Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Kết nạp hội viên Hội nhà văn – Chuyện dài kỳ

Kết nạp hội viên Hội nhà văn – Chuyện dài kỳ

Thử nhìn lại, trong hơn 550 lá đơn xin gia nhập đang nằm ở Hội, người nhiều nhất có tới 7 – 8 cuốn sách đã in, nhưng liệu có mấy người thực sự thành công với ngòi bút của mình? Một số nhà văn cho rằng không vào Hội cũng không sao, không “đàn đúm” được với ai thì họ vẫn viết, bởi đối với sự sáng tạo thì quan trọng nhất là những gì người viết để lại cho công chúng và nền văn học chứ không phải một tấm thẻ.

Ngày 20/10, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam họp mở rộng các hội đồng chuyên ngành và cơ quan cấp hai, trong đó có bàn việc giải thưởng văn học hàng năm và xét kết nạp hội viên mới năm 2009.

Cho đến hiện tại, đang có tới hơn 550 hồ sơ xin vào Hội, vì thế, việc xét kết nạp hội viên lại trở thành chủ đề nóng trong mọi cuộc bàn luận của giới văn nghệ.

Nhìn vào số lượng mà nói thì thật sự đáng mừng cho một hội nghề nghiệp. Có 224 tác giả thơ, 190 tác giả văn, 33 tác giả lý luận phê bình, 22 dịch giả, 32 hồ sơ gửi qua Ban Văn học Dân tộc và miền núi, 28 hồ sơ gửi qua Ban Văn học Thiếu nhi và 27 hồ sơ qua Ban Văn học An ninh Quốc phòng.

Điều đó chứng tỏ người viết Việt Nam vẫn coi trọng cái danh Hội Nhà văn. Tuy nhiên, cứ mỗi kỳ kết nạp xong, Hội lại bị khá nhiều “điều ong tiếng ve” bởi chỉ riêng chuyện cân nhắc trong cái danh sách dài dằng dặc đó, chọn ra lấy mấy chục người (1/10, hay 1/15 chẳng hạn) đã là cả một vấn đề đau đầu nhức óc. Ai xứng đáng ai không? Tại sao lại không xứng đáng? Người nào làng nhàng nhưng “vì quen thân” mà đã được kết nạp? Gương mặt nào thực sự có tác phẩm gây dấu ấn mà lại bị “bỏ quên”?

 

Poster quảng bá Hội thảo Thơ 360 độ và cũng là bìa tập thơ mới của những người viết trẻ.

Những năm trước, đã có thành viên Hội đồng lên tiếng phản ứng về việc hội đồng không họp, chỉ bỏ phiếu qua điện thoại cho… hết nhiệm vụ, khi “được họp” thì kết quả cuối cùng lại không như bình chọn. Một số người đạt phiếu quá bán khi ở hội đồng nhưng cuối cùng vẫn không được kết nạp. Còn vài tên tuổi khác, như Vi Thùy Linh (sinh năm 1980), bị hội đồng thống nhất gạt ra thì lại có tên trên “bảng vàng” với số phiếu cao. Còn chưa biết sự thực đằng sau những tấm phiếu là gì, nhưng chuyện văn chương cũng rất khó nói khi mà vốn dĩ văn học đã bị “đóng đinh” trên cái giá “văn mình vợ người”.

Hồ sơ của những người viết chưa được kết nạp vào Hội sẽ chuyển lại cho các kỳ sau, cộng thêm với số đăng ký mới, lại tiếp tục trở thành “gánh nặng” khó cõng qua những năm tháng dài cho hội đồng xét duyệt.

Điểm qua danh sách hồ sơ hiện tại, người già nhất là tác giả của tiểu thuyết “X30 phá lưới – Đặng Thanh – sinh năm 1917 (92 tuổi), tiếp theo là mấy cây bút lão thành ở tuổi 82; người trẻ nhất sinh năm 1972 (37 tuổi). Trong số hơn 550 cái tên này, có thể có một số người đã đi xa mãi mãi mà không được nhìn thấy tấm thẻ hội viên. Đa phần còn lại là các gương mặt xấp xỉ từ 55 đến… 75.

Năm 2006, khi Trường Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (mới) đào tạo ngắn hạn cho các cây bút, do Hội Nhà văn tổ chức, khai trương khóa học đầu tiên và duy nhất, nhiều “học sinh” đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Mới đây, khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình Văn học (Đại học Văn hóa) – Trường Viết văn Nguyễn Du (cũ) – chiêu sinh năm 2009 “ế ẩm” đến mức chỉ vẻn vẹn có 30 hồ sơ, ban giám hiệu đành phải quyết định xét tuyển nguyện vọng hai để có thêm người học, cũng khiến nhiều bậc phụ huynh phải lên tiếng phàn nàn về cung cách đào tạo “nhân tài”.

Thử nhìn lại, trong hơn 550 lá đơn xin gia nhập đang nằm ở Hội, người nhiều nhất có tới 7 – 8 cuốn sách đã in, nhưng liệu có mấy người thực sự thành công với ngòi bút của mình?

Một số nhà văn cho rằng không vào Hội cũng không sao, không “đàn đúm” được với ai thì họ vẫn viết, bởi đối với sự sáng tạo thì quan trọng nhất là những gì người viết để lại cho công chúng và nền văn học chứ không phải một tấm thẻ.

Tuy nhiên, với một số người danh vị vẫn là câu chuyện quan trọng vào bậc nhất, không phải hội viên, dù có viết lách mà “được” gọi là nhà văn cũng thấy… ngượng. Hơn nữa, không xét thì thôi, đã xét thì phải công bằng ở mức tương đối. Có như thế, những người viết trẻ sau khi “thăm thú” chốn văn chương mới có đủ lòng tin để ở lại và bền bỉ xây dựng cho mình một ngôi nhà văn chương, ngõ hầu đóng góp cái độc đáo cá nhân làm đẹp và sôi động thêm “làng văn” Việt.

Hòa Bình

Theo vietnamnet

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *