QĐND – Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm tôn vinh những tác giả có tác phẩm hay được xuất bản trong năm. Đây là một cách đánh giá, khẳng định bước đi cũng như thành tựu của văn học đương đại. Trước nay, văn học luôn được coi là cái nhiệt kế tinh thần của xã hội. Do vậy mà giải thưởng này rất được dư luận quan tâm. Trên thực tế, những tác phẩm được trao chưa hẳn đã là những tác phẩm xuất sắc nhất, thậm chí còn tạo ra những dị nghị này nọ, nhưng đã qua thử thách của một bộ phận người đọc được coi là tinh hoa, có trách nhiệm thì tác phẩm ấy cũng làm vẻ vang tác giả đã nặng lòng sinh ra nhiều lắm. Còn nó có được coi mang tính chuẩn mực hay không phải còn đợi thời gian phán xử.
Thế nào là một tác phẩm xứng đáng để được trao giải? Cũng dễ thống nhất: Phải hay, mới và cập nhật. Có như thế giải thưởng mới tạo ra độ ảnh hưởng cần thiết cho giới văn học và cả bầu không khí tinh thần của xã hội.
Văn học hoạt động theo quy luật của tình cảm. Một tác phẩm hay phải là sự biểu hiện tình cảm, tâm tư, khát vọng của con người. Xưa nay các tác phẩm kinh điển đều là sự kết tinh ước mong hoài bão về những điều tốt đẹp hơn. Không ngẫu nhiên nhà bác học Lê Quý Đôn nói: “Ta cho thơ có ba điều chính: Một là tình, hai là cảnh, ba là sự…”. Dĩ nhiên, ta hiểu không chỉ là thơ mà rộng ra là văn học nghệ thuật nói chung đều phải lấy cái gốc, cái tiền đề thứ nhất là tình cảm. Một tác phẩm hay phải là sự nâng đỡ, quý mến giáo dục con người luôn hướng thiện. Nó làm thanh khiết, đạo đức hóa con người, nói như Nam Cao làm cho “người gần người” hơn.
Đấy là hay về nội dung. Còn hay về nghệ thuật? Hiển nhiên là tác phẩm hay phải có một hình thức trong sáng, giản dị gắn bó với lối tư duy của dân tộc, với tâm hồn, với lời ăn tiếng nói của đông đảo nhân dân. Cái hay phải luôn mang tính phổ quát tức là hầu hết bạn đọc cảm thấy hay chứ không thể chỉ một bộ phận nhỏ cho rằng hay thì là hay. Có lẽ nên nhấn mạnh vào điểm cốt lõi này: Nhà văn ở thời đại chúng ta là nhà văn của nhân dân, vì nhân dân. Tác phẩm của họ trước hết là phục vụ nhân dân. Không có cái hay nào xa lạ với đông đảo bạn đọc nhân dân.
Văn học luôn phải là tiếng nói mới mẻ về đời sống nhân sinh, về những tâm trạng luôn khát khao đưa ra những cái nhìn mới, cách tư duy mới. Nhà văn muốn đánh thức ở người đọc những khát khao về lẽ đời, lẽ người, tình người, tình đời thì phải luôn tìm đến cái mới. Bởi đúng với quy luật của tình cảm là không chấp nhận một lối quen mòn sáo. Một nhà triết học nói chí lý rằng, người đầu tiên ví cô gái với hoa hồng là một thiên tài, người thứ hai ví cô gái với hoa hồng là một kẻ bắt chước, người thứ ba ví cô gái với hoa hồng thì là một thằng đần. Vẫn cụ Nam Cao nói nhà văn là người “biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Nhiều nhà văn của chúng ta hôm nay không chịu mở lòng để đi cùng những “con tàu tâm tưởng” của Chế Lan Viên đến với những miền đất mới như trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”: Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp/ Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?/ Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/ Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia… Tôi cho rằng, nhà thơ họ Chế này rất thâm khi nói cái câu Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép, là có ý đưa ra bài học cho các nhà văn: Muốn có tác phẩm thì phải mở lòng với cuộc đời, đi vào những miền đất mới để lăn lộn mà sống như con ong hút nhụy đời mà tiết ra mật thơm văn chương.
Văn học ta hôm nay nghèo về đề tài. Những tác phẩm viết về đảo xa, biên giới, viết về tâm tư người dân vùng núi cao, về tâm tư khát vọng người dân nơi vùng rốn lũ… còn ít. Nội dung tác phẩm cũng không phong phú. Ít tác phẩm đặt ra những vấn đề bức thiết về giáo dục cách sống, lối sống cho thanh thiếu niên, ít tác phẩm đưa ra hướng ngăn chặn sự tha hóa đang ngày càng lộng hành ghê gớm ngoài xã hội. Về cách biểu hiện còn mòn cũ. Có một vài tác phẩm được coi là lạ về cách viết, nhưng xét kỹ, lạ chưa phải là mới. Cái lạ của ta nhưng là cái đã quen cũ của người (ảnh hưởng bởi lối viết cũ từ một nền văn học khác).
Giải thưởng văn học còn đòi hỏi có tính cập nhật, thời sự nóng hổi. Viết về đề tài lịch sử nhưng lại đặt ra và giải quyết vấn đề bức thiết của ngày hôm nay thì vẫn là thời sự. Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là thời sự vì ông viết về Hồ Quý Ly, về tín ngưỡng đạo Mẫu, về phong tục thờ Phật… để qua đó cắt nghĩa, lý giải, bàn luận về ngày hôm nay: Sức mạnh tiểm ẩn của văn hóa Việt Nam, nếu phát triển kinh tế mà quên đi cái gốc văn hóa thì sẽ là hiểm họa… Lại có tác phẩm viết về cái hôm nay nhưng đã quá cũ, ví dụ có nhà thơ viết về sex hiện đại nhưng ngẫm kỹ trong ca dao, trong thơ Hồ Xuân Hương còn nói mới mẻ, tinh tế hơn nhiều. Vì thế mà ta hiểu cái cập nhật, thời sự của văn học một cách rất linh hoạt. Chúng ta chờ đón những tác phẩm hay viết về những gì đang diễn ra nơi thẳm sâu suy nghĩ của người nông dân, công nhân… và chờ cả những cách nhìn mới về văn hóa lịch sử trong quá khứ để làm giàu, phong phú cho đời sống tinh thần hôm nay.
Rồi mùa gặt 2012 cũng đã về. Sau một năm cần cù gieo cấy, các nhà văn chăm chỉ và tài năng đã được dư luận biết đến qua sự công bố các tác phẩm được giải thưởng của Hội Nhà văn. Thật tiếc, hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam lại từ chối nhận thưởng. Nhận hay từ chối là quyền của nhà văn, nhưng nhiều người phiền lòng vì những bài viết, bình phẩm lan tràn trên internet. Đó cũng là một sự phiền lòng của xã hội về giới văn chương-trí thức. Mùa giải năm sau, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn chăng?!
THANH NGUYÊN