Mạc Ngôn
Báu Vật Của Đời
Chương 5
1
Hôm Kim Đồng vừa tròn mười tám tuổi, chị Phán Đệ ép Lỗ Thắng Lợi phải đi với chị.
Sau khi Thăng Lợi đi rồi, Kim Đồng ngồi một mình trên đê, buồn bã nhìn những con chim én chao cánh trên mặt sông. Sa Tảo Hoa từ một bụi rậm chui ra, tặng Kim Đồng một chiếc gương nhỏ làm quà sinh nhật. Con nhỏ da nâu này ngực đã nhô cao, cặp mắt hơi hiếng, đen láy như hai, viên đá quạ dưới lòng sông. Kim Đồng bảo:
– Giữ lại để tặng cho Tư Mã Lương.
Sa Tảo Hoa lôi trong bọc ra một chiếc gương nữa to bằng cái đĩa, nói:
– Cái này là để tặng anh ấy! Cái gương phản chiếu ánh nắng lên bức tường sơn đen trông như tường chảy mỡ.
– Mày làm gì mà có nhiều tiền thế?
– Cháu ăn trộm ở Hợp tác xã cung tiêu – nó nói khẽ – Cậu nhất thiết không được cho ngoại biết nhé, cháu có quen một kẻ cắp siêu hạng ở trên chợ đồ dùng gia đình. Anh ta thu nhận cháu làm đồ đệ. Cậu ạ, cháu chưa học được nghề, khi nào có nghề, cậu thích cái gì cháu ăn trộm cho cậu cái đó. Sư phụ cháu lấy trộm được cả răng vàng trong miệng, đồng hồ trên tay các cố vấn Liên Xô nữa kia!
– Trời ơi, thế là phạm tội đấy!
Sa Tảo Hoa lại nói:
– Sư phụ cháu có nói, mèo tha miếng mỡ thì đuổi, hổ tha con lợn thì lại cho qua! Cậu học xong tiểu học nhưng trung học thì không đến phần mình, chẳng thà học nghề ăn cắp với cháu lại hóa hay!
Ra vẻ thông thạo, nó cầm những ngón tay Kim Đồng lên ngắm nghía, nói:
– Ngón tay cậu thon và mềm mại, chắc chắn học được!
– Không, tao không học, tao nhát lắm? – Kim Đồng nói – Tư Mã Lương bạo gan mà tỉ mỉ, nó chắc chắn là học được, đợi nó về học cùng với cháu.
Sa Tảo Hoa cất cái gương vào bọc, rên rỉ như một thiếu phụ:
– Anh Lương ơi là anh Lương, khi nào thì anh trở lại!
Tư Mã Lương đã biến mất cách đây năm năm, trong đêm thứ hai sau khi chôn cất Tư Mã Khố. Đêm ấy gió đông bắc ào ào lạnh thấu xương, chum chĩnh trong sân rên rỉ. Chúng tôi ngồi lặng trước ngọn đèn dầu. Đèn tắt, chúng tôi yên trong bóng tối, không ai nói một tiếng, mọi người đang nhớ lại cảnh tượng chôn cất Tư Mã Khố. Không có quan tài, chúng tôi bó anh trong một chiếc chiếu như người ta cuộn bánh tráng, bên ngoài cuốn mươi mấy vòng dây thừng. Hơn chục người khiêng xác anh ra ngoài nghĩa trang, đào một hố sâu rồi chôn anh ở đó. Khi nấm mồ đắp xong, Tư Mã Lương quì xuống lạy một lạy. Nó không khóc, trên khuôn mặt bé nhỏ của nó đã xuất hiện một số nếp nhăn. Tôi rất muốn an ủi nó, nhưng nghĩ mãi mà không biết nên nói thế nào. Trên đường về, nó nói nhỏ với tôi:
– Cậu ạ, cháu sẽ đi!
– Lương định đi đâu bây giờ? – Tôi hỏi.
Nó đáp:
– Cháu cũng không biết nữa!
Khi gió thổi tắt đèn, tôi bàng hoàng trông thấy một bóng đen lủi đi, biết đó là Tư Mã Lương, nhưng tôi không nói gì. Tư Mã Lương đã biến mất. Mẹ kéo lê cây sào dài, đi tìm tất cả những giếng cạn và hồ ao. Tôi biết đó là một công việc vô bổ, Tư Mã Lương không đời nào tự tử. Mẹ nhờ người đi hỏi thăm khắp nơi, nhận được toàn những tin trái ngược. Có người bảo trông thấy nó trong một đoàn xiếc rong, có người nói trông thấy cái xác của một đứa con trai ở ven hồ, mặt mũi không thể nhận ra vì bị quạ rỉa. Một toán dân công từ đông bắc trở về thì nói chắc như đanh đóng cột rằng, có gặp nó ở gần cầu sông áp Lục. Khi ấy đang có cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá cầu cống…
Vì có cái gương của Sa Tảo Hoa, lần đầu tiên tôi nhìn rõ khuôn mặt mình. Tôi đã mười tám tuổi, mái tóc vàng rực, hai vành tai đầy đặn, trắng nõn, lông mày vàng như tiểu mạch chín, lông mi vàng rộm soi bóng trong cặp mắt xanh biếc. Mũi cao, môi đỏ như son, lông ngực từng mảng rậm. Thực ra, qua chị Tám, tôi cũng đoán ra mình không giống mọi người. Tôi đau xót khi nhận ra rằng, cha đẻ ra tôi, dứt khoát không phải Thượng Quan Thọ Hỷ, mà như người ta vẫn nói vụng sau lưng: Chúng tôi là con riêng của mục sư Malôa, lai một trăm phần trăm. ý thức về sự hèn kém bám chặt lấy trái tim tôi. Tôi lấy mực đen nhuộm tóc, bôi đen mặt, còn con mắt thì không làm cách nào thay đổi được màu sắc, tôi chỉ tiếc là không thể móc bỏ được chúng đi. Tôi nhớ đến chuyện nuốt vàng tự tử bèn lục lọi trong hộp trang sức của chị Lai Đệ, lấy chiếc nhẫn vàng từ thời Sa Nguyệt Lượng, nuốt chửng và lên giường năm đợi chết. Chị Tám mò mẫm quay sợi ở góc giường. Mẹ đi làm Hợp tác xã về thấy bộ dạng của tôi vô cùng kinh hoảng. Tôi nghĩ rằng mẹ sẽ xấu hổ, không ngờ mẹ lại nổi trận lôi đình. Mẹ túm tóc đánh tôi tám bạt tai. Tôi bị chảy máu răng, tai ù đi, mắt nổ đom đóm. Mẹ nói:
– Hoàn toàn đúng, cha đẻ chúng mày là mục sư Malôa! Vậy thì sao nào? Dậy mà rửa mặt, gội đầu cho sạch, rồi ưỡn ngực mà nói rằng: Bố tôi là mục sư Malôa, người Thụy Điển, là hậu duệ của quí tộc, cao quí hơn nhiều cái giống nghêu sò ốc hến nhà các người!
Khi mẹ đánh tôi, chị Tám vẫn ngồi thản nhiên quay sợi, làm như chuyện này không liên quan gì đến chị. Tôi khóc sụt sịt, rửa mặt trong chậu gốm, nước trong chậu lập tức đen kịt. Mẹ đứng sau tôi, miệng vẫn chửi lảm nhảm, nhưng tôi biết không phải mẹ chửi tôi. Rồi mẹ lấy gáo múc nước sạch gội đầu cho tôi, mẹ khóc tấm tức. Dòng nước từ trên đầu chảy xuống cứ trong dần. Mẹ lấy khăn mặt lau đầu cho tôi, vừa lau vừa nói:
– Con ơi, ngày ấy mẹ cũng không còn cách nào khác! Nhưng trời đã sinh ra con thì con phải nhìn thẳng vào sự việc. Con đã mười tám tuổi, là một người đàn ông rồi, Tư Mã Khố dù trăm xấu nghìn xa, nhưng vẫn dáng mặt là một thằng đàn ông, con phải học tập nó?
Tôi gật đầu hứa với mẹ, nhưng lập tức nghĩ ngay đến chuyện nuốt vàng. Tôi định thú thực với mẹ thì thấy chị Lai Đệ vừa thở vừa chạy về. Chị là công nhân nhà máy diêm của khu, chiếc tạp đề chị đang mặc có dòng chữ
Nhà máy diêm ánh Sao khu Đại Lan. Chị hốt hoảng bảo mẹ:
– Mẹ, nó về rồi!
Mẹ hỏi: – Đứa nào về?
– Thằng Câm – chị nói.
Mẹ lấy khăn mặt lau tay, buồn rầu nhìn chị Cả, nói:
– Con ơi! có lẽ số kiếp nó thế!
Thằng Câm đi vào nhà tôi bằng cách đặc biệt của hắn. Mấy năm không gặp, trông hắn có già đi, mớ tóc hoa râm ló ra dưới vành mũ lính đội ngay ngắn. Đôi con ngươi vàng của hắn trông càng u tối, cái cằm rắn chắc chìa ra như chiếc lưỡi cày han gỉ. Hắn mặc chiếc áo quân phục mới tinh, thắt lưng rất chặt đúng quân phong quân kỷ. Trước ngực đeo một lô huy chương. Hai cánh tay dài quá khổ, bàn tay đeo găng trắng bằng vải bông lồng vào hai chiếc ghế nhỏ. Một đệm da gắn dưới đít, như là một bộ phận của mông. Hai ống quần rộng thùng thình buộc lại với nhau trước bụng. Hình như hai chân hắn cụt đến bẹn. Đó là toàn bộ chân dung của Thằng Câm xuất hiện trước mặt chúng tôi sau nhiều năm xa cách. Hai tay hắn tì trên hai ghế, nhích từng bước một, tấm đệm dưới đít thấp thoáng màu huyết dụ.
Sau năm cái nhích lên, hắn dừng lại cách chúng tôi khoảng ba thước rưỡi. Khoảng cách này đủ để giao lưu ánh mắt với chúng tôi mà không phải ngửa mặt lên. Nước bẩn gội đầu lan đến chỗ hắn, hắn chống tay lùi lại một tí. Nhìn hắn tôi mới hiểu rằng, chiều cao của người ta là do hai chân quyết định. Mất đi hai chân nửa người trên của Tôn Bất Ngôn càng đồ sộ. Con người này tuy còn có nửa người, nhưng vẫn tiềm ẩn một sức mạnh kinh người. Hắn giương mắt nhìn chúng tôi, một tình cảm phức tạp hiện rõ trên khuôn mặt xám ngoét, cái cằm rung rung như ngày xưa, lập bập mãi mới thốt được mấy tiếng: – Cởi cởi cởi! Hai giọt nước mắt trong suốt như pha lê ứa ra từ hốc mắt…
Hắn rút tay khỏi ghế, giơ lên cao làm điệu bộ, miệng vẫn: Cởi, cởi, cởi! Tôi lập tức đoán rằng, hắn hỏi thăm Câm anh và Câm em, vì từ khi đi chuyển lên đông bắc, chúng tôi chưa gặp lại hắn lần nào. Mẹ dùng khăn che mặt, vừa khóc vừa chạy vào trong nhà, Thằng Câm đã hiểu ra, hắn gục đầu xuống ngực.
Mẹ cầm ra hai chiếc mũ quả dưa nhỏ vấy máu đưa cho tôi, ra hiệu chuyển cho hắn. Tôi quên bẵng chiếc nhẫn trong bụng, đi tới trước mặt hắn. Hắn ngửa mặt nhìn thân hình cao như cây sào của tôi, buồn bã lắc đầu. Tôi cúi xuống, nhưng thấy vậy bất tiện, liền ngồi xuống đưa hai chiếc mũ cho hắn, rồi chỉ tay về quảng đông bắc. Tôi nhớ lại chuyến đi bi thảm ngày ấy, nhớ lại tình cảnh Thằng Câm cõng một thương binh gãy chân trên đường rút lui, lại càng nhớ hai cái xác Cârn anh và Câm em bị bỏ lại trong hố đạn pháo. Hắn chìa tay lấy chiếc mũ đưa lên mũi ngửi không khác chó nghiệp vụ đánh hơi hung thủ hoặc đánh hơi người chết, rồi đặt xuống giữa hai chân quần, đón lấy chiếc thứ hai đưa lên mũi ngủi rồi đặt lên trên chiếc thứ nhất. Sau đó, mặc dù không một lời mời mọc, bằng hai tay, hắn đi khắp các xó xỉnh trong nhà, hết gian chính đến gian phụ, từ nhà xay đến nhà kho. Hắn thậm chí còn đi một vòng ra chỗ nhà xí, thò đầu vào ổ gà xem xét một luật. Tôi đi theo sau, thích thú nhìn ngắm cách thức đi chuyển nhẹ nhàng của hắn. Vào đến phòng ngủ của chị Cả và Sa Tảo Hoa, hắn biểu diễn động tác trèo lên giường. Hắn ngồi dưới đất, mắt ngang tầm giường, tôi buồn thay cho hắn. Nhưng chuyện xảy ra sau đó chúng tỏ tôi đã lo bò trắng răng. Thằng Câm hai tay bám thành giường rồi từ từ đu người lên. Tôi chưa bao giờ thấy những cánh tay khỏe đến như thế, trừ một lần xem xiếc. Đầu hắn đã cao quá mặt giường, hai cánh tay kêu răng rắc rồi đột nhiên hất người hắn lên giường. Hắn chỉ ngất ngưỡng một hai cái rồi trở lại tư thế ngồi ngay ngắn.
Hắn ngồi trên giương chị Cả, nghiễm nhiên là một gia trưởng, càng giống một thủ trưởng. Tôi đứng bên giường, tự cảm thấy mình là người ngoài.
Trong buồng mẹ, chị Cả vừa khóc vừa nói:
– Mẹ bảo nó đi đi, con không cần nó. Khi nó còn lành lặn, con đã không thích nó, bây giờ nó chỉ còn một nửa người, con lại càng không cần
Mẹ nói:
– Con ơi, chỉ sợ rước về thì dễ, đuổi đi thì khó!
Chị Cả nói:
– Ai rước nó về?
Mẹ nói:
– Đây là sai lầm của mẹ. Cách đây mười sáu năm, mẹ đã hứa gả con cho nó. Mối oan nghiệt này không hiểu thắt nút tự bao giờ?
Mẹ rót một bát nước nóng đưa cho Thằng Câm. Hắn giơ tay đón, mắt chớp chớp, có vẻ rất cảm động, uống một hơi ừng ực.
Mẹ nói:
– Tôi cứ ngỡ anh đã chết, ai ngờ anh còn sống. Tôi không bảo vệ được hai đứa con của anh, tôi đau xót hơn anh nhiều, con là con của anh chị nhưng nuôi dưỡng chúng là tôi. Xem ra, anh là người có công với nước, Chính phủ sẽ có nơi có chốn cho anh hưởng phúc. Chuyện hôn nhân cách đây mười sáu năm là do tôi bao biện kiểu phong kiến. Xã hội mới bây giờ hôn nhân tự do, không ai được ép buộc. Anh là người của Chính phủ thì nên độ lượng, xin đừng chì chiết mẹ góa con côi chúng tôi. Hơn nữa, Lai Đệ chưa lấy anh mà ba đứa em đã chống lại nó. Tôi xin anh, anh hãy về nơi Chính phủ sắp xếp cho anh hồng phúc, anh đi đi!
Thằng Câm không đếm xỉa những lời xin xỏ của mẹ. Hắn chọc thủng giấy dán cửa sổ nhìn ra ngoài sân. Chị Cả tìm đâu ra chiếc kẹp rèn sắt cầm bằng cả hai tay xông vào, chửi:
– Thằng Câm, thằng cụt, cút khỏi đây!
Chị định kẹp Thằng Câm, nhưng hắn chỉ vươn tay một cái là tóm được cái kẹp, chị không sao giằng lại được. Trong cuộc đấu không cân sức đó, Thằng Câm vênh váo nở nụ cười khinh miệt. Chị Cả bỏ tay ra, ôm mặt vừa khóc vừa bảo Thằng Câm:
– Anh Câm, anh từ bỏ ý định ấy đi! Thà rằng tôi lấy lợn đực còn hơn là lấy anh!
Tiếng thanh la rộn ràng trong ngõ, một đoàn người ồn ào kéo vào nhà tôi, đi đầu là ông trưởng khu, theo sau là mười mấy cán bộ, lại còn một đám đông học sinh tiểu học tay cầm hoa. Trưởng khu khom người chui vào nhà, nói với mẹ:
– Chúc mừng! Chúc mừng!
Mẹ mặt lạnh như tiền, hỏi:
– Mừng gì mà chúc?
Trưởng khu nói:
– Bác ơi, mừng từ trên trời rơi xuống. Nghe tôi nói đã!
Các học sinh đứng vẫy hoa trong sân, reo từng đợt:
– Chúc mừng, chúc mừng! Gia đình vẻ vang, chúc mừng chúc mừng!
Trưởng khu gập từng ngón tay, nói:
– Thưa bác, chúng tôi đã phúc tra hồ sơ trong cải cách ruộng đất, thấy rằng qui gia đình bác thành phần trung nông là không thỏa đáng! Sau khi gặp nạn, gia đình bác đã phá sản, thực tế chỉ là bần nông đỏ. Nay chúng tôi đã sửa lại thành phần cho bác, thành phần bác là bần nông. Đó là chuyện vui mừng thứ nhất. Chúng tôi đã nghiên cứu những tư liệu về cuộc tàn sát của giặc Nhật năm một chín ba chín, cho rằng có một sự thực là mẹ chồng và bác giai đều có chống cự lại chúng và hy sinh vẻ vang, vậy phải khôi phục vị trí lịch sử cho họ, gia đình bác dáng được hưởng chính sách ưu đãi. Đó là chuyện vui mừng thứ hai. Do hai chuyện trên, trưởng trung học quyết định tiếp nhận Kim Đồng vào học. Nhà thương sẽ bố trí người phụ đạo những bài chưa học cho Kim Đồng. Đồng thời, cháu ngoại của bác, cô Sa Tảo Hoa cũng có dịp được học tập, đoàn kịch Mậu Xoang tuyển diễn viên, chúng tôi sẽ cố sức bảo lãnh cho cháu được trúng tuyển. Đó là chuyện vui mừng thứ ba. Điều vui mừng thứ tư, tất nhiên là Tôn Bất Ngôn, con rể của bác, đặc dẳng công thần Chí nguyện quân, vinh qui cố hương. Điều vui mừng thứ năm là Viện điều dưỡng quân nhân vẻ vang quyết định tuyển dụng cô Lai Đệ là hộ lý bậc Một, cô không phải đến Viện, hàng tháng có người đem lương đến tận nhà. Điều vui mừng thứ sáu là mừng người anh hùng của chúng ta đoàn tụ với người bạn đời Lai Đệ. Hôn lễ của anh chị sẽ do Chính phủ đảm nhiệm. Bác ơi, bác là bà mẹ cách mạng có sáu chuyện mừng trong một ngày.
Mẹ như bị sét đánh, mắt trợn ngược, cái bát trong tay rơi xuống đất.
Trưởng khu giơ tay vẫy, một cán bộ rẽ đám học sinh đi tới theo sau là một nữ sinh tay cầm bó hoa. Anh cán bộ đưa cho trưởng khu một gói bọc bằng giấy trắng, nói nhỏ: giấy chứng nhận gia đình bị giặc sát hại.
Trưởng khu chuyển cái gói cho mẹ, nói:
– Thưa bác, đây là giấy chứng nhận gia đình bị giặc sát hại!
Mẹ run run đỡ lấy, ôm trước người.~ Em nữ sinh bước tới cài một bông hoa trắng trên kích áo mẹ, chỗ gần nách. Anh cán bộ lại đưa cho trưởng khu một gói bọc giấy hồng, nói: giấy bổ nhiệm. Trưởng khu chuyển cho chị Cả, nói:
– Chị Cả, đây là giấy bổ nhiệm.
Chị Cả giấu hai tay đầy muội than ra sau lưng. Trưởng khu kéo tay chị ấn bọc giấy hồng vào tay, nói:
– Phải vậy thôi!
Em nữ sinh lại cài lên kích áo chị bông hoa tím. Anh cán bộ khu đưa cho Trưởng khu một bọc gói trong giấy màu vàng, nói: đây là thông báo nhập học. Trưởng khu chuyển cho tôi, nói:
– Chú em, tiền đồ của chú sáng sủa lắm, hãy cố học cho giỏi nhé!
Em nữ sinh trao cho tôi một bó hoa màu vàng kim, cặp mắt đa tình nhìn tôi quyến rũ. Tôi ngửi mùi hương thoang thoảng của bông hoa vàng, chợt nhớ đến chiếc nhẫn trong bụng. Trời ơi, biết thế này thì tôi nuốt vàng làm gì? Anh cán bộ khu đưa cho Trưởng khu chiếc gói bằng giấy màu tím, nói: đây là giấy gọi vào Đoàn kịch. Trưởng khu cầm cái gói, nhìn quanh tìm Sa Tảo Hoa. Sa Tảo Hoa từ sau cánh của bước ra đón lấy cái gói. Ông Trưởng khu bắt tay nó, nói:
– Em gắng họ cho tốt để trở thành diễn viên nổi tiếng.
Em nữ sinh tặng Sa Tảo Hoa một bông hoa tím. Khi nó giơ tay nhận bông hoa, chiếc huy chương lấp lánh rơi xuống đất. Trưởng khu nhặt cái huy chương lên, xem hoa văn và chữ trên đó liền đưa cho Thằng Câm. Thằng Câm đeo chiếc huy chương lên người. Tôi vừa sợ vừa mừng khi nghĩ rằng: Một tên trộm cắp siêu hạng đã xuất hiện trong nhà tôi. Trưởng khu nhận cái gói cuối cùng từ tay anh cán bộ, chiếc gói màu xanh lam, chuyển cho Thằng Câm, nói:
– Tôn Bấc Ngôn, đây là giấy đăng ký kết hôn của đồng chí với Thượng Quan Lai Đệ. Khu đã làm thủ tục giấy tờ cho đồng chí, hai người chỉ cần điểm chỉ là xong!
Cô nữ sinh đưa tận tay Thằng Câm một bông hoa màu xanh.
Trưởng khu nói:
– Bác ơi, bác có ý kiến gì không? Xin chớ khách khí, chúng ta là người trong nhà! Mẹ nhìn chị Cả, vẻ khó xử. Chị Cả tay cầm bông hoa, miệng méo xệch, những giọt nước mắt rơi trên bông hoa tím.
Mẹ phát biểu đầy mâu thuẫn: – Xã hội đổi mới rồi, bọn trẻ có ý kiến của chúng, do chúng quyết định?.
Trưởng khu nói:
– Đồng chí Lai Đệ, đồng chí có ý kiến gì không
Chị Cả nhìn chúng tôi, thở dài: – Số tôi nó như thế?
Trưởng khu nói: – Vậy thì tốt rồi! Tôi lập tức cho người đến dọn dẹp. Tối mai làm lễ thành hôn
Đêm hôm đó tôi ị được cái nhẫn ra ngoài. Chính vào giờ phút tôi trút được gánh nặng đó, nhà máy diêm ánh Sao của trấn Đại Lan xảy ra vụ nổ, nhà máy bị cháy rụi, tất cả nữ công nhân của nhà máy, trừ chị Lai Đệ, không một ai sống sót.
2
Tổ y tế gồm hơn chục bác sĩ của bệnh viện huyện, dưới sự chỉ đạo của chuyên gia Liên Xô, đã vận dụng học thuyết Páplốp chữa khỏi chứng luyến nhũ yếm thực* (*chứng bệnh chỉ ăn sữa, không ăn được thứ gì khác) cho tôi. Tôi rũ bỏ những ràng buộc, vào trường trung học. Tôi học rất giỏi, trở thành học sinh ưu tú của khối tiểu, trung học thị trấn Đại Lan. Đây là thời hoàng kim trong cuộc đời tôi. Tôi có một gia đình cách mạng nhất, có một đầu óc thông minh nhất, có một thân thể và tâm hồn lành mạnh có một khuôn mặt mà các bạn nữ không dám nhìn thẳng vào. Tôi ăn rất khỏe. Trong nhà ăn của học sinh, tôi dùng đũa xâu từng xâu màn thầu, tay kia thì cầm củ dưa hành to tướng, vừa cười nói vừa nhai hành rau ráu. Trong nửa năm tôi nhảy hai lớp, là cán sự môn tiếng Nga của lớp 3A, không làm đơn cũng được kết nạp vào Đoàn, và lập tức được bầu là ủy viên tuyên truyền của Chi đoàn, chủ yếu là quản ca, hát dân ca Nga băng tiếng Nga. Giọng tôi trầm lắng, có cái nhuần nhuyễn của sữa và hoang đã của hành dại, tôi cất tiếng hát là đám đông cứ lặng đi mà nghe. Tôi là ngôi sao sáng của trường trung học Đại Lan cuối những năm 50. Cô giáo Hoắc, một phụ nữ có khuôn mặt đoan chính, từng làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô rất khen ngợi tôi, nhiều lần biểu dương tôi trên lớp, khen tôi rất có khiếu ngoại ngữ. Để nâng cao trình độ Nga văn cho tôi, cô đã móc nối một nữ sinh lớp chín trường trung học thành phố Khác-cốp để tôi trao đổi thư từ. Cô ta là con một chuyên gia Liên Xô từng công tác ở Trung Quốc, tên là Natasa. Chúng tôi gửi ảnh cho nhau.
Trên tấm ảnh trắng đen, Natasa giương đôi mắt to nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, cặp lông mi cong vút…
Kim Đồng tim đập dữ dội, máu dồn lên đầu, tay cầm tấm ảnh run lẩy bẩy. Cặp môi đỏ mọng của Natasa hé mở, hàm răng trắng muốt, một mùi thơm thoang thoảng của hoa dạ lan vấn vương ngay trước mặt, khiến Kim Đồng thấy sống mũi cay xè. Anh trông thấy mái tóc hoe vàng của Natasa rủ trên bờ vai mịn màng, cổ áo xẻ trễ, có thể là áo của mẹ hay của cô, thấp thoáng cặp vú xinh xắn, cái cổ dài, khoảng lõm giữa ngực trông rõ mồn một. Nước mắt Kim Đồng tự nhiên ứa ra. Qua làn nước mắt, Kim Đồng hình dung toàn bộ cặp vú của Natasa, mùi sữa thơm thơm tràn vào tâm thức, nghe văng vẳng tiếng gọi từ phương bắc xa xôi với thảo nguyên mênh mông, rùng bạch dương bát ngát, căn nhà nhỏ trong rừng, những cây sam tuyết phủ trĩu cành… Phong cảnh mê hồn lướt qua trước mắt như một cuộn phim và từng cảnh đều có Natasa ôm bó hoa màu tím. Kim Đồng đưa hai tay lên bưng mặt, khóc lên vì sung sướng, nước mắt lọt qua kẽ ngón tay…
– Kim Đồng, bạn làm sao thế? – Một bạn nữ có cái cằm nhọn lắc vai Kim Đồng, hỏi.
Kim Đồng vội giấu tấm ảnh, nói:
– Không làm sao cả!
Đêm hôm ấy, Kim Đồng chập chờn trong trạng thái nửa ngủ nửa thức. Natasa với chiếc váy phồng dài lê thê đi lại trước mặt anh. Anh nói với Natasa rất nhiều chuyện bằng tiếng Nga mà anh diễn đạt không khó khăn gì, nhưng thái độ của cô lúc vui vẻ, lúc giận dỗi, đưa anh từ tuyệt đỉnh của niềm vui rơi xuống vực sâu của tuyệt vọng, rồi với nụ cười trêu chọc, đưa tay lôi anh từ dưới vực lên.
Sáng ra, ông bố của hai đứa trẻ là Triệu Phong Niên ngủ giường dưới kháng nghị:
– Kim Đồng, tôi biết là anh tiếng Nga rất giỏi, nhưng anh phải cho tôi ngủ với chứ? Kim Đồng đầu nhúc như búa bổ, khó khăn lắm mới rũ được hình ảnh xinh đẹp của Natasa. Anh buồn rầu xin lỗi Triệu Phong Niên. Nhìn sắc mặt tái nhợt và cặp môi nút nẻ của Kim Đồng, Triệu Phong Niên kinh ngạc hỏi:
– Kim Đồng, cậu ốm rồi!
Kim Đồng lắc đầu đau khổ, cảm thấy dòng suy nghĩ của mình không sao nắm bắt được, y hệt một chiếc xe đang xuống dốc, dưới chân dốc là thảo nguyên mọc đầy hoa tím, Natasa xinh đẹp tay nâng gấu váy lặng lẽ chạy tới.
Anh ôm chặt và đập đầu côm cốp vào cọc giường. Triệu Phong Niên chạy đi gọi giáo viên chủ nhiệm Tiêu Kim Cương. Ông là một cán bộ công nông xuất thân từ đội đặc công, từng tuyên bố bắn bỏ cô giáo Hoắc Lệ Na về tội mặc váy ngắn, cho rằng ăn mặc như vậy là trụy lạc. Đôi mắt ti hí, dữ dằn trên khuôn mặt tai tái của ông khiến Kim Đồng lạnh xương sống.
– Kim Đồng, em làm cái trò gì vậy? – Thầy Tiêu Kim Cương nghiêm giọng hỏi.
– Tiêu Kim Cương, đồ mặt mẹt! Ông không khiến ngươi chõ mõm vào! – Bất chấp hậu quả, Kim Đồng chọc tức thầy giáo, định mượn cái uy của ông rũ bỏ hình ảnh Natasa.
Tiêu Kim Cương đấm cho Kim Đồng một quả vào đầu, chửi:
– Mẹ mày, dám chửi ông hả? Trò cưng của Hoắc Lệ Na đây! Tao quyết không tha mày?
Bữa ăn trưa, Kim Đồng không cưỡng được cơn buồn nôn khi ngồi trước bát cháo ngô. Anh hoảng sợ nhận ra rằng, chứng bệnh luyến nhũ yếm thực lại tái phát. Anh bê bát cháo lên, cố dùng đôi chút lý trí còn lại buộc mình phải ăn, nhưng vừa nhìn vào bát cháo, anh trông thấy hai bầu vú nổi lềnh bềnh trong đó. Bát cháo rơi xuống đất vỡ thành nhiều mảnh, cháo bỏng đổ vào chân vậy mà anh không cảm thấy gì.
Các bạn học kinh hoàng dìu anh đến phòng y tế. Cô y tá nhà trường lau sạch cháo bám trên bàn chân và bôi thuốc mỡ cho anh. ánh nhìn chòng chọc bức tranh giải phẫu sinh lý treo trên trong. Cô y tá đút cái cặp nhiệt độ vào miệng cho anh ngậm, miệng anh chúm chím như mút vú. Cô tiêm cho anh một liều thuốc an thần, bảo các bạn đưa anh về phòng ngủ.
Anh xé cái ảnh Natasa thành trăm mảnh, vứt xuống sông phía sau nhà trường. Những mảnh Natasa trôi theo dòng nước rồi chụm lại ở một chỗ xoáy, anh lại trông thấy một Natasa nguyên vẹn như nàng tiên cá, ngực trần lồ lộ, mái tóc dài chấm mông. Nàng buồn bã nghiêng nghiêng mái đầu, những giọt nước chảy trên cổ, hai tay nâng bầu vú, núm vú đỏ hồng như quả nho chín. Điệu dân ca quen thuộc, buồn buồn, từ lòng sông dâng lên. Natasa nhìn Kim Đồng có vẻ oán trách. Anh nghe rõ lời cô: Anh tàn nhẫn lắm! Kim Đồng lòng như dao cắt, anh cảm thấy mình bị chìm trong mùi sữa xô tới từng đợt như sóng biển.
Từ xa, các bạn học trông thấy Kim Đồng lao đầu xuống sông, còn nghe anh thét lên câu gì đó. Họ nháo nhào chạy ra bờ sông, có người chạy về trường gọi người. Kim Đồng chìm xuống đáy sông. Natasa bơi giữa các bụi cỏ nước như cá, vừa bơi vừa vẫy gọi anh. Nước xộc vào miệng làm anh ngất đi.
Kim Đồng mở mắt, thấy mình nằm trên giường mẹ. Đầu anh trống rỗng, trong tai có tiếng ù ù như gió thổi qua dây diện. Anh thử ngồi dậy, nhưng mẹ ngăn lại. Mẹ cho anh uống một ít sữa dê trong bình. Anh nhớ mang máng rằng con dê của anh đã chết, vậy sữa dê này lấy ở đâu? Đầu óc anh mụ đi, không sai khiến được nữa, anh mệt mỏi nhắm mắt lại. Trong cơn thảng thốt, anh nghe thấy mẹ bàn với chị Cả về chuyện trừ tà. Tiếng mẹ ồm ồm như nói trong chum, nghe như từ một nơi rất xa vọng lại. Mẹ nói:
– Nó bị ma ám!
Chị Cả hỏi:
– Ma nào?
Mẹ nói:
– Theo mẹ thì là con hồ ly tinh.
Chị Cả hỏi:
– Có phải cái cô góa chồng ấy không? Khi còn sống, cô ấy thờ hồ ly tinh.
Mẹ nói:
– Tiên thật quá đáng, chọn ngay Kim Đồng nhà mình! Hừm, mới được ít ngày sống dễ chịu…
Chị Cả nói:
– Mẹ, đối với con bây giờ một ngày cũng không sống nổi… Mẹ ơi, nếu con có làm chuyện gì đó thì mẹ đừng có mắng đấy nhé!…
Mẹ nói:
– Mẹ còn có thể mắng con về chuyện gì?
Kim Đồng nằm hai ngày, đầu óc dần dà trở lại linh hoạt, hình ảnh Natasa lúc nào cũng đứng ngay trước mặt. Anh rửa mặt, thấy Natasa khóc trong chậu. Anh soi gương, thấy Natasa cười trong gương. Anh nhắm mắt lại, nghe thấy tiếng thở của cô, thậm chí còn cảm thấy tóc cô quệt vào mặt, bàn tay âm ấm của cô rờ khắp cơ thể anh. Bà Lỗ sợ đến mụ người trước những cử chỉ kỳ quặc của cậu con trai yêu quí, bà chỉ khóc, suốt ngày luẩn quẩn quanh bên anh. Anh soi khuôn mặt vàng võ trong chum nước, thốt lên:
– Cô ấy ở trong này!
Mẹ hỏi:
– Ai? – Cô ấy?
– Cô ấy là ai?
– Natasa. Cô ấy lại không vui rồi!
Bà trông thấy con trai thò tay vào chum. Trong chum không có gì khác, ngoại trừ nước, nhưng con trai bà vẫn rất xúc động, lẩm bẩm nói những gì mà bà không hiểu. Bà kéo con trai ra, đậy nắp chum lại, nhưng Kim Đồng đã lại quì bên cái chậu bằng gốm nói chuyện với nước trong chậu. Bà đổ hết nước trong chậu đi, Kim Đồng lại dán mặt vào cửa kính, môi dẩu ra như nói chuyện với bóng của mình.
Mẹ tuyệt vọng, ôm lấy Kim Đồng mà khóc:
– Con ơi, con làm sao thế? Mẹ vất vả mới nuôi được con khôn lớn, ngờ đâu con đến nông nỗi này?…
Mắt mẹ mọng nước, Kim Đồng trông thấy Natasa nhảy múa trong đó, từ giọt này nhảy sang giọt kia.
– Cô ấy đây rồi – Anh nhìn chằm chằm giọt nước mắt trên mặt mẹ, nói – Em đừng chạy, Natasa?
– Cô ấy ở đâu? – Mẹ hỏi.
– Trong nước mắt ấy? – Kim Đồng nói.
Bà Lỗ vội lau sạch nước mắt. Kim Đồng thở dài:
– Cô ấy nhảy vào trong mắt mẹ rồi!
Cuối cùng bà Lỗ đã hiểu, bất cứ vật gì có thể soi gương là có Natasa trong đó. Bà đậy nắp tất cả những thứ đựng nước, chôn gương dưới đất, dán kín cửa kính bằng giấy màu đen và không để Kim Đồng nhìn vào mắt. Kim Đồng lập tức nhìn thấy Natasa trong bóng tối. Từ giai đoạn tìm mọi cách tránh mặt Natasa, anh tiến tới điên cuồng đuổi theo Natasa. Còn cô thì từ chỗ lúc nào cũng có mặt, tiến tới giai đoạn né tránh như chơi trò ú tim. Anh nói với xó nhà tối mò: Natasa, nghe anh nói này?… rồi lao thẳng vào. Natasa chui vào hang chuột, Kim Đồng cũng thực sự cảm thấy anh chui vào theo, rượt đuổi cô trong cái hang ngoằn ngoèo, gọi toáng lên: Natasa, Natasa, đừng chạy? Sao em lại chạy tôi? Natasa chui ra từ một lỗ khác, biến mất. Anh tìm khắp xó xỉnh, phát hiện ra cô dán vào tường, người dẹt như tờ giấy. Anh nhào tới, hai tay sờ mặt tường, cho rằng đang sờ mặt Natasa. Natasa luồn qua nách anh chui vào trong bếp lò, mặt đầy bụi tro. Anh quì trước cửa bếp, thò tay vào lau mặt cho cô, mặt cô không sạch nhưng mặt anh thì đen nhẻm.
Mẹ dùng đủ mọi cách mà vẫn chào thua, cuối cùng, mời được Mã Sơn Nhân, một phù thủy có tài trước quỉ trừ tà bỏ nghề đã lâu. Mã Sơn Nhân pháp thuật cao cường, lấy giấy trắng cắt thành con chim bồ câu, niệm câu thần chú thổi phù một cái, con chim bay lên trời. Cối xay bột trong nhà ông đều do bọn tiểu quỉ đảm nhiệm việc đẩy cối. Rất nhiều người trông thấy cối xay lớn trong nhà ông tự động quay, bột rơi rào rào xuống thớt hứng. Ông có một thanh kiếm bằng gỗ đào, ra ngoài là đem theo bên mình. Một bận, ông sơ ý để quên thanh kiếm ở nhà, bị bọn quỉ lâu nay làm không công cho ông, bắt giữ. Bọn chúng lôi ông đến một khúc sông dìm xuống bùn, suýt nữa ông chết ngạt. Ông cắn ngón tay giữa lấy máu trừ tà mới thoát hiểm. Về nhà, ông múc một chậu đầy nước, niệm chân ngôn bắt tất cả bọn quỉ lại, dùng thanh kiếm gỗ đào khuấy nước trong chậu, bọn quỉ la khóc, chậu đầy máu. Ông chém chết hết bọn quỉ. Ông thấy hối hận vì mình quá tàn nhẫn, bèn rửa tay không hành nghề nữa. Ông không những biết trước quỉ mà còn có tài sai khiến linh hồn con người. Một bận, ông mở tiệc, khách khứa rất đông, từ xa có một người đàn bà đi tới, trong đám khách có một ông quan huyện hỏi:
– Ông Mã, ông biết trước quỉ, nhưng ông có chế ngự được con người không?
Mã Sơn Nhân nói:
– Tôi có thể bắt người đàn bà kia cỏi bỏ hết quần áo mà đi đến đây.
Ông giơ tay bắt quyết miệng niệm thần chú. Quả nhiên người đàn bà cởi bỏ hết quần áo rồi thản nhiên đi tới trước mặt Mã Sơn Nhân hỏi:
– Cha lâu nay mạnh khỏe chứ ạ?
Thì ra người này là con gái Mã Sơn Nhân. Ông ta ngượng quá, vội làm phép hóa giải. Người con gái ông ta chợt nhận thấy mình trần truồng trước các vị khách, thẹn quá hóa giận, lui vào hậu đường nuốt nhẫn vàng mà chết. Từ đó, ông sống như người bình thường, không bao giờ trước quỉ trừ tà nữa. Mà thay đổi được ý định của ông ta, quả không dễ.
Sơn Nhân mặc áo chùng đen, xõa tóc, chân không giày, bàn chân nhuộm đỏ, tay cầm kiếm gỗ đào, miệng lẩm bẩm những gì không rõ. Kim Đồng nhìn ông ta, nhớ lại những truyền thuyết ly kỳ về ông, bỗng thấy tinh thần phấn chấn khang khác uống một bát to đầy dấm, hình ảnh Natasa tạm thời biến mất khỏi cái đầu rối mù. Sơn Nhân sắc mặt tím tái, mắt lồi, tướng mạo hung dữ. Ông bị viêm họng, khạc nhổ luôn miệng, đờm trắng như gà bị bệnh cứt cò. Ông vừa múa kiếm vừa nhảy một vũ điệu kỳ quái. Nhảy một hồi xem chừng đã mệt, ông ta dừng lại bên chậu nước, niêm thần chú, nhổ vào chậu một bãi nước bọt rồi thò kiêm vào khuấy nước trong chậu, một lúc sau quả nhiên nước trong chậu đã biến thành màu hồng. ổng ta quẳng kiếm ngồi thở, gọi Kim Đồng lại bảo:
– Cậu xem trong chậu có gì?
Kim Đồng ngửi thấy mùi thuốc bắc trong chậu, bèn nhìn chăm chú mặt nước đã phẳng như gương. Anh giật mình khi thấy khuôn mặt mình thước đây hồng hào là thế mà bây giờ vàng võ đầy nếp nhăn?
– Có thấy gì không? – Sơn Nhân đứng bên hỏi dồn. Khuôn mặt Natasa từ đáy chậu dềnh lên, đầy máu, lồng vào khuôn mặt Kim Đồng. Cô chửi khẽ: – Kim Đồng, anh tàn nhẫn lắm? – Natasa! – Kim Đồng rú lên thê thảm rồi vục mặt vào chậu nước. Anh nghe thấy mẹ nói với chi Cả:
– ổn rồi, khiêng nó vào trong nhà!
Kim Đồng chồm dậy, quyết một phen sống mái với Sơn Nhân. Đây là lần đầu tiên trong đời, anh đánh người, mà lại cả gan, dám tấn công một người làm bạn với ma quỉ. Tất cả vì Natasa? Anh giơ tay trái túm lấy bộ râu đốm bạc của Sơn Nhân cố sức dằn xuống, miệng Sơn Nhân há hốc như hình trứng, nước dãi lòng thòng trên mu bàn tay Kim Đồng. Natasa tay chống cằm ngồi trên đầu lưỡi Sơn Nhân, nhìn Kim Đồng bằng con mắt tán thưởng. Được cổ vũ, Kim Đồng giật càng mạnh, hơn nữa, còn dùng cả hai tay. Ông Sơn Nhân đau đớn oằn người xuống chẳng khác pho tượng nhân sư vẽ trong sách giáo khoa. Ông giơ kiếm gỗ chém vào chân Kim Đồng, nhưng vì Natasa, anh không thấy đau. Đau cũng không bỏ ra, để bảo vệ Natasa đang ở trong miệng Sơn Nhân. Anh nghĩ đến hậu quả đáng sợ một khi bỏ tay ra: Natasa bị Sơn Nhân nhai nát bét rồi nuốt. Ôi cái bụng của ông ta bẩn thỉu làm sao! Tên ác ma chuyên dùng pháp thuật giết hại phụ nữ! Tên ma đầu chuyên bắt bọn tiểu quỉ đáng yêu xay bột không công. Chuyện ông ta có thể cắt giấy thành chim bồ câu thì còn khả dĩ. Chuyện ông ta gấp thuyền giấy thả vào chậu nước rồi ngồi lên thuyền, chỉ một đêm đã tới Nhật Bản, hôm sau trở về đem theo bao nhiêu là quít ngọt biếu bố vợ thì còn khả dĩ. Nhưng tại sao ông ta lại hãm hại Natasa? Natasa, mau nhảy ra đi! Kim Đồng sốt ruột gọi. Natasa hình như bị điếc, vẫn ngồi yên trên đầu lưỡi Sơn Nhân. Kim Đồng cảm thấy chòm râu Sơn Nhân ngày càng trơn. Dòng máu trên vú Natasa chảy dài xuống chòm râu của ông ta, nhuộm đỏ hai bàn tay Kim Đồng. Ông Sơn Nhân vút kiếm, hai tay túm hai tai Kim Đồng rồi ra sức kéo sang hai bên. Miệng Kim Đồng tự nhiên há ra, anh nghe thấy tiếng la hét của mẹ và chị Cả. Anh buộc phải rời tay khỏi chòm râu.
Hai người quần nhau quanh sân. Mẹ và chị Cả cũng chạy vòng quanh Kim Đồng và ông ta. Anh bị vấp không tránh kịp, Sơn Nhân ngoạm đúng mu bàn tay, căn chặt không nhả. Anh hoàn toàn lâm vào thế yếu, hai tai gần như bị dứt đứt, tay bị cắn rách lòi xương. Anh gào khóc vì đau đớn. Nhưng nỗi đau trong tim còn ghê gớm hơn cái đau trên da thịt khi anh cảm thấy tuyệt vọng về Natasa. Nàng đã bị Sơn Nhân nuốt chửng, đang thối rữa trong bụng ông ta, những gai trên thành dạ dày đang chà xát nàng. Mắt anh tối sầm lại như bị con cá mục phóng cả túi mực vào mắt.
Tôn Bất Ngôn uống rượn ngoài phố về, đi vào sân. Bằng con mắt quân sự dày dạn kinh nghiệm, hắn nhận ra ngay ai là ta, ai là địch và tình thế mỗi bên. Hắn từ tốn để chai rượu sát chân tường.
Mẹ kêu:
– Cứu Kim Đồng mấy!
Chỉ nháy mắt, Tôn Bất Ngôn đã lết đến sau lưng Sơn Nhân, nện đồng thời cả hai đòn ngồi ở hai tay vào bắp chân Sơn Nhân. Ông ta quị xuống, Tôn Bất Ngôn nện tiếp hai đòn vào hai vai ông ta, hai tai Kim Đồng được giải phóng. Hai chiếc đòn ngồi trong tay Tôn Bất Ngôn lượn một điều theo thế song lôi quán nhĩ, cùng nện đánh bốp vào hai bên má Sơn Nhân, bàn tay Kim Đồng được nhả ra. Sơn Nhân lăn lộn trên mặt đất rồi nhặt thanh kiếm gỗ đứng lên, miệng mím chặt. Tôn Bất Ngôn hộc lên một tiếng rồi ú ớ điều gì đó. Kim Đồng gào khóc định xông tới rạch bụng Sơn Nhân để cứu Natasa, nhưng đã bị mẹ và chị Cả ôm chặt. Sơn Nhân đi vòng qua Tôn Bất Ngôn đang ngồi chồm hổm như hổ vồ mồi, rồi vắt chân lên cổ mà chạy.
Kim Đồng tỉnh táo dần nhưng vẫn không thể ăn cơm. Mẹ đi gặp trưởng khu, ông ta lập tức sai người đi mua một con dê dắt đến. Mẹ cho nó ra ăn cỏ ngoài bãi. Kim Đồng nằm trong nhà, đôi khi cũng đi dạo ngoài đồng. Mỗi khi nhớ lại cái cảnh Natasa máu chảy nhỏ giọt trên hai bầu vú, anh lại nước mắt đầm đìa. Anh không buồn chuyện trò, đôi khi chỉ lẩm bẩm một mình, hễ trông thấy người là lại im như thóc.
Một buổi sáng trời u ám, Kim Đồng nằm trên giường mà khóc cho bầu vú rớm máu của Natasa. Anh thấy nghẹt mũi, đầu óc lâng lâng, một cơn buồn ngủ ập đến. Chính lúc đó từ buồng Lai Đệ và Thằng Câm vọng lại một tiếng kêu rợn tóc gáy khiến Kim Đồng tỉnh ngủ. Anh dỏng tai lên nghe nhưng không thấy động tĩnh gì, định nhắm mắt lại ngủ tiếp thì một tiếng kêu nữa lại vang lên, lần này kéo dài và thê thảm hơn. Kim Đồng tim đập thình thịch, tóc dựng đứng. Anh nhẹ nhàng bước xuống giường, nhón gót đi tới chái đông, nhìn qua khe cửa vào trong buồng. Anh trông thấy Tôn Bất Ngôn đã cởi bỏ quần áo, trông như một con nhện đen khổng lồ phủ lên người Lai Đệ Cái mồm dẩu ra như mồm châu chấu của hắn sùi bọt, lúc cắn đầu vú trái, lúc cắn đầu vú phải. Cổ Lai Đệ gác lên thành giường, sắc mặt trắng nhợt, hai bầu vú mà Kim Đồng đã từng trông thấy hôm ở chỗ cối xay bột, nằm ườn như hai chiếc màn thầu trên ngực. Đầu vú chị rỉ máu. Trên ngực và hai cánh tay chị đầy vết cào cấu: Chị sạch sẽ mịn màng là thế mà nay Thằng Câm đã biến chị thành con cá trước hết vẩy. Hai chân thon dài không có gì che đậy, đập bình bịch trên giường.
Kim Đồng bật khóc. Tôn Bất Ngôn nhả đầu vú ra, vớ lấy chai rượu trên đầu giường thăng cánh ném ra phía cửa. Trong một thoáng trước khi bỏ chạy, Kim Đồng trông thấy chị Lai Đệ rướn cổ lên, và cũng trông thấy thằng Câm luồn bàn tay hộ pháp xuống phía dưới. Chị hét lên một tiếng như bị chọc tiết. Kim Đồng chạy vụt ra sân nhặt hòn gạch ném vào cửa sổ, chửi:
– Thằng Câm, mày không thể chết yên ổn!
Kim Đồng cảm thấy thân thể rã rời, hình ảnh Natasa biến thành mây khói.
Nắm đấm thép của Thằng Câm đấm vỡ cửa kính thò ra ngoài. Kim Đồng khiếp đảm đi giật lùi mãi đến chỗ gốc cây ngô đồng. Cậu trông thấy cái nắm đấm lại rụt vào trong, rồi dòng nước tiểu màu vàng chảy từ chiếc ống nhựa ra ngoài sân, ngay dưới cửa sổ. Cậu cắn môi bỏ đi, đụng phải một người hình dung cổ quái ở cửa buồng.
Anh ta cúi lom khom, hai tay dài buông thõng, đầu cạo trọc, lông mày chổi xể đã đốm bạc, những vết nhăn chằng chịt vây quanh cặp mắt tụt sâu vào. Không ai dám nhìn thẳng vào cặp mắt đó. Khuôn mặt đầy sẹo, không phải vì bỏng thì là do lạnh gây ra, hai vành tai quăn queo như nấm mộc nhĩ. Bộ quần áo Trung Sơn màu xám không vừa với khổ người còn phảng phất mùi long não. Hai cánh tay gầy guộc, móng tay sút mẻ, ngọ nguậy hai bên đùi.
– Ông tìm ai? Kim Đồng tin chắc rằng người này là bạn chiến đấu của Thằng Câm nên hỏi không chút thiện cảm. Anh ta lễ phép vái một vái, ngọng nghịu nói:
– Lãnh… Đệ… Tôi là chồng… là Hàn… Chim!…