Xiêm y vàng như nắng với đôi cánh mầu lục sẫm chập chờn bay lượn. Nàng sà xuống chiến hào nơi anh đang đắp ụ súng, nhìn rõ cả hoa văn vòng bạc đeo tay rồi lại vỗ cánh vút lên bầu trời xanh cẩm thạch có những đụn mây trắng bồng bềnh. Tiếng lục lạc reo vui rộn rã xa gần và cuối cùng thì choáng tai, nhức óc. Có cái gì nóng ấm, êm êm nằng nặng mùi da thịt đàn bà. Mồ hôi vã ra, hai mắt anh từ từ mở to ngơ ngác.
– Ta đang ở đâu thế này?
Anh, người lính Giải phóng quân đang ngả đầu trong vòng tay người mẹ. Bà đặt thìa cháo cá lóc nóng hổi lên môi anh. Ghé sát mặt anh vẫn là nụ cười của nữ thần Apsara trong tà áo dài mầu nắng và vương miện hình tháp nhọn. Tiếng lục lạc rung rang gấp gáp hơn, mỗi khi sát lại người lính, nàng chùng gối, huơ huơ bông súng tím trước mặt chàng.
Sống rồi! Mình được cứu sống thật rồi.
Chiều qua, khi cùng đồng đội băng qua sông Mê Kông thì bất ngờ anh lên cơn sốt rét, gắng sải đến giữa dòng thì lạnh buốt, cứng đơ, không còn cách nào khác là nằm ngửa giữ sức nương theo con nước. Nhưng chỉ được một lúc, đầu óc lờ đờ, chân tay buông xuôi, cái cổ không đủ sức nâng đầu lên được nữa cứ chìm dần, chìm dần. Nước òng ọc chảy vào mũi, vào miệng. Thôi rồi, mình bỏ xác giữa dòng sông Mê Kông… Mạng người lính lớn lắm, khi sắp chìm hẳn thì chết đuối vớ được cọc, anh dạt vào bè nuôi cá này và đã được cứu sống.
Lúc ấy đã chạng vạng tối, mặt nước lênh loáng ráng đỏ. Hai mẹ con chủ bè kéo được anh lên mới biết có con cá sấu đuổi theo. Cái mõm lừ lừ trôi trên mặt nước. Bị mất mồi nó tức giận quất đuôi một cái thật mạnh khiến bè dìm xuống chòng chành. Nhìn trang phục người lính, bà mẹ nói với con: “Bon pờ ôn!”. (Người mình!).
Bà nói tiếng Cam-pu-chia nhưng lại là người Lào, quê Tha-khẹt. Năm 1946 giặc Pháp được quân Anh bảo trợ đánh chiếm thành phố này, bà theo cha lên bè cá sống lênh đênh trên sông Mê Kông, nói sõi cả ba thứ tiếng Việt – Miên – Lào mà chẳng có quốc tịch, hộ khẩu gì. Bà là công dân Ðông Dương tự do theo đúng nghĩa. “Con đang sốt rét, cứ ở đây với má cho lại sức, không ai biết đâu, ban ngày đừng ló mặt ra ngoài”.
Anh làm theo lời má, sáng tinh mơ chưa rõ mặt người hoặc chiều tối mới xuống sông hái rau súng nấu canh chua. Gọi là canh chua song vị chua ở đây lại là chanh, anh nghĩ cách muối dưa từ đọt ngó súng trắng như rau cần, ăn rất giòn, vị chua nấu canh cũng dịu hơn. Dọc đường hành quân sốt rét ăn lương khô, giờ cơm trắng cá lóc, cơ thể anh bình phục rất nhanh. Nước da thâm tái sáng dần, vai rộng, ngực nở, cả những múi bụng cũng hiện rõ khi anh vừa tắm lên hoặc ngồi hơ quần áo.
– Quê anh ở đâu? – Cô con gái chủ nhà dè dặt
– Xa lắm, nói em cũng chẳng biết.
Ở đó có cánh đồng chiêm nước đục nhờ nhờ như nước dòng sông này. Sen, súng rất nhiều. Những lá súng non tròn mầu tiết nằm im lìm trên mặt nước, hoa súng lặng lẽ nở đơn độc hoặc dày đặc cả một vùng ngăn ngắt tím. Trên đường về học anh thường lội xuống vớt rau bèo cho lợn ăn. Anh say sưa kể chuyện, vầng trán cao, tóc bết ướt chưa kịp khô, cặp mắt to thông minh như biết cười. Lửa đang cháy trong mắt anh, mắt em.
– Má bảo em là người Cam-pu-chia trăm phần trăm, thế là thế nào? – Anh hỏi.
– Em không phải là con đẻ của má. Rất tình cờ, cũng như anh thôi.
Em ở trong đội múa Apsara của hoàng cung. Thấy em đẹp lại múa hát giỏi, một viên quan luống tuổi xin phép nhà vua cưới em làm vợ. Nửa đêm ông ta chết trên bụng em. Sợ quá em kéo chăn đắp kín cho ông ấy rồi chạy vội ra ngoài, gặp chiếc xe túc túc ngang qua, nhẩy lên đi thẳng về đây. Anh biết không, em được học mát-xa, thường đấm bóp cho nhà vua nữa cơ đấy.
– Giờ anh muốn làm vua được không?
Lính trẻ đâu phải lành, nửa đùa nửa thật.
– Nằm sấp xuống! – Nữ thần Apsara cũng không vừa. Cô ngồi lên lưng anh và tác nghiệp luôn.
Mới dễ chịu làm sao khi những ngón tay mềm nữ thần ấn vào những huyệt hai bên gáy và bờ vai. Thật từ từ, sâu hơn, rồi sâu nữa, dừng lại, đầu ngón tay bỗng trở nên cứng rắn, day tròn mấy vòng trước khi ấn mạnh một cái, giữ nguyên chừng ba mươi giây cho người được xoa bóp cảm nhận hết cái dễ chịu, cái thú rồi mới mềm lại nhả ngón từ từ.
Hai bàn tay úp hờ vào nhau chần dọc hai bên sống lưng phát ra tiếng kêu giòn giã, lúc chậm lúc nhanh, khi mau, khi thưa nghe thật đã tai. Như một đứa trẻ con, bàn chân mềm mại nhảy nhót trên lưng, đứng hẳn lên mông, ngón chân cái lần tìm từng đốt sống day day.
Mắt anh khép hờ, lim dim, lơ lửng như sắp đi vào cõi mơ. Toàn thân lười nhác, ỳ ra tận hưởng khoái cảm. Giữa chiến tranh ác liệt ai ngờ lại có những phút giây nhất dạ đế vương thế này. Mới hôm nào hành quân qua khu rừng cháy khát nước tưởng có thể chết được, phải nếm ít kem đánh răng, uống nước vũng trâu đằm, cuối cùng đến vũng trâu đằm cũng không có nữa, lè lưỡi nếm đất ẩm cho đỡ khát. Hôm qua suýt làm mồi cho cá sấu, nay đã thế này rồi. Mình đang lạc vào Vương quốc ma nương chăng? Nàng là thần tình yêu Apsara hay yêu quái hiện hình cản bước quân hành của ta?
Bất thần anh lật người khiến nàng bổ chửng. Mặt “yêu quái” nhăn lại càng đáng yêu hơn. Chỉ cần chấm thêm một nốt ruồi đỏ giữa hai đầu lông mày là thành hoa hậu Ấn Ðộ.
– Em là ai? – Anh cao giọng, dứt khoát như người lính giữa phiên gác đêm.
– Là Nữ thần Apsara!
Cô gái đứng phắt dậy, bàn tay uốn cong ngửa ra phía trước, hai chân đứng khuỳnh khuỳnh, bàn chân xòe ra theo hai hướng. Nàng cười và xoay người bước mấy bước. Vòng bạc đeo cổ tay, cổ chân rung lên trong tiếng lục lạc phát ra từ bên kia vách nứa. Mẹ nàng đã vào cuộc. Tiếng lục lạc im bặt, cả ba dừng lại nghe ngóng. Hình như có tiếng súng xa xa, tiếng lục lạc cất lên, lại nhảy, lại hát, tiếng hát vang trên sông nước.
Con sông Cửu Long, dòng máu của ba dân tộc Việt – Miên – Lào vẫn mải miết chảy, cuốn bao đau thương chiến tranh ra biển. Cuộc chiến bao giờ mới kết thúc? Hạnh phúc ngắn ngủi quá! Có lúc anh hỏi đùa thần Apsara ngồi trên lưng:
– Nếu anh lại chết như vị quan già chồng em thì đêm nay em chạy đi đâu?
– Hết đường rồi! Chỉ còn cách lao xuống dòng Cửu Long này thôi.
Anh ôm nàng vào lòng hỏi tại sao khi múa Apsara phải cầm cành lá phe phẩy. Cô bảo đó là nhành hoa “Bành đặc chiết” trong thần thoại “Khuấy biển sữa” của Cam-pu-chia, nó mang lại hạnh phúc, cho phép người ta lên thiên đàng. Trên khúc sông này lấy đâu “Bành đặc chiết”, thay bằng hoa súng thôi.
Ðêm trăng, Mê Kông mùa khô như ngừng trôi, cánh hoa súng soi trên mặt nước im lìm, những giọt mưa đầu mùa điểm từng vòng tròn lặng lẽ. Sáng hôm sau vang động mặt sông tiếng reo cười nắc nẻ. Trên bờ, dưới thuyền bè trẻ con, người lớn múc nước đổ ào lên đầu nhau, càng bất ngờ càng vui, càng may mắn. Lễ hội cầu mưa! Bà má đằng sau lưng té nước lên người anh. Anh cũng bắt chước té nước lên người “Nữ thần”. Nước té đến đâu thân hình nõn nà hiện ra đến đấy. Từ bờ vai thon đến bầu ngực thây nẩy đỏ chót cặp nhũ hoa, rồi vòng eo, làn mông lần lượt hiển lộ. Chàng trai tuổi hai mươi không nén lòng được nữa ôm choàng lấy nàng.
Từ ngoài bè bước vào, bà mẹ nhìn cặp trẻ tủm tỉm cười, chắp hai tay trước ngực có ý xin được thứ lỗi. Vui quá, bà múa Lăm vông, hát Lăm tơi bằng tiếng Lào, ai cũng hiểu: “Ở chàng trai đó ơi/Em không hát được Lăm tơi/Nhưng đêm nay dưới trăng sáng/ Ðôi ta biết nhau đây…”.
Khuya, khuya lắm, cá đớp bì bõm dưới chân, người lính trẻ ôm nữ thần Apsara trong vòng tay. Anh chực ghé hôn lên đôi môi mọng đỏ khát cháy yêu đương của nàng thì chựng lại nghe tiếng súng. Ở đâu có tiếng súng ở đó có đồng đội. Tiếng rẹc rẹc từng băng tiểu liên cực nhanh của bọn đánh thuê sợ chết, tiếng tặc tặc nhát gừng của AK dũng cảm.
– Bon pờ ôn! (Người mình!), anh nói bằng tiếng Cam-pu-chia.
Nhận vòng chỉ đỏ, bùa hộ mệnh của Nữ thần Apsara buộc cổ tay, người chiến sĩ quân giải phóng đặt cái hôn dài lên bờ môi đỏ mọng của nàng, đoạn lao mình xuống dòng Cửu Long bơi về phía có tiếng súng
Chu Bá Nam
(Theo Nhân dân cuối tuần)