Hiện nay chị đang đinh cư tại Hà Lan. Gần hai mươi năm sống nơi xứ người nhưng hình ảnh quê hương vẫn luôn rợp bóng trong tim chị.
Để nguôi đi nỗi nhớ quê nhà,
mảnh vườn nhỏ trước sân chị đã trồng một giàn bầu. Người dân bản địa khi thấy chị tỉ mẩn bên những dây bầu, họ đã gọi chị bằng cái tên rất thân mật- cô thôn nữ trồng bầu. Chị luôn nghĩ với khí hậu rất khắc nghiệt, mùa lạnh kéo dài, thời tiết ấm áp cũng chỉ được khoảng 2 tháng (nhiệt độ ban ngày từ 14 đến 19 độ C, nhưng vào buổi tối có khi sụt xuống chỉ 10 độ) khác xa với Việt Nam, sẽ rất khó để trồng một giống cây trái gì như ở quê nhà. Nhưng một lần đi lễ chùa, chị nhìn thấy giàn bầu của nhà chùa trồng trái xanh tươi treo lủng lẳng, chị đã thay đổi suy nghĩ và muốn trồng thử.
Cuối năm 2010 nhân chuyến về thăm Việt Nam, chị mua một ít hạt bầu và mang sang. Đợi đến giữa tháng 3 năm sau, khi thời tiết bắt đầu ấm một chút thì chị đem hạt ra ươm trong một khay đất nhỏ. Nhưng chị vẫn phải để trong nhà vì chị muốn hạt mầm thích nghi dần với khí hậu bên này. Chị chờ đợi từng ngày, khi những lá mầm bắt đầu nhu nhú xanh, chị đã vô cùng vui sướng. Trong thời gian chờ đợi, chị đã nhờ người hàng xóm tốt bụng làm cho cái giàn bằng dây thép để dây bầu có chỗ leo. Sang tháng 4, nhiệt độ bên ngoài trung bình là 15 độ C, chị ngỡ nhiệt độ sẽ lên cao vì cũng gần vào hè nên vội mang chúng ra ngoài và trồng xuống đất. Nhưng thời tiết lại thay đổi thất thường làm những cây ươm lần đầu của chị chết hết. Vì chị đã quyết tâm phải có được giàn bầu trong sân nên chị nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn chỉ giúp từ cách ươm hạt đến ủ đất, bón phân. Cuối cùng niềm mong ước của chị đã thành hiện thực. Ở Việt Nam trồng khoảng ba tháng là thu hoạch, còn bên này thì thời gian lâu hơn một chút. Nhưng chị vẫn vui khi từng ngày chị nhìn được những dây bầu xanh mơn mởn cũng những trái lủng lẳng trên giàn.
Chị chia sẻ: “Ở cái xứ buồn hiu này, sau giờ làm việc căng thẳng trở về nhà, được ngắm nhìn thành quả lao động của mình, tự tay chăm sóc chúng chị cảm thấy bình yên và mọi mệt mỏi như tan biến”. Chị không ngờ là mình có thể mang được cả giàn bầu từ Việt Nam qua xứ người- đất nước người ta chỉ thấy hoa và hoa. Con gái chị nhiều khi còn ghen tị khi thấy chị cưng nựng những quả bầu còn hơn chị cưng chiều bé. Còn người dân bản địa mới đầu thấy đã ngóng sang hỏi đó là trái gì và có ăn được không, sao lại lớn nhanh thế? Chị lại đứng nói cho họ nghe về cây bầu, về những loại rau quả Việt Nam mà chị đang trồng trông khu vườn nhỏ. Không biết từ khi nào, hàng xóm đã gọi chị một cái tên rất thân mật- cô thôn nữ trồng bầu.
Hôm bầu thu hoạch quả đầu tiên, chị cân được hơn 3kg. Chính chị cũng kinh ngạc và không nghĩ bầu sống trong điều kiệt thời tiết khắc nghiệt nơi xứ người lại lớn được như vậy. Để có thành quả đó, chị phải cảm ơn rất nhiều người bạn đã giúp chị những bước đầu cơ bản về kĩ thuật chăm sóc. Quả đầu tiên đó, chị đã làm món bầu xào tôm ăn với cơm nóng mang sang biếu mấy nhà lân cận. Ai cũng khen ngon và ngỏ ý xin chị một quả. Hạnh phúc trong chị như được nhân lên khi đã quảng bá được món ăn dân dã và những hình ảnh bình dị của Việt Nam đến với bạn bè Thế giới. Chị mỉm cười: “Ai bảo xứ người không trồng được cây trái Việt Nam”?
Một số hình ảnh liên quan
Phạm Tử Văn