Nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6, xin được dành truyện ngắn này tặng cho
người bạn thân nhất của tôi cùng thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 9..
Nắng mơn man trên sân trường. Gió hiu hiu thổi. Tôi và thầy vừa đi vừa nói chuyện. Thầy nhìn tôi:
– Tôi rất vui khi biết tin em đã đỗ đại học.
Tôi ngạc nhiên:
– Trời! Sao thầy đã biết rồi? Em định gặp thầy rồi mới nói mà.
– Tôi còn biết em đỗ trường khoa học và nhân văn khoa báo chí kìa.
– Vâng. Sao thầy biết ạ? Chắc thằng Hùng nói phải không ạ? Cái thằng, em đã dặn là không được nói rồi mà lại vẫn bép xép. Lộ hết bí mật.
Thầy nhìn tôi cười.
– Sao thầy lại cười em?
– Em vẫn thế. Y như ngày tôi còn dạy. Không phải Hùng nói đâu. Chuyện vui như thế này, tôi không biết thì sao làm thầy em được.
– Thế thầy nghĩ sao về nghề nhà báo ạ?
– Nghề này gian lao đấy.
– Gian lao nhưng được đi đây đi đó. Em sẽ có điều kiện để tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
Thầy im lặng không hỏi tôi gì nữa. Hai thầy trò đi ra bờ hồ rồi tìm một ghế đá ngồi xuống. Nước trong veo. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Thầy đăm chiêu nhìn ra xa. Tôi quay sang nhìn thầy:
– Sao thầy không nói gì nữa thế?
– Em bảo, tôi nói gì cơ?
– Thì nói về nghề của em ấy.
– À, nghề làm báo tôi cũng thích. Trước đây tôi cũng có ý định theo nghề này, nhưng bố mẹ tôi không cho.
– Sao thế thầy?
– Vì bố mẹ tôi cũng là nhà báo. Các cụ không muốn con cái mình theo nghiệp cha mẹ.
– Và thế là thầy đã chọn nghề dạy học?
– Không phải tôi chọn mà mẹ tôi chọn.
– Em không hiểu? Tôi khó hiểu nhìn thầy.
– Tôi cũng không hiểu vì sao bà lại muốn tôi theo ngành này.
– Nghề dạy học cũng vinh quang như nghề làm báo, phải không thầy?
– Ừ, nó cũng cao quý như bao nghề khác em ạ.
Bỗng thầy vỗ nhẹ vào vai tôi:
– Tân này !
Tôi quay sang nhìn thầy:
– Thầy bảo gì em ạ?
– Em biết một người làm báo điều đầu tiên cần phải có điều gì không?
Không suy nghĩ, tôi trả lời luôn:
– Dạ, tất nhiên là phải có năng lực ạ.
– Đúng. Nhưng còn một điều mà bất cứ người làm báo nào cũng phải có.
Tôi nhăn mặt suy nghĩ. Một lúc sau, tôi ấp úng trả lời:
– Thưa thầy, còn phải có…có …có phải là còn phải có lương tâm nữa đúng không ạ?
– Em nói đúng. Lương tâm là một điều không thể thiếu được của một người làm báo. Người ta vẫn nói làm báo nói láo ăn tiền. Nhưng đó chỉ là số ít thôi. Khi em đã thực sự bước chân vào con đường báo chí, tôi muốn em nói và viết theo lương tâm, theo chuẩn mực đạo đức xã hội. Em cần phải nhớ, lương tâm là một điện thờ thiêng liêng, đừng để thói đời đen bạc làm hoen ố.
Thầy im lặng một lúc rồi lại nói tiếp:
– Bên cạnh đó, người làm báo cũng phải có trách nhiệm đối với những bài mà mình viết ra. Cần phải đặt cả cuộc đời mình vào trong từng bài viết. Có như thế thì em mới trụ vững được trong lòng bạn đọc và trong làng báo chí.
– Vâng ! Em sẽ ghi nhớ lời thầy dạy hôm nay.
– Thế khi ra trường, bài đầu tiên em sẽ viết về ai?
– Thầy đoán xem, em viết về ai nào?
– Chắc là về bố mẹ em?
– Thầy nói đúng nhưng chưa đủ.
– Còn thiếu ai?
– Thiếu thầy.
– Tôi á?
Thầy ngạc nhiên nhìn tôi:
– Tôi khô khan lắm, chẳng có gì để em viết đâu.
– Thầy cứ khiêm tốn thế. Nếu khô khan thì thầy đâu dạy được môn văn. Em mà viết thì một năm cũng không viết hết về thầy được.
– Sao lắm thế?
Tôi nhìn thầy rồi cười. Thầy cũng cười. Nét mặt thầy ánh lên một niềm hạnh phúc. Tôi tự nhiên thấy lòng mình bối rối khi bắt gặp ánh mắt thầy. Bởi dường như thầy đang trao gửi cho tôi cả niềm tin yêu, hi vọng, cả một sự khát khao nồng cháy về cái nghề mà như thầy đã nói trước đây thầy đã không được theo.
Năm học lớp 9, thầy dạy văn chúng tôi. Ngoài cuộc sống, thầy là một người cởi mở, dễ tính. Khi lên lớp, thầy lại rất nghiêm khắc. Lũ con trai chúng tôi được mệnh danh là lũ quỷ của toàn khối vì những chiến công bất hảo. Thầy cô nào vào dạy lớp tôi cũng phải chán ngán. Không phải vì chúng tôi học kém mà là chúng tôi hay nghịch và gây lộn trong lớp. Ấy vậy mà đến tiết văn của thầy chúng tôi lại ngoan ngoãn ngồi nghe giảng. Lời văn của thầy rất hay, giọng thầy cũng rất truyền cảm. Thầy chân thành chia sẻ, mỗi giờ thầy lên lớp thầy đều tâm niệm đây sẽ là tiết học cuối cùng thầy còn đứng được trên bục để giảng bài cho chúng tôi. Vì vậy thầy đem hết tâm huyết và tình cảm vào trong những bài giảng. Qua lời thầy, chúng tôi biết tự hào hơn về non sông, đất nước mình; yêu nhiều hơn dáng mẹ tần tảo, bóng cha hao gầy; hiểu nhiều hơn lời ru hanh hao, chênh vênh của bà thời bao cấp và thông cảm nhiều hơn với số phận nàng Kiều, lão Hạc, Chí Phèo hay chị Dậu trong các tác phẩm văn học… Trong lễ tổng kết cuối năm, thầy chia sẻ rất nhiều điều với chúng tôi. Nhưng có một câu thầy đã nói, dù có đi hết cuộc đời này tôi cũng không thể quên được: “Cái nghèo không đáng xấu hổ mà chỉ xấu hổ là nghèo mà không biết phấn đấu vươn lên”.
Hôm tôi ra Hà Nội nhập học. Thầy đã tặng cho tôi một cây bút Trường Sơn cùng dòng chữ khắc trên bút: “Mãi như người lính”. Tôi xúc động nhìn thầy. Tôi khẽ cầm đôi tay thầy áp lên má. Một hơi ấm đang lan ra khắp cơ thể tôi.
Suốt những năm tháng tôi ngồi trên giảng đường đại học, không lúc nào tôi không nhớ về thầy, về những lời khuyên bảo của thầy dành cho tôi. Ánh mắt trìu mến thân thương của thầy luôn dõi theo từng bước đi của tôi. Mỗi lần có dịp về quê, chúng tôi lại rủ nhau đến tụ tập ở nhà thầy. Và sau mỗi lần ấy, lòng tôi lại thấy mênh mang buồn khi thấy thầy có vẻ yếu đi. Đã gần năm mươi tuổi nhưng thầy vẫn không chịu lập gia đình. Bố mẹ thầy giục nhiều nhưng thầy chỉ im lặng nhìn vào khoảng không gian xa xăm phía trước.
Ngày tôi ra trường thì hay tin thầy đổ bệnh. Tôi vội bắt xe về quê. Nhưng khi về đến nơi thì thật bất hạnh cho tôi vì thầy đã không còn nữa. Thầy đã hứa là sẽ cố gắng sống đến ngày được đọc bài báo của tôi viết về thầy. Vậy mà bây giờ bài báo ấy tôi chưa viết, thầy đã ra đi.
Suốt hai mươi lăm năm thầy âm thầm, miệt mài với công việc. Thầy đã lao động hết mình cho đến ngày thầy đổ bệnh. Hai lăm năm – một thời gian khá dài để người ta xây lên những công trình thế kỉ. Còn thầy, với hai lăm năm ấy thầy đã xây lên được biết bao những cây cầu hạnh phúc, đã gieo cho đời biết bao những chồi xanh trí tuệ. Thầy không đòi hỏi nhiều ở chúng tôi, thầy chỉ cần sau này chúng tôi là những người có ích cho đất nước. Thầy vẫn bảo với chúng tôi thế.
Bây giờ ở nơi suối vàng, chắc lòng thầy cũng được thanh thản khi bao lớp học trò của thầy cũng đã thành những người có ích cho xã hội. Còn riêng tôi, lời hứa năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Và nó cũng sẽ theo tôi suốt cuộc đời làm báo. Rưng rưng thắp cho thầy nén hương, tôi cầu chúc cho linh hồn thầy nơi suối vàng an giấc ngủ ngàn thu…
Sáng tác năm 2002, đăng trên Đài tiếng nói Việt Nam tháng 8 năm 2005
Phạm Tử Văn
Nguồn ảnh: Internet