Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Đêm cuối ở Côn Sơn

Đêm cuối ở Côn Sơn

Đoàn thuyền chở đức vua rời bến. Sóng nước Lục Đầu Giang như hình ảnh lớp lớp bàn tay người ở lại Côn Sơn vẫy chào người về Kinh thành. Nguyễn Trãi nhìn mãi theo đoàn thuyền xa dần, xa dần, đoạn lững thững quay về thư phòng. Bây giờ mới thấm mệt. Mà vui. Nguyễn Trãi ngồi lặng trong chiếc ghế tựa, đầu hơi ngửa, mắt lim dim nhìn vào bức tranh tường khổ lớn. Đó là núi rừng Côn Sơn thu gọn, vẽ bằng bút pháp tả thực. Ông đang thả lỏng cơ thể xả mệt.

Nhưng lại cứ nghĩ về ngày thơ bé theo ông ngoại Băng Hồ Trần Nguyên Đán leo núi hái quả, hái lá thuốc. Núi rừng Côn Sơn đã thành một phần máu thịt của ông.

Nhớ lần đến thăm chùa Vân Yên, vị sư già cứ tấm tắc khen ông có tướng quý phật, muốn chọn ông là người nhận y bát Trúc Lâm sau này. Ông còn bé, chưa hiểu gì về phật pháp, nhưng ông yêu Côn Sơn, yêu cả ngôi chùa cổ này. Sau khi vị sư già viên tịch, sư Đạo Khiêm kế tiếp đã có nhiều ngày giảng phật pháp cho ông. Đó là người thầy đáng kính thứ hai sau ông ngoại. Dường như đường đến cõi phật đã được định sẵn với riêng ông. Nhưng xảy ra loạn xâm lăng tàn bạo của nhà Minh đã kéo ông ra khỏi Côn Sơn theo giúp đức Lê Thái Tổ. Rồi cảnh lúc lạnh lúc ấm nơi triều ca. Bây giờ ông lại là chỗ dựa vững chắc nhất, tin cậy nhất của đức vua trẻ. Cả tuần cùng vua ra Hải Đông duyệt thủy quân, hai thầy trò, hai tôi vua mới lại được gần gũi thân thiết, bao nhiêu tâm sự thế sự được giãi bày hết. Đức vua trẻ quả là sáng suốt, chí lớn, quả quyết dùng kế văn trị để dựng nước. Trên đường về Kinh, đức vua lại có nhã hứng ghé Côn Sơn chơi. Mấy hôm liền gia nhân tất bật việc đón tiếp, trang hoàng nhà cửa. Lão quản gia rất được việc, hiểu ý chủ nên không có gì sơ suất. Bây giờ lão lại đang cắt đặt việc thu dọn nhà cửa sạch sẽ như thường khi. Bỗng Nguyễn Trãi muốn đề thơ. Ý thơ cứ tự nhiên mà xuất. Ông vội đứng dậy tự lấy giấy bút. Lâu lắm rồi ông mới có thi hứng sảng khoái như thế.

Quan duyệt thủy trận
Bắc hải đương niên dĩ lục kình
Yến an do lự cật nhung binh
Tinh kỳ ỷ nị liên vân ảnh
Bề cổ huyên điền động địa thanh
Vạn giáp điệu sương tì hổ túc
Thiên sưu bố trận quán nga hành
Thánh tâm dục dữ dân hưu túc
Văn tự chung tu trí thái bình.

Nguyễn Trãi viết liền một mạch, đoạn cầm giấy ngâm ngợi đắc ý, quên cả trời thu đang buông làn sương dày lưng chừng ngọn Côn Sơn. Gia nhân đã thắp đèn. Lão quản bước vào thư phòng châm lửa. Nguyễn Trãi gọi lại:

– Ta vừa làm được bài thơ, ngươi hãy cùng ta thưởng thức đã.

– Bẩm ông, con đang bận thu dọn nhà cửa ạ.

– Không sao. Hôm nay phu nhân không có nhà, ngươi hãy chia sẻ niềm tâm sự cùng ta cũng được.

Lão quản đành nán lại nghe ông chủ ngâm ngợi và bình thơ. Tuy không hiểu nhiều về chữ nghĩa, thơ phú, nhưng cứ qua thái độ của ông chủ thì lão cũng thấy vui và phấn khởi, vì đã bao nhiêu năm nay lão chỉ thấy nỗi ưu tư dằn vặt trong gương mặt và tâm sự của ông chủ. Lão lờ mờ thấy ông chủ đang là thời đắc dụng, phận gia nhân như lão cũng có dịp mở mày mở mặt. Mà dân giàu nước mạnh thì cả thiên hạ cũng được mở mày mở mặt chứ chẳng riêng gì lão. Lão rất tin tưởng tài năng của ông chủ. Ông chủ còn tài hơn cả Gia Cát Khổng Minh, lẽ nào kế dựng nước lại kém người. Chờ ông chủ giảng giải xong, lão cũng xin góp lời:

– Bẩm ông, câu “Thánh tâm dục dữ dân hưu tức, văn trị chung tu trí thái bình” chắc là ruột gan ông phơi bày ra cả. Được như vậy thì dân chúng ơn ông lắm.

Nguyễn Trãi nở một tiếng cười sảng khoái. Lão quản vội vã đi ra như trút được gánh nặng vì phải nghe và bình thơ, công việc quá sức với lão. Nguyễn Trãi chưa kịp ngồi xuống ghế thì lão quản lại quay vào ngay:

– Bẩm ông, có khách ạ!

Người khách đã bước vào phòng. Đó là vị sư già, tay chống gậy long trúc nhưng vẫn còn tráng kiện, nhanh nhẹn. Nguyễn Trãi hơi sửng sốt, rồi khẽ reo lên:

– Thầy Đạo Khiêm! Bạch thầy ạ!

Lão quản lặng lẽ lui gót đi bê trà, để mặc chủ khách nói chuyện. Nguyễn Trãi vồn vã:

– Đã lâu lắm rồi thầy không ghé lại. Hôm nay thầy phải ngủ đêm lại đây để ta cùng trò chuyện cho bõ.

Nguyễn Trãi phấn khởi thông báo về việc vua nghỉ lại Côn Sơn, mới lúc chiều về Kinh. Đức vua sẽ sửa đổi chính pháp, mở rộng chế độ học hành, thi cử, tuyển nhân tài. Bản thân Nguyễn Trãi cũng được gia phong chức tước, nay mai cũng về Kinh làm ở phủ Tể tướng. Nhà vua đã đưa người thiếp yêu của ông là Nguyễn Thị Lộ theo cùng về Kinh trước để nhận chức Lễ nghi học sĩ và dọn dẹp nơi ở, nơi làm việc. Nguyễn Trãi nói say sưa mà không hề để ý đến ánh mắt vị sư già thay đổi dần theo từng câu nói của mình. Nhà sư cứ ngồi bất động như pho tượng, không nói gì. Ngoài nhà, bóng tối đã choàng kín núi rừng Côn Sơn. Gió heo may lành lạnh. Tiếng vượn hú dài trong núi sâu vọng về lảnh lót. Côn Sơn thanh bình quá. Hồi lâu sư Đạo Khiêm mới nói:

– Đúng hẹn với Tiên sinh, nay vừa tròn mười năm, lão nạp quay lại để hỏi về chuyện giao ước ngày xưa, xin Tiên sinh nói cho tỏ tường.
Nguyễn Trãi hơi lúng túng vì câu hỏi đó. Ông chìm vào trong kỷ niệm và suy tư. Nhà sư cũng không thúc giục, cứ để mặc người đối diện tự đấu tranh nội tâm.

Đó là khi quân Lam Sơn chiến thắng, vị quân sư tài ba Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ cử giữ chức Tể tướng. Chưa kịp đem tài học giúp an dân sau loạn thì xảy ra sự kiện Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn “làm phản” phải tru di ba họ. Nguyễn Trãi là thân thích với Tả tướng cũng bị hạ ngục. Những ngày đen tối ông lại nhớ đến lời Tả tướng quốc từng nói riêng trước khi về quê: “Vua có tướng mũi diều hâu mắt quạ giống Việt vương Câu Tiễn, chỉ chung hoạn nạn, không thể chung hưởng thái bình”. Tả tướng quốc làm theo Phạm Lãi mà vẫn bị họa. Ông làm theo Văn Chủng mới bị họa lây. Nhưng ông đã may hơn Văn Chủng là đã được vua minh oan, trả lại chức tước. Thực ra ông chẳng còn quyền hành gì ở ngôi vị nữa. Nhớ lời ông ngoại dạy: “Người quân tử thấy cơ thì làm, không chờ đến cuối ngày”, ông đã có ý định quy ẩn. Ông bỏ tiền ra tu sửa lại nhà cửa ở Thanh Hư động. Lại thuê thợ giỏi vẽ bức “Côn Sơn đồ” khổ lớn để thể hiện tâm sự u uất. Ông còn đề thơ vào tranh. Côn Sơn là cả tấm lòng của ông. Bức tranh thì tĩnh mà lòng ông thì động. Bức tranh vừa treo lên thì sư thầy Đạo Khiêm đến. Đôi mắt vị Tể tướng không còn cháy lửa cứu nước như mấy chục năm trước, nhưng cũng chưa được trong veo như trời Côn Sơn sau mưa. Thầy khẽ thở dài, lắc đầu nhè nhẹ:

– Thói tục, hư danh…

Tuy nhiên sư thầy vẫn hỏi:

– Tiên sinh dứt bỏ quan lộc về núi với lão nạp chăng?

– Bạch thầy! Hổ chết để da, người chết để tiếng, học trò vừa mới chịu tiếng oan, lẽ nào lại bỏ đi ngay để người đời nghĩ là chuyện có thật hay sao?

– Ngụy biện! Ngụy biện! Tiên sinh là đệ nhất công thần, tiếng thơm ngàn đời có ai sánh được, có ai không biết mà còn lo hão huyền.

– Bạch thầy! Bình thiên hạ mới là một nửa tâm nguyện, học trò này còn muốn đem sở học để trị quốc an dân nữa kia.

– Thói tục, hư danh… – Vị sư lắc đầu lẩm bẩm, đoạn nói thêm – Tả tướng quốc học theo Phạm Lãi, đã về núi nhưng vẫn muốn phô danh, chỉ mới là một nửa Phạm Lãi thì họa sát thân đã tới. Tiên sinh có lòng muốn học Trương Lương nên công nghiệp thì sao không tu tiên dứt khoát đi, kẻo cũng lại chỉ là một nửa Trương Lương thôi, liệu có được yên chăng? Ôi, chẳng lẽ người Nam ta không có ai đủ trí đủ sáng để có lấy một Phạm Lãi, một Trương Lương hay sao?

– Bạch thầy, học trò còn đang mang mệnh dạy bảo ấu chúa, mong sau này có bậc minh quân.

– Thôi được. Tiên sinh là bậc đại trí đại dũng chắc là thừa quyết đoán, lão nạp hẹn nói nốt chuyện này sau mười năm nữa. Còn bây giờ lão nạp có đứa tiện nữ tên là Hà Thị đã đến tuổi cập kê, xin tiên sinh cho theo hầu để lão nạp yên tâm nhập núi.

Suốt mười năm qua, Nguyễn Trãi tuy vẫn ở ngôi Tể tướng nhưng lại chẳng mấy thực quyền. Đã bao phen ông chịu nhục trước kẻ võ biền Lê Sát chửa nói đã hết lời lúc lâm triều. Đến kẻ hoạn quan Lương Đăng cũng dám to tiếng tranh luận công khai về chuyện soạn nhạc, ông cũng phải nhịn. Kế sách trị quốc an dân chẳng có cơ hội thực thi trong bối cảnh công thần khai quốc tranh giành quyền lực. Đến lúc ông gần như đã hết lòng nhẫn, xin về làm đề cử chùa Côn Sơn thì tiên đế băng hà, thái tử Nguyên Long kế vị, ông lại dùng dằng chửa quyết. Vua trẻ rất trọng thầy, việc gì cũng hỏi trước, nền văn trị vì thế đang được ổn định. Vua đã cho tu sửa Văn Miếu – Quốc Tử Giám, định ba năm thi tiến sĩ một lần. Khoa thi đầu tiên năm Đại Bảo thứ ba mới tổ chức thành công, một môn hạ yêu khác của ông là Nguyễn Trực được lấy đỗ Trạng nguyên. Lại mới chiều nay nghe bao kế an dân hay, vua rất háo hức sẽ cho thi hành nay mai. Cảm ơn nghĩa tín nhiệm của vua, Nguyễn Trãi cũng vừa mới viết bài biểu tạ đầy những câu tâm sự chân thành, thẳng thắn:

“Chí những muốn việc cổ nhân đã muốn để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo.
Đương quốc gia thảo muộn ban đầu, vừa chân chúa phong vân gặp hội.
Nếu không được tiên đế xét rõ đáy lòng, thì hầu khiến tiểu thần ngậm cười dưới đất.
Kim mã ngọc đường, vật cũ rốt thu lại được, thanh thiên bạch nhật, lòng trung được trút bỏ ra.
Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi, cho thần như thông qua năm rét, càng dạn tuyết sương.
Quần môn mặc kệ gièm pha.
Thánh ý cứ bền tín nhiệm
Chức giữ Đông đài thực việc triều đình rất trọng.
Việc kiêm Tam quán, ấy điều Nho giả cực vinh.
Thần gìn giữ bền tiết cũ, mong kịp người xưa”.

Đang phấn chấn vì có cơ giúp nước như thế, nay thầy Đạo Khiêm đến sao Nguyễn Trãi không ngỡ ngàng, lúng túng. Im lặng rất lâu. Mãi sư Đạo Khiêm mới nói phá vỡ sự im lặng đầy bí mật của trời Côn Sơn.

– Băng Hồ tiên sinh là tôn thất nhà Trần, khi quốc gia lung lay thì ngài không thể quy ẩn mai danh là vì thế. Tiên sinh là cháu yêu của ngài hẳn cũng biết rõ tâm sự này. Có thế ngài mới dặn đi dặn lại tiên sinh rằng: “Người quân tử thấy cơ thì làm, không chờ đến cuối ngày” là có nguyên do. Còn điều này tiên sinh hẳn cũng rõ: Tớ át công chủ là họa sát thân. Mà công thần sủng ái bậc nhất sẽ bị quần thần ganh ghét cũng là mối họa to lớn. Mười năm qua tiên sinh đã thừa thời gian dụng kế trị quốc an dân rồi, bây giờ hẳn yên tâm theo lão nạp nhập núi chứ?

Câu hỏi như ngọn núi Côn Sơn chặn đường Nguyễn Trãi. Bao lòng ông như lay động cả cây cả núi bức “Côn Sơn đồ” trên tường. Ông muốn nói mà cổ nghẹn lại. Bất giác nước mắt tuôn rơi. Phải chăng ông cũng đã già rồi hay mủi lòng. Ngoài kia, bầu trời đêm thu Côn Sơn như sáng hơn dưới ánh sao dày chi chít. Bỗng phía nam có vì sao băng sáng rực cả cây rừng, hệt như một ngôi sao chổi không đuôi sà xuống đất. Nguyễn Trãi hơi giật mình vì hiện tượng đó. Phía bắc, sao Văn Khúc như mờ đi vì ngôi sao băng vừa rồi. Ý nghĩ vẫn không dứt trong đầu Nguyễn Trãi. Ông mà quy ẩn nhận y bát làm tổ Trúc Lâm thì có phải là phụ lòng tin của Đức vua trẻ không? Người thiếp yêu, người bạn thơ Nguyễn Thị Lộ sẽ ra sao? Ông đưa mắt nhìn, thấy sư Đạo Khiêm vẫn ngồi bất động. Bóng sư lay động trên bức tranh như đang chậm chạp leo núi, về trời. Hồi lâu Nguyễn Trãi nói quả quyết:

– Bạch thầy! Làm quan mà an được dân cũng là cái đạo cao cả của thiền phái thượng thừa. Hôm nay học trò xin bày tỏ rõ lòng như vậy. Mong thầy chọn tìm người khác cho thiền phái Trúc Lâm. Đức Nhân Tông Nhất Tổ chắc cũng hiểu nỗi lòng của học trò.

– Ôi, đúng là trời định, trời định. Thiên cơ khó đổi. Tiên sinh nặng nỗi lòng phàm trần dường như ta đã biết trước, thế mà vẫn cố làm một việc nhân vô ích!

Bỗng sư Đạo Khiêm kêu to: “Trời ơi!”, tiếng kêu tràn ngập bầu trời đêm Côn Sơn, làm kinh động cả đám gia nhân. Lão quản gia vội lập cập bước vào xem có chuyện gì xảy ra. Thì vẫn chỉ thấy chủ khách ngồi im lìm như hai pho tượng bình thản. Lão lại lặng lẽ lui ra. Chỉ có tiếng kêu vẫn còn vọng đi vọng lại trong rừng Côn Sơn. Nguyễn Trãi không hề xao động trước tiếng kêu thất thanh, bất ngờ của sư thầy Đạo Khiêm. Bởi ông đã dứt khoát. Cảm thấy chuyện đã tỏ, ông đứng dậy nói:

– Đã muộn, mời thầy đi nghỉ!
*
Sớm hôm sau Nguyễn Trãi tỉnh giấc định đến vấn an sư thầy thì chỉ thấy giường không. Cây gậy long trúc cũng không còn, nhưng Nguyễn Trãi thấy ngay vết gậy vạch trên nền nhà chữ “Tai” to tướng. Ông dường như không hiểu chữ “Tai” đó mà vẫn cho rằng sư thầy cố chấp. Ông lấy giày xóa chữ đi, nhưng lạ thay, càng xóa thì chữ lại càng nổi rõ hơn. Bỗng lão quản gia vào báo:

– Bẩm ông, sư thầy ra đi từ nửa đêm, mang theo cả cô Hà Thị. Ngài dặn con chỉ nói với ông khi ông ngủ dậy. Còn lời nhắn thì sư thầy đã viết ở nền nhà rồi ạ.

Nguyễn Trãi bỗng thất sắc. Hà Thị mới báo với ông là đã có thai mấy tháng. Phải chăng vị cao tăng đã biết trước điều gì đó. Hình ảnh chữ “Tai” càng xóa càng rõ như nhảy nhót trong đầu ông. Nguyễn Trãi thấy nóng ruột như lửa đốt. Chợt nghe tiếng ngựa chạy gấp, ông nhìn ra cổng. Một toán lính gò người phi ngựa thẳng vào sân. Người ngựa đẫm mồ hôi và sương đêm. Viên chỉ huy cầm cờ tiết chạy thẳng vào phòng khách thì gặp Nguyễn Trãi ở đó.

– Bẩm ngài, Thái hậu có lệnh triệu ngài về Kinh! Chúng tôi nhận mệnh hộ tống ngài, xin ngài đi ngay cho!
*
Lời bàn:

Đó là ngày thu tháng 8 năm 1442, khởi đầu vụ án “Lệ Chi Viên”, gia tộc đại quân sư Nguyễn Trãi bị diệt vong. Và nhờ có vị cao tăng ra tay cứu giúp mà gia tộc Nguyễn Trãi không bị tuyệt diệt, vì nàng Hà Thị mang thai đi thoát ấy đã sinh được một con trai, sau này là Tri huyện Nguyễn Anh Vũ thời Lê Thánh Tông.

Nguyễn Trãi là bậc đại trí, đại dũng mà quyết không học theo Trương Lương tu tiên là bởi người yêu dân yêu nước mãnh liệt. Âu cũng là lẽ trời, người đại tài dễ ngậm hàm oan để đời sau day dứt, đau xót khôn cùng, và cũng vì thế mà tên tuổi họ, sự nghiệp họ cứ lay động, sống mãi cùng nhân dân đất nước.

 

Phạm Thuận Thành

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *