“Lời nguyền Lâu Lan” – một tác phẩm xuất sắc và ly kỳ vào hàng bậc nhất trong những tác phẩm của nhà văn viết tiểu thuyết kinh dị được yêu thích nhất tại Trung Quốc Sái Tuấn vừa được phát hành tại Việt Nam.
Suốt bảy năm liền Sái Tuấn đều giữ được kỷ lục tiểu thuyết kinh dị Trung Quốc bán chạy nhất. Anh bắt đầu viết tiểu thuyết năm 22 tuổi, cùng năm đó, anh được nhận “Giải thưởng văn học trẻ Cúp Bertelsman – văn học nhân dân”. Năm 2001, bộ tiểu thuyết trường thiên kinh dị “Vi-rút” ngạo nghễ ra đời, cũng từ đó tác giả không ngừng ngao du trong cõi tâm lý huyền bí, mải mê trong sáng tác. Đã in các bộ tiểu thuyết “Địa ngục tầng thứ 19”, “Mắt Mèo”, “Quán trọ ulinh’, “Chung cư hoang vắng”, “Thần đang nhìn ngươi đấy”…
Truyện mở ra bằng chuyến đi khảo cổ tại một ngôi mộ cổ thuộc hồ La Bố, khu vực Tân Cương. Sau chuyến đi, những thành viên của đội khảo cổ gồm 5 người đã lần lượt bí ẩn “ra đi”, cái chết này nối tiếp cái chết kia. Mà hình như những nạn nhân này đều đã biết trước về cái chết của mình qua một lời nguyền nào đó mà họ đã gặp phải trong quá trình tiến hành khai quật một ngôi mộ cổ thuộc vùng hồ La bố khu vực Tân Cương.
Mỗi người trong bọn họ đều chờ đợi cái chết đến với mình ở một dạng khác nhau. Trước những ra đi lần lượt và không tránh khỏi của những thành viên trong đội khảo cổ của mình – những người đã tận mắt được đọc “Lời nguyền” trong ngôi mộ cổ, viện trưởng Văn Hiếu Cổ cuối cùng cũng đã tự tìm cho mình một cái chết bên cạnhxác ướp do chính đội khảo cổ mang về và đặt tên là“Mỹ nữ Lâu Lan”. Anh cảnh sát Diệp Tiêu tiếp nhận vụ án, triển khai điều tra, và vô tình vén được bí mật đã cất giấu hàng ngàn năm. Lời nguyền cổ xưa và vĩnh cửu không chỉ làm cho cả một thành phố bị tiêu vong, mà còn thay đổi vận mệnh của biết bao con người…
Tác giả Sái Tuấn là một kỳ tài, dựa vào trí tưởng tượng phi thường và tư duy logic chặt chẽ nghiêm ngặt, đã nỗ lực sáng tạo nên thể loại “tiểu thuyết kinh dị” của riêng đất nước Trung Quốc. Tiểu thuyết kinh dị của Sái Tuấn đã giải phẫu phân tích sâu sắc sự giao thoa giữa lịch sử và thực tế, giữa tình yêu và sự kinh dị, giữa huyền hoặc và suy diễn, mà vẫn thấm đậm chất nhân văn xuyên suốt Đông Tây, tìm tòi những mệnh đề sâu xa bên ngoài sự kinh hãi, thể hiện một năng lực tiềm tàng theo kịp những bậc thầy như Stephen King, Anfred Hitcoke.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim lại chọn “Lời nguyền Lâu Lan” trong hàng chục tác phẩm kinh dị nổi tiếng của Sái Tuấn để dựng thành phim truyền hình với tên gọi “Đoạn hồn Lâu Lan”.
Thu Phạm