Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Nơi sóng gọi

Nơi sóng gọi

Dòng sông đang lúc triều cường, căng vồng như lồng ngực chàng trai tuổi đôi mươi, đỏ sậm, ngùn ngụt sức sống. Nước duềnh lên, lóng lánh bao vòng sóng, óng ánh như pha lê, từng đợt, từng đợt, sóng nước loang ra, xô nhau như những vành trăng non đầu tháng. Một con cá trồi lên. Tiếng búng nước loách choách nghe như xa lại như gần.

– Nghé o…o…ọ! Nghé o… o… ọ!

– Ơ nghé!

Tiếng cái Liên sẹo réo rắt trong gió chiều. Chiếc nón mê úp sùm sụp trên cái gáy đỏ au vì nắng.

Đuôi tóc nó cháy nắng vàng hoe, bàn tay khum khum đặt ngang miệng. Con nghé tơ gặm cỏ đằng xa, ngẩng đầu ọ lên hồi dài rồi cong đuôi chạy lại.

– Liên ơi. Lùa cả bầy về bên này nhá.

– Bảo đứa nào chắn ở mép nước, Tùng còi ơi! – Liên sẹo đứng bên kia sông, cái roi trâu rối rít huơ đầu. Đám trẻ trên bãi vẫn cãi nhau kịch liệt, mặt nhễ nhại mồ hôi, đỏ như da gấc chín.

– Ra giữ trâu đi! – Tùng còi nhảy vào giữa vòng tròn, đẩy lưng từng đứa. Vân mít đang chơi dở ván cờ cơm canh với Dân bầu bị nhảy vào giữa ô bài, hậm hực ngẩng lên. Bị Tùng còi xòe tay vỗ bồm bộp vào cái mê nón trên lưng, Vân mít hất bím tóc vàng cháy về phía sau, vớ cái roi trâu.

Vút…. Vút…. Tùng còi nghiêng người, nhảy choi choi, tay vẫn không ngừng vỗ cái nón mê. Vân mít càng ra sức vụt, Tùng còi càng đập. Cái mê nón bẹp dần, chóp nón thụt xuống như cái nồi con úp trên lưng Vân mít.

– Thôi… thôi. Không chơi nữa. Đứa nào bơi sang lùa trâu về đi. Để một mình cái Liên sẹo lùa sao xuể. Nó đang ngoi ngóp giữa đồng Rồi kia kìa.

Tùng còi xua xua tay. Cái roi trâu đang vung tít trong tay Vân mít vụt trúng bắp chân Tùng còi. Nó cúi xuống, day day vết roi vụt, xuýt xoa:

– Hôm nay, đến lượt cái Dân với Khải sứt đấy.

– Không. Hôm nay phiên tao với Khải sứt. Dân bầu với Tùng còi ngày mai! – Vân mít ngừng vung roi, quay đầu lôi tay Khải sứt:

– Đứng dậy. Lúc nữa đỉnh triều, nước chảy xiết đấy.

– Thôi, để tao.

Tùng còi ấn vai Khải sứt, lẳng lặng theo Vân mít. Đôi chân dài lêu đêu như cẳng cò ma của nó sải những bước dài. Đến mép nước, thấy Vân mít vo quần định lội xuống, Tùng còi quay lại:

– Mày cứ ở bên đây, mình tao sang thôi, không lại ướt hết. Chờ khi nào trâu sang đến nơi thì đuổi lên. Nhớ đừng để chúng bơi xuống đăng ông Nhàn.

Rồi Tùng còi thụt xuống làn nước đục ngàu, đỏ thẵm phù sa, chìm dần rồi mất hút dưới làn nước đỏ sậm đang cuồn cuộn chảy. Bong bóng nước phồng lên như tăm cá. Chỉ một lát sau, đã thấy nó như con rái cá đang trồi lên ngụp xuống giữa dòng.

Chỉ vài chục sải tay, Tùng còi đã ngoi lên bãi đồng Rồi bên kia sông. Tay túm nắm cây đay phẩy phẩy, miệng hùy hùy, nó lùa cả bầy trâu xuống mép nước. Khom lưng, nhún chân một nhịp, nó nhảy phắt lên lưng con Sứt, con trâu dữ nhất đàn trâu xóm Bãi. Một tay cầm thừng, người đứng thắng, Tùng còi chông chênh trên cái sống lưng gồ ghề của con trâu dữ, chỉ huy cả đàn rẽ nước, vượt sông.

Từ bên kia sông nhìn sang, thằng Tùng nhỏ thó, nhấp nhô trên sống lưng con Sứt như con chuồn chuồn chỉ rập rờn giữa bãi hoa đay.

Đàn trâu thì thụt bước lên. Những cái chân lừng lững như cột nhà lún sâu trong lớp phù sa màu nâu non của đất bãi. Đám trẻ chăn trâu ùa ra. Loáng cái, mỗi đứa đã nhảy lên, nằm, ngồi vắt vẻo trên những lưng trâu đen nhẫy, lịch bịch về làng. Điển tu huýt ngồi lọt giữa cặp sừng cong vút trên đầu con Khoang, ngửa mặt nhìn trời, hát líu lô: “Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả chân trần…”. Cái áo gụ vắt vai, Tùng còi cười khùng khục. Tiếng Vân mít ré lên như xé vải …. Mớ thanh âm rộn ràng ấy theo đám trẻ về từng ngõ nhỏ, khuất dần sau những bụi tre dây. Trước khi rẽ vào con ngõ có hàng rào găng cao ngang đầu người được xén tỉa cẩn thận, Tùng còi với lại:

– Trưa mai, đánh trâu ra bãi sớm nhé.

Cu Đen gật đầu.

Nắng cuối ngày nhảy nhót trên cái mũ lá rách tươm úp trên gáy Tùng còi xa dần rồi mất hút sau rặng rào găng. Chỉ còn mùi đất phù sa, mùi cỏ lau, cỏ năn và mùi mồ hôi trâu nồng nồng quyện vào nhau, vương vấn.
Ngoài giờ đi học, chỗ tụ tập lý tưởng nhất của bọn trẻ là ngoài bãi sông, nơi mỗi khi thủy triều lên mênh mang nước phù sa ngàu đỏ. Đến lúc thủy triều xuống, làn nước đỏ sậm ấy róc rách đuổi nhau ra mãi giữa lòng sông, để lại trên mặt bãi lớp đất mới mỏng tang, màu nâu nhạt. Tùng còi học không giỏi nhưng ma lanh khi bày trò nghịch ngợm. Cái áo cánh rách vai, cái quần được xén ngắn từ quần cũ của thầy không ra quần lửng cũng chẳng ra quần đùi, tóc quăn queo, đỏ hoe như râu ngô, dài, vắt vẻo như đuôi chim chích chòe, mặt Tùng còi đỏ bừng, chạy như cờ lông công đằng trước, lũ trẻ trâu xóm Bãi lốc nhốc chạy sau. Nếu ai cần gọi hay đi tìm lũ trẻ những lúc ấy, chỉ cần đảo chân ra bãi sông. Trên mặt đất nâu non, xốp mịn, mấy cái lưng áo lấm lem bùn đất, bết chặt mồ hôi đang xòe ra như bông hoa phù sa bị vứt giữa bãi sông, sắp lẫn vào với đất.

Trò gì Tùng còi cũng làm thủ lĩnh. Đổ lỗ dế, chọi gà cỏ đến trèo cành, đu cây, lặn sông …. Nó không hiểu biết nhiều qua sách vở như “hiền triết không râu” cu Đen nhưng trong bụng lại chứa cả bồ mẹo vặt. Lúc chơi đùa, phe nào có Tùng còi, phe ấy cầm chắc phần thắng. Nhưng cũng chỉ được vài lần, đến khi lũ trẻ trâu xóm Bãi phát hiện ra, thường Tùng còi không được đứng về phe nào nữa mà chuyên giữ chân trọng tài. Nó hậm hực, chỉ mong một đứa nào đó trong bọn bị ốm để thay chân. Cũng như cu Đen, Tùng còi có tên khai sinh hẳn hoi nhưng vì bé như con chim chích nên không mấy khi nó được gòi bằng cái tên tử tế là Tùng. Đầy đủ lắm thì bị réo là Tùng còi, lúc chỉ được gọi Còi, nó vẫn thưa. Cả xóm Bãi đều gọi nó thế. Gọi nhiều, tên Tùng còi thành quen, nhiều lúc nó quên mất mình có cái tên tử tế là Nguyễn Ngọc Tùng. Còn lũ trẻ con xóm Bãi chẳng đứa nào gọi nó là Ngọc Tùng. Ngọc với chả vàng …. Rắc rối. Chúng cứ cái tên cúng cơm của nó mà réo. Tùng còi xem ra cũng chẳng mấy quan tâm. Nhiều khi ghi tên trong bài kiểm tra, nó quên béng mất tên khai sinh, cứ viết đại là Tùng còi. Lâu dần thành quen, cô giáo cũng chẳng thèm quở mắng.

Nằm ngửa trên bãi cát, nhìn bộ giò lêu đêu của Tùng còi đang nhảy nhót bên cạnh, cu Đen phì cười. Bất ngờ Tùng còi quay ngoắt lại:

– Thằng hâm. Tự nhiên cười một mình. Dậy, vồ mấy con cào cào chốc làm mồi nhử sáo.

Nắng còn cào như tãi vàng trên đầu. bãi ngô ven sông Cái xanh mướt. hai đứa ì ọp lặn ngụp, chẳng biết nổi hứng thế nào, Tùng còi đập đập vai cu Đen thì thầm:

– Này! Mày có dám ở ngoài bãi sông ban đêm không?

– Để làm gì? Nghe nói ngoài bãi nhiều ma đói lắm …. Cu Đen chần chừ.

– Chưa chi đã … – Tùng còi quay ngoắt.

– Sao không? – Cu Đen dò hỏi.

Rồi chẳng chờ thằng bạn đồng ý, Tùng còi hụp đầu xuống. cái lưng đen cháy của nó mất tăm giữa dòng nước ngàu đỏ phù sa hai đứa vừa sục lên. Ngoi dưới đáy sông một đoạn dài, bất ngờ Tùng còi nổi lên mặt nước, phăng phăng bơi vào, nhao lên bờ, đi thẳng, bỏ mặc cu Đen ngơ ngác giưã dòng.

Chẳng chờ được đến chiều. mặt trời đổ bóng ngôi nhà tròn vo trên mặt đất, cu Đen đã vạch hàng rào cúc tần chui sang. Vừa chạm chái bếp, đã thấy Tùng còi loay hoay bên đống rọ tre to tướng, má nhoe nhoét nhọ nồi trông như mặt anh hề xiếc thi thoảng về diễn trò ngoài sân đình.

– Mày biết rọ gì đây không?

– Chịu. Rọ gì mà chẳng giống nhau – Cu Đen khủng khỉnh.

– Cái thằng …. Rọ gi mà chẳng giống nhau … – Tùng còi dài giọng – Thế cá cũng giống tôm à? Đây là rọ tôm, hiểu chửa? Tùng còi không dừng tay sắp xếp, giảng giải.

– Rọ tôm? Cu Đen nghệch mặt hỏi lại.

– Chứ gì nữa. sáng qua tao mới lục thấy trên gác bếp nhà tao đấy. hai túm hẳn hoi. Có khi có đến vài chục cái chứ chẳng bỡn.

– Thế mày bày ra đấy làm gì?

– Đang xem cái nào chưa chắc thì sửa lại. lâu rồi không dùng, sợ ải. Tao đã hỏi cụ Thảo cách làm rồi. Giờ, vót hộ tao nắm nan.

Cu Đen lẳng lặng cầm dao. Cây mít già cằn cỗi đứng cau có bên gốc sân gạch. Chùm lá lưa thưa phơ phất trên cao không đủ che cho khoảng đất rộng phía dưới. Cái lưng trần trùng trục của Tùng còi đỏ như da cua luộc giữa nắng hè đang hừng hực đổ xuống. Đống rọ tôm ngổn ngang, nghiêng ngả bên cạnh. Bàn tay Tùng còi dẻo như múa, luồn những sợi lạt mỏng, mềm mại qua đám nan rọ. Mồ hôi nhễ nhại trên trán, trên má, chảy ròng ròng trên lưng. Ba chục cái rọ được nó nghiêng ngó rồi xếp lại gọn ghẽ.

– Nhanh. Dì tao về lại ầm lên bây giờ.

Cu Đen hết nhìn bàn tay thoăn thoắt của Tùng còi lại quay sang nhìn đống rọ tôm, băn khoăn:

– Mày đã đánh rọ tôm bao giờ chưa?

– Thì chiều mai đánh.

– Chưa đánh bao giờ mà dám vác cả đống mấy chục cái ra bãi? Sao không hỏi thầy mày xem đánh thế nào?

– Việc gì phải hỏi. Tao đã theo chú Tiền xem mấy lần rồi. cái gì cũng hỏi, thầy tao lại chả chửi cho. Mày nhìn kìa – Nó hất hàm vào nhà. Thầy Tùng còi mặt đỏ gay, đang dựa lưng vào cột nhà, ngoẹo đầu ngủ. Hơi rượu phả ra nồng nặc.

– Sao tối nay không đi đánh ngay?

– Cái thằng! Tao tưởng mày học giỏi thì cái gì mày cũng phải biết chứ! Chưa có mồi thì đánh bằng gì? Dễ mày tưởng chỉ cần đào giun cho vào rọ như tao với mày đi câu chắc?

Nghe cái giọng khinh khỉnh của Tùng còi, cu Đen ngoảnh mặt. Ghét cái mặt đang vênh lên đắc ý của Tùng còi, lại nghe thấy mùi khoai cháy bén, cu Đen quay người, nhón chân chạy vào bếp. Bỗng Tùng còi hét lên:

– Này! Mày vào bếp khều củ khoai tao đang nướng trong ấy ra không thì thành than lại hỏng xơi. Nhòm xem nồi khoai trên bếp sôi chưa nhá.

– Để làm gì?

– Sôi một cái thì chắc nước ngay hộ tao.

– Mày điên à? Sôi cái chắc nước, khoai còn sống, ăn vào để cha con Tào Tháo đuổi chạy mất mạng à?

– Lúc nào mày cũng chỉ ăn thôi à? Tao luộc khoai để cho mày đánh chén đâu.

– Không cho tao thì cho mình mày? Hay để gói ra bãi cho tụi Vân mít, Dân bầu? Mày lúc nào chẳng thế!

Tùng còi hiếng mắt, liếc cu Đen, thủng thẳng:

– Chỉ giỏi đoán mò. Chiều mai mày khắc biết.
Nắng chiều nhạt dần. mặt trời như người chạy bộ đã cuồng chân, xuống thấp dần sau cái vạch đỏ dưới gốc đa đầu làng, hắt lên nền trời những tia tua rua như rẻ quạt. Tùng còi vạch hàng rào cúc tần, thò đầu sang nhà cu Đen í ới. Mấy chục rọ tôm đã được buộc, dựng gọn ghẽ dưới gốc mít già. Phơi cái lưng trần trùng trục, hai tay khuỳnh khuỳnh, Tùng còi cần thận bê ra một hũ sành. Xươmg bên sườn nó nhô ra như xương cá. Đặt cái hũ sành trước mặt cu Đen, nó mở nắp. Mùi chua lét bốc lên. Mặt cu Đen nhăn lại. Nó nhìn Tùng còi ngờ vực:

– Lấy trộm bỗng rượu của dì mày à? Món gì đặc biệt thế? Bà ấy mà biết lại no đòn.

– Cái thằng … không oan khi chúng nó gọi mày là Tào Tháo, lúc nào cũng nghi nghi ngờ ngờ. ai bảo mày đây là món đặc biệt?

– Không đặc biệt thì cũng quái đản. Tao suýt nôn mửa vì cái mùi của nó. Kinh quá!

– Ờ … – Tùng còi gật gù – Quá đặc biệt. Nhưng không phải cho mày mà là cho tôm. Khoai lang luộc sượng ngâm nước gạo.

– Cho tôm? – Cu Đen tròn mắt hỏi lại.

– Mồi đánh rọ tôm chả cho tôm thì cho cá chắc?

– Tao tưởng rọ tôm thì đánh bằng cám rang? Tao vẫn thấy chú Tơn đánh bằng thế đấy thôi.

– Có nhiều cách đánh. Đánh như chú Tơn là một. cách này tao học mãi mới được đấy. có một không hai. Hộ tao một tay – Tùng còi nhấc chiếc rọ, nghiêng đầu ngắm nghía. Nhón một miếng khoai đã ngâm chua trong hũ cho vào rọ, nó giảng giải:

– Đánh rọ tôm bằng cám rang bọc vải là dễ nhất, nhiều người biết …. Cũng có thể đánh rọ bằng giun giã nhỏ nhưng món mồi mà lũ tôm khoái khẩu nhất là khoai lang luộc qua, ngâm nước gạo cho chua. Rồi mày xem, tối nay quân ta sẽ kiếm được hàng giỏ.

– Thế thì đi ngay thôi. Giờ còn mặt trời, đi cho sớm. đến đâu bỏ mồi tới đó – Cu Đen sốt sắng.

– Lại thế …. Mày chưa nghe “tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông” à? Mặt trời còn chưa tắt nắng, thả rọ giờ cho lũ cá lau nhau phá hết mồi?- Tùng còi vừa nói vừa thoăn thoắt thả mồi vào rọ như anh chàng lành nghề đánh rọ nhất thiên hạ.
Đầm Le rộng mênh mông. Quanh đầm, chỗ đất nông, sen mọc ken dày. Lá sen tròn, xòe như nhưng chiếc mũ màu xanh ngọc đặt ngửa trên mặt nước. mùi hương ngào ngạt len vào trong gió, quyện với hương đồng bãi, phảng phất. không khí cồn lên như được ướp hương sen.

Đặt chùm rọ tôm bên vệ cỏ, Tùng còi khoát tay xoa xuống mặt nước. nó bụm hai bàn tay, múc vốc nước, ghé miệng uống ừng ực. làm một vèo hai ba vốc, nó đưa cùi tay quẹt ngang má, chép miệng:

– Ngọt. Thơm. Hương sen làm nước hồ cũng thơm. Cả cỏ ven đầm cũng thế.

Xốc lại dải dây rút của cái quần gụ, Tùng còi rút sợi dây cấy lấy trộm của dì nó ở thắt lưng ra, buộc nối đám rọ với nhau, mỗi chiếc cách đều một đoạn khoảng vài mét. Hai đầu dây, Tùng còi buộc hai cái que tre. Xong xuôi, nó để nguyên quần áo, ì oạp lội xuống đầm, thận trọng thả từng chiếc rọ một xuống nước. Đến cái cuối cùng, nó thò người cắm que tre ngập sâu xuống bùn, chỉ để nhô lên một chút khỏi mặt nước rồi ngửa mặt lên trời thì thầm. Cu Đen chẳng biết Tùng còi lầm bầm điều gì.

Sợi dây rọ tôm liên hoàn đã chìm sâu xuống nước. tùng còi nhảy lên bờ. chiếc quần gụ bạc phếch của nó giờ ướt sũng, nước rỏ long tong. Chẳng thèm quan tâm đến áo quần, Tùng còi văng mình lên thảm cỏ chỉ ken dày bên bờ đầm, nằm ngửa, giang tay, giang chân. Hai tay vuốt vuốt trên cái bụng lép kẹp, nó lầm bầm như người theo đạo cầu nguyện mỗi sáng chủ nhật:

– Lạy trời, lạy Phật! lạy thần đầm Le! Tối nay thần phật hãy lùa hết lũ tôm đang sống ở trong đầm này vào rọ của con.

– Lần nào đi đánh rọ, thầy mày cũng khấn thế à? – Cu Đen nghiêng người ghé lưng nằm xuống cạnh Tùng còi, hỏi khẽ.

– Mày …! Thầy tao chẳng khấn khứa gì cả. nhưng hôm nay có mày đi cùng, tao khấn cho mày lác mắt thôi. Thật ngố … – Tùng còi khí khí cười, vẻ chế nhạo. định nói thêm nhưng thấy bộ mặt bắt đầu nặng của cu Đen, nó lại thôi. Quay người lại, Tùng còi vỗ vai cu Đen dỗ dành:

– Đùa tí thôi. Chưa chi đã …. Nằm tí cho mát.

– Bao lâu nữa nhấc rọ?

– Cái thằng …. Mày nghĩ đang đi cất vó tôm sao? Sớm mai mới vớt được ông tướng ạ. Mà thôi. Ngủ đầm một đêm cho sướng. Xem ma đói hình thù thế nào …

– Việc gì phải xem, tao đang đói đây này. Lúc đi bốc được có lưng bát cơm nguội – Cu Đen càu nhàu. Rồi như chợt nhớ ra, nó quay sang:

– Mày ăn gì chưa?

Tùng còi lắc đầu. Chẳng có gì lạ cả. Từ ngày u nó mất, chuyện nhịn đói đi ngủ với Tùng còi trở nên bình thường. Dì ghẻ nó là người đàn bà cay nghiệt. Thầy Tùng còi không nói được vợ, chán, say rượu suốt ngày, chẳng mấy lúc nom nhòm đến nó. Nhưng Tùng còi khái tính. Chẳng bao giờ no lân la sang nhà ai lúc bữa ăn. Đói, nó ăn tạm bợ, vất vưởng khi củ khoai sống, lúc quả ổi xanh, uống đầy một bụng nước đầm rồi đi ngủ. nhiều lần, thương bạn nhưng phải khéo lắm, cu Đen mới lôi được nó vào mâm nhà mình.

– Thôi. Về nhà tao. Làm bát cơm nguội rồi ra ngủ – Cu Đen gạ – Thế nào bà cũng phần cả hai.

– Hừ … – Tùng còi ngần ngừ.

– Hừ gì nữa – Cu Đen gắt. – Không thì lần sau kệ mày, tao không đi nữa.

– Cũng được. Nhưng nằm tí cho mát đã – Tùng còi gật đầu.

Hai đứa nằm nghiêng. Cỏ ướt mềm, mát rượi dưới lưng trần, cọ vào má, vào da nhột nhạt. Mùi cỏ gừng cay cay. Mùi cỏ mật thoang thoảng, ngòn ngọt. dỏng tai nghe, thấy cả tiếng dế i i gáy dưới lớp đất mỏng giữa búi cỏ. Gió thổi rười rượi. Bầu trời trên cao cong như chiếc bánh đa rắc vừng thưa. Phía sau lưng ông thần nông, con vịt vàng vẫn mải mê, ngụp lặn dưới dòng Ngân Hà. Và đằng kia, chiếc gàu sòng hình như chưa bao giờ nghỉ việc …. Cu Đen miên man …. Mắt nó mải miết dõi theo những ngôi sao chi chít trên cao. Một vì sao đổi ngôi lao nhanh, xiên chéo qua bầu trời kéo theo chiếc đuôi mảnh và dài như một tia sáng nhỏ, lóe lên rồi vụt biến mất. Cả đầm nước im lìm như đang ngủ. Gió vẫn không ngừng mơn man. Gió mềm như bàn tay, nhẹ nhàng, ve vuốt khiến những gọn tóc lòa xòa trước trán cọ vào má cu Đen nhột nhạt. Hai mắt trĩu dần. Bên cạnh, Tùng còi nằm im lặng. Chẳng biết nó đã ngủ hay đang nghĩ gì nữa. Chợt cu Đen giật thót người. Tùng còi đang nằm bỗng ngồi bật dậy. Cái áo vướng vào sợi cỏ gà, nối một đường dài từ trên vai áo xuống mặt đất như dải tơ hồng nhỏ. Mặt Tùng còi nhìn chăm chắm lên bầu trời, buồn xo:

– Ngày u tao còn sống, u tao bảo, con người có linh hồn đấy. Có khi thân xác đã chết, chôn vùi trong đất rồi nhưng linh hồn vẫn bay lượn, dõi theo những người còn sống. Chắc bây giờ u tao cũng chỉ quanh quẩn đâu đây thôi – Giọng Tùng còi mơ hồ khiến cu Đen sởn gai ốc. Cu Đen vòng tay ôm ngang người nó, thủ thỉ:

– Ừ. Có khi u mày cũng biết hai đứa mình hôm nay đi đánh rọ ấy chứ. Thế nào u mày cũng gọi lũ tôm vào đầy rọ cho mà xem.

Nó nói rồi kéo Tùng còi nằm xuống. gió vẫn mơn man trên má như có bàn tay ai vuốt nhẹ. Sóng vỗ bờ, man mác thì thầm như lời ru. Bàn tay cu Đen vô tình chạm má Tùng còi. Những giọt nước mắt âm ấm rịn ra trên má. Tùng còi khóc vụng. Nó nhớ mẹ. chợt nó ngồi phắt dậy như người mê bừng tỉnh, vỗ vai cu Đen:

– Hôm nào, tao với mày đi đánh rọ cá rô. Mùa này, cá rô béo lắm. Nhưng mày có biết cách đánh rọ cá rô thế nào không? – Tùng còi hích cùi tay vào sườn cu Đen.

– Ờ thì chắc cũng như đánh rọ tôm? Cùng là rọ cả, khác gì đâu – Cu Đen qua quýt.

Tùng còi nhổm hẳn dậy:

– Mày đọc nhiều sách mà những thứ này dốt bỏ đời. Đã đành cùng là đánh rọ nhưng tôm cũng giống cá rô à? Mỗi loại một khác bố ạ. Rọ tôm hai ngăn còn rọ cá rô chỉ có một ngăn thôi.

– Thế à? Cũng rách việc gớm nhỉ. Tao lại cứ tưởng …

– Tưởng …. Ra vẻ hiền triết không râu lắm vào … – Tùng còi bĩu môi – Đã không biết lại không chịu hỏi. Này nhé. Lúc mua rọ cá rô về, người ta phải buộc túm thật kỹ trên đầu lại, rồi cắt bớt một nan ở chỗ cái hom đi …

– Sao lại phải cắt? cắt để làm gì? – Cu Đen ngắt lời Tùng còi.

– Mày … – Tùng còi trừng mắt – Cá rô bao giờ chén no cũng tìm cách nhảy tung vọt lên cao. Vì thế đầu rọ phải buộc thật chặt. Còn cắt bớt nan hom là để cho cửa vào của rọ rộng thêm cho cái lũ họ hàng nhà ngạnh sắc ấy nó khỏi nghi ngờ chứ để làm gì. Có thế mà cũng không nghĩ ra.

Nghe Tùng còi lên mặt, cu Đen tức đầy cổ. Nhưng gì thì gì vẫn phải thừa nhận thằng còi này là kho kiến thức về các loại cá ốc ếch, tôm tép …. Không thế mà cả bọn đã chẳng gật đầu khi cu Đen cho nó biệt danh “Ma rái cá”. Lúc nghe tên ấy, Tùng còi gầm lên tuyên bố “phát xít” cu Đen một tuần.

Giảng giải thấm mệt, Tùng còi lăn quay đơ ra cỏ. nó lần tay dứt một nhánh cỏ gừng, rũ rũ mấy cái, bóc lớp vỏ già bên ngoài rồi cho vào miệng nhai ngon lành. Quỳ đầu gối bên cạnh, cu Đen lấp lửng:

– Thế mồi đánh cũng lấy khoai lang luộc qua rồi ngâm nước gạo à? Tôm thích chắc cá cũng thích, mày nhỉ?

– Hứ …! Lấy mồi ấy có mà hỏng bét. Đánh rọ cá rô được nhất lại bằng thóc ngâm nảy mầm. nhất là những hạt thóc giống ngâm mạ bị trẩm ấy. loại ấy mang đánh rọ cá rô có mà tuyệt cú mèo! Không có thì cám rang, gạo rang …. Cũng nhiều cách lắm. mà thôi. Chưa làm, có nói rồi cũng lại quên mất. hôm nào làm, mày khắc biết …. Giờ thì về vét nồi thôi.

Tùng còi quảy quả vác đòn gánh lên vai. Một con cuốc đang chôn chân dưới gốc sen bỗng rúc lên hồi dài gọi bạn. Tùng còi giả giọng cuốc kêu đáp trả. Đôi môi nó chúm lại, tròn vo. Những tiếng “túc… túc” từ miệng Tùng còi đều đều vang ra giống hệt âm thanh của họ hàng nhà cuốc khiến con cuốc già khàn giọng đang nấp sau bụi cây nào đó ngỡ đã tìm được bạn, mừng rỡ túc túc váng cả lên. Cu Đen lủi thủi theo sau Tùng còi. Hai đứa thập thững men theo con đường bên tối, bên sáng về làng.

Cơm xong, hai đứa lọ mọ ra đầm. Lũ đom đóm lập lòe quần dưới bờ mương. Chẳng ngại ngần, Tùng còi cởi phắt chiếc quần đùi vải gụ đã ướt, trải xuống bãi cỏ. Nhìn nó tồng ngồng trần như con nhộng tằm trong nồi kéo kén, cu Đen không nhịn được cười:

– Hí hí …. Người nguyên thủy hiện hình …

– Ối dào. Mày cứ vẽ chuyện. Tao với mày thì khác quái gì nhau. Ai mà chẳng thế. Cởi truồng còn hơn mặc quần ướt, ngứa ngáy, khó chịu bỏ mẹ – Tùng còi tặc lưỡi – Bãi sông, bờ đầm mênh mông đêm tối thế này, có họa ma mới mò ra đây bây giờ. Tao cứ vô tư ngủ, sáng mai thế nào gió cũng hong khô quần cho tao. Mày cũng làm thế đi, mặc quần ướt có khi sinh ghẻ chưa biết chừng. Để tao hái mấy cái lá sen làm đệm.

Tùng còi nhao người xuống nước, ngắt vào một ôm lá sen to tướng. Nó lật úp những tàu sen trên thảm cỏ thành một cái chiếu xanh phớt trắng rồi lăn kềnh ra, nhắm mắt lại. Chỉ một lát sau, tiếng thở đều đều vang lên.

Cả đêm, cu Đen thấp thỏm, ngủ không yên. Đám ếch nhái gọi nhau rền rĩ. Tiếng dế i i hát dưới những búi cỏ thơm nồng. Họ hàng nhà đom đóm vác đèn đi tuần suốt đêm, ánh sáng chập chờn như những đốm ma trơi trong câu chuyện bà ngoại vẫn kể. Cu Đen xoay người, ôm ngang cái mạng sườn lủng củng rặt xương là xương của Tùng còi. Có lúc nó chợp mắt thiếp đi được lại mê man loạn xị. Chen giữa giấc ngủ chập chờn có mùi thơm thoang thoảng của hoa sen, vị ngọt đằm cuống họng của ngó sen và những con rô vàng ươm, béo ngậy với hai hàng vây sắc lẹm dựng ngược, hai cái ngạnh bên mang xòe ra, bụng vàng hườm những trứng đang giãy đành đạch sau đôi mắt kinh ngạc và thán phục của Tùng còi.
Cu Đen giật mình choàng tỉnh bởi tiếng thét thất thanh. Tiếng thét từ phía bờ đê, kéo gần dần. Quờ tay sang bên, không thấy Tùng còi đâu cả. Mắt nhắm mắt mở, cu Đen lao lên. Lờ mờ tối. Trên con đê ngăn giữa bãi ngoài và đồng trong, nổi bật màu đen thẫm của hàng phi lao chắn sóng. Tiếng hét vẫn vọng lại từ phía ấy. Đàn vạc ăn đêm bay về, nhập nhoạng, kêu thảng thốt trên nền trời. Dụi mắt mấy lần, cu Đen mới nhìn thấy một người đang chạy như bị ma đuổi đằng trước. Tim nó thót lại. Không lẽ ma? Trong bọn nó vẫn là đứa nhát tối nhất. nghe tiếng hét giữa đồng không bãi vắng, chân nó không sao cất lên được. Bóng người rõ dần …. Một người đàn bà. Ai như mụ Tiền xóm Trại? mụ này nổi tiếng cả xã bởi cái sự lười và bệnh ăn cắp vặt. Đã thế lại thêm tính chanh chua, chửi người khác như hát hay. Chẳng biết mụ ta buôn bán gì mà ngày nào cũng thủng thẳng đôi quang thúng đi chợ. Người dân xóm Bãi hễ trông thấy mụ Tiền từ xa đã bảo nhau tránh như tránh hủi. Lôi thôi, có khi nghe mụ ta chửi đến mấy đời chưa biết chừng. Vậy mà hôm nay, không biết gặp chuyện gì mà mụ ta hoảng hốt đến vậy?

Mụ Tiến lao sầm sầm qua mặt cu Đen. Đôi quang thúng vẫn đỏng đảnh trên vai mụ thường ngày, quẳng đi đằng nào mất. Đầu tóc mụ Tiền rũ rượi, miệng hét không còn ra hơi, chỉ nghe thấy những tiếng “kíu … kíu” nối nhau thành một chuỗi dài như tiếng kêu của đàn ngỗng nhà ông Quảng ngoài bãi lúc chúng hứng chí đuổi nhau chạy. Không thể nhấc chân lên, cũng không biết cứ mụ Tiền thế nào, cu Đen đành ngồi im. Nó lùi dần, lùi dần rồi thụt xuống sau bụi dứa dại um tùm dưới bờ đầm. Mụ Tiền đã chạy xuống con đường rẽ vào làng. Mái tóc mụ xổ ra, gió thổi hất tung về phía sau khiến nó càng rũ rượi. quái! Có thấy ai hay con vật gì đuổi sau lưng mụ Tiền đâu nhỉ? Cu Đen ngẫm nghĩ! Có khi mụ này nhìn gà hóa cuốc chưa biết chừng. Cu Đen lắc lắc đầu. Thi thoảng, nó cũng có những lúc thần hồn nát thần tính như thế. Nhất là lúc phải đi một mình ban tối. Thế nào cũng có cảm giác đang có ai đuổi sau lưng. Mà lạ lùng, không bỏ chạy thì thôi, hễ càng chạy lại càng bị đuổi gấp. Bỏ gốc dứa dại, cu Đen lên tấm thảm lá sen trên bờ, nằm xuống. Vẫn chưa thấy bóng dáng Tùng còi đâu cả.

Gió ngoài bãi sông về sáng lồng lộng thổi. Tiếng côn trùng vẫn ri rỉ, râm ran. Bãi sông im ắng trở lại. cu Đen định thần dần. không biết Tùng còi đi đâu? Hay lừa lúc cu Đen ngủ say, nó đã lén đi nhấc rọ trước.

Trăng đã bắt đầu nhường sáng cho sao. Mảnh trăng cong như lưỡi liềm nhạt dần, trắng bệch. Rồi sao cũng chỉ còn lác đác. Cái giỏ cu Đen để bên cạnh trước lúc đi ngủ vẫn lăn lóc giữa những búi cỏ. Đang boăn khoăn ngó trước nghiêng sau tìm thì Tùng còi xuất hiện. Từ xa, nó đã ngoác miệng cười, vẻ khoái chí lắm. Mùi bùn tanh tanh bay dần lại chỗ cu Đen. Cả người Tùng còi là một thỏi bùn bắt đầu khô quánh chỉ chừa chỗ nó vẫn mặc cái quần đùi là màu trăng trắng. Để nguyên bùn đất trên người, Tùng còi lăn xuống chiếc chiếu bằng lá sen, cười sằng sặc. Nhìn nó, cu Đen ngỡ ngàng: “Thằng này oách nhỉ? Đang đêm lại mò về nhà thay quần mới. Cái quần đùi gụ nó vẫn phơi trên cỏ từ tối qua, thế mà giờ lại diện quần đùi trắng cơ đấy!”.

Cười chán, Tùng còi ghé miệng sát mặt cu Đen thì thầm:

– Đáng đời quân đạo chích. Từ nay thì đố có dám nữa nhé.

– Cái gì? Mày bảo đáng đời ai?

– Mụ Tiền xóm Trại chứ còn ai? Chịu ăn không chịu làm, đã thế lại đanh đá chua ngoa. Bị mẻ này có mà hãi đến già!

– Mày vừa dọa bà ấy à?

– Ừ. Đáng lẽ tao cũng không biết đâu. Nhưng không hiểu sao đang ngủ say tao lại thấy buồn đi ỉa quá. Chẳng lẽ lại bĩnh ra ngay chỗ này? Tao tặc lưỡi: “Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng” cứ ra hẳn ngoài bãi ngô bên kia để bĩnh ra cho sướng, vừa bón ngô vừa có gió quạt hầu. Thế là tao chạy sang. Chưa kịp giải quyết thì nghe cứ thấy ràn rạt, ràn rạt, rồi tiếng bẻ ngô toanh toách từ ruộng ngô nhà bà Nguyệt. Tao sinh nghi. Không lẽ bà Nguyệt lại đi bẻ ngô sớm thế. Mà mấy hôm nay đã thấy bà ấy chửi mất ngô rồi. Tao dán người xuống đất, men theo luống, bò sang. Phát hiện ra mụ Tiền đang trộm ngô, tao điên người. lần trước, mụ ấy đổ trộm lờ cá ở đăng ông Nhàn bị tao bắt được, thế mà mụ ấy cãi bay cãi biến còn đổ vấy cho tao làm thầy tao đập tao một trận gần chết. Đã thế lần này, tao không cần đến người lớn nữa. Tao bèn ngụp xuống đám bè rau muống trong mương, vốc bùn trát đầy người, trừ chỗ mông này, rồi lấy rễ bèo, rễ rau quàng lên đầu lên cổ, trèo lên cây phi lao trên đê đợi sẵn. mụ ấy bẻ ngô xong, leo lên đê, tao liền lấy chân quặp chặt thân cây, rồi một tay níu cành cây, một tay buông xuống, đầu rũ rượi, cất tiếng rên i ỉ. Người tao đen một màu bùn, chỉ có mông đít là trắng. Tiếng kêu rên khiến bà ấy sững lại, giương mắt nhìn chằm chằm rồi quăng quang thúng bỏ chạy …

Ha ha …! Chưa hết khoái chí vì thành tích mới của mình, Tùng còi lại cong người giãy đành đạch trên chiếc chiếu lá sen. Bùn từ người nó bong ra. Cu Đen cũng không nhịn được vì bộ dạng của nó. Chẳng cứ gì mụ Tiền, lúc đầu chính cu Đen cũng nghĩ Tùng còi mặc quần đùi trắng đấy thôi. Cái thằng! Quái đến thế là cùng.

Cười chán, Tùng còi lao xuống đầm. Nó ngụp lặn thì thụp một hồi rồi ngoi lên, vớ cái quần đùi nâu xỏ chân vào.

– Đổ rọ thôi – Nó vừa nói vừa vung vẩy đôi chân dài ngoẵng, khẳng khiu như chân cò ma đi ra bờ đầm.

Ban mai đến bờ đầm Le nhẹ nhàng như hơi thở. Bình minh mỏng tang. Nắng ngần lên từng vạt nhỏ. Đặt chiếc giỏ xuống đất, hai bàn tay Tùng còi xoa xoa vào nhau xem ra quan trọng lắm. Rồi nó lội phắt xuống. Nước se lạnh, trong vắt tận đáy, nhìn rõ cả đàn cá cờ đang tung tăng lượn lờ giữa đám rong tóc tiên, rong chân chó rập rờn trong làn nước. Nước đầm sáng sớm khiến Tùng còi rùng mình. Nó cẩn thận nhổ que tre buộc một đầu dây rọ nhấc lên. Nước từ sợi dây và chiếc rọ tre róc ra, rơi tong tóc xuống mặt đầm như mưa rào nhỏ.

Lũ tôm tham mồi chắc tưởng hôm ấy tìm được bữa đại tiệc, không ngờ mắc bẫy. những chiếc rọ từ từ rời khỏi mặt nước. họ hàng nhà tôm hốt hoảng búng chân, bật mình tanh tách tìm cách thoát khỏi đám rọ tre đang nằm gọn trên tay Tùng còi. Nghiêng đầu, hé mắt săm soi cái rọ đầu tiên, nụ cười nở nhanh khiến khuôn mặt Tùng còi giãn ra. Cu Đen hồi hộp dõi theo. Tùng còi hớn hở:

– Nảy hom giỏ ra đi.

Cu Đen run run hứng miệng giỏ vào. Những con tôm cong mình, rơi xuống, nằm lặng dưới đáy giở một lát rồi lại bật mình búng lên. Cái giỏ trên tay cu Đen trĩu dần. Những con tôm vẫn lật đật búng mình.

Trời sáng dần! Sao trên trời kéo nhau chơi trốn tìm sau vòm mây màu lửa cháy. Con gà trống trụi thui lùi nhà Tùng còi ồ ồ cất tiếng gáy ngoài đầu nhà. Con gà ấy sáng nào cũng phốc lên cây rơm gần giường Tùng còi, rướn mãi cái cần cổ dài lêu đêu dính lơ thơ mấy sợi lông mà gáy ồ ồ, cứ như trêu tức Tùng còi. Nó đến sát bên cửa sổ, nghiêng đôi mắt như hai hạt đỗ đỏ, giang đôi cánh trụi lủi, vỗ vào mạng sườn bồm bộp, cất giọng giục giã. Có hôm đang ngủ ngon, bị tiếng gà đánh thức, Tùng còi điên tiết, vớ chiếc sào dài đuổi theo con trống trụi chọc lấy chọc để. Nó hoảng hốt chạy văng mạng, miệng kêu quang quác náo loạn cả một khoảng sân. Nhưng hôm nay, nhìn bộ dạng cố tình khoe mẽ của nó bên lũ gà mái dưới cây rơm, Tùng còi và cu Đen không nhịn được cười. Bộ cánh ngắn ngủi, cố xòe mãi vẫn không che được tấm lưng khiến cái lườn của nó cứ phơi ra, đỏ tía. Cái đuôi lất phất mấy sợi lông dài nghêu càng cố vẫy trông càng tức cười. Nó nghiêng đầu, chăm chú theo dõi ông chủ nhỏ. Chắc nó thắc mắc tại sao hôm nay cái ông chủ còi dí dị kia lại xăng xái hăm hở đến thế. Cu Đen lẳng lặng cười một mình. Tùng còi đang với tay tháo quai giỏ, ngoảnh lại thấy nụ cười trên khóe miệng cu Đen, nó nghi ngờ:

– Cười gì đấy?

Cu Đen hất hàm chỉ con trống trụi đang xí xớn lượn lờ quanh bầy gà mái bên chân đống rơm. Tùng còi chặc lưỡi:

– Gà trụi, xấu mã nhưng nhiều thịt. con ấy giờ mà mổ mà cứ gọi là hai ba đĩa tú hụ. nhưng thầy tao bảo phải giữ để làm gà giống …

Có đến hơn một tháng, hai đứa lang thang khắp vùng đồng bãi.
Cuối năm ấy, nhóm trẻ con xóm Bãi thêm thằng Dũng. Năm ấy, bọn Tùng còi mười ba tuổi.

Thằng Dũng về xóm Bãi ngơ ngơ như bò đội nón. Trò gì bọn trẻ chơi nó cũng không biết, chỉ đứng nhìn rồi ngoác miệng cười. đến bơi sông nó cũng chịu. thấy đám trẻ con thì thụp ngụp lặn giữa dòng, thằng Dũng ngồi giữa đống áo quần đám bạn để lại trên bờ, nhìn xuống dòng sông ngàu đỏ, ánh mắt háo hức, thèm thuồng. nhìn chán, nó co hai chân tì cằm lên đầu gối, kê cái đầu bù xù lọt thỏm vào giữa.

– Này Dũng. Xuống đây đi – Khải sứt nổi bập bềnh giữa sông, gọi với lên bờ.

Thằng Dũng lắc đầu.

– Mày muốn là người xóm Bãi thì phải biết bơi chứ? – Tùng còi giục.

– Tao xuống mước toàn chìm thôi. Suýt chết mấy lần rồi, sợ lắm – Thằng Dũng vẫn ngồi yên, xua tay, mặt buồn thiu.

– Nhát như thỏ đế thế thì có mà … Liên sẹo lầm bầm.

– Phải dạy nó tập bơi – Tùng còi tuyên bố.

Thằng Dũng cũng quyết tâm. Đầu tiên phải cho chuồn chuồn cắn rốn đã. Không biết Khải sứt tóm đâu được con chuồn chuồn to bự, đôi mắt lồi như hai hạt đỗ xanh mang đến dứ dứ vào mặt thằng Dũng. Tưởng thằng này sợ, ai dè nó vén phắt hai vạt áo, chìa bụng ra. Ối chao ôi! Chưa bao giờ đám trẻ con xóm Bãi lại nhìn thấy một thằng có cái lỗ rún lạ thế. Không sâu hoắm như rốn bình thường mà lại lồi như quả ớt con giữa bụng. Mắt Khải sứt, Tùng còi mở to, miệng há hốc, suýt nữa buông tay cho con chuồn chuồn ngô bay mất. Rồi hai đứa nhìn nhau. Không biết rốn nó thế này có cho chuồn chuồn cắn được không nhỉ? Thấy Khải sứt chần chừ, thằng Dũng giật phắt con chuồn, ghé cái miệng có cặp răng như hai lưỡi cưa của nó vào cái rốn lồi như quả ớt của mình. Hai hàm răng con chuồn chuồn nghiến chặt. mặt thằng Dũng tái đi nhưng nó vẫn không buông tay. Đến khi Tùng còi kêu: “Được rồi đấy”, thằng Dũng mới thả tay tung con chuồn chuồn ngô lên cao. Con chuồn chuồn ngô loạng choạng vài đường rồi chao cánh bay vào ruộng ngô bên cạnh. Cái rốn lồi như quả ớt của thằng Dũng rơm rớm máu.

– Thôi. Từ nay gọi mày là Dũng lồi – Cu Đen chỉ vào rốn thằng Dũng, khoát tay bảo cả bọn.

– Gọi là cóc khô gì chả được – Dũng lầu bầu.

– Đứa nào trong bọn cũng có thêm tên. Thằng Điển mồm lúc nào cũng nhọn ra là Điển tu huýt. Thằng Khải ngã lộn từ trên đầu trâu xuống, mẻ mất cái răng cửa mới gọi là Khải sứt. Với lại con trâu nhà nó cũng bị đứt sẹo …. Cái Vân tròn xoe là Vân mít …. Còn mày …. Rốn mày thế không gọi là …

– Gọi là cóc khô gì cũng được – Thằng Dũng nhăn nhó.

Cái tên Dũng lồi gắn với thằng Dũng từ hôm ấy.
Sông ngàu lên, đỏ đục. Tiếng đập nước thùm thùm. Bụi nước bắn lên tung tóe. Chân tay Dũng lồi nghều ngào quẫy đạp. Tùng còi nâng đầu, Khải sứt nâng bụng, Dũng lồi vẫn không sao nổi được lên. Cứ buông tay, nó lại chìm nghỉm. Nước sông ộc vào mũi, vào mồm Dũng lồi. Không biết nó đã uống bao nhiêu nước. Dũng lồi ho sặc sụa. Nhưng thằng rốn lồi cũng gan thật. Ho chán, sặc chán, nó lại ngụp xuống, lại vung chân vung tay vùng vẫy. Nhìn Tùng còi với Khải sứt vật vã cho Dũng lồi tập bơi, cu Đen lắc đầu:

– Dũng lồi phải khua tay, đập chân đều cơ. Này. Hay cho nó tập lặn trước? ngày xưa tao cũng tập lặn trước mới biết bơi đấy. Đưa nó vào chỗ nước nông kia kìa. Cứ để nó tự ngụp, chúng mày đứng nhìn thôi. Hai thằng giữ hai đầu thế kia, có khi vướng, bơi thế quái nào được.

– Mày giỏi thì xuống? – Khải sứt cáu, vốc nắm bùn, dứ dứ.

– Ơ. Tao chỉ bảo để nó tập lặn trước thôi mà – Cu Đen cãi.

– Thì tập lặn. dũng lồi, mày vào đây. Bây giờ hít thật sâu, rồi bịt mũi lại, úp mặt xuống nước xem nào. Giữ càng lâu càng tốt.

– Mày mà hít vào thở ra lúc đang lặn, nước ộc vào mũi, chết sặc tao không gánh tội đâu nhá – Tùng còi đế theo.

Dũng lồi y lời Tùng còi. Nó hóp ngực hít thật sâu rồi dùng hai ngón tay bịt chặt mũi, ngụp mặt xuống nước. một lần …. Hai lần … đến lần thứ mười gì đó thì nó ngụp hẳn cái đầu xuống nước rồi ngoi đi một đoạn dài. Tùng còi tưởng Dũng lồi chết đuối chìm xuống đáy sông, hốt hoảng lặn tìm. Vài phút sau, Dũng lồi ngoi lên, vuốt nước ròng ròng trên mặt, cười toe toét.

– Mày, làm tao hết hồn – Tùng còi giơ nắm đấm.

– Tao bơi ngầm – Dũng lồi ngập nước thùm thùm – Tao biết bơi rồi. sướng quá. Biết bơi rồi. Ơ. Ơ ơ…

Dũng lồi vừa quét vừa quẫy. Nó trồi lên, ngụp xuống vùng vẫy giữa dòng như con vịt lần đầu xuống nước.

Vài lần sau, nó tự mình bơi được một đoạn bằng đòn gánh rồi dài hơn. Chỉ một tháng sau, thằng gan lì cóc tía ấy đã theo cả bọn ra ngụp lặn tận ngoài sông Cái.

 

Trương Thị Thương Huyền

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *