Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Nghe và xem Cao lương đỏ trong không gian điện ảnh

Nghe và xem Cao lương đỏ trong không gian điện ảnh

Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) là một “câu lạc bộ” của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhằm xây dựng và thực hiện những chương trình hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh và những hoạt động vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam. “Không gian điện ảnh” là một dự án của TPD, nhằm hỗ trợ toàn diện và có hiệu quả cho các nhà làm phim trẻ, có trụ sở đặt ngay tại cơ quan hội (51 Trần Hưng Đạo -Hà Nội).

Đây là địa chỉ mà những nhà làm phim trẻ, chuyên nghiệp hoặc không chuyên, những khán giả đam mê điện ảnh… có thể tới nghiên cứu, học tập.

Trong buổi sinh hoạt nghiệp vụ đầu tháng 11-2012, “Không gian điện ảnh” đã tổ chức chương trình “Từ sách lên màn ảnh”, giới thiệu tiểu thuyết Cao lương đỏ của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn (Giải Nô -ben Văn học năm 2012) và bộ phim cùng tên chuyển thể từ tác phẩm này của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu (Giải “Gấu Vàng” LHP Béc -lin năm 1988). Sau buổi chiếu phim, các thành viên của “Không gian điện ảnh” đã có cuộc trao đổi thú vị với hai vị khách mời: Dịch giả Trần Đình Hiến kể về việc dịch tiểu thuyết Cao lương đỏ ra tiếng Việt và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nói về việc đưa tiểu thuyết này lên màn ảnh.

Nhà văn Trần Đình Hiến sinh năm 1933 tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc. ông nguyên là thầy giáo tiếng Trung tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, trước khi chuyển về Bộ Ngoại giao và sau đó nhiều năm làm Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Từ ngày nghỉ hưu (năm 1983) ông chuyên tâm dịch thuật, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều bản dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc nổi tiếng, trong đó có bộ 3 tác phẩm của Mạc Ngôn vừa được trao Giải Nô -ben Văn học năm 2012, là: Báu vật của đời; Cao lương đỏ và Đàn hương hình.

Nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến cho biết: Mạc Ngôn hoàn thành Cao lương đỏ vào năm 1987, lấy bối cảnh những năm 1920-1930 tại vùng quê Cao Mật của ông ở miền Nam Trung Quốc. Người kể chuyện xưng tôi đã bắt đầu câu chuyện bằng sự kiện “bố tôi” gia nhập đoàn quân của Tư lệnh Từ Chiếm Ngao lúc mới 14 tuổi. Từ Chiếm Ngao vốn là một anh hùng thổ phỉ, sau trở thành Tư lệnh lãnh đạo người dân nơi đây chống lại phát xít Nhật. Thời trẻ, Từ Chiếm Ngao đã giành được tình yêu của Phượng Liên, một cô gái nghèo bị cha mẹ ép gả cho Đơn Biển Lang. Họ có với nhau một người con trai chính là “bố tôi”, nhưng “bố tôi” lại không biết tư lệnh Từ Chiếm Ngao là cha mình, vẫn gọi ông là “bố nuôi”. Đến khi “bà tôi” sắp chết, sự thật mới được tiết lộ. Câu chuyện gia tộc đã được tái hiện vừa chi tiết, vừa phóng đại; vừa thiêng liêng trang trọng, vừa hài hước thô tục… Cao lương đỏ đã đưa tên tuổi của Mạc Ngôn lên hàng những nhà văn lớn của Trung Quốc, khởi đầu một sự nghiệp văn học danh giá với giải Mao Thuẫn năm 1987 và gần đây nhất là Giải Nô -ben Văn học 2012.

Được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cũng trong năm 1987, Cao lương đỏ gắn liền với sự xuất hiện của hai ngôi sao tài sắc bậc nhất điện ảnh Trung Quốc đương đại, đó là đạo diễn Trương Nghệ Mưu và diễn viên Củng Lợi. Không hề mờ nhạt trước những trang văn nổi tiếng, Trương Nghệ Mưu khẳng định cá tính của mình trong từng thước phim. Từ nghệ thuật dàn dựng với cảnh quay tinh tế xuất phát từ cái nhìn của một nhà quay phim chuyên nghiệp, những bài hát dân gian đến sắc đỏ chủ đạo -màu của những cánh đồng cao lương và rượu vang cao lương -ám ảnh người xem. Để sau này, màu đỏ ấy định hình phong cách Trương Nghệ Mưu với những: Đèn lồng đỏ treo cao; Cúc đậu; Phải sống; Đường về nhà… Không giống những nhà làm phim khác thường dùng diễn viên để bộc lộ tư tưởng tác phẩm, Trương Nghệ Mưu khẳng định tài năng khi dùng ánh mắt, gương mặt, cử chỉ của Củng Lợi để bộc lộ tư tưởng của mình. ông đã góp phần không nhỏ đưa tên tuổi Củng Lợi rạng rỡ trên phim trường quốc tế. Bộ phim cũng mở đầu cho xu hướng các đạo diễn thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc khai thác chất liệu văn hóa dân tộc mình để tạo nên nét khác biệt.

Trao đổi với các thành viên “Không gian điện ảnh”, nhà lý luận phê bình điện ảnh -nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng: Bộ phim Cao lương đỏ có kết cấu chuyện đảo ngược lại dòng thời gian khách quan, không gian thường xuyên xáo trộn, thay đổi liên tục… nhưng vẫn rõ ràng, mạch lạc bởi hành động của nhân vật được miêu tả kết hợp với tâm lý tinh tế. Cốt truyện Cao lương đỏ đúng theo phong cách của Mạc Ngôn, không có những tình tiết ly kì nhưng hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. Nhân vật của ông ngang tàng, khí phách, phóng túng và yêu tự do… Họ dám phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo để giải phóng cá tính.

“Luôn đi giữa đỏ và trắng” như Mạc Ngôn vẫn nói về văn của mình, “bà nội tôi” và tư lệnh Từ Chiếm Ngao trong Cao lương đỏ vừa đáng yêu vừa đáng trách, vừa thánh thiện vừa phàm tục… Cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật đã khiến họ lột xác, trở thành anh hùng dân tộc. Từng trang sách bước ra từ đời thật, thông qua sự lưu chuyển của dòng ý thức, cái nhìn đầy biến ảo của nhà văn mà từng câu từng chữ đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử. Đây là điểm gặp nhau về tư tưởng của hai nghệ sĩ lớn: Nhà văn Mạc Ngôn và đạo diễn Trương Nghệ Mưu!

HOÀNG PHƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *