Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Ngày thơ Việt Nam nên tổ chức thế nào

Ngày thơ Việt Nam nên tổ chức thế nào

BÀN TRÒN NỐI MẠNG VĂN HỌC 1:
Ngày Thơ Việt Nam nên tổ chức thế nào?

NVTPHCM- Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11

vừa trôi qua để lại những dư âm khác nhau.

Có nơi tổ chức thành công. Có nơi bị xem là thất bại.

Là người trong cuộc, các nhà thơ nhìn nhận ra sao về cách tổ chức ngày thơ trong 11 năm qua? Và nên tổ chức thế nào để thu hút các nhà thơ và công chúng yêu thơ đến với ngày thơ đông hơn?

Đó là hai vấn đề mà Bàn tròn nối mạng văn học số 1 của NVTPHCM đặt ra và mời một số nhà thơ tìm lời giải đáp. Xin giới thiệu đến bạn đọc tham khảo.

NHÀ THƠ NGUYỄN VŨ TIỀM (TP.HCM):

– Trong khi ở rất nhiều nước, thơ ca đang bị thờ ơ, quên lãng thì ở Việt Nam thơ được tôn vinh là một điều may mắn. Các nhà thơ và những người yêu thơ cần đón nhận và cố gắng tổ chức sao cho có hiệu quả cao nhất. Ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc có thuận lợi hơn là thời tiết đẹp, mát mẻ, nhưng ở TP.HCM thì nắng nóng và không có địa điểm ổn định, nên gặp nhiều khó khăn.
Qua 11 lần tổ chức Hội Thơ Nguyên tiêu, có nhiều cuộc tổ chức gây ấn tượng tốt. Đặc biệt nhất là Nguyên tiêu lần thứ 5, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức các nhà thơ và một số nhà văn thực hiện tập thơ thủ bút độc bản trên giấy dó và bán đấu giá. Cuộc đấu giá diễn ra tại Càfê Miss Saigon vô cùng hào hứng đến nay vẫn chưa phai mờ trong ký ức bạn yêu thơ. Giá khởi điểm là 5 triệu đồng. Các nhà doanh nghiệp, các bạn yêu thơ đeo bám nhau quyết liệt, 100 triệu rồi 200 triệu… Cuối cùng chỉ còn 2 nhà doanh nghiệp là nhà thơ Lâm Xuân Thi và chị Lê Thị Giàu. Và chị Lê Thị Giàu đã sở hữu cuốn thơ quý giá ấy với giá 250 triệu đồng. Trong buổi đấu giá đó, một số nhà hảo tâm lại ủng hộ được 35 triệu đồng nữa, tổng cộng được 285 triệu đồng. Số tiền ấy Hội Nhà Văn TP.HCM đã trao cho Mặt trận Tổ quốc Thành phố làm quà Tết cho trẻ em nhiễm chất độc da cam. Sự kiện này có tiếng vang lớn. Cho đến nay cũng chỉ thấy xuất hiện một lần ở Hội Nhà Văn TP.HCM mà thôi. Tôi chắc thế giới cũng chưa có.
Có thể nói đó là đỉnh cao nhất trong số 11 lần tổ chức Hội thơ Nguyên tiêu, thành phố ta đã dẫn đầu trong cả nước với kỷ lục này.
Tiếc thay những lần tổ chức sau thì không được thế, cảm thấy như hụt hơi dần.
Có lần như năm 2012, Ngày Thơ Nguyên tiêu tổ chức ở sân bảo tàng bến Nhà Rồng quá nóng, nhiều người mệt mỏi, than phiền.
Năm nay lại tổ chức ở 2 nơi. Ngày 14 tháng Giêng Quý Tỵ ở Cung Văn hoá Lao động gồm các Câu lạc bộ Thơ ở các quận huyện. Tối 15 tháng Giêng Quý Tỵ ở Nhà Văn hoá Thanh niên, gần như là của riêng Hội Nhà văn TP.HCM. Như vậy gây cảm giác phân biệt, rời rạc.

– Để cho ngày thơ tại TP.HCM thu hút hơn, tôi đề nghị:
1. Thành viên các CLB thơ thường đông hơn là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, nên kết hợp làm một sẽ đông vui hơn, không nên tách biệt như năm nay.
2. Thời gian thì đã cố định ngày rằm tháng Giêng rồi, nhưng địa điểm thì không ổn định, năm nào cũng có vẻ lúng túng khó khăn. Hội nên chọn một địa điểm cố định. Theo tôi Cung Văn hoá Lao động là thuận tiện. Có hành lang, có sân, có hội trường, lại trung tâm thuận tiện. Hội nên đặt vấn đề với Cung Văn hoá Lao động để có sự hợp tác chặt chẽ cùng tổ chức, là địa điểm cố định hàng năm, để tiện cho ban tổ chức và công chúng đến dự, thưởng thức nghệ thuật.
3. Chương trình cần phong phú và có sự chuẩn bị, tập dượt công phu. Nhất là người đọc thơ cũng phải tập dượt như ca sĩ, chứ như bấy lâu nay, không ít nhà thơ thiếu sự chuẩn bị và tập dượt, gây cảm giác buồn tẻ, dễ mất công chúng.
4. Hội cần đặt vấn đề với UBND Thành phố coi đây là một hoạt động lễ hội thường niên, có tác dụng tuyên truyền động viên cổ vũ đông đảo công chúng. Vì thế, Thành phố cần có kinh phí ổn định hàng năm.

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC (TP.HCM):

– Theo tôi, khó có thể xác định thành công hoặc thất bại, nếu không có một tiêu chí chung. Ngày thơ năm nào tại TP.HCM cũng tổ chức sân chơi và anh em làm thơ ngẫu hứng kéo đến dạo chơi trong vòng vài tiếng đồng hồ; rồi sau đó có người lên sân khấu đọc thơ (có quay phim truyền hình) và khán giả chỉ chừng mươi nhà thơ ngồi phía dưới vỗ tay lẹt đẹt. Nếu xét theo tiêu chí này, rõ ràng là thành công và năm nào cũng chỉ mỗi “mô hình” này lặp đi lặp lại mà thôi. Còn gì phải bàn nữa?

– Tôi nghĩ cần phải thay đổi não trạng của người tổ chức và phải trả lời hàng loạt câu hỏi sau:
Cần xác định lại Ngày Thơ Việt Nam là của nhà thơ hay của công chúng? Đó là ngày biểu dương nghệ thuật thơ ca; hay ngày hoạt động sự hiện chính trị, sự kiện thời sự thông qua ngày thơ?
Một thực tế là ngày thơ đã không thu hút sự tham dự, quan tâm của ngay cả các nhà thơ, tại sao? Đây là công việc của Hội Nhà văn hay của chính anh em làm thơ, có xác định được thì mới trả lời được câu hỏi vì sao nhà thơ không quan tâm đến Ngày thơ? Ngay cả nhà thơ đã không quan tâm thì còn nói gì đến công chúng?
Mô hình tổ chức phải năng động hơn và thay đổi cách tư duy cũ đi. Thay đổi từ ai và từ đâu? Đó là tư duy “an toàn”, “hoàn thành chỉ tiêu” của “trên giao” mà khi kết thúc có thể thở phào: “Hú vía! Mọi việc rồi cũng ổn thôi! Vậy là xong!” Tâm lý và tư duy này đã giết ngày thơ như thế nào? Làm sao tháo gỡ nếu không thay đổi não trạng?
Cách P.R cho ngày thơ đến giới truyền thông cũng cần phải thay đổi, thay đổi ra sao? Cách tổ chức sân chơi ngày thơ tại sao phải cố định? Nơi nào được chọn cố định?
Tất nhiên, còn nhiều câu hỏi khác cũng cần trả lời thỏa đáng.

 

NHÀ THƠ TRẦN HOÀNG VY (TÂY NINH):

– Ngày Thơ Việt Nam tại TP. HCM năm 2013, tôi không có điều kiện để xuống cùng tham gia, phần còn phải lo hỗ trợ tổ chức Ngày Thơ ở Gò Dầu và Tây Ninh, tuy nhiên tôi có theo dõi thông tin trên các trang mạng, báo đài… Nhìn chung, cách tổ chức ngày thơ của TP.HCM luôn có chất sáng tạo, hấp dẫn thu hút được nhiều người làm thơ và yêu thơ tham gia, đặc biệt là lực lượng trẻ, học sinh, sinh viên… nhắc mọi người cùng nhau nhớ ở Việt Nam có một ngày tôn vinh thơ và người làm thơ như thế…
Tuy nhiên, cũng giống như Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, ngày thơ vẫn còn mang tính chất hình thức, vì phần đông nhân dân vẫn chưa hiểu hết về ngày thơ, chưa biết có ngày thơ. Rất nhiều anh chị em giáo viên dạy văn cấp 2, 3 không biết có ngày thơ. Còn bị “sân khấu hoá”, có khi bị tính… kịch, hoặc âm nhạc, đờn ca tài tử cải lương “lấn sân” (Thơ cần có không khí và… thanh tĩnh, không phải “xô bồ” như ta tổ chức). Có khi là quá… tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân!

– Tôi nghĩ nên tổ chức kết hợp, đưa ngày thơ vào các trường THPT lớn, có uy tín, các trường đại học để phổ biến, tuyên truyền…
Ở các tỉnh, thành phố, chỉ nên tập trung tổ chức ở một điểm (nơi danh thắng, di tích lịch sử tiêu biểu, quan trọng…), và chỉ nên nói chuyện, giới thiệu, bình, diễn ngâm thơ… Cần hết sức tránh những phô trương hình thức, lãng phí và tốn kém, vì đó không phải là bản sắc của thơ!

NHÀ THƠ TRÚC LINH LAN (CẦN THƠ):

– 11 Ngày Thơ Việt Nam trong 11 mùa Giêng, tôi may mắn được dự 8 lần ở hai nơi là thành phố Cần Thơ và Hậu Giang. Hai lần trực tiếp truyền hình. Không biết gọi thế nào là thành công, thế nào là thất bại. Nhưng nhìn chung vẫn “Đầu voi đuôi chuột”. Năm nay khi làm chương trình Ngày Thơ Việt Nam thì có hai nguồn dư luận giống nhau:
1. Lãnh đạo: Làm cái gì mới mới một chút năm nào cũng lên ngâm rồi xuống, lê thê. Ngồi dự rất mệt.
2. Một cơ quan văn hóa hỗ trợ chương trình thì bảo: Năm nào cũng vậy mà, mấy ông bà khỏi lo, tụi tui biết hết rồi mà, có gì mới đâu.
Thấy có nhiều nơi làm ầm ĩ quá nhưng qua rồi có những dư luận này nọ.
Ngày thơ Việt Nam năm 2013 ở Cần Thơ vẫn tổ chức tại sân đình Bình Thuỷ, được sự chỉ đạo quyết liệt của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Cần Thơ… nên diện mạo “Đêm Nguyên tiêu” được coi như đẹp và khá nhất từ trước tới nay. Chương trình có ngắn gọn hơn, mới hơn, đối tượng xem có lực lượng vũ trang, các chàng bộ đội trẻ măng, các bạn sinh viên và đông đảo quần chúng yêu thơ. Hầu như đều ngồi dự đến màn cuối, không khí hình như tươi rói hơn.

– Từ kết quả trên tôi nghiệm ra một vài điều:
Tuỳ vùng đất, tuỳ thị hiếu của người thưởng thức thơ mà làm chương trình cho phù hợp (ngâm thơ, đọc thơ có múa minh họa, múa thơ, kịch thơ, đối thoại thơ, bình thơ, hoạt cảnh thơ, thơ phổ nhạc và miền Tây sông nước thơ viết thành lời ca cổ…)
Chương trình đêm chính đừng quá tham, không ôm đồm, quá dài (chọn tiết mục thật đặc sắc, mới mẻ…) để khán giả xem vừa đủ, cảm thấy tiếc vì mau hết quá…
Tách ra nhiều sân chơi cho nhiều đối tượng (thơ Đường, thơ người cao tuổi, các câu lạc bộ) để ai cũng có quyền tham gia Ngày Thơ Việt Nam.
Điều kiện làm nên đêm thơ hoành tráng: thứ nhất là có sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo; thứ hai phải có kinh phí để trang hoàng cho đẹp, vui, thu hút người tới dự vì tò mò; thứ ba: thơ hay, người ngâm, người đọc giàu cảm xúc, hấp dẫn người nghe; thứ tư: nhiều hình thức mới mẻ để chuyển tải thơ đến với mọi người. (Mỗi năm mỗi khác, tuy nhiên ngâm thơ, đọc thơ vẫn là hình thức truyền thống chủ đạo. Bởi khi ra công chúng thơ thì vấn đề chuyển tải thơ phải thật phong phú về hình thức biểu diễn, khác với thơ nhóm – thơ thù tạc bạn bè).
Riêng với vùng đất miền Tây “đờn ca tài tử”, nếu ngày thơ mà chỉ có ngâm thơ, dù hay đến đâu, thì khán giả cũng không muốn ngồi nghe. Vì vậy, tùy vùng đất, tùy con người mà Ngày Thơ Việt Nam sẽ có nhiều hình thức để chuyển tải cái đẹp của thi ca đến với công chúng.

 

Hội Thơ Nguyên tiêu núi Nhạn ở Phú Yên tạo nên “thương hiệu” riêng
trong 33 lần tổ chức và luôn thu hút đông đảo công chúng – Ảnh: Lê Khánh Mai

NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG (GIA LAI):

– Về cơ bản, 11 năm qua Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội quen thuộc trong cả nước. Đấy là cái được lớn nhất. Trước hết là một thói quen rồi sau đó trở thành một tập tục văn hóa. Thực ra thì thơ không phải là môn nghệ thuật dành cho số đông, nhưng tạo ra một lễ hội thơ thường niên như thế lại giúp cho nhiều người hiểu thơ, đến với thơ hơn. Tất nhiên, nói một cách công bằng, không phải nơi nào cũng có thể tổ chức như nhau. Cái chính là, những người tổ chức phải biết dựa vào điều kiện cụ thể của địa phương mình. Bởi khi đọc bằng mắt nó khác, khi ấy người đọc sống trong tâm trạng cô đơn cùng nhà thơ. Còn khi tổ chức thành “ngày” nó trở thành hội lễ với đám đông, vậy thì cách tổ chức phải tuân thủ quy luật đám đông. Rồi nó phụ thuộc vào lực lượng làm thơ (tác giả) của từng địa phương. Rồi phụ thuộc vào công chúng để tìm hình thức tổ chức phù hợp. Tôi thấy về cơ bản chúng ta vẫn dùng cách đứng lên ngồi xuống (tức là giới thiệu các nhà thơ hoặc người biểu diễn lên sân khấu, đọc hoặc ngâm xong là xuống, có thể có thêm vỗ tay và tặng hoa nữa)… Nhiều người không có khiếu đám đông thì run, vài bác răng cỏ phều phào nữa… thế nên nhiều nơi bị chê là tẻ, nhiều người bỏ về nửa chừng trong khi số người đến dự đã không lấy gì đông đảo.

– Tôi nhớ có năm tôi tổ chức ở Gia Lai một sân thơ thị giác. Tôi chọn gần 100 câu thơ hay, xong mời anh chị em họa sĩ và nhà thơ trẻ tới, nói chúng ta chơi một cuộc vui vẻ và vô tư nhé. Các bạn đồng ý, tôi dựa trên sở trường sở đoản từng người cung cấp thơ và… đất (là một khoảnh đất trong cái công viên), thế là các bạn ấy xắn tay vào làm. Thôi thì thúng mủng giần sàng, xe đạp xe máy, chum vại gạch đá, cả máy may nồi cơm điện nữa… đều được tận dụng. Ngày khai mạc, mỗi khoảnh đất gắn với một tác giả mỹ thuật, anh thì hàng rào, anh thì trải thơ lên cỏ, anh treo lên cây, anh viết vào chum anh dán vào giỏ… thành một cái sân thơ rất rộng và đa dạng. Và quan trọng là, rất đông người vào xem thơ. Họ xem, bình phẩm, thậm chí cùng tham gia vào… chứ không chỉ im lặng khiêm tốn ngồi nghe, vỗ tay và… thi thoảng ngáp như trong hội trường…
Ngay ở sân Văn Miếu, Hà Nội mà mười mấy năm qua Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công với hàng vạn lượt người ấy, thì thực ra cũng có phải ai cũng vào để nghe thơ và có phải ai cũng nghe được đâu. Người ta vào với không khí thơ là chính, chứ đã thích thơ thì họ đọc cả đời rồi, đọc một mình hoặc cùng vài người thôi. Họ đến đấy là để gặp thơ và gặp nhau. Vậy chúng ta phải tổ chức cho họ gặp không khí ấy chứ không phải cứ nghiêm trang hội trường, và cách đọc thơ cũng không nên như cũ…
Tôi thì nghĩ các ngày thơ sẽ tiếp tục phát triển hơn nhưng cách tổ chức sẽ khác hơn để nó có thể trở thành lễ hội của đám đông. Người ta đến để gặp thơ, xem thơ nhiều hơn là đọc thơ và nghe thơ…

NHÀ THƠ VŨ THANH HOA (BÀ RỊA – VŨNG TÀU):

– Tôi thấy ngày thơ không nên tổ chức như “lấy lệ” mỗi năm 1 lần như thế, sẽ nhàm chán và khó để chuẩn bị một lực lượng dày dặn sáng tác và kỹ lưỡng khâu tổ chức. Có thể 2 hoặc 3 năm mới nên tổ chức 1 lần, tránh lãng phí về nhiều mặt.
Phải để công chúng yêu thơ và các nhà thơ tham gia trước khi diễn ra ngày hội thơ với các cách thức mới lạ như bình chọn các nhà thơ yêu thích, các câu thơ hay, các tác phẩm hay trên báo giấy, báo mạng, tin nhắn… Sau đó có một hội đồng thẩm định tổng kết và đánh giá theo những tiêu chí rõ ràng về nghệ thuật. Như thế người yêu thơ mới háo hức xem vì họ được trực tiếp tham gia.
Có thể có những cuộc thi thú vị như: đọc thơ đoán tác giả, kể về những bài thơ tiêu biểu của 1 tác giả… cho đỡ nhàm chán, dịch 1 bài thơ nhanh và hay nhất…
(Còn tiếp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *