Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Nhớ nhà thơ Núi đôi

Nhớ nhà thơ Núi đôi

Nhà thơ Vũ Cao

QĐND – Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lớn lên trong mấy chục năm qua ai cũng nhớ đôi câu hay thuộc nằm lòng bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao. Núi Đôi được đánh giá là một trong những bài thơ hay về kháng chiến, luôn đươc truyền tụng, được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường:

Bảy năm về trước em mười bảy

Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng

Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa

Bữa thì em tới bữa anh sang…

Nhà thơ Vũ Cao từng nhiều năm làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Khi đã ở tuổi 75 ông vẫn đảm nhận Chủ tịch Hội đồng thơ Quốc gia. Vào tuổi 80 ông vẫn miệt mài với những trang sách, bài thơ… ông nổi tiếng thế, nhưng không bao giờ gọi mình là nhà thơ! Tháng3-1998, tôi may mắn được cùng ông và một số nhà thơ từ Hà Nội về tham dự “Ngày Thơ Quảng Ninh” tại thành phố Hạ Long. Trong các cuộc đàm đạo về “nghề” thơ trong hội thảo, hay du thuyền trên vịnh Hạ Long, những câu chuyện của ông bao giờ cũng làm tôi ngạc nhiên và cảm kích.

Ông kể rằng ông là bộ đội, sau hòa bình rất lâu mới chuyển qua dân sự. Khi về hưu, ông được Hội Cựu chiến binh phường bầu làm Hội trưởng. Đến khi làm lễ ra mắt, anh em bảo: “Anh có huân chương, huy chương thì đeo vào cho nó đứng đắn”, mới về lục tìm, thì ra mình không có cái nào cả! Có lẽ do mình lười kê khai hoặc làm thất lạc đâu đó khi chuyển quân. Bí quá phải đến anh bạn Trung tướng quân đội ở Hà Nội vừa về hưu mượn tạm vài cái. ông bạn gắn cho một vỉ 6 cái huân, huy chương sáng chói. Khi làm lễ ra mắt xong, đem trả thì ông bạn Trung tướng cười bảo: “Tôi biếu ông đấy, ông Núi Đôi ạ!”.

Ông bảo rằng làm thơ là khó nhất. Làm nhà thơ còn khó hơn! ông cho mình chỉ là một người làm báo, một nhà báo thỉnh thoảng có làm thơ! ông tâm sự: “Văn học của tôi, thơ của tôi là từ cuộc sống. Đời rồi mới đến văn. Nhờ đi làm báo tôi mới có những bài thơ. Có những lúc cái “tâm hồn thơ” trong con người báo chí của mình có bừng lên thảng thốt, dào dạt. Thế là cái chất liệu tưởng khô khan của báo bỗng hóa thành chất liệu thơ!”. ấy là trường hợp ông bắt gặp bài thơ Núi Đôi. Khi làm bài thơ ấy ông đang độ tuổi đôi mươi. Vào bộ đội, ông làm phóng viên mặt trận của Báo Vệ quốc quân, tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay. Phong trào du kích chống Pháp của vùng trung du Vĩnh Yên -Phú Thọ phát triển rất mạnh. Nhiều tấm gương hy sinh rất quả cảm. ông được tòa soạn báo phân công về “nằm vùng” lấy tư liệu viết những bài báo về các chiến sĩ du kích trung du. Núi Đôi là một hòn núi có thật. Xuân Dục, Đoài Đông, chợ Phù Linh… hay quang cảnh làng quê đều là nhưng địa chỉ có thật. Ông đã cùng sống và chiến đấu bên cạnh bà con ở đó cả năm ròng. Một đêm, bên ngọn đèn dầu, ông hừng hực với ý tưởng bài báo về tấm gương hy sinh oanh liệt của người nữ du kích núi Đôi. Nhưng khi đặt bút viết, mạch văn lại tuôn chảy thành bài thơ tự sự trữ tình:

Lối ta đi giữa hai sườn núi

Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi

Em vẫn đùa anh sao khéo thế

Núi chồng núi vợ đứng song đôi…

Bây giờ, mộ cô gái du kích vẫn còn nằm đó, bên núi Đôi, nơi miền trung du xanh thẳm. Còn anh Vệ quốc đoàn trong bài thơ năm xưa đã biến thành anh, thành tôi, thành các thế hệ nhà thơ đất nước muôn đời… Núi Đôi là bài thơ cách mạng sống mãi với non nước này!

Trên vịnh Hạ Long, tôi đùa ông: Anh viết trong thơ rằng, Bảy năm về trước em mười bảy. Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng… nghĩa là làng ấy không có trẻ con, hay người trẻ hơn sao? ông cười: Cậu hỏi đúng thật, nhưng thơ lại ảo. Hơn nữa lúc viết hứng lên mình không để ý. Mình muốn họ mãi mãi là người trẻ nhất!

Nhà thơ kể chân thật rằng, với thơ, ông đã ít nhất hai lần thất bại! Đó là lúc ông cùng đồng đội vượt qua đỉnh núi Yên Tử (Quảng Ninh) để ra vùng Đông Bắc và khi vượt qua sông Đà lên vùng Tây Bắc. Những lần ấy, khi trèo lên đỉnh núi, thấy cảnh non nước hoành tráng, thơ mộng gây xúc động rất mạnh, đến nỗi bây giờ hình dung lại vẫn rợn ngợp một niềm khoái cảm. ấy vậy mà hàng chục lần đặt bút vẫn không ra được thơ! Kể đến đây, mắt ông bỗng nhìn xa xôi như nuối tiếc. Và ông đã hơn một lần thảng thốt nhắc lại: Với thơ, mình thất bại nhiều hơn thành công! Thơ với mình là sự tự nhiên, tự nhiên như núi Đôi đã thành thơ vậy…

Năm 1988, tức năm ông đã 76 tuổi, ông vẫn băng băng trèo hàng trăm bậc đá lên động Thiên Cung ở vịnh Hạ Long cùng chúng tôi. Đang trèo dốc đá, tôi đi cạnh hỏi ông: Bác đã khi nào làm thơ về leo núi chưa? ông đáp: Như mình đã kể, khi trèo lên Yên Tử không làm được thơ thì tiếc lắm. Nhưng mình cũng có lần leo dốc làm được thơ. Đó là bài thơ kể chuyện một lần mình cùng anh em nhỡ độ đường được một cô gái miền sơn cước tiếp rượu. Đêm đó làm được bài thơ. Mình còn nhớ mấy khổ:

Tôi trông màu rượu

Màu tím hoa cà

Lại nhìn đôi mắt

Sáng tròn như hoa

Lên ngang dốc núi

Chợt thấy mình say

Người ơi hoa tím

Đầy rừng hoa bay…

Ông vẫn tự hào mình là lính nên khỏe leo núi lắm. Ngày vĩnh biệt ông, tôi đã viết: “Cho tôi gọi ông bằng anh. Anh Vũ Cao ơi, nhớ nhau em gọi anh đồng chí… Thế mà thấm thoắt đã 5 năm rồi, đêm nay bỗng nhớ ông, lại đọc thơ ông…

NGÔ MINH

 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *