Tự ngàn xưa, Trường Sa luôn là tình cảm lắng sâu, khát khao cảm nhận của mỗi người con đất Việt. Cảm nhận vẻ đẹp mênh mang hùng vĩ của thiên nhiên biển trời Tổ quốc. Cảm nhận sự đa chiều của lịch sử đương đầu và chinh phục bão tố phong ba để có được giang sơn gấm vóc ngày nay. Ðó là lịch sử hào hùng và bi thương đã, đang và tiếp tục diễn ra…
Tôi đứng cạnh Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu – Thuyền trưởng tàu HQ-571 trong buồng lái.
Anh điều khiển con tàu thoải mái, tự tin. Ðây là chuyến thứ năm Nguyễn Văn Sửu lái con tàu HQ-571 kể từ khi nó được hạ thủy (tháng 3-2012) ra Trường Sa. Năm 1997, chàng trai quê Quỳnh Lưu – Nghệ An tốt nghiệp khoa Thuyền trưởng Trường đại học Hàng hải và gia nhập quân chủng Hải quân Việt Nam. Chưa đầy ba năm sau, năm 2000, từ thuyền phó, Nguyễn Văn Sửu được giao nhiệm vụ thuyền trưởng. Trước khi nhận tàu HQ-571, anh đã giữ cương vị thuyền trưởng trên ba con tàu khác nhau. Ở ngay lần đầu, mùa bão năm 2000, anh và đồng đội đã lên đường làm nhiệm vụ cứu hộ những tàu, thuyền gặp nạn, có nguy cơ bị nhấn chìm trên khu vực quần đảo Trường Sa. Từ Nha Trang, con tàu cứu hộ không thể thẳng tiến ra khơi mà phải đi xuống phía nam, rất xa, rồi mới có thể quay lại nơi cần đến. Hàng chục ngư dân đã thoát nạn, được đưa về đất liền an toàn. Chuyến công tác đặc biệt ấy đã cho Nguyễn Văn Sửu và đồng đội của anh một bài học kinh nghiệm xương máu: đương đầu với thiên tai trên biển cả rất cần lòng dũng cảm, song quan trọng hơn là phải mưu trí, phải thuộc lòng luồng lạch, phải nắm chắc quy luật của thiên nhiên. Ðó cũng là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời gắn bó với biển của Nguyễn Văn Sửu. Ðồng đội nói anh lái tàu trên biển điêu luyện như đang lái ta-xi đi trong phố phường đô hội. Sự so sánh ấy, có thể chưa thật chính xác, là phần thưởng của đồng đội ẩn chứa niềm tin tưởng sâu sắc đối với người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm.
Ðứng trong buồng lái hoặc ngoài boong tàu HQ-571, phóng tầm mắt ngắm nhìn biển trời Tổ quốc mà lòng lâng lâng, mà trào dâng thương mến, rồi khóe mắt ngấn lệ. Cái đẹp mênh mang quá! Mặt biển vồng lên một mầu xanh ngăn ngắt, được viền bởi đường chân trời tròn vành vạnh, cảm giác con tàu luôn luôn ở tâm điểm của đường tròn khổng lồ ấy. Trên đất liền, thường chỉ thấy đường chân trời hiện lên phía trước mặt. Biển cho ta một tầm nhìn mới. Tầm nhìn khoáng đạt và rộng lớn. Tầm nhìn vươn tới những ước mơ, hoài bão. Tầm nhìn mở ra tương lai đầy lãng mạn và rất hiện hữu. Những quốc gia không có biển thật sự thiệt thòi. Tự ngàn xưa ông cha ta đã không ngừng tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, hướng ra biển cả, giãi gió dầm mưa, vượt trùng khơi bão tố, xác định, khẳng định và kiên cường bảo vệ chủ quyền biển-đảo của Tổ quốc.
Quyền sở hữu biển đối với các quốc gia có biển quan trọng đến mức quốc tế phải đặt ra những công ước, những bộ luật để phân định, để hạn chế những tranh chấp dẫn đến các xung đột vũ trang theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Nguồn lợi to lớn ở Biển Ðông khiến các đế quốc, các thế lực bành trướng không ngừng dòm ngó và âm mưu chiếm đoạt. Lòng tham vô đáy của con người thời khoa học công nghệ hiện đại càng lộ rõ sự bẩn thỉu. Vậy mà họ cứ xoen xoét giao giảng về dân chủ, bình đẳng, tự do. Họ phớt lờ lịch sử, phớt lờ những chứng cứ rành rành về quyền làm chủ của các dân tộc mà họ coi là “nhược tiểu”. Nhưng, họ quên rằng dưới những lớp sóng bạc đầu là những đợt sóng ngầm có sức mạnh còn lớn gấp bội lần. “Ðất có thổ công, sông có hà bá”. Mọi âm mưu, mọi lấn lướt có thể thực hiện, nhưng cuối cùng đều phải trả giá. Ðó vừa là tâm linh vừa là hiện thực, rất gần gụi với thuyết ngũ hành mà thôi! Mây trời vần vũ thì biển nào có lặng yên. Gió to thì sóng cả. Ra khơi phải chắc lái vững chèo.
*
Con tàu HQ-571 cần mẫn thẳng tiến về phía trước. Vượt qua mỗi hải lý, tôi có cảm giác con tàu kéo theo sự dịch chuyển của vòng tròn đường chân trời và tạo nên những giao thoa liên tiếp. Những con sóng sinh ra từ đó cộng hưởng với nhịp thở đại dương bật thành tiếng nói của người có chủ quyền chính đáng trên một phần ba tổng diện tích Biển Ðông ngay từ khi người của các quốc gia lân cận chưa hề có mặt tại đây.
Lướt trên sóng biển quê hương, tôi càng thấu hiểu tầm nhìn xa trông rộng và ý chí chinh phục biển cả của tổ tiên ta lớn lao biết nhường nào. Những người lính ngày đêm canh giữ biển-đảo ngày nay tiếp tục ý chí và bản lĩnh quật cường của các thế hệ cha ông truyền lại. Ðược đất liền tiếp sức, được toàn dân tộc động viên, cuộc sống vật chất của lính đảo đã qua rồi thời kỳ khó khăn, thiếu thốn, ngày càng được cải thiện, càng đủ đầy hơn, dù ở đảo nổi hay đảo chìm. Cùng với các loài cây đặc hữu: phong ba, bão táp, bàng quả vuông, trên các đảo rau xanh mướt, gia súc, gia cầm béo tốt, quần tụ nhởn nhơ. Lính đảo không còn phải chờ đợi những cơn mưa đỏng đảnh. Những nhà giàn vững chãi. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió đủ cung cấp nguồn sáng, nghe đài, xem tivi; và sóng điện thoại, internet rút ngắn khoảng cách nhớ thương đất liền. Ðương nhiên, thiếu thốn duy nhất của lính đảo là sự giao tiếp trực diện, đặc biệt để được ngắm nhìn, được nghe lời nói, giọng ca, tiếng đàn của chị em. Từ đất liền liên tục tổ chức các đoàn công tác ra với chiến sĩ Trường Sa.
Tôi nhập cùng đoàn có rất nhiều nam thanh nữ tú. Họ là những đoàn viên thanh niên tiêu biểu từ nhiều cơ sở Ðoàn trong cả nước hội tụ. Các bạn tổ chức thành đội văn nghệ xung kích, có chuyên nghiệp và nghiệp dư, có đầy đủ nhạc cụ, thiết bị âm thanh với một chương trình phong phú, đa dạng: hát nhạc trẻ, hát ca khúc truyền thống, hát vọng cổ, múa hiện đại, ảo thuật. Lính đảo say sưa nghe hát và cùng hát, nhưng không xao nhãng nhiệm vụ và không quên những người đang làm nhiệm vụ. Tôi đặc biệt chú ý tới cô ca sĩ có vóc người nhỏ bé. Chiếc đàn ghi-ta khoác trên vai che gần hết thân hình, nhưng Lê Cát Trọng Lý có sức chịu đựng sóng gió thật không ngờ. Khuôn mặt Lý luôn sáng ngời bởi nụ cười tươi tắn, ánh mắt trong trẻo, dù vừa lắc lư trên xuồng và hứng nước biển ướt sũng. Lý chỉ hát những bài hát quen thuộc của mình, buồn đấy nhưng ấn tượng bởi giọng hát ngọt ngào, lắng đọng và chân thành. Lý tâm sự: “Cảm phục và thương các anh bộ đội quá. Có ra đây mới thấu hiểu những thiệt thòi và sự hy sinh của các ảnh. Chuyến đi này cho con rất nhiều cảm xúc”. Sự xúc động hiện rõ trong đôi mắt Lý. Tôi nghĩ, mọi điều nhỏ bé đều không bé nhỏ, bởi nó cần thiết cho sự kết tụ thành điều lớn lao, có sức mạnh đích thực.
Ngay trên tàu HQ-571, công việc hằng ngày của các chiến sĩ anh nuôi cứ thầm lặng diễn ra, nhưng họ có tấm lòng, có trách nhiệm, có cảm xúc để có bốn bữa ăn nóng sốt phục vụ cả trăm con người đủ sức lênh đênh trên biển cả suốt cuộc hành trình kéo dài hàng chục ngày. Sáng sáng, các anh thức dậy từ lúc bốn giờ để chuẩn bị bữa vào lúc năm giờ ba mươi; sau khi rửa nồi xoong, bát, đĩa các anh lại bắt tay sửa soạn cho bữa trưa, rồi lại bữa chiều và bữa tối, kết thúc một ngày nuôi quân thường vào lúc mười giờ. Ngoài công việc nấu ăn, các anh còn thay phiên nhau làm các công việc khác trên tàu, kể cả việc dọn dẹp, quét tước nhà vệ sinh. Vất vả đấy, nhưng các anh nuôi luôn vui cười, chăm sóc đoàn rất chu đáo, tận tình. Mọi người trong đoàn đều quý mến và động viên các anh, nhất là các bạn trẻ, tạo nên không khí thân ái đậm đà trong suốt những ngày trên biển.
Mỗi khi nằm lắng nghe, tôi nhận thấy có nhiều tiếng sóng khác nhau cùng vang lên. Ngoài mạn tàu sóng biển dào dạt, ồ ạt, réo rắt. Dưới khoang chứa nước ngọt dần vơi đi thì róc rách, sóng sánh cùng nhịp nghiêng chao của con tàu. Còn trong lòng người có lúc óc ách vì nôn nao, khi thì cuộn lên nóng ran vì đầu đang nghĩ tới nhân tình thế thái. Ðất nước mình thực sự là “rừng vàng, biển bạc” đấy chứ. Tổ quốc mình đẹp lắm. Nhưng cái đẹp và sự giàu có ấy đang bị thói ích kỷ, lòng tham và sự thiếu tôn trọng thiên nhiên tàn phá một cách nhẫn tâm, điều mà các phương tiện thông tin đại chúng từng phản ánh đến nhức nhối.
*
Mới đây thôi, hồi tháng Ba, tôi đang công tác tại thành phố Ðà Nẵng, tin ba chiếc tàu và hai mươi mốt ngư dân huyện đảo Lý Sơn đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa bị phía Trung Quốc ngang nhiên bắt giữ, đã gây phẫn nộ lòng người Việt Nam. Ðồng thời tin đó cũng mang một thông điệp rất cương cường: ngư dân nước Việt nói chung, ngư dân Lý Sơn nói riêng bất chấp hiểm nguy, vẫn đạp sóng, hiện diện làm chủ trên phần lãnh thổ thiêng liêng của mình. Tôi coi chuyến công tác này là chuyến về với Trường Sa thân yêu. Trước ngày tôi lên đường, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình – báo Hà Nội mới tỏ sự đồng cảm, giao cho tôi chuyển tới bộ đội Trường Sa bài thơ “Cùng biển” còn nóng hổi cảm xúc của anh:
Và mai bạn sẽ được về với đảo
Thì chiều nay cùng biển, cạn với mình
Nghe non nước còn biếc trong màu mắt
Qua ngàn năm đâu dứt khúc quân hành
…
Anh Tuấn Nguyên Cương – lính cựu Trường Sơn can trường là thế cũng trở nên nhất mực nghiêm trang trước thế hệ lính trẻ:
…
Dọn mình kỹ để lắng nghe tiếng vọng
Tự ngàn xa đến giữa mênh mông
Và quỳ xuống hôn chân lính trần chắn sóng
Nhân chuyến công tác của tôi mà đã có một cuộc tao ngộ đầy thi hứng, thật là đặc biệt. Kẻ đi người ở đều chung tâm trạng náo nức. Mấy bài thơ này tôi đã gửi lại các chiến sĩ Trường Sa.
Khuya, ra boong tàu ngắm biển mới thấy biển chẳng tối bao giờ. Mặt biển sáng tới đường chân trời. Bầu trời sao sinh động lạ thường. Những ngọn sóng bạc huyền ảo. Và, biển thức suốt đêm thâu.
Cao Ngọc Thắng
(ND cuối tuần)