

Uống cafe bạn sẽ luôn được mời một tách trà atiso thay vì trà đá như ở Sài Gòn

Và đây là một số điều cần lưu ý khi đặt chân tới Đà Lạt:

1. Bất kể mùa nào trong năm, đi Đà Lạt bạn cũng nên mang theo mình một chiếc áo khoác nhé. Mặc dù quần áo bán ở chợ Đà Lạt rất rẻ nhưng lúc xuống xe, cái lạnh của Đà Lạt lúc sớm mai ập tới, khi đó bạn đã có sẵn áo mang theo mình. Đợi khi chạy ra chợ mua được áo, có thể bạn đã bị cảm lạnh rồi.

2. Muốn biết đường đi một cách nhanh chóng, hãy lại hỏi mấy bác “xe thồ”. Đừng ngại ngần, vì nếu bạn không biết mà cứ tự ý đi thì có thể lộn đường, khi đi đúng lại thì bạn đã cách khá xa điểm đích rồi. Đà Lạt rất nhỏ nhưng không hẳn dễ tìm đường đâu.

2. Đà Lạt là một thành phố đặc biệt, không điểm nút giao thông nào có đèn xanh – đèn đỏ nhưng bạn cũng cần phải đi đứng cho cẩn thận nhé. Tại các nút giao thông hoặc xuống dốc, đi thật chậm và quan sát. Cái này không cần nói thì ai cũng biết nhưng mà vẫn có nhiều người phạm lỗi, gây ra tai nạn đáng tiếc hoặc bị các chú công an hỏi thăm đấy.

3. Với bánh mứt mua về làm quà thì nên chọn cửa hàng lớn, uy tín để mua. Không nên tham rẻ mua mấy hàng bày bán vệ đường.

4. Rau quả Đà Lạt rất sẵn và tươi ngon, giá cũng không mắc. Nhưng nếu có ý định mua mang về thì nên tinh ý một chút. Dâu tây đừng tham quả chín mọng, bóng bẩy, rau xanh thì bỏ qua hàng mớ lá.

5. Các hàng ăn uống tại Đà Lạt giá rất bình dân. Hầu hết các hàng quán không có chuyện chặt chém du khách như Vũng Tàu hay Hà Nội. Vì ban lãnh đạo Thành phố quán triệt rất gắt gao vấn đề này cho các tiểu thương. Tuy nhiên vẫn có một vài quán “chém” rất ngọt ngay tại trung tâm, điển hình là quán cơm Anh Đào bên cạnh khách sạn Golf 3 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (6 miếng thịt gà chị ấy “xin” 120k).

6. Đà Lạt thu hút rất nhiều du khách nên các điểm du lịch mọc lên cũng ngày càng nhiều. Bạn nên lựa chọn điểm đi cho thích hợp và nên đi theo tuyến để tránh mất thời gian. Ví dụ đi Hồ xuân Hương thì qua vườn hoa thành phố, ra đồi thông hai mộ; Đi đồi Mộng Mơ (hoặc thung lũng tình yêu) thì tiện đường ghé lên Thiền viện Vạn Hạnh; Đi nhà thờ con Gà, dinh Bảo Đại rồi ra thác Cam Ly… Và chú ý, nếu đi vườn hoa thành phố thì không cần đi vườn hoa Minh Tâm; hoặc đi thác Vàng, Thung lũng vàng thì không cần đi thung lũng tình yêu; đi hồ Tuyền Lâm thì không cần đi những hồ khác.

7. Nên đi thêm nhiều lần để khám phá hết thú vị của Đà Lạt. Và khi ấy, có thể bạn sẽ rành về Đà Lạt còn hơn những người bản địa ở đấy nữa đó.

 

Phóng sự ảnh

Tác Giả: Phạm Tử Văn

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *