Home > Âm nhạc & Hội họa > Nhiếp ảnh & Hội họa > Ảnh ý tưởng 2012: Tưởng dễ… mà không dễ

Ảnh ý tưởng 2012: Tưởng dễ… mà không dễ

Cuộc thi “Ảnh ý tưởng” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã thu hút được khá nhiều người tham dự. Từ 1.504 ảnh của 322 tác giả thuộc 51 tỉnh thành tham gia, Hội đồng nghệ thuật chọn ra 88 tác phẩm xuất sắc nhất để trưng bày tại triển lãm “Ảnh ý tưởng 2012”. Tuy nhiên, ngắm nhìn các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, ta dễ nhận thấy

Hội đồng nghệ thuật đã quá nương tay với nhiều tác phẩm lọt vào vòng chung kết.

Một góc phòng triển lãm “Ảnh ý tưởng 2012”
Với chủ đề sáng tác… tự do. Có thể nói cuộc thi đã mở tung không gian sáng tạo cho các nghệ sỹ thoải mái bay bổng với những ý tưởng của mình. Tưởng rằng với chủ đề rộng mở không giới hạn như thế thì đây sẽ là dịp “trăm hoa đua nở”cho các ý tưởng sáng tạo. Ấy vậy mà xem những tác phẩm trong triển lãm ta không thấy được sự đột phá ý tưởng nào đáng kể. Vẫn những chủ đề quen thuộc mang đậm tính cổ động như bảo vệ môi trường, chủ quyền biển đảo, ám ảnh chiến tranh, tác hại của thuốc lá.v.v. được đa số các nghệ sỹ tập trung khai thác. Xen kẽ chút ít là những hoài niệm thời gian, ảnh đẹp thiếu nữ… giống như vẫn thường thấy trong các triển lãm ảnh nghệ thuật. Phải chăng những người tham dự cuộc thi “đón ý” Hội đồng nghệ thuật nhằm… săn giải!? Hay tư duy sáng tạo của các nghệ sỹ chỉ loanh quanh luẩn quẩn đến vậy mà thôi!?

Ý tưởng đã vậy, kỹ thuật thể hiện cũng chẳng khá hơn. Có quá nhiều ảnh mà ý tưởng thì mòn cũ, kỹ thuật thể hiện lại ngô nghê nhưng vẫn lọt được vào phòng triển lãm. Tác phẩm “Hồi ức mẹ tải đạn” của Huỳnh Thái Hùng (Tiền Giang) là một ví dụ về việc ghép ảnh rất sơ khai để minh hoạ cho một ý tưởng nhàm cũ. Cao hơn chút nữa là tác phẩm “Vì sự sống” của Bảo Hưng (Đắc Lắc) đoạt giải khuyến khích – Một tác phẩm yếu kém mang đầy tính minh hoạ khiêm cưỡng như vậy mà vẫn được Hội đồng nghệ thuật trao giải thì thật là khó hiểu. Mà đấy mới chỉ là hai trong số rất nhiều những ảnh kém chất lượng được trưng bày trong triển lãm. Nếu chặt chẽ, có lẽ phải loại đi phân nửa.

Tác phẩm “Hồi ức mẹ tải đạn” của Huỳnh Thái Hùng (Tiền Giang)

Tác phẩm “Vì sự sống” – Giải khuyến khích của Bảo Hưng (Đắc Lắc)

Để sáng tạo một tác phẩm ảnh ý tưởng, không đơn thuần chỉ là việc biết chụp ảnh cơ bản cộng thêm chút kiến thức cắt ghép chỉnh sửa ảnh trên máy tính mà nên. Nếu như vậy thì ai cũng có thể làm nghệ sỹ cả. Xem các tác phẩm tham dự triển lãm, ta dễ nhận thấy có rất nhiều tác giả thiếu hụt những kiến thức cơ bản cần phải có để sáng tạo nên một bức ảnh đẹp về thẩm mỹ và độc đáo về ý tưởng.

Rất nhiều những tác phẩm quá lạm dụng việc cắt ghép và các thủ thuật chỉnh sửa trên Photoshop. Chẳng hạn như “Giao mùa” của Nguyễn Ngọc Quang (Thái Bình); “Con đường” của Đỗ Phương Mai (Hà Nội) hay “Chân dung cuộc sống” của Nguyễn Hữu Phước (Long An).v.v.

Tác phẩm “Giao mùa” của Nguyễn Ngọc Quang (Thái Bình)

Tác phẩm “Con đường” của Đỗ Phương Mai (Hà Nội)

Tác phẩm “Chân dung cuộc sống” của Nguyễn Hữu Phước (Long An)

Lại có những tác phẩm mặc dù khá ổn về kỹ thuật cắt ghép hoà trộn ảnh, nhưng quá sa đà vào kể lể hoặc cường điệu thái quá làm tác phẩm trở nên khiêm cưỡng nặng nề như “Ngòi nổ” của Đinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc); “Dòng sông xanh” của Lê Hữu Dụng (Thái Bình); “Chiến tranh: Hoả ngục của cuộc sống hoà bình” của Nguyễn Bá Nhân (Lâm Đồng).v.v.

Tác phẩm “Ngòi nổ” của Đinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc)

Tác phẩm “Dòng sông xanh” của Lê Hữu Dụng (Thái Bình)

Tác phẩm “Chiến tranh: Hoả ngục của cuộc sống hoà bình” – Giải ba
của Nguyễn Bá Nhân (Lâm Đồng).

Bên cạnh đó thì khá nhiều tác phẩm lại có thiên hướng gần với ảnh nghệ thuật hơn là ảnh ý tưởng như “Đợi chờ” của Hoàng Ngọc Thạch (Hà Nội); “Nhan sắc 3” của Đàm Long Xây (Hải Dương); “Nguồn cội” của Dương Thị Anh Hoa (Hà Nội).v.v.

Tác phẩm “Đợi chờ” của Hoàng Ngọc Thạch (Hà Nội)

Tác phẩm “Nhan sắc 3” của Đàm Long Xây (Hải Dương)

Tác phẩm “Nguồn cội” của Dương Thị Anh Hoa (Hà Nội)

Và một điểm chung của rất nhiều tác phẩm trong triển lãm lần này, đó là nặng về kể lể và thiên về minh hoạ một cách thô sơ cho ý tưởng định truyền tải. Bởi vậy, ảnh sáng tác trông thường nông, rườm rà và gượng ép, thiếu hẳn đi sự nhẹ nhõm tự nhiên.
Dẫu vậy triển lãm cũng ghi nhận và tôn vinh một số tác phẩm khá tốt, kết hợp được cả ý tưởng, tính thẩm mỹ lẫn kỹ thuật thể hiện nhuần nhuyễn. Tác giả Nguyễn Đức Trí (Thừa Thiên – Huế) là một gương mặt nổi bật hiếm hoi trong cuộc thi này. Hai tác phẩm “Cứu lấy màu xanh” và “Ngày bình yên” của anh đoạt liền hai giải cao nhất của cuộc thi. Trong đó tác phẩm “Cứu lấy màu xanh” – Giải nhất có bố cục chặt, hình thức thể hiện mạnh mẽ và trực tiếp, đồng thời có ý tưởng mạch lạc rõ ràng giúp người xem cảm nhận được ngay thông điệp mà tác phẩm chuyển tải. Tuy nhiên tác phẩm “Ngày bình yên” – Giải nhì lại chiếm được cảm tình của người viết hơn bởi ý tưởng nhẹ nhàng, bố cục hài hòa và bay bổng trong hình thức thể hiện. “Ngày bình yên” đem đến cho người xem một cảm giác nhẹ nhõm thanh thoát cùng sự đồng cảm với giấc mơ bình dị của người đánh cá nghèo.

Tác phẩm “Cứu lấy màu xanh” – Giải nhất của Nguyễn Đức Trí (Thừa Thiên – Huế)

Tác phẩm “Ngày bình yên” – Giải nhì của Nguyễn Đức Trí (Thừa Thiên – Huế)

Tác phẩm “Vì màu xanh” của Đinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc)
 
Ảnh ý tưởng là thể loại ảnh còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam và hiện chưa được nhiều người biết đến. Là lần đầu tiên tổ chức, có lẽ vì vậy mà Hội đồng nghệ thuật khá nương tay cho nhiều tác phẩm vào vòng chung kết. Dẫu chất lượng các tác phẩm tham dự triển lãm chưa thực sự tốt và đồng đều, thì cuộc thi cũng vẫn là một tiền đề tốt cho sự phát triển thể loại ảnh mới mẻ này tại Việt Nam trong tương lai.
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *