Ô-tô đỗ lại ở chân cầu Tạ Khoa. Chúng tôi sẽ theo đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh Sơn La làm một chuyến du ngoạn trên sông Ðà, một đoạn dài non trăm cây số từ Tạ Khoa về bến phà Vạn Yên.
Anh Ðinh Quang Trưởng cũng là hội viên Hội Văn nghệ tỉnh, đánh thuyền máy của nhà từ bản Tang Lang lên đây để đón chúng tôi. Con thuyền rời bến lúc 9 giờ 30 phút sáng. Thuyền có mui, họa hoằn mới có làn gió mát từ mặt sông lên xua đi cái oi nóng của mùa hè.
Những mái nhà sàn của người Mường, người Thái ở xã Sọng Pe bên kia và xã Chiềng Sại bên này ở chênh vênh trên sườn núi có cảm tưởng khi đất khẽ cựa mình tất cả sẽ rơi tõm xuống sông.
Bản làng khi xưa đều ở ven sông chân núi. Từ khi Nhà máy Thủy điện ngăn dòng, đồng bào phải vén dần từ dưới thấp lên ở cao. Anh Ðinh Quang Trưởng ngồi cầm lái, nói to cố át tiếng máy:
– Khi nhà nước bảo phải lên ở trên cao mới khỏi ngập, chẳng ai tin cả, cứ ở liều. Khi chặn dòng lần thứ nhất, nước lên từ từ ngập tận mái chúng tôi mới dỡ nhà lên ở cao. Chả ai ngờ phải cao thế. Nhà tôi phải năm lần chuyển đấy.
– Có được nhà nước đền bù nhiều không anh? – Tôi hỏi.
Anh trả lời:
– Cũng có. Ðáng mua được ba con trâu. Nhưng bốn năm sau mới lĩnh được tiền thì mất giá còn mua được ba cân thịt trâu thôi.
Anh cười phớ lớ. Kể chuyện thua thiệt này, anh vẫn vui như hội không hề cấn cớ gì.
Ðò xuôi đến bản Mong. Ngồi cạnh tôi là anh Lò Vũ Vân, hội viên chuyên ngành văn học dân gian. Anh là người dân tộc Thái đen. Chỉ tay lên một ngon núi cao phía tả ngạn. Anh nói:
– Kia là núi Hồng Ngài. Nhà tôi ở dưới chân núi. Năm 1953, ông Tô Hoài viết chuyện Vợ chồng A Phủ ở đấy.
Mấy anh nhà thơ trung ương thấy lạ, quay lại. Anh tiếp:
– Bố tôi là Lò Vũ Thừa, làm liên lạc cho ủy ban, ngày ngày phải đưa ông Tô Hoài đi lại.
Ngày ấy núi Hồng Ngài cũng như đất rừng Sơn La còn rậm rạp, âm u lắm, không như bây giờ sườn núi đã cạo trọc, thay vào đó là những nương ngô của người Thái, người Mường, người Dao. Loáng thoáng là những rừng cao-su mới trồng. Cao-su hai ba tuổi đã phủ xanh từng góc núi.
Bãi sông có những đàn bò, đàn dê như những đốm lửa đang cháy lan trên bãi cỏ xanh mướt.
Buổi trưa chúng tôi ăn cơm trên thuyền. Tầm một giờ chiều thuyền ghé vào bãi cho anh em lên bờ thư giãn. Bên trên có những nhà sàn Mường trên đỉnh gò chân núi. Trụ sở xã Ðá Ðỏ ở rìa bản Mường. Tôi và một số anh em đi vào ủy ban.
Trong ngôi nhà cấp bốn chật chội, bàn kê ngang dọc, có những người đang cặm cụi làm việc. Phía sát cửa sổ có dăm bảy ông già cùng Ðinh Ánh Riêng, phó bí thư xã đang uống rượu. Bát đũa để ngổn ngang mặt bàn. Còn lại đĩa thịt lợn trắng ngàu với bát muối ớt để cạnh. Anh phó bí thư đưa chén rượu đầy tràn cho chúng tôi nói:
– Hôm nay kỷ niệm Hội Người cao tuổi đấy. Xã ăn liên hoan mừng người cao tuổi mà.
Nhà thơ Nguyễn Ðình Phúc nói:
– Các bác có xem phim “Gió thổi qua rừng” không? Ngủ thăm ấy. Ông này viết truyện phim ấy đấy.
Các ông Mường đều trố mắt nhìn tôi, nói:
– Có xem.
– Có xem. Họ giơ các chén rượu ép tôi uống. Tôi lắc đầu:
– Rượu thì từ bé tôi không biết uống. Chỉ xin các bác miếng thịt ăn thử thôi.
Phó bí thư nói:
– Lợn sạch đấy, ăn ngon lắm.
Tôi đoán không nhầm, đúng là miếng thịt mỡ mà ăn ngon tỉnh người. Tôi quay ra bàn sau hỏi anh trưởng đoàn của Hội Văn học Sơn La:
– Chủ tịch xã đâu nhỉ?
Người ngồi cạnh cười vỗ vào ngực, nói:
– Tôi, Ðinh Hoài Sơn, chủ tịch xã đây.
– Thường ngày anh ngồi làm việc ở đâu?
– Nắng thì tôi làm việc ngoài gốc xoài kia kìa. Chủ tịch chỉ tay ra cửa sổ, ra phía bóng mát cây xoài đang có nhiều người đứng ngồi ở đó. Tôi biết anh chủ tịch không nói đùa vì cả xã có căn nhà nhỏ này, bàn kê san sát, các anh lãnh đạo thường phải nhường bàn ngồi viết cho cánh văn phòng, tài chính những khi bận việc.
Ðá Ðỏ là xã ven sông Ðà, không có đường ô-tô chạy qua. Xã dài 20 km, có 2.677 khẩu, chỉ có hơn 8 ha ruộng nước cấy lúa. Cả xã dựa vào ngô là chính. Có gần nghìn ha trồng ngô. Ðá Ðỏ là xã khá của huyện, không có thuốc phiện, ma túy, không có người vi phạm lâm luật, không sinh con thứ ba, không trộm cắp, mại dâm, không có bạo lực gia đình, không có đường ô-tô chạy qua. Vậy mà Ðá Ðỏ còn đến 52% hộ nghèo. Những con số cứ nung nấu trong đầu khi chúng tôi rời trụ sở xã xuống thuyền để tiếp tục chuyến du khảo trên sông Ðà. Bãi Vàng A lùi dần phía sau. Núi xoay tròn vây kín bản Mường và trụ sở xã Ðá Ðỏ.
Nhìn chéo sang bên kia sông là bãi Ðá Phổ. Khi xưa Vua Lê Thánh Tông và quan quân đánh giặc qua đây. Người đục đá khắc bia ghi lại sự kiện ấy. Chỗ ấy giờ đây đã ngập sâu. Người ta phải cưa tảng đá có dấu tích của nhà vua về bảo quản ở phòng văn hóa huyện.
Thuyền chạy qua mặt sông. Con nước của đập thủy điện dâng cao hàng chục mét làm mặt sông lan vào các ngách núi để con sông rộng ra hơn. Chúng tôi đang ngồi trên những bản Mường, bản Thái khi xưa. Gần bốn giờ chiều thuyền đến bản Tang Lang. Con sông Ðà ở đây lẫn vào một nhánh hồ nên khó nhận biết chính dòng nếu không có những thuyền máy của ngành thủy lợi đang thả cá giống xuống sông. Ngành thủy lợi muốn con sông có nhiều cá để nuôi sống dân ven hồ, ven sông. Có những đàn trâu chỉ hở cái đầu đang bơi từ bản ra đảo gò xanh cỏ đang nổi lên giữa bốn bề nước đỏ.
Ðinh Quang Trưởng tắt máy neo thuyền cho chúng tôi lên bờ. Nhà anh ở tít trên sườn núi cao dốc đứng. Chúng tôi phải bám vào cành cây để leo từng bước. Nếu trời mưa chắc không leo lên nổi.
Trưởng đoàn thông báo nghỉ đêm ở đây. Nhà anh Trưởng làm một nửa nhà sàn, một nửa xây mái bằng lát gạch tráng men bóng loáng. Ba gian nhà ngoài, cả gian buồng xếp kín chăn bông, đệm bông, gối bông. Anh nói to:
– Mùa đông mọi người có thể ngủ cả ở đây, chăn đệm đủ dùng cho khách đấy.
Các con anh từ nhà cạnh kéo sang để phục vụ khách. Anh giới thiệu từng đứa: Con cả học đại học kinh tế nông nghiệp về làm cán bộ tài chính xã, vợ học cao đẳng mầm non ngày ngày dùng một thuyền máy nhỏ bơi sang bên kia sông dạy học. Con gái anh cũng học xong đại học, hiện đang dạy học ở Yên Châu. Cậu con út cũng học xong trung cấp văn hóa nghệ thuật, không kiếm được việc hiện vợ chồng cậu ta cùng mẹ đi nương trồng ngô, mỗi vụ thu hàng chục tấn. Sơn La tỉnh nghèo nhưng sản lượng ngô nhiều nhất nước. Anh Trưởng trước đi cán bộ văn nghệ của đài phát thanh truyền hình tỉnh. Anh bảo: Khi bố mất, anh phải xin về để làm “bố” năm đứa em còn nhỏ. Anh vui tính tếu táo suốt ngày. Năm ngoái đi hội diễn văn nghệ các tỉnh Tây Bắc ở Hòa Bình, anh tự biên tự diễn tiết mục hát dang, đoạt được giải nhất anh bảo: Khi thông báo giải khuyến khích, giải C, giải B, giải nhì đều không nghe thấy tên mình, anh chán nản nghĩ rằng phen này thì ăn cám rồi. Lúc tuyên bố mình được giải nhất anh không tin cái tai mình nữa. Khi người ta dí sau lưng giục lên lĩnh giải, anh mới tin vào tai của mình, vui nhảy cẫng lên. Chúng tôi bảo:
– Anh hát cho chúng tôi nghe thử nào?
Anh đặt đứa cháu gái xuống nền nhà rồi lấy giọng hát thật to. Anh vừa hát vừa pha trò làm mọi người cười nghiêng ngả.
Vì hoạt bát, vui tính, anh được nhiều người kính nể mời làm ông mối, ông mời cho đám cưới của con mình. Anh đã phải làm mối cho hơn 30 cặp trong làng, anh bảo: “Trưởng này đã mở miệng thì con kiến phải bùi tai chứ người có con gái thì xá gì mà họ không ưng gả cho con trai. Mất ba đám chúng nó chê nhau, bắt ông mối phải đến hòa giải mệt người mới được đấy”.
Bây giờ anh đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Ði thuyền từ Tang Lang lên xã hết 60 nghìn tiền dầu. Thế là bố con anh đi thuyền máy lên neo đỗ ở xã cuối tuần mới về nhà một lần.
Tôi hỏi:
– Anh sắm cái thuyền năm sáu trăm triệu đồng chỉ để đi lên xã thôi ư?
– Có, đến mùa thu hoạch ngô thì thuyền cũng có ích đấy, chở ngô về nhà, chở ra nơi bán cho thương lái.
Trở lại câu chuyện đền bù nhà cửa phải năm lần vén lên cao khi ngập do thủy điện Hòa Bình chặn dòng. Anh xua tay nói:
– Mình thiệt cái ấy nhưng bù lại có điện dùng suốt ngày đêm là được rồi. Ở đây dùng điện chưa mất tiền mà.
Thảo nào mà bóng điện nhà anh thắp sáng trong nhà, ngoài hè, ngoài sân, ngoài vườn.
Tối ấy hầu như đoàn chúng tôi ngủ cả ở nhà anh. Chúng tôi nằm la liệt trên nền nhà lát gạch men sứ. Quạt máy chạy vù vù suốt đêm. Nửa đêm trời lạnh, có anh phải nằm chổng đầu ra ngoài. Người này nằm dưới chân người kia từ trong nhà ra thềm. Có mấy anh nằm ngủ ở cái sàn sân làm treo ra vách đất.
Tơ mơ sáng, con gà mái dẫn đàn gà con đi vào trong nhà. Nó chèo qua người các ông văn sĩ. Họ phải hối gà để ngủ tiếp.
Bảy giờ sáng, chúng tôi lại xuống thuyền rời Tang Lang đi Vạn Yên. Lại tiếp một lần ngắm những dãy núi sừng sững hai bên sông. Họa mới thấy có những khu rừng trồng mới hoặc tái sinh, hầu như tất cả là ngô. Ngô mơn mởn trong hẻm núi, ngách núi, sườn núi và đỉnh núi. Trên sườn núi đá, chỗ nào thấy đất là thấy ngô. Ngô mọc lan khỏe khoắn như sức sống mạnh mẽ của con người vậy.
Non trưa thuyền đến Vạn Yên. Ô-tô lớn đã đợi sẵn đón chúng tôi ở trên bến. Từ Gia Phù trên đường quay về thành phố Sơn La, xe chúng tôi chạy qua khu rừng “Ðại tướng Võ Nguyên Giáp”. Suốt dọc đường chỉ còn đây giữ được khu rừng già nguyên sinh là nơi khi xưa Ðại tướng dừng chân trên đường lên giải phóng Ðiện Biên Phủ. Rồi xe chạy qua di tích ngã ba Cò Nòi, nơi xây đài tưởng niệm hơn 100 dân công trên đường lên Ðiện Biên bị hy sinh tại đây.
Một chuyến du khảo sông Ðà đầy ấn tượng
Nguyễn Hữu Nhàn
(Theo nhân dân cuối tuần)