Mỗi dòng sông có triết lý, một nhành cây có đời sống, mỗi con người có một niềm riêng – dịu dàng tha thiết – đầy chất thơ, đó là đặc trưng trong những trang tản văn của nhà thơ Phan Chín – PCT Hội VHNT Quảng Nam. Nhân dịp mới ra cuốn “Vĩ thanh hoa” của anh mới xuất bản, Web thaco xin trân trọng giới thiệu tản văn xuất sắc của anh về con sông quê hương Quảng Nam
Lâu lắm tôi mới có dịp đi đò dọc trên sông Thu Bồn.
Từ một bến không tên ở vùng hạ lưu, nương theo con nước thủy triều đang lên, đò đi ngược dòng mà vẫn nhẹ hẫng.
Lúc mới xuống đò, nghe tiếng phành phạch của động cơ, tiếng ì ọap của sóng, chợt thấy vui. Nhưng rồi sự lặp lại của âm thanh ấy, thêm chút rờn rợn của sóng nước mỗi lần đò ngoặt lái, lại thấy nôn nao. Cũng may, đò dọc như một chuyến xe khách đường dài, chốc chốc lại ghé vào bờ khi có tiếng vọng “đò ơi…”.
Thu Bồn vào buổi sáng, giữa lấp lóa sóng nước bởi ánh mặt trời phản chiếu là bảng lảng khói sương. Trưa, sông xanh biếc, lặng yên, nhẫn nại phơi mình trong nắng. Chiều xuống, sau trò bỡn cợt giữa sóng và những tia nắng quái là khói bếp. Khói từ những xóm chài, từ những con thuyền đang lừ đừ trôi sau một ngày xuôi ngược phút chốc làm cho khung cảnh trở nên u linh, tịch mịch. Bất giác, thấy mình như chiếc lá, mỏng manh, bé bỏng giữa thăm thẳm chiều sông nước…
Đi giữa Thu Bồn, mới thấy sông nước là bài học lớn; mới biết mỗi tên đất, tên làng ở hai bờ là cả những ước vọng, khát khao của con người. Có những “đoạn sông vui” : mượt mà xanh cây trái, mát mắt những biền dâu, bắp, đậu…; những bãi cát vàng óng ánh phơi mình trong nắng hiền hòa. Lại có những “đoạn sông buồn” : bờ sông xói lở toang hoác, chỉ chực kéo những ngôi nhà đổ xuống dòng nước… Đã có những bến đò Phú Thuận (giàu có, thuận hòa ?), Bình Yên, Phú Gia, Đại Bình… đầy khát khao, hy vọng, gửi gắm. Lại có bến đò mang dấu tích của những đổi dời, đau xót : bến Cài Tang (còn có tên là Cà Tang), bến Lở…
Trên hành trình ngược lên thượng nguồn, về phía Hòn Kẽm – Đá Dừng, sông Thu Bồn có lần đã mách bảo tôi, rằng thiên nhiên, núi rừng nơi đây cũng không khác gì người. Sông, núi cũng biết suy nghĩ, biết buồn và biết vui, biết hờn và biết giận, biết vuốt ve âu yếm và cũng biết đùng đùng những cơn thịnh nộ khi cần… Và sông, và núi nơi này còn biết làm dáng, biết khơi dậy khát khao làm đẹp ! Thì đây, trên suốt chiều dài của sông Thu Bồn, vùng hạ lưu là tre trúc, là lác, là thầu đâu… cứ choài ra lòng sông.
Từ bến đò Phú Thuận đổ lên mạn ngược, mải mê và say sưa soi bóng mình dưới dòng nước mát bốn mùa là những ngọn núi cao ngất. Nhìn từ xa, thấy núi trầm mặc, uy nghiêm là vậy. Nhưng khi đến gần, đứng giữa mơn man gió sóng ngước nhìn lên, chợt thấy núi duyên dáng đến lạ lùng. Xen giữa sắc xanh đậm rừng già là nõn nà sắc xanh của những cánh rừng mới. Quanh những chân núi thấp, từng khóm mẫu đơn, mua, sim… cứ hồn nhiên bói hoa, điểm tô thêm sắc màu cho núi…
Đến Hòn Kẽm – Đá Dừng, chưa kịp ngước nhìn lên đã thấy lòng dậy lên chút niềm riêng khó tả. Nhìn lên, không chỉ có thấy “thương cha nhớ mẹ” như lời một bài ca dao (*), mà còn mơ màng nhớ về những xa xăm nào đó. “Ngó lên Hòn Kẽm – Đá Dừng”, còn để thấy một sự sắp đặt kỳ lạ của đất trời sông núi. Giữa Hòn Kẽm và Đá Dừng là một sự đối xứng. Và chính sự đối xứng lừng lững, uy nghiêm nhưng lãng mạn này lại tiếp tục làm nên sự đối xứng, đối lập trong thế hài hòa với dòng nước Thu Bồn.
Mà trên dòng Thu Bồn này không chỉ có sự đối xứng, đối lập ấy. Một loạt vách đá dựng đứng đối lập với sông suốt một quãng đường dài. Ven sông, bờ bên này trên bến dưới thuyền thì bên kia cũng vậy. Ví như hai bến đò Tý và Sé, đúng là đang quay mặt vào nhau nhưng lại mở ra hai hướng. Phải chăng chúng tự tạo ra sự đối xứng hay đó chính là sự sắp đặt đầy ngụ ý của tạo vật, một ẩn dụ của đất trời ?…
…”Chỉ có sống trọn đời với sông nước mới có thể hiểu triết lý của sông, mới có thể học được các bài học từ sông !” – người lái đò bảo tôi như thế. Mà đúng vậy thật. Lấy của sông tôm cá, phải trả lại cho sông mồ hôi, đôi khi cả mạng sống. Muốn nương theo sức mạnh con nước, phải biết nương trong chừng mực : đò đang xuôi dòng, khi muốn cập bến phải bẻ lái đi vòng, để cho mũi thuyền hướng về phía thượng nguồn. Đó là sự hướng về cõi u linh, về phía khởi nguyên của con nước. Và, đó cũng là một cách để mái dằm có thể neo giữ được con đò, tránh bị trôi tuột theo dòng chảy…
Sống chung thủy với sông còn để hiểu trọn lòng sông. Như bao con sông khác, vào những đêm tối trăng, mặt sông Thu Bồn cũng đen thẫm, lẫn vào giữa mênh mang u tịch của trời đất, của núi rừng. Không có đèn pha, cũng chẳng có đèn pin, vậy mà bao nhiêu con đò dọc cứ phăm phăm rẽ nước, rồi cũng lách, cũng vòng. Đò đã thuộc hết lòng sông nên có thể ngược xuôi trong đêm tối mà không sợ kẹt vào chỗ cạn. Quan trọng hơn, mỗi con đò còn có một đôi mắt sáng. Đôi mắt ở đằng mũi lúc nào cũng mở thật to, có thể nhìn xuyên qua màn đêm, nhìn xuyên qua làn nước để đò luồng lạch. Đó là đôi mắt của tâm linh, đôi mắt của niềm hy vọng, sự gửi gắm của cư dân sông nước. Và để con mắt ấy sáng mãi, người cầm chèo cũng cần có trái tim biết đập bằng những nhịp đập của sóng; biết hòa mình vào cuộc sống bằng linh cảm nồng tanh mà đậm đà của sông nước bao la…
Mỗi dòng sông có một triết lý của riêng mình. Sông Thu Bồn cũng vậy. Triết lý của nó là sự giao hòa của sóng nước, bãi bờ, non núi; của một con đò, của mỗi mái chèo và của mỗi con người. Với triết lý ấy, Thu Bồn đã giữ được vẻ đẹp hiền hòa, xanh thẳm của mình. Để rồi, qua bao nhiêu phong ba sóng gió, Thu Bồn vẫn là dải lụa mềm, vắt từ điệp trùng Trường Sơn qua đồng bằng châu thổ và ra tới biển..
Phan Chí Anh