Tháng bảy, những cơn bão cứ nối tiếp kéo nhau về. Hai gian nhà lá lại oằn mình, gồng gánh cuồng phong. Từ hôm trước, bố đã phải dùng dây níu bốn góc nhà lại. Nhưng khi bão về, nóc vẫn chung chiêng như muốn bật ngửa. Nước cũng từng dòng từ trên không hối hả trút lên mái lá đã rệu rữa bao mùa. Lớp lá nọ đụp lên lớp lá kia, mái dày cả gang nhưng nước vẫn thấm qua, ròng ròng chảy như máng xối. Mẹ vội giật tấm bạt che bên giường mình, căng tiếp lên lớp bạt cũ bên giường các con, để nước róc về một phía. Thằng Út ngồi trên giường, hí hửng đưa đôi tay vẹo vọ ra hứng những dòng nước nhờ nhợ màu đất. Nó khù khờ nên đâu nghe được tiếng thở của mẹ cha đang nén thườn thượt thả dài.
Gió vẫn vần vũ liên hồi. Những ngọn tre bị gió víu sát rạt xuống mặt đất, quẹt đi quẹt lại bên hông nhà. Những mảng tường bằng đất theo đó cũng bục ra, nước bên ngoài xối vào trong. Bố vội ra vườn, mò mẫm trong nước xúc từng xẻng đất đổ đầy bao rồi hì hục cùng mẹ khiêng vào đắp lên chỗ bục. Xong xuôi, mẹ lại lom khom tát nước ra ngoài để lũ con thơ đi lại trong nhà không bị trượt ngã. Út lại khoái chí vỗ hai cùi tay vào nhau: “A, mẹ tát ao bắt cá…”. Mẹ ngẩng lên nhìn, lòng buồn xo không biết nói gì. Bố thì ngồi tựa đầu vào cột nhà đốt thuốc. Làn khói mỏng dật dờ trước mặt khiến bố thêm nao lòng nhớ về thời chiến qua đi với những vết thương còn hiển hiện trên cơ thể gầy còm của Út. Những cơn bão đang cuộn nổi từ tâm…
Rồi trận bão cũng tan trong những tiếng ta thán của mọi người. Cả nhà đã qua được hai ngày bão gió mà không phải “di cư” như mọi năm. Hai gian nhà vẫn kiên cường trụ vững. Mái không bị lật nhưng có một vài chỗ, lá đã bị gió tốc ngược lên, nên khi nắng chiếu qua, thằng Út đã tí toét chỉ tay: “Bố ơi, mặt trời mọc ở mái nhà mình kìa”. Lòng đắng đót, bố chỉ biết gượng cười nhìn theo ngón tay cong queo của Út.
Rồi mẹ cặm cụi vuốt lá đưa lên mái cho bố dặm lại nóc nhà và nhào rơm với bùn để trét lại vách. Những tưởng mái lá sẽ ổn yên qua được hết mùa bão năm này. Nhưng đến trận bão ngay sau đó mười ngày, với sức giật trên cấp mười hai, những kèo, những cột vặn răng rắc đến rợn người rồi sau đó toàn bộ mái bị hất tung sang vườn nhà hàng xóm. Bố ôm vội hai con chạy ra ngoài để sang nhà ông bà nội trú bão. Nhưng hàng cây mây chạy dài gần cả trăm mét đã bị gió quật đổ rạp ra ngõ, choáng hết lối đi nên bố mẹ đành bì bõm lội nước quay về lách bụi tre bên hông nhà. Hai anh em đứng một chỗ ôm nhau, Út lạnh quá không chịu được nên nhè miệng khóc. Còn bố mẹ đánh vật với gió mưa, người níu người giật lôi từng cây tre sang một bên tạo khoảng trống. Mười lăm rồi hai mươi phút trôi đi, khi tay bố, tay mẹ đã tứa máu thì một lỗ hổng vừa đủ rộng để chui qua cũng hình thành. Mẹ bên kia đỡ con dại bên này từ tay bố chuyền qua. Gió táp, bụi tre rạt sang một bên khiến bố phải nhoài người lên ôm chặt thân con. Mẹ bị dúi chúi xuống sát mặt nước nhưng vẫn cố khom lưng để Út không bị thêm những vết xước. Rồi cả nhà cũng di tản sang nhà ông nội an toàn. Mẹ đứng bên này nhìn về chóp khung nhà cũ, mắt xè cay… Bố lại ngồi đốt thuốc, im lặng.
Và cơn bão cũng qua đi sau khi để lại những hoang tàn trong hai gian nhà bé nhỏ. Anh trai từ thành phố về, bồng thằng Út trên tay, anh ngơ ngác đứng nhìn. Giọng mẹ như khản đặc: “Con xin cô giáo khất học phí kì này được không? Mẹ sửa lại mái nhà cho vững, chứ đụp tạm bợ vài ba lẹp lá khô, bão về lại tan tác nữa…”. Anh trấn an: “Sốt ruột nên con về coi bão gió nhà mình thế nào, con vừa học vừa làm thêm nên có tiền đóng rồi. Mẹ cứ để dành tiền lo cho em Ba học và tiền thuốc cho thằng Út này đi”. Mẹ ậm ừ rồi bước vào nhà. Thằng Út thì vẫn tí toét mân mê viên kẹo trong lòng tay mà không hay biết có người vừa mới quệt nước mắt quay đi.
****
Đấy là mùa bão mà cha mẹ tôi vất vả nhất để chống chọi. Những năm sau, bão ùa về, kèo cột vẫn giật rung nhưng mái lá vẫn bình yên không bị tốc xoáy trơ khung. Còn giờ đây, anh em tôi đã khôn lớn trưởng thành, kinh tế khá giả hơn nên mẹ cha không còn âu lo khi bão trở mình ùa tới. Duy chỉ có Út sau bao năm đớn đau với bệnh tật đã ra đi mãi mãi mà không được chứng kiến những đổi thay. Nhưng chắc ở nơi xa, nó cũng sẽ vui lòng và cưới híp mí khi dõi mắt nhìn về ngôi nhà cũ- nơi mà nó đã có những suy nghĩ hồn nhiên ngay cả khi nước mắt ở đâu đó đang chảy dài. Bình yên đã không chỉ còn là giấc mơ trong mùa bão nổi…
Phạm Tử Văn