Tổ quốc – Cái tên gọi thiêng liêng gắn sâu vào tiềm thức của mỗi con người đất Việt. Quốc thổ bao đời sản sinh và nuôi dưỡng dòng máu anh hùng qua bao những biến thăng của lịch sử. Ở đó dù lúc thanh bình hay cả trong tiếng gươm khua trống trận , thì vẫn ngân lên khúc ca da diết và mặn mòi về tình đất tình người đã thắm màu yêu thương, khởi nguồn cho dòng chảy bất tận của thi ca. Để ngàn đời sa bồi tích trầm màu dân tộc – một màu sắc riêng biệt không thể nào hoà lẫn. Tổ quốc cứ nhẹ nhàng mà quyến gọi chúng ta:
Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi căn nhà ngọn núi con sông
Đó chính quốc thổ trong tiếng gọi của dòng chảy tình yêu xuất phát từ cội nguồn trái tim mỗi người con Việt. Ở một góc độ khác ta bắt gặp hình dáng tổ quốc được thể hiện trên bình diện mang đầy tính sử thi qua bút pháp của Nguyễn Đình Vinh
Hãy lắng nghe hồn non sông vọng lại
Tổ quốc ta bao thủa vững âu vàng
Ta lần hồi lật giở từng trang
Như hiển hiện thời cha ông dựng nước.
Hãy lắng nghe hồn non sông vọng lại . . . Vâng ! Đã hơn bốn ngàn năm, bia đá đã mòn, góc quay của trái đất cũng đã lệnh nghiêng, cội nguồn trong chúng ta có thể chỉ là một khoảng xanh những núi đồi Phú Thọ . Tất cả dường như đã ngủ sâu trong lòng đất đá hoặc giả chỉ còn là những di khảo trong những bảo tàng .
Nhưng không đâu ! Những bước chân hành hương vẫn thầm lặng tìm về trong khôn xiết niềm thành kính, và có lẽ ở cao trên kia đôi mắt mẹ cha Âu _ Lạc vẫn ngút ngàn bao dung chở che cho hồn dân tộc vẹn nguyên trong tâm thức giống nòi:
Chuyện kể rằng mấy ngàn năm về trước
Mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm con
Năm mươi người theo mẹ lên non
Nửa còn lại theo cha về biển cả.
Mẹ dạy các con cấy trồng bắt cá
Nhà Hùng vương mãi nối tiếp truyền đời
Mai An Tiêm bị đày giữa biển khơi
Khai khẩn đất trái dưa màu thắm đỏ.
Lịch sử – Những vòng quay nối tiếp của bao hưng phế, thịnh diệt. Phải chăng đó cũng chính là quy luật nghiệt ngã của hoá công đặt lên đôi vai nhỏ bé của mỗi con người. Nhưng cũng chính từ sự nghiệt ngã ấy lại là điều kiện để thức tỉnh chúng ta trong hành trình tìm kiếm cái chân sắc của tình người giữa thế sự vô thường và biến đổi của thời gian. Nguyễn Đình Vinh , với nét vẽ tài tình đã đưa chúng ta trở về trong hành trình dựng nước , giữ nước của dân tộc tự thuở ngọn nguồn:
Dịch chuyển núi đồi vạn dặm quan san
Ngăn giặc nước chống thiên tai địch họa.
Đạo càn khôn cứ xoay vần biến hóa
Núi Tản, sông Đà bia đá mãi còn ghi…
Ô !
Cậu con trai ba năm chẳng nói năng gì
Nay bỗng chốc vươn vai nhổ tre ngà đánh giặc.
Còn kia,
An Dương Vương xây Cổ Loa thành ngăn Triệu Đà phương Bắc
Ngàn vạn mũi tên khiến lũ giặc kinh hồn.
Tổ quốc – Ở đấy là ánh hào quang lấp lánh về những chiến công. Có lẽ đất nước này được núi sông cẩm tú ban phát cho nhiều địa linh để từ đó nảy sinh ra vô vàn nhân kiệt. Thế hệ này ngã xuống thì lập tức có thế hệ khác đứng lên để tiếp tục cuộc trường chinh vĩ đại. Không ! Nói đúng hơn là ngay trong thai nghén , những mầm người đã thu hội vào dòng máu thiêng chảy từ vạn kiếp tự cường.
Cuộc dựng xây và những cuộc vệ quốc trải qua nhiều gian lao, nếm mật nằm gai và có khi là thất bại : Xã tắc bao phen chồm ngựa đá . . . Nhưng ở đấy vẫn lấp lánh một Việt nam : Trong và đục sáng hai bờ suy tưởng, lưng đeo gưom tay mềm mại bút hoa, và đây nữa những võ công của dân tộc tái hiện qua sức suy niệm và liên tưởng Nguyễn Đình Vinh:
Phải đứng lên không còn chờ thêm nữa
Tiếng trống Mê Linh khiến Tô Định kinh hồn
Thành Luy Lâu ngập xác giặc vùi chôn
Mở trang vàng cho thời kỳ giữ nước.
Triệu Thị Trinh đánh quân xâm lược
Nước Vạn Xuân Lý Nam Đế xưng ngôi
Cọc Bạch Đằng thuyền Nam Hán nổi trôi
Nhuộm đỏ máu Hoàng Thao chết thảm.
Đinh Bộ Lĩnh,
Dẹp loạn mười hai xứ quân xua tan mây mù u ám
Vạn Thắng Vương
Đại Cồ Việt xây nền
Đất Hoa Lư cờ lau cỏ dựng lên
Cho sông núi vững bền muôn thủa.
Lê Đại Hành
Tô thêm phần rạng rỡ
Chọn Thăng Long
Lý Công Uẩn rời đô
Nhiếp chính Ỷ Lan
Thay chồng giúp con giữ vững cơ đồ
Sử sách mãi còn ghi
Nữ lưu hào kiệt.
Từ Á sang Âu
Vó ngựa Nguyên Mông đi đến đâu là thẳng tay
chém giết
Máu chảy đầu rơi oán hận ngút trời
Làm cỏ Thăng Long san phẳng Đại Việt chơi.
Ta thực hiện
Kế vườn không nhà trống.
Kết cỏ ngậm vành trời cao biển rộng
Bến Bình Than họp hội nghị Diên Hồng
Tiếng sát thát vang vọng khắp núi sông
Đất Vạn Kiếp
Hưng Đạo Vương dụng võ.
Cửa Bạch Đằng máu thù thêm nhuộm đỏ
Bóp nát quả cam Quốc Toản thêu cờ
Trần Bình Trọng
Thà làm quỷ nước Nam chứ không chịu sống nhơ
Cả Đại Việt đồng tâm đánh giặc.
Thoát Hoan
Phải chui ống đồng trốn về đất Bắc
Đến quê hương chân vẫn còn run
Khí thế quân Nguyên ta đánh phải chùn
Thành Cát Tư Hãn sợ ba đời chín kiếp…
Tổ quốc không chỉ là những chiến công, có lúc chỉ đơn thuần là núi là sông . . . là đồng ruộng với bốn mùa lam lũ. Lam lũ để mà ước mơ, lam lũ để tình người, tình đời càng thêm thắt chặt.
Vốn dĩ người dân Việt chỉ muốn hoà bình, thử hỏi có ai trong những người dân Việt không ươc mơ một cõi âu ca của những chiều trắng cánh cò bay lả trên bát ngát vàng những đồng luá chín, và dập dìu những câu hát trao duyên thắm mặn nghĩa cau trầu. Bao sự tích, ca dao đã nói hộ nỗi lòng quyến luyến với mái bếp bờ tre lối ruộng con đường. Nguyễn Đình Vinh cũng không ra khỏi những ước mơ ấy trong những dòng thơ lịch sử:
Mối tình Tiên Dung vẫn như còn đó
Hồng Hà ơi !
Chử Đồng Tử gặp nàng
Câu chuyện tình ngày dựng nước Văn Lang
Mãi đọng lại trong lòng dân đất Việt.
Sơn Tinh – Mỵ Nương ngàn đời thắm thiết
. . .
Thế nhưng thế sự vần xoay, trong thực tế của cuộc tồn sinh, một con người hay là cả một dân tộc tránh sao khỏi có lúc cũng quay quắt đảo điên vì những hệ lụy, lợi ích và sự phản bội mà hệ quả của nó chính là bao tang thương mất mát, những đền đài xiêu đổ, ngàn vạn hồn ma quanh quẩn điêu linh những dòng sông quặn đỏ máu trào. . .
Ở đây lịch sử đã phơi hiện toàn bộ sự bi thương trong tấn trò quyền lực,và lợi ích. Đọc những dòng này ta không khỏi xót xa đau bởi những lạc lầm của quá khứ. Và chắc rằng khi viết tới đây lòng Nguyễn Đình Vinh cũng đầy những đoạn trường:
Mối tơ duyên
Trọng Thủy – Mỵ Châu
Chợt tắt tựa hoàng hôn.
Áo lông ngỗng
Sợi dây tình oan nghiệt.
. . . .
Nỗi khổ dân ta ngàn năm sao kể xiết
Bóng mây đen u ám kín bầu trời
Người dòng dây mò ngọc giữa biển khơi
Làm mồi nhử cho thuồng luồng thủy quái.
Kẻ lặn lội nơi rừng thiêng ngậm ngải
Tìm trầm hương bỏ xác chẳng đường về
Nỗi oán hờn dậy khắp chốn thôn quê
Kiếp nô lệ sống đời thân trâu ngựa
Và đây nữa, những dòng thơ chùng lắng nỗi buồn trước những thăng trầm lịch sử:
Triều Trần suy vi
Nhà Hồ kế tiếp
Xây thành cao làm phên liếp trở che
Thẳng tay cải cách
Dùng bạo lực chẳng e dè
Để mất lòng dân
Tạo cơ hội cho quân Minh tràn sang xâm chiếm.
Cậy tài cao
Tự đưa mình vào vòng nguy hiểm
Hai tay buông mất nước còn đâu
Đẩy dân đen sống cảnh bể dâu
“Vùi con đỏ trong hầm đêm tối.”
Tội ác giặc Minh
“ Chặt hết trúc Lam Sơn không ghi hết tội
Tát cạn nước biển đông vết nhục chẳng phai mờ.”
. . .
Than ôi!
Vua Quang Trung đột ngột qua đời
Cả nước ngậm ngùi thương nhớ
Để lại sau lưng bao ước mơ dang dở
Bỏ con thơ không tự cứu được mình.
Âm hưởng ngàn năm vang vọng mãi quang vinh
Cùng sống với đất trời sông núi
Triều Nguyễn ra đời thêm phần buồn tủi
Gia Long,
Minh Mệnh đâu được gọi anh minh.
Thực dân Pháp tăng cường mở rộng viễn chinh
Buộc Tự Đức phải cầu hòa cắt đất
Đến Vua thôi cũng đâu còn Vua thật
Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân,
Phải sống kiếp lưu đầy.
Nhân dân ta rên xiết dưới gót giầy của bọn giặc tây
Đất nước chìm trong đêm trường nô lệ
Quá khứ đã bị thời gian dồn về phiá sau lưng, những cung đền rồi thì rêu cỏ. . . . Chỉ có lòng người không chết. Chính trên mặt đất hoang tàn bởi chia rẽ hận thù và chinh chiến . . . Như trái rụng vào đất lại nảy cành xanh lá, cuộc sống vốn là như vậy. Và với người Việt Nam ngoài những điều đó còn được phục sinh bởi trên mảnh đất này còn tươi thắm những nụ cười và xương máu của cha ông . Và sử thi của dân tộc Việt lại được viết vào một quyển mới – Người viết không ai hết chính là nhân dân mà đại diện bởi Hồ Chí Minh – Người cha già dân tộc:
Nguyễn Tất Thành
Vượt năm châu bốn bể
Tìm tự do
Cứu dân tộc thoát khỏi lầm than.
Mạc Tư Khoa:
Ôi !
Nắng chiếu thế gian
Chủ nghĩa Mác – Lê Nin
Như ngọn đuốc sáng soi đường chỉ lối
Xua sạch mây đen bởi cơn gió thổi
Như cánh chim bay tới hướng mặt trời
Lái con thuyền thẳng tiến giữa biển khơi.
Ngày mùng 3 tháng 2 năm 1930
Đảng cộng sản Đông Dương ra đời
Nay có Đảng ta đi tìm chân lý
Xô viết Nghệ An,thợ thuyền Bến Thủy
Hà Nội,
Huế,
Sài Gòn,
Cùng cả nước đấu tranh.
Vượt phong ba lên thác xuống ghềnh
Theo Đảng – Bác tới mùa thu tháng tám
Bầu trời hôm nay đâu còn ảm đạm
Vọng Vang
Tiếng nói Bác Hồ
Bản tuyên ngôn độc lập đọc giữa thủ đô
Công bố trước quốc dân cùng toàn thế giới
Sự ra đời nhà nước công-nông
Một Việt Nam mới
Một Việt nam của độc lập tự do.
Tổ quốc ơi ! Có bao giờ đẹp thế này chăng ! Cái dấu cảm ngẹn ngào long lanh trong mắt tất cả mọi người con đất việt. Vẫn biết là phiá trước là cuộc trường chinh vớn thập phần gian khó, nhưng ở đó đã có Bác Hồ, ở đó đã có ánh sáng của Đảng và hồn sông núi bốn ngàn năm trầm tích giờ đang như những dòng nham thạch nóng bỏng tuôn trào ghi nên khúc khải hoàn:
Chiến thắng Điện Biên
Pháo gầm vang dội
Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu
Pháp cút đi rồi
Ta đánh Mỹ dài lâu
Cả dân tộc lại trường kỳ kháng chiến.
Rầm rập Trường Sơn…
Những con tàu ngày đêm vượt biển
Ba mươi năm đỏ mắt mong chờ
Đại thắng mùa xuân ta tỉnh hay mơ
Từ Bắc tới Nam rực rỡ sắc cờ
Tổ quốc ta nay đã liền một dải
Suốt từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái.
Mừng vui nước mắt mẹ rơi
Xuân đã về vui màu mắt em tôi
Bừng lộc biếc thắm nhành xanh dân tộc
Đất nước dựng xây căng tràn nhựa sống
Trời bao la
Đất biển rộng bao la
Ta ca vang lên
Ôi…!
Khúc khải hoàn ca !
Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta đang trong công cuộc dựng xây đất nước cho một ngày “tươi đẹp hơn mười năm qua”. Tuy vậy bài học lịch sử về những hưng thịnh và vong diệt vẫn còn đó. Trong dòng sóng của hoà nhập kinh tế và văn hoá không khỏi từng có lúc lịch sử, truyền thống bị phai mờ làm chúng ta giật mình . . .
Viết lại lịch sử , nhắc lại lịch sử là việc chúng ta nên làm, để cho mai sau trong mắt con em chúng ta lịch sử dân tộc không phải chỉ là những di khảo có ở bảo tàng . Qua trường ca VIỆT NAM MUÔN THỦA HÙNG ANH ta thấy cái tình và dụng tâm của Nguyễn Đình Vinh thật đáng trân trọng .
Bình Dương Ngày 25 tháng 5 năm 2008
Từ Linh Nguyên
Việt Nam muôn thủa hùng anh
Trường ca
Tác Giả: Nguyễn Đình Vinh
Ta lắng nghe hồn non sông vọng lại
Tổ quốc tôi bao thủa vững âu vàng
Ta lần hồi lật giở từng trang
Như hiển hiện thời cha ông dựng nước.
Chuyện kể rằng mấy ngàn năm về trước
Mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm con
Năm mươi người theo mẹ lên non
Nửa còn lại theo cha về biển cả.
Mẹ dạy các con cấy trồng bắt cá
Nhà Hùng vương mãi nối tiếp truyền đời
Mai An Tiêm bị đày giữa biển khơi
Khai khẩn đất trái dưa màu thắm đỏ.
Mối tình Tiên Dung vẫn như còn đó
Hồng Hà ơi !
Chử Đồng Tử gặp nàng
Câu chuyện tình ngày dựng nước Văn Lang
Mãi đọng lại trong lòng dân đất Việt.
Sơn Tinh – Mỵ Nương ngàn đời thắm thiết
Mặc Thủy Tinh dâng thác lũ mưa ngàn
Dịch chuyển núi đồi vạn dặm quan san
Ngăn giặc nước chống thiên tai địch họa.
Đạo càn khôn cứ xoay vần biến hóa
Núi Tản, sông Đà bia đá mãi còn ghi…
Ô !
Cậu con trai ba năm chẳng nói năng gì
Nay bỗng chốc vươn vai nhổ tre ngà đánh giặc.
Còn kia,
An Dương Vương xây Cổ Loa thành ngăn Triệu Đà phương Bắc
Ngàn vạn mũi tên khiến lũ giặc kinh hồn.
Mối tơ duyên
Trọng Thủy – Mỵ Châu
Chợt tắt tựa hoàng hôn.
Áo lông ngỗng
Sợi dây tình oan nghiệt.
Nỗi khổ dân ta ngàn năm sao kể xiết
Bóng mây đen u ám kín bầu trời
Người dòng dây mò ngọc giữa biển khơi
Làm mồi nhử cho thuồng luồng thủy quái.
Kẻ lặn lội nơi rừng thiêng ngậm ngải
Tìm trầm hương bỏ xác chẳng đường về
Nỗi oán hờn dậy khắp chốn thôn quê
Kiếp nô lệ sống đời thân trâu ngựa.
Phải đứng lên không còn chờ thêm nữa
Tiếng trống Mê Linh khiến Tô Định kinh hồn
Thành Luy Lâu ngập xác giặc vùi chôn
Mở trang vàng cho thời kỳ giữ nước.
Triệu Thị Trinh đánh quân xâm lược
Nước Vạn Xuân Lý Nam Đế xưng ngôi
Cọc Bạch Đằng thuyền Nam Hán nổi trôi
Nhuộm đỏ máu Hoàng Thao chết thảm.
Đinh Bộ Lĩnh,
Dẹp loạn mười hai xứ quân xua tan mây mù u ám
Vạn Thắng Vương
Đại Cồ Việt xây nền
Đất Hoa Lư cờ lau cỏ dựng lên
Cho sông núi vững bền muôn thủa.
Lê Đại Hành
Tô thêm phần rạng rỡ
Chọn Thăng Long
Lý Công Uẩn rời đô
Nhiếp chính Ỷ Lan
Thay chồng giúp con giữ vững cơ đồ
Sử sách mãi còn ghi
Nữ lưu hào kiệt.
Từ Á sang Âu
Vó ngựa Nguyên Mông đi đến đâu là thẳng tay
chém giết
Máu chảy đầu rơi oán hận ngút trời
Làm cỏ Thăng Long san phẳng Đại Việt chơi.
Ta thực hiện
Kế vườn không nhà trống.
Kết cỏ ngậm vành trời cao biển rộng
Bến Bình Than họp hội nghị Diên Hồng
Tiếng sát thát vang vọng khắp núi sông
Đất Vạn Kiếp
Hưng Đạo Vương dụng võ.
Cửa Bạch Đằng máu thù thêm nhuộm đỏ
Bóp nát quả cam Quốc Toản thêu cờ
Trần Bình Trọng
Thà làm quỷ nước Nam chứ không chịu sống nhơ
Cả Đại Việt đồng tâm đánh giặc.
Thoát Hoan
Phải chui ống đồng trốn về đất Bắc
Đến quê hương chân vẫn còn run
Khí thế quân Nguyên ta đánh phải chùn
Thành Cát Tư Hãn sợ ba đời chín kiếp…
Triều Trần suy vi
Nhà Hồ kế tiếp
Xây thành cao làm phên liếp trở che
Thẳng tay cải cách
Dùng bạo lực chẳng e dè
Để mất lòng dân
Tạo cơ hội cho quân Minh tràn sang xâm chiếm.
Cậy tài cao
Tự đưa mình vào vòng nguy hiểm
Hai tay buông mất nước còn đâu
Đẩy dân đen sống cảnh bể dâu
“Vùi con đỏ trong hầm đêm tối.”
Tội ác giặc Minh
“ Chặt hết trúc Lam Sơn không ghi hết tội
Tát cạn nước biển đông vết nhục chẳng phai mờ.”
Đất Lam Sơn
Lê Lợi dựng cờ
Bình Ngô sách Ức Trai dâng kế.
Chi Lăng,
Xương Giang,
Cần Trạm,
Xác giặc nhiều vô kể
Đông Quan,
Tây Đô,
Cổ Lộng,
Chí Linh,
Giặc phải xin hàng
Vương Thông tuyên thệ mãi mãi chẳng dám sang
Dùng nhân nghĩa xây nền thịnh trị.
Con tạo xoay vần hết lai đến bĩ
Giành Vương quyền
Lê – Mạc
Trịnh – Nguyễn phân tranh
Máu dân lành nhuộm đỏ bến sông Gianh
Xương trắng xóa phơi đầy ngoài đồng nội.
Đất Tây Sơn
Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Lữ,
Nguyễn Huệ,
Áo vải cờ đào cứu người vô tội
Phù Lê
Diệt Trịnh,
Âm hưởng còn đây
Sông Rạch Gầm – Soài Mút xác giặc trôi thây
Đuổi Nguyễn Ấnh suýt hết đường chạy thoát
Phải đem con bán nước cầu vinh
Lê Chiêu Thống
Không biết lượng sức mình
Tự gây họa rước voi về dầy mả tổ
Mấy chục vạn quân Thanh theo hai đường thủy bộ
Hùng hổ tràn sang chiếm giữ Thăng Long.
Tướng sĩ Tây Sơn
Trên dưới một lòng
Thần tốc tấn công
Gò đống đa thành mồ chôn lũ giặc
Rực rỡ cành hoa đào Miền Bắc
Gửi về Nam thay tiệp báo tin vui.
Than ôi!
Vua Quang Trung đột ngột qua đời
Cả nước ngậm ngùi thương nhớ
Để lại sau lưng bao ước mơ dang dở
Bỏ con thơ không tự cứu được mình.
Âm hưởng ngàn năm vang vọng mãi quang vinh
Cùng sống với đất trời sông núi
Triều Nguyễn ra đời thêm phần buồn tủi
Gia Long,
Minh Mệnh đâu được gọi anh minh.
Thực dân Pháp tăng cường mở rộng viễn chinh
Buộc Tự Đức phải cầu hòa cắt đất
Đến Vua thôi cũng đâu còn Vua thật
Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân,
Phải sống kiếp lưu đầy.
Nhân dân ta rên xiết dưới gót giầy của bọn giặc tây
Đất nước chìm trong đêm trường nô lệ
Người thanh niên yêu nước
Nguyễn Tất Thành
Vượt năm châu bốn bể
Tìm tự do
Cứu dân tộc thoát khỏi lầm than.
Mạc Tư Khoa:
Ôi !
Nắng chiếu thế gian
Chủ nghĩa Mác – Lê Nin
Như ngọn đuốc sáng soi đường chỉ lối
Xua sạch mây đen bởi cơn gió thổi
Như cánh chim bay tới hướng mặt trời
Lái con thuyền thẳng tiến giữa biển khơi.
Ngày mùng 3 tháng 2 năm 1930
Đảng cộng sản Đông Dương ra đời
Nay có Đảng ta đi tìm chân lý
Xô viết Nghệ An,thợ thuyền Bến Thủy
Hà Nội,
Huế,
Sài Gòn,
Cùng cả nước đấu tranh.
Vượt phong ba lên thác xuống ghềnh
Theo Đảng – Bác tới mùa thu tháng tám
Bầu trời hôm nay đâu còn ảm đạm
Vọng Vang
Tiếng nói Bác Hồ
Bản tuyên ngôn độc lập đọc giữa thủ đô
Công bố trước quốc dân cùng toàn thế giới
Sự ra đời nhà nước công-nông
Một Việt Nam mới
Một Việt nam của độc lập tự do.
Bao năm gian lao nay thuyền đã cập bờ
Máu đã đổ và hoa đã nở
Phá xích xiềng hỡi các dân tộc cần lao
Non sông ơi
Ta rất đỗi tự hào
Truyền thống được kết tinh bởi mấy ngàn năm
văn hiến.
Chiến thắng Điện Biên
Pháo gầm vang dội
Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu
Pháp cút đi rồi
Ta đánh Mỹ dài lâu
Cả dân tộc lại trường kỳ kháng chiến.
Rầm rập Trường Sơn…
Những con tàu ngày đêm vượt biển
Ba mươi năm đỏ mắt mong chờ
Đại thắng mùa xuân ta tỉnh hay mơ
Từ Bắc tới Nam rực rỡ sắc cờ
Tổ quốc ta nay đã liền một dải
Suốt từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái.
Mừng vui nước mắt mẹ rơi
Xuân đã về vui màu mắt em tôi
Bừng lộc biếc thắm nhành xanh dân tộc
Đất nước dựng xây căng tràn nhựa sống
Trời bao la
Đất biển rộng bao la
Ta ca vang lên
Ôi…!
Khúc khải hoàn ca !
Hải Dương ngày 19 – 8 – 2007