Chuyện ngày tận thế theo lịch Maya cổ đại dĩ nhiên là hoang đường. Vì nếu có xảy ra thật thì làm gì có chuyện “hậu tận thế” nữa. Và hậu quả của “ngày tận thế” trên đất Việt Nam ta là một số người mệt bã vì… nhậu.
Ở khía cạnh nào đó, người Việt chúng ta đều là những người lạc quan. Vì lạc quan đâm ra nếu có ngày tận thế thật thì cũng cứ phải… nhậu. Buổi sáng, trước “giờ tận thế” một ngày, tôi được xem mấy cuộc trò chuyện: Nhậu nhé, đằng nào cũng “tiêu” rồi. Nhắn lại, “ô kê, bao giờ và ở đâu”. Lại nhắn lại: “Tối nay, đến 12 giờ hôm sau”. Ối giời, nhậu thế thì có mà chẳng chết vì thiên thạch, động đất thì cũng chết vì thiên đầu thống, vỡ động mạch vành. Lại nữa, “tận thế” rơi vào đúng vào ngày phải đi làm, nếu mà “sếp” cũng tin có tận thế thật thì bỏ làm đi nhậu đã đành. Đằng này… thôi thôi, “sếp” chẳng mắng cho vì cái tội trốn việc, bỏ làm. Đó mới là tận thế thật!
Lẽ dĩ nhiên, với những cuộc nhậu tàn canh suốt sáng thế thì chẳng được mấy ai hưởng ứng. Song, mượn cớ tận thế để nhậu thì rất phổ biến. Bằng chứng là hôm sau, “leo” lên internet, thấy ai ai cũng khoe ảnh ăn uống, nhậu nhẹt vào đúng giờ đáng ra phải tận thế.
Thực ra chẳng phải chờ đến sau ngày 21 người ta mới thấy hậu quả của ngày tận thế. Xóm nhà tôi có mấy anh chàng rỗi việc cũng đã tổ chức ăn “đệm” ngày tận thế, và rồi… tận thế thật.
Có ông say về đánh vợ đuổi con, khóc lóc inh ỏi. Ông khác mải nhậu bỏ bê việc nhà cũng bị bà vợ nổi cơn lôi đình đổ “cơn hồng thủy” xuống đầu. Đó là chuyện của mấy ngày “tiền tận thế”.
“Hậu tận thế” êm đẹp hơn, mặc dù vẫn có tai nạn. Phần nhiều là nạn… “cháy túi”. Có ông đen đủi hơn thì tông xe cột điện, hoặc bị công an túm vì lỗi tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn.
Ôi những người bạn yêu mến của tôi, những người lạc quan nhất trên đời, những người ưa tâm tình chia sẻ và thích xôm tụ hội hè, những người không bao giờ từ bỏ một cơ hội dù là nhỏ nhất để có dịp ngồi với nhau, vui vẻ với nhau. Chỉ xin người “bơn bớt” một tí giờ nhậu, đặc biệt là nhậu trong những ngày đi làm, nhậu trong giờ hành chính, và quan trọng nhất là đừng vì cớ nọ, cớ kia để chuốc rượu cho nhau say đến “lăn lê bò toài”.
Nhân đây cũng nói chuyện “cỗ bàn” ngày Tết. Ngày Tết đang đến gần. Việc Tết rất bận rộn. Nhưng nhiều chỗ, nhiều nơi cũng thường mượn cớ “vui Xuân, đón Tết sớm” mà tổ chức “ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc to”, để rồi vui nhiều, say nhiều mà đôi khi lỡ việc. Tết, đối với nhiều người là “mùa gặt hái”, người ta cũng vì Tết mà thu vén thêm việc nhà, tích cực làm việc để cải thiện thu nhập, hay xa hơn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để có một năm trọn vẹn. Vì ham vui mà lỡ việc, quả là đáng tiếc lắm lắm! Từ cơ quan đến đơn vị, từ xã hội đến từng mái ấm gia đình Việt Nam nên có sự hài hòa, đừng vội vàng lo Tết đến, xuân qua mà “vui gấp”, “sống gấp”, “nhậu gấp”. Đến giờ thì “ngày tận thế” đã lùi xa rồi, cũng là đầu tuần làm việc đề nghị mọi người xốc lại tinh thần để cùng có một năm phấn đấu trọn vẹn!
Ỷ THIÊN
(Theo QĐND)