Mạc Ngôn
Báu Vật Của Đời
Chương 7
4
Xong vụ gặt, các nàng dâu đều về nhà mẹ đẻ tránh những ngày oi bức. Lấy chồng ba năm rồi, lẽ ra đã tay bế tay bồng, bầu vú căng mọng, vai khoác một bao mẫu giày, mặt mày tươi tinh mà về thăm mẹ. Lỗ Toàn Nhi thì thảm thương quá, người đầy vết tím bầm do chồng tặng, đầu đội những lời chửi rủa tục tằn của mẹ chồng, tay khoác cái gói nhỏ, mắt sung húp, trở về nhà bà cô. Thân đến mấy thì cô cũng không bằng mẹ, vì vậy bao nhiêu nỗi khổ mà không dám nói ra, bước vào cổng phải cố rặn ra một nụ cười. Bà cô mới tinh mắt làm sao, nhìn cái đã thấy hết chuyện, nói:
– Vẫn chưa à?
Lỗ Toàn Nhi bị chạm vào nỗi đau, nước mắt lã chã ướt đầm ngực áo. Bà cô trầm ngâm:
– Cũng lạ, hơn ba năm rồi, lẽ ra phải có rồi chứ?
Lúc ăn cơm, Vu Bàn Vả trông thấy cánh tay Toàn Nhi tím xanh tím đỏ thì chửi:
– Dân Quốc rồi mà còn dám ngược đãi con dâu, tôi mà điên lên, tôi cho nhà Thượng Quan một mồi lửa.
Bà cô trừng mắt, mắng:
– Cơm canh vẫn chưa bịt được miệng ông hả?
Bữa cơm rất thịnh soạn, màn thầu trắng, cá chép om. Bà cô gắp miếng trứng cá bỏ vào bát Toàn Nhi. Ngày tam phục – những ngày nóng nhất – cực kỳ sảng khoái đối với ông Vu Bàn Vả. Ông vác một tay lưới đi, cá đem về gần như là tai họa: ăn không hết, bán thì chăng được mấy tiền. Bà cô bèn mổ bỏ ruột, ướp tương rồi đem phơi khô.
Bà cô nói:
– Cũng không nên chỉ trách mẹ chồng cháu, người ta lấy về làm dâu là mong có người nối dõi, đó là mục tiêu hàng đầu!
Chú dượng nói:
– Bà có cho tôi người nối dõi đâu, mà sao tôi vẫn đối xử tốt với bà?
Bà cô nói:
– Ông dùng có chõ miệng vào! Thế này nhé, ông chuẩn bị lừa, đưa con Nhi lên huyện khám phụ khoa, mình gả chồng thì mình phải lo cho nó.
Toàn Nhi cưỡi trên lưng lừa đi trên cánh đồng mênh mông chằng chịt những kênh mương của vùng đông bắc Cao Mật. Mây trắng từng đám lớn bay trên trời, giữa những kẽ mây, bầu trời xanh trong đến lạ lùng. Hoa màu xanh biếc và cỏ dại chớp thời cơ sinh sôi nẩy nở, con đường nhỏ chật hẹp hầu như bị che lấp. Con lừa lắc lư cặp mông buộc chậm rãi, chốc chốc lại bứt một bông hoa nhỏ màu tím trong đám cỏ ven đương. Đó là hoa mi-mô-sa. Mi-mô-sa thả trong rượu nồng, cô em xinh đẹp bước theo chồng? Bước tiếp bước, khi hoàng hôn xuống mới dùng chân. Cỏ khô trải ổ cùng qua đêm. Hôn và hôn, ôm và ôm, sang năm sinh một thăng chó con. Bài dân ca thuở nhỏ từng hát, lại từ xa vẳng tới, rồi lại theo gió bay đi. Toàn Nhi cảm thấy lòng đau như cắt. Đầm hồ nối với nhau bằng những con kênh, những con kênh chui tụt vào đầm hồ. Từng đàn cá to ung dung bơi lội trong làn nước trong vắt. Chim bói cá đậu bất động trên ngọn cây, cổ rụt lại đột nhiên rơi xuống nước như một hòn đá, khi bay lên khỏi mặt nước đã ngậm một con cá trắng ở mỏ. Nắng rát, mặt đất bốc hơi hầm hập, khắp nơi đều có tiếng cựa của sự sinh trưởng. Một cặp chuồn chuồn cắn đuôi nhau bay qua. Hai con vân tước đuổi nhau trên bầu trời, chốc chốc lại chạm người vào nhau. Những con nhái nhảy loạn xạ trên đường, những con châu chấu gặm lá non trên đầu ngọn cỏ. Những con thỏ con lông trắng như bông, len lỏi giữa những thân cây, chạy theo thỏ mẹ. Những con vịt trời mới nở bơi theo vịt mẹ, bàn chân có mạng màu hồng quạt nước, để lại phía sau những gợn sóng… Ngay cả gà vịt, chồn thỏ cũng biết sinh đẻ, vì sao mình lại không? Toàn Nhi thấy lòng bồn chồn và một cảm giác trống trải. Chị như nhìn thấy những người đàn bà trong truyền thuyết thấp thoáng đâu đây, trước bụng đeo túi dựng con, trong túi rỗng tuếch, không có gì cả. Trời ơi, Bà Mụ ơi, xin Bà cho con một đứa con trai… Chị mơ hồ nhìn thấy Bà Mụ mặt trắng như mâm bột, cặp mắt phượng dài. Bà bế trong tay một đứa trẻ bụ bẫm cưỡi trên con kỳ lân lông màu xanh, chòm râu dài dưới cằm, cổ đeo lục lạc, đầu đội đám mây hồng, chân đạp vầng mây trắng, bay lên trên cánh đồng. Bà Mụ ơi, Bà cho con xin thằng nhỏ, con xin lạy thánh mớ bái! Uớc nguyện chân thành khiến chị ứa nước mắt. Chong coong coong coong, Bà Mụ cưỡi kỳ lân bay đi, thằng bé bụ bẫm vẫy tay chào lại.
Chú dượng tuổi đã bốn mươi nhưng vẫn rất hiếu động. Ông thả dây cương, mặc cho con lừa đi thế nào thì đi. Ông hái một ôm hoa dại, tết thành một vòng hoa dội lên đầu cho Toàn Nhi. Ông đuổi chim con trên bãi cỏ, mệt thở phì phò. Ông chui vào vạt cao lương, tìm thấy một dây đưa dại, ngắt một quả còn đầy lông, to bằng nắm tay, bảo Toàn Nhi ăn, bảo đó là dưa ngọt. Đắng chát lưỡi ông xắn quần nhảy xuống lòng mương, nhổ một đọt cây bồ nhung đang có đòng, bóc ra, ông ăn một nửa, đưa cho Toàn Nhi một nửa. Đọt này có vị ngọt, đặc quánh, ăn rất ngon. Ông nhảy xuống đầm lác, tách vỏ lấy ruột mảnh như to, ông ăn một ít còn lại đưa cho Toàn Nhi, thứ này dinh dính, ăn cũng ngon. Trong kho kiến thức của ông, tích lũy bao nhiêu thứ ăn được ông bắt ở mép nước một con bọ đầy lông xanh, to bằng hạt dưa hấu, giữ nó trong hai lòng bàn tay úp lại hô biến rồi bảo Toàn Nhi ngửi, mùi gì đây, Toàn Nhi lắc đầu, không nói được là mùi gì. Ông bảo: – Mùi dưa hấu, đây là con bọ dưa hấu, từ hạt dưa hấu mà thành bọ.
Toàn Nhi thấy ông chú dượng ham chơi và chịu chơi như một thanh niên.
Kết quả khám phụ khoa là Toàn Nhi không có bệnh gì cả.
Bà cô nổi giận nói:
– Để ta đi tính sổ với nhà Thượng Quan! Con trai nó là con la* (*Lừa và ngựa phối giống đẻ ra la. Con la không có khả năng sinh đẻ), thế mà nó lại đổ tội cho con Toàn nhà mình!
Nhưng ra đến cổng, cô lại quay vào.
Mười mấy ngày sau, một đêm trời mưa như trút. Bà cô làm một bữa thịnh soạn, lấy bình rượu bằng thiếc của ông chú dượng hâm đầy một bình rượu. Hai cô cháu ngồi đối diện với nhau. Bà cô lấy ra hai chén sứ men xanh, đặt một chiếc trước mặt Toàn Nhi, một chiếc trước mặt bà. Ngọn nến chập chờn, hắt bóng bà lên tường. Khi rót rượu vào chén, tay bà run bần bật.
– Cô ơi, sao hôm nay lại uống rượu – Toàn Nhi linh cảm sắp có chuyện quan trọng, hồi hộp hỏi.
Bà cô nói: – Có gì đâu, trời mưa buồn quá, cô cháu mình chuyện gẫu cho vui!
Bà giơ chén rượu lên, nói:
– Uống đi, con! Toàn Nhi cũng cầm chén rượu lên, sợ sệt nhìn bà cô. Chị trông thấy chén của mình rung lên một cái khi chén của bà cô đụng vào.
Bà cô ngửa cổ uống cạn.
Toàn Nhi cũng ngửa cổ uống cạn.
– Con định thế nào bây giờ – Bà cô hỏi. Toàn Nhi đau khổ lắc đầu.
Bà cô rót rượu cho mình và cho Toàn Nhi.
– Cơn ơi! – Bà cô nói – Âu cũng là cái số! Thằng con trai nhà Thượng Quan không ra gì, nó đã có lỗi với mình! Nhớ lấy, chính là nhà nó nợ mình về tình cảm, chứ không phải mình nợ nó! Con ơi, trên đời này có bao chuyện đàng hoàng lại ra đời từ trong mờ ám, con hiểu cô nói gì không?
Toàn Nhi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu, hai chén rượu vào bụng, đầu chị đã quay cuồng. Chính trong đêm đó, Vu Bàn Vả trèo lên giường Toàn Nhi.
Sáng ra, khi tỉnh dậy, Toàn Nhi thấy đầu nhức như búa bổ. Chị nghe thấy có tiếng ngáy rất to bên cạnh. Chị khó nhọc mở mắt ra, trông thấy ông chú mình trần nằm bên cạnh, bàn tay to như tay gấu của ông đang đặt lên vú chị. Chị hét lên một tiếng, kéo chăn che kín thân thể rồi khóc hu hu. Ông Vu Bàn Vả tỉnh dậy, ôm quần áo nhảy xuống giường, lắp bắp:
– Đó là cô cháu… bảo chú đến!
Mùa xuân năm sau, vừa qua tiết thanh minh, con dâu nhà Thượng Quan Lỗ Toàn Nhi sinh một đứa con gái gầy gò, hai mắt đen láy. Thượng Quan Lã thị quì trước bàn thờ Bồ tát lạy ba lạy, giọng hả hê:
– Tạ ơn trời đất, cuối cùng thì nẻ ít ra rồi! Xin Bồ tát phù hộ, sang năm cho gia đình con xin đứa cháu trai!
Bà hào phóng luộc đầy một bát trứng gà bưng đến trước mặt con dâu, nói: – Ăn đi!
Lỗ Toàn Nhi nhìn khuôn mặt to bè của mẹ chồng với ánh mắt cảm kích, nước mắt dàn dụa.
Bà mẹ chồng nhìn con bé nằm trong đống tã rách, nói:
– Đặt tên nó là Lai Đệ!
5
Chị Hai Thượng Quan Chiêu Đệ cũng là giống của ông Vu Bàn Vả. Liên tiếp sinh hai con gái, sắc mặt bà Lã càng khó coi.
Mẹ nhận ra một chân lý nghiệt ngã: Là đàn bà, không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai.
Đứa con thứ ba, mẹ thụ thai trong bãi sậy.
Đó là một buổi trưa, khi Chiêu Đệ được hơn một tháng tuổi, theo lệnh bà Lã, mẹ đến đầm lau ở tây nam thôn, bắt ốc vặn về nuôi vịt. Mùa xuân năm ấy có người bán vịt con. Đó là một người ở vùng khác đến, to cao khỏe mạnh, vai khoác vuông vải xanh, chân đi giày cỏ, gánh hai lồng vịt con lông màu vàng tuổi. Anh ta bày hai chiếc lồng ngay trước cửa nhà thờ, rao bằng một giọng du dương:
– Ai mua vịt con đây! Ai mua vịt con nào?
Những mùa xuân trước, người ta bán gà con, ngỗng con, nhưng chưa ai bán vịt con. Mọi người vây quanh lồng vịt, ngắm nghía những con vật bé tí như một cục bông, mỏ màu phấn hồng. Chúng kêu áp áp, màng chân trong suốt, đi lại một cách vụng về.
– Mua đi mua đi, mùa xuân mua về, sang thu thu tiền, nếu lẫn vịt đực không lấy tiền! Đây là vịt Bắc Kinh, mắn đẻ, cho trứng ngay trong năm, mỗi ngày một quả, chỉ cần cho ăn những thứ như cua ốc, mỗi ngày có thể cho hai trúng, sáng một, chiều một.
Bà Lã là người đầu tiên mua 10 con, có người mở đầu, những người khác cũng mua theo, chỉ một loáng, hai lồng vịt con đã bán sạch.
Anh chàng bán vịt chỉ đi dạo một vòng quanh thôn rồi bỏ đi. Đêm hôm đó, con trai lớn nhà Phúc Sinh Đường bị thổ phỉ bắt cóc, mất mấy nghìn mới chuộc được về. Người ta đồn rằng, anh chàng bán vịt đi tiền trạm, mượn cớ bán vịt để thám thính tình hình nhà Phúc Sinh Đường.
Nhưng những con vịt thì quả là vịt tốt, mới nuôi được 5 tháng mà đã lớn như chiếc thuyền tí hon. Bà Lã yêu đàn vịt như sinh mạng của mình, ngày ngày sai con dâu đi bắt ốc, hy vọng mỗi ngày chúng đẻ hai trứng: Mẹ xách một cái hũ sành, tay cầm sào trên đầu có buộc cái gầu xúc đan bằng dây thép, đi về hướng bà mẹ chồng đã chỉ. Những mương rãnh gần thôn, ngoài đầm đã bị những người nuôi vịt vét không còn một con ốc. Mẹ chồng đi chợ Liêu Lan, khi qua bãi sậy trông thấy rất nhiều ốc ở chỗ nước nông.
Hàng đàn vịt trời xanh biếc bơi lội trong bãi sậy. Mỏ chúng như những cái xẻng, ăn sạch những con ốc mà mẹ chồng đã trông thấy. Mẹ vô cùng thất vọng tiếc mình đến muộn bây giờ về tay không, chắc bị chửi tối mắt tối mũi. Men theo con đường nhỏ khúc khuỷu lầy lội, mẹ tiến sâu hơn nữa, hi vọng bắt gặp một chỗ chưa bị lũ vịt trời sục sạo để hoàn thành nhiệm vụ mẹ chồng giao. Mẹ cảm thấy bầu vú căng sữa, lại nhớ hai đứa con gái ở nhà. Lai Đệ chập chững biết đi, Chiêu Đệ thì chưa được hai tháng tuổi. Mẹ chồng coi mấy con vịt hơn cả hai đứa bé. Chúng có khóc hết hơi cũng đừng mong được bà nội bế một lúc. Thọ Hỉ thì khó nói đó là một con người, ra ngoài thì là một thằng đụt, trước mặt mẹ thì nhũn như con chi chi, nhưng đối với vợ con thì hung hãn hết chỗ nói. Anh ta hoàn toàn không thích hai đứa trẻ. Sau mỗi lần bị chồng ngược đãi, mẹ cảm thấy như trút được mối hận:
– Đồ con la! Đánh đi, đánh nữa đi, hai đứa nhỏ này không phải giống nhà anh! Toàn Nhi này có đẻ thêm một nghìn đứa nữa, cũng không phải giống nhà Thượng Quan.
Từ sau khi có chuyện ấy với chú dượng, mẹ cảm thấy không còn mặt mũi nào gặp lại bà cô, nên ngày tam phục năm nay, mẹ không về thăm nhà. Mẹ chồng giục mẹ về mẹ bảo:
– Nhà con chết cả rồi, mẹ bảo con về đâu bây giờ?
Xem ra giống của ông chú dượng Vu Bàn Vả cũng không được việc! Mẹ nghĩ, phải xin giống ở người đàn ông nào tốt hơn. Này mẹ chổng, này chồng, các người cứ đánh tôi đi, cứ mong đi, tôi sẽ đẻ con trai nhưng nó không phải giống nhà Thượng Quan, các người thiệt to rồi? Mẹ nghĩ ngợi miên man, tay rẽ những cây lau gần như bịt kín lối đi. Bãi lau xào xạc, mùa tanh tanh của những cây thủy sinh khiến mẹ sờ sợ. Tiếng chim kiếm ăn trong nước kêu quác quác từ nơi rất sâu, từng làn gió nhẹ lách qua kẽ lá. Một con lợn rừng mõm dài nghêu đứng chắn đường, chỉ cách vài bước chân, hai chiếc răng nanh nhọn hoắt chìa ra hai bên mép. Nó giương cặp mắt ti hí phủ đầy lông mi dày nhìn mẹ với vẻ thù địch, khịt khịt mũi hăm dọa. Mẹ như sực tỉnh sau khi uống một ngụm dấm, bất giác sợ run lên, nghĩ rằng sao mình lại lọt vào nơi này? Có ai ở Cao Mật biết mình vào đây? Bãi sậy mênh mông là sào huyệt của bọn thổ phỉ, ngay cả Vương Tam, Tư lệnh du kích vùng Tề-Lỗ trong tay cả đại đội nhân mã mà cũng không dám thọc sâu. Lần tiễu phỉ năm xưa, ông ta chỉ dám đặt súng cối ngoài đường lớn, nã vào bãi sậy hơn chục phát rồi rút.
Khì tìm đường để ra, mẹ mới phát hiện có rất nhiều con đường nhỏ chạy ngang chạy dọc trong ánh sáng lờ mờ, không rõ đó là lối đi của người hay của thú. Mẹ không thể nhận ra mình đã đến chỗ này bằng con đường nào. Mẹ chạy nháo nhào một lúc rồi đứng lại khóc. ánh sáng xuyên qua kẽ lá có hình lưỡi kiếm, mùi thối rữa từ mặt đất bốc lên. Chân mẹ dẫm phải một bãi phân lỏng, tuy thối nhúc mũi nhưng mẹ lại cảm thấy yên tâm, có phân là có người. Mẹ gọi to:
– Có ai đấy không? Có ai đấy không?
Tiếng gọi như bị nghẹt rồi tan biến trong bãi sậy dày đặc. Mẹ cúi nhìn mới thấy bãi phân lổn nhổn những rễ và đọt cây thì hiểu rằng không phải phân người mà là phân lợn rừng hoặc của loài thú nào đó. Lại chạy thực mạng một đoạn nữa rồi tuyệt vọng ngời xuống mà gào khóc. Mẹ cảm thấy sống lưng lạnh toát như có hàng trăm con mắt dữ dằn đang nhìn trộm mình. Quay lại không thấy gì cả, chỉ có những cây lau ken dày, lá nhọn chĩa thẳng lên trời. Một làn gió nhẹ từ bãi lau nổi lên rồi tan đi trong bãi lau, chỉ còn lại những tiếng xào xạc. Tiếng chim hót từ một nơi xa thăm, nghe quái dị, hình như đó là người nhại tiếng chim. Mẹ không dám nán lại lâu hơn nữa, ba bề bốn bên nguy hiển đang rình rập, bao nhiêu cặp mắt xanh lè nhìn qua kẽ lá. Những đốm lân tinh nhảy nhót trên lá sậy. Tim mẹ như muốn vỡ ra, khắp người nổi da gà, vú đanh lại như một thỏi sắt. Mẹ mất dần lý trí nhắm mắt xông bừa làm kinh động đàn muỗi đông như một đám mây đen. Chúng xông vào đốt mẹ. Mồ hôi đầm đìa khiến chúng kéo đến càng đông. Cái hũ sành đã rơi mất, cây sào cũng mất nốt, mẹ vừa kêu gào vừa chạy thực mạng. Khổ thân mẹ! Giữa lúc hoàn toàn tuyệt vọng đó, Thượng đế sai cứu tinh đến: chính là anh chàng bán vịt con!
Anh mặc áo tơi, đội nón lá, dẫn mẹ đến một khoảnh đất cao trong bãi sậy. Chỗ này sậy mọc thưa. Chính giữa là túp lều trước cửa lều có một bếp lửa cháy rừng rục, phía trên treo một nồi cháo kê thoàn phức.
Anh ta dẫn mẹ vào trong lều. Mẹ quì xuống nói:
– Xin quí anh cho em về, em là con dâu nhà thợ rèn Thượng Quan.
Anh ta cười:
– Vội gì? Đã mấy khi có khách, phải thết dãi chút gì chứ!
Trong lều kê tấm phản gỗ làm giường, trên phủ tấm da hổ để chống ẩm. Anh ta đốt lá ngải xông muỗi, hỏi mẹ:
– Đau lắm hả? Muỗi vùng này cắn chết trâu, huống hồ da thịt thơm tho của chị Hai!
Lá ngải bốc khói trắng, tỏa mùi thơm dễ chịu. Anh ta hạ chiếc làn treo trên xà ngang xuống, lấy ra chiếc hộp con màu đỏ, mở nắp quệt một ít cao màu vàng chanh bôi lên những chỗ bị muỗi cắn trên mặt trên tay mẹ. Mẹ cảm thấy một mùi thơm thấm tận trong tim. Anh lại lấy ra một viên đường, ép mẹ ăn bằng được. Mẹ hiểu rằng, một nam một nữ ở nơi mênh mông sâu thẳm này, chuyện ấy sớm muộn sẽ diễn ra. Mẹ vừa nói vừa chảy nước mắt:
– Quí anh ơi, anh làm gì em cũng được, chỉ xin anh cho em về sớm một chút, cháu bé đang khát sữa ở nhà…
Mẹ tiếp nhận người đàn ông với thái dộ vâng chịu, không xót xa cũng chẳng mừng vui, chỉ cầu mong anh ta cho mẹ một thằng con trai.
6
Bố đẻ chị Tư, chị Tưởng Đệ, là một thầy lang bán thuốc rong. Đó là một thanh niên mảnh khảnh, mũi diều mắt chim cắt. Anh ta rung chiếc chuông đồng đi khắp hang cùng ngõ hẻm, miệng rao:
– Ông làm quan ngự y, bố mở hiệu bào chế, đến đời tôi cơ khổ lênh đênh, giang hồ kiếm sống đây!
Mẹ địu sọt cỏ tươi từ ngoài đồng trở về, bắt gặp thầy lang đang lấy sâu răng trong miệng một ông già. Anh ta cầm cái nhíp màu đen gắp ra những con sâu nhỏ tí màu trắng. Về đến nhà, mẹ kể lại chuyện thầy lang cho mẹ chồng đang đau răng.
Thầy lang bảo mẹ cầm đèn soi miệng bà Lã. Anh ta lấy nhíp lay thử hàm răng, nói: – Bác ơi, răng bác là răng hỏa, không phải răng sâu! Rồi lấy ra mấy chiếc kìm bạc châm vào tay, vào má bà Lã, rồi lấy trong túi thuốc một ít thuốc bột, thổi vào miệng bà. Lát sau, răng bà Lã không đau nữa. Thầy lang ngủ nhờ một đêm ở chái đông nhà Thượng Quan. Ngày hôm sau, anh ta lấy ra một đồng bạc trắng xin thuê chái đông để xem bệnh bốc thuốc. Bà nội thấy thầy lang đã chữa khỏi đau răng cho bà, hai là thấy đồng bạc trắng lóa mắt, bèn vui vẻ chấp thuận.
Thầy lang quả là bậc cao thủ.
Trong thôn có ông Tư Dư chuyên chăn trâu. ở cổ ông bị cái nhọt bọc nhiều năm không lành, hễ đụng phải là máu mủ lại rỉ ra, ngứa ngáy không chịu nổi. Thầy lang vừa trông thấy đã cười, bảo:
– Mạch lươn, chữa dễ ợt! Lấy phân trâu mới ỉa đắp lên miệng là khỏi!
Mọi người tưởng thầy nói đùa.
Lão Tư Dư nói:
– Thầy trêu chọc người bệnh là trái với lẽ trời và đạo làm người đấy!
Thầy lang nói:
– Nếu ông không tin tôi thì đi tìm phân trâu tươi mà làm đi. Nếu không tin thì tìm thầy khác mà chữa!
Ngày hôm sau, Tư Dư xách một con cá to tướng đến tạ thầy. Lão nói sau khi đắp phân trâu vào, ngứa không chịu nổi, lát sau, một số con bọ màu đen chui ra, ngứa cũng đỡ. Liên tục đắp hơn chục lượt, miệng nhọt đã thu lại!
– Đúng là thần y! – Lão Tư Dư nói.
Thầy lang giảng giải: – Cái nhọt của ông thuộc loại nhọt bọ hung. Bọ hung thấy phân trâu, không chui ra sao được?
Từ đó, tiếng tăm thầy lang nổi như cồn. Thầy trọ ở nhà Thượng Quan ba tháng, tháng nào cũng tiền phòng tiền cơm trả sòng phẳng, quan hệ với gia đình Thượng Quan vui vẻ dễ chịu. Bà Lã hỏi ý kiến thầy về vấn đề đẻ con trai. Thầy lang cho kê một đơn thuốc: Trứng gà 10 quả, trộn mật ong, dầu thơm.
Thọ Hỉ nói:
– Thuốc này thì tôi cũng muốn được chữa. Mẹ rất có cảm tình với ông thầy ma giáo này. Mẹ lẻn vào nơi thầy ở, nói hết sự thực về chồng không có khả năng sinh con.
Thầy lang nói:
– Những con sâu răng là tôi để sẵn trong hộp.
Khi biết chắc là mẹ đã mang thai, ông thầy chuyển đi nơi khác. Lúc sắp lên đường, ông biếu bà Lã toàn bộ số tiền kiếm được trong mấy tháng và nhận bà làm mẹ nuôi.