Tay ôm khăn gói sang sông
Mẹ gọi mặc mẹ theo chồng cứ theo.
Vừa nghe tiếng xe máy đỗ xịch ở sân, Hằng ngoảnh ra, chưa kịp chào, đã thấy tiếng chị Loan nện giầy cao gót cồm cộp và đánh tiếng:
– Cái Hằng phải không? Cái Hằng sang đấy, hả?
Anh Phan, anh rể Hằng vóc người cao ráo, mặt trái soan ló đầu ra từ gian trong, săn đón:
– Loan đã về đấy à? Anh đi khám bệnh, tạt qua phòng nhi, thấy hai mẹ con nó ôm nhau nhếch nhác chờ đợi mà con bé thì nóng như rang nên đèo xe nó về đây đấy!
Chị Loan cởi áo chống nắng, vắt lên giá đỡ, bước vào gian trong. Gian trong, trên cái giường con kê ở cạnh buồng ăn, con bé Tý Ty bảy tháng tuổi đang nằm, tay giang rộng, tóc bết thái dương, mắt như hai hột nhãn lờ đờ đưa đẩy.
– Em chào chị ạ.
Hằng lí nhí. Chị Loan nhấc cái quạt nan, thốc mấy cái vào khuôn mặt trái tròn vạnh đỏ hồng vì đi nắng, rồi khoát rộng cánh tay phe phẩy cho con bé Tý Ty, mặt bỗng sa sầm:
– Tao biết ngay mà! Người ta con chúa chúa yêu, con triều triều dấu. Còn mày sao cái số lại khốn khổ thế, hả Hằng?
Mắt ậng nước, nghe chị gái cao rao oán thoán, Hằng sụt sịt chưa biết nói gì thì anh Phan đã quay vào, mặt nhăn nhó, khổ ải:
– Trách gì nó! Có trách thì trách bố mẹ nhà chồng nó ấy chứ.
– Thế còn thằng Dưng chồng nó? Là bụt mọc hay sao mà không biết mở mồm ra bênh che cho vợ con?
Đưa mắt nhìn Hằng, anh Phan hất hàm, ảo não:
– Thôi, Hằng! Chị mày đấy, mày nói cho chị mày nghe. Chứ tao thấy cảnh mày và con mày thật não lòng quá đấy!
Hằng nói được gì bây giờ?
Nói được gì nữa. Vì chị Loan đâu có phải bây giờ mới biết. Bây giờ mới biết, mới nhận ra sự thể, có lẽ là chỉ có mình Hằng thôi. Thật là thế. Thật là Hằng không thể ngờ bên nhà chồng lại đối xử như thế với Hằng! Hằng không thể ngờ. Cưới hôm trước, hôm sau bữa cơm đầu tiên ăn ở nhà chồng chưa xong, thì ông Chì bố chồng Hằng đã đặt chén rượu đang uống dở xuống, hà hà một hồi, rồi hể hả nói rằng, từ nay thế là tao nhẹ gánh; thằng Dưng lấy vợ rồi thì vợ chồng liệu mà thu vén, quấn túm và trang trải cho nhau.
Hằng còn đang mu mơ chưa hiểu ý tứ cụ thể gì ẩn ở sau những câu nói nọ thì mẹ chồng Hằng đã chèm chẹp miệng phân tỏ ngọn ngành. Ôi chao, thì ra theo bà Chì mẹ chồng Hằng thì bố Dưng bảo rằng, từ nay là con dâu thì giang sơn nhà chồng gồng nặng gánh nhẹ Hằng phải mang. Hằng phải buông dầm cầm chèo. Cụ thể là từ hôm nay, Hằng phải đóng tiền ăn hàng tháng cho chồng nàng. Rằng ngoài ra, nàng phải đóng góp cho các chi tiêu khác trong gia đình. Chẳng hạn, tiền điện, tiền nước hàng tháng từ nay sẽ xẻ đôi, vợ chồng Hằng đóng một nửa, bố mẹ chồng đóng một nửa, vân vân và vân vân…
Hằng còn đang choáng váng thì ông Chì đưa tay gãi gãi chỏm đầu đã rụng gần hết tóc, trắng hếu ề à:
– Tao năm nay bốn chín chưa qua năm ba đã tới. Đi làm nhà thầu xây dựng, việc thổ mộc không hộc máu cũng hộc cơm. Nói dại, đang leo dàn giáo, bỗng hoa mắt, trượt chân, rơi ịch xuống đất! Hoặc đang đi bỗng choang một viên gạch từ tầng năm rơi một phát trúng thóp. Thì ôi thôi! Vậy nên, vô tác gác mỏ, làm lấy mà ăn!
Và miếng cơm, Hằng nghẹn ắng. Nghẹn ắng, vì cứ nghĩ, lấy chồng thì ai cũng thế thôi, trước hết là phải dựa cậy vào nhà chồng, rồi sau cứng cát dần mới có thể tự lập được. Chứ mới mười tám tuổi đầu, cha mẹ mất sớm, ở với gia đình chị gái, mới lập nghiệp bằng chân bán hàng ở shop Thời Trang Mỹ Duyên, tháng lĩnh chín trăm ngàn tiền công, tiêu pha sắm sửa cho cá nhân còn phải xin thêm anh chị, thì lấy đâu mà cung đốn cho chồng và chi tiêu các khoản khác trong gia đình chồng!
Hằng bị bất ngờ quá! Vì chị Loan, chị gái Hằng con người tươi đẹp lồng lộng, khôn ngoan, sắc sảo và vô cùng quyết đoán, đã thăm ván rồi mới bán thuyền, đã dò la thăm hỏi chán chê, yên tâm hoàn toàn về gia đình tương lai của chồng Hằng mới bằng lòng cho Hằng đi làm dâu nhà người ta. Chứ đâu có phải là nông nổi trong việc gả chồng cho Hằng!
Đấy, ông Chì bố chồng Hằng! Ngày dạm ngõ, ông ngồi bảnh choẹ trên cái xe máy SH mới coóng, đen bóng, giá ngang chiếc ô tô con. Mặc bộ com lê lễ hội, áo trắng, nơ đen, giầy đen bít tất trắng, thắt lưng gài điện thoại di động, ông hơi ba hoa một tí, nhưng xem ra có vẻ thật thà và nhất là khẩu khí nghe ra cũng là của con người biết làm ăn, biết trọng nghĩa khinh tài, ra dáng ra dàng một doanh nhân đang ở thời kỳ phát đạt chứ thường. Trong khi đó, bà Chì áo vét xám khoác ngoài áo dài lụa mỡ gà, đi hài thêu, ăn nói hỏn hẻn, một lời một thưa gửi, ý tứ phân miêng phép tắc. Chứ đâu phải hạng đàn bà giá áo túi cơm, ngồi xổm ăn bốc. Chỉ hơi buồn là Dưng. Dưng, tóc chải gôm, áo sặc sỡ hình hoạ, đặc ca sĩ đang ăn khách, nhưng bẽn la bẽn lẽn. Dạ, anh chị không chê em ít học là em mừng lắm rồi. ấy thế, không ngờ nghe Dưng nói vậy, chị Loan và anh rể Phan đều tỏ vẻ hài lòng. Tất nhiên, chị Loan là kế toán trưởng, anh Phan là tiến sĩ xã hội học, giá như Dưng có học vấn cao hơn, gia đình Dưng là gia đình tri thức thì vẫn yên tâm hơn. Nhưng, chuyện dựng vợ gả chồng không phải là việc vẽ người lên giấy rồi chọn lựa. Huống hồ, Hằng cũng là đứa không có chí học hành, ì ạch mãi mới học hết trung học cơ sở. Thành ra lúc này đây, đến tuổi lập gia đình mà Hằng được gửi thân vào một gia đình lao động lương thiện thật thà là may rồi. Chị Loan và anh Phan đều nghĩ vậy và lấy làm mừng. Mừng nữa là tính ra, gia đình Dưng không giàu có, nhưng cũng thuộc loại trung lưu. Một mảnh đất tám chục mét vuông, trên đó đã có một căn nhà hai tầng lợp ngói. Một cái giếng thơi. Một vuông sân rộng rinh, gà chó đi lại nhộn nhịp. Không thật đàng hoàng, nhưng cũng đâu có phải hạng lúi xùi, ăn xó mó niêu. Dạ, gì chứ chúng tôi dứt khoát là không để em Hằng của ông bà khổ sở ạ. Trong bối cảnh ấy, lời ông bà Chì nói lúc đón dâu là có vàng đảm bảo còn gì! Còn bè bạn một tốp mười cô đồng loạt áo dài đỏ chót đi phù dâu cho Hằng, nhìn tận mắt gia cơ nọ thì ghé tai Hằng, rúc rích: “Hằng ơi, hay ăn hay tiêu đoạ nơi có tiền là mày đấy”, nghe như là có ý ghen tị với Hằng đấy còn gì!
Thế mà bây giờ thì thế!
Thế mà bây giờ thì tính toán chi ly, thắt buộc Hằng. Thế mà bây giờ hoá ra là người ki kiết, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, nanh nọc và nhẫn tâm quá đáng. Nấu cơm thừa mấy miếng cháy là bà Chì đã dài mồm ra trì chiết. Thấy Hằng hứng chậu nước máy đầy để giặt cái áo trắng cho Dưng, bà cũng la: “Phung phí thế đến khi hai tay úp bẹn thì đến cỗ hậu sự cũng chẳng có đâu, cô ạ”.
Ôi chao! Thì ra bây giờ mới hiểu. Rằng họ chỉ được cái mẽ bề ngoài đánh lừa thiên hạ thôi. Chiếc xe máy SH là đi mượn. Ông Chì vốn chỉ là anh thợ xây quèn, trổ mã thành nhà thầu khoán nửa mùa, nhưng làm ăn gian dối, nên mất dần khách hàng, gần nửa năm nay hết việc nằm khàn ở nhà. Bà Chì có một cửa hàng khô nho nhỏ ở chợ phường, lãi lờ chẳng vừa đút miệng. Còn Dưng thì đúng như lời tự thú, học hết lớp bốn, trước toàn đi phụ việc cho bố, giờ thi thoảng có tốp thợ nào gọi phu hồ hay công trường nào cần chân bảo vệ thì đi làm ít bữa, nên về căn bản vẫn là ăn nhờ bố mẹ, vào bữa cơm là cắm mặt xuống ăn mà vẫn không thoát được lời xỉ vả là quân ăn bám; có bữa đang ăn cũng bỏ bát cơm đấy, chịu nhịn đói vì tủi hổ.
Tính cách là do hoàn cảnh tạo nên. Anh Phan nói vậy. Nhưng chị Loan thêm: Thì cũng không có lý gì, đám cưới vừa xong hai vợ chồng ông bà ấy đã ôm cái hòm đựng tiền mừng về, rồi đổ ra đếm đếm, được bao nhiêu giữ dịt lấy, con trai hỏi thì sẵng, rằng của tao chứ, của mày à. ấy là chưa kể, Hằng sinh được một đứa con là mất một hòn máu, tả phù hữu bật bù chi bù chít còn chẳng ăn ai, thế mà chẳng hề ngó ngàng, lo cho từ miếng cơm đến viên thuốc bổ, nghỉ chưa hết tuần đã giục đi làm, bữa trưa cho độc một gói mì ăn liền milikét, để đến nỗi Hằng rộc rạc như cái que, để đến nỗi phải về nhà anh chị xin từng cân gạo, từng chục nghìn để xay bột cho con. Khổ thế đấy! Năm giờ sáng bước chân xuống giường là bê đống quần áo của bố mẹ chồng của chồng ra giếng. Chiều về, sau một ngày chài chãi đứng bán hàng , con chưa kịp cho bú đã phải lăn lưng vào bếp nấu nướng, ra sân quét quáy dọn dẹp. Bữa nào về chậm là hết cơm. Tháng nào đóng không đủ tiền là ghi sổ nợ. Tuần trước giỗ ông nội thì bảo, lẽ ra là dâu trưởng mày phải cáng đáng tất, nhưng thôi năm nay vì mới về nhà chồng nên chỉ yêu cầu góp giỗ hai triệu đồng thôi. Hai triệu đồng, những hơn hai tháng lương đi làm, Hằng lấy đâu ra! ở đâu ra loại ông bà ki bo bom bỏm thế! Cháu nội mình đói mà bỏ ra nghìn bạc mua cho nó bát cháo hoa cũng tiếc. Và bây giờ để con bé Tý Ty xanh xao, còi cọc, ốm yếu thế là tội ở ai? Chưa kể, cùng với tính ki kiết bòn mót, còn là thói gia trưởng ghê người. Động có ý định thanh minh hay cãi lại là lên giọng áp chế, không cho con dâu con trai có quyền nói năng giải tỏ chút nào!
– Thật không ai như mày, Hằng ạ! Thế mày thấy nó sốt, nó thở khò khè từ hôm nào?
– Dạ, bốn hôm rồi. Mấy hôm trước mưa gió, không cho nó đi cùng đến cửa hàng được, em để nó ở nhà với bà nội. Trưa tạt về, thấy con bé nằm tơ hơ tai hoải, tã không quấn, chăn không đắp, người như nung như nấu, hỏi thì bà nội nó bảo, trẻ con nó hu hi, váng mình sốt mẩy là chuyện thường, làm gì mà như công chúa phải gai thế!
– Thế bố nó đâu?
– Bố cháu đi làm bảo vệ công trường ở tận Bắc Giang cơ ạ
– Thôi, thế thì ôm con lên! Tao đèo đi bác sĩ tư cho nhanh!
Chị Loan vứt tạch cái quạt xuống giường, vơ mái tóc xoã ra sau, gay gắt. Hằng hiểu, chị là người xót xa nhất cho tình cảnh của Hằng lúc này. Hơn nữa, chị còn đang rất cay uất, chị mang cảm giác một người bị mắc lừa.
*
Con bé Tý Ty sốt xình xịch ba ngày nữa. Nó bị viêm phổi nặng và xưng Amiđan. May, nhờ thuốc tiêm và thuốc uống đặc hiệu, bốn hôm sau cơn sốt lui, mặt mũi nó tươi tỉnh dần.
Bế nó trên tay, thấy nó gầy tọp, lọt thỏm, nhẹ bẫng mà không cầm nổi nước mắt. Khổ, mới chỉ là một sinh linh yếu ớt, còn đang u ơ chưa biết gì mà đã là nạn nhân của bao tật bệnh, của thói tắc trách, vô tâm vô tình của người đời. Nhìn con bé mà xót quá, mà thương quá! Thương mẹ nghèo, vất vả hay sao mà ngày mẹ đi làm, đặt nằm trên cái ghế cạnh nơi mẹ bán hàng, chẳng bao giờ dám quấy khóc, chỉ lặng lẽ chơi một mình với mấy quả bóng nhựa xanh đỏ treo bung biêng ở trước mặt. Còn bây giờ, suốt mấy ngày ốm đau, mệt nhọc lắm mới ọ ẹ vài tiếng, và đã biết thế nào là đau khổ và hạnh phúc mà cứ hơi tinh tỉnh lại ho hó cái miệng hóng chuyện và thi thoảng lại rủm rỉm một nụ cười hoa! Ôi, nụ cười hoa, nụ cười duyên, cái nét riêng cao sang, cái nét quyến rũ của bên ngoại, của mẹ Hằng, của bác Loan. Mẹ Hằng, bác Loan , một vùng hoa nở lồng lộng, tốt tươi. Nhìn con bé cười mà thấy tội nghiệp quá! Có ai hiểu cho hoàn cảnh sống của mẹ nó hiện thời?
– ờ ờ… bây giờ Tý Ty tu ti mẹ Hằng, rồi con uống nốt một viên thuốc nữa nhé. Thuốc ngọt chứ không đắng đâu, con à. ừ, rồi con uống thuốc, rồi con ngủ khì. Ngủ khì dậy con ăn một bát bột nữa là con khỏi hẳn, là bác bế con đi chơi nhé!
Trao con bé cho Hằng, chị Loan xoa mặt, kẹp lại tóc, rồi ngồi xuống mép giường cạnh Hằng, giọng đã có phần thảnh thơi:
– Hằng này, bây giờ mày nghe chị hỏi đây. Cái xe máy Suzuki anh chị cho đâu rồi mà sao hồi này đi làm toàn thấy mày đi xe ôm?
– Dạ…
– Mày cứ nói thật để anh chị biết.
– Dạ, cái xe máy… ngay hôm đầu về, ông Chì bố anh Dưng nói là cho ông ấy mượn đi Nam Định, rồi ông ấy cứ giữ lấy đi ạ. Cả cái điện thoại di động nữa cũng thế.
– Khốn nạn thân mày chưa! Thế còn cái sổ tiết kiệm năm chục triệu tao cho để phòng thân khi cơ nhỡ, có nghe tao dặn là phải thật bí mật, không cho ai biết, kể cả thằng chồng mày nó có dỗ ngon dỗ ngọt, nó có cậy răng mày, mày cũng phải im, có còn không hay là…
– Dạ…
– Sao? Mẹ nó hỏi vay mày chứ gì! Trời ơi là trời! Đúng là quân bòn nơi khố rách, quân chuyên nghề bóp nặn dân lành. Mà mày ăn gì vào mồm mà ngu thế hả, Hằng!
Hằng đổi bên vú cho con bé Tý Ty. Chị Loan đứng dậy, chống tay lên sườn, răng nghiến kèn kẹt, rền rĩ và lồng lộn. Chị đau uất lắm. Chị bảo chị đã nhầm. Chị bảo cả đời chị, đây là lần duy nhất chị đánh giá sai con người, chị bị nó cho ăn quả lừa quá to. Bây giờ chị mới nhớ ra thì đã muộn, chứ chị đã ngờ ngợ từ lần tiếp xúc đầu tiên rồi, tử tế gì cái loại người ấy! Con vợ thì ỏn ẻn, điệu đàng học làm sang, nhưng da mặt sát xương, gò má cao như hai quả núi, rõ quân ăn người, quân phản phúc. Còn thằng chồng thì dái tai nhòm quai hàm, đích thị loại bất nhân, giấu gươm ở đầu lưỡi!
Thông thốc rủa xả bố mẹ chồng Hằng một thôi một hồi, chị mới ngồi xuống bên giường, ứa nước mắt nhìn Hằng, nức nưởi:
– Hằng ơi, bây giờ mày đã thấy là ngu dại chưa, em! Thằng Trọng, bố mẹ cán bộ, con nhà tử tế, đỗ kỹ sư, có công ăn việc làm, nó yêu mày thì mày ruỗi ra, để đâm đầu đi lấy thằng phu hồ, thằng bảo vệ, con lão thầu khoán nửa mùa, thất đức.
Cái Tý Ty đã ngủ. Đặt nó xuống giường, Hằng chưa biết nói lại với chị Loan thế nào thì chị đã lại tiếp, giọng càng chua chát:
– Thôi, bây giờ tao không nói xa xôi nữa đâu. Hằng, mày hãy ra soi gương xem, mày sắp thành bà lão chưa? Nào, ra soi gương đi! Xem mặt mũi mày thế thì tao có tội với ba mẹ ở dưới suối vàng không? Nào!
Hằng chớp chớp mắt, nghèn nghẹn. Sự đời lắm khúc nhôi sâu kín, nào ai đã hiểu hết và biết nói với chị gái thế nào bây giờ. Phủ tấm màn xô lên người cái Tý Ty, Hằng nghẹn ngào:
– Thôi, em ngu thì em chịu vậy, chị ạ.
– Chịu chịu là chịu thế nào?
– Nhưng mà…
– Không có nhưng mà gì hết. Hôm qua tao với anh Phan bàn bạc với nhau xong xuôi rồi. Anh ấy đồng ý từ nay hai mẹ con mày ở hẳn đây với anh chị. Vạch vôi vào mặt bố con nhà nó! Quên cái chốn hang hùm nọc rắn ấy đi! Nhà tao, hai đứa trẻ đi học ở Anh quốc hết rồi. Tao về hưu sớm một năm, tao bế ẵm con Tý Ty cho!
Dừng một lát như lấy hơi, chị tiếp:
– Mà bây giờ người ta quan niệm hôn nhân cũng khác trước nhiều rồi, Hằng ạ. Không hợp thì chia tay. Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Thế thôi!
Rồi hạ giọng:
– Này, cầm cái quạt phe phẩy cho con bé ngủ. Chườm cái khăn ướt lên trán để nó giải nhiệt. Bác sĩ người ta bảo thế đấy. Để tao ra chợ mua mấy thứ về nấu lẫn bột cho con bé. Khổ, gái một con mà sắp thành mẹ mõ rồi!
*
Con bé Tý Ty thiu thiu ngủ. Hằng nằm xuống là mê thiếp ngay.
Chị Loan ra chợ. Chợ phường họp sáng đã tan, chị phải bắt xe ôm sang chợ quận. Tạt qua hàng rau chị mua mấy mớ cà rốt, rồi qua hàng thịt, mua quả bầu dục, mấy lạng ruốc về để nấu bột, nấu cháo cho cái Tý Ty. Gặp mấy người bạn trò chuyện, thoáng cái đã thấy nga ngả chiều, chị bỗng thấy sốt ruột quá, liền gọi xe ôm vội vã trở về.
Con bé Tý Ty vẫn đang giấc. Hằng đã dậy. Sau giấc chợp, nhưng hai con mắt vẫn ngầu ngầu đỏ. Đầu giường là hai xếp quần áo mới gập của mẹ con Hằng. Xộc ngay vào căn buồng, chị Loan như buột miệng, hơ hoảng:
– Mày định đi đâu bây giờ, Hằng?
– Không ạ…
– Thế…
– Em vừa lên sân thượng thu quần áo phơi đã khô xuống.
Đặt phịch cái làn đựng đồ ăn xuống đất, mắt chớp chớp, chị Loan dịch lại gần Hằng, giọng bỗng hạ xuống một nấc :
– Này Hằng, thế ít lâu nay cô và con bé Tý Ty có ngủ riêng không đấy?
– Dạ .
Mặt Hằng ưng ửng đỏ. Chị Loan quay đi, đổi giọng làu bàu :
– Hay là… Mà tao nói thật, đàn ông trăm thằng giống nhau cả trăm linh một, nhất hạng là cái loại vai u thịt bắp thô lỗ mãng, nó chỉ biêt sướng cái thân nó thôi. Đè được vợ là đè, thoả mãn được cơn dục là xong, còn chẳng cần biêt đến ai đâu. Phải kiêng, phải kiêng! ít nhất là sáu tháng. Có thèm cũng phải nhịn. Mà nó có ngọt ngào dỗ dành chiều anh một tý thôi nào, thì cũng hẩy bằng được nó ra, phải nhớ, dễ dạ là khốn thân đấy. Rồi ho lao, hậu sản đấy. Mày có nghe tao nói không đấy, hay là bây giờ có chồng có con, có lông có cánh rồi, coi anh chị như người dưng, hả Hằng ?
– Dạ. Em vẫn nghe chị nói đấy chứ ạ!
– Vẫn nghe chị nói !
Quay mặt trở lại, lướt qua mặt em gái một ánh nhìn thất vọng, chị Loan thở một hơi dài buồn bã, thôi, có thân thì tự lo lấy. Không rồi ra lại bảo tao không nói trước. Thì vừa lúc anh Phan đi đâu về ló đầu vào, mắt chớp chớp, giọng nhiễm vẻ lo âu:
– Có phải thằng Dưng lúc anh chị đi vắng nó vừa vào đây không?
Hằng ngắc ngứ, mặt nhợt nhạt. Chị Loan nhìn chồng:
– Anh vừa đi đâu về đấy, anh Phan?
– Anh ra hiệu sách mua quyển Nuôi dạy trẻ sơ sinh cho cái Hằng.
Hằng ra hiên lấy cái khăn lau mặt, quay trở vào, hai con mắt mưng mưng, nhìn chị gái, giọng rầu rầu:
– Chị Loan ạ, em biết là anh chị rất thương em! Rất lo cho em.
– Cái gì, mày nói cái gì?
– Em nói là em biết anh chị rất thương em.
Thoát một hơi thở dài thượt, chị Loan nói như rên :
– Tao biết ngay mà. Mày lại định trở về cái tổ chấy ấy, cái địa ngục trần gian ấy chứ gì!
Hằng nuốt nước bọt, nghèn nghẹn:
– Anh chị thương em, thông cảm cho em.
– Không đi đâu cả! Đi thì để con bé ở lại đây cho tôi!
– Em biết là anh chị rất lo cho em.
– Nói thế là tao biết ý mày rồi.
– Em có ý gì đâu ạ.
Phắt dậy, chị Loan quăng quắc hai con mắt sắc lẻm, nghiến răng:
– Tao nhắc lại: Nếu mày khác ý tao thì từ nay…
Không nói hết câu, người chị gái đã ngắc nghẹn, ngồi thụp xuống, nước mắt tràn ra lưng tròng. Và Hằng lập tức xoay người, úp mặt vào tường, miệng mếu xệch:
– Chị ơi, chị thương em mới chị. Chị ơi, anh Dưng lúc nẫy khi chị đi chợ anh ấy có tạt vào đây với em… Chị ơi, mấy đêm nay em có ngủ được đâu. Đêm qua em còn mê thấy ông Chì bố chồng em ở công trường xây dựng bị gạch rơi vào đầu, đang cấp cứu ở bệnh viện, chị ạ…
*
Đi nằm từ chập tối, nhưng Hằng có ngủ được đâu. Vì cứ động chợp mắt là lại mê. Mà toàn mê thấy điều dữ. Mê thấy ông Chì bị tai nạn. Mê thấy Dưng kêu bị bỏ đói vì ông bà Chì không cho ăn. Lại thêm con bé Tý Ty lại sức, bú chòm chọp liên hồi. Và trong thâm tâm, Hằng đã quyết rồi. Thành ra, nghe trong buồng anh chị thấy yên ắng, chắc là đang vào giấc, Hằng liền xốc cái Tý Ty dậy.
Khe khẽ đẩy cánh cửa, rón rén lọt ra ngoài, tay bế con bé, tay xách làn áo quần, thoáng cái Hằng đã đứng ở vỉa hè đường phố. Chẳng hiểu là mấy giờ đêm hay đã tang tảng sáng mà phố xá mịt mờ sương khói. Và mới chỉ đưa tay lên chưa kịp vẫy vẫy thì một chiếc xe ôm do một gã trai tóc tai bù xù, thòi ra cả rìa mũ bảo hiểm , mặt mũi láu lỉnh, như một cánh chim ăn đêm đã vè vè xáp tới.
– Bệnh viện nào đây? Sốt xuất huyết hay viêm phổi? Mà đức ông chồng đâu lại để thân gái một con một mình lơ vơ giữa đêm trường thế này?
Đang cần thật nhanh chóng rời bỏ căn nhà ấm áp tình thương yêu của chị gái và anh rể, Hằng không đáp gã trai qua câu hỏi đã biết ngay là dân xe ôm chuyên nghiệp làm đêm và chẳng đứng đắn gì, vì hai con mắt ti hí vừa đậu xe lại đã xoi xói cái nhìn nhục thể vào hai bầu ngực bù bụ của Hằng.
– Cứ đi đi!
Hằng đưa cái làn cho gã xe ôm, tay trái bế cái Tý Ty, khe khẽ nói rồi ngồi lên phần yên sau xe .
– Ngồi lui lên đi em. Cho con bế chếch sang bên, áp vào lưng anh, cho chắc và cho… ấm!.
Hắt về phía sau mấy lời dặn suồng sã và ra vẻ thân thiết, gã xe ôm tăng ga, sang số. Chiếc xe giật cục, vụt đi và Hằng chỉ kịp ngoái lại nhìn vội căn nhà anh chị, rồi đưa tay lên gạt nước mắt. Hằng biết là anh rể và chị gái, nhất là chị gái Hằng sẽ giận Hằng lắm. Nhưng, Hằng không thể làm khác được.
Hằng phải trở về bên nhà chồng như lẽ tự nhiên phải là thế. Hằng trở về vì bổn phận gọi nàng về. Vì bây giờ, nàng đâu chỉ là một cá nhân riêng lẻ, nàng còn con bé Tý Ty, máu huyết của chồng nàng, sợi giây liên hệ với gia tộc chồng nàng. Hằng trở về vì sự ràng buộc vừa chặt chẽ vừa êm ái của một luật tục bất thành văn đã in sâu vào tâm khảm nàng. Hằng trở về vì cuộc sống đã xếp sắp nàng như thế. Lấy chồng thì phải theo chồng. Chồng đi đường rắn, đường rồng cũng đi. Vì mỗi người có một số phận. Sung sướng thì được hưởng. Hẩm hiu thì phải chịu. Hằng trở về vì cuộc sống xưa rày vốn là khổ ải trầm luân muôn bề và đã là con người thì phải nhẫn nại và nín nhịn để sống, chứ không thể trốn chạy, không thể bỏ cuộc! Hằng trở về vì hiểu rằng, sống ở đời, nhiều khi cũng cần phải biết tự bằng lòng. Đừng nên đứng núi này trông núi nọ. Mình là phận dâu con, đang lụy người ta nên có bị giàm buộc thì cũng là cái lẽ đương nhiên. Mà Hằng có là lá ngọc cành vàng gì mà bắc bậc kiêu kỳ, mà có quyền đòi hỏi nọ kia! Làm sao mà Hằng có thể so với chị Loan và vợ chồng Hằng có bao giờ dám ao ước một cuộc sống như của anh chị mình!
– Vào bệnh viện Nhi Thụy Điển nhé, em gái!
– Không! Anh cứ đi đi!
– Hay là vào Viện Bà mẹ và Trẻ sơ sinh!
– Không!
– Vậy thì vào Bệnh viện Tim Mạch, hở?
– Đã bảo không là không mà!
– Ô hay! Thế thì đi đâu?
– Cứ đi thẳng !
Lần này thì gã xe ôm cho xe chạy chậm lại và ngoái cái nhìn nghi ngờ về phía sau. Rồi ngay sau đó gã cố tình dịch lui về phần yên sau và cong tấm lưng gầy của mình để nó áp chặt hơn nữa vào phần trên của thân thể Hằng. Nhưng lúc này, Hằng đâu còn tâm sức để ý đến hành vi sàm sỡ ấy của y. Hằng chỉ nghĩ đến hành động trở về bên nhà chồng như là một cuộc chạy trốn bất đắc dĩ nhưng không thể khác được của mình. Trớ trêu, những tình cảm chân thành ở một phía cạnh nào đó nhiều khi lại là những cản trở con người ta sống cho phải lẽ, cho hợp tình hơn.
Thế đấy, Hằng và con bé Tý Ty phải trở về vì bây giờ nàng đã có chồng và con bé Tý Ty đã có cha. Chồng nàng là anh chàng Dưng đần dại, nghề ngỗng linh tinh. Nhưng hắn đã đứng tên là chồng nàng trong giấy giá thú. Vừa nẫy, lừa lúc anh rể chị gái Hằng đi vắng, Dưng đã lẻn vào và hắn đã ôm nàng mà khóc. Khóc sướt mướt như đàn bà vì nhớ thương nàng và con bé Tý Ty, vì thấy mình hèn yếu, bất lực. Dưng có vô số nhược điểm. Nhưng hắn hơn hẳn Trọng kỹ sư, con nhà có học, hơn rất nhiều người khác, ở chỗ hắn yêu nàng chân thực, không dối trá, không bắt cá hai tay, ở chỗ hắn say đắm nàng, si mê từ tính nết đến nụ cười hoa, đôi môi, khuôn ngực, mỗi chi tiết trên cơ thể nàng. Nàng nhớ từng cái ôm riết nóng nẩy của hắn. Chà, nàng mới từ nhà hộ sinh về được năm hôm, hắn đã đòi yêu nàng. Và bị nàng đẩy ra thì hắn cáu, hắn chửi, hắn giở bài bây ăn vạ rồi lại toan giơ tay tát nàng nữa. Nàng nhớ đến từng cử chỉ, từng câu nói của hắn. Hắn là dân lao động, hắn không biết mơn trớn ve vuốt, hắn hùng hục trong mỗi cử chỉ, thô lỗ ở mỗi câu nói những khi vợ chồng ân ái nhau. Nhưng sao lại có thể gọi thế là thô lỗ để rồi phật lòng nhỉ, một khi hắn đã là chồng nàng, hắn yêu nàng thật sự, hắn thề rằng đi đâu xa là hắn chỉ tơ tưởng đến cơ thể nàng, hắn bảo, hắn có thể chết trên bụng nàng. Nghe hắn nói thế, nàng vội đưa tay bịt mồm hắn. Thi thủ cái miệng anh đi! Anh là chồng em thì em phải chiều anh chứ ! ấy thế, là chồng nàng thì hắn có đặc quyền đối với nàng và là đàn bà, là vợ hắn, nàng sẵn sàng chấp nhận tất. Ăn tuỳ chủ, ngủ tuỳ chồng. Thế gian đã chẳng có câu nói đó đấy ư? Thế đấy! Quan hệ đàn ông đàn bà mà cũng đủ vành đủ kiểu. Hỏi hắn nghĩ đâu ra những trò quái quỷ ấy thì hắn bảo bọn thợ xây ở công trường nó dậy. Khoái quá, hắn rên, Hằng ơi, chạm vào người em là anh cứng đơ như thỏi sắt nguội rồi đây này. Em là ma tuý, anh nghiện em rồi. Em có nghiện anh không? Hằng đấm bình bịch lên lưng hắn, cười rúc rích: Đồ quỷ sứ nhà trời, lòng vả cũng như lòng sung, anh Dưng à. Trời! Hắn ghì chặt nàng, thì thào vào tai nàng, rằng không biết ở trên đời còn có cái gì sung sướng hơn là được ấp vợ không! Ôi, cái đời sống vợ chồng, cái hạnh phúc ngạt ngào bí ẩn, cái sinh thú tự nhiên nơi trần thế, cái bầu khí quyển quyến rũ quen thuộc của riêng hai người, chỉ riêng hai người được biết thôi, chỉ cần một đôi nét nhắc nhớ là đã nôn nao sung sướng, đã lộn lạo cả ruột gan, là đã có thể quên hết mọi đắng cay, bức bối, nhọc nhằn, kể cả ở chốn địa ngục trần ai, nơi hang hùm nọc rắn rồi. Thế đấy, cái thân phận đàn bà éo le nghe thì có vẻ khổ sở mà thực ra đâu có phải chỉ rặt là khổ sở!
Ôi! Hằng đang trở về bên nhà chồng đây. Tâm trạng Hằng lúc này hỏi rằng có khác chi kẻ đang ở thiên đường mà ngày đêm lúc nào cũng bị dày vò bởi nỗi nhớ niềm vui sống nơi trần gian? Dâng lên khuôn ngực Hằng lúc này là cả một bầu năng lượng khát khao yêu đương và dâng tặng. Và gã xe ôm vốn nòi trai lơ từ nãy đang toan tính những ý đồ bợm bãi, đã lập tức nhạy cảm nhận ra ngay cơn xúc động bột phát này của nàng. Thấy cả một mảng lưng mình chợt bừng lên vì một nguồn nóng ấm hôi hổi, gã liền dừng xe; chỗ ấy là vỉa hè một Quán trọ Bình dân còn treo hai chiếc đèn lồng đỏ đón khách đêm.
– Sao anh lại cho xe đỗ ở đây?
– Thì…
– Anh cho chạy tiếp đi! Chạy tiếp đi!
– Thôi, anh hiểu hoàn cảnh của em rồi. Đêm hôm, em không mãn nguyện với đức lang quân chớ gì. Nó bỏ em bơ vơ đói khát chứ gì! Vào đây! Vào đây với anh một lát đi! Mới có ba giờ sáng thôi mà !
Trụt xuống sau xe, tay trái bế con bé Tý Ty, tay kia Hằng giật cái làn ngoắc ở tay lái chiếc xe ôm. Từ đây về nhà chồng còn non cây số nữa. Vứt trả gã lái xe ôm tờ bạc năm mươi ngàn xong, Hằng liền xốc con lên vai, cắm cúi bước.
Giờ ấy cũng là lúc chị Loan trở mình, sau cả một đêm dài nằm im thao thức, dõi theo từng cử chỉ, hành động của đứa em gái. Tội nghiệp con em em… Nói với chồng trong một tiếng thở dài, rồi chị quay lưng, úp mặt vào bờ tường, nấc từng hồi nho nhỏ.Thất bại này, nỗi buồn này thấm thía tới tận tim gan.
Hà Nội 2011
Ma Văn Kháng