QĐND – Hồ Xuân Hương (1772-1822) là một nữ sĩ tài hoa, ngoài những bài thơ chữ Nôm đặc sắc được truyền tụng rộng rãi trong dân gian, Hồ Xuân Hương còn sáng tác thơ chữ Hán. Trong tập Lưu Hương ký, chủ yếu là các bài thơ chữ Hán được phát hiện năm 1963 bởi nhà nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại, có hai bài thơ chữ Nôm nhắc đến vùng đất An Quảng (Quảng Ninh ngày nay) và liên quan tới mối tình của bà với Tham hiệp trấn Yên Quảng là Trần Phúc Hiển. Đó là bài Bạch Đằng giang tặng biệt (Tặng bạn khi chia tay ở sông Bạch Đằng) và Lưu biệt thời tại An Quảng, An Hưng (Ghi lại lúc chia tay tại An Hưng, An Quảng). Sau này, học giả Hoàng Xuân Hãn còn phát hiện ra chùm thơ chữ Hán của bà viết về vịnh Hạ Long, khi đó có tên là vũng Hoa Phong, là Chu thứ Hoa Phong tức cảnh (Đậu thuyền ở Hoa Phong) trong tập Đại Nam dư địa chí ước biên, ở cuối mục giới thiệu tỉnh Quảng Yên. Qua đó càng khẳng định Hồ Xuân Hương đã có thời gian sống ở vùng đất Yên Quảng.
Nữ sĩ họ Hồ là một tài thơ hiếm thấy và có mối kết giao rộng rãi với các bậc văn nhân tài tử đương thời. Bà đã từng kết bạn với Nguyễn Du, Tốn Phong Thị, Chiêu Hổ, Tham hiệp trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tỉnh… và đã từng làm lẽ vài lần. Những mối tình của bà luôn gắn với những giai thoại lưu truyền trong dân gian và trong thơ ca. Mối tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương là với Tham hiệp trấn Yên Quảng. Bà làm lẽ Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814-1818 và đây có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của bà.
Trần Phúc Hiển là người Đàng Trong. ông vốn con nhà thi thư, năm Gia Long thứ 2 (1803), được bổ chức Hàn lâm viện thi thư, sau đó làm Tri phủ Tam Đái thuộc trấn Sơn Tây. Đến năm Gia Long thứ 12 (1813), Trần Phúc Hiển được thăng chức Tham hiệp trấn Yên Quảng. Trấn lị Yên Quảng bấy giờ đóng tại Quảng Yên. Trần Phúc Hiển khi đó đã có vợ ở quê nhưng người vợ không theo chồng ra Bắc nên đã lấy lẽ Hồ Xuân Hương và đến sống ở Quảng Yên.
Trong thời gian yêu và lấy Trần Phúc Hiển, Xuân Hương đã vài lần phải tạm xa chồng, bằng chứng là có hai bài thơ Nôm trong tập Lưu Hương ký ghi lại việc này. Bài thơ vừa đề tặng và cũng để nhắc nhở đấng phu quân chớ quên tình nghĩa vợ chồng. Bài Bạch Đằng giang tặng biệt có đoạn:
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt
Lời kia này đã núi giăng giăng
Với nhau tình nghĩa sao là trọn
Chớ thói lưng vơi cỡ nước Đằng…
Khi chồng giữ chức Tham hiệp trấn Yên Quảng, Xuân Hương đã được chồng nhờ giúp các công việc hành chính ở công đường và nổi tiếng là một tài nữ. Trong thời gian sống cùng chồng ở Yên Quảng, Xuân Hương đã đi thăm nhiều nơi. Vịnh Hạ Long, tức vũng Hoa Phong, đã gây cho bà những ấn tượng đặc biệt. Chùm thơ chữ Hán của Xuân Hương viết về vịnh Hạ Long là cảm nhận riêng về cảnh vật, con người và những hoạt động trên vùng quê sông nước. 5 bài thơ chữ Hán đó là Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong), Trạo ca thanh (Trỗi tiếng ca chèo), Nhãn phóng thanh (Mắt tỏa màu xanh), Thủy vân hương (Về chốn nước mây) và Hải ốc trù (Ngóng đỉnh Toan Ngoan). Cả 5 bài đều ghi lại những cảnh đẹp khác nhau của vùng biển và con người nơi đây. Chẳng hạn bài Độ Hoa Phong, viết:
Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong
Đá dựng bờ son mọc giữa dòng
Dáng nước lần theo chân núi chuyển
Mình lên nghiêng lối để duềnh thông
Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc
Đâu nào là cái Thủy tinh cung?
Nhưng ngày vui ngắn ngủi, năm Gia Long thứ 17 (1818), Trần Phúc Hiển bị người châu Vạn Ninh (Móng Cái) tố cáo nhận hối lộ, bị bắt giam và bị xử tử vào năm sau (1819). Có ý kiến cho rằng sau đó Hồ Xuân Hương đã lên núi Yên Tử viết đơn, mong giải cứu cho chồng. Mặc dù mối tình với Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển chưa hoàn toàn như ý, nhưng qua đó đã cho chúng ta thấy được tài thơ của Xuân Hương và tình yêu của bà với vùng đất Yên Quảng qua những bài thơ chữ Nôm tả tình và thơ chữ Hán miêu tả cảnh đẹp Vịnh Hạ Long.
UÔNG TRIỀU