Home > Uncategorized > Báu Vật Của Đời- Chương 7 tiếp 2

Báu Vật Của Đời- Chương 7 tiếp 2

Mạc Ngôn

Báu Vật Của Đời

Chương 7

7
Trong bữa cơm chiều, mẹ lỡ tay đánh vỡ một cái bát. Nghe thấy một tiếng choang trong đầu, mẹ hiểu rằng giờ phút khốn nạn sắp đến rồi!
Từ khi sinh đứa con gái thứ tư, bầu trời nhà Thượng Quan lúc nào cũng mây đen vần vũ, mặt bà nội như lưỡi hái vừa lấy ra khỏi nước tôi, sẵn sàng đâm chém ai đó bất cứ lúc nào.
Hoàn toàn không có chuyện nằm nơi sau khi đẻ. Vừa lau chùi cho đứa bé xong, giữa hai chân vẫn còn máu me đầm đìa, đã nghe thấy tiếng mẹ chồng cùng tiếng kìm thợ rèn gõ cành cạch vào cửa sổ:
– Lên mặt công thần phải không? – Bà Lã chửi té tát – Thối l. đẻ ra một lũ thị mẹt lại còn lên mặt công thần! Định bắt ta bốn mâm tám bát hầu hạ mi chắc? Con gái nhà Vu Bàn Vả thật đẹp mặt! Sao lại có đồ con dâu như mi?! Làm như mi là mẹ chồng không bằng! Kiếp trước làm nghề mổ trâu, nên trời báo ứng đây! Tôi quả thật lú lẫn, có mắt như mù, ma dẫn lối quỉ dưa đường mới cưới loại con dâu ấy cho con mình? – Bà gõ kìm vào cửa sổ, gầm lên – Tao nói mi đấy, còn giả vờ câm diếc không nghe thấy hay sao?
Mẹ trả lời ấp úng:
– Nghe thấy rồi ạ!
– Nghe thấy rồi thì còn dùng dằng ở đó làm gì? – Mẹ chồng nói – Bố chồng và chồng mi đang trục lúa ngoài bãi ấy, đặt chổi xuống thì cầm chàng nạng lên, bận đến nỗi thân xẻ làm tư cũng không hết việc. Còn mi thì cứ như mệnh phụ ấy, chăn bông đệm gấm, không thèm bước chân xuống giường nữa! Mi cứ sinh ra một thằng cu thì ta bê chậu vàng cho mi rửa chân!
Mẹ thay quần, quấn lên đầu chiếc khăn mặt bẩn, nhìn một thoáng đứa con gái còn dính đầy máu mẹ, dùng óng tay áo lau sạch nước mắt, lê đôi chân rã rời gắng chịu những cơn co thắt ở bụng dưới, nhích từng buộc ra sân.
Nắng tháng Năm âm lịch chói chang, mẹ không mở được mắt ra. Mẹ cầm gáo múc một gáo đầy nước lã trong chum, uống ừng ực. Chết đi, mẹ nghĩ thầm, sống là sống tội, hãy tự giày vò cho mình chết là rảnh nợ! Trong sân, mẹ chồng đang véo đùi non Lai Đệ bằng chiếc kìm thợ rèn đen sì. Chiêu Đệ và Lãnh Đệ đứng nhìn bằng cặp mắt khiếp đảm. Chúng nép bên đống cỏ, không dám hé răng kêu một tiếng, chỉ tiếc nỗi không thể chui tụt vào trong đống cỏ cho khuất mắt. Lai Đệ lăn lộn dưới đất gào lên như con lợn bị chọc tiết.
– Mày kêu này! Mày gào này? Bà Lã quát tháo, hai tay cầm kìm, kẹp từng nhát trên người Hai Đệ, chính xác và mạnh của người lâu năm trong nghề rèn.
Mẹ nhào tới ôm chặt cánh tay bà Lã, vừa khóc vừa van xin:
– Mẹ ơi, trẻ nhỏ không biết gì, xin mẹ tha cho cháu muốn kẹp thì hãy kẹp con đây này! Mẹ quì móp trước mặt bà Lã. Bà Lã giận dữ quẳng chiếc kìm xuống đất thần người ra, rồi hai tay đấm ngực gào khóc:
– Trời ơi là trời, tôi tức chết mất thôi!…
Mẹ lần ra đến sân trục lúa thì Thọ Hỉ phóng một chàng nạng vào giữa hai chân mẹ, chửi: – Đồ con lừa, sao bây giờ mới ra? Định để ông chết vì mệt phải không? Mẹ vốn chân đứng chưa vững, bất ngờ bị một chàng nạng, liền ngã phệt xuống sân. Mẹ trông thấy chồng phơi nắng đỏ như tôm luộc, gào lên bằng cái giọng khàn khàn:
– Giả vờ chết hả? Đứng ngay dậy lật rơm đi.
Anh chồng quẳng chiếc chàng nạng bằng gỗ dâu trước mặt mẹ, rồi lảo đảo ra chỗ gốc cây hòe hóng mát. Mẹ trông thấy bố chồng cũng quẳng cái chàng nạng xuống đất, chửi con trai:
– Đ. mẹ mày! Mày không làm, ông cũng không làm nữa, cả sân lúa này là của riêng tao đấy chắc?
Bố chồng cũng đến chỗ bóng râm. Hai bố con đối đáp chan chát, cá mè một lứa, chẳng có vẻ gì là bố còn nữa. Ông con nói:
– Tôi đếch làm nữa? Bao nhiêu là lúa mạch mà bữa nào cũng ăn bột thô!
Ông bố nói:
– Mày ăn bột thô thì tao ăn bột mịn hả?
Nghe hai cha con cãi vã mà mẹ thấy trong lòng chua xót. Nhà Thượng Quan năm nay được mùa lúa mạch, sân trục lúa phương viên hai mẫu đất chất đầy lúa mạch. Mùi lúa chín thơm thơm. Đuốc mùa vốn là niềm vui của phụ nữ làm ruộng dù họ đang trong hoàn cảnh đắng như hoàng liên.
Mẹ chống tay khó nhọc đứng lên. Khi cúi nhặt chiếc chàng nạng, mắt mẹ nảy đom đóm, phải tựa vào chàng nạng một lúc mới đứng vững mà vẫn còn cảm thấy trời đất như hai bánh xe khổng lồ quay tít, nghiêng ngả, người mẹ cũng lắc lư theo. Bụng đau quặn, dạ con vừa trút được gánh nặng co bóp dữ dội, mồ hôi lạnh chảy cùng mình, từng dòng âm ấm từ cửa mình chảy ra ướt đẫm hai đùi.
Nắng như luồng lửa màu trắng đốt cháy mặt đất. Thủy phần trong rơm rạ ngùn ngụt bốc hơi. Mẹ cố nhịn đau, dùng chàng nạng trở rơm để chúng khô nhanh hơn. Trên lưỡi cuốc có nước, trên chàng nạng có lửa. Mẹ nhớ tới lời mẹ chồng, bà có bao nhiêu điều không tốt, nhưng vẫn là người phụ nữ đáng kính nhất ở thôn này. Bà làm việc theo lẽ phải, có đảm lượng, trượng nghĩa, tuy trong nhà thì tiết kiệm tới mức keo kiệt, nhưng lại rộng rãi với hàng xóm láng giềng. Bà là bậc cao thủ trong nghề rèn, sản phẩm của bà làm ra được ưa chuộng trong công việc đồng áng. Mẹ cảm thấy, so với bà, mẹ chỉ như con thỏ đứng trước con sư tử, vừa sợ vừa hận vừa kính nể. Mẹ chồng đúng là hai bàn tay vàng! Những cọng rơm vàng óng, kêu sột soạt khi lọt qua kẽ chàng nạng, những hạt lúa mạch rời khỏi bông rơi lả tả. Một con luồm luỗm đầu nhọn râu dài, xòe đôi cánh trong màu phấn hồng bay tới đậu trên tay mẹ. Con côn trùng xinh xắn có cặp mắt kép trong như ngọc thạch này đã bị lưỡi hái xén đứt một nửa bụng. Đứt nửa bụng mà vẫn sống, mà vẫn bay! Cái sinh vật nhỏ nhoi đầy sức sống này khiến mẹ cảm động. Mẹ phẩy tay cho nó bay đi nhưng nó không đi. Mẹ cảm nhận được sức mạnh của chân nó bấu chặt vào da mẹ, bất giác thở dài, nhớ lại cái hôm thụ thai Chiêu Đệ trong túp lều canh dưa của nhà bà cô, gió mát từ phía sông Mực tràn vào trong lều. Trên ruộng đưa, những trái dưa tròn xoay, da xanh sẫm nằm lăn lóc bên cạnh những lá dưa màu xám bạc. Khi ấy Lai Đệ còn đang bú. Từng đàn luồm luỗm cũng giong đôi cánh màu phấn hồng bay rào rào xung quanh lều. Ông chú Vu Bàn Vả quì trước mặt mẹ, hai tay đấm vào đầu một cách đau khổ, nói:
– Dượng bị cô của cháu đánh lừa! Trong lòng dượng không lúc nào thanh thản, dượng không còn là còn người nữa, Toàn Nhi, dao đây, cháu hãy giết dượng đi!
Dượng chỉ vào con dao bổ đưa gác trên tấm liếp, vừa chảy nước mắt vừa nói. Lòng mẹ rối như tơ vò. Mẹ lưỡng lự rồi giơ tay sờ cái đầu nhẵn bóng của chú dượng, nói:
– Chú ơi, cháu không oán chú, chính là họ đã đẩy cháu đến bước ấy!
Đột nhiên, mẹ rít lên, ngoảnh ra nói với những quả dưa tròn xoay – làm như chúng là khán giả vậy:
– Các người nghe thấy rồi chứ Các người cứ cười đi! Chú ơi, đời là thế, cháu muốn làm chính chuyên liệt nữ thì bị đánh, bị mắng, bị trả về nhà mẹ đẻ. Cháu đi xin trộm giống của người khác thì lại trở thành chính nhân quân tử! Chú ơi, con thuyền của cháu sớm muộn cũng chìm, không chìm ở rãnh nước nhà chú Kèo thì cũng chìm trong rãnh nước của nhà chú Cột, chú ơi? – Mẹ cười nhạt Chẳng phải đã có câu miếng ngon chẳng đến người ngoài đấy ư?
Ông chú dượng bàng hoàng đứng lên, còn mẹ thì như một ngươi đàn bà từng trải, tụt luôn quần ra…
Trên sân trục lúa của nhà Phúc Sinh Đường, bốn con la kéo trục đá chạy vòng quanh. Những người làm công đánh roi bôm bốp, giục giã. Bên họ thì như thế, hò reo phấn khỏi, tiếng trục đá lăn rào rạo hòa trộn với tiếng chân lừa dẫm trên rơm rạ, những bông lúa vàng óng lượn sóng dời chân lừa. Còn trên sân phơi nhà Thượng Quan chỉ mỗi mình mẹ bận túi bụi, mồ hôi đầm đìa, lưng áo ướt đẫm. Rơm được nắng khô cong, ném que diêm là bốc cháy không còn một cọng. Đây là lúc tốt nhất để phơi lúa. Bầu trời sáng như lòng lò. Những cây hòe ở rìa sân héo rũ lá. Bố con Thượng Quan há miệng ngồi thở dưới bóng râm. Con chó nhà Triệu thò đầu ra chỗ tường vỡ, thè lưỡi thở hồng hộc. Mẹ cảm thấy khắp người nhơm nhớp mồ hôi, cổ họng khô cháy. Nhức đầu, buồn nôn, mạch máu trên đầu chạy giần giật như muốn vỡ ra. Nửa người dưới nặng chịch như chiếc áo bông rách nhúng vào chum tương. Mẹ cố sức cưỡng lại, trở rơm như điên với quyết tâm chết luôn trên sân phơi. Trên sân một màu vàng rực, những bông lúa như sống dậy, từng đàn từng lũ, chen vai thích cánh, hàng triệu triệu hạt mạch như những con cá vàng, như triệu triệu những con rắn uốn khúc. Mẹ phơi lúa mà trong lòng đau xót quá đỗi. Trời ơi, ông trời hãy mở mắt mà xem con dâu nhà Thượng Quan vừa đẻ xong, người bê bết máu đã phải lết ra sân phơi dưới cái nắng chói chang như lửa. Còn bố chồng và chồng, hai người-lớn-không-phải-đàn-ông, thì ngồi đấu khẩu dưới bóng râm! Hãy mở ba nghìn năm hoàng lịch ra xem, chưa có ai khổ như thân tôi! Mẹ xúc động bởi những suy nghĩ của chính mình, nước mắt lã chã rồi bật lên thành tiếng khóc thảm thiết. Nước mắt rơi xuống rơm bốc ngay thành hơi, năm sắc cầu vồng lung linh thuốc mắt. Trời cao đến nỗi không nhìn thấy nền, bỗng vang lên tiếng lục lạc. Xa giá của Trời đã chuyển động, đàn sáo nổi lên, rồng vàng kéo xe, phượng hoàng bay lượn. Bà Mụ cưỡi kỳ lân, bế hài đồng bụ bẫm. Trong một thoáng, trước khi ngất đi, mẹ trông thấy Bà Mụ ném hài đồng cho mẹ. Hài đồng trắng như cục bột, cái chim xinh xinh, kêu lên một tiếng Mẹ, rồi chui luôn vào bụng mẹ. Mẹ cảm thấy mình phủ phục trên mặt đất. Cảm ơn Bà Mụ, cảm ơn!
Khi tỉnh dậy, mẹ thấy mình nằm trong bóng râm của bức tường đổ, đất cát bê bết trên người y hệt con chó đang thoi thóp, nhặng xanh bu đầy đặc. Con la đen đứng im trên sân phơi, mẹ chồng đang vung roi quật bố con Thượng Quan lười nhác. Cặp bố con quí hóa này ôm đầu kêu ăng ăng như chó bị đánh, nháo nhác chạy quanh để tránh đòn.
– Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa! – Bố chồng ôm đầu khẩn khoản – Bà nó ơi, bố con tôi xin làm ngay bây giờ!
– Còn mày nữa, đồ vô lại! – Bà Lã vụt Thọ Hỉ một roi – Tao biết mày là thằng đầu têu mỗi khi bố con mày trốn việc?
Thọ Hỉ vươn cái cổ cò ra, van xin:
– Mẹ ơi, mẹ yêu quí, đừng đánh con nữa, con mà chết thì lấy ai phụng dưỡng và làm ma cho mẹ?
Bà Lã xót xa:
– Mong gì mày phụng dưỡng, làm ma cho tao! Xì, chỉ sợ khi người ta nhặt xương tao làm củi đun vẫn không tìm được người tống táng?
Hai bố con lóng ngóng mắc lừa vào trục, một người cầm trang, một người cầm chàng nạng, bắt đầu trở rơm, trang lúa.
Bà Lã tay cầm roi đi tới chỗ bức tường đổ, giọng ai oán:
– Về nhà đi, cô con dâu quí hóa của tôi, còn nằm đây làm gì? Ăn vạ tôi đấy phỏng? Để người ta cho tôi là mụ mẹ chồng cay nghiệt phỏng? Coi con dâu không phải là người phỏng? Sao vẫn chưa về? Đợi kiệu bát cống đến dón mới về chắc? Hừ, thời buổi này con dâu to hơn mẹ chồng? Mong cho cô đẻ thằng con trai để sau này nếm mùi làm mẹ chồng, xem nó như thế nào!
Mẹ vịn thẳng đứng lên.
Mẹ chồng hạ nón trên đầu đội cho mẹ, nói:
– Về đi! Qua vườn rau hái mấy quả đưa chuột, bữa chiều rán mấy quả trứng cho bố con nó ăn. Chưa mệt thì gánh mấy gánh nước tưới cho chỗ rau cải cúc. Thế này mà cũng gọi là sống? Nói cho cùng, tôi cũng vì các người cả thôi?
Mẹ chồng vừa lảm nhảm một mình vừa quay trở lại sân phơi.
Đêm hôm ấy sấm chớp ầm ầm. Một sân đầy lúa là một năm mồ hôi nước mắt! Mẹ cắn răng chịu đau, lết ra sân phơi chạy mưa cùng với mọi người. Mẹ ướt như chuột lột, lạnh cóng. Nửa đêm trở về giường, mẹ cảm thấy đã xuống đến cửa Diêm vương, quỉ đầu trâu rung xích sắt loảng xoảng, xích cổ mẹ lại!…
Mẹ cúi nhặt viên gạch vỡ với một quyết tâm hẳn hoi, liền nghe thấy mẹ chồng xì một cái như tiếng xì của con trâu khi ló mũi lên mặt nước. Một cú đánh trúng đầu rất mạnh, mẹ gục xuống. Mẹ chồng quẳng chiếc chày giã tỏi bằng đá, nói như liên thanh: Đập đi, đập đi, đập nát cả đi, không ai còn muốn sống cho nghiêm chỉnh nữa?. Mẹ vật vã rồi nhổm dậy, bà Lã đập mẹ một chày vào sau ót. Dòng máu âm ấm chảy xuống gáy. Mẹ vừa khóc vừa nói:
– Mẹ, con có định thế đâu!…
Mẹ chồng nói:
– Mi còn cãi?
Mẹ nói:
– Con đâu dám cãi?
Mẹ chồng liếc xéo con trai, nói:
– Thôi, ta không trị nổi mi! Thọ Hỉ, thằng bị thịt kia, mày rước vợ mày lên bàn thờ mà thờ!
Thọ Hỉ hiểu ý mẹ. Anh ta nhặt cây gậy ở xó tường nhằm ngang lưng vợ vụt một gậy. Mẹ ngã lăn quay. Tiếp đó, cây gậy giơ lên hạ xuống nhịp nhàng, mẹ lăn lộn dưới đất. Bà Lã đưa mắt khích lệ con trai. Ông Phúc Lộc thì khuyên:
– Thọ Hỉ, đừng đánh nữa, nó mà chết thì ra tòa!
Bà Lã nói:
– Phận đàn bà là phận hèn, không đánh không được! Phải đánh thì nó mới biết điều!
Ông Phúc Lộc nói:
– Vậy mà bà cứ đánh tôi miết!
Đánh đã mệt, Thọ Hỉ quẳng gậy đi, tới chỗ cây lê thở hổn hển.
Lưng và mông mẹ dính nhơm nhớp. Mẹ chồng bịt mũi chửi:
– Đúng là đồ cặn bã, mới có mấy gậy mà đã vãi cứt ra!
Mẹ chống tay nhổm dậy, kiêu hãnh ngẩng đầu lên, lần đầu tiên chửi lại:
– Thọ Hỉ, mày đánh chết tao đi! Không đánh chết được tao, mày chỉ là đồ chó!
Nói đoạn, mẹ ngất đi. Nửa đêm, mẹ tỉnh lại nhìn thấy trời đầy sao, bên dòng sông Ngân vắt ngang chân trời, ngôi sao chổi kéo chiếc đuôi dài thượt, báo trước cho mọi người những năm tháng loạn lạc. Đó là ngôi sao chổi xuất hiện năm 1924. Xúm xít xung quanh mẹ là ba sinh vật bé bỏng, đó là Lai Đệ, Chiêu Đệ Và Lãnh Đệ của mẹ, còn Tưởng Đệ thì đang khóc khản cả tiếng trong giường. Những còn giòi màu trắng bò lúc nhúc ở hốc mặt và trong lỗ tai, do lũ nhặng xanh đẻ trứng lúc ban ngày.
8
Vì căm thù đến tận xương tủy nhà Thượng Quan, mẹ hiến thân ba ngày liền cho lão Béo độc thân, làm nghề bán thịt chó ở thôn Sa Khẩu. Lão Béo mắt như mắt trâu, đôi môi dày, bất kể xuân hạ thu đông, lúc nào cũng khoác trên người chiếc áo bông dính mỡ chó dày cộp như áo giáp. Chó dữ đến mấy trông thấy lão cũng không dám dàn mặt, đứng xa một khoảng nhất định mà sủa. Mẹ nhân dịp đi đào cây thuốc ở bờ bắc sông Thuồng Luồng, tìm đến với lão. Lão đang luộc thịt chó thì mẹ bước thẳng vào trong nhà. Lão nói cộc lốc:
– Đã chín đâu mà mua!
Mẹ nói:
– Ông Béo, tôi đem thịt đến cho ông đây! Năm xưa đi xem hát ở xã, ông đã sờ soạng tôi trong bóng tối, ông còn nhớ không?
Lão Béo đỏ mặt. Mẹ nói:
– Hôm nay tôi tự đến cho ông ăn thịt!
Sau khi thụ thai, mẹ đến thắp hương, khấn vái, cầu nguyên ở miếu Bà Cô, cúng vào miếu mấy đồng tiền vốn khi lấy chồng. Nhưng năm sau vẫn đẻ còn gái, đó chính là chị Phán Đệ.
Niệm Đệ là con gái thứ sáu của mẹ. Bố đẻ của chị là lão Béo hay nhà sư tuấn tú ở chùa Thiên Tề, thì ngay bản thân mẹ sau này mới biết chính xác. Đó là lúc Niệm Đệ lên bảy, tám tuổi, khuôn mặt trái xoan, mũi thẳng, lông mày dài, mới biết chính xác bố đẻ của chị là ai.
Mùa xuân năm ấy, bà Lã bị một thứ bệnh kỳ quặc, khắp người, từ cổ trở xuống mọc đầy vẩy màu xám bạc, ngứa ngáy không chịu nổi. Để ngăn ngừa bà tự cào chết mình, bố con nhà Thượng Quan đành phải trói quặt hai tay bà ra phía sau. Người đàn bà gang thép này bị chúng bệnh hành hạ ngày đêm gào khóc. Trên tường, trên vỏ cây lê đều dính đầy máu mủ
– Bà ra gãi ngứa ở đấy.
– Ngứa quá, ngứa chết mất! Bà Lã kêu khóc – Trời hại tôi rồi, cứu tôi mấy!
Bố con Thượng Quan đểu là loại chẳng làm nên trò trống gì, việc mời thầy thuốc đến chữa cho bà Lã lại rơi lên đầu mẹ. Mẹ cưỡi la đi khắp vùng đông bắc Cao Mật, mời hơn chục thầy, đông y có, tây y có. Họ khám cho bà Lã, người thì để lại đơn thuốc rồi đi, có người đơn cũng không, quay đầu dông thẳng. Mẹ lại mời bà đồng, thầy cúng, tìm tiên đan, nước thánh, đủ mọi phép mà bệnh của bà Lã không thuyên giảm, trái lại, ngày càng nặng thêm.
Một hôm, bà Lã gọi mẹ đến bên giường, nói:
– Mẹ đĩ Thọ Hỉ này, không ơn không kết thành cha con, không thù không kết thành nàng dâu mẹ chồng, sau khi mẹ chết, con hãy chèo chống cho cái gia đình này. Bố con nhà nó suốt đời chỉ là những con lừa không trưởng thành. Mẹ nói:
– Mẹ ơi, mẹ đừng nói gở, con vừa nghe bác ba Phàn nói là hòa thượng Trí Thông ở chùa Thiên Tề trấn Mã Điếm chữa bệnh rất giỏi, để con đi mời?
Mẹ chồng nói:
– Đừng phí tiền, mẹ biết bệnh của mẹ. Hồi mẹ mới về làm dâu đã dội nước sôi chết một con mèo. Nó ăn vụng gà con, mẹ giận quá định cho nó một bài học, không ngờ nó chết, đây là nó trả thù mẹ!
Mẹ cưỡi la vượt ba mươi dặm đến chùa Thiên Tề gặp hòa thượng Trí Thông.
Hòa thượng trắng trẻo tao nhã, mi thanh mục tú, khắp người tỏa ra mùi thơm của gỗ đàn hương. Ông vừa nghe mẹ trình bày, vừa lần tràng hạt. Mẹ nói xong, ông bảo:
– Thưa thí chủ, bần tăng chữa bệnh tại chùa, xưa nay không đi chữa ngoài bao giờ, thí chủ về đưa bà mẹ chồng đến đây? Mẹ đành quay trở về, đặt bà Lã lên xe ba gác, kéo đến chùa Thiên Tề. Hòa thượng Trí Thông kê cho bà Lã hai đơn thuốc, một sắc uống, một để tắm. Lại dặn:
– Nếu bệnh không chuyển thì đừng đến nữa. Nếu thấy công hiệu thì đến thay đơn khác!
Mẹ ra hiệu bốc thuốc, tự tay sắc và cho bà Lã uống. Ba lần uống, hai lần tắm rửa, quả nhiên khỏi hẳn ngứa. Mẹ chồng mừng quá, mở hòm lấy tiền để mẹ đi tạ thầy và thay đơn thuốc.
Khi ông thầy thay đơn, mẹ nhân tiện nhờ thầy chạy chữa sao cho đẻ con trai. Người nói đi, kẻ hỏi lại, càng nói càng sâu. Hòa thượng vốn đa tình, mẹ lại rất mong có con trai, và thế là hai người kết thân với nhau. Lão Béo thôn Sa Tử đã được nếm mùi trên cơ thể mẹ, theo dõi mẹ chặt chẽ.
Một hôm, trời gần tối, mặt trời đã khuất núi, mặt trăng tròn vạnh vừa ló lên, mẹ cưỡi la từ chùa Thiên Tề trở về qua ruộng cao lương bờ nam sông Mục thì lão Béo nhảy ra chặn đầu con la.
– Lỗ Toàn Nhi, sao cô bạc tình thế! – Lão Béo nói.
Mẹ nói: – Anh Béo này, tôi thấy anh đáng thương nên nhắm mắt khuất thân với anh mấy lần, anh đừng có được đằng chân lân đằng đầu!
Lão Béo nói: – Không được có mới nới cũ!
Mẹ nói:
– Đừng nói bậy!
Lão Béo nói:
– Cô không giấu nổi tôi đâu. Tử tế thì thôi, không tử tế thì tôi sẽ đi rêu rao khắp vùng đông bắc Cao Mật, rằng cô mượn cớ chữa bệnh cho mẹ chồng để tằng tịu với thầy tiểu chùa Thiên Tề!
Mẹ bị lão Béo bế xốc vào trong ruộng cao lương. Mẹ chồng khỏi bệnh, nhưng tiếng đồn về quan hệ giữa mẹ với hòa thượng Trí Thông đã đến tai bà.
Niệm Đệ vừa lọt lòng oe oe khóc, mẹ chồng thấy vẫn là con gái, liền chẳng nói chẳng rằng túm lấy hai chân định đem dìm chết trong chum nước.
Mẹ nhào xuống đất ôm chặt hai chân mẹ chồng, van xin:
– Mẹ ơi mẹ, xin mẹ mở lượng từ bi, thương con hầu hạ mẹ nửa năm nay mà tha cho cháu bé!
Mẹ chồng tay vẫn xách chân đứa bé, dằn giọng hỏi:
– Mi hãy nói thật, chuyện nhà sư có thật không?
Mẹ do dự.
Mẹ chồng nói:
– Nói! Có phải con hoang không?
Mẹ lắc đầu, dứt khoát không nhận.
Mẹ chồng thả con bé xuống giường.
9
Mùa thu năm 1935, trong khi cắt cỏ ở bờ bắc sông Thuồng Luồng, mẹ bị bốn tên lính thất trận luân phiên hãm hiếp.
Đứng trước dòng nước trong xanh, mẹ nảy ra ý định nhảy xuống sông tự vẫn. Nhưng khi vén áo chuẩn bị nhảy, mẹ bỗng trông thấy bầu trời xanh biếc của vùng đông bắc Cao Mật in bóng dưới lòng sông. Mấy cụm mây trắng như bông bay ngang trời, những con chim sơn ca cất tiếng hót véo von dưới cụm mây trắng. Những con cá nhỏ, trong suốt bơi trong bóng mây in dưới lòng sông. Hình như chẳng có chuyện gì xảy ra, trời vẫn trong xanh, mây vẫn nhởn nhơ, lười nhác và trắng muốt như thế. Chim chóc không vì có điều hâu mà ngừng ca hát, những con cá nhỏ không vì có chim bói cá mà ngừng bơi lội. Mẹ cảm thấy một làn gió tươi mát xua tan mọi uất ức trong lòng. Mẹ khoát nước, rửa sạch nước mắt và mồ hôi trên mặt, sửa sang lại quần áo rồi trở về nhà. Đầu mùa hè năm sau, Thượng Quan Lỗ thị sau tám năm không sinh nở, lại sinh đứa con gái thứ bảy: Cầu Đệ.
Vốn dĩ gửi gắm biết bao hy vọng vào lần có thai này, nên bà Lã tuyệt vọng đến cục điểm. Bà loạng choạng đi vào phòng riêng, mở hòm lấy bình rượu quí cất giữ đã lâu, ngửa cổ uống ứng ục và mượn hơi men, bà khóc hu hu. Thượng Quan Lỗ Thị cũng rất ngán ngẩm nhìn khuôn mặt bé tí của đứa con sơ sinh, than thấm:
– Trời ơi, sao mà ông keo kiệt đến như vậy, ông chỉ cho thêm một tí đất sét là cho con được một thằng cu!…
Thọ Hỉ xông vào trong buồng lật tã lên xem rồi ngã ngửa. Công việc đầu tiên sau khi hết bàng hoàng là vớ lấy cái chày đập giặt quần áo, nhắm thẳng đầu vợ phang một chày. Người đàn-ông-không-bao-giờ-lớn này giận đến phát điên, anh ta dùng kìm kẹp lấy một miếng sắt trong lò ấn vào giữa hai chân của vợ.
Làn khói màu vàng bay lên, mùi lông và thịt cháy khét lẹt tỏa khắp phòng. Mẹ rú lên thê thảm, lăn từ trên giường xuống đất, người cong như cánh cung, co giật từng cơn.
Ông Vu Bàn Vả nghe tin liền vác khẩu súng săn đến nhà Thượng Quan. Bước vào cổng, ông chẳng nói chẳng rằng, giương súng nhằm bộ ngực đồ sộ của bà Lã, lẩy cò. Cũng là số bà Lã chưa đến lúc hết, súng không nổ. Trong lúc ông Vu thay kíp nổ khác, bà Lã chạy vụt vào buồng chốt cửa lại. Cơn giận vẫn chưa nguôi, ông Vu nhằm cánh cửa nã một phát. Hàng trăm viên đạn ghém phá tung cánh cửa một lỗ bằng miệng bát. Trong buồng, bà Lã rú lên một tiếng kinh hoàng.
Vu Bàn Vả dùng báng súng động cửa. Ông vẫn không nói nửa câu, chỉ thở nặng nhọc. Thân hình cao to lừng lũng của ông lắc lư như một con gấu. Đám con gái nhà Thượng Quan trốn hết vào trong chái đông, hốt hoảng nhìn ra sân.
Cha con nhà Thượng Quan, một ngươi cầm chùy sắt, một người cầm kìm, nghiêng ngó trong sân, tìm cách tiếp cận Vu Bàn Vả. Thọ Hỉ như con chim chích lướt tới chọc một nhát kìm trúng lưng ông Vu. Ông Vu quay lại gầm lên một tiếng. Thọ Hỉ vứt kìm định bỏ chạy nhưng chân đã nhũn ra, anh ta vội cười nịnh mong thoát hiểm.
– Ông thì giết cái đồ giòi bọ này – Ông Vu chửi, giơ báng súng tống Thọ Hỉ ngã lăn ra.
Ông dùng sức quá mạnh, báng súng gãy đôi. Ông Phúc Lộc vung chùy xông tới nhưng đánh hụt, mất đà loạng choạng suýt ngã. Ông Vu chặt một nhát cạnh bàn tai vào vai, Phúc Lộc ngã lăn ra cùng với con trai.
Vu Bàn Vả dùng cả hai chân luân phiên đá cha con nhà Thượng Quan. Để đá cho mạnh hơn, người ông liên tục rướn lên. Chị em nhà Thượng Quan nhìn ông dượng mà có cảm tưởng đang xem diễn trò. Cha con Thượng Quan co quắp dưới đất, lăn như quả bóng. Lúc đầu, cha con thi nhau gào thật to, nhưng chỉ lát sau đã câm bặt. Thọ Hỉ như con cóc bị đánh gãy lưng, chổng mông lên mà bò, ông Vu bồi cho một đá, anh ta lại ngã lăn ra. Ông Vu vớ lấy cặp chùy sắt nặng chịch của nhà Thượng Quan nhằm đầu Thọ Hỉ, miệng chửi:
– Đồ chó chết, ông đập nát đầu mày như quả đưa!
Giữa lúc nguy cấp, mẹ đẩy cửa loạng choạng bước ra. Mẹ nói:
– Chú ơi, việc nhà cháu xin chú đừng nhúng vào!
Ông Vu quẳng đôi chùy, đau xót nhìn Lỗ Toàn Nhi gầy như que củi, buồn bã:
– Cháu ơi, cháu khổ quá!
Mẹ nói:
– Cháu ra khỏi nhà họ Vu là người của nhà Thượng Quan rồi, sống hay chết, chú dùng can thiệp vào!
Trận đại náo của Vu Bàn Vả khiến uy thế của nhà Thượng Quan giảm sút. Bà Lã biết mình đuối lý, thái độ đối với con dâu khá hơn. Thọ Hỉ sống sót, trong lòng thầm cảm ơn vợ, hành vi ngược đãi cũng bớt. Chỗ bỏng bị nhiễm trùng, sưng tấy lên, đầy mủ, mùi hôi thối nồng nặc. Mẹ cảm thấy không còn sống được bao lâu nữa, bèn dọn đến ở chái tây. Một buổi sáng tinh mơ, tiếng chuông nhà thờ đánh thức mẹ dậy trong giấc ngủ chập chờn. Chuông nhà thờ ngày nào cũng đánh, nhưng hôm nay sao mà thân thiết đến thế. Tiếng chuông vang vang, âm thanh đẹp đẽ của đồng thau đã làm rung chuyển linh hồn mẹ. Trong lòng mẹ gợn lên từng vòng sóng nhỏ. Sao ta chưa bao giờ nghe thấy âm thanh này nhỉ? Có cái gì đã bịt kín tai mình? Mẹ suy nghĩ rất lung, những nỗi đau trong người dần quên sạch. Mãi khi mấy con chuột bò ra gặm chân mẹ, mẹ mới thoát ra khỏi mớ bòng bong của những suy tưởng. Con la già mà bà cô cho làm của hồi môn đang nhìn mẹ với ánh mắt thân thiết và thương cảm của người già nó an ủi mẹ, gợi ý cho mẹ, cổ vũ mẹ.
Mẹ chống gậy, lê tấm thân mà phần dưới đã bị thối rữa nhích từng bước như đi trên đường tới thiên đàng, bước vào cổng lớn của nhà thờ.
Hôm ấy là ngày chủ nhật, mục sư Malôa tay cầm quyển Kinh thánh đứng bên bục giảng đầy bụi, đọc cho mười mấy bà già tóc bạc phơ nghe đoạn sau đây trong kinh Phúc âm:
Mẹ Ngươi là bà Maria đã hứa hôn với Giô-dép, chưa làm lễ thành thân thì Maria do cảm ứng thánh linh mà thụ thai trước. Ông Giô-dép là người nhân nghĩa, không muốn làm bà xấu hổ, định lặng lẽ từ hôn. Đang suy tính như vậy thì Sứ giả của Chúa báo mộng cho ông rằng: Hời Giô-dép con cháu của Đa-vít, đừng sợ, cứ cưới vợ ngươi là Maria, vì cái thai trong bụng Maria là cảm ứng từ thánh linh mà có. Maria sẽ sinh con trai, ngươi hãy đặt tên cho nó là Giê-su, vì nó sẽ dùng thân mình để chuộc tội cho loài người!
Nghe tới dây, nước mắt mẹ đã ướt đẫm vạt áo. Mẹ quẳng gậy quì xuống, ngước nhìn khuôn mặt bất động của chúa Giêsu tạc bằng gỗ táo nứt nẻ trên cây thánh giá nức nở:
– Chúa ơi, con đến muộn quá!…
Các bà già đều nhìn Thượng Quan Lỗ thị bằng ánh mắt ngạc nhiên. Mùi hôi thối trên người mẹ khiến họ nhíu mũi.
Mục sư Malôa đặt quyển Kinh thánh xuống bục giảng, giơ cả hai tay đỡ Lỗ Toàn Nhị. Cặp mắt xanh dịu dàng của ông long lanh nước mắt. Ông nói:
Em gái của tôi, tôi vẫn đọi em!
Đầu mùa hạ năm 1938, trong khu rừng hòe rậm rạp ít ngươi lui tới của thôn Sa Tử, mục sư Malôa kính cẩn quì bên mẹ vừa khỏi hẳn các vết thương, bàn tay đỏ lựng sờ nắn khắp thân thể mẹ, cặp môi đỏ mọng lẩm bẩm điều gì đó đôi mắt xanh biếc cùng màu với da trời nhìn qua kẽ lá. Ông thầm thì, giọng dứt quãng:
– Ôi em tôi… người bạn đời xinh đẹp của tôi, con chim bồ câu của tôi, con người hoàn hảo của tôi… Chân em mịn màng, đẹp như ngọc, tác phẩm vô giá của người thợ tài hoa… Rốn em như một cái ly tròn không một khiếm khuyết… Lưng em như một bó lúa mạch, xung quanh toàn là hoa bách hợp… Đôi vú em như cặp sừng hươu mới nhú, chị em sinh đôi với sừng hươu mẹ. Hai vú em đẹp như quả cọ rủ từng chùm dưới tán cây… Tôi muốn trèo lên cây, muốn vin cành cọ! Mong vú em luôn mọng như chùm nho… mùi thơm từ mũi em như mùi táo… miệng em thơm như rượu nồng… Em thân yêu, sao mà em đẹp vậy! Sao mà đáng yêu vậy. Tôi rất muốn vui vầy cùng em. Cơ thể mẹ như một đám lông thiên nga nhẹ nhàng bay lên trước những lời ca tụng, những cái vuốt ve dịu dàng của mục sư, bay cao, cao nữa lên vòm trời Cao Mật xanh biếc, bay vào trong cặp mắt xanh của mục sư Malôa. Mùi thơm đậm của hoa hòe đỏ và trắng tỏa ra từng đợt như sóng. Khi chùm tinh dịch của mục sư bắn thẳng vào tử cung thì mẹ ứa nước mắt với vẻ cảm kích và biết ơn. Cặp tình nhân thương tích đầy mình này gào lên trong làn hương nghẹt thở của hoa hòe và trong mối giao cảm phức tạp:
I ma mê li! I ma mê li!…
A lê lu xa! A lê lu xa!…
A men! A men!
A… men!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *