Như một hoài niệm thấm đượm tâm hồn Việt, cứ mỗi độ xuân về, ký ức con người lại dấy lên những vần thơ Xuân Bác Hồ. Ấy là vì, như thành lệ, khi xuân đến trong cảnh đất trời rực rỡ, lòng người lại xốn xang chờ đợi những lời chúc mừng năm mới của lãnh tụ: “Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”. Xuân về, nhớ Bác là tình cảm thiêng liêng tự nhiên.
Gần như suốt những năm với cương vị người đứng đầu Nhà nước,
Bác Hồ đều gửi thu bằng thơ mừng xuân như một phong tục đẹp mới vừa truyền thống, vừa rất cách mạng.
Trong tâm hồn người cầm súng tự vệ mùa xuân Đinh Hợi 1947 là lồng lộng tung bay lá cờ đỏ sao vàng và rộn rã “Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”. Lời lãnh tụ từ đài Tiếng nói Việt Nam ở cơ sở Chùa Trầm, ngay sát Thủ đô khói lửa, có sức kêu gọi ghê gớm cả lớp thanh niên Quyết tử quân mùa xuân ấy. Rồi cả nước, từ hải đảo xa xôi đến vùng biên hẻo lánh nghe Bác Hồ cất tiếng nói Mừng Xuân 1968 kêu gọi trong niềm hy vọng cháy bỏng: “Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta”
Mùa xuân Kỷ Dậu 1969, không ai ngờ Mừng Xuân như một lời gĩa biệt trước khi Người đi xa mãi mãi.
Nếu ngược dòng thời gian ta sẽ nhớ lại những mùa xuân trọng đại từ trước Cách mạng của Bác Hồ.
Mùa xuân Canh Ngọ, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng : Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ” (Theo chân Bác – Tố Hữu). Năm sau, đúng ngày 01/01/1942, Mừng xuân 1942 là bài thơ khởi đầu cho chùm hơn hai chục bài thơ vào dịp năm mới của vị Nguyên thủ Quốc gia tương lai.
Hồ Chí Minh gắn bó với Mùa xuân – một sự gắn bó mật thiết từ trong tâm hồn. Không phải đợi đến kỳ chuyển giao thời tiết mà, đối với Người, mỗi năm không chỉ có một mà là những bốn mùa xuân – như một ý thơ mừng xuân.
Mùa xuân là “mùa xanh” của vạn vật, mùa của đâm chồi nảy lộc, của sinh sôi cây lá. Bức tranh thiên nhiên xanh tuyệt đẹp ấy chính là phiên bản của một “tâm hồn xanh” – tâm hồn vui tươi yêu đời lạc quan tột độ.
Không chỉ là phong cách mà chính là cốt cách. Hồ Chí Minh là người ưa sống với thiên nhiên, bầu bạn với thiên nhiên. Chủ tịch phủ gắn với Bách thảo như một khu rừng với cây cao bóng cả. Riêng Vườn Bác đã là một bảo tàng sống thực vật “Cõi Bác” tiên cảnh mà đời thường “Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa, Có bốn mùa rau tươi tốt lá… ” (Tố Hữu). Sở thích riêng là tính cách con người hòa nhập tự nhiên theo một quan niệm triết lý.
Từ bạt ngàn xanh Chủ tịch phủ “Lộc non về như trận thắng Mùa Xuân”, Người muốn “Lộc của đời chia đến mỗi người dân” (Lộc của đời-Chế Lan Viên). Màu “xanh” chính là màu “xuân” – báu vật của thiên nhiên và đời người.
Mùa xuân là mùa hy vọng, mùa của những ước mơ.
Đông qua, xuân tới. Mỗi khi năm hết tết đến, trong thâm tâm Bác Hồ lại nổi lên lòng trắc ẩn, nỗi niềm đồng chí, đồng bào, tình yêu con người.
Năm 1948, người viết bài thơ Tư chiến sĩ (Nhớ chiến sĩ) có câu : “Gửi mau áo rét ra tiền tuyến/ Nhờ ấm truyền tin xuân sắp sang”. Lòng người trĩu nặng tình cảm gắn liền trách nhiệm trước mùa xuân nhân sinh.
Ưu tư nhưng vẫn thanh thản, đó là cốt cách của bậc đại nhân. Nguyên tiêu viết trong kháng chiến thể hiện rất rõ một tâm hồn tuyệt đẹp qua một bài thơ tuyệt bích/Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Từ lâu lý tưởng cao đẹp nhất của Người là đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và nhân loại. Lý tưởng ấy chính là mùa xuân của loài người. Đấu tranh cho một mùa xuân vĩnh viễn là tất cả tâm can, ý chí và ước vọng của người.
Mừng xuân, xuân cả thế gian.
Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía.
Trong mùa xuân của thơ Bác không có những cảnh tượng thiên nhiên rực rỡ mặc dầu nhà thơ Hồ Chí Minh thừa sức mô tả.
Có hoa nhưng nổi lên là “hoa lao động” : “Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong”, nhất là “hoa chiến đấu” : “Tin vui thắng trận nở như hoa”. Trong kháng chiến phải là những bó “hoa lửa” chiến công. Nhưng năm cuối đời, với tâm trạng “Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa” (Bác ơi – Tố Hữu), tâm hồn lãnh tụ chói ngời hy vọng, niềm tin sắt đá chiến thắng. Bài thơ lớn của Bác vang lên âm thanh của chiến trận. Tin vui lớn là tin vui thắng trận : “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà”
Lời mừng xuân cũng là lời chúc thắng lợi : “Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta” (Mừng xuân – 1968).
Như để đáp lại tấm lòng mong mỏi của Bác Hồ qua thơ Mừng xuân 1969, nhà thơ Tố Hữu diễn đạt ý thơ của Người qua vần thơ Xuân 69 : “Tưng bừng năm 68 chuyển nhanh/ Như một chuyến tốc hành chở đầy hoa chiến thắng/ Hoa Việt Nam – Hoa bốn mùa mưa nắng” Tứ thơ gói gọn ý Bác, lòng Dân.
***
Nghe thơ chúc mừng đầu năm của Bác, lòng người phấn khích tưng bừng nở hoa cùng với đất trời vào xuân :
Xuân về xin có một bài ca
Đúng, đó là một bài ca, bài ca chiến thắng, bài ca hy vọng.
Nhưng hơn thế, đó còn là một lời “kêu gọi” vang lên giọng đanh chắc như một mệnh lệnh thép có sức chấn động lương tâm, ý thức con người, như lời truyền hịch hào hùng.
Qua thơ mừng xuân của Người, người dân đọc được bản tổng kết “thắng lợi vẻ vang” và hướng tới nhiệm vụ thời sự, đường hướng chiến lược mới “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy” (Mừng xuân 1969) .Lịch sử đã diễn ra đúng như dự cảm, tiên đoán của lãnh tụ thiên tài.
Nhưng lẽ trời là thế “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân (Tự miễn, Nhật ký trong tù). Lẽ đời cũng vậy. Với Người, vượt lên bức xúc, phiền hà, gian khó, hiểm nguy là lòng yêu đời lạc quan tin tưởng.
Dự cảm tương lai của Hồ Chí Minh là cực kỳ mạnh mẽ, nhanh nhạy. Thăm bạn, trên đường về, chợt thấy cây mai núi mà lòng Người đã xốn xang (Tầm hữu vị ngộ).
Mỗi đóa hoa vàng một điểm xuân
Rất nhạy cảm với tín hiệu, nhiều khi còn ở dạng ẩn hiện, thấp thoáng, mơ hồ. Với thiên nhiên là vậy, với công cuộc đấu tranh lại càng như vậy!
Mừng thấy miền Nam, luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa xuân
(Vô đề – 1963)
Với Hồ Chí Minh, trong đời Người, mùa xuân như bao trùm hết – trong bốn mùa, trên cả bốn mùa. Ấy là mùa xuân trong tâm tưởng – mùa xuân tâm hồn.
Bình sinh, Người mong ước một Đất nước xanh tức một Đất đẹp, tràn đầy sức sống. Như câu thơ tươi trẻ: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho Đất nước mỗi ngày một xuân”.
Trước lúc ra đi mãi mãi, Người còn để lại thông điệp lạc quan. Đời người là liên tục những mùa xuân như tinh thần Di chúc : “Khi người ta đã ngoài 70 xuân”.
Đặc biệt Người rất coi trọng tuổi thanh xuân .Trong mấy lời Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, Người nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.”
Qua cuộc đời anh hùng của Người, qua thơ của bậc danh nhân văn hóa thế giới, có thể thâu tóm một nhận định như chân lý nhân sinh và nghệ thuật.
Hồ Chí Minh -một con người sống đầy xuân sắc
Hồ Chí Minh- một cuộc đời sáng mãi mùa xuân
Hồ Chí Minh -một tâm hồn xuân
Thành phố Hồ Chí Minh
Tất niên Nhâm Thìn, nghênh xuân Quý Tỵ
CHÚ THÍCH:
1.Tất cả thơ văn trích dẫn đều lấy từ Hồ Chí Minh -Thơ – toàn tập, Danh ngôn Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000; Nhà xuất bản Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2011.
2.Tất cả thơ Tố Hữu lấy từ Tố Hữu toàn tập – Thơ ca Nhà xuất bản Văn học , Hà Nội, 2008.
* Tác giả Đoàn Trọng Huy nguyên là nhà giáo, đã từng dạy học ở Tây Bắc từ năm 1953-1958, chuyên gia giáo dục ở Angola, hiện đã về hưu và sống tại thành phố Hồ Chí Minh
Đoàn Trọng Huy
Theo NBĐ