Vừa qua tại Viện Văn học đã diễn ra cuộc tọa đàm: “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại”. Dù khuôn khổ cuộc tọa đàm chỉ diễn ra một buổi sáng nhưng có khá nhiều vấn đề được đặt ra. Nổi cộm nhất là giới nghiên cứu muốn chia ra “văn xuôi nữ” để làm đối tượng nghiên cứu, nhưng nhiều nhà văn nữ và một số nhà phê bình cho rằng điều đó là không cần thiết.
Khá nhiều tham luận công phu tại tọa đàm, tiêu biểu như: “Nhận diện sáng tác của các cây bút nữ qua truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại” (Ths Lê Hương Thủy); “Xét lại thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà – một trong những biểu hiện nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam những năm gần đây” (Ths Nguyễn Thị Thanh Xuân); “Lý thuyết văn học nữ quyền cần phải là lý thuyết lịch sử” (Ths Nguyễn Thị Vân Anh); “Con đường chính thống hóa lý thuyết và phê bình nữ quyền” (cử nhân Ðặng Thị Thái Hà”… Nhà phê bình trẻ Trần Thiện Khanh cho rằng: “Văn học nữ quyền bung ra chưa từng thấy, nó không chỉ chống lại nam quyền, mà còn giải ảo quyền lực nam giới…”. Hay thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân khẳng định: “Các tác giả nữ đã dùng ngôn ngữ như một phương tiện hữu hiệu để tìm lối thoát, để “cởi trói” và để khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong nghệ thuật… Họ đã đứng lên đối diện với đàn ông, đi sâu tìm hiểu để “xét lại” bản chất của những người đàn ông mà xưa kia họ chỉ có một mối quan tâm là phục tùng và dâng hiến…”. Tôi được mời với tư cách là nhà văn và có một vài suy nghĩ về vấn đề này.
Ðội ngũ nữ nhà văn ngày càng thể hiện thế mạnh bằng tác phẩm cụ thể.
1. Ðã hơn một lần tôi phát biểu trên báo chí: Tôi vẫn chờ những “cú đập”. Tôi đã chờ và vẫn tiếp tục chờ. Cú đập này là cú đập học thuật của các nhà phê bình. Có thể nói rằng, những năm gần đây chỉ nở rộ phê bình báo chí. Ða số, đời sống phê bình văn học chỉ được thể hiện bằng những bài điểm sách, những bài tổng kết, những nhìn lại hay những bài PR lăng-xê bốc giời…Một loạt những cái tên được đưa ra cho một hiện tượng. Những cái tên cứ được lặp đi lặp lại trong những bài tổng kết, nhìn lại… cho một chặng đường, thậm chí được cho là đại diện của cả một dòng văn học mà không hề có một bài nào cho ra đầu ra đũa. Ngày nay, nhiều tác giả được nhắc đi nhắc lại nên bạn đọc nhớ, chứ chẳng nhớ nổi nhà văn đó có tác phẩm nào, tên là gì. Thường thì tác phẩm làm nên tên tác giả. Bây giờ thì ngược lại, tên thì nổi như cồn còn tác phẩm thì mờ nhạt. Ðó chưa kể đến cái sự khen chê cánh hẩu và công nghệ phê bình cánh hẩu (hồ gà). Tuy nhiên, văn chương không dễ hồ, vài bài báo không thể làm nên một cuốn sách hay nhưng điều đó sẽ khiến người đọc mất phương hướng, người mới vào nghề viết cũng mất phương hướng. Và văn chương trở thành cái “nồi thập cẩm” khó ăn.
2. Sau năm 1975 xuất hiện một đội ngũ nhà văn nữ hùng hậu nhưng để làm thành một “hiện tượng” thì không nhiều. Ðiều này là hợp với quy luật tự nhiên. Ðiều không hợp với tự nhiên là, các hiện tượng văn chương đó được tự nhiên sinh ra, tự nhiên phát triển và tự nhiên biến mất mà không hề bị tác động bởi giới phê bình. Có nghĩa là, giới phê bình đứng ngoài nhìn. Xin lấy một thí dụ cụ thể: đưa sex vào tác phẩm văn chương. Trước đây sex có thể là một đề tài cấm kỵ, nhưng hiện nay nó không còn là đề tài cấm kỵ. Tuy nhiên đưa nó vào tác phẩm thế nào? Liều lượng bao nhiêu là đủ? Dường như các nhà phê bình lảng tránh đề tài nhạy cảm này. Tại sao các nhà phê bình không vào cuộc mổ xẻ những hiện tượng đó, chỉ ra cái được và cái chưa? Hoặc chỉ ra, đưa vào thế nào, liều lượng bao nhiêu để khỏi bội thực, thể đừng là những gì câu khách, giật gân, phản nghệ thuật, có ai phân tích công phu? Hay như hiện tượng báo chí hóa văn chương? Những câu văn ngắn gọn, nhiều thông tin dường như đang được ưa chuộng trong thời đại công nghệ thông tin. Nhưng đưa vào liều lượng thế nào để văn vẫn là văn chương chứ không phải là báo chí thì chẳng thấy ai bàn tới.
Về những cuốn sách bị cấm phát hành thì sao? Có những cuốn sách vi phạm những điều cấm thật sự. Vì dân tộc nào, quốc gia nào cũng có những vùng cấm. Ðã từng có nhiều nhà văn (đích thực) trên thế giới vi phạm điều cấm đó mà phải lưu vong. Nhưng phần nhiều cuốn sách ở ta hiện nay chỉ là sự cố tạo để được nổi tiếng hoặc chỉ là để bán sách. Nhiều nhà văn coi việc một cuốn sách của mình bị cấm như là việc “phong thánh”. Và việc này cũng đồng nghĩa với việc phong nhầm thánh. Cho nên, trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu, người ta nói rất nhiều đến chuyện “được” thu hồi là một may mắn, càng bị thu hồi thì càng có lợi. Thật là một nghịch lý khó tưởng tượng. Người sáng tác khi tiếp nhận một xu hướng mới sẽ tìm cách để đạt hiệu quả cao nhất. Người đọc cũng sẽ đón nhận theo từng cách riêng của mình. Hiện tượng đó sẽ được một nhóm người gọi là đám đông cổ xúy hoặc ném đá. Sự cổ xúy và sự ném đá đều có hại với người sáng tác. Vậy nhà phê bình đang ở đâu mà không thấy xuất hiện?
Phải khẳng định rằng, bây giờ không còn là thời các nhà lý luận phê bình đưa ra một xu hướng hoặc một trào lưu sáng tác mới để các nhà sáng tác đi theo kim chỉ nam đó. Nhưng thật sự, với một số người sáng tác vẫn cần những nhà phê bình đồng hành bên cạnh để cảnh tỉnh, ngay cả tôi vẫn cần ai đó “đập” cho một cái để tỉnh lại, nếu đang đi quá đà.
3. Thời tôi học Khoa sinh Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy giáo đưa ra một thí dụ vui cho các nhà khoa học tương lai như thế này: Con rết có một trăm cái chân, một trăm cái chân đó di chuyển rất nhịp nhàng, không cái chân nào đá vào chân nào. Các nhà khoa học mới bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra quy luật di chuyển của chân rết. Sau một thời gian nghiên cứu tận tụy và miệt mài, các nhà khoa học đã tìm ra quy luật di chuyển của chân rết. Quy luật đó lại được áp dụng vào cho con rết. Kết quả, chân nọ đá vào chân kia và con rết không di chuyển được lăn quay ra chết. Tôi là nhà văn, tôi viết ra giấy những điều tôi nghĩ ra trong đầu. Tôi không nghĩ (và cũng không thể định nghĩa và phân biệt được) thế nào là văn học nữ quyền hay nam quyền. Sau đó những điều tôi viết ra được in thành sách. Như vậy cách gọi đơn giản nhất cho tôi là Nhà văn. Ngoài cách gọi đó tôi không muốn được gọi theo cách nào khác.
Trong suy nghĩ của tôi, nhà văn đạt đến sự thành công nhất định khi nhà văn đó viết sâu, viết kỹ về một vấn đề nào đó của cuộc sống. Tôi có giới tính là nữ thì có vẻ như cái thuận tay nhất của tôi là mọi vấn đề liên quan đến phụ nữ như con cái, gia đình, tình yêu, tình mẫu tử. Nhưng không phải tôi không quan tâm đến vấn đề của nam giới, tôi muốn được sáng tác theo lối phi giới tính. Tôi không mấy khi tham dự những cuộc tọa đàm và hội thảo văn học. Không biết đó có phải là sự may mắn của tôi. Ðể tôi vẫn tiếp tục viết ra những tác phẩm, nếu không tôi sẽ bị rơi vào trường hợp như con rết 100 chân. Việc phân chia ranh giới văn học là không cần thiết, và dù phân chia thì tôi chẳng mấy quan tâm. Nhưng tôi tôn trọng tất cả sự nghiên cứu và gọi tên sự vật hiện tượng của các nhà phê bình. Tôi và nhiều nữ nhà văn khác vẫn sáng tác như là nhu cầu tự thân, như khi chúng tôi ý thức sâu sắc về cái đẹp, nhân văn và cất tiếng vì nó.
Y BAN
Theo nhân dân