Có thể không ngần ngại để nói: sáng tạo mang tính phổ biến nhất của nhân loại là nước uống lên men. Rượu và vị thần rượu có mặt không chỉ trong thần thoại của nhiều tộc người từ Đông sang Tây, mà trong tín ngưỡng – phong tục đó là nhu cầu, là chất xúc tác không thể thiếu trong môi trường và không gian tiếp xúc với thần linh, với giới vô hình lẫn hữu hình mà chúng ta thường hay gọi là “vô tửu bất thành lễ”.
Với người Thái, uống rượu không thể thiếu trong sinh hoạt, lễ hội, cưới xin.
Hòa trong rượu là tình người, tình yêu đôi lứa, tình yêu bản mường. Khách đến nhà phải có mâm cơm, chén rượu; cúng lễ, cưới xin, lên nhà mới… là có rượu nâng, rượu mời.
1. Uống rượu khi có người thân, bạn hữu đến thăm nhà:
Khách đến thăm bất cứ lúc nào, cho dù ban đêm cũng phải có mâm cơm, chén rượu. Nhà nghèo chỉ cần có rau, dăm cái măng đắng, một cặp cá nướng nho nhỏ, một “thuổi chéo” (bát nước chấm) là đã lên mâm, nên bữa.
Nhưng phần lớn khách đến nhà là chủ mổ gà, mổ vịt. Có khi cả lợn. Nếu mổ gà, vịt, khi bày mâm, phải để nguyên đôi chân, 2 cái đùi và cái đầu, bày riêng ra 1 đĩa, với mục đích: trình khách biết và nói lên ý nghĩa “khách đến chủ nhà mổ gà, vịt để thết đãi”.
Người Thái đen có câu “Pay xấu kin pa, xấu má kin cáy” (mình đi nhà người ăn cá, người về nhà mình ăn gà) là như vậy.
Khi có khách đến nhà uống rượu, không bao giờ gia chủ bỏ quên 2 người hàng xóm. Một nhà bên phải, một nhà bên trái. Cũng không cần mời chào cầu kỳ. Sau khi dọn xong mâm rượu, chỉ cần “ới ới” mấy tiếng là hai người hàng xóm đã có mặt. Có thể họ chỉ đến không, cũng có thể họ mang theo chai rượu ngon sang cùng uống. Đã vào mâm là phong thái đĩnh đạc, không tính thời gian. Có thể là một ngày, một đêm, cũng có thể lâu hơn. Khách uống được nhiều càng tốt, say nhiều càng vui. Vì thế mới thể hiện là khách mến chủ, chủ quý khách.
Trên mâm rượu mời khách, thường để hai cái chén không. Trước khi uống, người khách cầm chén rượu của mình tự rót vào 2 chén đó mỗi chén một chút, sau đó dùng ngón tay út của bàn tay phải chấm và chén rượu của mình búng về phía sau vai bên phải, rồi chấm tiếp giọt thứ 2 búng qua vai bên trái, tỏ ý: tôn kính tổ tiên. Nếu ở xa 2 chén đó, thì khẽ nghiêng chén rượu của mình để nhỏ chút rượu xuống sàn nhà, đó cũng là dấu hiệu của sự tôn kính ý nghĩa kia.
Khi uống, chén thứ nhất và chén thứ hai, bắt buộc khách phải uống cạn, với ý nghĩa: khách đi đường xa đến thăm, đôi chân mỏi mệt phải uống hai chén liền cho đôi chân khỏe lại.
Lúc khách ngồi uống rượu thì vợ hoặc con gái chủ nhà phải ngồi ở gần bếp để lấy rượu, làm thêm thức ăn hoặc hâm nóng thức ăn. Gọi là “châự lẩu” (giúp mâm rượu được chu đáo), họ coi đó là là điều tự hào. Chừng mâm rượu gần xong mới đi trải đệm, khuôn chăn, lấy gối, buông màn chuẩn bị cho khách ngủ. Người phụ nữ Thái không quên chuẩn bị một chậu nước ấm có mấy lát chanh và chiếc khăn để khách rửa tay, lau miệng sau khi ăn xong. Người con trai lớn hoặc con rể được ngồi cùng mâm để giót rượu thay người mẹ.
Khi uống ngà ngà say là “khắp” (hát). Có rượu là có hát, hát để chúc tụng sức khoẻ, hạnh phúc ăn nên làm ra, khen ngợi lòng mến khách, khen bà chủ giỏi giang. Thông thường thì khách hát trước, sau thì chủ hát đáp lại. Đêm càng khuya, tình cảm khách chủ càng thắm thiết, bện lại với nhau.
Nếu khách là người dân tộc khác từ nơi xa đến thì tình cảm càng gắn bó đặc biệt. Vừa uống, chủ nhà vừa hỏi han sức khoẻ, công tác, hoàn cảnh gia đình, rồi gia chủ mượn những câu chuyện tâm tình đó để mời khách uống rượu một cách cực kỳ khéo léo, gần như ép khách phải uống. VD: Hai chân, hai tay hai chén; 10 đầu ngón chân, 10 đầu ngón tay 10 chén. Lại nữa, khách có bao nhiêu người ruột thịt trong gia đình thì phải uống thay bấy nhiêu chén, chén gửi cho cha, cho mẹ, cho vợ, cho con… cho cả người yêu nữa…
Rượu và thời gian uống hiện nay đã giảm, nhưng tình cảm và lòng mến khách, quý khách của người Thái vẫn mãi vẹn nguyên.
2. Uống rượu lên nhà mới:
Người Thái thường làm nhà, lên nhà mới sau mùa gặt chính (khoảng tháng 11 dương lịch). Đó là mùa khô hanh, có nhiều thuận lợi. Trong bản có gia đình lên nhà mới là bà con trong bản và các bản khác đến cùng vui, uống rượu và xòe hát chúc mừng. Gia chủ phải có lời mời trước, tốp đi mời thường có 3 người đều là nữ
: một người luống tuổi, nói năng hoạt bát, có bài bản hẳn hoi. hai thanh nữ chưa có chồng đi theo.
Sau khi lên nhà thì tốp đi mời ngồi đối diện, thường là ở gần bếp đun trên sàn, Người đại diện tốp đi mời dùng bàn tay phải, gần như che miệng rồi mới mời theo vần điệu gần như một bài hát. Đợi khi gia chủ nhận lời cảm ơn rồi mới xin phép đi mời nhà khác.
Uống rượu lên nhà mời, đám cưới, đám cúng không phân biệt đàn ông, đàn bà, lứa tuổi. Ai đi được là đi, ai đến được là đến. Bà con đến không chỉ để uống rượu mà còn để thưởng thức văn hóa. Mâm rượu tập thể, không phân ra 4 người, 6 người. Thông thường là dùng gỗ ván xẻ đặt dọc nối tiếp theo chiều nhà. Người ít thì một dãy, người nhiều thì 2 dãy. Mặt trên trải lá chuối rừng để bày thức ăn như: thịt luộc, thịt xào, măng, xôi, rau sống…
Người uống rượu ngồi dọc theo hai dãy bàn. Bên giáp vách nhà còn được trải một lớp đệm giành cho những người khách cao tuổi. Các cụ bà và con gái ngồi “tắng” (ghế mây thấp) về một phía.
Trong lúc mọi người đung uống thì nam nữ thanh niên đánh trống, xoè, hát ở phía cửa “tang quản” (cửa dành cho tiếp khách lên nhà). Ông chủ nhà buộc phải ngồi chỗ trung tâm mâm rượu và tất nhiên chỉ uống mức độ để còn tỉnh táo lắng nghe, cảm nhận những lời chúc tốt lành của khách.
Nhịp trống, nhịp xòe làm cho ngôi nhà như có khí thiêng, chuyển động rùng rùng; tâm hồn con người như bay bổng. Hai bài hát thông lệ mở đầu là “khắp khả khấu hồn” và “khắp xắp hính”, ý nghĩa của hai bài này là xua đuổi hết khí độc, ma tà cho không khí ngôi nhà được trong lành, chủ nhà ăn nên làm ra, vui tươi khỏe mạnh suốt đời.
Tiệc rượu trong ngôi nhà mới cứ cuốn hút mọi người, tâm hồn sảng khoái, chia vui với gia chủ. Mỗi đám lên nhà mới trước đây thường kéo dài 3 ngày 3 đêm, tốn kém của cải. Nay đã giảm đi rất nhiều, thường chỉ một bữa và cscs gia đình đến uống rượu có những đóng góp nho nhỏ để giảm thiểu những tốn kém cho gia chủ.
3. Uống rượu trong đám cưới:
Đám cưới có thể là hai hình thức đón dâu và đón rể. Được gọi gộp là “xú phau, xú mía”. Rượu trong đám cưới là rượu đông vui nhất để mừng hạnh phúc cho lứa đôi. Cưới to hay cưới nhỏ là tùy thuộc hoàn cảnh của 2 gia đình. Nhà nghèo thì mổ gà, mổ lợn. Nhà có thì mổ trâu, mổ bò và các loại đặc sản do nhà trai lo liệu.
Cách mời và bài trí cũng như lên nhà mới. Sau khi cúng ông bà, tổ tiên xong thì mọi người ngồi vào mâm rượu. Người chủ đứng giữa nhà, chắp hai tay trước ngực mời mọi người nâng chén chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể, cho gia đình họ hàng nội ngoại đôi bên. Tiếng Thái gọi là “quám cáo pông hặc pông chaư” (chén rượu đầu tiên gia chủ mời, bắt buộc phải uống cạn). Uống xong phải dơ chén dốc ngược xuống, nếu còn giọt rượu rỏ xuống mâm thì người đó bị phạt uống 1 hoặc 2 chén tiếp.
Tiệc rượu diễn ra chừng 2 đến 3 giờ. Cô dâu, chsu rể mới xuất hiện. Cô dâu đi trước hai tay bưng một cái “hổ” (loại đĩa đan bằng mây hoặc tre có hình vuông). Trên “hổ” bày hơn chục chén rượu đầy. Chú rể theo sau, tay cầm 1, 2 chai rượu đi mời khách. Trước hết là mời các già bản, các ông mối, bà mối, các cha mẹ, đến mời người nào thì cả cô dâu và chú rể đều phải quỳ xuống nâng “hổ” lên. “Lẩu phậu, lẩu khơi” (rượu dâu, rượu rể) nên bắt buộc người được mời phải uống cạn.
Sau đó thì mừng lại cô dâu chú rể, có thể bằng tiền hoặc những vật quý. Nhưng chỉ ít thôi. Tiền ngày xưa là 1, 2 đồng. Nay là 5, 10, 20 nghìn. Tất cả đều do lòng hảo tâm của khách, không có phong bì bỏ túi sẵn.
Khi tâm hồn mọi người đã bay bổng trong hơi men, tiệc rượu chuyển sang vừa uống vừa hát. Đây được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong lễ cưới. Nội dung các bài hát cưới được tập trung kể về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ “tản hặc, tản chaư”. Sau mỗi bài hát, mọi người lại nâng chén uống cạn chúc mừng. Cô dâu chú rể cũng nhận được những lời hát chúc mừng vừa có tính giáo dục, căn dặn trách nhiệm của lứa đôi.
Chẳng hạn, giáo dục chú rể “mạy cha xin cốc, túc pa khẻ, pa tộc pói nong” (chặt cây sấu, cây sâng sát cội; đánh bắt chiên, bắt cá thả ao). Cô dâu thường được nghe hát bào “ón é” (bé thơ) kể lại từ khi mẹ thèm của chua đến 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng thành người. Đi làm dâu phải chịu thương chịu khó “pú phắc chí chăm co; pu hom chí chăn cản” (trồng rau phải mập cây, trồng hành phải mượt lá).
Sau mỗi giai đoạn hát mừng, lại có hình thức vui khác để mời và thách đố nhau uống rượu. Có tục “kin lẩu pín buống” (uống rượu quay thìa). Mâm rượu được chia thành nhiều tốp: 6 người, 8 người một tốp. Cái thìa được đặt lên đĩa. Một người cầm cái đũa đánh mạnh vào cán thìa, chiếc thìa quay tít, khi dừng lại, cán thìa chỉ vào ai thì người đó phải uống; có thể uống 1, hoặc 2 chén tùy theo quy ước. Uống cạn rượu, mọi người vỗ tay chúc mừng.
Dụng cụ uống rất đa dạng. Thông thường là bằng chén hoa hồng, chén loại nhỏ gọi là “chén mắt trâu”. Có nơi lại uống bằng “thuổi choóng” (bát ăn cơm). Dù chén hay bát đều phải rót đầy và phải uống cạn như quy ước.
Đám cưới có thể là hai hình thức đón dâu và đón rể. Được gọi gộp là “xú phau, xú mía”. Rượu trong đám cưới là rượu đông vui nhất để mừng hạnh phúc cho lứa đôi. Cưới to hay cưới nhỏ là tùy thuộc hoàn cảnh của 2 gia đình. Nhà nghèo thì mổ gà, mổ lợn. Nhà có thì mổ trâu, mổ bò và các loại đặc sản do nhà trai lo liệu.
Cách mời và bài trí cũng như lên nhà mới. Sau khi cúng ông bà, tổ tiên xong thì mọi người ngồi vào mâm rượu. Người chủ đứng giữa nhà, chắp hai tay trước ngực mời mọi người nâng chén chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể, cho gia đình họ hàng nội ngoại đôi bên. Tiếng Thái gọi là “quám cáo pông hặc pông chaư” (chén rượu đầu tiên gia chủ mời, bắt buộc phải uống cạn). Uống xong phải dơ chén dốc ngược xuống, nếu còn giọt rượu rỏ xuống mâm thì người đó bị phạt uống 1 hoặc 2 chén tiếp.
Tiệc rượu diễn ra chừng 2 đến 3 giờ. Cô dâu, chsu rể mới xuất hiện. Cô dâu đi trước hai tay bưng một cái “hổ” (loại đĩa đan bằng mây hoặc tre có hình vuông). Trên “hổ” bày hơn chục chén rượu đầy. Chú rể theo sau, tay cầm 1, 2 chai rượu đi mời khách. Trước hết là mời các già bản, các ông mối, bà mối, các cha mẹ, đến mời người nào thì cả cô dâu và chú rể đều phải quỳ xuống nâng “hổ” lên. “Lẩu phậu, lẩu khơi” (rượu dâu, rượu rể) nên bắt buộc người được mời phải uống cạn.
Sau đó thì mừng lại cô dâu chú rể, có thể bằng tiền hoặc những vật quý. Nhưng chỉ ít thôi. Tiền ngày xưa là 1, 2 đồng. Nay là 5, 10, 20 nghìn. Tất cả đều do lòng hảo tâm của khách, không có phong bì bỏ túi sẵn.
Khi tâm hồn mọi người đã bay bổng trong hơi men, tiệc rượu chuyển sang vừa uống vừa hát. Đây được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong lễ cưới. Nội dung các bài hát cưới được tập trung kể về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ “tản hặc, tản chaư”. Sau mỗi bài hát, mọi người lại nâng chén uống cạn chúc mừng. Cô dâu chú rể cũng nhận được những lời hát chúc mừng vừa có tính giáo dục, căn dặn trách nhiệm của lứa đôi.
Chẳng hạn, giáo dục chú rể “mạy cha xin cốc, túc pa khẻ, pa tộc pói nong” (chặt cây sấu, cây sâng sát cội; đánh bắt chiên, bắt cá thả ao). Cô dâu thường được nghe hát bào “ón é” (bé thơ) kể lại từ khi mẹ thèm của chua đến 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng thành người. Đi làm dâu phải chịu thương chịu khó “pú phắc chí chăm co; pu hom chí chăn cản” (trồng rau phải mập cây, trồng hành phải mượt lá).
Sau mỗi giai đoạn hát mừng, lại có hình thức vui khác để mời và thách đố nhau uống rượu. Có tục “kin lẩu pín buống” (uống rượu quay thìa). Mâm rượu được chia thành nhiều tốp: 6 người, 8 người một tốp. Cái thìa được đặt lên đĩa. Một người cầm cái đũa đánh mạnh vào cán thìa, chiếc thìa quay tít, khi dừng lại, cán thìa chỉ vào ai thì người đó phải uống; có thể uống 1, hoặc 2 chén tùy theo quy ước. Uống cạn rượu, mọi người vỗ tay chúc mừng.
Dụng cụ uống rất đa dạng. Thông thường là bằng chén hoa hồng, chén loại nhỏ gọi là “chén mắt trâu”. Có nơi lại uống bằng “thuổi choóng” (bát ăn cơm). Dù chén hay bát đều phải rót đầy và phải uống cạn như quy ước.
4. Uống rượu trong cúng lễ, ma chay:
Phong tục người Thái hàng năm có cúng bản (xên bản), cúng nhà (xên hươn), cúng cho người ốm khỏi bệnh (xên phắn bẻ, xên một lao…)… Mỗi cuộc đều có hai phần: Phần một do ông “mo” (thầy cúng” đảm trách, phần còn lại là uống rượu, hát vui…
Trong tiệc, khi mọi người đã ngà ngà say thì “lẩu mo” (rượu của thầy cúng) mới được đem ra mời. “Lẩu mo” thực chất không phải rượu do thầy cúng mang đến mà là rượu đặc sắc của gia chủ mời được chưng cất rất kỳ công và chỉ dành cho cúng tế, được nấu bằng nếp tan, thơm; men lá rừng rất khó kiếm. Rượu chỉ lấy trong lần đầu tiên, rồi lại nấu lại lần hai. Nên nhiều người gọi “lẩu mo” là “lẩu xoong siêu” (rượu nấu hai lần). Rượu có nồng độ nặng nên không uống được nhiều, nên còn được gọi một cái tên khác “lẩu cang có” (rượu uống vào cứ ngang cổ họng).
Tập quán người Thái: uống rượu là phải say. Người uống được nhiều cũng say và người uống được ít cũng phải say, ai không say là thiếu thiện chí, thiếu nhiệt tình. Nếu chưa say và muốn dừng ở đó thì đứng lên, chắp hai tay trước ngực rồi nâng đôi đũa ngang mặt xin phép tạm nghỉ. Người say có thể nghỉ tại chỗ, tỉnh lại uống tiếp. Người say được đối xử lịch thiệp và chăm sóc chu đáo, không bao giờ to tiếng hoặc nói xằng bậy, chỉ có vui và hát. Gia chủ luôn là người trải đệm, xếp chăn, gối và buông màn cho người say nằm nghỉ. Với khách xa, khách quý còn được 2 cô gái ngồi hai bên quạt mát. Có khi còn được các cô gái ép thêm vài chén nữa mới được nghỉ yên thân.
Khách ở bản xa đến, gia chủ có trách nhiệm cõng, dìu hoặc đưa về nhà. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện hài: Có chàng rể cõng bố vợ về nhà, đi qua suối trượt chân, bố vợ rơi xuống nước, chàng rể lo lắng. Loay hoay mãi mới vực được bố vợ lên và đi tiếp. Đến nhà mọi người lại rất vui vẻ khen ngợi người say và người đã có công: Thế mới gọi là đi uống rượu chứ!
Uống rượu cần, nét văn hóa của người Thái
Trong tiếng Thái, rượu cần được gọi là ”lẩu xá” để phân biệt với ”lẩu siêu” là rượu đã qua chưng cất. Nói đến rượu cần, trước hết phải nói đến men và quy trình làm men. Cũng như ở các dân tộc khác, đồng bào Thái dùng men lá để ủ rượu. Đây là loại men được làm từ bột gạo trộn với nước cốt của các loại củ, rễ, lá rừng như củ giềng, đọt móc, lá chua me, lá me đất, lá và rễ cây ớt chỉ thiên v.v..
Trước đây người Thái thường dùng gạo để làm rượu cần, gạo vừa có nồng độ cao vừa thơm ngon. Song ủ rượu bằng gạo vừa lãng phí, nhất là trong điều kiện năng suất lúa truyền thống lại không cao. Sau này người ta sử dụng sắn làm nguyên liệu thay thế. Khi cho sắn được hâm chín đã trộn men vào ủ trong vò đất nung bao giờ đồng bào cũng trộn thêm vào đó một lượng vỏ trấu nhất định. Vỏ trấu tạo nên các khoảng rỗng xốp khiến sắn ngậm men không bị đông cứng và do đó quá trình lên men của sắn diễn ra tốt hơn. Mặt khác rượu được trộn vỏ trấu-nhất là trấu lúa mới-khi uống ta cảm nhận được rõ mùi vị của thóc.Rượu ủ từ 3 tuần hay một tháng trở lên là có thể đem ra uống được. Khi uống, người ta chế nước vào đầy vò, sau đó cứ uống cạn tới đâu lại tiếp thêm nước tới đó.
Làm men, ủ rượu là phần việc của những người phụ nữ trong gia đình. Các kiến thức về chuyện này được thế hệ sau tiếp nhận từ kinh nghiệm của các lớp người đi trước, hoàn toàn không có công thức cố định, rõ ràng. Vì thế, xét đến cùng thì chất lượng của vò rượu phụ thuộc rất lớn vào sự nhạy cảm và đôi bàn tay khéo léo của những người làm ra nó.
Rượu cần thường không được uống trong các bữa ăn. Bản thân một bữa rượu cần đã được coi là một bữa tiệc, một đám hội. Người Thái ở đây thường gọi buổi uống rượu cần là “Hội kin lẩu xá” (hội uống rượu cần) hay “Hội nhom” (“Nhom” nghĩa là hết-tiếng hô sau khi mỗi cặp uống xong).
Có rất nhiều lý do để người ta tổ chức một bữa rượu cần: Uống trong các dịp tết, dịp lễ hội (hội bản, hội mường), uống trong các dịp gia đình có việc vui (cưới hỏi, sinh con, mừng thọ), việc buồn (tang ma, cúng trừ tà), uống khi có khách khứa đến thăm chơi. Với rượu cần không có chuyện độc ẩm cũng như đối ẩm. Vò rượu chỉ được mở trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở mọi cấp độ khác nhau. Nó như một tố chất kích thích khiến cho không khí của những buổi họp mặt thêm phần sôi động.
Trước khi bữa rượu bắt đầu, nhà cửa bao giờ cũng được quét tước, dọn dẹp gọn gàng, vò rượu được tháo nắp đưa ra đặt giữa nhà và đổ đầy nước. Các dụng cụ uống rượu như cần, gáo và phong đong rượu được thông rửa sạch sẽ. Một người được cử ra làm “cham” chịu trách nhiệm chia cần, đong nước và làm trọng tài cho các cuộc thi rượu. “Cham” phải có khả năng ứng đối linh hoạt, có tài mời rượu, ép rượu. Sau bước chuẩn bị, mọi người không kể nam, nữ, tuổi tác ngồi quây quần xung quanh vò rượu, ông mo (thầy cúng) hoặc chủ nhà phải thực hiện nghi thức cúng mời tổ tiên về thưởng thức trước và chứng kiến cho lòng thành của con cháu. Đây là một nghi thức có tính bắt buộc và nghiêm túc, thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên và thái độ trân trọng của đồng bào đối với sản phẩm do chính bàn tay lao động của mình làm ra. Xong nghi thức này, bữa tiệc rượu mới thực sự bắt đầu.
Trong bữa rượu, số người tham gia được chia làm đôi, mỗi bên đều có nam, có nữ và có những người cao tuổi tương xứng. Nếu có khách thì họ cũng được chia đều cho mỗi bên. Người làm “cham” sẽ ghép mỗi người bên này với bên kia thành từng cặp theo độ tuổi từ cao xuống thấp. Các vị khách thường được mời cặp đôi với một vị phía chủ nhà. Theo đúng truyền thống trọng lão và hiếu khách, các cụ già và các vị khách bao giờ cũng được trân trọng mời cầm cần trước.
Mở đầu bữa rượu, mọi người uống “thăm nhau” (uống để biết nhau”. Số cần cắm trong vò rượu có thể là 6, 8 hay 10, song uống thăm mỗi lượt chỉ có 2 người. Mọi người dự cuộc vui, không phân biệt tuổi tác, giới tính đều có phần ngang nhau và có trách nhiệm như nhau. Tức là mỗi cặp đều được uống với số lần bằng nhau và mỗi lần phải uống hết một lượng rượu theo quy định thống nhất. Sau một vài lượt “uống thăm”, “uống theo lý”, người ta tổ chức uống thi. Không khí của bữa rượu chỉ thực sự sôi động từ lúc này. Căn cứ vào thực lực và thể chất của từng người, người làm “cham” ghép các đối thủ ở mỗi bên thành các cặp tương xứng. Thời gian uống thi được tính bằng thời gian nước chảy qua chiếc vòng làm bằng sừng trâu. Lượng rượu của các cặp uống khỏe nhất được coi là tiêu chuẩn định mức “phạt” cho những người uống yếu hơn. Do vậy, trong các cuộc thi như thế, không bao giờ có chuyện thưởng mà chỉ có chuyện “phạt”. Lẽ đương nhiên là cũng có nhiều người muốn được “phạt” vì như thế sẽ được uống nhiều rượu.
Ở không ít các bữa rượu-nhất là trong hội mường, hội bản, cưới xin… người ta tổ chức luôn các buổi “văn nghệ tại chỗ”. Đây là kết tinh của không khí vui nhộn do bữa rượu đem lại. Mọi người vừa uống rượu vừa “lăm” (múa) và “khắp” (hát). Thanh niên nam nữ là chủ nhân của hình thức sinh hoạt này, song cũng không ít các cụ cũng tham gia hoặc ngồi cầm trịch cho đám trẻ. Dư âm của cuộc vui thường kéo dài đến khuya, khi vò rượu đã nhạt từ lâu và mọi người đều thấm men say của những nguồn tình cảm đã được thăng hoa, được nhân lên nhiều lần.
Tục uống rượu cần của người Thái rõ ràng là một hiện tượng văn hóa truyền thống có sức sống dài lâu và mang đậm sắc thái tộc người. Nó biểu hiện khá tập trung và rõ nét tính cộng đồng của xã hội Thái. Qua đó, chúng ta còn có thể cảm nhận được phần nào tâm lý trọng lão, tính hiếu khách và sự tôn trọng phụ nữ của những người nông dânThái. Bữa rượu cần thực sự là nơi hội tụ của các mối giao cảm, khiến cho người ta hiểu nhau hơn và tạo thêm nguồn hứng khởi trong cuộc sống. Đây cũng là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Thái.
Nguyễn Văn Học